Q4 - Chương 16: Pôca - Pôcô
Khi Suku bí mật đem tới khoe Nguyên và Kăply chiếc bao tay nó vừa chế tạo, trên đó những dấu vân tay được mô phỏng theo đúng dấu vân tay mà ông K’Tul ịn trên cục phân giả thì hai đứa đã nôn nao lắm rồi. Nhưng dù sốt ruột đến mấy, Nguyên cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng mò vào bí thất của ông K’Tul trong khi không xác định được ông đang ở đâu cũng mạo hiểm không kém gì đút đầu vào miệng cá sấu.
Trong khi chờ đến ngày thứ sáu, ngày mà tụi nó biết chắc là ông K’Tul không có nhà, tụi nó vẫn buộc phải ép mình tới trường, ép mình nhìn bộ mặt khó ưa của thằng Amara. Cặp mắt thằng này vốn đã ti hí, mấy hôm nay nó cứ cười tít cả lên nên gần như không thấy mắt nó đâu. Trong khi tụi học sinh Đămri không giấu vẻ lo lắng khi mọi thứ chung quanh đang rối tung thì thằng Amara lại cực kỳ khoái chí.
– Tụi mày có đọc báo Tin nhanh N, S & D hôm qua không? – Gặp ai, nó cũng hỏi như quát vào mặt – Trong hai đứa mất mạng vì đua chổi bay hôm nọ, có một thằng là sinh viên lớp Hướng nghiệp của trường mình đó.
Sáng nay nó chặn Nguyên và Kăply ngay tại cửa lớp một cách thô bạo cũng chỉ để phun vào mặt hai đứa này cái câu đó.
– Thì sao nè? – Kăply hầm hè.
Amara nhếch mép, tiếp tục phơi bộ mặt khiêu khích:
– Thì có nghĩa là hiệu trưởng trường mình phải lãnh đủ chứ sao.
– Chỉ những đứa có cái đầu làm bằng gạch mới nghĩ như vậy thôi. – Kăply nhún vai, cố để đừng nổi nóng (nhưng rõ ràng là nó đã nổi nóng, nếu không nó đã không vô ý dùng hình ảnh cục gạch để chửi thằng Amara).
– Thầy N’Trang Long chỉ chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong khuôn viên nhà trường thôi, Amara.
Nguyên nói bằng giọng nhỏ nhẹ và kéo tay Kăply đi lại chỗ ngồi, theo cái cách người ta kéo mồi lửa tách ra khỏi một đống rơm trước khi mọt thứ kịp trở nên tệ hại.
– Hừm, tụi bay chống mắt lên mà coi!
Amara nói với theo, giọng gây hấn, nhưng Nguyên đã đột ngột giống như một kẻ bị điếc bẩm sinh.
Trong những ngày đó, sự xuất hiện của hai cha con họa sĩ Yan Dran và cặp ma nhóc song sinh Pôcô – Pôca tại trường Đămri giống như một cơn mưa mùa hè tưới mát những cơn bực dọc do hai thầy trò Amara – Y Đê gây ra cho bọn Kăply.
Thầy N’Trang Long giới thiệu ngắn gọn trước toàn trường:
– Họa sĩ Yan Dran sẽ phụ trách môn hội họa bên lớp Hướng nghiệp.
Khác với giáo viên thỉnh giảng ở lớp dạy nghề như danh y K’Buđăng hay tổng biên tập Kan Blao, họa sĩ Yan Dran do nhà ở quá xa nên được trú ngụ luôn tại trường, trong một căn phòng do thầy N’Trang Long bố trí ngay trong tòa tháp phía bắc.
Học sĩ Yan Dran góa vợ nên đi đâu cũng tha thằng Yan Jik theo. Còn thằng Yan Jik thì lẽ dĩ nhiên đi đâu cũng tha hai anh em Pôcô – Pôca đi theo. Nếu lão quản gia Imđi không ở lại trông nhà, cả nhà Yan Dran coi như dời hết về đây.
Bọn Kăply và ba thằng quỷ con (nói chính xác là một thằng quỷ con và hai con ma con) gặp lại nhau tay bắt mặt mừng tíu tít.
Nguyên xoa đầu thằng oắt:
– Em vẫn khỏe chứ Yan Jik?
– Em sắp hết khỏe rồi, anh K’Brăk. – Đang tươi hơn hớn, Yan Jik bỗng xịu mặt – Ba em nói sẽ tống em vô lớp Sơ cấp 1.
Bolobala cười:
– Em lớn rồi phải đi học chứ.
Êmê nhìn Yan Jik bằng ánh mắt cảnh giác:
– Còn cái câu thần chú bậy bạ gì gì đó…
– Thần chú Đứt phựt không phải là thần chú bậy bạ. – Thằng Yan Jik chu mỏ, trông cái cách nó nhướn mắt và gân cổ lên có thể thấy nó sắp sửa lao vào một cuộc tranh cãi, nhưng thoắt cái nó đâm ra xụi lơ.
– Nhưng dù sao thì ba em cũng không cho em xài thần chú đó nữa. – Yan Jik nói tiếp bằng giọng buồn thỉu buồn thiu.
– Đừng buồn nữa, Yan Jik. Câu thần chú đó thiệt ra chẳng có gì hay ho hết. Ở lớp Sơ cấp 1 có bao nhiêu là điều hay để học. – Mua an ủi và ngắm thằng oắt bằng ánh mắt trìu mến. Bữa nay Yan Jik không còn là thằng bé mặt mày lem luốc và lúc nào cũng mặc độc một cái quần cụt trễ rốn như tụi nó nhìn thấy hôm nọ. Khi ăn vận tươm tất, trông nó ít giống trẻ lang thang hơn, mặc dù cây cọ vẽ vẫn luôn ngọ nguậy trên tay.
Mua đang tấm tắc khen thầm, thằng oắt bỗng phun ra một câu khiến cô nàng muốn té ngửa:
– Ê, chị nói sai rồi nha. Đi chơi sướng hơn. Chỉ có ai ngu mới đi học.
– Trời đất! Ai bảo em vậy?
– Anh Pôcô và anh Pôca bảo chứ ai.
K’Tub gầm gừ:
– Hai thằng đó mới đứng đây đã biến đâu rồi? Để anh tẩn cho hai đứa lôm côm đó một trận.
Đang đảo mắt tìm anh em Pôcô – Pôca, K’Tub chợt giật mình phát hiện hai con ma nhóc đang bị một đám đông bu quanh chọc ghẹo ở góc sân phía tây, gần lớp học có cửa kính tím.
– Nguy rồi.
K’Tub la lớn và lật đật co giò chạy.
Phải rất vất vả bọn Kăply mới len qua được tụi học trò xúm đen xúm đỏ quanh hai anh em Pôcô – Pôca. Ở chính giữa vòng tròn, hai con ma nhóc đang đỏ mặt tía tai đấu khẩu với thầy trò Amara – Y Đê.
– Tụi mày là hai con ma. – Amara cười hề hề – Tao tưởng tụi mày phải biết là tụi mày đã chết ngắc từ đời nào rồi chớ.
– Tụi em không phải là ma. – Pôcô cãi lại, giọng đã muốn khóc.
– Coi nè!
Amara nói và bước tới một bước, quẹt tay vô người Pôcô. Mọi ánh mắt đều thấy cánh tay nó quẹt vào khoảng không.
– Thấy chưa! – Amara cười hăng hắc, đầu tóc xoăn tít của nó xoay tròn bốn phía như một con nhím – Tao hổng chạm được vô người nó mà nó cãi nó không phải là ma kìa tụi bay.
– Tụi em cũng đâu có chạm được vô người anh.
Thằng Pôca trong có vẻ lanh hơn thằng Pôcô, vừa nói nó vừa nhào tối vung tay quẹt vô người Amara nhanh như chớp, dĩ nhiên là nó cũng quơ tay vô khoảng không y như Amara vừa rồi.
Pôca nhảy lùi lại và toét miệng cười, cố tình nhại lại câu nói khi nãy của thằng Amara:
– Hè, như vậy là anh cũng chết ngắc từ đời kiếp nào rồi.
Thái độ trẻ con của Pôca khiến tụi bạn đứng quanh cười ồ. Amara vắt óc một hồi không tìm ra cách nào vặn lại thằng Pôca, đã vậy tiếng cười của lũ bạn không ngừng ngoáy vào tai khiến mặt nó ửng lên từng phút một.
Thằng Y Đê biết sư phụ đang bầm gan, liền giở giọng nịnh nọt:
– Thằng oắt này láo quá. Để tao trị nó cho.
