Nhu cầu được thừa nhận dẫn tới mất tự do
Chàng thanh niên Từ xưa tôi đã thấy bất mãn việc đó rồi! Người lớn tuổi trên đời đều khuyên thanh niên "Cứ làm gì mình thích!", hơn nữa còn nói với nụ cười đầy vẻ thông cảm, tỏ ra mình đứng về phe thanh niên. Nhưng đó chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi, nói với những thanh niên xa lạ, chẳng có quan hệ gì với mình, mình cũng chẳng cần có trách nhiệm gì với họ mà thôi!
Trong khi đó, bố mẹ và giáo viên đưa ra những yêu cầu cụ thể chán ngắt như "Phải vào trường đó" hay "Phải tìm một công việc ổn định", đó không phải đơn thuần là can thiệp, trái lại còn cho thấy họ có trách nhiệm. Chính vì là người gần gũi với họ nên họ mới nghiêm túc nghĩ cho tương lai của người đó, không thốt ra những lời vô trách nhiệm như "Cứ làm gì mình thích"!
Chắc hẳn thầy cũng sẽ khuyên tôi với bộ dạng thông cảm đó, rằng "Cứ làm gì mình thích". Nhưng tôi không tin những lời này của người lạ đâu! Đó là những lời nói quá vô trách nhiệm, như gạt đi con sâu bướm trên vai vậy! Cho dù thiên hạ có giẫm nát con sâu bướm đó thì chắc thầy cũng thản nhiên nói "Không phải nhiệm vụ của tôi" rồi bỏ đi mà thôi! Cái gì mà phân chia nhiệm vụ chứ?! Thầy thật vô cảm.
Triết gia Ha ha ha. Cậu dễ mất bình tĩnh nhỉ!
Tóm lại là, ở một mức độ nào đó cậu muốn người khác can thiệp, hoặc muốn người khác quyết định hộ con đường của mình phải không?
Chàng thanh niên Nói thẳng ra thì có lẽ là thế! Đoán xem người khác mong đợi gì ở mình thì không khó. Trong khi đó, sống theo ý thích của mình lại rất khó. Mình mong muốn điều gì? Muốn trở thành người ra sao, sống một cuộc sống như thế nào? Những điều này đều rất khó hình dung cụ thể. Nếu nghĩ rằng ai cũng có ước mơ và mục tiêu rõ ràng thì thầy nhầm to rồi. Lẽ nào thầy không hiểu cả điều đó sao?!
Triết gia Đúng là sống để đáp ứng mong đợi của người khác là cách sống dễ dàng thật. Vì như thế đã phó mặc cuộc đời của mình cho người khác, giống như chạy theo đúng con đường cha mẹ đã vạch sẵn vậy. Dù có ít nhiều bất mãn nhưng hễ còn chạy trên con đường đó thì sẽ không bị lạc. Nhưng nếu tự quyết định con đường của mình, đương nhiên sẽ có khả năng lạc đường, thậm chí có khi còn lâm vào ngõ cụt "phải sống như thế nào?"
Chàng thanh niên Lý do tôi mong muốn được người khác thừa nhận chính là ở chỗ đó! Lúc nãy thầy đã nhắc đến Chúa, nếu vào thời đại con người còn tin có Chúa thì có lẽ việc "Chúa đang dõi theo" có thể trở thành thước tấc đưa mình vào khuôn phép. Có lẽ chỉ cần được Chúa thừa nhận thì sẽ không cần người khác thừa nhận nữa. Nhưng thời đại đó đã kết thúc lâu rồi. Như vậy thì chỉ còn cách đưa mình vào khuôn phép nhờ "người khác đang quan sát". Sống một cuộc đời đàng hoàng để được người khác thừa nhận. Đôi mắt của người khác chính là biển chỉ đường cho tôi.
