Đời không phải là cuộc cạnh tranh với người khác
Chàng thanh niên Nhưng tôi còn có điều không rõ lắm.
Triết gia Cậu muốn hỏi gì cứ hỏi.
Chàng thanh niên Adler cũng thừa nhận "theo đuổi sự vượt trội" để khiến mình trở thành con người vượt trội hơn là nhu cầu không thể kiềm chế ở mọi người đúng không? Mặt khác, ông ấy lại rung hồi chuông cảnh báo mọi người đừng để rơi vào cảm giác tự ti hoặc cảm giác tự tôn quá mức. Nếu ông ấy phủ nhận nhu cầu "theo đuổi sự vượt trội" thì còn dễ hiểu, nhưng ông ta lại chấp nhận nhu cầu ấy. Phải hiểu như thế nào đây?
Triết gia Hãy nghĩ như thế này. Khi nói đến "theo đuổi sự vượt trội", mọi người thường hay nghĩ đến mong muốn được tài giỏi hơn người khác, thậm chí không ngại đạp lên người khác để mình leo cao hơn. Giống như đi lên một cầu thang, vừa đi vừa xô đẩy người khác xuống để tiến lên. Tất nhiên, Adler không đồng tình với thái độ đó. Thay vào đó, ông đưa ra hình ảnh: Trên một mặt phẳng, có người đi trước, cũng có người đi sau. Hãy hình dung một cảnh như vậy. Quãng đường đi được và tốc độ đi của mỗi người khác nhau, nhưng tất cả đều đi trên cùng một mặt phăng. "Theo đuổi sự vượt trội" phải là tâm lý cần không ngừng phấn đấu để bản thân tiến lên thêm một bước, chứ không phải tâm lý cạnh tranh để vượt lên trên người khác.
Chàng thanh niên Ý thầy nói rằng đời không phải là cuộc cạnh tranh?
Triết gia Đúng vậy. Không cạnh tranh với ai cả. Chỉ cần không ngừng tiến lên là được. Tất nhiên cũng không cần so sánh mình với người khác.
Chàng thanh niên Không, điều đó là không thể. Chúng ta kiểu gì cũng so sánh mình với người khác. Chẳng phải cảm giác tự ti là từ đó mà ra sao?
Triết gia Cảm giác tự ti lành mạnh không sinh ra từ sự so sánh với người khác mà là sự so sánh với "cái bản thân lý tưởng".
Chàng thanh niên Nhưng...
Triết gia Nghe này, chúng ta ai cũng khác nhau. Chẳng có người nào giống hệt người nào về mọi mặt giới tính, tuổi tác, kiến thức, kinh nghiệm, ngoại hình cả. Hãy có cái nhìn tích cực về những điểm khác biệt giữa mình với những người khác. Chúng ta không giống nhau nhưng lại bình đẳng với nhau.
Chàng thanh niên Không giống nhau nhưng lại bình đẳng với nhau?
Triết gia Đúng vậy. Con người ai cũng khác nhau. Không được coi sự "khác nhau" đó là biểu hiện của tốt xấu hay giỏi kém. Bởi vì dù có khác nhau đến thế nào, chúng ta vẫn bình đẳng với nhau.
Chàng thanh niên Con người không phân biệt trên dưới. Về lý thuyết thì có lẽ là vậy nhưng, thưa thầy, ở đây chúng ta đang nói đến hiện thực cơ mà. Chẳng hạn, thầy có thể nói rằng một người lớn như tôi và một đứa trẻ chưa thạo cả nhân chia cộng trừ là thực sự bình đẳng với nhau không?
Triết gia Có khác nhau về lượng kiến thức, kinh nghiệm và những trách nhiệm đi kèm với điều đó chứ. Có thể đứa trẻ chưa biết buộc dây giày khéo léo, chưa giải được phương trình phức tạp, hoặc chưa thể chịu trách nhiệm như người lớn khi gây ra chuyện. Nhưng những điều đó chắc chắn không quyết định giá trị của con người. Câu trả lời của tôi vẫn vậy. Tất cả mọi người không giống nhau nhưng lại bình đẳng với nhau.
Chàng thanh niên Vậy là thầy nói rằng hãy đối xứ với trẻ con như đối xử với người lớn?
Triết gia Không, không phải đối xử như với người lớn cũng không phải đối xử như với trẻ con, mà phải gọi là "đối xử như với một con người". Đối xử với nó chân thành như với một con người giống như mình.
Chàng thanh niên Vậy để tôi đổi lại cách hỏi. Tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau. Đều đi trên cùng một mặt phẳng. Dù vậy, ở đó vẫn có sự chênh lệch nhỉ? Người đi trước tài giỏi hơn, người đuổi theo sau kém cỏi hơn. Rốt cuộc chẳng phải lại dẫn đến vấn đề tài giỏi và kém cỏi sao?
Triết gia Không. Đi trước hay đi sau không liên quan gì cả. Chúng ta bước trên một không gian phẳng không tồn tại trục thẳng đứng. Chúng ta bước đi không phải để cạnh tranh với ai. Giá trị nằm ở chính nỗ lực tiến lên vượt qua cái bản thân trong hiện tại.
Chàng thanh niên Thầy có thấy mình thoát khỏi mọi cạnh tranh không?
Triết gia Tất nhiên rồi. Tôi không ham muốn địa vị hay danh vọng, tôi sống cuộc đời của một tự do, không dính dáng gì tới những cạnh tranh trần tục.
Chàng thanh niên Rút khỏi cạnh tranh, chẳng phải nghĩa là chấp nhận thua cuộc sao?
Triết gia Không phải. Tôi rút lui khỏi chính những chốn thắng thua. Khi một người muốn sống đúng là mình, chắc chắn cạnh tranh sẽ trở thành chướng ngại.
Chàng thanh niên Không, đó là lý lẽ của một ông già đã mệt mỏi trước cuộc đời! Thanh niên như tôi cần phải nâng cao năng lực của bản thân thông qua cạnh tranh gay gắt. Chính vì có đối thủ cạnh tranh thúc đẩy, mới có thể không ngừng tạo ra một bản thân tốt hơn nữa. Nhìn nhận mối quan hệ với người khác qua lăng kính cạnh tranh thì có gì là xấu cơ chứ?
Triết gia Nếu đối thủ là người có thể coi là "bạn" thì có lẽ điều đó cũng giúp nâng cao năng lực của bản thân đấy. Nhưng nhiều trường hợp đối thủ cạnh tranh lại không trở thành bạn được.
Chàng thanh niên Thầy nói vậy là sao?