Chương 6
Chị Ngà đúng là chúa nhát. Tôi đoán không sai.
Một hôm tôi đang hì hục đào trùn sau hè để kiếm mồi câu cá, bỗng nghe tiếng chị la toáng lên trong nhà.
Tôi liền tức tốc chạy vào. Chị Ngà đang run rẩy nép sát vào một gốc cột, mặt mày xanh lè xanh lét.
- Gì vậy? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
Chị Ngà sợ hãi chỉ tay về phía bàn học kê cạnh cửa sổ:
- Trường coi kìa! Có con gì kinh quá!
Tôi bước lại gần bàn, lỏ mắt dòm. Quan sát một hồi, tôi mới phát hiện ra con sâu cuốn chiếu đang nằm khoanh tròn kế chồng tập.
- Ðây là con cuốn chiếu! – Tôi bật cười – Nó không làm gì mình đâu!
- Trường nói thật không? - Giọng chị Ngà bán tín bán nghi.
- Em nói xạo chị làm gì!
Chị Ngà vẫn chưa hết sợ:
- Sao trông hình thù nó ghê thế?
- Ngó vậy chứ nó hiền khô à!
Vừa nói, tôi vừa bắt con cuốn chiếu bỏ trên lòng bàn tay. Tôi chìa sát mặt chị Ngà:
- Chị thấy không, nó đâu có dám cựa quậy!
Chị Ngà nghiêng ngó một lát rồi gật đầu:
- Ừ, ngộ quá hén! Nó cứ nằm im hoài!
Tôi khẽ hắng giọng:
- Chị chìa tay ra, em bỏ con sâu qua cho!
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà hốt hoảng bước lui một bước:
- Thôi, thôi, chị không dám đâu! Chị sợ lắm!
Tôi nhún vai:
- Con sâu nhỏ xíu mà sợ gì!
Chị Ngà vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Nhỏ xíu chị cũng sợ! Hễ sâu, gián với chuột là chị sợ!
Tôi cười hì hì:
- Chuột mà sợ! Thịt chuột ăn ngon gấp mấy lần thịt gà!
Chị Ngà rụt cổ:
- Eo ôi, ai lại ăn thịt chuột!
- Tại chị không biết đó thôi! – Tôi nheo mắt - Ở đây ai cũng ăn thịt chuột! Ðến mùa hun chuột là cả làng túa ra đồng!
Ðang nói, chợt phát hiện ra sự vắn mặt của dì Miên, tôi bật hỏi:
- Ủa, dì Miên đi đâu rồi?
- Dì Miên ra huyện mua đồ.
Tôi chớp mắt:
- Vậy từ sáng tới giờ chị ngồi học một mình hả?
- Thì một mình chứ sao!
Tôi buông thõng:
- Học vậy buồn chết1
Chị Ngà mỉm cười:
- Chị chẳng thấy buồn chút nào!
- Không buồn thì thôi! Giọng tôi xụi lơ.
Chị Ngà có vẻ ngạc nhiên trước bộ mặt ỉu xìu của tôi. Chị băn khoăn hỏi:
- Bộ Trường tính nói gì với chị hả?
Tôi hít vào một hơi, ngập ngừng đáp:
- Tưởng chị buồn, em định rủ chị đi chơi.
- Ði chơi? - Chị Ngà tròn mắt – Ði chơi đâu?
Tôi lắc lon trùn trên tay:
- Ra ngoài suối. Chị em mình đi câu cá.
Tôi tưởng chị Ngà sẽ từ chối. Nào ngờ chị nhìn tôi, vui vẻ:
- Ði thì đi!
Nói xong, chị nhanh nhẹn gấp tập lại và xoay người đi theo tôi.
Tôi vác hai cần trúc tên vai, dẫn chị Ngà men theo những bờ ruộng lồi lõm, lần ra suối. Chị Ngà đi đường đất không quen, cứ bước cao bước thấp, dép tuột cả chục lần.
Tôi ngứa mắt không chịu nổi, bèn quay lại nói:
- Chị cởi dép cầm tay đi! Ði chân không như em vậy nè!
Chị Ngà nghe lời tôi, liền cởi dép cầm tay. Nhưng lần này, đi một hồi chị lại xuýt xoa:
- Ðau chân quá Trường ơi!
Tôi trấn an:
- Tại chị đi chưa quen đó thôi! Ði một lát chân chị hết đau liền!
Nhưng chân chị Ngà là chân con gái thành thị. Nó không “một lát hết đau” như tôi tưởng. Ði thêm một quảng, chị Ngà liền ngồi xuống, rên hừ hừ:
- Chị đi hết nổi rồi!
Tôi đành bước lại gần chị, tặc lưỡi nói:
- Chị ráng thêm một chút đi! Gần tới nơi rồi!
Chị Ngà nhăn mặt:
- Ráng cũng không được! Ðau thí mồ!
- Hay chị xỏ dép vô đi!
- Xỏ dép sao được mà xỏ dép! – Chị Ngà ngước nhìn tôi - Bộ Trường muốn chị bị què giò luôn hả?
Tôi quay mặt đi chỗ khác để tránh ánh mắt chị Ngà, bụng phân vân quá thể. Giục thì bị chị trách, nhưng chẳng lẽ để chị ngồi hoài ở đây! Ngần ngừ một thoáng, tôi rụt rè đề nghị:
- Hay là chị vịn vai em mà đi! Em đi chầm chậm bên cạnh chị.
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà liền chỏi tay đứng dậy, miệng cười tươi:
- Ừ, để chị vịn vai Trường chị đi.
Trước nay tôi vẫn xem chuyện tiếp xúc với đàn bà con gái là chuyện bình thường. Mẹ tôi và mấy đứa em gái, cả dì Miên nữa, thỉnh thoảng vẫn cao hứng quàng vai bá cổ tôi, tôi vẫn chẳng thấy gì khác so với những cử chỉ thân thiện của anh em thằng Chửng. Vậy mà chẳng hiểu sao khi chị Ngà chạm tay vào vai tôi, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ lùng. Một cảm giác kỳ lạ, nửa thích thú nửa sợ hãi, lan ra khắp người khiến mặt tôi đột nhiên đỏ lựng. Y hệt như cảm giác đêm nào tôi nằm trong căn liều vải giữa những mùi hương lạ.
Chị Ngà chẳng để ý đến vẻ mặt khác thường của tôi. Chị khập khiễng đi bên cạnh, thỉnh thoảng lại buột miệng than thở:
- Ðường đất gì mà khó đi quá trời!
Tôi định nói “Tại chị đi chưa quen đó thôi” nhưng sực nhớ khi nãy đã nói câu đó rồi, tôi liền nín lặng.
Ra tới suối, trong khi chị Ngà ngồi bệt xuống bãi cỏ nghỉ mệt, tôi lặng lẽ móc trùn vào lưỡi câu.
Nhác thấy con trùn ngo ngoe trên tay tôi, chị Ngà vội vàng nhắm tịct mắt lại:
- Trông ghê quá Trường ơi!
Tôi cười:
- Ghê gì mà ghê! Nếu chị sợ, lát nữa em móc mồi giùm cho.
Dĩ nhiên là chị Ngà bằng lòng ngay. Nhưng chị không dám nhìn cái cảnh tôi hăm hở xỏ con trùn vào lưỡi câu sáng loáng. Chị lật đật quay mặt đi chỗ khác. Thái độ chết nhát của chị khiến tôi không khỏi bực mình. Nhưng tôi chẳng nỡ mở miệng chê bai, chỉ hừ mũi một cái rõ to.
Lát sau, tôi chìa cái cần câu về phía chị, hắng giọng:
- Thôi, quay lại đi! xong rồi nè!
Chị Ngà quay mặt lại. Thấy bộ tịch giận dỗi của tôi, chị khẽ mỉm cười:
- Mặt Trường trông đẹp ghê!
Tôi đỏ mặt chưa kịp đáp, chị đã ngạc nhiên kêu lên:
- Ôi, cái gì trăng trắng vậy nè?
Tôi nhìn theo tay chỉ của chị, “hứ” một tiếng:
- Cái phao mà cũng không biết!
- Cái phao gì mà nhỏ xíu vậy?
- Ðây là cái phao để câu cá chứ đâu phải để bơi mà to với nhỏ. Thả lưỡi câu xuống nước, cái phao này sẽ nổi lên. Khi nào cái phao bị chìm tức là cá đã cắn câu, phải giật lên liền.
Vừa nói tôi vừa hạ cần câu của mình xuống sát mặt suối, khẽ dặn:
- Chị làm giống như em vậy nè!
Chị Ngà vừa liếc tôi vừa từ từ buông lưỡi câu xuống nước. Nhưng chị Ngà chỉ “làm giống như tôi” ở cái động tác buông câu. Còn những khoản sau đó, chị chẳng thể nào bắt chước tôi nổi. Trong khi tôi giật lia giật lịa hết con cá này đến con cá khác thì chị cứ ngồi trơ ra, chẳng buồn nhúc nhích.
Thấy vậy, tôi đâm sốt ruột:
- Chị sao vậy?
- Cá không cắn câu.
- Cái phao không chìm hả?
- Ừ, nó cứ nổi lều bều hoài.
Tôi liếc xuống mặt nước, chỗ chị ngồi. Nhưng sau một hồi dòm dỏ, tôi chẳng thấy cái phao “nổi lều bều” kia đâu, liền sửng sốt buột miệng:
- Cái phao đâu?
- Kia kìa!
Tôi nheo mắt:
- Sao em không thấy?
Chị Ngà chỉ tay xuống suối:
- Nó nằm sát bờ kìa. Chỗ gốc ổi đó.
- Trời ơi là trời! – Tôi kêu lên – Ðó là cọng rơm chứ đâu phải cái phao. Còn cái phao biến đâu mất tiêu rồi. Chị giật mạnh lên thử coi!
Nghe tôi la hoảng, chị Ngà quýnh quíu nhấc cần câu lên.
Ðúng như tôi đoán, đang dãy dụa ở đầu sợi cước là một con cá rô bự thật bự.
- Ôi, con cá! - Chị Ngà reo lên, giọng mừng rỡ pha lẫn kinh ngạc.
Tôi khịt mũi:
- Thì con cá chứ sao! Mình đang câu cá mà!
Con cá vùng vẫy mỗi lúc một hăng. Tron gkhi đó chị Ngà cứ tròn mắt ngắm nghía “thành tích” của mình, chẳng buồn động đậy. Tôi phải hắng giọng “ra lệnh”:
- Chị kéo con cá vô bờ đi! Không khéo nó sẩy xuống nước bây giờ.
Như sực tỉnh, chị Ngà từ từ quay cần trúc vô bờ. Cái bộ điệu chậm rờ của chị trông thật ngứa con mắt. Ngay cả khi con cá đã nằm lăn quay đơ trên bãi cỏ, chị cũng chẳng tỏ vẻ gì vội vàng. Chị đứng xa xa, thấp thỏm hỏi:
- Nó chết rồi hả?
- Còn khuya nó mới chết! Chị lại đây mà coi nè!
Chị Ngà sè sẹ bước lại. Chị cúi nhìn con cá trên tay tôi với vẻ tò mò. Bỗng chị bước lùi một bước, vẻ kinh hãi:
- Ôi, Trường coi kìa!
- Gì vậy?
- Con cá nó ngậm lưỡi câu!
Tôi nửa cười nửa mếu:
- Thì nó ngậm lưỡi câu chứ sao! Nó không cắn câu sức mấy mình giật được!
- Nhưng lưỡi câu lòi cả ra ngoài! Trông ghê quá!
Chị Ngà vừa nói vừa rụt cổ. Tôi nhìn xuống con cá lúc này đã thôi còn vùng vẫy. Nó nằm im trong tay tôi, bất lực và chịu đựng. Quả là lưỡi câu đã xuyên thủng mép nó, thò cả cạnh sắc ra ngoài. Nếu không vậy, có lẽ lúc nãy nó đã vùng thoát được. Ðộng tác của chị Ngà chậm chạp và ngờ nghệch như thế, lũ cá ranh chỉ cần giãy mạnh một cái là phi thân ngay xuống nước, dễ còn hơn đi dạo.
- Ai biểu tham ăn! Chị câu thêm vài con nữa đi! Xem chị với em ai câu được nhiều hơn!
Nào ngờ chị Ngà chẳng thèm đếm xỉa gì đến đề nghị hấp dẫn của tôi. Chị phán một câu khiến tôi cụt hứng:
- Thôi, chị không câu nữa đâu! Trường câu một mình đi!
- Câu một mình thì câu làm quái gì!
Tôi bực mình xẳng giọng. Nhưng tôi không thèm năn nỉ. Tôi biết có năn nỉ cũng chẳng được. Chị Ngà là chúa nhát. Trông thấy con trùn ngoe nguẩy trên lưỡi câu, chị đã chết khiếp, lại thêm cái cảnh lưỡi thép móc thủng mồm con cá tham ăn, chị càng mất vía. Bây giờ có cho vàng cũng đừng hòng chị rớ tới cái cần câu. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi đâm ra giận mình. Ðã biết gan chị bé hơn gan thỏ, còn rủ đi câu cá câu cua làm gì cho rắc rối! Thà khi nãy chui rào qua rủ anh em thằng Chửng, bây giờ còn có lắm trò hay!
Thấy tôi ngồi im, tay cầm cần câu vẽ nguệch ngoạc trên mặt đất, chị Ngà nhích lại gần, khẽ hỏi:
- Bộ Trường giận chị hả?
- Giận đâu mà giận!
Tôi nói không giận nhưng giọng lại đầy ấm ức. Chị Ngà dòm tôi lom lom:
- Nếu Trường không giận, Trường cười lên chị coi!
Tôi cũng không buồn nhếch mép. Chị Ngà thở dài:
- Như vậy là Trường giận chị rồi.
Giọng chị Ngà như một lời than. Tôi thấy tội tội liền nhe răng “hì” một cái. Ðiệu bộ của tôi có lẽ rất khó coi nên tôi vừa “cười” xong, chị Ngà liền bụm miệng cười theo.
- Chị cười gì vậy? – Tôi đỏ mặt hỏi.
- Cười Trường! Trường vừa ho đấy phải không?
Tôi “hứ” một tiếng:
- Người ta cười mà kêu ho. Thật chưa thấy ai...
Ðang nói nửa chừng, chợt biết mình bị lỡm, tôi liền sầm mặt và quay đầu đi chỗ khác:
- Thôi, em không chơi với chị nữa đâu!
Chị Ngà vội níu tay tôi:
- Thôi, thôi, chị giỡn chơi chút xíu mà.
Rồi như sợ tôi vẫn còn giận dỗi, chị rũ:
- Bây giờ hai chị em mình đi tắm đi!
- Ði tắm? – Tôi quay phắt lại.
- Ừ, không đi câu thì đi tắm. Chắng lẽ ra tới đây rồi lại quay về.
- Tắm đâu?
- Thì tắm dưới suối chứ tắm đâu? - Giọng chị Ngà thản nhiên.
- Chị biết bơi không? – Tôi lại hỏi.
- Biết. Ở thành phố, chị bơi hoài.
Tôi chớp mắt:
- Ở thành phố làm gì có suối như ở đây.
- Nhưng ở đó có hồ bơi. Chị bơi trong hồ.
Tôi bán tín bán nghi nhưng không hỏi nữa. Tôi liếc xuống suối, nói:
- Vậy em với chị lên trên kia bơi. Trên kia nước trong hơn.
Nói xong, tôi dẫn chị Ngà men theo hàng dương liễu đi ngược về phía cầu Cẩm Lễ. Tới một khúc suối vắng nép mình sau những bụi dừa nước và dứa dại, tôi đứng lại và ấp úng nói:
- Chỗ này nè!
Tôi chỉ thốt được có ba tiếng, rồi lúng túng đứng nhìn chị, bụng không hiểu chị sẽ tắm bằng cách nào.
Nhưng tôi đã quá lo xa. Không thèm biết đến những suy nghĩ viển vông trong đầu tôi, chị Ngà quay sang tôi, cười:
- Chị tắm trước nghen!
Rồi trước sự kinh ngạc tột độ của tôi, chị để nguyên cả quần áo trên người, nhảy ùm xuống nước. Nhấp nhô hai, ba cái, chị đã ở giữa suối và quay lại vẫy tay tôi.
Như trút được một gánh nặng trên ngực, tôi vội vàng cởi áo ném đại trên bãi cỏ rồi hớn hở lao mình xuống dòng nước mát.
Hóa ra chị Ngà bơi giỏi hơn tôi nghĩ nhiều. Chị thuần thục nhiều kiểu bơi. Trong khi đó, tôi chỉ rành mỗi kiểu bơi... chó. Chính vì vậy tôi không dám bơi gần chị. Hễ thấy chị ở bên phải, tôi vội vã tấp qua mé trái. Và ngược lại.
Chị Ngà là chúa vô tâm. Chị không hiểu nỗi khổ tâm trong lòng tôi. Tắm một lát, chị kêu:
- Trường ơi! Lại đây đi!
- Chi vậy? – Tôi hồi hộp hỏi.
- Lại đây chị với Trường bơi thi.
- Giọng chị Ngà dịu dàng là thế, nhưng lúc này tôi nghe như sét nổ bên tai. Tôi tìm cớ thoái thác:
- Em chẳng bơi thi với chị đâu. Con trai ai lại thi với con gái.
- Con gái thì con gái chứ! Con gái cũng biết bơi vậy/
- Nhưng mà...
Thấy tôi bỏ lửng, chị Ngà thắc mắc:
- Nhưng mà sao?
Tôi nhăn mặt:
- Em bơi dở lắm!
- Trường mà bơi dở? - Chị Ngà tỏ ý không tin.
- Em nói thật mà.
- Ðâu, Trường bơi thử chị coi!
Biết không thể tránh né được, tôi đành phải chầm chậm bơi lại phía chị. Những lúc không thuộc bài bị cô giáo kêu lên bảng, lòng tôi cũng thấp thỏm hệt như lúc này.
Từ lúc xuống suối đến giờ, chị Ngà không để ý tôi bơi, bây giờ nhìn kỹ, chị há hốc miệng:
- Ủa, Trường bơi kiểu gì vậy?
Tôi ngượng ngùng:
- Em hả? Em bơi kiểu... tự do.
- Kiểu tự do? - Chị Ngà phì cười – Làm gì có kiểu bơi đó!
- Sao lại không có! – Tôi chống chế - Con nít làng em toàn bơi kiểu này.
- Kiểu đó không đẹp. Ðể chị dạy Trường bơi ếch.
- Bơi ếch?
- Ừ, bơi ếch tức là bơi giống như con ếch. Bơi ếch dễ nhất. Sau đó, chị sẽ dạy Trường bơi sải.
Tôi dở khóc dở cười. Tôi cứ tưởng trong “nghề” bơi lội, so với người quen vẫy vùng sông suối như tôi, chị chỉ đáng làm học trò. Nào ngờ bây giờ chị đòi thu tôi làm đệ tử. Nửa mừng nửa thẹn, tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Tôi học bơi với chị Ngà tới gần trưa. Ðến khi mặt trời đứng bóng, tôi đã bắt chước con ếch được kha khá.
Chị Ngà nhìn tôi hài lòng:
- Trường học mau ghê! Thôi, bây giờ mình về!
- Còn bơi sải?
- Bơi sải để hôm sau. Sao Trường tham lam quá vậy?
Vừa nói chị Ngà vừa bước lên bờ và tiến lại chỗ gốc dương liễu, ngồi xuống. Tôi nhướn mắt:
- Chị kêu về sao còn ngồi đó?
- Trường chờ chị một chút xíu đi! Không thấy người chị ướt mèm hết hay sao!
Chị Ngà đáp mà không ngoảnh đầu lại. Manh áo ướt dính sát vào da làm nổi bật tấm lưng thon thả của chị. Chị ngồi nghiêng nghiêng, mái tóc dài xõa một bên vai, thong thả phơi nắng. Tôi đứng ngắm chị một hồi, bất giác buột miệng:
- Chị đẹp ghê1
- Thôi đi, đừng có nịnh! - Chị Ngà vừa nói vừa cười.
Tôi đỏ mặt:
- Em nói thật mà.
- Dì Miên mới đẹp. Chị xấu hoắc!
Tôi chớp mắt:
- Dì Miên cũng đẹp. Chị cũng đẹp. Mỗi người đẹp một kiểu.
Chị Ngà vụt quay lại, tinh nghịch hỏi:
- Vậy ai đẹp hơn?
- Ðẹp hơn hả? – Tôi nuốt nước bọt – Dĩ nhiên là... chị đẹp hơn!
- A, Trường dám nói vậy hả? Chị về chị méc dì Miên cho coi!
Nói xong, chị Ngà đứng lên đi lại phía bờ ruộng dẫn về nhà. Tôi lẽo đẽo theo sau, miệng cười khì:
- Cho chị méc! Sức mấy mà em sợ!