Amara chưa kịp nói gì, Y Đê đã xông tới vung chân đá mạnh vô mông Pôca, quên phắt rằng nó không thể nào chạm được vào người đối phương.
Y Đê đã đánh vù một cái, dùng sức nhiều quá nên mất đà, người nó quay mòng mòng như đang đứng trên bàn xoay và ngã đánh “uỵch” một tiếng như trời giáng.
Lại một tràng cười rộ nổi lên.
K’Tub nhảy tưng tưng:
– Hay quá anh Y Đê.
Y Đê lồm cồm bò dậy, quắc mắt nhìn K’Tub:
– Mày nói gì, nhóc?
K’Tub tỉnh queo đáp:
– Em muốn nói là em chưa thấy ai đá đẹp như vậy. Anh đá lại cho em coi nào!
– Nghe đây, nhóc. – Y Đê nghiến răng ken két – Tụi tao và hai con ma cà chớn kia không ai chạm được vô ai chứ nắm tay tao dư sức dộng vô mặt mày đó.
Có vẻ như sắp xảy ra đánh nhau to nếu lúc đó Pôca không lên tiếng.
– Anh nói sai rồi. – Pôca cười hì hì – Anh không chạm được vào tụi em nhưng tụi em có thể làm anh sặc máu mũi dễ như bỡn.
– Chơi liền đi, anh Pôca. – Thằng Yan Jik đến lúc này mới chen lọt vô được bên trong. Vừa ló đầu vô nó đã huơ huơ cây cọ vẽ, hào hứng xúi liền – Cho hắn biết thế nào là lễ độ đi!
– Đừng có dóc! – Y Đê quay sang Pôca, mặt khinh khỉnh – Mày mà đụng được chéo áo tao, tao đi đầu xuống đất liền…
Y Đê nói chưa dứt câu, vòng tròn người bu quanh đã thấy trước mắt nháng lên một vệt xanh lè như có một tia chớp xẹt qua. Chưa ai rõ là chuyện gì, đã nghe tiếng “bốp”, liền theo đó là tiếng rú thảm thiết của Y Đê. Nó té bật ngửa ra sau, dộng đầu xuống đất một cái “cộp”.
Sự biến xảy ra quá nhanh, đến khi kịp định thần, tụi bạn mới nhìn thấy thằng Pôca đang thong thả cột lại dây thắt lưng – một đầu dây vẫn còn đang ngoe nguẩy.
– Thanh xà!
Thằng Amara khiếp hãi ré lên, lưỡi ríu lại, trông nó đã rất muốn bỏ chạy nhưng đôi chân có vẻ đã không còn nghe lời nó.
Trừ bọn Kăply, tụi bạn đứng quanh quýnh quíu dạt tuốt ra xa, cứ như thể Amara vừa cho nổ một quả mìn. Đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lè xanh lét, mắt nơm nớp nhìn chỗ thắt lưng của Pôca. Quả nhiên, thằng nhóc đang thắt chiếc dây lưng màu xanh. Ở bên cạnh, thằng Pôcô cũng có chiếc dây lưng y hệt như vậy nhưng màu trắng.
Y Đê té bật ngửa ra sau…
– Thanh xà bạch xà! – Tiếng một đứa nào đó run rẩy rên lên – Loại linh xà này mà đớp trúng một miếng coi như tiêu đời!
Ở dưới đất, thằng Y Đê lóp ngóp bò dậy, sợ hãi nhìn quanh, bong bóng máu không ngừng phì ra từ lỗ mũi. Trông bộ tịch nhớn nhác của nó có thể thấy rõ nó vẫn chưa hiểu tại sao vừa rồi nó bị một cú quá mạng như vậy.
– Cái gì thế?
Tiếng thầy Akô Nô vang lên và một cái đầu nhỏ xíu để tóc trái đào thò vào giữa đám đông chộn rộn.
Amara chỉ tay vào Y Đê, hùng hổ méc, giọng nghiêm trọng như thể đang tố cáo một vụ giết người:
– Thầy ơi, thằng Y Đê mới bị hai con ma nhóc kia dùng linh xà đánh hộc máu đó thầy.
Trái với sự chờ đợi của Amara, thầy Akô Nô chỉ nhìn lướt qua Y Đê một cách hờ hững rồi quay phắt sang anh em Pôcô – Pôca, mắt sáng lên:
– Linh xà hả? Thiệt không đó?
Ánh mắt thầy dán cứng vào sợi thắt lưng của hai con ma nhóc, miệng reo ầm:
– A, đúng là thanh xà bạch xà rồi. Hì, lão Ôkô Na và đám Hắc tinh tinh ngốc nghếch thù hai con rắn này đến tận xương tủy đây mà.
Mặt mày hớn hờ, thầy chìa tay về phía cặp ma song sinh:
– Nè, bọn người đưa ta mượn xem hai con rắn chút đi.
Pôca bất giác bước lui một bước, đưa mắt tò mò ngắm thằng nhóc trạc tuổi mình, hỏi giọng cảnh giác:
– Mày là ai?
– Pôca, em không được hỗn. – Bolobala vọt miệng – Thầy Akô Nô đó.
– Thầy bà gì. – Thầy Akô Nô toét miệng cười hì hì, ánh mắt vẫn đi qua đi lại giữa Pôca và Pôcô một cách hào hứng – Ta và bọn ngươi coi như bạn bè thôi…
Đang nói nửa chừng, bất thình lình thầy thò tay ra chộp sợi thắt lưng của Pôca, giật mạnh một cái. Thầy Akô Nô ra tay nhanh như điện, lại hoàn toàn đột ngột, Pôca định ngăn cản hay tránh né thì đã muộn.
Con thanh xà lập tức tuột khỏi người Pôca. Nhưng thầy Akô Nô chưa kịp đưa lên mắt xem, Pôca đã chúm môi huýt gió một tiếng, con thanh xà đã cong mình búng ra khỏi tay thầy, bay lộn trở về.
Thầy Akô Nô lại đưa tay ra chộp. Thầy ra tay cực kỳ thần tốc nhưng cũng chỉ tóm được mẩu đuôi của con thanh xà. Ở phía bên kia, Pôca cũng nhanh tay tóm lấy đầu rắn. Người tóm đầu người tóm đuôi, cả hai bặm môi ra sức kéo.
Bọn học trò trường Đămri quên cả sợ, há hốc miệng đứng xem như xem trò kéo co. Ngay cả Pôcô cũng không giấu vẻ khoái trá. Nó chạy lòng vòng quanh hai đối thủ, giọng hí hửng:
– Hay quá! Cho chơi với!
Không đợi thầy Akô Nô và Pôca đáp lại, nó huýt lên một tiếng, con bạch xà đang quấn ngang lưng nó bay vù ra, xẹt thẳng về phía thầy Akô Nô như một vệt sao băng.
Trước ánh mắt hồi hộp của bọn trẻ, thầy Akô Nô vung cánh tay còn lại, chộp trúng ngay chóc đầu rắn. Chỉ đợi có vậy, thằng Pôcô tóm đuôi con bạch xà, láu táu:
– Bắt đầu kéo nha!
– Hì hì, ta chấp hai đứa ngươi đó.
Thầy Akô Nô nói mà mặt tươi hơn hớn. Kăply mỉm cười, nhớ là đã lâu rồi thầy Akô Nô không có dịp đùa giỡn với học trò. Bữa nay có lẽ gặp hai thằng nhóc cùng tuổi, tính trẻ con của thầy bất thần trỗi dậy.
Một ông thầy nhóc tì và hai con ma cứ thế phồng má trợn mắt kéo qua kéo lại cả buổi. Nếu lúc đó họa sĩ Yan Dran không xuất hiện, chắc thầy Akô Nô sẵn sàng bỏ dạy để chơi với hai con ma nhóc tới trưa.
– Pôcô, Pôca! Trước khi dẫn tụi bay tới đây, ta đã dặn thế nào hử?
Đi liền với câu nói là một cái đầu rối bù húc mạnh vào giữa đám đông. Vẫn bó người trong bộ đồ ngắn màu đen chật chội với những đường diềm màu mè ở vai và cổ tay, họa sĩ Yan Dran huơ thanh gươm ngắn cũn về phía đám kéo co, thở phì phì giận dữ:
– Tụi bay có thôi ngay đi không hả?
Lần này thì Pôcô và Pôca lập tức buông ngay hai con linh xà. Hai đứa quay về phía họa sĩ Yan Dran, ấp úng:
– Bố…
– Bố cái đầu tụi bay – Họa sĩ Yan Dran nổi cáu – Thanh xà và bạch xà đâu phải là thứ đồ chơi. Tao đã nói với tụi bay như thế nào ta hy vọng tụi bay chưa quên sạch hết chớ hả?
