Hãy chém đứt nút thắt Gordias

Chàng thanh niên Đúng là nếu hiểu và thực hiện nguyên tắc phân chia rạch rời các nhiệm vụ thì ta sẽ trở nên tự do hoàn toàn trong mọi mối quan hệ với người khác. Nhưng tôi vẫn chưa thể chấp nhận được.

Triết gia Tôi nghe đây.

Chàng thanh niên Tôi nghĩ rằng về mặt lý thuyết, phân chia nhiệm vụ là hoàn toàn đúng. Người khác nghĩ về tôi như thế nào, đánh giá tôi như thế nào, đó là nhiệm vụ của người đó, tôi chẳng thể làm được gì. Và tôi chỉ cần sống cuộc đời mình mà không nói dối, làm việc mình cần làm. Điều đó chính xác đến mức gọi là chân lý cuộc đời cũng chẳng sai. Tuy nhiên, thầy hãy nghĩ xem. Về mặt luân lý hoặc đạo đức thì làm vậy có đúng không? Nghĩa là, cách sống rạch ròi ranh giới giữa mình và người khác ấy. Thô bạo gạt cả bàn tay chìa ra giúp đỡ của những người lo lắng cho mình, còn nói rằng "Anh đang định can thiệp vào cuộc sống của tôi đấy!". Chẳng phải là giẫm đạp lên thành ý của người khác à?

Triết gia Cậu có biết Alexandros Đại đế không?

Chàng thanh niên Alexandros Đại đế? Vâng, tôi đã học trong môn lịch sử thế giới...

Triết gia Ông ấy là quốc vương Makedonia thế kỷ 4 trước Công nguyên. Trên đường chinh phạt vương quốc Lydia thuộc lãnh thổ Ba Tư, ông thấy trong đền thờ ở đó thờ một cỗ chiến xa. Chiến xa được Gordias, vị quốc vương trước đây chằng thật chặt vào cột đền thờ. Ở vùng đó lưu truyền lời sấm rằng "Người cởi được nút này sẽ thống trị châu Á". Đó là một nút thắt rất phức tạp, nhiều kẻ tài tình đã thứ sức nhưng vẫn chưa ai tháo được. Cậu nghĩ Alexandros Đại đế đã làm gì với nút thắt đó?

Chàng thanh niên Ông ấy đã cởi được nút thắt và trở thành hoàng đế châu Á?

Triết gia Không phải. Alexandros Đại đế thấy nút thắt chặt quá liền rút kiếm chém đứt đôi.

Chàng thanh niên Sao cơ?!

Triết gia Nghe đồn lúc đó ông ấy đã nói rằng "Định mệnh không phải do sấm truyền mang lại mà phải mở đường bằng thanh kiếm của chính mình." Ông không cần sức mạnh của truyền thuyết mà tự làm nên định mệnh bằng thanh kiếm trong tay. Như cậu đã biết, sau đó ông đã trở thành hoàng đế cai trị một vùng lãnh thổ mênh mông từ Trung Đông tới Tây Á. Đó là giai thoại nổi tiếng dưới tên gọi "Nút thắt Gordias".

Nút thắt phức tạp ấy cũng chính là "gông cùm" trong mối quan hệ giữa người với người, không thể tháo gỡ theo cách thông thường mà phải cắt đứt bằng một cách hoàn toàn mới. Khi nói đến "phân chia nhiệm vụ", tôi luôn nhớ tới nút thắt Gordias.

Chàng thanh niên Không phải tôi muốn cãi lại thầy, nhưng có phải ai cũng có thể trở thành Alexandros Đại đế đâu. Chính vì chém đứt nút thắt như ông ấy là việc không ai làm được mà bây giờ nó vẫn được kể lại như một sự tích anh hùng chứ? Phân chia nhiệm vụ cũng vậy. Dù biết cứ cầm kiếm cắt phăng đi là xong nhưng mãi vẫn không làm được. Bởi vì phân chia nhiệm vụ cuối cùng sẽ trở thảnh cắt đứt cả mối ràng buộc giữa người với người, dồn con người tới chỗ cô lập. Việc phân chia nhiệm vụ mà thầy nói đến hoàn toàn bỏ qua cảm xúc của con người! Như thế làm sao có thể làm chỗ dựa để xây dựng quan hệ tốt với người khác được chứ?!

Triết gia Có thể xây dựng được chứ. Phân chia nhiệm vụ không phải là mục tiêu cuối cùng mà là lối vào của quan hệ giữa người với người.

Chàng thanh niên Lối vào ư?

Triết gia Chẳng hạn, khi đọc sách mà gí mặt vào sát cuốn sách thì sẽ chẳng nhìn thấy gì phải không? Tương tự như vậy, để xây dựng được mối quan hệ tốt với người khác, cần có một khoảng cách nhất định. Nếu khoảng cách quá gần, dính sát vào nhau, thì thậm chí còn không đối diện trò chuyện được với đối phương.

Dù vậy, khoảng cách cũng không được quá xa. Cha mẹ cứ mắng mỏ con suốt thì đôi bên sẽ trở nên xa cách về mặt tâm hồn. Như vậy, trẻ không còn tâm sự với cha mẹ, cha mẹ cũng không còn có thể giúp đỡ trẻ khi cần thiết nữa. Quan trọng nhất là phải giữ được khoảng cách phù hợp, vươn tay ra là chạm tới nhưng không được xâm phạm vào lãnh địa của đối phương.

Chàng thanh niên Dù là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng cần khoảng cách sao?

Triết gia Tất nhiên. Lúc nãy cậu nói phân chia nhiệm vụ giống như giẫm đạp lên thành ý của đối phương. Đó là suy nghĩ bị bó buộc bởi tư tưởng "đền đáp". Nếu người khác làm gì đó cho mình thì phải đền đáp, dù đó là điều mình không mong muốn.

Đây không hẳn là đáp lại thành ý mà chỉ là đang bị bó buộc bởi tư tưởng đền đáp. Dù đối phương có tác động thế nào, thì người quyết định việc mình cần làm vẫn là chính mình.

Chàng thanh niên Ý thầy nói rằng bản chất của "mối ràng buộc" mà tôi nói thực ra là tư tưởng đền đáp sao?

Triết gia Đúng vậy. Nếu trong quan hệ giữa người với người mà có "đền đáp" thì sẽ nảy sinh suy nghĩ: "tôi đã mang lại cho cậu điều này nên cậu cũng phải đáp lại như thế này". Tất nhiên, đây là một quan điểm trái ngược với phân chia nhiệm vụ. Chúng ta không được mong muốn đền đáp, cũng không được để mong muốn của người khác bó buộc mình.

Chàng thanh niên Hừm.

Triết gia Cũng có những trường hợp mà can thiệp vào nhiệm vụ của người khác lại dễ dàng hơn là phân chia nhiệm vụ. Chẳng hạn, khi dạy trẻ, đứa trẻ mãi không buộc được dây giày. Nếu xét từ góc độ của người mẹ bận rộn thì ra tay buộc hộ sẽ nhanh hơn là đợi con tự buộc. Nhưng đó là hành vi can thiệp, lấy đi nhiệm vụ của con. Kết quả của việc can thiệp nhiều lần là đứa trẻ sẽ chẳng học được gì, cuối cùng sẽ đánh mất can đảm đối diện với các nhiệm vụ cuộc đời. Adler nói: "Những đứa trẻ không được dạy đối diện với khó khăn nhiều khả năng sẽ cố tránh né mọi khó khăn.

Chàng thanh niên Nhưng đó là một quan điểm quá cứng nhắc! 

Triết gia Cả khi Alexandros Đại đế chém đứt nút thắt của Gordias, có lẽ cũng có người nghĩ như vậy. Rằng nút thắt dùng tay cởi mới có ý nghĩa, dùng kiếm chém là sai, Alexandros đã hiểu sai ý nghĩa của lời tiên tri.

Tâm lý học Adler có nhiều phần đi ngược với lẽ thường là: phủ nhận thuyết nguyên nhân, phủ nhận sang chấn tâm lý, áp dụng thuyết mục đích; cho rằng mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người, ngoài ra cả việc không mong muốn được thừa nhận lẫn phân chia nhiệm vụ đều đi ngược với lẽ thường.

Chàng thanh niên Không được đâu. Tôi không thể chấp nhận được!

Triết gia Tại sao?

"Phân chia nhiệm vụ" vừa nói đến quả là một nội dung gây chấn động. Đúng là khi cho rằng tất cả mọi phiền muộn đều từ mối quan hệ giữa người với người thì quan điểm phân chia nhiệm vụ sẽ hữu dụng. Chỉ cần giữ quan điểm như vậy, thế giới sẽ trở nên tương đối đơn giản. Nhưng đó là một lý thuyết lạnh lùng, chẳng có chút tình người. Làm sao có thể chấp nhận một thứ triết học như vậy! Đứng dậy, nói lớn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện