Từ tranh giành quyền lực đến trả đũa

Chàng thanh niên "Thưa thầy, thuyết mục đích chẳng qua chỉ là sự ngụy biện, sang chấn tâm lý chắc chắn tồn tại! Và con người không thể thoát khỏi quá khứ! Thầy cũng công nhận rằng chúng ta không thể quay trở lại quá khứ bằng cỗ máy thời gian phải không?

Một khi quá khứ còn tồn tại như điều đã xảy ra thì chúng ta còn sống trong ảnh hưởng của nó. Coi quá khứ không tồn tại cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận cuộc đời ta đã trải qua! Thầy bảo tôi chọn thái độ sống vô trách nhiệm như vậy sao?"

Triết gia Đúng là chúng ta không thể lên cỗ máy thời gian cũng không thể quay ngược kim đồng hồ. Nhưng gán ý nghĩa gì cho những sự việc trong quá khứ, lại là nhiệm vụ của "cậu bây giờ".

Chàng thanh niên Vậy, tôi sẽ hỏi chuyện "bây giờ". Hôm trước, thầy đã nói là "con người ngụy tạo cảm xúc giận dữ" nhỉ? Thầy nói rằng nếu suy xét theo quan điểm của thuyết mục đích thì là như vậy. Tôi vẫn chưa thấy bị thuyết phục trước lập luận đó. Chẳng hạn, thầy giải thích như thế nào về những trường hợp như phẫn nộ với xã hội hay với nền chính trị? Có thể nói rằng đó là cảm xúc được tạo ra để làm cớ giữ vững quan điểm của mình không?

Triết gia Đúng là có cảm xúc phẫn nộ đối với vấn đề xã hội. Nhưng đó không phải cảm xúc bộc phát mà là sự phẫn nộ dựa trên lý trí. Phẫn nộ mang tính cá nhân và phẫn nộ đối với những mâu thuẫn và bất công xã hội có sự khác nhau về chất. Sự phẫn nộ mang tính cá nhân thường nguội nhanh. Trong khi đó, sự phẫn nộ đối với xã hội sẽ kéo dài. Cơn giận mang tính cá nhân thì chẳng qua chỉ là một công cụ để khuất phục người khác mà thôi.

Chàng thanh niên Thầy nói rằng sự phẫn nộ mang tính cá nhân và sự phẫn nộ đối với những mâu thuẫn và bất công của xã hội là hai điều khác nhau?

Triết gia Hoàn toàn khác nhau. Vì sự phẫn nộ đối với những bất công và mâu thuẫn trong xã hội đã vượt ra ngoài cái lợi và hại của bản thân.

Chàng thanh niên Vậy tôi xin hỏi về sự phẫn nộ mang tính cá nhân. Ngay cả thầy nếu bị lăng mạ vô cớ, thầy cũng sẽ tức giận chứ?

Triết gia Tôi không tức giận.

Chàng thanh niên Thầy không được nói dối!

Triết gia Nếu bị lăng mạ, tôi sẽ tìm hiểu "mục đích" ẩn giấu của người đó. Không chỉ là sự lăng mạ trực tiếp, cả khi bị hành động hay lời nói của đối phương chọc giận, phải ý thức rõ rằng đối phương đang khơi mào tranh giành quyền lực.

Chàng thanh niên Tranh giành quyền lực ư?

Triết gia Chẳng hạn, trẻ con trêu chọc người lớn bằng những trò nghịch ngợm. Trong nhiều trường hợp, mục đích của chúng chỉ là thu hút sự chú ý của người lớn, nên trẻ sẽ ngừng ngay trước khi người lớn thực sự nổi giận. Tuy nhiên, nếu trẻ không dừng lại trước khi người lớn thực sự nổi giận thì mục đích của trẻ chính là "tranh đấu".

Chàng thanh niên Tranh đấu để làm gì?

Triết gia Để chiến thắng. Muốn chứng minh quyền lực của mình bằng chiến thắng.

Chàng thanh niên Tôi không hiểu lắm. Thầy có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể không?

Triết gia Giả sử cậu và bạn thân đang nói chuyện về tình hình chính trị hiện nay. Cứ nói mãi, đôi bên càng lúc càng tranh luận gay gắt, không ai chịu nhường ai, thế là đối phương bắt đầu chuyển qua tấn công vào cá nhân, mắng cậu rằng: cậu là đồ ngốc, vì những kẻ như cậu mà đất nước này mới không phát triển được.

Chàng thanh niên Nếu bị nói như thế thì tôi sẽ không thể kiềm chế được.

Triết gia Trong trường hợp này, cậu nghĩ mục đích của đối phương là gì? Liệu có phải là muốn cùng nhau đàm luận về chính trị đơn thuần? Không đâu. Đối phương chỉ muốn công kích, khiêu khích cậu, muốn khuất phục một kẻ khó ưa là cậu thông qua tranh giành quyền lực. Nếu lúc ấy cậu tức giận thì quan hệ giữa hai người sẽ biến thành tranh giành quyền lực theo đúng ý đồ của đối phương. Cậu không được để bị khiêu khích.

Chàng thanh niên Không, không. Sao lại phải tránh né. Đối phương gây sự thì mình cứ sẵn sàng nghênh chiến thôi. Vì lỗi là ở đối phương cơ mà. Với một kẻ đáng ghét như thế cứ việc đánh cho gãy sống mũi thôi. Bằng nắm đấm ngôn từ ấy!

Triết gia Vậy, giả sử cậu chiến thắng trong cuộc tranh luận, còn đối phương chấp nhận thua cuộc, lịch sự rút lui. Nhưng cuộc tranh giành quyền lực không kết thúc ở đây. Đối phương bị thua trong cuộc chiến sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo.

Chàng thanh niên Giai đoạn tiếp theo?

Triết gia Đúng vậy. Là giai đoạn "trả đũa". Cho dù tạm thời chịu thua nhưng đối phương sẽ tính chuyện trả đũa ở một nơi khác, theo một cách khác, rồi chờ cơ hội thực hiện.

Chàng thanh niên Chẳng hạn như?

Triết gia "Trẻ con bị bố mẹ ngược đãi sẽ đâm ra hư hỏng, trốn học, có những hành vi tự hủy hoại bản thân như rạch tay chẳng hạn. Thuyết nguyên nhân của Freud hẳn sẽ quy kết theo luật nhân quả đơn giản, "Vì cha mẹ dạy dỗ kiểu như vậy nên trẻ lớn lên như thế". Giống như nếu không tưới nước cho cây, cây sẽ héo. Đó đúng là một lời giải thích dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo thuyết mục đích của Adler thì không thể bỏ qua mục đích thực sự của trẻ, nghĩa là mục đích "trả đũa" cha mẹ. Nếu mình hư hỏng, không đi học, tự rạch tay thì cha mẹ sẽ đau buồn, thậm chí kinh hoàng lo sợ, không muốn sống nữa. Chính vì biết vậy nên trẻ mới hành động như thế. Không phải chúng bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân trong quá khứ (hoàn cảnh gia đình) mà chỉ nhằm thực hiện được mục đích hiện tại (trả đũa cha mẹ)."

Chàng thanh niên Hành động như vậy để trả đũa cha mẹ? 

Triết gia "Đúng vậy. Chẳng hạn, nhìn đứa trẻ tự rạch tay, chắc có nhiều người sẽ nghĩ "Nó làm thế để làm gì cơ chứ?"

Nhưng, hãy thử nghĩ xem, hành động tự rạch tay như thế sẽ khiến những người xung quanh, ví dụ như cha mẹ đứa trẻ cảm thấy thế nào. Nếu nghĩ kỹ, chắc chắn sẽ nhận ra "mục đích" đằng sau hành động đó."

Chàng thanh niên ... Mục đích là trả đũa phải không?

Triết gia Đúng vậy. Và khi mối quan hệ giữa người với người bước đến giai đoạn trả đũa thì hai bên đương sự sẽ không thể tự giải quyết được nữa. Để tránh điều này, khi kẻ khác khơi mào một cuộc tranh giành quyền lực, chúng ta tuyệt đối không được mắc bẫy. 

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện