Chương 4
Tôi dìu Lý Thừa Ngân dậy, nửa bên người hắn sẫm màu máu tươi, máu không ngừng túa ra từ miệng vết thương. Trong khi tôi vừa cuống vừa sợ, hắn còn hỏi tôi:
– Nàng có bị thương…
Câu nói còn bỏ ngỏ, miệng hắn đã ứa máu, máu của hắn bám đầy trên vạt áo tôi. Mắt tôi nhòa ướt, miệng thốt lên tên hắn:
– Lý Thừa Ngân!
Dù tôi ghét Lý Thừa Ngân thật đấy, nhưng xưa nay tôi nào có nguyền rủa hắn phải chết.
Hắn hoang mang nắm lấy tay tôi, khóe miệng đẫm máu, vậy mà còn cười được:
– Xưa nay ta chưa từng thấy nàng khóc bao giờ… chẳng lẽ nàng sợ… sợ làm góa phụ trẻ…
Lúc nào rồi mà hắn còn đùa được, nước mắt tôi cứ mặc sức trào ra. Chân tay tôi lóng ngóng định cầm máu cho hắn, nhưng phải cầm ở chỗ nào đây, máu len qua kẽ tay nhỏ xuống, những dòng máu ấm nóng, tanh nồng ấy, biết bao nhiêu là máu đã chảy. Tôi vô cùng hoảng sợ. Nhiều cung nữ nghe thấy tiếng động lạ liền chạy vào, có người vừa nhìn thấy máu đã hét lên hãi hùng rồi lăn ra ngất xỉu, trong điện tức khắc nhốn nháo, tán loạn. Tôi nghe bên ngoài có tiếng Bùi Chiếu đang xẵng giọng phát lệnh, thế rồi gã xông vào điện. Trông thấy gã, tôi tưởng chừng gặp được vị cứu tinh:
– Bùi Tướng quân!
Bùi Chiếu thoáng thấy tình hình, lập tức sai người:
– Mau truyền ngự y!
Nói rồi gã lao tới, trỏ ngón tay điểm toàn bộ huyệt đạo xung quanh vết thương trên ngực Lý Thừa Ngân. Gã thấy tôi vẫn ôm chặt Lý Thừa Ngân, bèn nói:
– Thái tử phi, xin người cứ đặt Điện hạ xuống, như vậy mạt tướng mới kiểm tra được thương tích của Điện hạ.
Đang hoang mang lo sợ mà thấy Bùi Chiếu vẫn trấn tĩnh như thế, sự bình tĩnh của gã khiến tôi được xoa dịu. Tôi nghe lời, đặt Lý Thừa Ngân nằm xuống, lúc vạch áo Lý thừa Ngân ra, Bùi Chiếu hơi chau mày. Thoạt đầu tôi không hiểu cái chau mày ấy nghĩa là sao, nhưng thấy ngự y tức tốc chạy tới, rồi quá nửa Thái y viện được điều tới Đông cung, rất nhanh tôi đã hiểu. Tin tức được báo về trong cung, cửa phía đông rộng mở lúc nửa đêm đón Hoàng đế và Hoàng hậu trong trang phục vi hành, thân chinh xa giá đến Đông cung.
Tôi nghe ngự y bẩm với Hoàng thượng:
– Bẩm Bệ hạ, vết thương quá sâu, xin Bệ hạ thứ lỗi cho thần ngu muội, bất tài, chỉ e… chỉ e vết thương của Điện hạ… vô cùng đáng ngại…
Hoàng hậu rưng rưng rồi bật khóc trong câm lặng, tay cầm khăn liên tục chấm nước mắt. Bệ hạ cũng xây xẩm mặt mày. Còn tôi không nhỏ lấy một giọt nước mắt, tôi phải đợi A Độ trở về.
Bùi Chiếu phái rất nhiều người truy đuổi thích khách, không biết đã truy cứu được gì chưa. Tôi đâu chỉ lo cho mình Lý Thừa Ngân, còn nỗi lo về A Độ cứ canh cánh trong lòng.
Hôm sau, cuối cùng người của Bùi Chiếu cũng khiêng A Độ về, khi ấy A Độ bị thương rất nặng. Tôi thốt gọi tên A Độ, muội ấy khẽ hé mắt nhìn tôi, định nhấc tay lên, nhưng cánh tay không còn chút sức lực, chỉ có những ngón tay khẽ động đậy. Tôi nhìn theo ánh mắt muội ấy, ánh mắt đăm đăm trên vạt áo tôi.
Tà áo tôi dính bê bết máu nhưng đều là máu của Lý Thừa Ngân. Tôi hiểu A Độ nghĩ gì, tôi siết chặt tay muội ấy rồi nuốt nước mắt, nói:
– Ta không sao đâu!
Dường như A Độ vừa buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, muội ấy nhét vào tay tôi một vật cứng, rồi người lả đi.
Tôi vừa đau đớn vừa ăn năn, hối hận.
Vì đẩy tôi ra mà Lý Thừa Ngân bị thích khách tấn công ngay trước mặt tôi, chính mắt tôi chứng kiến thanh trường kiếm ấy găm sâu vào cơ thể hắn. Giờ đây, gã thích khách lại đả thương cả A Độ.
Là tại tôi, tại tôi bảo A Độ đưa đao cho mình. Đến đao cũng không cầm theo, muội ấy đã vội truy sát gã thích khách kia.
Bấy lâu nay, A Độ luôn theo sát bên tôi, người dám liều mạng bảo vệ tôi chỉ có mình muội ấy.
Lúc nào tôi cũng là người có lỗi với muội ấy, lúc nào tôi cũng gây chuyện, để muội ấy phải chịu khổ thay mình.
Tôi bật khóc nức nở.
Không ai đến an ủi tôi, Đông cung thì đang hỗn loạn, người nào người nấy chạy đôn chạy đáo, tất tả lo chạy chữa cho Lý Thừa Ngân, vết thương rất nặng, có thể sẽ không qua khỏi. A Độ sắp chết rồi, và cả Lý Thừa Ngân, chồng tôi… cũng sắp chết.
Tôi khóc mãi, khi Bùi Chiếu đến, gã khẽ khàng lên tiếng:
– Bẩm Thái tử phi, người của mạt tướng báo lại, lúc bọn họ truy sát tên thích khách, chỉ thấy A Độ cô nương hôn mê bất tỉnh ở đó mà không thấy tăm tích của tên thích khách đâu nên buộc phải đưa A Độ về trước. Hiện nay, chín cổng thành đã đóng chặt, Thượng Kinh đang giới nghiêm, thích khách không thể tẩu thoát được. Ngự lâm quân đã bắt đầu lục soát khắp kinh thành, xin Thái tử phi an tâm, tên thích khách khó lòng chạy thoát.
Tôi nhìn vật A Độ vừa đưa, vật đó lạ lắm, chỉ là một miếng gỗ có khắc hoa văn khó hiểu trên bề mặt, tôi không nhận ra nó là thứ gì.
Tôi giao cho Bùi Chiếu:
– A Độ đưa ta thứ này, ta đoán nó có liên quan đến hành tung của thích khách.
Bùi Chiếu bỗng giật mình, nhất định hắn biết vật này. Tôi gặng hỏi:
– Đây là gì thế?
Bùi Chiếu thoái lui một bước, gửi trả tôi miếng gỗ ấy, đoạn thưa:
– Đây là việc hệ trọng, xin Thái tử phi cứ đệ trình lên Bệ hạ.
Tôi cũng nghĩ, mình phải tấu trình vật này lên Hoàng thượng, tốt xấu sao thì người cũng là Thiên tử, là thân sinh ra phu quân tôi, là vị đế vương có quyền lực tối cao khắp thiên hạ. Người sẽ giúp chúng tôi truy xét đến cùng, xem kẻ nào dám ám sát con trai của người, dám sát hại A Độ.
Tôi quệt nước mắt, sai cung nữ thân cận đi trình bẩm, tôi muốn yết kiến Hoàng đế Bệ hạ.
Cả Hoàng thượng và Hoàng hậu vẫn ngự ở tẩm điện, chẳng mấy chốc Hoàng thượng đã cho triệu tôi, tôi bước vào vái lạy người:
– Phụ hoàng!
Rất ít khi tôi có dịp tiếp kiến Hoàng đế Bệ hạ, lần nào gặp, người cũng ngự trên ngai vàng ở một khoảng cách rất xa. Ở khoảng cách gần như thế này thì đây quả là lần đầu tiên. Tôi chợt nhận ra, người cũng trạc tuổi cha tôi, tóc ở hai bên thái dương đã chớm bạc.
Người đối với tôi rất ôn tồn, đoạn sai tùy tùng:
– Mau đỡ Thái tử phi dậy!
Tôi từ chối cái đỡ của nội quan:
– Khởi bẩm Phụ hoàng, tùy tùng của nhi thần là A Độ vừa truy đuổi tên thích khách, không may bị trọng thương, mới được Vũ lâm lang cứu về. Muội ấy giao cho nhi thần vật này, nhi thần không rõ là gì, nay tấu dâng lên Phụ hoàng, nhi thần trộm nghĩ, vật này ắt hẳn có liên quan đến thân phận của thích khách.
Tôi dâng miếng gỗ lên rồi dập đầu:
– Mong Phụ hoàng phái người kiểm chứng.
Nội quan đón lấy vật trên tay tôi, trình lên cho Bệ hạ xem, tôi thấy nét mặt người sa sầm ngay tức thì.
Người quay sang nhìn Hoàng hậu:
– Mai Nương!
Lúc ấy tôi mới biết tên cúng cơm của Hoàng hậu là Mai Nương.
Sắc mặt Hoàng hậu tối sầm, bà ấy bật dậy, chỉ vào tôi:
– Ngươi… ngươi dám vu cáo, hãm hại bản cung!
Tôi ngơ ngác nhìn bà ấy. Hoàng hậu khẩn thiết quay người, quỳ sụp xuống:
– Xin Bệ hạ minh xét, Ngân Nhi là do một tay thần thiếp nuôi nấng trưởng thành, tâm huyết cả đời của thần thiếp đều dồn vào Ngân Nhi, thần thiếp tuyệt đối không bao giờ làm hại Hoàng nhi!
Hoàng thượng không buông lời, Hoàng hậu lại quay ra trách cứ tôi:
– Kẻ nào đã xúi bẩy ngươi dùng thủ đoạn này, hòng vu khống lật đổ bản cung?
Tôi đây đến mặt chữ Trung Nguyên còn không nhớ hết, khúc củi khô ấy khắc gì tôi nào có biết, thậm chí xưa nay còn chưa từng nhìn thấy nó, thế nên tôi chỉ biết thuỗn mặt nhìn Hoàng hậu.
Cuối cùng, Hoàng thượng lên tiếng:
– Mai Nương, chỉ e ngay bản thân con bé cũng không biết đây là thứ gì, sao có thể vu khống hòng lật đổ nàng được?
Hoàng hậu cả kinh:
– Bệ hạ, xin Bệ hạ chớ cả tin những điều xằng tấu này. Cớ sao thần thiếp phải ám hại Thái tử? Ngân Nhi do một tay thần thiếp nuôi nấng nên người, thần thiếp coi Hoàng nhi như con ruột…
Hoàng thượng lạnh nhạt nói:
– Con ruột…? Chưa chắc.
Hoàng hậu bưng mặt, nước mắt lã chã:
– Bệ hạ nói vậy tức là người cũng tin vào những điều sàm tấu. Tuy thần thiếp không mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày nhưng có khác nào thân sinh ra Thái tử đâu? Ngày Ngân Nhi mới ba tháng tuổi, thần thiếp đã ẵm vào cung, một tay thần thiếp nuôi nấng, chỉ bảo Hoàng nhi nên người, kèm cặp Hoàng nhi học hành đến nơi đến chốn. Cũng chính thần thiếp trình tấu mong Bệ hạ lập Hoàng nhi làm thái tử, thần thiếp đã dồn tâm huyết cả đời vào Ngân Nhi, cớ gì thần thiếp phải sai người hãm hại con mình?
Bệ hạ phá lên cười:
– Vậy Tự Bảo lâm vô tội thì sao, cớ gì nàng phải ra tay với Tự Bảo lâm?
Hoàng hậu giật thót mình ngước lên, bà ấy ngơ ngác nhìn Hoàng thượng.
– Chuyện hậu cung, trẫm không hỏi tới không có nghĩa là trẫm không biết. Nàng đã tạo đủ nghiệp chướng rồi. Cớ sao nàng xuống tay với Tự Bảo lâm mà không phải muốn trừ khử Triệu Lương đệ? Gia tộc họ Triệu nắm giữ trong tay binh quyền hùng hậu, tương lai sau này Ngân Nhi đăng cơ, cho dù không lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, ắt cũng phải phong quý phi. Có đằng ngoại như thế, vậy mà nàng không hề coi như mối hiểm họa từ bên trong. Nàng chỉ canh cánh một nỗi bất an sau này Ngân Nhi ổn định giang sơn, điều gì đã khiến nàng sợ hãi? Sợ hoàng nhi sẽ chống lại mẫu hậu là nàng ư?
Hoàng hậu ấp úng:
– Cớ gì thần thiếp phải bất an…? Ý của Bệ hạ, thần thiếp không tài nào hiểu…
– Đúng, sao nàng phải bất an? – Hoàng đế lạnh nhạt nói. – Chẳng phải vì e sợ Ngân Nhi biết, mẫu thân sinh ra nó, Thục phi năm đó… vì sao qua đời ư?
Sắc mặt Hoàng hậu tái mét, chân tay bủn rủn, ngã phịch xuống sàn.
Hoàng đế tiếp lời:
– Trách chăng nàng quá nóng vội, đợi thêm hai mươi năm nữa thì có hề gì? Bao giờ trẫm băng hà, Ngân Nhi đăng cơ, lập Triệu Lương đệ làm hoàng hậu, tất sẽ trở mặt với Tây Lương. Đến lúc ấy, giả sử Hoàng nhi dấy can qua với Tây Lương, nếu thắng, thâm tình giữa thiên triều ta và Tây Lương từ đó mãi mãi rạn nứt, chỉ e chiến tranh liên miên, hai nước rơi vào cảnh lầm than, rồi sẽ có ngày lòng dân oán hận sục sôi. Còn nếu chúng ta thua, nàng tranh thủ mượn gió bẻ măng, phế Ngân Nhi, lập tân đế mới cũng chưa biết chừng. Nước cờ này, phải chăng nàng đã tính thấu đáo từ lúc khuyên trẫm để Ngân Nhi cầu thân với Tây Lương. Đang yên đang lành, cớ gì nàng lại nóng vội đến vậy? Lẽ nào vì Thái tử và Thái tử phi bỗng nhiên gắn bó quấn quýt, hai đứa trẻ phải lòng nhau, há chẳng ngoài dự đoán của nàng hay sao?
Hoàng hậu thì thào:
– Thần thiếp cùng Bệ hạ kết tóc se duyên nên nghĩa phu thê đã ba mươi năm, thì ra trong lòng Bệ hạ, thần thiếp là người quá quắt vậy ư?
Hoàng thượng lạnh lùng giáng lời:
– Không phải trẫm nghĩ quá quắt về nàng, mà chính nàng đã làm những chuyện quá quắt. Gieo nhân nào gặt quả nấy, ác giả ắt ác báo. Nàng hại chết Thục phi, trẫm không hề đổ oan cho nàng. Nàng hại Tự Bảo lâm sẩy thai, giam lỏng Triệu Lương đệ, trẫm cũng không đả động. Trẫm luôn tự bảo mình, nàng làm tất cả chỉ để tự vệ, nếu Hoàng nhi của trẫm không ứng phó nổi mấy trò vặt này, chứng tỏ nó không xứng làm thái tử. Thế mà hôm nay, nàng lại táng tận lương tâm muốn ám sát Ngân Nhi. Con giun xéo lắm cũng quằn, huống hồ hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, dẫu nàng không phải người mang nặng đẻ đau hạ sinh Ngân Nhi, nhưng suy cho cùng, chính tay nàng đã nuôi nấng nó nên người, sao nàng có thể nhẫn tâm đến vậy?
Hoàng hậu thảng thốt, hàng nước mắt chảy dài:
– Thần thiếp không làm… Dẫu Bệ hạ không muốn tin, nhưng quả thực thần thiếp không làm… Thần thiếp không sai người hãm hại Ngân Nhi…
Trong lòng tôi trào dâng cảm xúc, thật không dám tin vào tai mình, tôi không dám tin vào những gì mình đang nghe. Hoàng hậu cao quý thường ngày, Hoàng hậu ôn tồn thường ngày… Lẽ nào lòng dạ người đàn bà ấy lại thâm độc đến vậy?
Hoàng thượng nói:
– Chẳng lẽ trẫm lại phải đưa nhân chứng, vật chứng ra hòng vạch mặt những chuyện nàng từng làm, lẽ nào trẫm phải hạ chỉ sai Dịch đình lệnh đến thẩm vấn nàng hay sao? Nếu nàng thành thật khai nhận, trẫm sẽ niệm tình phu thê ba mươi năm nay, không truy cứu nàng tội chết.
Nước mắt Hoàng hậu lã chã:
– Bệ hạ, oan uổng cho thần thiếp quá! Thần thiếp bị oan!
Hoàng thượng vẫn lạnh nhạt nói:
– Hai mươi năm trước, nàng sai người hạ độc mã tiền[1] vào thuốc của Thục phi, gói thuốc mã tiền đến giờ vẫn còn một nửa, đang cất tại ô tủ chìm thứ hai trong chính cung của nàng. Hay nàng muốn trẫm phái người đến đó lục soát, rồi ép nàng phải nuốt chỗ mã tiền đó?
[1] Cây mã tiền có trái trông giống trái cam nhưng trong hạt chứa nhiều alcaloid độc. Nếu ăn nhầm sẽ bị co giật toàn thân và tê liệt cơ hô hấp gây ngạt thở dẫn đến tử vong.
Hoàng thượng nói dứt câu, Hoàng hậu liền bủn rủn, ngã vật xuống sàn, ngất lịm.
Tôi có cảm giác, tất thảy mọi chuyện xảy ra trong đêm nay chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang, đến giờ tiếng sấm vẫn bập bùng bên tai, liên miên từng hồi không dứt, vang dội tới mức tôi chết lặng người, đứng đờ đẫn, như trời trồng.
Hoàng thượng quay sang vẫy tay gọi tôi. Tôi dè dặt tiến lại gần, quỳ trước mặt người. Người vươn tay, dịu dàng xoa đầu tôi, nói:
– Con ngoan đừng sợ, có Phụ hoàng ở đây, không kẻ nào dám làm hại con đâu. Thoạt đầu để Ngân Nhi lấy con, thực ra cũng là ý của ta, bởi lẽ ta biết con gái Tây Lương đối nhân xử thế rất thật lòng và ân cần.
Thú thực, tôi không hề thấy sợ, bởi bàn tay người ấm áp như bàn tay cha. Hơn nữa, người có nét giống Lý Thừa Ngân, mà xưa nay tôi có bao giờ e sợ Lý Thừa Ngân đâu.
Hoàng thượng nói với tôi:
– Gắng chăm sóc Ngân Nhi, nó từ nhỏ đã mồ côi mẹ. Nếu con thật lòng với nó, nó sẵn sàng móc cả trái tim trao cho con.
Dẫu người không dặn, tôi cũng sẽ chăm nom Lý Thừa Ngân chu đáo.
Thế nhưng sự tình đêm nay quả thực vẫn khiến tôi thảng thốt không thôi, tự đáy lòng tôi thấy sợ. Tất thảy những thứ trong cung đều đáng sợ, lòng người sao lại phức tạp đến thế? Như Hoàng hậu kia, có chết tôi cũng không ngờ bà ấy lại hại đứa trẻ trong bụng Tự Nương, chỉ vì muốn giáng họa cho Triệu Lương đệ thôi ư? Sinh mạng con người trong mắt bọn họ thật sự rẻ mạt thế thôi sao? Lại còn Thục phi, người thân sinh ra Lý Thừa Ngân nữa, vì sao Hoàng hậu phải hại chết Thục phi, chỉ vì muốn tước đoạt đứa con trai của Thục phi hay sao?
Mọi chuyện thật kinh hoàng, chúng khiến tôi phải ớn lạnh rùng mình.
Vết thương của Lý Thừa Ngân vô cùng nguy hiểm, đã ba ngày rồi mà hắn vẫn trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Tôi túc trực bên hắn không kể ngày đêm.
Tình hình vết thương có chuyển biến xấu, Lý Thừa Ngân sốt cao, không ăn uống được gì, đến thuốc thang cũng phải cạy răng, bón từng thìa.
Tôi nghĩ phen này hắn khó lòng qua khỏi.
Song tôi không hề khóc. Hắn đẩy tôi ra vào đúng lúc nguy hiểm nhất. Nếu hắn chết, cùng lắm tôi sẽ tự tử theo hắn.
Con gái Tây Lương chúng tôi không ưa kiểu sướt mướt, tôi đã khóc một chặp rồi, bây giờ không muốn khóc thêm nữa.
Trong cơn mê man, Lý Thừa Ngân luôn miệng thì thào gì đó, tôi ghé tai nghe, mới rõ hắn đang gọi “mẹ” giống như lần trước bị ốm.
Ngẫm tới những gì Bệ hạ nói, tôi lại thấy mủi lòng, thì ra hắn cũng đáng thương biết bao, tuy địa vị là Thái tử đấy, song từ lúc ra đời chưa một lần được biết mặt mẹ. Trong khi tâm địa Hoàng hậu lại thâm độc đến nhường này, nếu để Lý Thừa Ngân biết bà ta là người hại chết mẹ ruột mình, hẳn hắn sẽ đau lòng lắm.
Rất nhiều ngự y được cử tới để theo dõi bệnh tình của Lý Thừa Ngân. Cùng lúc đó, Hoàng thượng hạ chiếu thư phế truất ngôi vị Hoàng hậu, việc này đã gây chấn động cả trong và ngoài triều, ngặt vì chiếu thư đã chỉ ra quá nhiều tội trạng của Hoàng hậu, nhất là hiện nay Lý Thừa Ngân còn chưa rõ sống chết thế nào nên chúng đại thần cũng khó lòng can gián. Tôi nghe mấy cung nữ rủ rỉ nói, nhà ngoại của Hoàng hậu vốn nắm nhiều quyền hành trong tay, hiện họ đang xúi giục đám quan viên Môn hạ tỉnh[2]không phê chuẩn chiếu thư, hòng phản đối việc phế bỏ Hoàng hậu. Tôi vốn không hiểu chuyện triều chính, giờ mới biết hóa ra thân là Hoàng đế không phải muốn làm gì cũng được.
[2] Môn hạ tỉnh: một trong ba cơ quan đứng đầu triều đình thuộc tam tỉnh chế, lo thu nhận những báo cáo từ các nơi gửi về, đồng thời chuyển những mệnh lệnh, sắc chỉ của vua tới các quan thừa hành.
Buổi sáng, tôi đến thăm Lý Thừa Ngân, buổi chiều lại về chăm A Độ.
Trên người A Độ có nhiều vết thương, thâm chí nội thương cũng khá nghiêm trọng. A Độ giỏi võ đến thế mà vẫn bị tay thích khách kia đánh đến nông nỗi này, xem ra gã không phải loại tầm thường. Do phải thường xuyên thay thuốc nên tôi lục tìm túi A Độ, lấy hết đồ để lên bàn. Vậy ra tôi đã đưa cho A Độ cầm biết bao nhiêu là thứ, toàn mấy thứ tôi thấy hay thì mua, như cái còi đất sét nặn hình chim non này, hay bông hoa bằng len đỏ kia… Mua được cái gì tôi lại đưa cho A Độ cầm, muội ấy thường xuyên dắt bên mình, phòng lúc tôi cần dùng.
A Độ của tôi, A Độ đối với tôi tốt biết bao, tại tôi khiến muội ấy phải khổ.
Lúc thấy mũi tên reo, tôi sực nghĩ đến một chuyện. Thế rồi tôi cầm theo nó, lẳng lặng đi ra ngoài.
Kẻ hầu người hạ trong Đông cung đều dồn về phía tẩm điện của Lý Thừa Ngân, trong hoa viên quạnh quẽ, vắng tanh, không có bóng dáng ai.
Tôi bắn tên lên trời, rồi ngồi đợi ở đó.
Bẵng đi một lúc, chợt có cơn gió hiu hiu thổi khẽ, Cố Kiếm lặng lẽ đáp xuống trước mặt tôi.
Thấy tôi, gã có vẻ sửng sốt:
– Kẻ nào động đến muội?
Tôi cũng biết người ngợm mình bây giờ rất tệ, mấy hôm trước khóc một trận đã đời, mắt mũi sưng húp cả lên, cộng thêm mấy đêm liền mất ngủ khiến mặt mày xám xịt.
Tôi thuật lại sự tình một cách đơn giản cho gã nghe, Cố Kiếm trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
– Muội muốn ta đi giết Hoàng hậu à?
Tôi lắc đầu.
Đúng là Hoàng hậu đã sát hại quá nhiều người, bà ta không xứng đáng sống tiếp trên đời này, nhưng Hoàng đế sẽ có phán quyết riêng của mình, không xử tội chết thì cũng phế truất rồi tống bà ta vào lãnh cung. Đối với loại người như Hoàng hậu, làm vậy đã đủ giết bà ta.
Tôi van lơn:
– Ngươi nghĩ cách cứu A Độ được không? Muội ấy bị nội thương nặng lắm, hôn mê từ bấy đến giờ.
Cố Kiếm bất chợt phá lên cười:
– Ngộ thật, muội không nhờ ta cứu chồng muội mà lại van xin ta cứu A Độ. Thế tóm lại, muội yêu chồng muội hay A Độ?
– Lý Thừa Ngân bị thương bên ngoài, là thần tiên cũng đành bó tay, qua được hay không là số của hắn. Nhưng vì tôi, A Độ mới truy đuổi thích khách để rồi bị nội thương, tôi biết thế nào huynh cũng có cách.
Cố Kiếm sầm mặt, bảo:
– Đúng, ta có cách, nhưng cớ gì ta phải cứu muội ấy chứ?
Tôi cáu bẳn, nói:
– Huynh từng bảo, nếu có gì nguy hiểm thì cứ gọi huynh, bây giờ huynh lại giở quẻ không giúp!
Cố Kiếm đáp:
– Đúng thế, nhưng ta không hứa sẽ giúp muội cứu kẻ khác.
– Bây giờ, sinh mệnh A Độ là chuyện đáng lo hơn cả, mạng của A Độ cũng là mạng của tôi. Vì tôi mà muội ấy có thể liều mình bất chấp tất cả, vết thương của muội ấy cũng là vết thương của tôi, huynh không cứu A Độ… – Tôi tuốt đao kề vào cổ mình. – Tôi sẽ chết cho huynh xem!
Cố Kiếm vẩy nhẹ hai ngón tay, thanh đao khẽ nảy lên, tuột khỏi tay tôi, rơi đánh “coong” xuống đất.
Tôi luýnh quýnh toan nhặt đao lên nhưng gã phất nhẹ tay áo, hất văng thanh đao đi chỗ khác. Tôi cáu tiết vung tay về phía gã, gã lập tức ghì chặt cổ tay tôi, trước khi nó kịp chạm vào vạt áo. Mắt cay sè, tôi nói:
– Không cứu thì huynh đi đi, sau này đừng gặp nhau nữa!
Cố Kiếm nhìn tôi trong chốc lát, sau đành buông tiếng thở dài rồi nói:
– Thôi đừng giận nữa, ta sẽ cứu muội ấy.
Tôi kiếm cớ đuổi hết người hầu trong phòng A Độ ra ngoài, rồi vẫy tay gọi Cố Kiếm đang đứng ngoài cửa sổ. Từ bên ngoài, hắn nhảy vọt vào trong mà không hề gây tiếng động. Kiểm tra vết thương xong, gã bảo tôi:
– Kẻ nào ra tay thật ác độc, đến kinh mạch cũng đứt gần hết.
Thấy tôi rùng mình sợ hãi, gã tiếp lời:
– Nhưng ta vẫn có cách.
Nói đoạn, mắt gã liếc qua tôi:
– Có điều, nếu ta cứu A Độ, muội định báo đáp thế nào đây?
Bụng dạ nóng như lửa đốt, tôi nói:
– Lúc này rồi mà huynh còn nói kiểu ấy! Huynh cứ cứu A Độ trước đi, cần bao nhiêu tiền bạc, tôi sẽ đưa.
Hắn khinh bỉ đáp:
– Ta cần tiền bạc làm gì? Muội coi thường ta quá đấy!
Tôi hỏi:
– Vậy huynh muốn gì?
Hắn cười cười:
– Trừ phi… trừ phi muội hôn ta.
Tôi suýt ngất xỉu, sao giống đàn ông lại thích gặm môi thế nhỉ?
Chẳng những Lý Thừa Ngân mà ngay cả gã cao thủ thoát tục Cố Kiếm này cũng vậy ư?
Tôi nghiến răng nghiến lợi tiến lại gần, ôm bờ vai gã, kiễng chân gặm môi gã một hồi.
Không ngờ hắn lại đẩy phắt tôi ra, gắt hỏi:
– Ai dạy muội cái trò này?
Tôi lấy làm khó hiểu:
– Gì cơ?
– Trước kia muội chỉ biết thơm má ta thôi, kẻ nào đã dạy muội? – Gã sầm mặt. – Lý Thừa Ngân?
Chỉ sợ gã giở chứng không chịu cứu A Độ nữa, tôi bèn bấm bụng không dám cãi nhau với hắn.
Mặt gã đanh lại:
– Muội để Lý Thừa Ngân hôn muội ư?
Lý Thừa Ngân là chồng tôi, chẳng lẽ lại không được hôn? Thực ra tôi rất sợ Cố Kiếm, sợ gã tức lên sẽ đi giết Lý Thừa Ngân. Gã gồng mình, chỉ e sẽ phát điên bất cứ lúc nào, sắc mặt cực kỳ khó coi, ánh mắt bám xoáy vào tôi.
Tôi cáu tiết, gắt lên:
– Chính huynh cũng nói rồi đấy thôi, xưa kia tôi đợi huynh ba ngày ba đêm, là do huynh không đến đấy chứ! Bây giờ thôi thì không nói tới việc tôi đã quên sạch mọi chuyện, nhưng giả sử tôi vẫn còn nhớ thì chúng ta cũng đâu thể ở bên nhau, tôi đã lấy người khác rồi. Nếu huynh tình nguyện cứu A Độ rồi thì mau cứu đi, còn không thì thôi, tôi cũng chẳng ép huynh, ngoài ra không bao giờ có chuyện tôi phản bội phu quân của mình. Con gái Tây Lương chúng tôi tuy không giống con gái Trung Nguyên đề cao trung trinh tiết liệt, nhưng tôi đã lấy Lý Thừa Ngân rồi thì chàng chính là chồng tôi, không cần biết chúng ta trước đây thế nào, bây giờ giữa tôi và huynh không còn gì nữa.
Cố Kiếm nghe xong liền giật lùi một bước, tôi có cảm giác trong đôi mắt ấy chứa đầy vẻ phẫn nộ và xót xa nào đó không nói lên lời chăng?
Song tôi bấm bụng mặc kệ tất thảy. Từ lâu tôi đã muốn nói để Cố Kiếm hiểu. Lý Thừa Ngân tử tế hay không, với tôi cũng thế cả thôi, tôi lấy hắn vì Tây Lương, hắn cứu tôi thoát chết trong gang tấc, thực lòng tôi không nên phản bội hắn.
Tôi nói:
– Thôi huynh đi đi, tôi không cần huynh cứu A Độ nữa.
Bất thình lình, gã buông tiếng cười;
– Tiểu Phong… thì ra đây là báo ứng.
Gã đỡ A Độ dậy, áp lòng bàn tay lên lưng A Độ, bắt đầu trị thương.
Trời sắp sập tối rồi mà Cố Kiếm vẫn mải chữa trị cho A Độ. Tôi ngồi án ngữ trước cửa, chỉ sợ có người xông vào quấy rầy bọn họ. Chỉ có điều mấy ngày rồi tôi không được một giấc ngủ ngon, tôi tựa vào cột trụ, mơ màng ngủ gật, may mà chỉ chợp mắt được chốc lát, sau cái cộc đầu vào cột thì tỉnh luôn. Thấy Cố Kiếm bước ra, tôi hỏi:
– Sao rồi?
Gã đáp một câu nhạt nhẽo:
– Chết sao được!
Tôi chạy vào xem A Độ đang nằm trên giường, sắc mặt muội ấy đã khá hơn, tôi bèn thở phào nhẹ nhõm.
Tôi luôn miệng cảm ơn Cố Kiếm, gã vẫn lầm lì không nói gì, sau đó rút từ trong ngực áo ra một bình thuốc rồi đưa tôi:
– Muội nói Lý Thừa Ngân bị thương rất nặng đúng không, thuốc này trị thương ngoài rất hiệu nghiệm, cho hắn dùng xem sao.
Chẳng hiểu sao bỗng nhiên gã lại tốt bụng đến thế. Chắc bởi mặt tôi thoáng vẻ ngờ vực, gã liền cười khẩy:
– Sao thế, sợ ta hạ độc hắn à? Vậy trả đây.
Tôi cuống quýt giấu bình thuốc vào ngực áo:
– Đợi hắn khỏe lại, tôi sẽ trả ơn huynh sau.
Cố Kiếm cười gằn, nói:
– Không cần cảm ơn ta, ta chưa định dừng lại đâu. Đợi hắn khỏe lại, ta mới đi giết hắn. Xưa nay ta không quen xuống tay với kẻ yếu thế, lúc hắn khỏi mới là lúc hắn mất mạng.
Tôi lè lưỡi với gã:
– Tôi biết huynh không làm thế đâu, đợi vết thương của hắn đỡ hơn, tôi sẽ mời huynh uống rượu.
Cố Kiếm không nhùng nhằng với tôi thêm nữa, phẩy tay một cái đã biến mất.
Mặc dù nói thế nhưng tôi vẫn đưa bình thuốc cho ngự y kiểm tra. Bọn họ lấy thuốc ra ngửi thử, ngắm thử, mãi vẫn không hiểu đó là thứ gì, cũng không dám cho Lý Thừa Ngân dùng bừa. Tôi do dự hồi lâu, sau mới trốn ra chỗ vắng, lấy một ít thuốc bôi thử lên cánh tay mình, ngoài cảm giác mát mát ra, tôi cũng chẳng thấy có gì khác thường, hôm sau thức giấc liền rửa sạch, da chỗ đó trơn láng, không vấn đề gì cả. Tôi thấy yên tâm phần nào, võ công của gã Cố Kiếm này rất cao cường, mấy kẻ cái thế chắc hẳn phải có một ít linh đơn thần dược, chưa biết chừng bình thuốc này là của hiếm. Sang ngày hôm sau, nhân lúc không ai để ý, tôi lén bôi ít thuốc lên vết thương của Lý Thừa Ngân.
Cũng không rõ vì thuốc này hiệu nghiệm hay thuốc do Thái y viện kê đã phát huy công hiệu, dẫu sao, đến xế chiều ngày thứ tư, Lý Thừa Ngân đã có dấu hiệu hạ sốt.
Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi biết tin hắn hạ sốt. Có người khuyên tôi về chợp mắt một lúc. Tôi mơ màng chưa được bao lâu, Vĩnh Nương đã hốt hoảng gọi tôi dậy, bà ấy nói:
– Thái tử Điện hạ có chuyện rồi.
Tôi vội vàng qua tẩm điện của Lý Thừa Ngân, bên đó đã có không ít người. Thái y thấy tôi vào thì vội vã nhường đường, tôi bước đến bên giường, chỉ thấy sắc mặt Lý Thừa Ngân trắng nhợt, thở dồn dập từng cơn, miệng vết thương rỉ ra nhiều mủ, mà hắn vẫn hôn mê bất tỉnh, tuy cơn sốt đã thuyên giảm nhưng sao hơi thở càng lúc càng yếu ớt…
Thái y chẩn đoán:
– Phế[3] của Điện hạ bị thương, bây giờ phong tà phạm vào mạch, vô cùng nguy hiểm.
[3] Phế: phổi.
Bấy giờ, những người có mặt trong điện đều tỏ ra hoang mang, sợ hãi. Tôi không hiểu lắm, hay do thuốc trị thương có vấn đề? Hoàng thượng cũng phái người đến, song tất cả các thái y đều lực bất tòng tâm, chẳng còn cách nào khác. Thế mà lòng tôi lại yên ổn trở lại, tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường, nắm chặt tay Lý Thừa Ngân, bàn tay ấy lạnh lẽo, tôi dùng bàn tay mình ủ ấm tay hắn.
Thái y đang nói gì đó, tôi cũng chẳng để tâm. Đêm về khuya, trong điện thưa dần bóng người. Vĩnh Nương choàng thêm cho tôi một tấm áo khoác, lúc ấy tôi đang nhoài người bên giường Lý Thừa Ngân, ngắm nhìn hắn không hề chớp mắt.
Hắn cũng đẹp trai thật đấy, lần đầu tiên gặp Lý Thừa Ngân, tôi đã thấy hắn khá ưa nhìn. Cặp lông mày đen, rậm, sống mũi thẳng tắp, da mặt còn trắng trẻo như ngọc Hòa Điền, tuy trắng bóc nhưng không hề giống con gái, hắn trắng kiểu thư sinh, không thô sạm như da đàn ông Tây Lương của tôi. Khuôn mặt hắn có khí chất ôn hòa của sông núi Trung Nguyên, mang nét đặc trưng của đất Thượng Kinh…
Đột nhiên tôi nhớ tới một chuyện, liền bảo Vĩnh Nương:
– Sai người thả Triệu Lương đệ ra, bảo ả đến thăm Thái tử Điện hạ.
Tuy Triệu Sắt Sắt đã bị phế thành thứ dân nhưng tôi vẫn quen miệng gọi là Triệu Lương đệ. Vĩnh Nương chau mày, bối rối thưa:
– Bây giờ Đông cung đang náo loạn thế này, ả họ Triệu kia lại có liên quan tới Hoàng hậu… Nô tì thấy, chưa có chỉ thị của Bệ hạ, Thái tử phi không nên…
Rất ít khi tôi gắt lên với Vĩnh Nương:
– Bây giờ Lý Thừa Ngân đã ra nông nỗi này rồi, hằng ngày hắn yêu quý Triệu Lương đệ nhất, sao không để Triệu Lương đệ đến thăm hắn một lần? Vả lại Triệu Lương đệ bị vu oan cơ mà? Đã là vu oan, cớ sao không để ả đến thăm Lý Thừa Ngân?
Vĩnh Nương đã quen kiểu tôi lôi cả họ tên Lý Thừa Ngân này Lý Thừa Ngân nọ ra mà gọi, song vẫn còn bỡ ngỡ với thái độ gắt gỏng ra oai kiểu Thái tử phi của tôi, không khỏi lưỡng lự. Tôi đanh mặt tỏ vẻ kiên quyết, bà ấy bèn sai người đi.
Mấy ngày không gặp, Triệu Lương đệ gầy rộc đi. Trước đây ả vốn đầy đặn, nở nang, giờ đây héo hon đi nhiều. Ả mang thân phận thứ dân nên chỉ ăn mặc đơn giản, nom liễu yếu đào tơ. Ả quỳ xuống bái chào tôi xong, tôi nói:
– Điện hạ lâm trọng bệnh, gọi muội đến là để vấn an người.
Triệu Lương đệ ngẩng phắt lên nhìn tôi, nước mắt lưng tròng. Thấy ả khóc, cổ họng tôi cũng nghẹn ngào khó chịu, tôi nói:
– Muội vào đi, nhưng cũng đừng có khóc.
Triệu lương đệ quệt nước mắt, lí nhí thưa:
– Vâng!
Ả vào một lúc lâu, quỳ trước giường bệnh của Lý Thừa Ngân, về sau vẫn bật khóc nức nở, nước mắt ả rơi làm tôi thêm ngán ngẩm. Tôi ra bậc tam cấp ngoài cửa ngồi, ngước nhìn bầu trời.
Trời đêm đen tựa một màn nhung dát nạm đầy những vì tinh tú.
Tôi nghĩ mình thật đáng thương, như một kẻ thừa thãi.
Lúc ấy có người bước lại gần, khom mình vái lạy:
– Bẩm Thái tử phi!
Áo giáp trên người gã phát ra tiếng lanh lảnh êm tai. Thực ra lúc ấy tôi không muốn gặp bất kỳ ai, nhưng Bùi Chiếu từng cứu tôi mấy lần, tôi không nỡ phớt lờ, bèn cố nặn ra một nụ cười:
– Bùi Tướng quân đấy à?
– Gió đêm rất lạnh, xin Thái tử phi chớ ngồi ở nơi có gió lùa.
Nơi đây lạnh thật, tôi buộc lại áo khoác trên người, hỏi Bùi Chiếu:
– Ngươi đã có phu nhân chưa?
Bùi Chiếu thoáng ngẩn người:
– Tại hạ vẫn chưa thành thân.
– Trung Nguyên các ngươi luôn đề cao cái gọi là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra như thế chẳng hay ho gì, người Tây Lương chúng ta, nếu đã tâm đầu ý hợp, chỉ cần bắt một đôi chim nhạn, lấy vải bố gói gọn, gửi sang nhà gái coi như dạm hỏi, chỉ cần con gái mình bằng lòng, cha mẹ cũng không nỡ ngăn cản. Bùi Tướng quân này, mai kia ngươi thành thân, nhất định phải lấy người mình yêu, không thì mình khổ, mà người kia cũng chẳng vui vẻ gì.
Bùi Chiếu nín lặng không đáp.
Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy sao, ngậm ngùi thở dài:
– Ta thấy nhớ Tây Lương.
Thực ra tôi biết, không hẳn vì nhớ Tây Lương, mà do nỗi buồn đong đầy trong tim. Mỗi lúc buồn tôi lại nhớ về Tây Lương.
Bùi Chiếu cất tiếng ôn tồn:
– Nơi này gió lạnh, hay là Thái tử phi vào điện ngồi…
Tôi ỉu xìu:
– Thôi, tốt nhất đừng vào, Triệu Lương đệ đang ở trong đó. Nếu Điện hạ tỉnh lại, thấy ta vào phá đám, hẳn sẽ không vui. Bây giờ Điện hạ đang hôn mê bất tỉnh, cứ để Triệu Lương đệ ở bên người một lúc, nếu người biết, có lẽ sức khỏe sẽ khá hơn.
Bùi Chiếu thôi không nói gì nữa, lùi lại mấy bước, đứng kế bên tôi. Tôi không nói chuyện với Bùi Chiếu nữa mà chống cằm suy nghĩ, giả sử Lý Thừa Ngân tỉnh lại, biết Triệu Lương đệ bị oan, ắt hẳn sẽ vui mừng lắm. Lúc ấy Triệu Lương đệ được khôi phục thân phận, lúc ấy tôi lại trở thành kẻ “chướng tai, gai mắt” trong Đông cung.
Ít nhất tôi cũng khiến Lý Thừa Ngân thấy chướng mắt.
Lòng dạ tôi bồn chồn không yên, mũi chân di loạn xạ trên mặt đất. Không rõ bao lâu sau thì Vĩnh Nương đi ra, khẽ bẩm:
– Để Triệu Sắt Sắt nán lại lâu cũng bất tiện, nô tì sai người đưa thị về rồi ạ!
Tôi thở dài.
Vĩnh Nương đoán được ý tôi, lại rỉ tai tôi nói nhỏ:
– Xin Thái tử phi yên tâm, vừa nãy nô tì túc trực bên cạnh Điện hạ, ả họ Triệu kia sụt sùi từ đầu chí cuối, không nói năng gì.
Đâu phải tôi bận tâm những chuyện ả nói gì với Lý Thừa Ngân, dù ả không nói năng gì thì Lý Thừa Ngân vẫn yêu quý ả kia mà.
Bùi Chiếu khom người hành lễ với tôi:
– Hôm nay Thái tử phi đã vất vả nhiều rồi, xin người giữ gìn sức khỏe!
Tôi uể oải đứng dậy, nói:
– Vậy ta vào đây!
Tôi quay người bước vào điện sau cái vái chào của Bùi Chiếu. Chợt có cơn gió tạt ngang mang theo hơi lạnh buốt, vừa nãy có thế đâu nhỉ? Tôi chợt nghĩ, chắc lúc nãy nhờ có Bùi Chiếu đứng chắn ở đầu hướng gió.
Bất giác tôi ngoái lại nhìn, thấy Bùi Chiếu đã lui xuống bậc tam cấp, ánh mắt mải ngóng theo bóng lưng mình. Chắc gã bất ngờ vì tôi bỗng ngoảnh lại, bốn mắt nhìn nhau khiến gã có vẻ bối rối, vội nhìn lảng đi nơi khác, như thể vừa làm chuyện gì sai trái.
Song tôi chẳng bận tâm vì sao Bùi Chiếu lại kỳ quặc thế. Tôi bước vào điện, thấy mặt mày ai nấy đăm chiêu, ủ dột, tôi cũng không khỏi rầu rĩ.
Lý Thừa Ngân vẫn đang hôn mê bất tỉnh. Ngự y nói vòng vo mấy câu, tôi cũng hiểu ra phần nào, hắn cứ nằm im không tỉnh thế này, chỉ e khó mà qua khỏi.
Tôi cũng hết cách, không biết phải làm sao. Cánh tay Lý Thừa Ngân dặt ngoài lớp chăn bông, cánh tay xanh xao, nhợt nhạt. Tôi xoa bàn tay hắn, vậy mà vẫn lạnh ngắt.
Đã mấy ngày chưa được chợp mắt, người mệt mỏi, bải hoải, tôi ngồi xuống ghế gác chân, bắt đầu lải nhải tâm sự với Lý Thừa Ngân. Trước đây, chưa bao giờ chúng tôi trò chuyện, giữa hai người chỉ toàn lục đục và cãi vã. Lần đầu tiên mình gặp hắn là khi nào ấy nhỉ? Đêm tân hôn, hắn nhấc bỏ chiếc khăn trên đầu tôi, tôi trùm khăn suốt một buổi tối, bí bách đến khó chịu. Khăn voan được nhấc lên, trước mắt sáng lóa, ánh nến lung linh soi rọi khắp phòng, chảy tràn trên khuôn mặt, trên thân người hắn. Hắn mặc áo bào đen thêu rất nhiều hoa văn tinh xảo. Mấy tháng trước đó, dưới sự đôn đốc của Vĩnh Nương, tôi đã thuộc làu quyển Điển lễ, giờ đã hiểu đấy là chín chương[4] thêu trên áo đen và xiêm[5] cam. Năm chương trên áo gồm rồng, núi, chim trĩ, lửa, tôn di[6]; rau tảo, gạo trắng, phủ[7], phất[8] hợp thành bốn chương trên xiêm. Áo trung đơn[9] bằng sa trắng, cổ phủ[10], viền xanh đen, có soạn[11] và tà áo. Thắt đai da, móc vàng sáng chói, dây đai bản to, màu trắng không lót đỏ, viền đỏ xanh, khuy đan bện. Áo tế đồng màu với xiêm, gồm hai chương là núi và lửa.
[4] Trên trang phục và mũ miện của vua quan đều có vẽ hình nhật nguyệt, rồng, núi, chim trĩ… được gọi là chương.
[5] Y phục thời xua chia ra thành hai phần: trên là áo, dưới là xiêm. Xiêm tức là váy.
[6] Tôn di là một loài thú hình dáng nửa khỉ nửa hổ có đuôi dài, thường được thêu trên y phục của thiên tử thời xưa, tượng trưng cho chữ Hiếu.
[7] Phủ: áo lễ có thêu hoa văn nửa đen nửa trắng (thời xưa).
[8] Phất: hoa văn nửa đen nửa xanh (thêu trên lễ phục thời xưa).
[9] Trung đơn là lớp áo mặc trong lớp áo thụng thời xưa.
[10] Cổ phủ là cổ áo có hoa văn màu trắng, đen tương phản.
[11] Soạn là viền dát nạm trên y phục.
Hắn mặc áo cổn, mũ miện của dịp đại lễ, ngọc trắng rủ chín chuỗi, kết thành tua, màu như lụa, bông tơ xanh che tai, trâm cài sừng tê… tôn lên vẻ khôi ngô, tuấn tú, dáng vẻ đường hoàng.
Cân đai mũ mão của Thái tử Trung Nguyên cũng thật phức tạp, tôi nhớ hồi học Điển lễ, phải đọc đi đọc lại mới nhớ được đoạn này, thậm chí có nhiều chữ tôi cũng chẳng biết là gì.
Ngẫm lại hồi đó tôi thích hắn, vậy mà hắn chẳng hề thích tôi. Hắn nhấc khăn đội đầu xong, không thèm uống với tôi một ly rượu hợp cẩn[12]mà cứ thế quay gót bỏ đi.
[12] Rượu hợp cẩn là chén rượu vợ chồng uống chung trong đêm tân hôn.
Thú thực, hắn bỏ đi làm tôi nhẹ cả người, lúc đó tôi thầm nghĩ, không biết mình có quen ngủ cạnh một người đàn ông xa lạ không.
Vĩnh Nương ngồi với tôi suốt cả buổi tối hôm đó, bà ấy sợ tôi nhớ nhà, lại sợ tôi giận, mấy lần phân trần bảo gần đây Thái tử Điện hạ bị cảm, chắc Điện hạ sợ lây bệnh cho Thái tử phi.
Thế mà hắn cảm suốt ba năm.
Ở Đông cung này, mình tôi trơ trọi trong nỗi cô đơn.
Tôi một thân một mình từ nơi xa xôi nghìn trùng đến được đây, tuy có A Độ đi cùng nhưng muội ấy không biết nói, nếu không có những cuộc cãi vã với Lý Thừa Ngân, chắc tôi sẽ càng cô đơn.
Giờ hắn sắp về chầu trời, tôi mới nhớ đến những mặt tốt của hắn. Tôi vắt óc để nhớ rồi kể hết những chuyện trước kia. Tôi chỉ sợ bây giờ hắn chết đi, sau này tôi không còn cơ hội nói với hắn nữa. Có nhiều thứ tôi tưởng mình đã quên nhưng thực ra vẫn còn nhớ. Thậm chí tôi còn nhớ nguyên mấy câu cãi vã mỗi lần tôi và hắn hục hặc, tôi kể hết cho hắn nghe, nói cho hắn biết lúc ấy tôi tức thế nào, tức muốn chết, song tôi toàn cố tình giả lơ, tôi biết cứ giả vờ như không để bụng là sẽ thắng được hắn, lần nào Lý Thừa Ngân cũng tức đến nghẹn họng.
Lại nói chuyện dải lụa uyên ương, vụ đó khiến tôi muối mặt, Hoàng hậu còn giáo huấn tôi một trận.
Tôi cứ huyên thuyên một hồi, chẳng biết vì sao mình phải thế, biết đâu là vì sợ, có lẽ tôi sợ Lý Thừa Ngân không còn trên đời này nữa. Đêm thâu vắng lặng, ánh nến đằng xa hắt lên màn, nội điện quạnh quẽ, có thứ gì đó ngăn cách tất cả, là màn đêm mịt mùng hay tiếng khắc lậu[13] lẻ loi, để tôi ngồi đây lảm nhảm tự nói tự nghe?
[13] Khắc lậu là đồng hồ nước ngày xưa dùng để đo thời gian (chỉ giờ), thân đồng hồ có khắc độ để tính.
Thú thực tôi rất sợ lâm vào cảnh góa bụa. ỞTây Lương, phụ nữ góa chồng buộc phải tái hôn với em chồng, như Công chúa Minh Viễn của Trung Nguyên thoạt đầu được gả cho bá phụ tôi, sau này mới tái giá với cha tôi. Mặc dù Trung Nguyên không có tập tục ấy, nhưng cứ nghĩ đến chuyện Lý Thừa Ngân sắp vĩnh viễn ra đi là tôi lại run lên. Hắn mà ra đi thật, nhất định tôi sẽ buồn hơn rất nhiều. Tôi lập tức ngăn mình thôi không suy nghĩ linh tinh nữa, rồi tranh thủ kể thêm mấy câu chuyện vô thưởng vô phạt.
Tôi cũng chẳng ngờ, hóa ra tôi không ghét Lý Thừa Ngân như tôi vẫn tưởng. Dù hắn hay chọc tôi tức điên thật đấy, nhưng ba năm qua, số lần chúng tôi gặp nhau có thể đếm trên đầu ngón tay, ngoại trừ mấy lần hắn giận cá chém thớt với tôi vì Triệu Lương đệ thì trước đây, chúng tôi cũng không thường xuyên cãi vã. Có khi không hằm hè nhau, tôi lại thấy không quen…
Còn vụ chép sách nữa, tuy tôi ghét chép sách nhất trần đời, nhưng cũng nhờ mấy lần bị phạt chép quá nhiều sách mà vốn từ Trung Nguyên của tôi bây giờ đã khá hơn nhiều. Nhờ bị phạt chép sách cả đấy, nào là Nữ huấn, Nữ giới, chép nhiều quá nên tôi thuộc làu. Còn nữa, chuyện này tôi chưa kể cho ai biết đâu, ấy là trong sách có nhiều chữ tôi không biết, cũng không biết đọc thế nào, nhưng tôi vẽ lại y nguyên từng nét một, thế là chẳng ai biết thực ra tôi không biết chữ ấy.
Nhắc mới nhớ chữ “Ngân” trong “Lý Thừa Ngân”, chữ này cũng kỳ lạ chẳng kém, hồi đầu thấy nó, tôi cứ tưởng đó là chữ “Cần”… Tôi tự hỏi rốt cuộc chữ này là sao nhỉ? Nghe nói người Trung Nguyên rất coi trọng chuyện đặt tên, sao hắn lại có cái tên đó nhỉ?
– Ngân Châu…
Tôi độc thoại từ bấy đến giờ, tự nhiên có người lên tiếng đáp lời, tôi mới buột miệng hỏi:
– Hả? Ngân Châu nào?
– Thái tổ Hoàng đế nguyên gốc Ngân Châu… phía đông Trung Châu, phía nam Lương Châu… địa thế rồng chầu hổ phục… cho nên… ta mới tên là Thừa Ngân…
Tôi há hốc miệng nhìn kẻ đang nằm thoi thóp trên giường, giọng hắn rất nhỏ nhưng câu chữ rành rọt, tinh thần cũng có vẻ tỉnh táo. Tuy mắt hắn khép hờ nhưng vẫn nhìn thẳng vào tôi.
Tôi nghệt mặt một lúc lâu, rồi giật nảy mình, hét toáng lên:
– Á!
Giọng tôi hẳn phải kinh khủng lắm nên ngay sau đó mọi người xồng xộc xông vào. Thái y tưởng tình trạng của Lý Thừa Ngân chuyển biến xấu liền quáng quàng lao tới:
– Điện hạ sao rồi? Điện hạ sao rồi?
Tôi chỉ vào Lý Thừa Ngân, líu lưỡi nói:
– Điện hạ… Điện hạ…
Lý Thừa Ngân nằm trên giường, mặt mày vô cảm nhìn xoáy vào tôi. Thái y cả mừng, sụt sùi nói:
– Điện hạ tỉnh rồi! Điện hạ tỉnh rồi! Mau, mau sai người vào cung bẩm báo Bệ hạ! Thái tử Điện hạ tỉnh lại rồi…
Đông cung nháo nhào cả lên, ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Ngự y nói, chỉ cần Lý Thừa Ngân có thể tỉnh lại, vết thương không đáng ngại nữa. Đám người của Thái y viện người ngào người nấy rạng rỡ cười vui, bọn cung nữ mặt tươi như Tết, náo nức loan báo khắp nơi. Ngự y bắt mạch lần nữa, cân nhắc kê đơn thuốc mới. Nửa đêm nửa hôm họ tất bật chạy tới chạy lui, nhao nhao như bầy ong vỡ tổ, còn tôi chỉ muốn lăn ra ngủ.
Tôi không rõ mình thiếp đi từ lúc nào, chỉ nhớ lúc ấy ngự y vẫn rì rầm to nhỏ gì đó bên tai. Lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm sấp gần mép giường, trên người đắp ngay ngắn một tấm chăn bông. Chân tôi tê rần do nằm lâu, không tài nào thu lại được, khẽ cựa mình một cái, xương cốt toàn thân kêu răng rắc… Tôi đánh một giấc ngon lành, thậm chí còn nhỏ nước miếng lên tay áo Lý Thừa Ngân, ấy… tay áo của Lý Thừa Ngân!
Hóa ra tôi đang nằm bò bên mép giường của hắn, gác cằm lên tay hắn, ngủ suốt đêm. Trong nội điện lặng ngắt như tờ, không một bóng người, Lý Thừa Ngân đang nằm bên, cười mà như không nhìn tôi.
Nom mặt hắn là biết hắn đã tai qua nạn khỏi. Đến lượt tôi trầy trật toan gập cái chân tê rần lại, thử rồi mới biết chỉ tốn công, vật lộn mãi mà không đứng lên được, lại còn phần eo… Trời đã sáng rõ, chỗ thắt lưng tôi vừa mỏi vừa đau nhức, giống như bị xe ngựa nghiền xéo cả đêm qua. Sau này tôi sẽ không bao giờ ngủ kiểu này nữa.
Cố mãi không được, cuối cùng tôi đành chống tay xuống giường ngồi dậy, tính duỗi chân thử xem, đang phân vân không biết nên gọi người vào đỡ mình, hay ngồi nghỉ một lúc cho chân bớt tê rồi hãy duỗi thử thì chợt nghe Lý Thừa Ngân hỏi:
– Nàng định đi đâu?
– Về ngủ tiếp…
Đến lưỡi tôi cũng tê, mở miệng nói suýt nữa cắn phải lưỡi, thật nguy hiểm!
– Ai bảo nàng bạ đâu ngủ đấy, nằm sấp mà cũng ngủ được, gọi mãi không dậy.
Tôi kìm nén không ném cho hắn một cái lườm, tên này vừa mới tỉnh lại mà đã có sức gây sự với tôi rồi.
Hắn vỗ vỗ xuống chỗ trống bên cạnh mình.
– Làm cái gì đấy?
– Chẳng phải nàng đang buồn ngủ sao? Dù sao giường cũng đủ rộng.
Đúng là rộng thật. Giường của Lý Thừa Ngân rộng hơn hẳn mấy chiếc giường bình thường, tám, mười người nằm trên đó vẫn đủ chỗ. Hiềm nỗi vấn đề không phải ở đó, mà ở chỗ… Tôi ngờ vực hỏi:
– Điện hạ muốn ngủ chung với thần thiếp à?
Hắn ra vẻ phật ý:
– Có phải chưa từng ngủ chung đâu.
Thì cũng đúng thế thật.
Lúc này, quả thực tôi buồn ngủ díp cả mắt, tôi nhanh chóng bò lên giường. Lý Thừa Ngân định nhường cho tôi nửa cái chăn, nhưng tôi sợ chạm vào vết thương trên người hắn, bèn đưa tay lấy chăn ở cuối giường đắp tạm, rồi cứ thế ngủ ngon lành.
Lúc lâu sau Vĩnh Nương khẽ gọi tôi dậy, tôi rón rén choàng áo lên người. Vĩnh Nương thì thầm với tôi rằng, ý chỉ phế truất Hoàng hậu cuối cùng đã được bố cáo toàn dân, bên cạnh đó còn nghe nói Thái hoàng thái hậu đã ra mặt dẹp yên lòng người, hậu cung hiện nay vẫn rất bình yên.
Kèm theo thánh chỉ phế bỏ ngôi vị hoàng hậu, Hoàng cung còn soạn thánh chỉ riêng, ấy là phục hồi thân phận cho Triệu Sắt Sắt, với lý do ả bị vu oan.
Tôi ngao ngán liếc nhìn Lý Thừa Ngân vẫn đang say giấc trên giường. Do bị thương nặng nên mấy ngày nay sắc mặt hắn nhợt nhạt, cắt không còn giọt máu, người cũng gầy đi thấy rõ, thậm chí quầng mắt còn xuất hiện một vầng xanh xám.
Tôi bảo Vĩnh Nương:
– Phái người đi gọi Triệu Lương đệ về chăm sóc Thái tử Điện hạ.
Nơi này vốn không thuộc về tôi, tôi trơ lì ở đây đã mấy ngày nay rồi.
Không đợi Vĩnh Nương kịp tấu thêm, tôi đã bước ra khỏi điện, sai người chuẩn bị xe.
Tôi về tẩm điện của mình, cảm giác buồn ngủ trốn đi đâu không biết. Bụng bảo dạ chắc đã ngủ chán rồi, tôi nhìn mình trong gương, giá như tôi xinh đẹp hơn một chút, liệu Lý Thừa Ngân có thích tôi không?
Ban đầu tôi cũng chẳng bận tâm Lý Thừa Ngân có thích tôi hay không, song trải qua đại nạn này, tôi mới chợt nhận ra mình rất hay để bụng. Giờ hắn tỉnh rồi, tôi lại mong hắn sẽ mến mình. Bởi khi hắn tưởng như đang hấp hối, tôi mới hiểu thì ra tôi thích hắn nhiều lắm.
Thế mà trong lòng hắn chỉ có Triệu Lương đệ.
Xưa kia, chưa bao giờ tôi bâng khuâng nhường này.
Ăn chẳng buồn ăn, ngủ chẳng buồn ngủ, ngày nào tôi cũng ngồi bần thần một mình.
Triệu Lương đệ đã dọn về nơi ả sống trước kia. Thái hoàng thái hậu bù đắp khá hậu hĩnh cho những gì ả từng chịu đựng, chẳng những ban thưởng nhiều vàng bạc, châu báu, mà cha ả mới đó cũng được thăng quan. Kẻ nịnh bợ ả mỗi lúc một nhiều. Bên ấy ngày nào cũng náo nức như mở hội, thỉnh thoảng tôi đi qua còn thấy văng vẳng tiếng nói cười, tiếng đàn sáo, hát ca sau bức tường…
Vết thương của Lý Thừa Ngân có lẽ đã tạm ổn, tuy bặt tăm hơi kể từ đó, nhưng có lần tôi nghe rõ tiếng hắn cười.
Cười sảng khoái nhường này, chắc đã khỏe rồi đây.