Chương 7

Tin viết xong câu thứ nhất, ngoác miệng đọc thật to:

- Chúng tôi lạc vào hòn đảo này đã tròn một tháng.

Chỗ này, con Thắm bắt bẻ ngay:

- Có nửa tháng à.

- Một tháng.

- Trên cây cọ chỉ có mười bảy vết khắc à.

- Lát nữa theo khắc thêm mười ba vết nữa, khó gì!

Mười bảy vết khắc kia, Tin đã có gian lận trong đó rồi. Những vết khắc đó rõ ràng nhiều hơn số tuổi của hòn đảo Robinson. Thằng Bảy biết tỏng, nhưng không nói ra. Không ngờ bửa nay thằng Tin huỵch toẹt luôn. Nó nói chuyện ăn gian bằng vẻ mặt nghênh ngang khiến hai đứa bạn nó ngớ ra mất một lúc.

- Nhìn cái gì! – Tin hừ giọng – Tụi mày viết đi!

Thế là Bảy và Thắm cúi đầu hí hoáy “Chúng tôi lạc vào hòn đảo này đã tròn một tháng”.

Nhật ký của bọn nhóc từ từ dài ra, dĩ nhiên là hoàn toàn giống nhau. Biết làm thế nào được, chúng ta cần phải thông cảm, vì chúa đảo, chúa đảo phu nhân, và phó chúa đảo đều lạc vào cùng một chỗ, chứng kiến cùng một sự kiện và trải qua cùng một tâm trạng.

Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên nếu câu thứ hai của bọn nhóc cũng giống nhau đến từng dấu phẩy: “Đảo thoai thoải, rất nhiều cát, nhưng cây cọ mọc rải rác giúp hòn đảo bớt hiu quạnh. Đảo Robinsin lọt trong một vùng khí hậu đặc biệt, năm nào cũng có bốn trận bão lớn tràn qua đây…”.

Thằng Tin cứ viết một câu, lại cất cao giọng đọc, y như thầy giáo đọc chính tả cho học trò chép.

Nhưng Bảy và Thắm chẳng lấy thế làm tự ái.

Tụi nó còn thấy thích thú khi Tin hào hứng tả cảnh:

“Thỉnh thoảng gió giật rất mạnh, mái lều lợp bằng lá dừa của chúng tôi bị nhồi liên tục và cuối cùng không chịu nổi đã đổ sập xuống, may mà chúng tôi đã nhanh chân thoát ra ngoài. Những lúc đó, mặt biển trông thật dữ dội, sóng trào lên như bắn ra từ một cái máy phun đặt dưới đáy biển, bọt tung trắng xóa khi quật mạnh vào mỏm đá san hô ở phía Tây hòn đảo”.

- Hay quá, Tin! – Con Thắm vừa chép vừa nức nở khen.

Bảy cũng gật gù:

- Mày mô tả giống thật ghê. Y như cảnh trời mưa hôm nọ.

Con Thắm đề nghị:

- Tin tả cảnh biển đi, Tin. Biển lúc hoàng hôn ấy.

Tin đưa mắt nhìn ra xa, trông mặt nó rất mơ màng. Nó đang ngắm cảnh biển lúc hoàng hôn đó mà.

“Chúng tôi thích nhất lúc ngồi trên đảo Robinson ngắm hoàng hôn trên biển. Mặt trời như hòn lửa lớn ai ở trên trời vô ý đánh rơi xuống đại dương…”

Bảy cười hì hì:

- Ai đó ở trên trời đang hút thuốc lá.

Tin như không nghe thấy Bảy, tiếp tục:

“Mặt biển lúc đó trông phẳng lì, êm đềm như một miếng xu xoa khổng lồ và màu sắc của miếng xu xoa thay đổi không ngừng…”.

Bảy lại phá ngang:

- Mày tả biển làm tao thấy đói bụng quá!

Con Thắm phụ họa:

- Mình cũng đói bụng nữa.

Thằng Tin xếp cuốn tập lại, thở hắt một cái:

- Ờ, tao cũng đói bụng luôn. Nhật ký hôm nay viết thế đủ rồi. Mai viết tiếp.

Ngày hôm sau con Thắm dắt theo con Pig lên đảo.

Pig không phải là con heo.

Pig là tên con cún của nhà con Thắm.

Con Pig màu vàng, tai vểnh tao cịp, trông rất tức cười. Nó có vẻ nhút nhát. Tứ khi đặt chân qua cổng nhà thằng Tin, nó rụt rè đánh hơi khắp nơi bằng cái mũi màu hồng. Chắc tại cái mũi có màu đặc biệt này mà cậu con Thắm đặt tên nó là Pig.

- Pig! Pig! Lại đây nè!

Thằng Bảy ngoắt con Pig, vui vẻ gọi. Nó ở cạnh nhà con Thắm nên quen biết với Pig từ trước.

Con Pig hơi phân vân một chút rồi lao về phía Bảy, đuôi ngoáy tít thay cho lời chào hỏi.

Thằng Tin tươi cười nhận xét:

- Con cún này tên hay ghê!

- Nó không phài con cún. – Con Thấm nghiêm trang – Nó là con sư tử.

- Sư tử á?

- Ờ, sư tử. – Con Thắm chỉ tay về phía cây cọ - hòn đảo này lắm rừng rậm thế kia, phải có thú dữ chứ.

Tin sung sướng:

- Đúng rồi. Đảo hoang thì phải có thú dữ. Nếu không thì buồn tẻ lắm!

Bảy kêu lên

- Ê, con sư tử của mày ị lên chỗ ngủ của mình rồi, Thắm.

Vợ chồng chúa đảo quay phắt về phía con Pig. Quá thực, nhân lúc mọi người bàn tán và cất nhắc nó lên chức sư tử, con Pig phản đối bằng cách kiên quyết chứng minh mình là cún.

Chỉ có một con cúc mới ị bậy thế thôi.

Như chúng ta đã biết, chúa đảo thỉnh thoảng vẫn vào đất liền thăm ba chúa đảo, mẹ chúa đảo và chị Hai chúa đảo.

Có vẻ như ba của chúa đảo đã thuyết phục được mẹ chúa đảo và chị Hai chúa đảo tin rằng chúa đảo quá thực đang sinh sống trên một hòn đảo nên thời gian gần đây chúa đảo không bị mẹ và chị mắng về đủ thứ liên quan đến chuyện nghịch cát nữa.

Mẹ chúa đảo và chị chúa đảo cũng không còn giữ vẻ thờ ơ trước những tin tức về hòn đảo.

Chúa đảo nói, trong bữa ăn:

- Tụi con đặt tên cho hòn đảo rồi.

- Tên gì thế con? – Mẹ chúa đảo hỏi, cái cách bà biểu lộ qua ánh mắt cho thấy bà muốn người nghe biết bà đang rất tò mò.

Chúa đảo kiêu hãnh đáp, ngực ưỡn về phía trước một cách không tự chủ:

- Tụi con đặt tên cho nó là đảo Robinson.

Chúa đảo khoe, trong bữa ăn tiếp theo:

- Hôm nay con nhìn thấy một con sư tử trên đảo.

Chị chúa đảo rụt cổ:

- Eo ôi, sư tử cơ á?

- Vâng.

- Thế em có bắn nó không?

- Không. Tụi em thuần hóa nó.

Chị chúa đảo tủm tỉm:

- Tức là bây giờ nó đã ngoan ngoãn như một con cún.

- Đúng là bây giờ nó ngoan ngoãn như một con cún.

Chúa đảo hân hoan đáp, không nghĩ chị chúa đảo đang trêu chúa đảo.

Ba nói với thằng Tin bằng giọng hồ hởi:

- Ba đã nhìn thấy con sư tử đó.

Tin hỏi lại bằng giọng hồ hởi không kém:

- Ba nhìn bằng ống dòm hả ba?

- Dĩ nhiên là ba nhìn bằng ống dòm.

Nói xong ba đứng lên, đi vào phòng.

Rất nhanh, ông quay trở ra. Trên tay ông là một chiếc ống dòm thật.

Ông đặt chiếc ống dòm màu đen vào tay Tin:

- Ba tặng con đó. Ba nghĩ con cần đến nó hơn ba.

Ba mỉm cười:

- Con đang sống trên đảo hoang mà. Lại có cả sư tử nữa.

Tin nhắc:

- Nhưng tụi con đã thuần hóa nó rồi.

Ba tặc lưỡi:

- Biết đâu còn những con khác.

Chiếc ống dòm có cả dây đeo. Tin đeo vào cổ rồi đưa ống dòm lên mắt.

- Con điều chỉnh tầm nhìn bằng cái vòng xoay ở giữa. – ba hướng dẫn Tin.

Hai cha con loay hoay một lúc với chiếc ống dòm.

Khi Tin quay trở ra ngoài sân với chiếc ống dòm lủng lẳng trước ngực, không còn nghi ngờ gì nữa, trông nó đã giống chúa đảo lắm rồi.

Thằng Bảy và con Thắmtranh nhau chiếc ống dòm đến sùi bọt mép.

- Tao dòm trước. – Bảy nói.

- Mình trước. – Con Thắm không chịu.

Bảy đập tay trước ngực:

- Tao trước. Tao là phó chúa đảo.

Thắm không đập tay lên ngực, vì nó là con gái. Nó dậm chân thình thịch:

- Nhưng mình là chúa đảo phu nhân.

Con Thắm chả khoái gì chức “chúa đảo phu nhân”, nhưng để giành nhau chiếc ống dòm với phó chúa đảo, nó không thể không viện ra thân phận của mình.

Thằng Bảy nghĩ lung tung trong đầu: Phò chúa đảo và vợ chúa đảo, ai lớn hơn ai há? Chắc là chúa đảo phu nhân lớn hơn, nó nhủ bụng và buông tay khỏi chiếc ống dòm, tặc lưỡi:

- Cho mày dòm trước đó.

Con Thắm hân hoan, hai tay năng chiếc ống dòm lên mắt.

Bảy theo dõi nét mặt rạng rỡ của con Thắm, háo hức khi nghe nhỏ bạn luôn miệng xuýt xoa.

- Ôi, mình thấy cá mập nè. Hàng đàn cá mập. Eo ôi, ghê quá!

Bảy liếm môi:

- Chúng đang làm gì thế?

- Chúng đang rượt theo một con cá voi.

- Thế chúng rượt kịp không?

- Gần kịp rồi.

Bảy nhíu mày:

- Cá voi mà đánh không lại cá mập à?

- Mình không biết. Nhưng con cá voi có một mình, còn cá mập có một bầy.

Bảy nôn nao quá. Nó giật phắt chiếc ống dòm trên tay con Thắm, bất chấp con nhỏ này đang là chúa đảo phu nhân:

- Đưa tao xem thử nào!

Bảy reo ầm:

- Ha ha, bây giờ thì cá voi đang rượt đuổi cá mập.

- Thật không?

- Thật. – Bảy vừa đáp vừa rê ống dòm từ trái qua phải rồi từ phải qua trái, nó đang quan sát trận thủy chiến ,à- Cá voi có quân tiếp viện. Hai chục con cá voi đang kéo đến cứu bồ.

- Thế là đàn cá mập quay đầu bỏ chạy hở?

- Ờ, chạy cuống cuồng.

Con Thắm vỗ tay, thích chí:

- Hay quá! Mình ghét cá mập. Mình theo phe cá voi.

Bảy gật đầu:

- Tao cũng theo phe cá voi. Cá voi hay cứu người gặp nạn trên biển. Còn bọn cá mập thì chỉ lăm le xơi tái tụi mình thôi.

Con Thắm nuốt nước bọt, tò mò:

- Thế cá voi có đuổi kịp cá mập chưa, Bảy?

- Chưa. – Bảy toét miệng cười – Bọn cá mập lặn xuống đáy biển rồi.

Tin đứng bên cạnh Bảnh và Thắm nghe hai đứa bạn rìu rít nãy giờ, bụng đã bồn chồn lắm.

Nó cố ép mình đóng vai một chúa đảo rộng lượng, nhưng đến phút cuối nó đành phải dẹp bỏ ý định cao đẹp đó. Nó chìa tay về phía Bảy:

- Tụi mày xem thế đủ rồi. Tới lượt tao.

Tới lượt chú đảo áp ống dòm vào mắt nhìu mày quan sát thì biển đang cuồn cuộn sóng. Cá voi và cá mập lúc này chẳng còn một mòng. Mây vần vũ, và bầu trời như sập xuống trên biển, đùng đục, chẳng mấy chốc đen kịt, giống như ai đứng cao giũ xuống một tấm màn.

- Biển động! – Tin lẩm bẩm.

Bảy hồi hộp:

- Sóng lớn lắm hở Tin?

- Ờ. Sóng cao bằng tòa nhà chung cư. Hết ngọn sóng này đến ngọn sóng khác. Mặt biển giống như một tấm chăn, có ai đó đang cố cuộn lại.

Con Thắm lo lắng:

- Có sóng thần không?

Tin nhìn nhỏ bạn giọng trách móc:

- Có sóng thần thì tụi mình đã chết từ lâu rồi!

- Tin nhìn kỹ xem. – Con Thắm chép miệng, chuyển mối quan tâm của mình qua chỗ khác – Có con tàu nào gặp nạn không vậy?

- Chắc là không đâu. Chẳng con tàu nào dám đi vào vùng biển nguy hiểm này.

Tin đáp, nhưng vẫn rê ống dòm theo dõi.

Tất nhiên là Tin chẳng thấy con tàu nào.

Tin cũng chẳng thấy biển.

Nó thấy vườn ổi nhà thằng Bảy bên kia đường. Cạnh nhà bảy là nhà dì Sáu Dừa. Vườn nhà dì Sáu Dừa không có lấy một cây dừa. Tin không hiểu tại sao dì có cái tên đó. Nó chỉ thấy thằng cu Mít, con dì Sáu Dừa, đang chơi trong vườn. Vườn cũng chả có cây mít nào. Ngộ ghê!

Tin căng mắt cố tìm nhà con Thắm. Qua ống dòm, cảnh vật trước mắt gần lại đáng kể nhưng Tin vẫn không thể thấy nhà con Thắm. Nhà nhỏ bạn nó bị nhà thằng Bảy che khuất, chỉ thấy một thẻo mái tôn lấp lánh trong nắng.

- Tin nhìn gì lâu thế? Biển còn động không Tin?

Tiếng con Thắm vang lên kéo Tin về với vai trò chúa đảo. Nó nghiêm nghị:

- Còn. Bảo sắp đến rồi. Tụi mình nhanh nhanh dựng lều thôi.

Cuộc sống của ba đứa nhóc trên hòn đảo Robinson thật yên bình, dù thỉnh thoảng có vài tận bão lớn quét ngang qua đảo, và gần đây có cả sư tử xuất hiện trên đảo nữa.

Nhưng điều đó không ngăn được tai họa ập đến với chúa đảo, chúa đảo phu nhân và phó chúa đảo.

Tất nhiên, ngay trên đảo thì chẳng có gì xảy ra. Như chúng ta đã biết, sống trên đảo toàn là những kẻ can trường. Đàn ông thì khỏe mạnh và dũng cảm. Phụ nữ vừa khỏe mạnh dũng cảm vùa xinh đẹp.

Nhưng khi rời khỏi đảo để đi một nơi có tên là trường học cách đó một cây số lại là câu chuyện khác. Ở chốn đó. những bậc vĩ nhân đáng kính của chúng ta tạm thời thôi làm vĩ nhân để làm những cô bé cậu bé học trò.

Các cô bé cậu bé đó cũng phải chép bài, làm bài như những cô bé cậu bé khác.

Một hôm, khi dạy môn Tiếng Việt, cô giáo ra đề tập làm văn “Em hãy kể về nơi chốn mà em thích nhất”.

Dĩ nhiên, không nói ai cũng biết, hầu hết bài làm của bọn học trò (ở lớp Tin hay ở bất cứ lớp học nào trên trái đất) đều kể về nơi chôn nhâu cắt rốn (về quê nội hay quê ngoại) hay về trường lớp ( trường cũ hoặc trường mới) hay về những danh lam thằng cảnh mình từng đặt chân tới…

Nếu đề văn ra cách đây một tháng, chắc chắn Tin, Bảy và con Thắm sẽ viết na ná như bài làm của tụi bạn trong lớp.

Nhưng bây giờ thì tụi nó cảm thấy trên đời điều mới lạ đáng kể hơn những nơi chốn như nhắc ở trên.

Tin kể về hòn đảo Robinson.

Bảy cũng kể về đảo Robinson.

Con Thắm cũng kể về hòn đảo đó.

Thích một hòn đảo và viết điều đó ra trong bài làm văn thì chẳng có chi là bất thường.

Nhưng có tới ba đứa cùng bô bô lên rằng nơi em thích nhất là đảo hoang thì câu chuyện đã có vẻ không bình thường.

Hòn đảo mà ba đứa cùng thích lại giống nhau ở cái tên Robinson càng không bình thường hơn nữa.

Điều kỳ lạ là trên các hòn đảo đó tồn tại những thứ y hệt nhau: những cây cọ, những mái lều bị tốc mái, một con sư tử được thuần hóa và hằng năm đều có bốn trận bảo lớn lồng lộn trên đảo.

Thậm chí những câu văn giống nhau một cách đáng ngờ: “Đảo thoai thoải, rất nhiều cát, những cây cọ mọc rải rác giúp hòn đảo bớt hiu quạnh”.

Cả lúc ngắm cảnh cũng giống nhau: “Em thích nhất lúc ngồi trên đảo Robinson ngắm hoàng hôn trên biển. Mặt trời như hòn lửa lớn ai ở trên trời vô ý đánh rơi xuống đại dương”.

Chúng ta có thể suy ra: Khi hào hứng kể về hòn đảo, Tin, Bảy và con Thắm đều đinhh ninh chỉ có riêng mình nghĩ ra sáng kiến đưa “nơi chốn mà em thích nhất” đó vô bài làm.

Cô giáo của mấy đứa nhóc tất nhiên không suy ra điều đó được, vì cô chưa đọc cuốc sách mà các bạn cầm trên tay, mà sự thực là lúc đó cuốn sách này chưa được viết ra.

Cô suy ra theo kiểu của cô:

- Bảy, Tin và Thắm, ba em đứng lên!

Trước vẻ mặt hoang mang của ba đứa học trò đang đứng và vẻ tò mò của những đứa khác đang ngồi, cô thong thả đọc bài làm của tửng đứa.

Cô đọc bài của phó chúa đảo trước. Rồi tới bài của chúa đảo. Cuối cùng là bài làm của chúa đảo phu nhân.

Hôm đó, lần đầu tiên trong đời dạy học cô đọc bài trên nền nhạc, được phối khí và hòa âm bởi những tiếng gõ bàn và dậm chân lên sàn nhà, những tràng cười rúc rích và những tiếng hô chằm chặp, nhịp nhàng:

- Cóp py! Cóp py!

- Tại sao các em chép lẫn bài của nhau thế? Các em có biết đó là hành vi đáng xấu hổ hay không? – Cô giáo nghiêm khắc xoáy mắt vào ba gương mặt đang đỏ bừng của bọn nhóc, giọng có vẻ phiền lòng.

Chắc chắn Bảy, Tin và con Thắm đỏ mặt không phải vì xấu hổ. Nhưng cô giáo nghĩ thế, những đứa bạn cũng nghĩ thế.

Ba kẻ lưu lạc trên đảo hoang bối rối đưa mắt nhìn nhau.

Ánh mắt của chúa đảo phu nhân và phó chúa đảo như muốn nói: Ai là chúa đảo vậy ta?

Thằng Tin đành ngước mắt nhìn cô, ấp úng:

- Thưa cô, tụi em không cóp bài của nhau đâu ạ.

- Thế tại sao các em đều kể về hòn đảo Robinson? Lại kể giống đến từng chi tiết nữa. Chẳng lẽ trí tưởng tượng của con người giống nhau đến thế ư?

- Thưa cô, chúng em không tưởng tượng đâu ạ. – Tin gần như rên lên, trông nó giống như vừa bị roi dét vô mông Robinson.

Cô giáo tròn xoe mắt:

- Đó là hòn đảo có thật và các em đã tới đó rồi?

Bảy hăng hái đáp thay bạn, cảm thấy đã đến lúc phó chúa đảo nên chia sẽ gánh nặng với chúa đảo:

- Đúng thế, thưa cô. Ba đứa em lạc vào hòn đảo đó gần một tháng rồi ạ. Tụi em cùng viết chung “Nhật ký đảo hoang” nên khi làm bài văn tụi em tự nhiên… giống nhau thôi ạ.

Tiết lộ của Bảy khiến tụi bạn có cảm giác đang bị ai cù. Trong khi cô giáo lộ vẻ ngẩn ngơ, lớp học như bị rơi thẳng vào một cơn địa chấn.

- “Hê hê”

- He he”

- “Hi hi”

- “Hí hí”

- “Ha ha”

- “Há há há”

- Các em yên lặng nào! – cô giáo nhịp thước xuống bàn, rồi quay nhìn ba đứa nhóc vẫn đang thao láo mắt nhìn mình, cô hỏi, rất nghiêm trang, vì vậy mà có cảm tưỡng cô đang giễu cợt:

- Thế hòn đảo Robinson ở đâu vậy các em?

Con Thắm vọt miệng, nó nghĩ dù sao mình cũng là chúa đảo phu nhân, trong tình cảnh này cũng nên nói một câu:

- Hòn đảo đó ở trong vướn nhà bạn Tin đó cô!

Con Thắm hét lên khi thấy thằng Bảy cởi trần trùng trục, trên người chỉ có mổi cái quần xà lỏn từ nhà lon ton chạy qua:

- Bạn ăn mặc kiểu gì kỳ vậy?

Bảy hừ mũi:

- Mày ngốc quá. Tao là thổ dân. Tao nghĩ ra rồi. Là thổ dân thì chỉ mặc quần cộc thôi.

Tin nheo mắt nhìn bạn, gật gù:

- Ờ, trông mày giống thổ dân đấy.

Bảy nhìn con Thắm, mặt hếch lên trời:

- Mày nghe chúa đảo nói gì chưa, Thắm?

Con Thắm quay mặt đi chỗ khác, không thèm trả lời.

Tin lướt mắt trên người Bảy một vòng, tặc lưởi:

- Nhưng nhìn kỹ thì chưa giống lắm.

- Thế làm sao cho giống?

- Mày chờ tao chút!

Tin buông gọn, rồi co giò chạy vào nhà.

Lát sau, nó chạy ra, tay cầm theo sợi dây buộc tóc của chị Hai và mấy cọng lông gà.

Bảy hiểu ngay Tin muốn nó làm gì. Nó từng nhìn thấy thổ dân trên ti vi rồi mà.

Bảy Quấn sợi dây buộc tóc quanh trán, rồi nghiêng đầu về phía Tin cho bạn cắm lông gà lên.

Một phút sau, nó ngúc ngoắc đầu trước mặt con Thắm:

- Tao là thổ dân! Mày sợ không?

- Mày chưa phải thỏ dân đâu. – Con Thắm chưa kịp đáp. Tin đã mỉm cười chen ngang.

- Chưa phải á?

Tin thò tay vào túi quần lấy ra một mẫu than:

Làm gì có thổ dân trắng như vậy. Mày lại đây!

Tin bôi một lát, mặt mày và người ngợm thằng Bảy vằn vện trong rất kinh.

Lúc này con Thắm mới mở miệng. Nó cười hinh hích:

- Bây giờ thì bạn giống thổ dân ăn thịt người rồi đó, Bảy!

Đang nằm soãi người trên tàu lá dứa khô, thả mắt lên những đám mây trắng như bông trên cao, chúa đảo Tin bỗng nghiêng tai nghe ngóng.

Có tiếng lao xao từ đâu đó vọng tới. Mưa chăng? Mưa rơi trên cát, trên tán cỏ?

Tin xòe tay ra. Không có giọt nước nào rụng trên tay nó. Đầu cổ, mình mẩy không vương một chấm mưa.

Gì vậy nhỉ? Tin tự hỏi, quay sang Bảy và con Thắm, chưa kịp hỏi đã thấy phó chúa đảo và chúa đảo phu nhân ngồi bật dậy.

Rồi hai đứa đứng hẳn lên tàu lá dứa.

Thằng Bảy giống như đang múa may. Nó huơ tay chân nhảy tưng tưng, trông y hệt thằng thổ dân Thứ Sáu trong phim Robinson khi thấy tàu ngoài khơi tiến về hòn đảo:

- Cô giáo! Cô giáo tới!

Con Thắm hớn hở phụ họa:

- Đúng rồi! Là cô giáo!

Tiếng reo của hai đứa bạn bẩy Tin lên khỏi chỗ nằm và vặn đầu nó đúng một vòng.

Nhác thấy cô giáo và một đám bạn lủ khủ phía sau đang đứng ngoài cổng nhìn vào. Tin nhảy phóc một cái đã bay vèo qua đại dương, quéo mắt nếu nó sảy chân rơi xuống biển chắc chắn sẽ làm mối cho cá mập.

Sau lưng nó, phó chúa đảo và chúa đảo phu nhân cũng liều lĩnh nhảy ngang qua mặt biển, vù ra cổng.

- Chào cô ạ! – Tin mừng rỡ chào, rồi láu táu hỏi, tay cuống quýt mở cổng – Cô dẫn mấy bạn đi đâu vậy cô?

Cô giáo cười:

- Cô đến thăm em.

Tin há hốc miệng:

- Thăm em ạ?

Cô giáo nhìn vào trong sân, vui vẻ:

- Ừ, cô dẫn các bạn đi thăm hòn dảo của tụi em.

- Hòn đảo ở đâu vậy các em? Cô giáo ngay khi đặt chân qua cổng.

Từ nãy đến giờ, Bảy vẫn núp sau lưng Tin. Nghe cô hỏi, nó ngứa ngáy thò đầu ra, chỉ tay về phía đống cát, nhanh nhẩu:

- Nó đằng kia kìa cô!

Nhưng cô giáo không nhìn về phía hòn đảo. Cô ngạc nhiên rọi mắt nhìn khắp người Bảy:

- Sao em không mặc áo hở, Bảy? Lại bôi gì chằng chịt khắp người thế kia?

Bấy giờ Bảy mới sực nhớ ra hno1 đang cởi trần trước mặt cô giáo, vội co người lại, mặt đỏ bừng, lí nhí:

- Thưa cô… thưa cô…

- “Hi hi hi”

- “Ha ha ha”

Tràng cười của tụi bạn lấp ló sau lưng cô giáo lấp đầy cổ họng Bảy làm nó nghẹt thở.

Tin đỡ lời:

- Bạn ấy là thổ dân đó, cô!

Cô giáo nhíu mày:

- Thổ dân à?

Trong khi Bảy nơm nớp chờ một lời quở mắng thì ánh mắt cô giáo chợt dịu đi, và cô cười khoe hàm răng trắng bóng:

- À, cô nhớ rồi. Ba đứa em vào một hòn đảo hoang…

Lòng thằng bảy vừa rộn lên đã lập tức thắt lại khi nghe cô hỏi tiếp:

- Ủa, nếu em là thổ dân thì em đâu có đi lạc. Cô nghĩ em phải sống trên hòn đảo này từ bé chứ.

Cô thắc mắc đúng quá làm thổ dân Bảy đực mặt ra.

Lại thằng Tin giải vây cho nó:

- Bạn ấy trước đây sinh sống trên một hòn đảo khác, thưa cô. Chả biết loạng quạng thế nào lại lạc tới hòn đảo này.

Bây giờ thì cô giáo và lũ học trò đang đứng quanh hòn đảo Robinson.

- Đây là đống cát mà. – Một đứa nói, tay chống lom khom trên hai đầu gối, thò lò mắt nghiêng ngó.

- Ơ, thế này mà gọi là đảo à? – Một đứa khác khịt mũi hùa theo.

Rồi một dứa khác nữa:

- Đảo gì bé tí ti thế này!

Tin sầm mặt:

- Với tụi mày nó là đống cát nhưng với tụi tao nó là hòn đảo.

Giọng đầu tiên cãi:

- Với ai cũng vậy. Nó là đống cát

- Đống cát! Đống cát! Đống cát!

Giọng thứ hai không cãi, nhưng “điệp khúc” đó còn trêu ngươi hơn là cãi, khiến tụi thằng Tin tức muốc xịt khói lỗ tai. Nếu không có mặt cô giáo, chắc Tin đã nhào vô đánh nhau rồi.

- Lúc đầu mình cũng nghĩ như các bạn. – Con Thắm nhỏ nhẹ nói – Mình nghĩ nó là đống cát. Nhưng bây giờ thì mình tin nó là hòn đảo.

Tụi học trò tự nhiên chia làm hai phe. Phe “đống cát” và phe”hòn đảo”.

Phe ”hòn đảo” yếu hơn, chỉ có ba đứa. Phe “đống cát” có tới năm đứa.

Phó chúa đảo Bảy cảm thấy có trách nhiệm phải xoay chuyển tình thề cho cả bọn, dù sao trong ba đứa chỉ có mỗi nó là thổ dân.

- Cô nói đi cô! – Bảy nhìn cô giáo bằng ánh mắt cầu cứu – Nó là hòn đảo phải không cô?

Tám cái miệng há ra và mưới sáu con mắt mở to sau câu hỏi của Bảy. Trông cái cách cả bọn bu quanh cô giáo lúc này giống hệt cảnh hai đội bóng đang hồi hộp chờ lời phán xét của trọng tài.

Cô giáo âu yếm lướt qua từng gương mặt rồi quay nhìn tụi thằng Tin, cô mỉm cười:

- Từ khi đọc bài làm văn của ba đứa em, cô đã tin nó là hòn đảo rồi.

Cô giáo dẫn tụi học trò lên thăm hòn đảo.

Hòn đảo hoàn toàn là cát nên cô phải tháo guốc ra cầm tay.

Chúa đảo Tin lấy tay phủi cát trên tàu lá dứa khô, lễ phép:

- Dạ, mời cô ngồi.

Cô giáo vén áo ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh:

- Cô đã thấy cây cọ rồi. Nhưng cô nhớ bài làm của các em có nhắc tới sư tử…

Bảy chỉ tay vô trong nhà:

- Nó kìa, cô!

Con Pig lúc nãy vẫn nghịch trên đống cát, thấy cô có đông người lạ liền chạy vô đứng dưới mái hiên dòm ra.

- Pig. – Bảy kêu lớn.

Nghe chủ kêu, con Pig ngoáy đuôi lia lịa, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ, vẻ cảnh giác.

- Ha ha! Xem sư từ kìa! – Tiếng một đứa bạn cất lên, chế giễu.

Cô giáo nhiêm trang nói:

- Nếu chỗ chúng ta đang ngồi là một hòn đảo thì đằng kia đúng là sư tử các em ạ.

Bây giờ thì không còn phe “đống cát” nữa. Tám đứa học trò của cô giáo đều thuộc phe “hòn đảo”. Mà như cô xác nhận, phe “hòn đảo” tức là phe “sư tử”.

Phe “sư tử” thì dĩ nhiên không nhạo báng sư tử nữa.

Cả bọn xúm lại chỗ cây cọ, tò mò xem những vết khắc trên thân cây vừa nghe Tin hăm hở thuật lại những thử thách tưởng tượng mà ba đứa nó đã nếm trải từ những ngày đầu đi lạc…

Chi hai hỏi ngay khi thò đầu vào cửa bếp:

- Ai đến chơi nhà ta đông vậy em?

Nãy giờ chị vẫn đứng lấp ló ở ngách cửa nhìn ra.

- Cô giáo em đấy! – Tin kiêu hãnh đáp, nó chạy vào nhà cốt để khoe điều đó thôi.

- Cô giáo? – Chị Hai tròn xoe mắt, cho rằng nếu mình không nghe lầm thì chắc là Tin nói lầm.

- Dạ. Cô dẫn mấy bạn trong lớp đến thăm hòn đảo của em.

Tin nói, sung sướng, ánh mắt long lanh đưa qua đưa lại như hai giọt nước. bây giờ thì chị Hai đã tin cả hai chị em chẳng ai lầm lẫn hết. Thằng Tin nói quá rõ rồi còn gì. Chính mắt chị, chị cũng nhìn thấy cô giáo của Tin đó thôi – nếu người ngời bệt xuống cát kia đứng là cô giáo.

- Làm sao cô giáo biết về hòn đảo của em?

- Em viết về hòn đảo trong bài tập làm văn. Thằng Bảy cũng viết giống em, Con Thắm cũng viết giống như thằng Bảy.

- Thế là cô giáo tin ngay có một hòn đảo như vậy?

- Ờ, cô tin ngay.

Chị hai nheo mắt:

- Nhưng khi đến đây rồi thì cô nói sao?

- Cô nói ra sao à?

Tin nghe mặt mình nở ra, có thể tin nó cố kiềm nén cảm xúc để có thể phát âm thật rõ từng từ:

- Cô nói: Đây đúng là một hòn đảo!

Trông nó trịnh trọng như bác học Galilée tuyên bố về sự chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời.

Mẹ đi làm về, nghe chị hai thuật lại, rầy Tin:

- Sao con không mời cô giáo vào nhà chơi mà để cô ngồi ngoài nắng thế?

- Con có mời nhưng cô không dám vào.

Trán mẹ nhăn tít trong khi mắt mẹ mở to:

- Con nói gì lạ thế? Sao cô không dám vào nhà mình?

Tin đáp, vẫn với gượng mặt của nhà bác học Galilée:

- Cô không dám mạo hiểm bơi ngang biển.

- Lại thế nữa! – Mẹ thở hắt ra, tay nắm chặt chiếc túi xách để khỏi cốc đầu thằng con.

Tin nói thêm, làm như nếu nó không giải thích mẹ nó sẽ không hiểu:

- Cô sợ cá mập ăn thịt.

- Ra là thế?

Mẹ chép miệng nói, vể cam chịu.

Rồi mẹ đi thẳng vào phòng cất túi sách, vừa đi mẹ vừa bâng khuân nghĩ: có thật cô giáo của thằng Tin cũng cho đó là một hòn đảo không nhỉ?

Ba nói trong bữa ăn:

- Cô giáo không dám bơi qua biển để vào nhà mình là đúng.

- Ai cũng làm thế phải không ba?

- Ờ, ai cũng làm thế. – Ba gật đầu với Tin, sau khi chan một muỗng canh vô chén – Bơi qua biển là điều hết sức nguy hiểm.

Tin khẳng định, không biết lần thứ bao nhiêu:

- Biển rất nhiều cá mập.

Ba tặc lưỡi:

- Không có cá mập thì con người ta vẫn có thể chết vì đói khát. Đó là lý do đến giờ phút này ba vẫn chưa dám ra đảo.

Chị Hai nhìn Tin, cắc cớ:

- Nhưng nếu không bơi qua biển thì làm sao cô giáo đặt chân lên đảo được hả em?

- Có thể cô giáo đi thuyền.

Chị Hai nheo mắt:

- Chị không thấy con thuyền nào.

Tin không bối rối mảy may. Nó đặt chén cơm xuống và ngước nhìn chị Hai:

- Em đoán khi cô giáo lên bờ thì con thuyền bị nước cuốn trôi hoặc bị sóng đánh chìm.

Chị Hai định hỏi thế hồi chiều cô giáo rời khỏi đảo bằng cách nào nhưng cuối cùng chị đã không hỏi. Chị biết không thể bắt bí thằng Tin được. Nó có vẻ đã là một cư dân lâu năm của hòn đảo Robinson lắm rồi.

Cô giáo chỉ đến thăm hòn đảo của Tin có một lần đó thôi.

Nhưng bây giờ thì gần như chiều nào, lũ bạn đi cùng cô giáo hôm nọ cũng mò đến.

Tụi nó tin có cá mập trong vùng này, đã nhìn thấy những cây cọ, đã không nghi ngờ về lai lịch con sư tử tên Pig, dù con sư tử này sau khi được thuần hóa đã sủa rất giống một con cún. Và nếu hôm nào trời đất chợt đổ mưa, tụi nó còn được tận mắt chứng kiến những con bão gió mùa tràn vào đảo.

Thoạt đầu phó chúa đảo Bảy định “kinh doanh” hòn đảo.

Nó nói với chúa đảo và phu nhân chúa đảo.

- Ba của Tin và cô giáo của tụi mình đã công nhận hòn đảo này, đúng không?

- Vậy nó đúng là một hòn đảo, đúng không?

- Nghĩa là nó rất có giá trị, đúng không?

- Công sức của ba đứa mình đổ vào nó rất nhiều đúng không?

Trong một phút, một mình phó chúa đảo đặt câu hỏi. Vợ chồng chúa đảo chỉ hùa theo:

- Đúng! Đúng! Đúng! Đúng!

Tin và con Thắm gật đầu lia lịa. Vì tụi nó thấy thằng Bảy nói đúng quá.

Nhưng đến khi Bảy hào hứng đề nghị:

- Do đó tụi mình phải nghĩ cách kiếm tiền từ hòn đảo.

- Hai đứa lập tức nghệt mặt ra:

- Nghĩ cách kiếm tiền?

- Ừ, dễ lắm. – Bảy tươi rói – Tao nghĩ ra rồi. Mai mốt tụi mình không cho mấy đứa kia tới chơi miễn phí nữa. Hễ thò chân xuống biển là năm trăm đồng. Đặt chân lên đảo là một ngàn….

Con Thắm khoái ra mặt đề nghị của Bảy:

- Ờ, hay đấy! Thế là tụi mình có tiền mua bút chì màu!

Nhưng chúa đảo Tin kịch liệt phản đối. Nó lắc đầu quầy quậy:

- Không được! Dứt khoát không được!

- Sao không được? – Hai đứa bạn nó trố mắt.

- Làm vậy thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tụi bạn sẽ nghĩ mình lu loa về hòn đảo này là để thu lợi.

Chúa đảo Tin nhún vai đáp bằng giọng chững chạc.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện