Chương 3

Bỗng A Độ kéo tay tôi, trỏ về phía cửa sổ.

Tôi lấy làm lạ, bèn mở cửa, thấy có bóng người ngồi trên mái ngói lưu ly ở tòa điện đối diện.

Người đó vận đồ trắng, ngồi chễm chệ trên mái ngói lưu ly đen, rất nổi bật.

Tôi nhận ra kẻ đó, lại là gã Cố Kiếm đó!

Đang phân vân có nên hô: “Có thích khách” hay không thì đột nhiên gã cưỡi gió trượt xuống từ nóc điện như một cánh chim, khẽ khàng đáp xuống bậu cửa sổ ngay trước mặt tôi.

Tôi trợn mắt nhìn gã:

– Huynh muốn làm gì?

Thay vì đáp lời, ánh mắt hắn dán trên mặt tôi. Vừa về đến Đông cung, Vĩnh Nương lập tứclấy trứng gà luộc xoa cho tôi suốt buổi, thế mà má vẫn in sưng hằn dấu tay đỏ lựng, mãi không chịu tan. Nhưng tôi cũng chẳng thiệt thòi lắm, cái tát kia của tôi đảm bảo sẽ khiến mặt hắn sưng lên, lúc đó tôi đã tát bằng tất cả sức lực, mạnh đến mức tay tê rần không thôi.

Giọng gã thoáng ưu tư, dương như đang gồng mình kìm nén điều gì đó:

– Ai đánh muội thế?

Tôi xoa gò má rồi nói:

– Không sao, tôi cũng đánh trả hắn rồi.

Gã khăng khăng truy hỏi băng được:

– Là ai?

Tôi hỏi:

– Huynh hỏi làm cái gì?

Mặt hắn lạnh tanh:

– Đi giết hắn!

Tôi hết hồn. Hắn lại hỏi:

– Muội đã là Thái tử phi rồi, ai còn dám đánh muội? Là Hoàng đế? Hay Hoàng hậu? Hoặc kẻ nào khác chăng?

Tôi lắc đầu, nói:

– Huynh đừng hỏi nữa, tôi không nói đâu.

Vậy mà hắn vẫn hỏi:

– Muội bằng lòng đi cùng ta không?

Gã này đúng là quái đản thật! Tôi lắc đầu, định đóng cửa lại, gã giơ tay chặn đứng cánh cửa, hỏi tôi:

– Muội vẫn giận ta ư?

Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả:

– Sao tôi phải giận huynh?

– Lẽ nào muội không giận ta chuyện ba năm trước?

Tôi đành nói thẳng với gã:

– Quả thực tôi không quen huynh, huynh đừng nửa đêm nửa hôm mò đến đây nói mấy chuyện khó hiểu này nữa. Đây là Đông cung, nếu để người khác biết, họ sẽ tưởng huynh là thích khách rồi bắn chết dưới làn mưa tên thì khổ.

Gã cười vẻ thách thức:

– Đông cung thì sao? Kể cả là Hoàng cung, ta thích thì vào, không thích thì ra, ai làm gì được ta nào!

Tôi trợn tròn mắt nhìn gã, tên này ngông cuồng quá hóa điên rồi. Song với võ công của gã, xem chừng Hoàng cung đúng là nơi “thích thì vào, không thích thì ra” thật. Tôi thở dài:

– Rốt cuộc huynh muốn gì?

– Ta đến thăm muội. – Rồi gã lại hỏi. – Muội bằng lòng đi cùng ta chứ?

Tôi lắc đầu.

Gã tỏ ra tức giận, bỗng nắm chặt tay tôi:

– Muội sống ở đây chẳng vui vẻ gì, cớ sao không chịu đi theo ta?

– Ai bảo tôi sống không vui vẻ? Vả lại huynh là ai, sao cứ bận tâm chuyện tôi sống vui hay không vui thế?

Gã vươn tay kéo tôi, tôi khẽ gắt:

– Bỏ tay ra!

A Độ nhảy vọt lên, nhưng chỉ một cái phẩy nhẹ tay áo của gã, A Độ liền loạng choạng lùi vài bước. Không đợi A Độ kịp trở tay, tôi có cảm giác người nhẹ bẫng như con diều bị gã kéo ra khỏi cửa sổ. Khinh công của gã đúng là không có gì để nói, vác theo tôi mà chẳng khác nào cưỡi mây lướt gió. Tiếng gió không ngừng vỗ bên tai, chẳng mấy chốc dưới chân tôi đã có điểm hạ, hiềm nỗi thay vì mặt đất thì đây lại là mái ngói lưu ly vừa trơn vừa lạnh. Gã bắt cóc tôi phi lên tận nóc chính điện, vốn là nơi cao nhất trong Đông cung. Phóng tầm mắt nhìn quanh, cung khuyết thâm trầm, đền điện trập trùng, đấu củng[1] mái cong, những gờ mái ngói bằng lưu ly, tất thảy dương như đang ẩn mình trong sắc đêm im lìm đen tựa nghiên mực.

[1] Đấu củng: một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ cột trụ chìa ra gọi là củng và những trụ kề hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.

Tôi vùng khỏi tay gã, suýt thì trượt chân, bèn trợn mắt nhìn gã:

– Tóm lại huynh muốn gì?

Gã chỉ xuống cung điện trập trùng ngay dưới chân chúng tôi nói:

– Tiểu Phong, muội nhìn xem, muội nhìn nơi này mà xem, nơi đây tường cao chót vót, bốn bề kín mít, nơi đây như miệng giếng sâu không thấy được mặt trời, nơi này sao có thể giam giữ muội?

Tôi thấy khó chịu mỗi lần gã gọi tên mình, điều đó khiến tôi có cảm giác bức bối, tôi nói:

– Chẳng mắc mớ gì tới huynh.

Gã bảo:

– Phải làm sao thì muội mới chịu theo ta?

Tôi lườm gã:

– Tôi không theo huynh đâu, huynh đừng tưởng mình có võ là giỏi, tôi mà la lên gọi Vũ lâm quân tới là huynh thành con nhím chỉ sau một phát tên đấy.

Gã cười nhạt, nói:

– Muội quên ta là ai rồi sao? Một khi ta cầm chắc kiếm trong tay, muội phải gọi toàn bộ Vũ lâm quân trong Đông cung đến, may ra mới đọ được nửa phần ta.

Suýt thì quên mất, tay này ngông cuồng quá hóa điên rồi. Tôi bèn nhanh trí giở trò nịnh nọt:

– Võ công của huynh quả là cao cường, có phải vô địch thiên hạ không, từng thua ai chưa?

Gã chợt cười:

– Muội quên thật đấy à? Ba năm trước, ta chẳng đọ kiếm thua muội là gì!

Tôi kinh hãi đến nỗi cằm suýt rơi xuống đất, chỉ vào mũi mình, run run hỏi:

– Tôi? Thua tôi á?

Chuyện này thật ghê gớm, tôi thậm chí không biết một chút võ nghệ, một cái búng nhẹ của gã là đủ quật nhào tôi xuống đất, làm gì có chuyện đọ kiếm để rồi thua tôi chứ? Đến cầm kiếm thế nào cho đúng cách, tôi còn không biết nữa là.

Gã tỏ ra thản nhiên như không, thủng thẳng nói:

– Đúng thế. Lần đó đọ kiếm, chúng ta lấy cả cuộc đời ra đặt cược, ta thua muội thì phải lấy muội, cả đời yêu thương muội, trân trọng muội, đi theo muội…

Miệng tôi ngoác to đến nỗi dư sức nuốt trôi một quả trứng gà. Tôi tò mò hỏi:

– Thế nếu tôi thua thì sao?

– Nếu muội thua, đương nhiên muội phải lấy ta, để ta yêu thương muội, trân trọng muội, đi theo muội trọn đời…

Tôi rùng mình. Ông trời ơi, hắn đang đùa kiểu gì kỳ lạ vậy?

Gã lại nói:

– Lần đó ta chẳng nhường gì đâu, thế mà một chiêu của muội đã đoạt được thanh kiếm trên tay ta, ta đành chấp nhận thua muội.

Hạng như tôi mà đoạt được kiếm trên tay gã? Có đánh chết tôi cũng không tin!

Tôi dứt khoát nói:

– Bất kể lần đó ai thắng ai thua, dẫu sao tôi cũng không nhớ, hơn nữa tôi không quen huynh, còn lâu tôi mới tin những lời huynh nói.

Nụ cười phớt trên môi gã, đoạn gã lấy từ trong tay áo ra một đôi ngọc bội, bảo tôi:

– Năm xưa, khi ta và muội ước hẹn cùng nhau, từng chia đôi miếng ngọc bội uyên ương này thành hai nửa, ta giữ một nửa, nửa còn lại muội giữ. Đôi ta vốn đã hẹn nhau, ngày Mười lăm tháng Sáu, trăng tròn vành vạnh, ta đợi muội ở ngoài Ngọc Môn Quan, sau đó ta sẽ dẫn muội về nhà ra mắt.

Tôi nhìn miếng ngọc bội trên tay gã, Tây Lương vốn là nơi tập trung làm ăn buôn bán của khá nhiều người Hồ, lại cách quê hương của ngọc Hòa Điền không xa nên số trang sức bằng ngọc tôi từng nhìn thấy nhiều không kể xiết. Từ ngày đến Thượng Kinh, thấy trong Đông cung cũng có vô vàn bảo vật quý hiếm, song hết thảy những thứ ấy không gì sánh được với đôi ngọc này, cả về độ sáng bóng lẫn ôn nhuận. Miếng ngọc mỡ dê[2] thượng hạng, mịn màng như mỡ đặc, dưới ánh trăng thấp thoáng lan tỏa vầng hào quang.

[2] Ngọc mỡ dê: một loại ngọc tự nhiên quý hiếm với màu trắng mờ độc đáo, là nguyên liệu chế tạo đồ trang sức, bảo vật của vua chúa Trung Hoa thời xưa.

– Lần đầu tiên tôi thấy đôi ngọc bội này. – Tính hiếu kỳ được dịp trỗi dậy, tôi bèn hỏi. – Không phải huynh nói chúng ta từng hẹn ước sẽ bỏ nhà đi cùng nhau à, vì sao sau đó lại không đi nữa?

Cánh tay gã từ từ buông xuống, gã chợt chùng giọng nói:

– Ta có lỗi với muội, hôm đó, ta có việc đột xuất, không thể tới quan ngoại. Ba ngày ba đêm sau, ta mới đến được chỗ hẹn, lúc ấy chỉ nhìn thấy mảnh ngọc bội này rơi trên cát sỏi, còn muội chẳng biết đã bỏ đi đâu…

Tôi nghiêng đầu nhìn gã, nét mặt kia không có vẻ gì là nói dối, nhất là đoạn gã kể mình thất hẹn, khuôn mặt u sầu, héo hon như thể gã có nỗi day dứt khôn tả.

Song tôi thấy câu chuyện đó thật nhạt nhẽo:

– Đã thất hẹn rồi, còn gì để nói nữa! Chuyện này chẳng thú vị gì cả. Chắc huynh nhận nhầm người rồi, xưa nay tôi không hề quen huynh.

Tôi xoay người nhìn sắc trời:

– Tôi phải về đi ngủ đây. Mà sau này huynh đừng đến tìm tôi nữa, bị người ta bắt gặp chỉ gây phiền phức cho tôi thôi, bây giờ tôi cũng đủ đau đầu lắm rồi.

Gã nhìn chằm chằm lên khuôn mặt tôi, bẵng một lúc lâu mới nói:

– Muội đang trách ta đó ư, Tiểu Phong?

– Tôi chẳng có thời gian mà đi trách huynh! Nhưng quả thật chúng ta không hề quen biết.

Gã im lặng hồi lâu, chốt lại bằng tiếng thở dài, rồi rút từ trong ngực áo ra một loại “tên reo[3]”, nói với tôi:

[3] Tên reo: một loại tên khi bắn ra thường phát ra tiếng kêu.

– Nếu muội gặp nguy hiểm, cứ bắn mũi tên này lên trời, ta sẽ lập tức tới cứu muội.

Tôi có A Độ lúc nào cũng ở bên cạnh rồi, còn gặp nguy hiểm gì chứ? Tôi quyết không nhận mũi tên của gã, gã quả quyết dúi vào tay tôi bằng được. Thế rồi gã ôm tôi nhẹ bẫng như lúc trước, sau vài cái nhảy vọt, không để tôi kịp thốt lên tiếng nào, cả hai đã đáp xuống mặt đất. Gã đưa tôi về tẩm điện của tôi, rồi loáng cái đã lùi xa mấy trượng trước khi tôi kịp quay người. Thoắt đến rồi đi đều im hơi lặng tiếng, nháy mắt gã đã vọt lên mái ngói lưu ly của tòa điện trước mắt, từ xa quay lại nhìn tôi một cái rồi biến mất.

Tôi khép cửa sổ, tiện tay đưa mũi tên cho A Độ, nói:

– Gã Cố Kiếm này tinh thông võ nghệ, nhưng lại điên điên dở dở, thích luyên thuyên. Hắn luôn miệng bảo ta quen hắn, lẽ nào trước đây ta quen hắn mà lại không nhớ?

A Độ nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng, cảm thông. Tôi không hiểu tại sao muội ấy lại nhìn tôi kiểu đó, đành buông tiếng thở dài, bò lên giường nằm. A Độ không biết nói nên không thể kể cho tôi biết rốt cuộc gã Cố Kiếm kia là ai.

Chắc bởi có quá nhiều chuyện xảy ra đột ngột trong vòng một buổi tối khiến đêm hôm đó giấc ngủ tôi chập chờn, mộng mị. Tiếng kèn của ai đó dập dìu trong giấc mơ, gọi tôi xích lại gần. Sương mù giăng mắc bốn bể mênh mông, không để tôi nhìn rõ mặt người đang thổi kèn. Chàng đứng đó, cách tôi tưởng gần mà xa. Lòng tôi biết rõ song đôi chân chẳng tìm ra lối. Loanh quanh trong sương khói miết cũng tìm thấy chàng, hớn hở chạy về phía đó, tôi chợt sẩy chân rơi xuống vực sâu thăm thẳm.

Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, bỗng có người đón tôi ở lưng chừng vực thẳm. Tiếng gió vụt vù lướt qua vành tai, tôi nằm gọn trong vòng tay chàng, người lao dần xuống vực.. Chàng cứu tôi, trong làn gió đêm xoáy xiết, tôi nép mình vào ngực chàng… Theo gió vẫn xoay… xoay mãi… Sao sáng đầy trời tưởng giọt mưa sa. Giữa đất trời bao la, hai mắt chàng vẫn đắm đuối nhìn vào mắt tôi.

Mình say mất, say thật rồi. Được nằm trong vòng tay chàng, đúng người đó rồi… Tôi biết chàng yêu mình tha thiết và tình tôi trao chàng cũng đủ đắm say. Chỉ khi có chàng ở bên, tôi mới thấy lòng mình bình yên trở lại.

Tôi choàng tỉnh cơn mê lúc trời sáng rõ, giấc mơ ấy tìm về không biết bao nhiêu lần, và lần nào choàng tỉnh, lòng cũng nghe thất vọng não nề. Từ thuở nào đến giờ, chưa một lần tôi nhìn tỏ mặt người đã cứu tôi. Tôi không biết chàng là ai, mỗi lần mộng mị tôi thường cố nhìn cho tường nhưng chưa một lần thành công. Tôi trở mình, thấy bên gối đặt một nhành hoa ngậm sương sớm long lanh, tỏa hương thơm ngát. Tôi giật bắn mình, A Độ nằm án ngữ bên cửa sổ, không kẻ nào có thể lọt qua tai mắt của muội ấy, trừ gã Cố Kiếm nọ. Tôi mở tung cửa sổ, song không thấy bóng dáng áo trắng kia đâu, gã Cố Kiếm đã lặn mất tăm từ lúc nào.

Tôi cắm hoa vào bình, thấy tinh thần phấn chấn lên đôi chút, tiếc thay, không vui được bao lâu thì Vĩnh Nương đến bẩm báo với tôi chuyện hôm qua Lý Thừa Ngân uống say cả đêm, giờ vẫn bí tỉ, đang làm mình làm mẩy ở bên đó.

Tôi khinh thường gã đàn ông này. Nếu là tôi, tôi sẽ lén lút đi thăm Triệu Lương đệ, sao phải chuyện bé xé ra to? Vả chăng cô ả vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, thế nào chẳng có cách để hai người tái hợp. Rừng xanh còn đó, lo gì thiếu củi đốt!

Tôi bảo Vĩnh Nương, mặc xác Lý Thừa Ngân, cứ để hắn say chết đi cho nhẹ người.

Tuy nói vậy song ba ngày sau đó, Lý Thừa Ngân vẫn triền miên trong những cơn say túy lúy, sang đến ngày thứ tư thì lăn đùng ra ốm.

Lần nào say hắn cũng đuổi hết cung nữ ra khỏi điện, cấm ai được lại gần. Chẳng trách sau đó trúng ngay phong hàn, thoạt đầu chỉ đau họng, ho khan, sau thì sốt cao. Tẩm điện của tôi cách chỗ hắn quá nửa Đông cung, tin tức cũng thiếu nhạy bén, hắn ốm nặng nằm liệt giường rồi tôi mới biết tin, vậy mà trong cung vẫn không hề hay biết.

– Điện hạ không chịu uống thuốc, cũng cấm loan tin vào cung. – Vĩnh Nương thì thầm. – Vì Triệu Lương đệ mà Điện hạ giận lây Hoàng hậu nương nương.

Tôi vừa bực mình vừa tức cười:

– Hắn định trả thù cho Triệu Lương đệ bằng cách tự hành xác sao?

Vĩnh Nương thưa:

– Điện hạ trời sinh bản tính nhân hậu, lại được Bệ hạ và Hoàng hậu nương nương hết mực yêu thương, khó tránh khỏi có chút…

Vĩnh Nương không tiện nói xấu Lý Thừa Ngân bèn nói đến đó rồi bỏ ngỏ.

Tôi đành phải đi thăm Lý Thừa Ngân, không khéo ốm quá lại lăn ra chết thì khổ. Hắn chết thì mặc kệ hắn, nhưng tôi chưa muốn làm quả phụ.