Triết gia Chọn sự thừa nhận của người khác hay chọn con đường tự do không được thừa nhận, đó là vấn đề quan trọng, chúng ta hãy cùng suy nghĩ nào. Việc sống mà phải để ý ánh mắt của người khác, luôn thăm dò sắc mặt của người khác, sống để đáp ứng mong đợi của người khác có lẽ sẽ có biển chỉ đường cho cuộc đời thật, nhưng đó là cách sống vô cùng mất tự do.
Vậy tại sao lại chọn cách sống mất tự do đó? Cậu đã sử dụng cụm từ "nhu cầu được thừa nhận", nhưng có lẽ ý cậu là không muốn bị ai ghét phải không?
Chàng thanh niên Làm gì có người nào cố tình muốn bị ghét chứ!
Triết gia Đúng vậy. Đúng là không có ai mong muốn bị ghét cả. Nhưng, hãy nghĩ thế này. Phải làm thế nào mới không bị ai ghét? Câu trả lời chỉ có một. Luôn thăm dò sắc mặt người khác, đồng thời cam kết trung thành với tất cả mọi người. Nếu xung quanh có mười người thì sẽ trung thành với cả mười. Làm được như vậy thì trước mắt sẽ không bị ai ghét. Tuy nhiên, lúc này một mâu thuẫn lớn đang đợi cậu phía trước. Chính từ tâm nguyện không muốn bị ghét nên trung thành với cả mười người. Điều này giống như chính trị gia rơi vào chủ nghĩa dân túy, hứa "làm được" cả những điều không làm được, nhận cả những trách nhiệm mà mình không gánh được. Tất nhiên, những lời nói dối đó sẽ sớm bị lật tẩy, và sau đó lòng tin sẽ mất, khiến cuộc đời càng khốn khổ hơn. Dĩ nhiên, áp lực vì phải tiếp tục nói dối cũng lên đến ngoài sức tưởng tượng.
Ở đây cậu hãy hiểu rõ. Sống để đáp ứng mong đợi của người khác và phó mặc cuộc đời mình cho người khác, đó là cách sống lừa dối bản thân, đồng thời lừa dối cả những người xung quanh mình.
Chàng thanh niên Vậy thầy bảo tôi hãy sống ích kỷ và tùy tiện ư?
Triết gia Phân chia rành rọt các nhiệm vụ không phải là ích kỷ. Đúng ra, chính can thiệp vào nhiệm vụ của người khác mới là một lối nghĩ ích kỷ. Cha mẹ bắt con cái học hành, can thiệp cả vào kế hoạch tương lai và đối tượng kết hôn. Những điều này đều là suy nghĩ ích kỷ.
Chàng thanh niên Vậy thì con cái cứ sống tùy thích, không cần để ý đến mong muốn của cha mẹ phải không?
Triết gia Chẳng có lý do gì khiến mình không được sống cuộc đời theo ý thích của mình cả.
Chàng thanh niên Ha ha! Thầy, thầy vừa theo chủ nghĩa hư vô vừa theo chủ nghĩa vô chính phủ, đồng thời cũng theo chủ nghĩa khoái lạc. Tôi thấy buồn cười hơn là ngạc nhiên đấy!
Triết gia Những người lớn đã chọn cách sống mất tự do sẽ phê phán những thanh niên đang sống tự do, nắm lấy khoảnh khắc này là "sống theo chủ nghĩa hưởng thụ". Tất nhiên đây là lời nói dối cuộc đời được thốt ra để người lớn ấy thuyết phục bản thân mình chấp nhận cuộc sống mất tự do đang có. Nếu là những người lớn đã chọn tự do thực sự sẽ không thốt ra những lời đó, có khi còn ủng hộ hãy sống tự do.
Chàng thanh niên Được rồi, tóm lại thầy đã bảo xét cho cùng vấn đề cần bàn đến là tự do phải không? Vậy chúng ta hãy chuyển sang phần chính đi. Từ nãy đến giờ từ "tự do" đã xuất hiện quá nhiều lần, vậy thì tự do theo thầy nghĩ là gì? Chúng ta làm thế nào mới trở nên tự do?