– Tụi con nhó mà. – Pôca chớp chớp mắt, giọng biết lỗi – Bố dặn khi đặt chân đến trường Đămri tụi con không được lôi hai con linh xà ra. Chỉ được phép dùng làm dây thắt lưng thôi.
Gương mặt Yan Dran đỏ bầm:
– Thế mà…
– Ông Yan Dran ơi. – Thầy Akô Nô xen lời, tay vung vẩy hai con rắn, vẻ bất bình – Ông hổng cho tụi nó lôi hai con rắn nhép này ra chơi thì tôi biết chơi với ai chớ.
– Ngài Akô Nô, đây là quy định của nhà trường. – Họa sĩ Yan Dran nhăn nhó, hạ cây gươm xuống – Tôi đã đồng ý với ngài N’Trang Long về chuyện này rồi, mong ngài thông cảm.
Câu nói của họa sĩ Yan Dran kết thúc luôn câu chuyện lình xình xoay quanh anh em Pôcô – Pôca trong buổi sáng hôm đó. Sau khi nhận lại hai con rắn từ tay thầy Akô Nô, hai con ma nhóc quấn cặp thanh xà bạch xà quanh thắt lưng rồi líu ríu đi theo họa sĩ Yan Dran về phía ngọn tháp trước ánh mắt tò mò của đám học trò trường Đămri.
Ở phía sau, thằng Yan Jik lót tót chạy theo, miệng không ngớt ca cẩm:
– Ba ơi ba. Ba đừng bắt con đi học nghe, ba. Ba cho con ở nhà chơi với anh Pôca và anh Pôcô đi, ba.
– Im đi! – Yan Dran nạt, tức giận đến mức không biết mình đang nói bằng giọng của lão quản gia Imđi – Ngay cả hai thằng Pôcô – Pôca, ta cũng tống vô lớp luôn. Nói chung là hổng đứa nào được ở ngoài rong chơi để rồi gây chuyện rắc rối hết á.
oOo
Bữa đó, Kăply ngồi học mà không làm sao ngăn mình đừng liếc qua chỗ thằng Y Đê ngồi, khoái chí khi thấy thằng này cứ gục mặt xuống bàn để giấu chiếc mũi sưng tấy. Ngồi ngay trước mặt Y Đê là sư phụ nó – thằng Amara.
Amara mặt vẫn hầm hầm, có lẽ chưa nguôi ấm ức về chuyện khi nãy ngoài sân trường. Nhìn Amara liên tục ngọ nguậy trong chỗ ngồi, Kăply hổng dám chắc là nó đang cố nuốt cơn giận trong lòng hay đang cố nhốt một con sư tử dưới gầm bàn.
Kăply kín đáo quan sát Amara, thấy thằng nhãi làm thinh được một lúc. Chỉ một lúc thôi, rồi nó có vẻ không thể làm chủ bản thân lâu hơn.
– Thầy ơi thầy… – Cuối cùng Amara đứng phắt dậy, ngoác miệng đến tận mang tai, kêu lớn.
Thầy Haifai giật nảy, lời giảng đột ngột tuột khỏi môi thầy. Trước vẻ mặt thắc thỏm của cả lớp, thầy lừ lừ quay cái trán dồ về phía tên học trò phá đám, đôi mắt sâu hoắm lóe lên thứ ánh sáng rờn rợn:
– Ta nghĩ không phải là trò tự dưng phát điên đó chớ, Amara?
– Thưa thầy, chẳng lẽ thầy không biết hiện nay có hai con ma đang đi lại lơn tơn trong trường mình. – Amara cáu tiết xổ một tràng, chẳng buồn để ý đến vẻ mặt đe dọa của thầy Haifai – Con không hiểu Bộ giáo dục đã hay biết chuyện này chưa. Cả thầy nữa, con không nghĩ thầy lại có thể tán thành một chuyện vô nguyên tắc như vậy.
– Ta thì ta chẳng thấy gì gọi là vô nguyên tắc. – Thầy Haifai khìn khịt mũi, giống như thể có một viên đạn từ trong đó sắp sửa vọt ra – Đó là hai con ma của họa sĩ Yan Dran, một giáo viên xuất sắc và cần thiết cho lớp Hướng nghiệp. Mà ai chứ Yan Dran thì ta rất hài lòng nếu ông mang theo vỏn vẹn có hai con như hiện nay.
Y như bị ăn tát, Amara nhướn cao mày cố bắt chước thầy Haifai bắn ra những tia sáng giận dữ nhưng cặp mắt ti hí của nó gắng cách mấy cũng không giống như trợn lên được. Thế là nó lại hả họng rống to theo cái cách không thể nhầm được của người ưa ăn vạ:
– Cô ơi cô! Hổng lẽ cô…
Nhưng ngay cả khi giở đến chiêu cầu cứu sư mẫu, Amara vẫn không gặp may. Từ đôi môi đỏ chót của thầy Haifai, một giọng nữ lanh lảnh bật ra:
– Hổng lẽ cái con khỉ! Chỉ có đứa đại ngu mới đụng đến họa sĩ Yan Dran thôi.
Cô Haifai lật đật nói tiếp, vẻ mặt ngơ ngác của tên đệ tử ruột khiến giọng cô mềm đi:
– Tốt nhất là con không nên tru tréo lên nữa, Amara. Chuyện họa sĩ Yan Dran, thằng nhóc Yan Jik lẫn hai anh em Pôcô – Pôca được bố trí ở trong trường Đămri, không chỉ Bộ giáo dục mà cả Hội đồng Lang Biang cũng đã biết rồi.
Kăply khoái chí nhìn thằng Amara thả người rơi phịch xuống ghế và tức tối xộc mười ngón tay vô mái tóc xoăn như muốn đào một cái lỗ ngay đỉnh đầu. Thiệt ra, ngay từ khi thầy Haifai còn là Krazanh và Kim thì giữa vợ chồng thầy và họa sĩ Yan Dran đã có một mối giao tình đậm đà. Hôm trước, qua tấm gương lưu trữ trong văn phòng hiệu trưởng, Kăply đã tận mắt chứng kiến cảnh vợ chồng thầy Haifai xả thân cứu Yan Dran khỏi tay trùm Bastu như thế nào và vợ chồng thầy vì vậy đã biến thành hình thù quái dị như ngày nay ra sao. Thằng Amara không biết chuyện đó nên đã chơi cái trò ngu ngốc là tìm cách tấn công họa sĩ Yan Dran, kết cục là bây giờ nó đang ngồi đực ra như bị thằn lằn ị trúng mặt.
Nhưng buổi sáng đó cũng không hoàn toàn là những khoảnh khắc vui sướng với Kăply. Lúc ra về, nhỏ Mua cứ xán lại cạnh nó. Luôn miệng hỏi han:
– Vụ truy tìm báu vật tới đâu rồi, K’Brêt? Sao mấy hôm nay bạn không nói gì với tôi hết vậy?
– Tôi và K’Brăk đang mò mẫm, Mua à.
Kăply ngập ngừng đáp, lòng bất giác quặn lại. Không cần phải lạc quan lắm nó cũng biết là thứ sáu này tụi nó chắc chắn sẽ lọt vào bí thất của ông K’Tul. Nếu đúng như Suku suy đoán thì khi tụi nó đeo chiếc găng có dấu vân tay của ông K’Tul vào và áp lên cánh cửa, thần chú Tới luôn sẽ phát huy tác dụng. Có thể tụi nó sẽ tìm thấy chiếc gương trong bí thất, rồi sau đó cũng rất có thể tụi nó sẽ khám phá ra điều gì đó liên quan đến báu vật ở lâu đài K’Rahlan.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì chẳng việc gì Kăply phải nói dối Mua. Sở dĩ nó không nói với nhỏ bạn về chuyện tụi nó sắp tìm ra tấm gương trong bí thất của ông K’Tul chẳng qua vì mấy hôm nay nó mãi vật lộn với ý nghĩ nhỡ nó và Nguyên tìm thấy hai chiếc ghế ngựa vằn trong căn phòng bí thất đó thì sao há. Chắc là tụi nó sẽ mừng rỡ leo lên ghế và vội vã vù về làng Ke! Kăply bần thần nhủ bụng. Nó và Nguyên xa nhà đã khá lâu rồi, tụi nó có nấn ná ở lại xứ Lang Biang trong vai trò những chiến binh giữ đền bất đắc dĩ cũng chỉ vì tụi nó chưa dò ra cái chỗ ông K’Tul cất giấu hai chiếc ghế ngựa vằn. Một khi tìm được hai chiếc ghế đó rồi, không có lý do gì tụi nó không lập tức trở về làng Ke, hẳn nhiên là càng nhanh càng tốt. Mà như vậy có nghĩa là tụi nó sẽ không còn gặp lại những đứa bạn thân thiết như Êmê, K’Tub, Suku, Păng Ting, Bolobala, Tam… và nhất là Mua. Phải lìa xa Mua đối với Kăply là chuyện vô cùng khổ tâm, nó càng cảm thấy ray rứt hơn khi chia tay nhỏ bạn mà không kịp nói lời từ giã. Kăply không biết mình có thể chịu đựng được sự thật đó không, rồi Mua nữa, Kăply không dám tưởng tượng khi biết được nó đã đột ngột ra đi và không hẹn ngày quay lại, tâm trạng của nhỏ bạn sẽ như thế nào.
– Bạn và K’Brăk đã giải được câu đố của cậu K’Tul chưa? – Câu hỏi của Mua cắt ngang sợi tơ buồn đang giăng trong lòng Kăply.
– Chưa. Nhưng sớm muộn gì tụi này cũng giải ra, Mua à.
Kăply lại nói dối và quay mặt đi, trong đầu chợt lóe lên ý nghĩ nếu khám phá được bí mật trong tấm gương của ông K’Tul, mình sẽ tiết lộ cho Mua biết đáp án của câu đố. Lúc đó, đáp án chẳng còn giá trị gì nhưng ông Pirama sẽ có cơ hội tới tiệm Những Dấu Hỏi để lãnh khoản tiền thưởng 200.000 năpken. Với gia cảnh của Mua, số tiền đó thậm chí còn lớn hơn một gia tài. Chà!
Kăply tự khen mình, suýt chút nữa đã buột miệng reo lên nhưng rồi nó kềm lại được. Kăply không nghĩ ra mình nên nói gì tiếp theo nhưng mặt nó đã lấy lại vẻ tươi tỉnh.
– Khi nào có tin gì mới, bạn không được giấu tôi đấy nhé. – Mua đi sát vào Kăply, thì thầm dặn, giọng phảng phất lo âu, có lẽ trực giác cho nó biết Kăply không hoàn toàn xổ hết gan ruột ra với nó.
– Tôi nhớ rồi mà.
Kăply gật đầu đáp, tránh nhìn vào mắt Mua, sợ nhỏ bạn đọc được những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu mình.
Để lảng đi câu chuyện, Kăply nhìn thằng Tam và Bolobala đang cặp kè bên nhau, nói lớn:
– Lâu quá tao hổng thấy mày làm thơ đó, Tam.
Nguyên liếc vẻ lúng túng của Tam, mỉm cười đỡ lời:
– Đừng đòi hỏi nhiều thế, K’Brêt. Đôi khi suốt cả đời con người ta chỉ cần làm một bài thơ là đủ.
– Anh nói hay lắm, anh K’Brăk. – Êmê nhanh nhẩu vọt miệng, như thể cô nàng rình Nguyên từ nãy giờ – Nhưng cho đến hôm nay anh vẫn chưa hề làm tặng em một bài thơ nào hết đó nha.
Vừa nói Êmê vừa nhìn Nguyên bằng ánh mắt mà đứa nào cũng thấy rõ là chứa đầy trách móc. Nguyên càng thấy rõ điều đó hơn ai hết, cho nên màu đỏ trên mặt Tam lập tức chạy qua mặt nó, nhanh còn hơn người ta đổi màu trên bảng quảng cáo điện tử.
Dứt một lúc bốn, năm sợi tóc, Nguyên làm một động tác giống như cười mà không phải cười, trông nó ngượng ngùng đến mức cuối cùng Êmê đành phải nói thêm một câu nữa:
– Em chỉ trêu anh thôi. Khi nào muốn nói gì với em thì anh gặp em anh nói thẳng chứ đâu cần phải làm thơ như thi sĩ Rchom Tam, anh K’Brăk há?
Khi nói như vậy, Êmê không biết nó càng làm cho Nguyên bối rối hơn nữa. Lúc nãy, mặt Nguyên dở cười dở khóc. Còn bây giờ rõ ràng là khóc thiệt rồi.