Chương 15
Hôm sau, mọi người cùng nhau đến nhà Mã Tiểu Binh nếu nơi này có thể gọi là “nhà”. Đó là một tầng trệt cũ nát ở ngoại ô, trong phòng không có giường, chỉ có hai tấm gỗ mang hình dáng của cánh cửa cũ, trên trải ruột bông. Một bên kê chiếc tủ gỗ chỉ còn nửa cánh cửa, một bên kê chiếc bàn trà, mấy băng ghế và một cái bàn nhỏ. Chiếc bàn bốn cạnh này có thể gập lại nhưng chân đã bị rỉ, mặt bàn phủ một lớp bụi dày, có lẽ trên bàn để vật gì đó khá lâu nên in lại dấu vết.
Ông Vương, người đưa bọn họ tới chỉ vào cái bàn và nói: “Trước ở đây bày cái ti-vi, do bà vợ tôi mang sang cho nhà họ”.
Ông Vương là đồng hương với gia đình Mã Tiểu Binh, đồng thời là bố của thằng bé cầm đầu đám trẻ ăn xin Vương Dũng.
“Tôi đã bảo là nhà họ đi lâu rồi mà. Giờ cô cậu tin chưa?” Ông Vưong nói.
Ninh Phong đưa cho ông ta một điếu thuốc lá, châm lửa, hỏi thăm vài câu rồi nói tới chuyện chính: “Bác Vương, thế đã xảy ra chuyện gì ạ?”.
Ông Vương hút vài hơi rồi ngồi xổm xuống. Ninh Phong ngồi bên canh. Ông Vương híp mắt lại: “Tôi biết cô cậu là người tốt, cậu và cô gái lần trước...” ông ta vừa nói vừa chỉ điếu thuốc về phía Tăng Lý, “Từng đến trường học giúp lũ trẻ nhà chúng tôi, còn quyên góp quần áo sách vở, nếu không tôi đã chẳng đưa cô cậu tới đây”.
…
“Ở nông thôn chúng tôi, làm ăn vất vả, chẳng mấy gia đình có khả năng cho con vào thành phố học. Nhiều khi vợ chồng chúng tôi phải đi làm đêm, bọn trẻ tan học về nhà không ai quản, gặp dịp một người đồng hương nói cần vài đứa trẻ lên phố đi xin tiền, chúng tôi nghĩ ít nhất như thế cũng có người quản lí bọn trẻ, lại được cho tiền cho ăn nên đồng ý.”
Lúc nói những lời này, đôi mắt ông Vương ngập trong làn khói thuốc tỏa ra từ miệng. Ngải Cảnh Sơ vẫn im lặng đứng nghe.
Ông Vương lại nói: “Về sau tôi mới biết Mã Tiểu Binh cũng ở trong đám trẻ đó. Thực ra Mã Tiểu Binh được ông Mã nhặt về từ bệnh viện, nghe nói là thằng bé bị bỏ lại trong WC. Thấy mọi người bảo là ông Mã bị câm, hơn chục năm trước vốn đã lấy vợ, nhưng ông ta hơi điên, lúc thì bình thường lúc thì gào khóc, thế là bà vợ không chịu được bỏ đi theo người khác. Bây giờ ông ta cũng có tuổi rồi, người thân họ hàng chẳng ai lo cho ông ta nên ông ta vào thành phố nhặt đồng nát, bới thùng rác tìm giấy báo, chai lọ nhựa phế phẩm, ai ngờ một hôm nhặt được đứa trẻ con. À, cô cậu gặp Mã Tiểu Binh chưa?” Ông Vương đột nhiên ngẩng lên hỏi.
Tăng Lý gật đầu đáp: “Gặp rồi ạ”.
Ngải Cảnh Sơ vẫn không lên tiếng.
Ông Vương chỉ vào miệng mình và nói tiếp: “Thằng bé bị hở môi, mũi cũng bị hở nên uống nước đều sặc, có mấy lần suýt chết nữa đấy. May mà nó mạng lớn. Nhìn nó như vậy thôi nhưng đầu óc tinh ranh lắm, nghe nói hôm nọ bị người ta bắt lên bệnh viện, người đồng hương mang bọn trẻ đi ăn xin kia sợ quá, tưởng là chính quyền và phóng viên sẽ tìm đến nên bố con họ đi rồi”.
“Về quê ạ?” Ninh Phong hỏi.
Ông Vương sửng sốt, dè dặt hỏi: “Các cô cậu tìm Mã Tiểu Binh làm gì?”
“Giúp thằng bé chứ còn làm gì nữa.” Ninh Phong đáp.
Ông Vương nửa tin nửa ngờ ngẩng đầu nhìn về phía người từ đầu tới cuối chưa nói câu nào đứng ở góc nhà kia.
“Hai cô cậu thì tôi biết, còn cậu ta? Người của chính quyền à?”
Tăng Lý liếc Ngải Cảnh Sơ một cái, vội vàng giải thích: “Không ạ, anh ấy là bác sĩ. Chính anh ấy đang tìm Mã Tiểu Binh về chữa bệnh”.
Ông Vương ngừng hút thuốc, hỏi: “Chữa khỏi được à?”.
Ngải Cảnh Sơ bấy giờ mới nhìn ông ta và đáp: “Chữa được”.
Anh chỉ nói hai chữ, không giải thích gì thêm, nhưng lại khiến cho người khác có một cảm giác rất đáng tin cậy.
“Nhưng nhà họ không có tiền chữa đâu.” Ông Vương dụi điếu thuốc xuống đất, bổ sung một câu.
“Cháu sẽ nghĩ cách.”
Tăng Lý nói: “Nhưng phải sớm tìm được thằng bé, chữa chạy càng sớm càng tốt”.
Nhìn thấy trên vách tường có một dãy số di động được viết bằng phấn trắng, Ninh Phong bèn hỏi: “Số điện thoại của họ đây ạ?”.
“Của thằng cháu họ ông Mã.” Ông Vương đứng dậy, giậm giậm chân, “Nhà họ ở gần nhau, cô cậu cứ gọi điện hỏi thăm xem sao”.
Rời khỏi xóm của ông Vương, Ninh Phong về trước, Ngải Cảnh Sơ lái xe đưa Tăng Lý đến quán cà phê
“Xong việc gọi điện anh đến đón.” Ngải Cảnh Sơ nói.
“Không cần đâu, Mã Y Y sẽ đưa em về. Với cả em cũng chưa biết lúc nào xong việc.” Tăng Lý vừa nói vừa quay người lấy túi xách.
Túi để ở hàng ghế sau, thẳng với ghế lái, Tăng Lý buộc phải nghiêng người sang phía Ngải Cảnh Sơ, mái tóc cô phủ một nửa lên người anh.
“Tăng Lý!” Anh gọi.
“Ừm?” Cô ngẩng lên, gương mặt anh gần ngay trước mắt.
Ngải Cảnh Sơ nghiêng đầu, ngón tay luồn trong mái tóc cô. Tăng Lý đột nhiên ý thức được anh muốn gì, trốn không được mà đáp lại cũng không xong. Cô đờ đẫn mặc cho anh hôn mình.
Khi xuống xe, Tăng Lý vẫn còn bần thần, đến cửa quán cô mới nhớ ra mình quên không cầm túi xách, quay đầu lại đi thấy anh đứng ngoài cửa xe đợi cô.
Cô đi tới nhận lấy túi xách từ tay anh. Thấy anh quay sang định ngồi vào xe, cô chợt thấy không nỡ.
“Này!” Cô gọi.
Anh xoay người lại.
Tăng Lý mím môi, chần chừ chờ một lúc mới hỏi: “Anh có thể vào giúp em được không?”.
Ngải Cảnh Sơ sửng sốt. Anh ngước mắt nhìn biển hiệu quán cà phê, sau đó mỉm cười.
“Sau này muốn anh làm gì cứ nói thẳng, không cần hỏi anh: có thể không.”
Vào quán, Tăng Lý bận rộn pha đồ uống, còn Ngải Cảnh Sơ ngồi ở quầy thu ngân. Mặc dù chưa từng sử dụng máy tính tiền nhưng sau khi được Đậu Đậu hướng dẫn một lượt, anh đã rất thành thạo.
Lúc đầu cứ tưởng mọi việc suôn sẻ, chẳng ngờ có hai sinh viên nữ vừa đẩy cửa bước vào, trông thấy Ngải Cảnh Sơ đứng ở quầy, ngây người một lúc rồi thốt lên: “Thầy Ngải!”.
Carol's nằm cạnh Đại học A nên sinh viên trong trường đến đây rất đông.
Ngải Cảnh Sơ gật đầu, hai cô gái vẫn đứng nguyên tại chỗ. Sau đó, thỉnh thoảng có người đi ngoài phố nhìn qua tấm cửa thủy tinh, cũng có người tò mò vào quán xem náo nhiệt.
Khoảng một tiếng sau, Đậu Đậu nhận được tin nhắn, vội vàng chạy đến báo tin cho Tăng Lý và Mã Y Y: “Thần tượng lại lên forum rồi!”. Dứt lời, cô chìa di động ra.
Mã Y Y hớn hở nói: “Sau này tiệm chúng ta làm ăn không lỗ vốn rồi!”, sau đó quay sang nhìn Tăng Lý “Cậu đi nói Ngải Cảnh Sơ, tớ trả công gấp ba, bảo anh ấy mỗi ngày tới đây đứng ngoài cửa quán một lúc!”.
Tăng Lý vội vàng lôi Ngải Cảnh Sơ lên gác, giấu nhẹm.
Trấn an anh xong, vừa xuống tầng dưới thì Tăng Lý thấy kẻ khó chơi nhất Học viện Y - Chu Văn.
“Này!”
Tăng Lý thật sự hối hận vì đã đồng ý với Mã Y Y, bảo Ngải Cảnh Sơ đến quầy tính tiền.
“Sư mẫu!”
Hai tiếng này của Chu Văn lập tức thu hút sự chú ý của mọi người.
Đầu gối Tăng Lý bỗng mềm nhũn, suýt nữa thì quì xuống hành đại lễ với Chu Văn.
©STE.NT
Cuối tuần sau đó, nhận được tin Mã Tiểu Binh đã về quê Diên Trường, Ngải Cảnh Sơ và Tăng Lý quyết định tự mình đi một chuyến.
Diên Trường là một vùng quê nghèo, nằm ở một vùng đất cao, đường xá đi lại khó khăn, nhưng gần đây lại thu hút nhiều người trẻ tuổi tới thăm thú. Nhờ vào vị trí địa lý mà nơi này cây cối xanh tươi, môi trường sinh thái còn khá nguyên sơ, là vùng tập trung rất nhiều loài chim di cư.
Có điều, Tăng Lý và Ngải Cảnh Sơ từ xa xôi tới đây không phải đi chơi. Hai người lái xe mất bốn tiếng mới đến huyện lị, ăn trưa xong, nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục đi theo tỉnh lộ hình chữ S lên núi.
Đường vừa chật hẹp vừa quanh co, bên phải là vách núi dựng đứng, thỉnh thoảng có những chiếc xe tải đi ngược hướng. Lúc đầu hai người luân phiên lái xe, về sau thấy Tăng Lý căng thẳng đến nỗi tay siết chặt bánh lái, Ngải Cảnh Sơ không yên tâm để cô lái nữa.
Lên tới nơi, tỉnh lộ đã hết, không còn biển hướng dẫn nào nữa. May mà Tăng Lý đến Diên Trường một lần, vẫn còn ấn tượng vừa dựa theo trí nhớ để chỉ đường, vừa hỏi thăm người dân ở đây, cuối cùng cũng thấy một đường khác.
Chặng tiếp theo, tình hình đường xá càng lúc càng tệ, mặt đường xi măng nhiều chỗ bị nứt nở. Vào tới thôn, hỏi thăm người dân mới biết xóm của Mã Tiểu Binh còn cách nơi này một con đường đất, cũng may mà gầm xe khá cao. Hai người lại đi thêm một đoạn đường xóc nữa, tới nơi thì mặt trời vừa xuống núi.
Trước lúc xuất phát, Ngải Cảnh Sơ và Tăng Lý đã liên hệ với Mã Phú Quý, cháu họ của ông Mã. Hai người tới nhà anh ta thì đã có một đoàn người đợi sẵn, thằng bé Mã Tiểu Binh trốn sau lưng một bà cụ.
Ngải Cảnh Sơ không vòng vo, vừa ngồi xuống liền trình bày rõ mọi chuyện. Cuối cùng, anh chợt nhớ đến người giám hộ: “Cho hỏi ai là ông Mã? Bố của Tiểu Binh?”.
Đám người không ai lên tiếng, lát sau Mã Phú Quý trả lời: “Chú tôi lại phát bệnh, chúng tôi phải trói chú ấy lại”.
Ngải Cảnh Sơ do đự: “Làm phẫu thuật cần có chữ kí của bố mẹ”.
Mã Phú Quý đã ngoài bốn mươi tuổi, từng sống ở thành phố một thời gian nên biết sơ sơ về chuyện phẫu thuật, anh ta vội giải thích: “Chú tôi không phải phát bệnh liên tục, chỉ vài ngày là lại bình thường thôi. Với cả..”, anh ta chỉ vào người đàn ông trung niên “Đây là anh Ngô đội trưởng, chuyện to chuyện nhỏ ở đội sản xuất của chúng tôi đều cho anh ấy giải quyết. Mấy hôm trước anh chị gọi điện tới, anh Ngô cũng đã báo cáo với lãnh đạo thôn rồi”.
Nơi này địa hình cao, ban ngày nắng to, nhưng chạng vạng là bắt đầu lạnh. Trời đã tối mà không thấy ai có ý định bật đèn. Giờ này Ngải Cảnh Sơ và Tăng Lý cũng không thể quay về thành phố được, đành phải nghe theo sắp xếp của Mã Phú Quý, ngủ lại nhà anh ta một đêm, sáng mai tới gặp ông Mã rồi đưa Mã Tiểu Binh về thành phố A nhập viện.
Bàn việc chính xong xuôi, người nhà Mã Phú Quý dọn bát đũa chuẩn bị cơm nước. Mã Tiểu Binh xung phong đi giật đoạn dây thừng bên tường, bóng đèn giữa gian nhà rốt cuộc cũng hoạt động, tuy nhiên ánh sáng vừa yếu vừa chập chờn, lúc mờ lúc sáng.
Thằng bé Mã Tiểu Binh được Tăng Lý cho áo T-shirt, cho kẹo sô-cô-la, dần dần không còn sợ sệt nữa. Thấy cô nhìn chằm chằm bóng đèn, nó liền nói: “Lúc nào cũng nhập nhằng như thế cả, mọi người bảo là do điện áp không ổn định”.
Đây là lần đầu tiên Tăng Lý nghe thấy giọng nói của thằng bé. Vì nguyên nhân sinh lý nên phát âm bị ảnh hưởng giọng nói không rõ ràng, rất khó nghe. Sợ thằng bé bị tổn thương. Tăng Lý không hỏi lại, chỉ cười và ra dấu xem như đã hiểu.
Đến lúc sắp xếp chỗ ngủ, vợ của Mã Phú Quý lên tiếng hỏi: “Hai người là vợ chồng à?”
Tăng Lý vội xua tay.
Thế nên, Mã Phú Quý và Ngải Cảnh Sơ ngủ một gian nhà, Tăng Lý ngủ cùng cụ già, vợ của Mã Phú Quý ngủ với đứa con hai tuổi.
Cụ bà là mẹ của Mã Phú Quý, năm nay đã hơn bảy mươi, người to béo, răng miệng còn khỏe.
Sợ Tăng Lý không thích ngủ với người già, chị Mã nói: “Mẹ chị tuy tuổi cao nhưng sạch sẽ lắm, biết có khách đến nên đã giặt giũ hết cả chăn màn rồi đấy. Cô đừng lo”.
Tăng Lý không bận tâm những chuyện này, rửa mặt mũi chân tay xong liền đi theo cụ bà vào nhà. Ngồi xuống giường, Tăng Lý nhìn quanh gian nhà một lượt, sau đó cô sợ đến mức ngã ngửa.
Cạnh giường kê ba cái ghế gỗ, bên trên đặt một chiếc quan tài đen sì.
Thật sự là quan tài! Đầu to đầu nhỏ, nước sơn màu đen, có nắp đậy.
Đột nhiên bầu không khí trở nên kì dị.
Cụ bà mắt đã kém, không nhìn ra vẻ sợ sệt của Tăng Lý, thậm chí còn coi chiếc quan tài kia như vật tàng hình, liên tục thúc giục cô đi ngủ.
Tăng Lý chỉ có thể nghe theo. Cô vừa mới đặt lưng xuống thì vợ Mã Phú Quý gõ cửa, chị ta vào hỏi sáng mai cô muốn ẩn gì. Chuyện trò vài câu, chị ta tắt đèn giúp hai người rồi đi ra, đóng cửa lại, hoàn toàn không để ý tới chiếc quan tài kia.
Cu bà nằm phía trong, Tăng Lý nằm ngoài. Đúng là vỏ gối và chăn đã được giặt, rất sạch sẽ. Chiếc màn dày ngăn cách trong ngoài thành hai thế giới nhưng Tăng Lý vẫn không kìm được mà tưởng tượng ra vật thể kinh dị kia. Cô trùm chăn kín mít, càng nghĩ càng sợ, thậm chí không dám nhắm mắt, không dám quay lưng về phía nó.
Chẳng biết qua bao lâu cô mới thiếp đi.
Trong mơ, cô trở về năm hơn mười tuổi, thời điểm mà cô còn ở trong khu nhà tập thể có cái sân nhỏ được trưng dụng làm nơi tổ chức tang lễ. Ánh đèn dầu âm u, thi thể nằm trơ trọi, có người chỉ được che vải trắng, có người được đặt trong quan tài.
Kế tiếp, cô mơ thấy bố mẹ cãi nhau, hai người lời qua tiếng lại, rồi bố tát mẹ một cái, nhưng bàn tay to lớn của ông lại rơi trên mặt cô. Cô không cảm thấy đau.
Sau đó, cô lại mơ thấy mình đi nhận giấy thông báo nhập học. Đi được nửa đường có rất nhiều người chỉ trỏ cô, cô khó hiểu cúi đầu nhìn mình, bây giờ mới phát hiện mình không mặc quần áo.
Nửa đêm, Tăng Lý không ngủ được nữa, bèn trở dậy, đi ra ngoài.
Nhà Mã Phú Quý cực kì sơ sài, tường không được xây bằng gạch mà là gỗ, tre, đất bùn và vôi, mái lợp ngói. Chính giữa nhà ở, hai bên là vài gian nhà nhỏ, có gian cho người ở, có gian chứa đồ đạc, phía sau là chuồng lợn và nhà vệ sinh. Căn nhà đã lâu không được tu sửa, nhiều mảng tường bị tróc ra để lộ cả thân tre bên trong.
Bên ngoài là một khoảng đất trống bằng phẳng, không có tường bao.
Mặt trăng đột nhiên ló ra khỏi đám mây, ngoài sân lúc này còn sáng hơn cả trong nhà. Tăng Lý không dám ra ngoài, chỉ đứng dưới mái hiên mà quan sát chung quanh. Lúc tới đây, hai người dừng xe ở khu đất thấp rồi đi bộ theo đường ruộng lên đây. Nhờ ánh trăng, Tăng Lý có thể trông thấy rõ xe của Ngải Cảnh Sơ đang đứng trơ trọi bên lề đường.
Bỗng nhiên, một đốm sáng lóe lên trong tầm nhìn của cô rồi nhanh chóng vụt tắt, giống ngọn lửa hoặc con đom đóm. Lần thứ hai nó lóe sáng, lâu hơn, Tăng Lý mới chắc chắn đó là ngọn lửa.
Cô nhìn về phía ánh sáng yếu ớt kia, lòng vững vàng hẳn lên, thậm chí còn cảm thấy ngọn lửa đó sáng hơn cả ánh trăng giữa không trung.
Bởi vì, nó phát ra từ cái bật lửa của Ngải Cảnh Sơ.
Bước chân Tăng Lý bỗng nhẹ bẫng và nhanh hơn, cô nhờ vào ánh trăng mà chạy ra khỏi sân nhà, bước xuống những bậc đá so le, đi men theo đường bờ ruộng. Tiếng côn trùng rả rich bên tai. Ánh trăng rót lên người cô khiến cái bóng của cô đổ xuống ruộng.
Tăng Lý đi giày thể thao nên chạy khá nhanh và êm, vậy mà mới được nửa đường đã bị Ngải Cảnh Sơ phát hiện.
“Tăng Lý!”
Cô không thưa mà gọi lại: “Ngải Cảnh Sơ!”. Vốn dĩ cô nói ba chữ này bằng giọng rất bình thường, nhưng đêm khuya giữa đường núi tĩnh lặng này khiến cho thanh âm trở nên vang dội lạ kì.
Tăng Lý bị chính tiếng nói của mình làm cho hoảng sợ, lát sau cảm thấy thú vị, cô bèn gọi câu nữa: “Ngải Cảnh Sơ!”
Nhận ra sự nghịch ngợm của cô, Ngải Cảnh Sơ cũng đáp lại: “Tăng Lý!”.
“Ngải Cảnh Sơ!”
“Tăng Lý!”
“Ngải Cảnh Sơ!”
“Tăng Lý!”
“Ngải Cảnh Sơ!”
“Tăng Lý!”
“Ngải Cảnh Sơ!”
“Tăng Lý!”
Khoảng cách giữa hai người mỗi lúc một gần. Tăng Lý dừng lại ở bờ ruộng cao chừng một mét, Ngải Cảnh Sơ đứng phía dưới, ngẩng đầu lên nhìn cô. Gương mặt anh được ánh trăng tô vẽ như một bức tranh.
Tăng Lý lẳng lặng nhìn anh, nụ cười rạng rỡ, giọng nói cũng trở nên mềm mại hẳn, nhỏ nhẹ hơn: “Ngải Cảnh Sơ!”.
Lần này anh không gọi cô nữa mà đưa tay lên và nói: “Anh đỡ em!”.
Anh vừa dứt lời, cả người và trái tim cô đều ngã vào lòng anh.
“Không ngủ chạy ra đây làm gì?” Tăng Lý hỏi.
“Thế em ra đây làm gì?” Anh hỏi lại cô.
“Không ngủ được.” Cô đáp.
“Anh cũng không ngủ được.” Anh bắt chước câu trả lời của cô.
“Anh bắt đầu nói nhảm rồi đấy!”
Anh cười.
Nửa đêm, nhiệt độ hạ thấp, sợ cô bị lạnh, Ngải Cảnh Sơ mang cô vào trong xe ngồi.
“Lần này về, mình hẹn mẹ em tới nhà ăn một bữa cơm nhé.” Anh nói.
“Nhà nào?”
“Nhà anh!”
“Không được đâu.” Tăng Lý từ chối.
“Sao không được?”
“Tính tình mẹ em thế nào, anh cũng biết rồi đấy…”
“Anh nào có biết. Anh chỉ biết, canh mẹ nấu rất ngon.” Anh đương nhiên không dám nói bậy bạ gì sau lưng mẹ vợ.
“Ngon lắm à? Em thấy bình thường mà.”
“Rất ngon.” Ngải Cảnh Sơ như đang hồi tưởng lại điều gì, anh đột nhiên nói một câu: “Có mùi vị của mẹ”.
Tăng Lý bấy giờ mới hiểu ra biểu hiện kì lạ của anh hôm đó. Đáy lòng chợt xót xa, cô cầm lấy tay anh, không biết phải nói gì, cứ lặng yên nhìn anh như thế.
Thực ra, hai mẹ con anh không phải bị người ta chia cách, mà mẹ thật sự đã từ bỏ anh. Anh nói anh mồ côi từ trong bụng mẹ, cũng có nghĩa anh là một đứa trẻ không cha không mẹ. Đó là một phần nguyên nhân khiến anh đồng cảm với Mã Tiểu Binh.
“Em muốn nghe chuyện khi còn bé của anh.” Tăng Lý nói.
“Khi bé, anh luôn nghĩ, nếu mình làm gì cũng giỏi, cùng xuất sắc thì mẹ sẽ hối hận và trở về đón mình đi. Nhưng không phải, trước giờ anh chưa hề có một mẩu tin tức nào về mẹ. Anh không dám hỏi ngưòi khác xem mẹ ở đâu, đi đâu. Sau này, vì mẹ mà anh đến Philadelphia du học. Anh gấp rút đi tìm mẹ, biết mẹ đã kết hôn, đã sinh con và mở một cửa hàng nữ trang nhỏ. Anh vào đó, mẹ không nhận ra anh, thậm chí chỉ đảo mắt qua anh một cái. Khuôn mặt anh giống mẹ như vậy nhưng mẹ không hề nhận ra.”
Nghe Ngải Cảnh Sơ nói những lời này, Tăng Lý bỗng nhiên hiểu rõ cảm giác của anh. Nỗ lực chứng tỏ bản thân cho người ấy xem, rồi cuối cùng lại phát hiện ra, bản thân quá nhỏ bé, dường như chưa từng xuất hiện trong cuộc đời người ấy. Là chán nản? Tuyệt vọng? Hay là hận?
Anh nói: “Đây là lần đầu tiên anh nói chuyện này ra. Ở nhà anh không dám nhắc tới, sợ mọi người buồn. Bạn bè lại càng chẳng thể nói”.
“Từ nay về sau có chuyện gì nhất định phải nói với em, không được giấu trong lòng.” Tăng Lý nhìn anh.
“Ừ.”
“Được không?”
“Được.”
Im lặng một lúc anh lại nói: “Sau đó anh vẫn chưa từ bỏ hi vọng, anh tới cửa hàng đó lần nữa, mẹ hỏi anh muốn gì. Anh nói muốn mua một món nữ trang tặng người phụ nữ quan trọng nhất trong đời mình, mẹ liền chọn giúp anh một chiếc nhẫn. Trả tiền xong, anh bỏ lại cái hộp trên bàn, không cầm đi. Lúc đó mẹ còn tưởng anh quên, đuổi theo đưa cho anh”.
“Sau đó thì sao?”
“Anh không bao giờ quay lại đó nữa.”
Nói xong, anh cầm bật lửa, rút ra một điếu thuốc rồi mở cửa, một mình ra ngoài chuẩn bị hút thuốc. Nhận ra tâm trạng anh không tốt, Tăng Lý cũng lấy một điếu thuốc, xuống xe, đi đến bên cạnh anh.
Ngải Cảnh Sơ vừa mới châm lửa, Tăng Lý ghé vào nói: “Em cũng muốn!”.
Anh có vẻ không vui: “Bảo rồi em không được hút thuốc”.
“Thế anh cũng không được hút.” Cô cãi.
“Anh là đàn ông.”
“Nam nữ bình đẳng?” Cô phản bác.
“Chuyện này có thể bình đẳng à?” Chủ nghĩa nam quyền bắt đầu bộc lộ.
“Sao mà không thể?” Dứt lời, Tăng Lý giằng lấy cái bật lửa, tự mình châm thuốc.
Chưa bao giờ cô dám to gan lớn mật phơi bày thói xấu của mình ra như thế. Tiếc rằng, châm lửa xong, dưới ánh mắt của Ngải Cảnh Sơ, cô không dám hút.
Ngải Cảnh Sơ không lên tiếng, cũng chẳng ngăn cô.
Tăng Lý bình tĩnh lại, nhìn đốm lửa giữa hai ngón tay, bỗng nhiên nói: “Ngày trước mỗi khi buồn bực, em liền muốn làm gì đó để quên đi, vì vậy em tự hỏi lúc tâm trạng không tốt, liệu hút thuốc và uống chút rượu vào có tốt hơn không?”.
“Cai đi! Cả anh và em!” Anh cầm lấy điếu thuốc của cô, dụi tắt cùng với điếu thuốc của mình.
“Anh cũng không hút nữa à?”
“Không.”
“Thế lúc muốn hút thì làm thế nào? Cắn hạt dưa nhé!”
“Lúc anh muốn hút, em hôn anh một cái là được!”
“Thế em muốn hút thì sao?”
“Thì đổi lại anh hôn em.” Anh nói nhẹ bẫng.
Tăng Lý bất bình. Người này đúng là biết cách lợi dụng.
Hai người đứng bên ngoài một lúc rồi lại vào xe ngồi.
“Sao anh không ngủ được?” Tăng Lý tò mò.
“Mã Phú Quý ngáy to quá.” Ngải Cảnh Sơ đáp, “Anh định ra ngoài xe chợp mắt một lát".
“Không phải trong nhà có vật lạ à?” Cô thăm dò.
“Cái gì lạ?” Anh khó hiểu.
“Không có gì.” Cô đáp qua loa.
“Nhớ hẹn mẹ em nhé.” Ngải Cảnh Sơ lại nhắc tới vấn đề ban đầu.
“Anh nghiêm túc đấy à?” Cô hỏi.
“Em không nghiêm túc?”
“Không phải.” Tăng Lý giải thích.
Anh không tiếp lời. Cô tưởng anh giận, chẳng ngờ anh lại nói: “Vì bố mẹ mà anh luôn cẩn trọng với chuyện tình cảm”, ngừng một lúc, anh tiếp tục “Sau khi biết quan hệ giữa em và Vu Dịch, anh từng chùn bước. Nhưng rồi anh phát hiện ra dù có làm gì anh cũng không thể ngăn cản được mình, vì thế anh quyết định để mặc cho mọi thứ diễn ra tự nhiên. Tăng Lý, còn nhớ anh nói muốn lấy trái tim em đi không?”. Nói đoạn, anh chỉ ngón tay vào vị trí trái tím cô, rồi lại chỉ vào trái tim mình, “Là bởi vì, trái tim anh đã không còn ở đây nữa rồi, nếu em không thể trao trái tim của em đổi cho anh, anh sẽ trở thành cái xác không hồn”.
…
“Anh không phải người biết nói những lời ngon ngọt, biết dỗ dành người khác, biết tặng hoa tặng quà. Anh cũng không phải người tin vào thánh thần ma quỉ. Nhưng giờ anh xin thề, cả đời này sẽ đối xử thật tốt với em, không để em phải chịu ấm ức nào.”
Những lời nói hết sức bình dị của anh lại ẩn chứa bao nhiêu tình cảm, khiến Tăng Lý không cầm được nước mắt, từng giọt từng giọt cứ thế rơi xuống. Cô nhoài người, vòng tay ôm lấy cổ anh: “Em yêu một người, nhất định sẽ quấn lấy anh ấy, dính lấy anh ấy, sẽ muốn hai tư giờ đều được ở bên anh ấy, như thế liệu sau này anh có ghét em không?”.
“Anh không ngại để em ngày nào cũng tới bệnh viện cùng anh đâu! Hay là…”, anh nói, “Em thi làm nghiên cứu sinh của anh đi, trước khi nghỉ hưu, anh sẽ không cho em tốt nghiệp!”
“Điên!”
Gần sáng, trời đột ngột đổ mưa lớn. Ngải Cảnh Sơ và Tăng Lý quay lại nhà Mã Phú Quý thì thấy người lớn đều đã dậy, đang chuẩn bị cơm nước. Họ không biết hai người ngủ ngoài xe, chỉ nghĩ là hai người dậy sớm đi dạo, gặp mưa nên quay về.
Ăn sáng xong, mưa chẳng ngớt mà càng lúc càng lo. Cả mảnh sân trước nhà đều trắng nước.
Ngải Cảnh Sơ và Mã Phú Quý đưa Mã Tiểu Binh về nhà ông Mã, nhân tiện mang cơm cho ông ta. Vì đường đi lầy lội nên Ngải Cảnh Sơ không cho Tăng Lý đi theo.
Trời mưa thế này không thể ra ngoài đồng làm việc, chị Mã bèn ở nhà giúp mẹ chồng đan sọt trúc. Tăng Lý rất muốn vào gian phòng của cụ bà lấy quần áo hôm qua mình thay ra, nhưng mọi người đều ở ngoài này, cô không dám tới gần cỗ quan tài đó, cũng không dám xác định xem có đúng là quan tài hay không.
Thấy cô thấp thỏm không yên, chị Mã cho rằng cô lo lắng về Ngải Cảnh Sơ, bèn trấn an mấy câu: “Đừng lo, họ đi nhanh thôi, vẫn về thành phố kịp”.
Chị ta vừa mới dứt lời chưa được bao lâu thì vị đội trưởng Ngô kia tới thông báo, con đường ra khỏi thôn bị sạt lở, hôm nay hai người không thể rời khỏi đây.
“Không còn đường khác ạ?” Tăng Lý hỏi.
“Không.”
Nghe câu trả lời, điều đầu tiên Tăng Lý nghĩ tới không phải là mai phải đi làm, mà là: chẳng lẽ tối nay còn phải ngủ bên cạnh cỗ quan tài đó?
Chị Mã nghe được tin tức này vẫn rất bình thản, vừa an ủi Tăng Lý, vừa nhiệt tình giữ họ ở lại thêm, sau đó chị ta cởi bó trúc bên hông, đứng dậy đi vào trong buồng.
Tăng Lý tinh ý nhận ra phương hướng của chị ta, vội hỏi: “Chị đi đâu thế?”.
“Vào phòng bà nội cu tí lấy đồ.”
“Em đi cùng chị.” Tăng Lý bám theo.
Tuy là ban ngày nhưng ánh sáng lọt vào đây không nhiều, họ lại không bật đèn nên căn buồng tối như mực. Cỗ quan tài vẫn nằm im thin thít bên cạnh giường.
Tăng Lý vội vội vàng vàng lấy đồ của mình, trong khi chị Mã đi thẳng tới chỗ đặt quan tài, mở nắp, để lộ ra cái khe lớn. Nếu đứng đây một mình, chắc chắn Tăng Lý sẽ đẩy cửa mà tháo chạy.
Nhận ra sắc mặt cô biến đổi, chị Mã nói: “Nhà chị trồng đỗ tương, trưa nay cho cô cậu ăn đỗ tương nhé!”.
“Cái này để đựng đỗ tương ạ?”
“Em gái đừng để ý, đây là quan tài chuẩn bị cho mẹ chồng chị ấy mà.” Chị Mã giải thích.
Nghe chị ta nói rõ ràng, Tăng Lý mới biết, hóa ra ở đây có tập tục chuẩn bị quan tài và áo liệm đầy đủ trước khi người già qua đời, vì thế chẳng ai kiêng kị gì mấy thứ này, thậm chí thoải mái để trong nhà. Lắm nhà bày suốt hai mươi năm mới dùng tới, nhìn lâu thành quen, coi như đồ gia dụng.
“Gỗ bách này vừa phòng bệnh phong thấp vừa phòng sâu bọ nên chị đựng đỗ tương vào đây.” Chị Mã nói.
“Thế bà cũng đồng ý ạ?”
“Nguyên văn mẹ chị nói thế này: chuyện này cũng giống như trước khi đi đâu xa nhà, người ta phải chuẩn bị tốt giày với tất.”
Đến trưa thì mấy người Ngải Cảnh Sơ về. Trông thấy người anh ướt sũng, từ bắp chân xuống đều lấm lem bùn đất, Tăng Lý không khỏi buồn cười. May mà trong xe anh có quần áo, vội vàng đi lấy về thay.
Có lẽ vì phản ứng của Tăng Lý, chị Mã không chế biến đỗ tương thành món ăn mà thay bằng lạc rang. Biết Ngải Cảnh Sơ không thích ăn lạc, nhân lúc dọn đồ ăn lên, Tăng Lý cố tình để đĩa lạc ra xa anh.
Tranh thủ không ai để ý, Ngải Cảnh Sơ khẽ hỏi cô: “Sao em biết anh không ăn lạc?”.
Tăng Lý nén cười, nghiêm túc trả lời: “Em dự liệu như thần mà!”.
Ngải Cành Sơ ngẫm nghĩ hồi lâu, rốt cuộc vẫn không thể nhớ ra đã nói với Tăng Lý khi nào.
Sau đó Tăng Lý tò mò lại hỏi: “Sao anh không ăn lạc?”.
Anh nháy mắt đáp: “Em “dự liệu” thử xem?”.
“…”
Con người này thật là nhỏ nhen.
...
Ăn cơm xong, Tăng Lý tìm một cái bàn chải, đem quần áo và giày của Ngải Cảnh Sơ đi giặt sạch.
Ngải Cảnh So cũng chẳng đựợc nhàn rỗi. Chẳng biết vì sao tin tức có một danh y trong thành phố về nhà Mã Phú Quý truyền khắp thôn, mọi người đều bế con mình đến nhờ anh xem bệnh.
Xong việc, Tăng Lý bắt đầu thấy buồn ngủ. Cô đứng ngoài cửa buồng của cụ bà hồi lâu, trước tiên là thò nửa người vào dò tìm công tắc đèn, sau đó mới dè dặt bước vào.
Cô nhìn chằm chằm cổ quan tài, chậm rãi bước, mội bước, hai bước, ba bước, bốn bước,... mãi đến khi không thể gần hơn được nữa.
Vừa nãy chị Mã quên không đóng nắp vào. Tăng Lý đứng ngay bên cạnh cũng không dám ngó đầu nhìn bên trong, nhưng dường như có thể ngửi thấy mùi gỗ thoang thoảng.
Chuyện này cũng giống như trước khi đi đâu xa nhà, người ta phải chuẩn bị tốt giày với tất.
Những lời chất phác này khiến cô bình tĩnh trở lại.
Lúc Ngải Cảnh Sơ tìm thấy Tăng Lý thì cô đang một mình nằm trên giường cụ bà mà ngủ. Vì bật đèn nên vừa vào cửa anh đã trông thấy cỗ quan tài, lập tức hiểu ra lý do đêm qua cô mất ngủ.
Nhưng lúc này cô ngủ rất sâu, anh ngồi bên cạnh giường mà cô cũng không phát hiện ra.
Lần đầu tiên anh được nhìn cô ngủ. Mái tóc dài phủ trên gối, đôi môi hơi hé mở để lộ niềng răng ở răng cửa, cằm còn lưu lại vết khâu.
Ngải Cảnh Sơ đứng dậy, ra cửa tắt đèn rồi lại quay vào ngồi xuống bên giường.
Trời vẫn còn mưa. Nước mưa rơi vào mái ngói phát ra những âm thanh đều đều. Anh cứ yên lặng ngồi ngắm cô như thế, rất lâu, rốt cuộc cô cũng tỉnh.
“'Sao anh ngồi đây?” Cô hỏi trong trạng thái ngái ngủ.
“Sợ em sợ.”
Nghe anh nói vậy, cô liếc cỗ quan tài, sau đó trả lời: “Em không sợ”.
Anh mỉm cười, vỗ nhẹ đầu cô.
Cô duỗi tay ra trước mặt anh, nhăn nhó nói: “Đau tay”.
Có lẽ do trời mưa, nơi này lại là vùng ẩm ướt, nên u nang ở ngón tay cô bị đau. Trước tới giờ cô đề chịu đựng, đây là lần đầu tiên kêu đau với người khác để làm nũng.
Ngải Cảnh Sơ trong lòng ngập tràn ngọt ngào, cầm lấy tay cô, nhẹ nhàng xoa.
Tăng Lý rất thích cảm giác này, cô nói: “Lại buồn ngủ rồi”.
“Thế ngủ tiếp đi.”
“Anh hát cho em nghe đã.” Cô khẽ nói.
“Lại nữa rồi!”
“Hát đi mà!” Lá gan của cô đúng là càng ngày càng to, không còn biết sợ anh nữa rồi.
Nhìn cô nằm trên giường, ngửa đầu làm nũng, cảnh xuân vô hạn mê lòng người, Ngải Cảnh Sơ không kìm lòng được cúi xuống muốn hôn cô. Nhưng khi vừa chạm tới đôi môi anh đào kia, tâm tình tốt đột nhiên vơi đi một nửa.
“Gì thế?” Tăng Lý hỏi.
“Đang yên đang lành tự dưng lại đeo niềng răng.” Hôn sẽ bị mất đi cảm giác.
“Chẳng phải anh đeo cho em sao?” Cô hỏi.
“…”
Quả nhiên là tự làm tự chịu.