Trước kia, mỗi lần tôi đặt chân vào tẩm điện của hắn, hắn lại xua tôi ra như xua loài chuột bọ. Thế mà hôm nay tôi mon men lại gần giường, không thấy hắn nổi khùng xem ra ốm cũng nặng đây. Cung nữ vén màn, tôi thấy sắc mặt Lý Thừa Ngân đỏ gay như con cua luộc, nhắc đến cua mới nhớ tôi từng muối mặt vì nó. Chẳng là hồi chưa đến Thượng Kinh, tôi đâu có biết mặt mũi con cua ra làm sao, tết Trùng dương[4] năm đầu tiên, trong cung thết yến có món cua hấp, tôi nhìn đĩa cua đỏ au mà lúng túng không biết phải ăn kiểu gì. Có thế thôi mà Lý Thừa Ngân chì chiết tôi mãi, lần nào nhắc lại chuyện đó cũng nói kháy con gái Tây Lương đến con cua cũng không biết.

[4] Ngày mùng Chín tháng Chín hằng năm là ngày tết Trùng cửu truyền thống của người Trung Quốc. Từ thời cổ đại, người ta quan niệm số chín là con số dương. Ngày mùng Chín tháng Chín là ngày dương, tháng dương và số chín được lặp lại hai lần, vì thế, ngày này còn được gọi là tết Trùng dương hay tết Trùng cửu.

Tôi đưa tay sờ trán Lý Thừa Ngân, nóng giãy.

Tôi gọi: “Này! Lý Thừa Ngân!” mấy tiếng liền, vậy mà hắn vẫn lặng thinh.

Xem ra sốt cao thật rồi, hắn vẫn nằm trên giường thở khò khè từng cơn, môi khô và nhợt nhạt.

Tôi toan rụt tay lại nhưng không kịp, lòng bàn tay bỏng giãy như tấm thép nung của hắn nắm chặt tay tôi. Hắn thở dồn từng cơn, giọng lơ mơ gọi:

– Mẹ… mẹ ơi…

Lạ ở chỗ hắn không gọi “mẫu hậu”, mà từ trước tới nay tôi chưa bao giờ nghe chữ “mẹ” thốt ra từ miệng hắn. Suy cho cùng, Hoàng hậu vẫn là Hoàng hậu, còn hắn lại là Thái tử, từ xưa đến nay hai người luôn quen giữ vẻ khách sáo. Giờ ngẫm lại mới thấy, so với tôi, Hoàng hậu đối với hắn cũng chẳng thân thiết hơn là bao, ngoài mấy câu “bình thân”, “ban ngồi”, “lui xuống đi”,… người toàn mang hàng tá điển tích, điển cố ra để giáo huấn hắn.

Ngẫm thấy Lý Thừa Ngân cũng thật tội nghiệp.

Làm Thái tử phi cũng mệt lắm rồi, cái này không được, cái kia không nên, hằng năm trong cung tổ chức bao nhiêu lễ lạt, cả ngày khoác áo chim trĩ, đội mũ phượng, hết quỳ lại đứng, vai tưởng rụng, lưng tưởng gẫy… May mà Hoàng hậu cũng châm chước cho tôi phần nào, người bảo tôi nhỏ tuổi, lại xuất giá từ Tây Lương xa xôi, thế nên chẳng mấy khi trách móc nặng nề. Nhưng làm Thái tử còn mệt hơn làm Thái tử phi gấp nhiều lần. Tôi lướt qua vài cuốn sách đã đủ đau hết cả đầu, vậy mà Lý Thừa Ngân thuộc làu làu chẳng sót quyển nào. Không những giỏi thơ họa, hắn còn phải thông thạo bắn cung, cưỡi ngựa… Tôi nghĩ, chắc chắn hắn không có được những ngày tuổi thơ vui vẻ như mình. Học nhiều thế, đầu hắn làm sao chịu nổi!

Lý Thừa Ngân nắm tay tôi rất chặt, không để tôi rụt tay lại. Vĩnh Nương đón bát thuốc cung nữ vừa mang vào, thì thào bẩm:

– Bẩm Thái tử phi, thuốc đây ạ!

Tôi đành phải gọi:

– Này Lý Thừa Ngân! Dậy uống thuốc này!

Hắn vẫn lặng thinh, tay giữ khư khư tay tôi. Vĩnh Nương sai người chèn thêm vài cái gối lên đầu giường rồi để nội quan đỡ Lý Thừa Ngân dậy, ngả người tựa vào đó. Vĩnh Nương cầm thìa ngọc bón thuốc cho hắn, ngặt nỗi hai môi hắn mím chặt, đút được một thìa thì có tới nhân nửa men theo khóe miệng trào ra ngoài.

Tôi thấy bực liền bảo:

– Để ta làm cho!

Tay phải tôi vẫn nằm gọn trong tay hắn, bèn cầm bát thuốc bằng tay trái, tôi quay sang gọi A Độ:

– Muội bịt mũi hắn đi!

A Độ vâng lệnh tiến lên, bịt mũi Lý Thừa Ngân, chẳng bao lâu sau, miệng hắn há ra vì nghẹt thở, tôi tranh thủ dốc cả bát thuốc vào miệng hắn. Mũi bị bịt, hắn đành nuốt ừng ực mấy ngụm thuốc, mấy lần ho sặc sụa, mắt khẽ chớp mở:

– Nóng… nóng quá…

Thà chết vì bỏng còn hơn chết vì ốm nhé!

Tôi ra hiệu bảo A Độ thả lỏng tay. Lý Thừa Ngân vẫn siết chặt tay tôi, song chẳng buồn nhìn tôi lấy một cái, chẳng mấy chốc đã nhắm nghiền mắt, lịm dần vào giấc ngủ mê man.

Vĩnh Nương kê một cái đôn phủ nệm thêu để tôi ngồi bên cửa sổ. Cánh tay cứ phải dang ra suốt nên chỉ được một lúc đã thấy bứt rứt, khó chịu. Tôi bèn sai A Độ dịch đôn ra chỗ khác, khom lưng ngồi phịch xuống ghế kê chân. Ngồi vậy thì không cần phải cúi lom khom nữa, thoải mái hơn nhiều, lý Thừa Ngân cầm tay tôi từ bấy đến giờ, làm cánh tay tê rần, mấy lần tôi định hất ra, ngặt nỗi chỉ cần hơi nhúc nhích là hắn sẽ siết chặt hơn. A Độ tuốt đao múa máy ướm thử vào cổ tay hắn, tôi vội lắc đầu ý bảo không được. Bây giờ mà chặt đứt tay hắn, phụ hoàng hắn không dẫn binh tiến đánh Tây Lương mới là lạ.

Tự nhiên tôi thấy nhớ Triệu Lương đệ, chí ít nếu có ả ở đây, tôi đã không phải chăm sóc Lý Thừa Ngân thế này. Lúc ấy, dù đổ bệnh nằm liệt giường thì hắn cũng chẳng thèm nắm tay tôi chứ đừng nói đến chuyện giữ khư khư thế này.

Qua một canh giờ, tay tôi tê rần không còn chút cảm giác, tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để cứu Triệu Lương đệ ra rồi trả lại tất cả những chuyện này cho cô ả.

Hai canh giờ sau, nửa người tôi đã tê liệt hoàn toàn, không còn cảm giác gì nữa. Tôi sắp không nhịn được rồi, bèn lí nhí gọi Vĩnh Nương. Bà ấy bước lại gần, cúi đầu lắng nghe tôi bảo:

– Vĩnh Nương ơi… Ta… muốn… đi… nhà cầu…

Vĩnh Nương lập tức thưa:

– Nô tì sai người mang bô đến ngay bây giờ đây ạ!

Nói rồi, bà ấy đi thẳng ra ngoài, không để tôi kịp gọi với theo. Vĩnh Nương sai nội quan khép tấm bình phong lại, đuổi tất cả cung nữ lui ra, rồi đóng chặt cửa tẩm điện. Mặt tôi nhăn nhó:

– Vĩnh Nương ơi… Làm thế này… không được đâu…

– Để nô tì hầu hạ nương nương…

Tôi chực òa khóc:

– Không được! Chỗ này không tiện! Lý Thừa Ngân đang nằm đó mà…

– Thái tử Điện hạ đâu phải người ngoài… huống hồ Điện hạ còn đương giấc. – Vĩnh Nương an ủi tôi. – Vả chăng Điện hạ và Thái tử phi là phu thê, phu thê với nhau, còn lạ gì nữa…

Tôi không đủ kiên nhẫn để nghe bà ấy thao thao bất tuyệt thêm nữa, quả thực không chịu được nữa, nhưng khổ nỗi Lý Thừa Ngân đang sờ sờ ở đó, trước mặt đàn ông mà tôi lại… Tôi khóc đây, tôi muốn khóc lắm rồi…

– Vĩnh Nương ơi, ngươi mau nghĩ cách đi… Mau nghĩ cách đi!

Tôi thúc giục trong lúc Vĩnh Nương vắt óc suy nghĩ, cuối cùng cũng chẳng nghĩ ra cách nào khả quan hơn, mà quả thật tôi không thể nhịn thêm được nữa, đành liến thoắng nói:

– Thôi được rồi, được rồi. Chỗ này cũng được, ngươi che cho ta.

Vĩnh Nương liền lách người chắn giữa tôi và Lý Thừa Ngân. Song vì Lý Thừa Ngân đang nắm chặt tay tôi, mà bà ấy lại là người tuân thủ cung quy, không thể quay lưng về phía tôi hoặc Lý thừa Ngân, nên chỉ che được một chút. Vừa tháo dải áo tôi vừa run rẩy, chốc chốc lại ló đầu liếc Lý Thừa Ngân. A Độ giúp tôi gỡ dải áo, rồi nâng vạt váy giúp tôi.

Số thơ từ tôi thuộc tất cả chỉ có ba câu, một câu từng khoe với Bùi Chiếu, chính là câu: “Để giải ưu sầu chỉ có Đỗ Khang.”

Còn câu kia là:

“Dây to nhường đổ mưa rào.

Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,

Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.”[5]

[5] Trích Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Bản dịch thơ của Phan Huy Vịnh.

Tại sao tôi lại thuộc mấy câu thơ này ấy à? Là bởi năm đó học tiếng của người Trung Nguyên, mỗi lần đọc đến đó thường bị líu lưỡi nên tôi cứ đọc đi đọc lại, rồi cũng thuộc lòng.

“Dây to nhường đổ mưa rào… Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng… Tiếng cao thấp lần chen liền gảy… Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu…” Quả nhiên… nhẹ cả người… sảng khoái quá!

Đang lúc lâng lâng, tôi khó tránh được hả hê, nghĩ bụng thấy mình nhớ được mấy câu thơ khó thế này, thật giỏi quá. Bấy giờ Lý Thừa Ngân bất ngờ động đậy, rồi choàng mở mắt.

– Á! – Tôi hét lên thất thanh.

Ngay tức thì A Độ nhảy lên, tuốt đao nhanh như chớp. Vĩnh Nương nghe tiếng tôi thét cũng giật bắn mình, chưa gì đã bị A Độ đẩy sang một bên, thanh đao của A Độ kề ngay cổ Lý Thừa Ngân. Tôi luýnh quýnh chân tay, vừa kéo váy vừa thét:

– Đừng! A Độ, đứng im đó!

Tôi hấp tấp thắt lại dải áo, nhưng váy áo Trung Nguyên vốn rườm rà, rắc rối, hằng ngày có cung nữ Thượng y[6] hầu tôi thay xiêm y, chứ chính tôi cũng không biết mặc thế nào. Trong lúc luống cuống tôi thắt nhầm nút chết, song cũng kệ, tôi lập tức kéo A Độ lại:

[6] Một chức quan thuộc thượng y giám, chuyên lo công việc hầu hạ áo quần cho vua và hoàng tộc trong cung.

– A Độ! Đừng! Hắn chỉ làm ta giật mình thôi!

A Độ thu đao về. Lý Thừa Ngân trợn tròn mắt nhìn tôi, tôi cũng trừng trộ nhìn lại. Nom vẻ mặt hắn thoáng sửng sốt, ánh mắt ngây dại nhìn tấm bình phong đằng sau tôi, đoạn ngó sang Vĩnh Nương đang đứng trơ như phỗng, rồi trông xuống chiếc bô cạnh giường, liền đó ánh mắt dừng lại bàn tay đang nắm gọn tay tôi, cuối cùng, hắn nhìn chằm chằm vào nút thắt lộn xộn trên eo tôi, khóe miệng bỗng giật giật.

Thể diện của tôi ơi… Hỏng cả rồi! Ba năm qua, tôi chưa hề lép vế Lý Thừa Ngân, dù là cãi nhau hay đánh lộn, thế mà hôm nay, thể diện của tôi đã ra đi thật rồi. Ba máu sáu cơn nổi lên, tôi gắt:

– Có giỏi thì cứ cười đi, ta bảo A Độ chém chết ngươi bây giờ!

Khóe miệng hắn càng co giật mạnh hơn, tôi vẫn đang gườm đây mà hắn còn cười ngặt nghẽo. Chưa bao giờ tôi thấy hắn cười kiểu đó, cả tẩm điện vang vọng tiếng cười của hắn. Vừa bực mình vừa xấu hổ, tôi bèn giật phắt thanh đao trên tay A Độ. Vĩnh Nương giật mình hét lên, tôi lật ngược sống đao, chém tới tấp về phía Lý Thừa Ngân:

– Tưởng ta không dám đánh hả? Tưởng mình có bệnh là ta tha hả? Nói để ngươi hay, chẳng qua ta sợ phụ vương ngươi dẫn quân đánh cha ta, nếu không hôm nay ta sẽ chém chết ngươi bằng được thì thôi!

Vĩnh Nương định xông vào can ngăn thì bị A Độ nhanh chân chặn lại. Tuy tôi dùng sống đao nhưng đập lên người cũng rất đau. Trái với thường lệ, Lý Thừa Ngân lĩnh trọn vài cú mà hắn không hề buông lời mắng mỉa, nhưng cũng chẳng phải loại vừa, hắn vùng lên giằng lấy thanh đao. Chúng tôi quần nhau ngay trên giường, tay tôi lăm lăm thanh đao sáng lóa, chém vào không khí vun vút. Vĩnh Nương luýnh quýnh, nhảy dựng lên:

– Thái tử phi ơi là Thái tử phi, chớ làm Thái tử Điện hạ bị thương! Điện hạ, Điện hạ cẩn thận!

Lý Thừa Ngân vật lộn toan cướp thanh đao trên tay tôi. Đang lúc giằng co, tôi vẫn không quên dặn A Độ:

– Lôi Vĩnh Nương ra ngoài mau!

Không đưa bà ấy đi, vụ này sao có thể giải quyết tới cùng được?

A Độ mau chóng kéo Vĩnh Nương ra ngoài. Tóc tôi xổ tung, chiếc thoa kim phượng cài trên đầu bỗng tuột xuống mắc bên mai. Mới phân tâm một chút mà Lý Thừa Ngân đã tranh thủ giằng lấy thanh đao trên tay tôi.

Tôi tức mình, lao tới toan cướp lại thanh đao. Lý Thừa Ngân liền bật dậy, đứng lên giường, giơ cao thanh đao. Người hắn dong dỏng, cao hơn hẳn tôi, tôi kiễng chân không tới bèn nhảy lên toan chụp chuôi đao. Hắn đổi tay, tôi lại nhảy, hắn lại đổi… Tôi nhảy lên nhảy xuống bốn năm lần liền, lần nào cũng hụt. Hắn đắc thắng bảo:

– Cô nhảy đi! Nhảy nữa xem nào!

Tôi bực mình, thấy hắn chỉ mặc bộ đồ ngủ màu vàng bằng vải lĩnh[7], bên dưới lộ ra dải thắt lưng màu đỏ son, tôi bỗng kéo dải thắt lưng ấy. Lý Thừa Ngân hốt hoảng kêu lên:

[7] Vải lĩnh là vải dệt bằng sợi dài và đầy hơn bình thường, bề mặt bóng loáng. Chỉ những gia đình giàu có, quyền quý mới có tiền để mua vải lĩnh.

– Cô… làm gì đấy?

Tay hắn luống cuống giữ chặt đai quần, tôi tranh thủ vung chân đạp vào đầu gối hắn một cú. Cú đạp khá mạnh, hắn gập gối ngã lăn, tôi chồm lên chộp lấy cổ tay hắn, thế là thanh đao đã thuộc về tôi.

A Độ quay vào, vén màn đúng lúc tôi đang nằm đè lên người Lý Thừa Ngân, tay giằng kéo dải rút quần của hắn. Mặt A Độ thoắt đỏ lựng, loáng một cái đã chạy mất hút.

– Này A Độ!

Tôi nhảy dựng lên toan gọi A Độ lại, Lý Thừa Ngân chớp thời cơ cướp mất thanh đao. Chúng tôi sáp vào nhau, lăn từ trên giường xuống đất. Không ngờ trông hắn thế này mà cũng biết đánh nhau. Trước đây, thỉnh thoảng chúng tôi cũng động tay động chân nhưng thường dừng lại rất đúng lúc, nhiều khi chưa đánh đã có người nhảy vào can ngăn. Hôm nay đúng là ngoại lệ, mặc dù đang ốm, song sức đàn ông lúc nào cũng khỏe, sức mạnh vô biên y như lạc đà. Tuy tôi có khiếu đánh lộn, nhưng bất lợi là sức không bền, giằng co qua lại một lúc đã đuối sức. Sau cùng, thanh đao lọt vào tay Lý Thừa Ngân, tôi đánh liều bẻ ngoặt tay hắn, hắn nới lỏng tay quẳng thanh đao sang một bên rồi vung chân đá văng ra xa, phen này thì không ai với được đao nữa.

Tôi thở hồng hộc, Lý Thừa Ngân vẫn vặn siết cánh tay tôi, chúng tôi như hai cái khóa móc vào nhau rồi cùng ngã lăn trên thảm. Trán hắn mướt mồ hôi, đấy nhé, quần nhau một lúc làm cả người toát mồ hôi, bệnh phong hàn chẳng mấy mà khỏi. Cả hai đang giằng co quyết liệt, đến nước này mà hắn không chịu buông tay thì tôi cũng chẳng còn sức mà giẫy. Sau cùng, Lý Thừa Ngân để ý dải lụa thắt ngang ngực tôi, liền đưa một tay rút dải lụa ấy. Tôi giật thót tim:

– Ngươi định giở trò gì đấy?

Hắn giật phắt đai áo rồi trói tạm hai tay tôi lại. Tôi hoảng hốt, chỉ sợ hắn trói mình vào để đánh đập, hành hạ. Tôi hét lên:

– Này! Quân tử đánh nhau không ghi thù, ngươi dám đánh ta, ta gọi A Độ đến chém chết ngươi bây giờ!

– Im đi!

– A Độ! – Tôi gào toáng lên. – Mau đến đây, A Độ!

Tôi đoán Lý Thừa Ngân sẽ sợ tôi gọi A Độ vào, vì hắn ta còn lâu mới đọ được A Độ. Hắn ngoái đầu dáo dác tìm đồ, tôi nghĩ chắc hắn muốn tìm thứ gì đó để bịt miệng mình đây mà, nhưng trên giường lộn xộn thế kia, gối chăn thì văng xuống đất, cập rập thế thì tìm sao được thứ gì? Tuy hai tay bị trói nhưng chân vẫn động đậy được, tôi giẫy giẫy như con cá mắc cạn, tranh thủ gào thật to:

– A Độ! Mau đến cứu ta! A Độ!

Lý Thừa Ngân cuống cuồng nhào đến lôi tôi dậy, thế rồi hắn bịt miệng tôi bằng chính bờ môi mình.

Tôi sững sờ.

Trên người hắn có mùi mồ hôi, có hương trầm, có vị thuốc và mùi gì đó mà tôi không thể nào đoán được. Bờ môi ấy mềm mềm, nóng rực, giống một đôi vịt nướng vừa lửa, xem ra còn mềm hơn cả thịt vịt nướng. Tôi chết đứng, thực sự chết đứng. Tôi tròn mắt, gương mặt Lý Thừa Ngân chiếm trọn tầm nhìn, không, là con ngươi của hắn mới đúng.

Chúng tôi thi nhau trợn mắt.

Tôi có cảm giác, vì mải trừng mắt với hắn mà tôi quên mất không thở lấy hơi.

Hình như hắn cũng quên hít thở, cứ nhìn tôi trừng trừng.

Tiếp đó tôi hơi hé miệng định gào toáng lên, hắn liền siết chặt vòng tay, kéo tôi sáp lại gần. Tôi toan mở miệng, đầu lưỡi của hắn tranh thủ luồn vào trong.

Buồn nôn quá đi mất!

Toàn thân tôi sởn gai ốc, lông tơ dựng đứng cả lên. Hắn ngặm môi tôi! Aaaa…! Này, đấy là môi tôi! Không phải móng giò, cũng không phải gà nướng, càng không phải đùi vịt đâu nhé! Hắn ôm tôi rồi gặm ngon lành… Vừa gặm hắn vừa lần mò quần áo. May mà có nút chết trên eo váy, bằng không hắn xé mất đai ngực rồi, giờ đến váy cũng rách dưới tay hắn thì tôi thà chết đi cho xong.

Tức! Quá! Đi! Thôi!

Tôi liều mạng cắn hắn, rồi lên gối thụi cho hắn một cú để đời!

Hắn trúng đòn, không còn làm gì được nữa. Tôi bật dậy, lao đến nhặt thanh đao của A Độ, cứa hai, ba nhát cho đứt phăng đống dây dợ lằng nhằng trên tay, xong xuôi tôi kề đao vào cổ hắn:

– Lý Thừa Ngân kia! Hôm nay ta liều mạng với ngươi!

Lý Thừa Ngân uể oải liếc tôi một cái rồi cúi xuống nhìn thanh đao. Tôi kề đao vào cổ hắn, đe dọa:

– Cấm ngươi không được tiết lộ chuyện hôm nay, bằng không, ngay tối nay ta sẽ sai A Độ đến giết ngươi!

Lý Thừa Ngân chống tay, chễm chệ ngồi đó, như thể bên cổ chẳng hề có thanh đao sắc, hắn bỗng trở nên đáo để:

– Ta không được phép tiết lộ chuyện gì… hôm nay cơ?

– Chuyện ngươi hôn ta, còn nữa… còn… Hừ! Tóm lại, chuyện hôm nay cấm ngươi không được nhắc đến! Bằng không ta chém chết ngươi!

Hắn tự đưa cổ mình lại gần lưỡi đao:

– Giỏi thì giết đi… Cô làm thế là mưu sát chồng đấy nhé! Mà này, chỉ cần cô dám động đến một sợi lông của ta, phụ hoàng ta sẽ lập tức dấy binh đánh Tây Lương của cô!

Thật! Khốn! Nạn!

Tôi tức tới nỗi không biết phải làm gì, đang phân vân không biết nên đâm hắn một phát chết ngay hay đợi buổi tối sai A Độ đến tẩn cho hắn một trận!

Hắn nói:

– Có điều… Nếu tâm trạng thoải mái thì… ta mới không tiết lộ chuyện hôm nay.

Tôi nhìn hắn vẻ đầy cảnh giác:

– Thế nào thì ngươi mới thoải mái?

Lý Thừa Ngân xoa cằm:

– Để ta nghĩ đã…

Tôi hằm hè bảo:

– Nghĩ cái gì mà nghĩ? Tóm lại, ta nói trước, nếu ngươi dám tiết lộ, ta lập tức sai A Độ đến chém chết ngươi!

– Trừ phi cô… hôn ta!

– Hả?

– Cô hôn ta, ta sẽ không kể với ai nữa…

Tôi nhìn hắn đầy vẻ ngờ vực. Lý Thừa Ngân của ngày hôm nay rõ ràng không giống Lý ThừaNgân của thường ngày. Trước kia chúng tôi nói với nhau chưa quá ba câu đã cãi lộn. Lý Thừa Ngân là loại người đáng hận, đáng giận, đáng ghét… nhưng hôm nay tự nhiên lại trở nên vô lại, khốn nạn, lưu manh…

Tôi quyết tâm đánh liều một phen:

– Ngươi hứa rồi đấy nhé?

– Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.

Đành vậy, tôi thả đao xuống, nhắm tịt mắt, cắn phập vào mặt hắn. Tôi nghiến lấy nghiến để cho đến khi hằn lên vết răng khiến hắn đau đến rùng mình. Tôi hôn xong, toan xách đao bỏ đi thì hắn bỗng vươn tay kéo tôi vào lòng.

Hắn lại gặm môi tôi! Aaaa…

Hắn gặm chán chê mới chịu buông tôi ra, còn tôi ngạt thở đến suýt chết, môi bỏng rát. Nhất định hắn đã gặm sưng môi tôi rồi!

Hắn chìa ngón tay vuốt ve môi tôi rồi nói:

– Thế này mới gọi là hôn, biết chưa?

Tôi chỉ muốn đâm hắn chết đi cho rồi. Chẳng qua tôi lo hai nước giao tranh, dân chúng lâm vào cảnh lầm than, máu chảy thành sông, xương chất thành núi… nên mới nín nhịn. Tôi ngoác miệng bảo:

– Đội ơn Điện hạ đã chỉ bảo thần thiếp!

– Không cần cám ơn. Bây giờ cô biết rồi, vậy hôn ta đi.

Tôi nhảy chồm lên vì tức:

– Vừa nãy hôn rồi còn gì! Ngươi định lật lọng hả?

– Vừa nay là ta hôn cô, cô nào có hôn ta!

Vì hòa bình hai nước, nhịn nào!

Tôi níu chặt vạt áo hắn, bắt chước kiểu gặm môi của hắn. Đùi gà, đùi gà, đùi gà này… cứ coi như đang gặm đùi gà vậy! Tôi gặm! Này thì gặm! Gặm, gặm, gặm!

Gặm chán chê, tôi bèn buông tay, bỗng nhiên thấy phần cổ và mang tai của hắn đỏ lựng, thậm chí mắt cũng vằn đỏ, hắn thở hổn hển.

– Điện hạ lại sốt à?

Hắn chối:

– Không! Cô có thể đi được rồi.

Tôi sửa sang lại váy áo, vuốt lại mái tóc, cầm chắc thanh đao rồi hùng dũng bỏ ra ngoài.

Bên ngoài vắng tanh, tôi đi thẳng về tẩm điện của mình mới thấy mặt đám cung nữ. Thấy tôi, đứa nào đứa nấy ngẩn mặt đứng nhìn, chẳng ai nhớ là phải hành lễ với tôi. Đám cung nữ ấy do một tay Vĩnh Nương chọn lựa, ai nấy một vẻ y chang Vĩnh Nương, nhất nhất tuân thủ cung quy.

Lúc tôi soi gương mới hiểu, chẳn trách bọn họ lại nghệt mặt như thế.

Trông tôi nào có khác ma quỷ… Đầu bù tóc rối, váy áo xộc xệch, mồm miệng sưng vù. Y như rằng, tên Lý Thừa Ngân khốn nạn ấy đã gặm khiến môi tôi sưng vều. Đám cung nữ xúm quanh hầu tôi thay áo, chải đầu, may mà không kẻ nào dám thắc mắc, bọn chúng mà biết thì tôi còn mặt mũi nào để sống ở Đông cung này nữa. Đang cơn hậm hực, đột nhiên có tiếng từ ngoài cửa truyền vào, nói Lý Thừa Ngân phái thái giám mang đồ tới cho tôi. Đúng là chuyện lạ từ trên trời rơi xuống, ai cũng biết Lý Thừa Ngân ghét bỏ tôi như xúc đất đổ đi, làm gì có chuyện tặng quà chứ!

Tôi lấy làm lạ, bình thường cãi nhau với Lý Thừa Ngân, hắn sẽ phớt lờ tôi đến mấy ngày trời. Hôm nay vừa mới đánh nhau một trận rõ to, hắn lại sai người mang quà đến, chuyện này lạ quá đi mất!

Nhưng tôi không sợ, liền bảo:

– Truyền hắn vào!

Trên tay gã thái giám được phái tới là một cái khay phủ vải lĩnh đỏ, không biết bên trong là gì. Tên thái giám đó đứng trang nghiêm đọc khẩu dụ:

– Điện hạ nói, trong lúc nôn nóng đã xé hỏng đai áo của Thái tử phi, Điện hạ lấy làm áy náy, nay ban riêng cho Thái tử phi một đôi lụa uyên ương. Điện hạ nói, đáng lẽ phải đích thân thắt cho Thái tử phi, ngặt nỗi vừa rồi quá sức, lại đổ mồ hôi, e sẽ nhiễm lạnh, đành cáo lỗi không đến được. Điện hạ còn nói, Điện hạ tuyệt đối sẽ không tiết lộ chuyện hôm nay cho người khác biết, xin Thái tử phi yên tâm.

Tôi suýt ngất xỉu vì ức. Trong đám cung nữ có kẻ ngẩng mặt nhìn trời, có kẻ cúi gằm nhìn thảm, có kẻ mím chặt môi, cũng có kẻ mặt nhăn như bị, lại có kẻ cơ mặt co giật như đang cố nín cười… Tóm lại là chẳng ai dám nhìn tôi, tất cả đều tỏ ra lơ đễnh, không nghe thấy gì.

Lý Thừa Ngân, ngươi giỏi lắm! Ngươi dám bảo không để người khác biết à? Ngươi chỉ thiếu điều bố cáo cho toàn thiên hạ biết thôi! Lại còn cố tình úp úp mở mở… cho thêm phần nhập nhằng! Người ta không nghĩ linh tinh mới lạ!

Tôi nghiến răng ken két, hồi lâu mới nặn ra một nụ cười:

– Thần thiếp tạ ơn Điện hạ!

Lúc này, tiểu thái giám mới khúm núm quỳ xuống lạy tôi, dâng khay quá đỉnh đầu. Không để cung nữ mó tay, đích thân tôi lật tấm lĩnh lên, quả nhiên có một đôi lụa tuyệt đẹp thêu hình uyên ương, trông rất phô trương. Tôi tức mình suýt ngã vật ra ngất xỉu. Cung nữ hầu cận liền rảo bước lại gần, đỡ cái khay giúp tôi.

Tôi biết loại người như Lý Thừa Ngân sẽ không bao giờ để tôi được sống yên ổn, nhưng không ngờ hắn lại đến mức chơi trò đốn mạt này. Chập tối, A Độ kéo Vĩnh Nương quay về. Chưa quá nửa tuần trà đã có người đem chuyện lụa uyên ương kể cho bà ấy nghe. Vĩnh Nương không dám nói gì nhưng mặt mày hớn hở, thấy môi tôi sưng vếu còn sai người chuẩn bị bữa canh đêm. Tôi dám chắc người của Đông cung bây giờ ai nấy đều biết chuyện tôi bước ra từ tẩm điện của Lý Thừa Ngân với bộ dạng xộc xệch, đến đai áo biến đi đằng nào cũng chẳng hay, thế rồi Lý Thừa Ngân còn ban tặng tôi một đôi lụa uyên ương.

Lụa uyên ương à, mới nghĩ tới ba chữ ấy thôi, tôi đã nổi da gà. Thà Lý Thừa Ngân ban ba thước lụa trắng, tôi còn thấy quý, đằng này hắn lại ban lụa uyên ương, rõ ràng hắn có âm mưu gì đó.

Nhưng người trong Đông cung nào có nghĩ vậy, nhất là đám cung nữ hầu hạ tôi. Họ tưởng tôi đã thu phục được Lý Thừa Ngân nên bây giờ đang lấy làm mát lòng mát dạ.

– A di đà Phật, cuối cùng Điện hạ cũng hồi tâm chuyển ý!

– Ả tiện nhân họ Triệu kia ắt đã bỏ bùa Điện hạ rồi, ả vừa bị nhốt, Điện hạ lập tức quan tâm tới Thái tử phi.

– Phải đấy! Nương nương nhà ta trời sinh dung mạo mỹ miều, làm gì có chuyện không được Điện hạ sủng ái!

– Muội có để ý vẻ mặt nương nương lúc thấy đôi lụa đó không, má ửng hồng thẹn thùng đấy nhé…

– Nếu là tỷ, tỷ cũng thẹn ấy chứ! Điện hạ thật là mạnh dạn… Giữa thanh thiên bạch nhật lại sai người ban tặng nương nương…

– Còn bạo hơn ấy chứ… Tỷ không thấy nương nương lúc trở về à, đầu bù tóc rối, đến y phục cũng bị xé… Xem ra Điện hạ nôn nóng lắm đây… Hi hi…

Tôi lồm cồm bò dậy, nghe cung nữ gác đêm rủ rỉ to nhỏ, chỉ muốn gào lên thật to rằng, đấy không phải sự thật, không phải sự thật đâu! Tôi tức quá mới đỏ mặt đấy chứ! Áo váy bị rách là do đánh nhau cơ mà! Tóm lại, chuyện này không hề giống như mấy người bọn họ tưởng tượng.

Vả chăng Lý Thừa Ngân chẳng thật lòng yêu thích tôi, mà nói đúng ra, hắn đang rắp tâm đặt điều nói xấu.

Không ngờ ngoài trò bôi nhọ tôi ra, hắn còn cố tình ngậm máu phun người.

Hai hôm sau, Hoàng hậu gọi tôi vào cung. Tôi vái chào xong, người không sai cung nữ đỡ tôi dậy như thường lệ, cũng không ban ngồi. Hoàng hậu ngồi trên ngự tọa, độc thoại một bài dài lê thê. Tuy lời lẽ vẫn nhã nhặn, khách sáo như mọi ngày nhưng nghe là biết người đang khuyên răn tôi.

Tôi chỉ còn nước cứ thế quỳ dưới sàn, lắng nghe từng câu răn đe.

Lần này đúng là chuyện hy hữu xưa nay chưa từng có. Trước kia, thỉnh thoảng người cũng mắng mỏ tôi, thường là vì những chuyện quá trớn tôi làm, ví dụ đểnh đoảng, thiếu phép tắc trong đại lễ, hoặc vô ý buông lời xui xẻo lúc lễ tổ… Nhưng bắt tôi quỳ ở đây rồi mắng một trận thế này, quả là lần đầu tiên.

Người bắt đầu dẫn chứng nào là Nữ huấn, Nữ giới, sau thì lấy gương Hoàng hậu Chương Tuệ nổi tiếng hiền đức của bản triều… Người thao thao bất tuyệt, giảng giải bằng lời lẽ nho nhã, trưởng giả, tôi nghe mà rầu ruột thối gan, thậm chí đầu gối bủn rủn cũng không dám đưa tay xoa nắn. Thực ra, Hoàng hậu thừa biết người như tôi không thể hiểu được lời lẽ bóng gió xa xôi của người, quả nhiên, để chốt lại bài diễn thuyết ấy, Hoàng hậu thở dài não nề, bảo:

– Con là Thái tử phi, là chính thất của Đông cung, là mực thước cho thiên hạ. Ngân Nhi tuổi trẻ bồng bột, đáng lý con phải ở bên khuyên nhủ, vì đâu lại hùa theo Ngân Nhi làm điều càn quấy? Chẳng cớ gì hoàng tộc ta, mà một người vợ bình thường cũng phải biết chừng mực, khép nép…

Thoáng nhận ra ý của người, tôi lập tức phân bua:

– Không phải thế đâu ạ! Tại Điện hạ…

Hoàng hậu nhìn lướt qua tôi, ngắt lời, bảo:

– Ta biết lỗi là ở Ngân Nhi, vấn đề ở chỗ hoàng nhi đang bệnh, chẳng lẽ con lại không biết đường từ chối? Vừa ốm dậy không biết kiêng cữ, ngộ nhỡ đổ bệnh nặng hơn thì phải làm sao? Tương lai con đăng cơ hoàng hậu, con sẽ là tấm gương cho hậu cung, là người đứng đầu lục cung, nếu cứ thế này, mai kia con nói người khác thế nào đây?

Tôi vừa tức vừa thẹn, chỉ mong có cái lỗ nẻ để chui xuống. Rõ ràng Hoàng hậu đang mắng tôi vô ý vô tứ, biết Lý Thừa Ngân đang bệnh mà còn… làm… chuyện… đó. Đúng là chỉ trời mới biết, chúng tôi có làm gì đâu… Không hề mà!

Oan ức quá! Rõ ràng tôi bị oan!

Hoàng hậu thấy tôi ngân ngấn nước mắt thì chắc mẩm mình đã khuyên răn đủ rồi, liền nói:

– Đứng lên đi! Ta chỉ muốn tốt cho con thôi, con biết chuyện này mà truyền ra ngoài sẽ khó nghe thế nào không? Vợ chồng son thân mật là chuyện bình thường nhưng cũng phải lựa lúc, lựa nơi. Trung Nguyên chúng ta không bì được với Tây Lương, một câu nói bỗ bã chẳng khác nào một con dao, nhất là trong cung cấm, những chuyện gièm pha đủ để giết người đấy.

Vành mắt tôi đỏ hoe:

– Con không xứng với ngôi vị Thái tử phi này… Con không làm nữa đâu.

Hoàng hậu làm như không nghe thấy, quay sang dặn dò Vĩnh Nương:

– Chăm sóc Thái tử phi cẩn thận, còn nữa, Thái tử còn đang bệnh, Thái tử phi trẻ người non dạ, trách nhiệm lại nhiều, Thái tử phi không phải thuốc thang hầu hạ Thái Tử, để Thái tử phi chép phạt Nữ huấn mười lần.

Tôi thầm tức tối, cứ như tôi là hồ ly tinh cần đề phòng ấy! Cuối cùng tôi đã vỡ lẽ, thì ra Lý Thừa Ngân dựng màn kịch này để tôi chui đầu vào rọ.

Lụa uyên ương cái gì chứ? Hại nhau còn hơn cả lụa trắng, lại phải chép phạt mười lần Nữ huấn, thế này thì giết tôi rồi còn gì!

Vừa trở về Đông cung, tôi đã muốn xách đao đi tìm Lý Thừa Ngân, sống mái một phen. Hắn dám bày mưu hại tôi, hắn chán sống rồi! Nhưng Vĩnh Nương cứ kè kè ở bên, thậm chí còn bố trí cung nữ giúp tôi mài mực, trải giấy, tôi đành nuốt hận chép Nữ huấn. Chữ Trung Nguyên vốn khó viết, hễ viết xong chữ nào, tôi lại chửi thầm Lý Thừa Ngân một lượt. Chép được mấy dòng, tính tổng cộng tôi đã chửi Lý Thừa Ngân quá trăm bận.

Trời tối, rồi chờ mãi đến nửa đêm, nhân lúc đêm khuya, tôi rón rén choàng áo. Nghe tiếng tôi lục sục, A Độ cũng bật dậy, tôi thì thào nói:

– A Độ, cho ta mượn thanh đao của muội.

Tuy chưa hiểu tôi muốn làm gì nhưng A Độ vẫn giao thanh đao cho tôi. Tôi không nói gì, chỉ giấu thanh đao vào áo, rồi khoác thêm áo gấm. Không có A Độ giúp đỡ, tôi không qua mặt được đám cảnh vệ Vũ lâm quân trong Đông cung, thôi đành dẫn A Độ theo vậy. Chúng tôi rón rén mở cửa bên hông tẩm điện, băng qua một cây cầu, nhắm thẳng hướng tẩm điện của Lý Thừa Ngân. Chúng tôi vừa đặt chân lên cầu, A Độ bỗng sững lại.

Thì ra đúng lúc này, Vĩnh Nương xách lồng hương đi tới, phen này bị bắt tại trận thật rồi.

Mà cũng trùng hợp thật, tự nhiên tôi quên khuấy mất đêm nay là đêm rằm, rằm nào Vĩnh Nương chẳng đi vái trăng. Tôi đang lưỡng lự toan bảo A Độ đánh ngất bà ấy, không thì bà ấy lại hét toáng lên gọi Vũ lâm quân tới áp giải chúng tôi quay về thì không hay chút nào. Ai ngờ Vĩnh Nương thấy hai đứa tôi, thoạt đầu nghệt mặt, sau lại ngoái đầu nhìn ánh đèn thoắt ẩn thoắt hiện phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, đoán nơi chúng tôi sắp tới.

Tôi nhân cơ hội quay sang nháy mắt giục A Độ mau hạ gục Vĩnh Nương. Không ngờ Vĩnh Nương khẽ buông tiếng thở dài trước khi tôi kịp nháy mắt, bà ấy chẳng nói chẳng rằng lách qua chúng tôi, rồi xách lồng hương đi thẳng.

Vĩnh Nương đi được vài bước, chợt ngoái đầu nói với tôi một câu. Bấy giờ tôi đang rất bối rối, khó xử.

– Trời khuya trở gió lạnh, Thái tử phi thăm Điện hạ xong nhớ về sớm, chớ để nhiễm lạnh.

Tôi vô cùng tức tối, thì ra bà ấy tưởng tôi đi gặp riêng Lý Thừa Ngân!

Chuyện này… chuyện… này…

Thôi vậy!

Tôi dẫn A Độ tiến về phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, ngày nào chưa cho hắn một trận thì ngày đó tôi khó mà sống được với mối nhục này.

Dừng trước bờ tường bao ngoài tẩm điện, A Độ nhẹ nhàng kéo tôi nhảy vọt lên chóp tường. Cả hai đang loay hoay giữ thăng bằng, bỗng có tiếng quát lớn:

– Có thích khách!

Liền đó là tiếng binh khí sắc lẹm chém vào không khí, tiếng cung nỏ lên dây… Mưa tên ào ào bắn đến, chẳng khác gì đàn châu chấu bay kín trời kín đất, còn tôi vẫn đang ngơ ngác. Đèn đuốc vụt sáng chỉ trong nháy mắt, A Độ che trước mặt tôi, vung đao chặn đứng làn tên bay. Chỉ e A Độ cũng không trụ được bao lâu, vào lúc túng quẫn, tôi loay hoay toan nhảy tường quay về, tránh làm A Độ bị thương. Ai ngờ chỉ sau một cái sảy chân, tôi ngã nhào xuống.

Bờ tường cao chót vót!

Gió vun vút lướt qua tai, phen này… Ngã phen này thể nào cũng tan xương nát thịt.

Tôi ngã ngửa ra sau, vẫn đủ để thấy vẻ mặt hốt hoảng của A Độ. Muội ấy phi thân lao xuống toan đỡ tôi, sau lưng muội ấy là vòm trời đen kịt điểm vài đốm sao thưa thớt như hạt vừng rơi vãi, mỗi lúc một cao, một xa, chẳng mấy chốc vầng trăng đã mất hút sau góc điện…

Bụng bảo dạ A Độ không kịp bắt mình rồi, tôi ngã bất ngờ mà chóng váng quá. Đúng lúc tôi tuyệt vọng, đột nhiên có người ôm lấy eo tôi, tốc độ rơi chậm dần, người ấy xoay người ôm gọn cơ thể tôi vào lòng. Búi tóc trên đầu bị gió đánh sổ tung, lòa xòa trước mặt, tôi chỉ nhìn thấy bộ giáp bạc của chàng phản chiếu ánh lửa bập bùng, chúng lướt qua như những bông hoa nhỏ xinh nở rộ trên thân áo. Hoa lửa li ti phản chiếu trong đôi mắt chàng, đôi mắt ấy đang chăm chú nhìn tôi.

Đúng là cảnh anh hùng cứu mỹ nhân như bao lần tôi từng mơ, chàng ôm lấy tôi cùng làn gió đêm xoay vòng… xoay vòng… xoay rồi cứ xoay… Sao điểm đầy trời tưởng giọt mưa sa… Giữa đất trời bao la, hai mắt chàng vẫn đắm đuối nhìn vào mắt tôi.

Đôi mắt ấy đong đầy bóng hình tôi…

Mình say mất, say thật rồi. Được nằm trong vòng tay chàng, đúng là chàng rồi…

– Bẩm Thái tử phi!

Chân tôi đáp xuống mặt đất, tôi ngỡ ngàng bừng tỉnh nhìn người trước mặt. Người đó mặc một bộ giáp bạc, mặt mày sáng sủa, khí phách hiên ngang, lẽ nào chính là chàng? Chính chàng là người bao lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi, là người anh hùng kiệt xuất bao lần cứu tôi khỏi hiểm nguy?

Bốn bề đã ngừng bắn tên, Bùi Chiếu thả tôi xuống đất, đoạn khom người hành lễ, bấy giờ tôi mới để ý tay mình vẫn đang níu chặt tay hắn. A Độ lao đến kéo tay tôi, cẩn thận kiểm tra xem tôi có bị thương chỗ nào không. Tự nhiên tôi thấy lúng túng, khó xử. Người anh hùng tôi thường mơ thấy lẽ nào là Bùi Chiếu? Thế nhưng… sao đến chính tôi cũng không nhớ nhỉ? Mà Bùi Chiếu cũng khôi ngô, võ công cũng thuộc dạng cao cường, chỉ là… sao lại có thể là gã nhỉ? Tai tôi nóng bừng, đoạn liếc mắt về phía đó.

Tối nay xuất quân đúng là thất bại, thoạt đầu đụng phải Vĩnh Nương, sau lại chạm mặt Bùi Chiếu.

Bùi Chiếu khẽ phẩy tay, cung thủ và thị vệ của Vũ lâm quân nháy mắt đã rút lui mất dạng. Tôi thấy mình cũng nên nói gì đó, nghĩ một đằng lại khen một nẻo:

– Khá khen Bùi Tướng quân dụng binh như thần…

– Mong Thái tử phi không trách mạt tướng manh động. – Bùi Chiếu chắp tay vái lễ. – Mạt tướng không biết Thái tử phi sẽ vượt tường vào, xin Thái tử phi thứ tội.

– Cái này không trách ngươi được, tại ta trèo tường vào, khiến các ngươi tưởng lầm có thích khách.

– Không rõ đêm hôm khuya khoắt, Thái tử phi đến đây có việc gì ạ?

Tôi có phải kẻ ngốc đâu, dại dột gì mà lại khai ra tôi đến tìm Lý Thừa Ngân tính sổ. Tôi bèn cười giả lả:

– Lý do ta đến, không nói cho ngươi biết được.

Vẻ mặt Bùi Chiếu vẫn lạnh tanh, gã cúi đầu thưa:

– Vâng ạ!

Tôi dẫn A Độ ngông nghênh tiến về phía trước, bỗng bị Bùi Chiếu gọi giật lại:

– Bẩm Thái tử phi!

– Gì thế?

– Tẩm điện của Điện hạ ở đằng này, không phải bên đó ạ!

Tôi thẹn quá hóa giận, bèn ném cho gã một cái lườm, vậy mà gã vẫn cung kính đứng đó như thể không nhận thấy cái lườm của tôi. Tôi đành quay lại, đi theo con đường gã vừa chỉ.

Dừng trước cửa tẩm điện của Lý Thừa Ngân, tôi dặn A Độ:

– Muội ở ngoài canh cửa, cấm cho kẻ nào lại gần.

A Độ gật đầu dùng tay làm dấu, ý bảo tôi cứ an tâm.

Tôi tiến vào tẩm điện, cung nữ trực đêm vẫn thức chơi đố chữ dưới ánh đèn, tôi rón rén luồn qua lưng họ, không ai phát hiện ra tôi, rồi tôi mon men mò vào trong nội điện.

Góc phòng thắp một ngọn đèn, ánh nến hư ảo, mịt mùng đổ bóng lên tấm màn, tựa sóng nước dập dềnh khẽ vỗ. Tôi nín lặng, từ từ bước đến bên giường, khẽ vén màn lên, cẩn thận để không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Bỗng một tiếng “vút” ập đến, tôi nghiêng mặt né theo bản năng, làn gió lạnh sượt qua mặt, chà vào gò má ran rát. Tôi bị ghì chặt trên giường, chỉ kịp thấy đất trời nghiêng ngả. Trước khi kịp thốt lên bất cứ câu nào, một lưỡi đao sắc lẹm đã kề sát cổ, chỉ e một lát nữa thôi cái thứ ấy sẽ rạch toác họng mình. Tóc gáy tôi dựng đứng cả lên.

Trong bóng tối, tôi thấy Lý Thừa Ngân với vẻ mặt rắn đanh lạ lùng như vừa biến thành một kẻ nào đó chứ không phải là hắn thường ngày. Ánh mắt hắn đóng đinh vào tôi, có nằm mơ tôi cũng chẳng ngờ Lý Thừa Ngân lại thủ đao bên mình, thậm chí ngủ trên giường mà cũng đề cao cảnh giác.

– Là cô à?

Lý Thừa Ngân thu lại thanh đao, dáng dấp trở về với tác phong quen thuộc. Hắn hỏi tôi, dáng vẻ uể oải:

– Nửa đêm nửa hôm cô mò tới đây làm gì?

– Hả… Không làm gì cả.

Tất nhiên tôi không thể nói mình mò đến để gói hắn thành cái bánh chưng, rồi giã cho một trận tơi bời, hòng trả mối thù bị hãm hại kia.

Hắn cười mà như không, rồi liếc mắt nhìn tôi:

– À, ta biết rồi, cô nhớ ta nên mò tới thăm chứ gì?

Tôi tức tối, lập tức nhớ lại chuyện hắn dùng lụa uyên ương hãm hại tôi, khiến tôi bị Hoàng hậu mắng một trận tơi bời rồi còn phạt chép sách. Này thì chép sách! Tôi căm thù chép sách! Tôi rút phắt thanh đao giấu trong áo ra, nghiến răng nghiến lợi bảo:

– Điện hạ đoán đúng rồi đấy, thần thiếp nhớ Điện hạ quá!

Hắn vẫn vênh mặt, thậm chí còn khẽ cười:

– Hóa ra con gái Tây Lương thường xách đao đi tìm người thương!

– Đừng luyên thuyên. – Tôi kề đao vào cổ hắn. – Giao nộp đao của ngươi ra đây.

Hắn sáp lại gần:

– Cô bảo thì ta phải đưa cô chắc?

– Này, đừng có qua… Á…

Nửa câu sau của tôi bị đẩy trôi tuột xuống bụng, rồi vai bị ghì chặt. Không để tôi kịp trở tay, hắn đã gặm môi tôi!

Thật… thật quá đáng!

Lần này hắn gặm khá từ tốn, như thể đang giải quyết một con cua. Hồi trước tôi từng thấy Lý Thừa Ngân ăn cua, phải nói là… quá giỏi. Ăn xong phần thịt ở mai, hắn còn có thể ghép lại y nguyên hình dáng ban đầu của con cua, lợi hại hơn cả đám con gái thạo thêu thùa ở Trung Nguyên. Tôi khoa tay múa may thanh đao sau lưng hắn, chỉ hận không thể xọc cho hắn một nhát. Thì tôi cũng chẳng sợ gì, chỉ sợ có chiến tranh, cha già lắm rồi, chỉ e không đủ sức đánh nhau với Trung Nguyên, lúc đó Tây Lương khó mà thắng nổi. Mình phải nhịn… phải nhịn… Hắn gặm chán chê rồi mới chịu rời môi tôi, nhưng không để tôi kịp thở lấy hơi, hắn liền rà môi xuống cổ. Xong rồi, xong rồi, nhất định hắn tính gặm sạch mình như gặm cua đây mà. Hắn gặm nhấm làm cổ tôi ngưa ngứa, buồn buồn, khó chịu không sao kể hết. Sau đó, hắn lại mon men lên tai, phen này chết mất thôi, tôi sợ nhất có người chọc tôi buồn. Hắn cứ thở bên tai tôi như thế, chỉ thiếu điều tôi cười lên sằng sặc, toàn thân bủn rủn, thậm chí thanh đao trên tay cũng bị hắn giành mất. Hắn quẳng thanh đao sang một bên, rồi lại lần tìm môi tôi.

Tôi thấy là lạ, rồi không biết từ lúc nào, tay hắn đã luồn vào lớp áo trong của tôi. Cánh tay siết chặt eo đến nỗi tôi không cựa quậy được, bèn la toáng lên:

– Ngươi… Ngươi… Bỏ tay ra! Không ta gọi A Độ bây giờ!

Lý Thừa Ngân cười, bảo:

– Cứ gọi đi! Cô có gọi cả Đông cung đến, ta cũng chẳng bận tâm. Nửa đêm nửa hôm chính cô mò vào giường ta cơ mà.

Tôi tức đến suýt ngất xỉu. Quá… quá… quá đáng ghét! Miệng hắn hở ra câu nào là chướng tai câu nấy. Mò vào giường hắn cái gì chứ? Tôi… tôi… tôi phen này có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa được nhục.

Đúng lúc tôi tức tối tính xọc cho hắn một nhát đao thì đột nhiên có luồng gió từ ngoài mành xộc thẳng vào. Nhanh như cắt, Lý Thừa Ngân vội đẩy tôi văng vào góc giường, bấy giờ mới nhìn kĩ, thì ra là một thanh trường kiếm. Nhờ cú đẩy của hắn mà tôi thoát, còn hắn thì trúng một nhát kiếm xuyên qua ngực phải. Tôi hét lên thất thanh, A Độ liền sộc vào, gã thích khách rút kiếm chĩa vào Lý Thừa Ngân. Đao của A Độ đã đưa tôi cầm rồi còn đâu, lúc ấy tình thế gấp rút, muội ấy chỉ kịp rút chân nến trên bàn phi về phía thích khách. Cánh tay của A Độ rất khỏe, giá nến như một cây trâm dài xé gió lao vút trong không khí, song tên thích khách vẫn kịp né. Tôi liền gọi:

– Người đâu! Có thích khách!

Ngay lập tức, Vũ lâm quân trực đêm phá cửa lao vào. A Độ vẫn mải vật lộn với gã thích khách. Tiếng la hét vang vọng khắp nơi ngoài tẩm điện, trước sân nhốn nháo. Người ùa tới ngày càng nhiều, gã thích khách thấy tình thế bất lợi liền nhảy vọt qua cửa sổ, A Độ lập tức đuổi sát theo sau.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện