Chương 8

Tôi không biết bơi, gã thích khách kia vừa quăng tôi một cú tận lực khiến tôi chìm nghỉm. Bốn phía nước lạnh bao vây, trên đỉnh đầu phủ một màu xanh lam buốt giá và đốm sáng trắng mờ mờ… Nước ùa vào miệng, nhớ lại lần nhảy xuống sông cứu người, lúc đó may nhờ A Độ vớt lên, rồi kiện tụng này nọ ở huyện Vạn Niên, Bùi Chiếu bữa ấy mặc bộ võ phục gọn gàng, trông vậy mà gần gũi đáng yêu.

Thật bất ngờ, lúc này tôi lại nhớ tới Bùi Chiếu, nhưng ngay lập tức mọi suy nghĩ lại hướng về Lý Thừa Ngân. Không ngờ không chỉ tôi thích hắn mà hắn cũng thích tôi, song tôi và Lý Thừa Ngân không có duyên với nhau… Nếu tình cảm hắn dành cho tôi không sâu đậm, hắn sẽ không bê tên thề trước mặt đông đảo quan quân đâu nhỉ? Suy cho cùng chỉ bởi chúng tôi không có duyên phận, may sao vẫn còn Triệu Lương đệ, trước kia tôi chưa từng vui mừng như thế này, vẫn còn có Triệu Lương đệ cơ mà. Nếu tôi phải từ giã cõi đời này, Lý Thừa Ngân sẽ không mất nhiều thời gian đau buồn đâu, dần dần tôi sẽ đi vào quên lãng, để hắn sống được tốt hơn…

Nước không ngừng xộc vào mũi, vào miệng, tôi bị sặc nước, cảm thấy mình đang nghẹt thở… Đốm sáng trên đỉnh đầu mỗi lúc một xa vời, cơ thể cứ thể lắng xuống đáy nước sâu. Mọi thứ dần tối sẫm trước mắt, thoáng bên tai có làn gió dịu êm, người đó ôm tôi rơi xuống vực sâu… Chàng cứu tôi, trong làn gió đêm soáy xiết, tôi nép mình trong vòng tay chàng… Theo gió vần xoay… Xoay mãi… Sao điểm đầy trời tưởng giọt mưa sa. Giữa đất trời bao la, trong đôi mắt chàng tôi là tất cả…

Đôi mắt ấy chỉ chứa đọng riêng mình tôi…

Và rồi say, tôi sắp say đến lịm người, vùi sâu trong lồng ngực chàng, chính là chàng… Tôi biết chàng yêu tôi tha thiết và tình tôi trao cho chàng cũng đủ đắm say, chỉ cần có chàng ở bên để lòng tôi được bình yên trở lại.

Cảnh tượng ấy nhiều lần trở về tìm tôi trong giấc mơ, tôi nào có từng nghĩ lúc mình chết đuối…

Chẳng hề có ai đến cứu…

Người anh hùng trong cõi mơ ấy không hề đến cứu tôi ngay lúc này…

Và Lý Thừa Ngân, hắn cũng không thể tới cứu tôi…

Thân thể lúc lắc, đong đưa tựa quả cân, cứ chìm dần… chìm dần…

Chẳng biết đã bao lâu, có khi nhiều năm dài đằng đẵng đã qua, hoặc có khi chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi, sức ép nơi lồng ngực buộc tôi phải mấp mé mở miệng, nôn ra một vũng nước.

Rốt cuộc mình đã uống bao nhiêu nước rồi… Ho khạc mãi đến khi kiệt sức mới thôi…

Nước trong bụng đã vơi đi phần nào, lúc ấy tôi mới mê man nằm đờ ở đó, nắng chói chang không sao mở mắt được. Tôi cố chếch đầu, thấy kề bên má là một đụn cỏ khô, lại gượng chuyển bên, thấy sát bên mặt là một đống đất đá.

Vạt áo gã thích khách lấp ló cách đó không xa, hóa ra tôi vừa chết đuối hụt, vậy là tôi vẫn chưa chết. Có lẽ chính gã, chính gã muốn tôi sống lay lắt.

Người mệt mỏi rã rời, toan mở lời thì lại nôn ra toàn nước. Tôi cất giọng yếu ớt:

– Muốn giết muốn chém…

Thay vì đáp lời, gã lấy bao kiếm gẩy đầu tôi, tôi nghiêng đầu sang một bên, tiếp tục nôn ra nước… Nôn rồi lại nôn… Nước trào ra như một dòng suối nhỏ…

Mắt nhắm nghiền, tôi mê mệt thiếp đi.

Tôi mơ thấy Đông cung, tôi và Lý Thừa Ngân lại đang hằm hè. Hắm bênh Triệu Lương đệ của hắn chằm chằm, còn tôi sỉ vả hắn như tát nước. Hắn nói:

– Nàng tưởng ta cần nàng cứu Phụ hoàng đấy à? Đừng tưởng ta sẽ biết ơn nàng!

Tôi tức sôi máu, mắng lại ngay. Tôi không cần hắn biết ơn, ờ thì một kiếm đền nhau, lần trước hắn cứu tôi thoát khỏi thích khách, lần này tôi trả hắn là xong. Ngoài miệng mắng là vậy nhưng trong lòng tôi ức lắm, mới thế đã rơm rớm nước mắt. Tôi khóc nhưng không muốn hắn biết, đành gục mặt bên lồng hương, cái lồng hương nóng giãy, tôi chỉ nhoài người một lát mà xương cốt, da dẻ đã bỏng rát đến khó chịu.

Tôi cố nhấc mí mắt, có lẽ mắt đang sưng. Tuy da mặt nóng ran nhưng người ngợm lạnh ngắt, cóng từng cơn, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Phải chăng tuyết đang rơi? Tôi hỏi A Độ. A Độ dắt con ngựa nhỏ màu đỏ của tôi tới. Cha đi vắng, chúng tôi liền tranh thủ cưỡi ngựa rong chơi. Vó ngựa đạp trên nền tuyết mới thú vị làm sao, chóp mũi tôi đỏ ửng vì mệt. Tuyết buông mình phủ trắng cồn cát, nom mấy cọng cỏ hệt như chòm râu xoăn tít điểm màu hoa râm của cha… Cha mà biết tôi cãi lời, chạy lên đồi tuyết chơi, thế nào cũng mắng cho xem…

Lý Thừa Ngân chưa được thấy con ngựa nhỏ của tôi, hắn không biết nó chạy khỏe thế nào… Chẳng hiểu sao cái tên Lý Thừa Ngân cứ lởn vởn mãi trong tâm trí, mà hắn đối với tôi nào có ra gì… Tôi bỗng thấy chua chát, thực ra cũng không hẳn là tệ bạc, chỉ bởi tôi mơ mộng hão huyền, muốn mình là người duy nhất hắn để ý… song bên hắn mãi mãi có một Triệu Lương đệ… Lý Thừa Ngân bẻ đôi mũi tên kia, lần cuối cùng hắn thốt tên tôi:

– Tiểu Phong…

Nếu tôi tận đường sống sót, khó bề trở về, có thể hắn sẽ buồn một lúc… song không rõ nỗi buồn sẽ ở bên hắn được bao lâu…

Tôi gắng gượng mở hé mắt, thấy mình đang nằm trong một căn phòng nhỏ thay vì lùm cỏ ven sông. Ánh trăng len lỏi rọi vào phòng, đổ màu lấp lánh, chắc đã bước sang tết Nguyên tiêu… Hoa đăng mười dặm, lầu cao chín tầng, pháo rộ tám phương, Thất Tinh bảo tháp, sáu phường rộn rã, ngũ tự rền vang, bốn cổng mở hoang, Tam Doãn hân hoan, đôi lứa sánh vai, một đời yên ổn… Cái tết Nguyên tiêu này ắt phải tưng bừng nhộn nhịp lắm… Vậy mà giờ đây, sự rộn rã ấy chẳng liên quan gì đến tôi… Tôi khấp khởi mong chờ tết Nguyên tiêu để được ngắm hoa đăng cả năm ròng, rốt cuộc vui vẻ chẳng thấy đâu… Toàn thân buốt lạnh khiến tôi rùng mình, bấy giời mới nhận ra tôi đang cuốn một tấm áo lông, chất vải bình thường nhưng sợi mềm mượt, dày dặn, cũng đủ ấm. Lúc bấy giờ tôi mới rõ mình đang lên cơn sốt, bên ngoài áo lông còn phủ một lớp chăn bông, nhưng người Tôi vẫn run rẩy.

Ánh mắt quen dần với bóng tối, trong căn phòng chất đầy hòm xiếng, có khi đây là một gian nhà kho. Gã thích khách ngồi cách tôi không xa, thấy tôi tỉnh giấc gã lẳng lặng đặt một chiếc bát xuống cạnh tay tôi. Tôi chạm vào miệng bát nóng ran.

– Canh gừng.

Gã vẫn nói bằng chất giọng méo mó. Người tôi bải hoải. Giọng lí nhí như muỗi kêu:

– Ta …

Tôi không cầm nỗi chiếc bát.

Đợt ốm kinh hoàng trước đây từng hành tôi một phen thập tử nhất sinh, giờ tôi lại ốm. Bình thường khỏe mạnh thì không sao, hễ bệnh là người tôi lại dật dẹo. Tôi gượng dậy mấy lần, tay bủn rủn không sao nhấc nỗi bát canh gừng.

Tôi không mong ngóng gì, cũng không nghĩ tại sao hắn lại nấu cho mình bát canh gừng, cũng không tự hỏi mình đang ở đâu. Tuy trong phòng chứa rất nhiều đồ đạc, nhưng kín gió và ấm hơn chỗ bờ sông thông thống gió lùa. Tóm lại nằm ở đây vẫn tốt hơn nằm ở ven sông.

Gã thích khách bước tới gần, cầm bát canh rồi nâng tôi dậy. Cổ họng đau buốt, song tôi chẳng còn sức mà nghĩ ngợi, tôi ôm bát canh uống ừng ực mấy ngụm. Nước gừng cay rất khó uống, nhưng uống xong, máu huyết trong người tôi bắt đầu lưu thông trở lại. Đang uống tôi bỗng ho sặc sụa, ho tới khi mặt đỏ tía tai, cánh tay bê bát canh gừng run rẩy, cầm không nổi. Thấy thế tên thích khách liền giơ tay đỡ chiếc bát, tay kia vỗ về lưng tôi, nhịp thở của tôi dần bình thường trở lại. Nhanh như cắt, tôi giật chiếc khăn bịt mặt của gã.

Đáng lẽ với thân thủ của gã, muốn tránh ắt tránh được ngay, khi gã né người tất phải buông tay, một khi gã buông tay gáy tôi sẽ đặp xuống chiếc hòm. Tôi đinh ninh gã sẽ né người, để tôi chớp thời cơ đặp vỡ chiếc bát sứ rồi giấu đi một mảnh, phòng khi bất trắc. Ngờ đâu gã vẫn trơ như phỗng và điều bất ngờ nhất là gương mặt hiện ra sau khi gỡ bỏ tấm khăn.

Tôi sững sờ nhìn gã. Ánh trăng sáng tỏ ngoài khung cửa sổ đủ để tôi nhìn rõ hắn.

Cố Kiếm!

Sao có thể là gã?

Hình như máu trong người tôi đang dồn lên đỉnh đầu, tôi hỏi?

– Sao lại thế này?

Gã không trả lời mà từ từ đặt bát xuống.

Tôi gặng hỏi lần nữa.

– Sao lại thế?

Sao lại là gã? Sao gã phải uy hiếp Bệ hạ? Sao gã lại có thể giết người không ghê tay như vậy? Sao gã phải bắt cóc tôi? Vì sao? Tất cả là vì sao?

Tôi thật ngu ngốc, trong thiên hạ có được mấy người võ công cao siêu bằng gã? Sao tôi không nhớ ra trong thiên hạ chẳng có mấy người thân thủ xuất quỷ nhập thần như gã thích khách này?

Thế mà tôi còn khờ khạo bắn tên, ngóng chờ Cố Kiếm đến cứu mình nữa đấy.

A Độ sống chết thế nào chưa rõ, tôi chỉ còn Cố Kiếm là tia hy vọng cuối cùng, tôi cứ mong gã sẽ đến cứu mình.

Tại sao?

Gã dửng dưng nói:

– Chẳng sao cả.

– Huynh đã giết những người đó. – Tôi không nén được cơn giận. – Rốt cuộc huynh muốn làm gì? Sao phải tấn công Bệ hạ?

Cố Kiếm đứng dậy, ánh trăng len qua cửa sổ vương vãi rơi trên bờ vai gã, giọng gã đều đều:

– Thích thì giết. Nếu muội cảm thấy bất bình, ta cũng chẳng còn gì để giải thích.

– Huynh làm gì A Độ rồi? – Tôi siết chặt tay áo gã. – Nếu huynh dám làm hại A Độ, tôi sẽ giết huynh báo thù cho A Độ.

Cố Kiếm nói:

– Ta không giết A Độ, tin hay không, tùy muội.

Tôi thở phào, dịu giọng, nói:

– Vậy huynh thả tôi về đi, tôi đảm bảo sẽ không kể với ai đâu, tôi sẽ bảo mình tự trốn thoát.

Gã bỗng phá lên cười:

– Sao phải thế hả Tiểu Phong?

Tôi lấy làm lạ, hỏi:

– Sao phải thế cái gì?

– Sao muội phải tử tế với Lý Thừa Ngân đến vậy? Rốt cuộc hắn có chỗ nào tốt đẹp? Hắn… xưa nay chỉ lợi dụng muội. Chưa kể bây giờ hắn cưới hết ả đàn bà này đến ả đàn bà nọ, muội thường xuyên bị bọn đàn bà ấy bắt nạt, đến hắn cũng ức hiếp muội. Tương lai hắn đăng cơ hoàng đế, ắt sẽ nạp thêm thê thiếp, sẽ có nhiều kẻ hùa vào bắt nạt muội? Sao muội phải tử tế với hắn? Lẽ nào vì Tây Lương mà muội đặng lòng hy sinh hạnh phúc của bản thân, để cả đời quẩn quanh trong chốn thâm cung cô quạnh sao?

Tôi ngẩn người, nói:

– Tây Lương là Tây Lương, dẫu sao tôi đã lấy hắn rồi, vả lại hắn đối với tôi cũng không đến nỗi nào…

– Hắn mà không đến nỗi nào? Xưa nay hắn chỉ lợi dụng muội. Muội biết hắn đang tính toán gì không? Tiểu Phong à, muội đấu không nổi, muội không thắng nổi lũ đàn bà kia đâu, chứ đừng nói đến việc so trí với Lý Thừa Ngân. Giờ đây, bọn họ xem như còn dè chừng Tây Lương, nhưng tương lai sau này, một khi Tây Lương không còn giá trị lợi dụng với Trung Nguyên nữa, muội sẽ chẳng là gì cả.

Tôi thở dài, nói:

– Tôi không nghĩ nhiều vậy đâu, nói gì thì nói, Lý Thừa Ngân vẫn là phu quân của tôi, tôi không thể phản bội phu quân của mình được.

Cố Kiếm cười khẩy:

– Nếu Lý Thừa Ngân phản bội muội thì sao?

Tôi rùng mình nói:

– Không thể nào?

Lần đầu tiên đụng độ với thích khách, hắn đẩy tôi, lần thứ hai ở phường Minh Ngọc, hắn ngăn tôi… Lần nào cũng vậy, Lý Thừa Ngân luôn gánh hết nguy hiểm về mình, hắn sẽ không bao giờ lừa tôi.

Cố Kiếm cười gằn, nói:

– Trước toàn thể thiên hạ, nàng nghĩ mình là ai…? Một kẻ sắp lên ngôi hoàng đế, tránh sao được máu lạnh và nhẫn tâm. Chẳng nói đâu xa, ta bắt muội đến đây, muội mong Lý Thừa Ngân đến cứu muội ư? Muội tưởng hắn đang sốt sắng đi tìm muội ư? Hôm nay là tết Nguyên tiêu, toàn thành cấm ngựa cho bách tính thưởng đèn. Việc triều chính đang rối ren mà vẫn mở rộng cổng thành, không cấm người ra vào Thượng Kinh, làm ra vẻ thái bình, yên vui. Muội chẳng là gì đâu! Muội không đáng để cha con họ phải bỏ ăn Tết… Bọn họ vẫn lên Thừa Thiên Môn chia vui cùng dân chúng, chẳng thèm bận tâm muội sống chết thế nào. Giả sử ta là thích khách thật, ta sẽ giết muội rồi lẩn ra khỏi thành nhân lúc trời tối, sau đó cao chạy xa bay… Mười ngày sau, Thần vũ quân tìm ra chỗ này và thấy xác muội, cùng lắm Lý Thừa Ngân sẽ nhỏ vài giọt nước mắt, sau đó hắn sẽ lập Triệu Lương đệ lên làm Thái tử phi, chẳng ai nhớ tới muội, muội vẫn mong hắn sẽ nhớ tới mình ư?

Tôi cúi gầm mặt, lặng im.

Cố Kiếm kéo tay tôi:

– Đi thôi, hãy đi với ta, Tiểu Phong. Chúng ta cùng nhau bỏ trốn, rời xa nơi đầy rẫy mưu mô này, chúng ta đến quan ngoại, cùng nhau chăn ngựa, nuôi dê…

Tôi vùng khỏi tay gã, nói:

– Mặc kệ Lý Thừa Ngân đối với tôi thế nào, đây là con đường tôi tự lựa chọn, cũng là con đường cha tôi đã chọn cho Tây Lương, tôi không thể bỏ của chạy lấy người được, càng không thể bỏ Tây Lương…

Tôi nhìn gã.

– Huynh hãy thả tôi ra!

Cố Kiếm lặng thinh nhìn tôi, hồi lâu sau mới trả lời dứt khoát:

– Không được!

Tôi cảm thấy hết sức mệt mỏi, chán chường. Tôi đang sốt cao, cổ họng nóng ran như có lửa đốt. Nãy giờ nói nhiều nên mệt, mình mẩy riệu rã, thậm chí hít thở thôi cũng thấy nóng bừng. Tôi xoa xoa cổ họng, lui dần về phía chiếc hòm, buông người tựa vào đó.

Hắn chực nói gì đó rồi lại thôi, thấy tôi thế này, dường như hắn có vẻ không nỡ, giọng nói cũng gắng nén xuống, chỉ hỏi:

– Muội muốn ăn gì ko?

Tôi lắc đầu.

Hắn lại nói:

– Vịt nướng ở Vấn Nguyệt lâu thì sao, để ta đi mua cho muội nhé?

Tôi toan lắc đầu, nghĩ thế nào lại gật liên hồi.

Hắn đắp lại chăn cho tôi rồi nói:

– Muội hãy chợp mắt một lát đi!

Tôi nhắm mắt lại mau chóng chìm sâu vào giấc ngủ.

Khoảng một tuần hương sau, tôi mới mở mắt.

Trong phòng vẫn tăm tối, tĩnh mịch, ánh trăng loang loáng lách mình qua chấn song, ngả màu nhạt nhòa xuống sàn nhà. Tôi ngồi dậy ngắm trăng, ánh trăng sáng như dát bạc, hôm nay ngày rằm tháng Giêng, là Tết Nguyên tiêu, trăng lên đẹp lắm thay, trên phố chắc nhộn nhịp lắm.

Tôi quấn chặt áo lông, lần mò ra mở cửa, nhưng cửa đã khóa ngoài, đẩy mãi không được. Tôi nhìn bốn phía, nơi này đúng là nhà kho, cửa thông hơi trổ tít trên cao. Ô cửa cao vời vợi, tôi không thể với tới.

Song tôi cũng chẳng thiếu cách, tôi đẩy một chiếc hòm qua bên đó, chồng thêm một chiếc hòm khác, xếp thành hình bậc thang. Không biết đống hòm xiểng đó chứa gì, may không nặng lắm, nhưng vì mình mẩy đang run rẩy, tay không còn chút sức lực, chống được mấy chiếc hòm chạm tới cửa sổ, tôi mệt lả người, mồ hôi nhễ nhại.

Tôi bò lên đống hòm xiềng. Chấn song cửa làm bằng gỗ chạm trổ, lay hoay vặn bẻ một lúc mà nó không nhúc nhích. Tôi đành trèo xuống, lục tìm thứ gì đó, Tôi mở từng hòm một, thì ra bên trong đựng tơ lụa các loại. Chẳng hiểu nhà nào lắm tiền dám để các hòm tơ lụa đẹp thế này trong nhà kho, song đây cũng có thể là nhà kho của ấp tơ lụa. Tôi không còn sức mà nghĩ nhiều thế, ngán ngẩm đóng nắp hòm lại, cuối cùng nhìn thấy chiếc bát sứ vừa đựng canh gừng.

Tôi đập vỡ chiếc bát, chọn mảnh sắc nhất, rồi lại trèo lên đống hòm với ý định cưa song cửa sổ.

Thanh gỗ rất mảnh nhưng cưa mãi không được. Tôi hì hục cưa… thậm chí đầu ngón tay bị cứa, ứa máu.

Đang cưa, tôi bỗng thấy chán chường, chắc bởi Cố Kiếm sắp quay về rồi, mà tôi vẫn chưa thoát được. Đành rằng chưa chắc gã đã giết tôi, song biết đâu gã sẽ cầm tù tôi cả đời, hoặc khiến tôi không bao giờ gặp lại A Độ và Lý Thừa Ngân nữa…

Sau một hồi tuyệt vọng, tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục cưa song cửa sổ.

Chẳng biết đã qua bao lâu, tiếng “rắc” cũng chịu vang lên, tôi đã cưa đứt một chấn song cửa. Tôi mừng quýnh, tiếp tục cưa thanh khác, giải quyết xong hai thanh cửa, tôi gồng mình tách rời chúng.

Tôi sướng rơn, song chỗ này hơi cao, nhảy xuống chỉ e ngã gãy chân. Tôi rút một xấp lụa, đè chặt một đầu dưới đáy hòm, đầu kia vắt qua cửa sổ. Bám vào dải lụa, tôi trèo ra ngoài, từ từ bò xuống.

Tay tôi không còn chút sức lực, trong khi dải lụa trơn tuồn tuột, phải vấn chặt cổ tay vào dải lụa, khiến trọng lượng cả cơ thể treo trên cổ tay, dải lụa thít lại đau đớn, nhưng tôi chẳng màng. Chỉ sợ khẽ lỏng tay thì sẽ ngã nên tôi phải cẩn thận nhả từng đoạn một, trườn xuống từ từ. Cho tới khi mũi chân chạm đất, người tôi bủn rủn ngã lăn ra đất.

May mà ngã không đau lắm, tôi liền lồm cồm bò dậy. Vừa đứng thẳng lưng, tôi chợt thấy một bóng người đứng cách đấy không xa.

Cố Kiếm!

Gã cầm gói thức ăn trên tay, lẳng lặng nhìn tôi.

Tôi bèn nhếch miệng cười với gã, rồi quay đầu chạy biến.

Chạy chưa quá bước, Cố Kiếm đã chộp được tôi. Một tay gã kẹp chặt cổ tay tôi, tay kia vẫn cầm gói thức ăn.

Tôi nói:

– Huynh thả tôi ra ngay, huynh nhốt tôi ở đây thì có ích lợi gì? Tôi sẽ không bao giờ nghe theo huynh.

Cố Kiếm bật tiếng cười gằn, đoạn bảo:

– Thả muội cũng được thôi, song muội phải theo ta đến chỗ này trước đã, chỉ cần đến đó mà muội vẫn không đổi ý, ta sẽ thả muội ngay lập tức.

Thoạt nghe tôi có cảm giác ngờ ngợ, bèn cảnh giác hỏi:

– Nơi nào?

– Muội đi khắc biết.

Tôi lưỡng lự nhìn gã, gã nói:

– Nếu sợ thì thôi, đằng nào ta cũng không muốn thả muội, muội không đi càng tốt.

Sao phải sợ chứ? Tôi hắng giọng nói:

– Huynh hứa đấy nhé!

Cố Kiếm bật cười:

– Muội làm được thì ta cũng làm được.

– Vậy còn đợi gì nữa, mau đi thôi! – Tôi nói.

Cố Kiếm im lặng một lúc rồi nói:

– Muội không hối hận đấy chứ?

– Sao phải hối hận? – Tôi sực nghĩ. – Có khi người hối hận là huynh đấy.

Cố Kiếm cười nói:

– Không bao giờ ta hối hận.

Gã đặt gói thức ăn xuống rồi mở ra, quả nhiên là thịt vịt nướng. Gã nói:

– Muội ăn xong rồi chúng ta lên đường.

Tôi vốn chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống, nhưng trông mặt gã, tôi nhủ thầm, mình mà bướng không chịu ăn, chắc chắn không đi đâu được, thôi đành nhấc đũa ăn cho xong món vịt nướng kia vậy. Nói thực, lúc ấy cổ họng tôi khô rát, miệng đắng ngắt, đến đầu lưỡi cũng cứng đờ, triệu trạo nhai miếng thịt vịt mà chẳng thấy mùi vị gì. Tuy thế, tôi vẫn ăn quáng quằng cho xong, vừa buông đũa liền nói:

– Đi thôi.

Cố Kiếm nhìn tôi hỏi:

– Ngon không?

Tôi gật đầu lấy lệ. Gã không nói gì thêm, chỉ ngẩng đầu nhìn trăng sáng treo lơ lửng trên bầu trời rồi giúp tôi kéo cao chiếc áo lông che kín nửa khuôn mặt, nói:

– Đi thôi!

Khinh công của Cố Kiếm nhanh như gió, chỉ thấy cây cối trước mắt trôi tuột về đằng sau, rồi sau vài cái nhảy qua nóc nhà, chúng tôi đứng dưới một bờ tường cao chót vót.

Trông thấy bức tường ấy, tôi thấy có vẻ quen quen.

Cố Kiếm kéo tôi vọt lên tường, đứng cạnh gã. Trên đó, mắt tôi láo liên ngó quanh quất trước sau, nhìn đến đờ cả người.

Phía sau bức tường mái ngói lưu ly trải dài ngút tầm mắt, đấu cùng mái cong sừng sững, hùng vĩ, mấy tòa điện chính giữa quen thuộc với tôi hơn bao giờ hết. Lần nào trèo tường hình ảnh ấy cũng đập vào mắt tôi trước tiên. Tôi líu lưỡi, Đông cung ư? Đây là Đông cung mà! Chúng tôi đang đứng trên tường bao của Đông cung.

Cố Kiếm thấy tôi lặng người, liền buông một câu nhạt nhẽo:

– Đúng vậy, nơi chúng ta trú ngụ mấy ngày nay chính là nhà kho của Đông cung.

Tôi cắn chặt răng không thốt nên lời, thế có đáng hận không chứ! Đáng lẽ lúc trèo qua cửa sổ, tôi phải hô hoán lên, phải kéo hết thảy Vũ lâm quân trong Đông cung đến, thế có phải tôi được cứu rồi ko? Cố Kiếm tài mấy cũng không thể cướp tôi khỏi vòng vây của hàng nghìn thị vệ Vũ lâm quân… Thật đáng tiếc!

Nhưng có hối hận thêm nữa cũng vô ích. Cố Kiếm kéo tay tôi nhảy khỏi bờ tường cao. Chúng tôi chạy trên nóc nhà dân, mấy lần rẽ trái rồi rẽ phải, phi từ mái ngói xuống sân vườn của một hộ dân nào đó, băng qua sân, mở một cánh cổng nhỏ, thể là quang cảnh phồn hoa đã mở ra ngay trước mắt.

Hằng năm cứ vào dịp này, ánh đèn rực rỡ nơi nơi, người người chen vai xuống phố, tiếng nói cười rộn rã… Dường như thế gian này có bao nhiêu người thì từng ấy người đổ xuống đường. Dường như thế gian này có bao nhiêu đèn thì từng ấy đèn giăng xuống phố phường Thượng Kinh. Trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên trời, bầu trời tối đen như nghiên mực, trăng sáng tựa gương, vừa trong veo vừa thấp, nhìn ông trăng kia lại tưởng chiếc bánh nếp dập dềnh trong bát canh, trắng trẻo, nõn nà, cắn một miếng là cảm nhận mạch nha tứa ra trong miệng. Ánh trăng xà xuống lớp sương mỏng trên mái ngói, càng soi tỏ càng sáng sắc trời, trông vậy song chẳng hề lạnh. Trong không khí thoang thoảng mùi thuốc pháo, cũng thoáng đưa một mùi phấn son ngan ngát, thêm làn gió nhẹ phảng phất mùi đồ ăn ngọt lịm… Chúng hòa quyện vào nhau, tạo thành hương vị đặc trưng của ngày rằm tháng Giêng. Đèn lồng khoe sắc chạy dọc hai bên đường, đèn chăng đầy cành cây, liễu trúc người ta dựng trên phố cũng kín đèn màu. Đâu đó có người múa đèn rồng, múa kỳ lân, múa thuyền đèn…

Tôi và Cố Kiếm hòa vào biển người, biển đèn dày đặc, đi đâu cũng thấy người và đèn. Lách qua dòng người xô bồ, đèn nối đèn trải dày trước mắt, đèn ở hai bên, đèn chạm ngang mày… thi nhau tỏa sáng, nào vàng, nào hồng, nào lam, nào lục, nào tím, nào đỏ… nhìn mãi cũng chóng mặt. Nhất là những chiếc đèn hình kéo quân thêu hình nhân vật cứ quay mòng mòng, rồi thì đèn lưu ly của Ba Tư sáng chói mắt, rồi thì đèn chùm, nhiều chùm đèn chụm lại thành bức tranh thư pháp thật lớn, bên cạnh đó còn có đèn đố chữ, đoán trúng ắt có thưởng, nhưng vĩ đại nhất phải kể đến đèn chín khúc, con sông Hoàng Hà uốn mình chín khúc được mô tả bằng đèn, sa chân vào mê trận ấy chắc chắn sẽ bị lạc, rẽ trái không ra, rẽ phải cũng không ra. Nghe nói đèn chín khúc được bày theo binh pháp thời cổ, rẽ trái quẹo phải chỉ thấy đèn là đèn, những người bước vào chẳng ai lấy làm sốt ruột, họ cười nói râm ran, quanh quẩn, mò mẩm tìm lối ra…

Nếu là trước đây tôi quả thực không biết mình sẽ mừng vui cỡ nào khi được chứng kiến cảnh phồn hoa đô hội này song hôm nay tôi lại cúi gằm mặt, mặc cho Cố Kiếm nắm tay dẫn đi. Chúng tôi cất bước lầm lũi dưới dàn đèn treo lơ lửng trên cao, phía đầu đường dậy vang tiếng reo hò huyên náo, nhiều người tụm lại xem múa đèn rồng, người đứng chen nhau không chừa một kẻ hở, Cố Kiếm đành dừng bước. Thỉnh thoảng, một luồng lửa ánh bạc phụt ra từ miệng rồng, những người đứng chung quanh đó tấm tắc xuýt xoa. Bất ngờ, nó nhô đầu về phía tôi, đột ngột phun ra một luồng lửa, khiến ai nấy đều giật thót mình lùi lại phía sau. Ngọn lửa bừng bừng ngay trước mặt, tôi hoảng quá không kịp nhắm mắt, lại vướng dòng người xô lấn suýt ngã ngửa, may là sau lưng có Cố Kiếm giơ tay đỡ kịp thời. Tôi hé mắt nhìn mình ngã vào lòng gã, mặt giấu sau ống tay áo.

Tôi chẳng nói chẳng rằng, chuồi người ra khỏi vòng tay đang quàng lấy mình, may sao gã không gò ép, chỉ chăm chăm nắm cánh tay tôi, nhích dần về phía trước.

Chúng tôi vừa đi ngang qua phố Nam Thị, bỗng có tiếng huýt sáo, liền đó là tiếng nổ “bịch” giữa không trung. Người đi đường đồng loạt ngước nhìn lên, thấy góc trời rợp ánh vàng, ánh bạc, lồng vào nhau đơm thành bông hoa sáng rực, khiến trăng rằm kia cũng phải khép mình nhường bước cho pháo bông nở rộ. Thì ra trên tháp Thất Tinh đã bắt đầu thi bắn pháo hoa.

Tháp Thất Tinh như đang vẩy vàng, rắc bạc vào không trung, những tràng pháo hoa liên tiếp bùng nổ trên trời, mở đầu là “Đất bằng sấm nổ”, sau là “Mẫu đơn mừng xuân”, tiếp đến là “Thái bình thịnh vượng”, thậm chí có cả “Trăm năm hòa hợp” và muôn vàng những dáng vẻ khác nữa… Người trên phố đều ngẩng lên ngắm nhìn với vẻ hồ hởi, si mê. Cố Kiếm không ngoại lệ, chiếc khăn chít đầu phất phơ trong làn gió đêm nhè nhẹ mang theo cái se lạnh của ngày xuân, sau lưng gã là con phố rực ánh đèn. Mỗi lần pháo bông vụt sáng, khuôn mặt gã cũng bừng lên rạng rỡ, mỗi lần khói lửa lụi tắt, khuôn mặt kia như phảng phất chìm trong bóng tối. Tôi chằm chằm nhìn gã trong khung cảnh tranh tối tranh sáng ấy.

Mà thực ra tôi đang nghĩ, nhân lúc này mình có bỏ chạy, chưa chắc Cố Kiếm đã đuổi kịp. Đường chật như nêm thế này, Tôi lẩn vào dòng người, gã có tìm đằng trời cũng chẳng ra.

Ngặt nỗi gã cầm khư khư bàn tay tôi, cầm riết từ bấy tới giờ. Tôi đành tự nhủ, mình khó mà vùng tay ra được.

Hàng quán ven đường trải dài san sát, họ rao bán tuyết liễu, ngải tằm[1], cờ xuân, hoa thắng[2]… óng ánh, rung rinh, thoạt nhìn đã lóa cả mắt, nhưng nhiều người thích những thứ như vậy. Tôi nhìn trân trân xuống nước, không thèm nhìn những thứ ấy. Bỗng nhiên có gã tiểu thương không biết điều chặn chúng tôi lại, đon đả chèo kéo Cố Kiếm.

[1] Tuyết liễu, ngải tằm: Mũ hình con ngài và tuyết liễu là những đồ trang sức, phụ kiện phụ nữ thường mang trong tiết Nguyên tiêu.

[2] Hoa thắng: Người xưa cắt giấy màu làm hoa, để cài tóc cho đẹp, gọi là hoa thắng.

– Công tử ơi, mua cho nương tử nhà ngài một cây trâm cài đầu đi! Phu nhân nhà ngài duyên dáng thế kia, cài thêm chiếc trâm này, chẳng khác nào gấm đơm hoa, đã đẹp lại càng thêm xinh! Mười đồng một đôi, vừa đẹp lại vừa rẻ!

Thấy Cố Kiếm định phẩy tay, tôi đoán hắn phẩy tay xua tay bán hàng rong, không ngờ gã lại chọn hai chiếc trâm cài đầu rồi trả cho tay kia mười đồng.

Gã nói:

– Cúi đầu xuống nào!

Tôi bảo:

– Tôi không thích những thứ này.

Gã cài trâm lên tóc tôi, coi như không nghe thấy gì. Cài xong một chiếc, lại cài tiếp chiếc kia.

Do khoảng cách gần kề nên tôi cảm thất rõ ràng hơi thở khẽ khàng, ấm áp của gã, mà còn hơi ngứa ngứa nữa. Cơ thể gã tỏa ra một làn hương dịu nhẹ, không phải mùi trầm hay long diên hương hằng ngày tôi vẫn quen thuộc mà là một mùi hương nào đó rất khó gọi tên, thơm như mùi dưa lê trồng trên đất Tây Lương, ngọt thanh mà thoảng cảm giác mát dịu. Cài trâm xong, Cố Kiếm kéo tay tôi để ngắm trái ngắm phải, như thể sợ cài lệch dù chỉ một chút. Chưa bao giờ gã nhìn tôi chằm chằm kiểu đó, hai mang tai tôi nóng bừng, mất tự nhiên, bèn giục gã:

– Đi thôi!

Thực ra tôi vẫn chưa biết nơi gã định dẫn tôi tới, mà dường như gã cũng vậy. Chúng tôi vừa đi vừa dừng trên con phố tưng bừng, tấp nập ấy. Dòng người như cơn thủy triều dồn sóng về phía trước, đi nhanh thì khó, mà muốn lách cũng không được.

Cho đến tận chỗ rẽ cuối cùng, con đường Chu Tước thẳng tắp hiện ra ngay trước mắt. Phóng tầm mắt nhìn ra con phố Thiên Nhai dẫn tới Thừa Thiên Môn hằng ngày vốn cấm dân chúng lại gần, thế mà nay người ta đứng chen vai ngóng lên Minh lầu trong ánh đèn lộng lẫy.

Bấy giờ tôi mới biết gã định đưa mình đi đâu, thế rồi, nỗi sợ hãi trong tôi vô tình trỗi dậy.

– Sao, không dám đi à?

Cố Kiếm ngoái đầu nhìn tôi, thản nhiên cười hỏi. Tôi luôn cảm thấy nụ cười ấy có phần mỉa mai, nhớ lần đầu tiên gặp nhau, gã đâu có cười kiểu này. Lúc ấy, gã mặc áo choàng màu xanh, đứng dưới mái hiên ven đường, dõi theo tôi và A Độ đang chạy trên phố.

Sao bây giờ lại thành ra thế này?

Tôi tự huyễn hoặc mình, nói:

– Rốt cuộc huynh muốn gì?

– Ta muốn muội đau đớn, quằn quoại tưởng như trái tim đã ngừng đập. – Giọng gã đều đều, như thể đang kể một câu chuyện phiếm. – Lòng ta như chết, ta muốn muội cũng phải nếm trải cảm giác đó!

Tôi nào có nghe gã đang nói gì, tư tưởng chỉ hướng về cổng lầu xa lắc, chót vót trên cao kia. Nơi ấy chính là Thừa Thiên Môn, lầu cao khoe đèn lồng đỏ thắm, pha trộn đủ sắc màu tươi vui từ những cụm đèn nhỏ, cả tòa lầu được điểm xuyến sắc màu lung linh, đèn đuốc rõ ràng vây quanh chân thành, biến Thừa Thiên Môn thành chốn lầu son gác tía trổ lưng chừng trời. Càng bước lại gần, cảnh sắc càng hiện ra rõ ràng. Trên lầu buông lớp màn đỏ thắm, gió đưa mành lụa phất phơ, thấp thoáng sau màn có đội nghi trượng[3] lẫn trong bóng người. Trên đấy in bóng búi tóc cao ngất của đám cung nữ và dáng người thước tha, yêu kiều đang dạo gót trên lầu, ánh đèn dán những chiếc bóng xinh đẹp của họ lên tấm màn, gợi tôi nhớ đến màn múa rối nước bóng trước đây từng xem trên phố. Cổng Thừa Thiên sừng sững cao ngất trời, mọi thứ diễn ra trên ấy giống như con rối in bóng lên tấm vải trắng, nhất cử nhất động đều mang lại cho tôi cảm giác xa vời.

[3] Nghi trượng: Vật trang hoàng nơi cung thất, dinh thự, hay dùng khi vua quan đi đường như tán, cờ, quạt, binh khí, v.v…

Loáng thoáng có những âm thanh từ trên lầu vọng xuống, ngay cả tiếng đàn ca cũng bị đẩy dạt vào xa xăm. Người dân tụ tập dưới chân thành bỗng nhốn nháo, thì ra tấm màn trên lầu cao vừa hé mở, đám cung nữ vẫy tay vung đồ xuống, dân chúng đứng dưới tranh nhau nhặt. Cung nữ vừa ném xuống những đồng tiền Thái Bình do nội cung đúc riêng, ngự ban cho bách tính kéo về ngắm hoa đăng. Những đồng tiền vàng rơi tới tấp, đáp xuống nền đá xanh trên phố Thiên Nhai, phát ra những tiếng leng keng, như một cơn mưa rào lộng lẫy ánh vàng. Thiên triều giàu sang, thịnh thế bao nhiêu, chỉ cần lắng nghe trận mưa với tiếng leng keng ấy là rõ… Người ta đua nhau thụp xuống nhặt tiền vàng, còn tôi đứng im như trời trồng, mắt vẫn hướng về Thừa Thiên Môn.

Lúc đó Lý Thừa Ngân xuất hiện, tuy xa xôi cách trở, song tôi nhận ra chàng với cái nhìn đầu tiên. Chàng khẽ tựa vào lan can trên Minh lầu, lọng biếc hoa lệ khoe ngọn gió sau lưng, tua cờ buông mình phất phơ, gió gieo cả vào tay áo. Bấy giờ dân chúng đồng loạt quỳ xuống, tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”, tôi mới nhìn thấy Bệ hạ.

Nhà đế vương phú quý, cảnh thiên hạ thái bình, chưa một lần tôi cảm thấy những thứ ấy xa vời đến thế, lạ lẫm đến thế.

Tôi thấy Triệu Lương đệ mặc trang phục hoàng tộc, từ đằng sau dạo góc tiến lên, đành rằng không lộ diện, nhưng tôi vẫn nhận ra bóng hình đổ trên tấm rèm kia, rồi lại trông cánh tay đưa ra từ sau rèm choàng lên vai Lý Thừa Ngân một tấm áo lông đen tuyền. Trời trở gió, tấm áo chao nghiêng, lớp gấm đỏ tươi bên trong chiếc áo lẫn hoa văn thêu nổi bằng kim tuyến lóng lánh dưới ánh đèn nơi Minh lầu. Mọi thứ thu cả vào mắt tôi, Lý Thừa Ngân ngoảnh mặt sang phía đó, ở khoảng cách xa xôi, tôi không tài nào nhìn rõ vẻ mặt chàng, phải chăng trên bờ môi ấy là nụ cười dành cho người đẹp khuất sau rèm?

Trước kia, tôi chưa từng đặt chân lên Thừa Thiên Môn. Trước kia, tôi chưa từng ăn một cái Tết tử tế với Lý Thừa Ngân. Bao năm nay tôi nào có hay, thì ra mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, chàng và Triệu Lương đệ lại vai kề vai, cùng sánh đôi nơi lầu cao, nhìn xuống mười vạn đèn hoa phủ trùm Thượng Kinh.

Đôi lứa sánh vai, đêm nay đây, đêm nay vốn là đêm se duyên lành.

Tôi cứ đinh ninh chúng tôi đã thay đổi. Tôi còn nghĩ, sự cố ngày hôm qua, đáng lẽ đã tạo ra sự khác biệt… Tối qua tôi bị thích khách bắt đi, chàng từng nhìn tôi, chàng từng gọi tên tôi, chàng bẻ mũi tên thề… Tất thảy những thứ ấy đều khiến tôi ngộ nhận, ngộ nhận chúng tôi đã đổi thay, thế nhưng sau vẻn vẹn có một ngày, chàng đã đứng kia sánh vai bên người con gái khác, nhàn nhã ngắm cảnh Nguyên tiêu đô hội, đón nhận câu chúc phúc của muôn dân…

Trong khi… Tôi sống chết thế nào còn chưa hay. Trong khi… tôi còn đang biệt tăm biệt tích. Trong khi… tôi mới là thê tử của chàng.

Thoáng nghe có ai đó gọi tên mình:

– Tiểu Phong!

Tôi quay sang, bần thần nhìn Cố Kiếm.

Gã nhìn tôi chăm chú, tôi cố nặn ra một nụ cười, định nói vài câu.

Nhưng gió lùa vào khuôn miệng vừa hé mở, gió buốt lạnh kéo theo cơn ho không thể dứt, cổ họng trước đó đã đau ghê ghớm, giờ đây từng cơn ho như chực xé toạc yết hầu. Ho cơn nào, đầu nhói theo cơn đó, chẳng khác nào bị một hòn đá sắc nhọn cứa vào huyết mạch, muốn thở cũng thật khó khăn. Tôi còng lưng ho không dứt, những cơn ho dữ dội như muốn nôn ra thứ gì đó trong bụng mới thôi. Đau là lẽ đã đành, mà nơi lồng ngực cũng vô cùng khó chịu. Trách chăng cái lạnh, trách chăng người vốn đang bệnh… có bệnh tật phải khó chịu thế thôi.

Cố Kiếm đỡ tôi, tôi lảo đảo một hồi, cảm thấy như có thứ gì đó vừa nứt đôi. Khi âm thanh khàn đạt thoát ra khỏi cống họng, dường như lồng ngực cũng được vỗ về phần nào.

Gã nâng mặt tôi lên, tôi nghe tiếng mình vang lên:

– Cũng chẳng có gì ghê gớm…

Tôi thấy trong đôi mắt ấy hằn lên ánh nhìn day dứt lạ thường, gã chợt đưa tay quệt khóe miệng tôi.

Dưới ánh đèn, tôi thấy trên ngón tay gã còn đọng vết máu, những ngấn loang lổ, từng đốm bám cả lên ống tay áo, là máu. Chân tay bủn rủn, mặt mày xây xẩm, tôi biết mình đứng không vững, như thể vừa rồi tôi đã gồng mình nôn ra cục máu ấy. Gã ôm tôi, thì thầm bên tai:

– Tiểu Phong, muội cứ khóc đi, muội cứ khóc một trận cho thỏa!

Tôi đẩy gã bằng chút sức lực cuối cùng.

– Sao phải khóc? Huynh cố ý dẫn tôi đến đây cơ mà, sao tôi phải khóc? Huynh đừng vờ vĩnh nữa, việc gì tôi phải khóc? Huynh bảo xem xong, huynh lập tức thả người, đúng không? Bây giờ tôi phải đi đây!

– Tiểu Phong!

Gã đuổi theo định đỡ tôi. Bước chân loạng choạng song tôi vẫn gắng đứng vững, ngoái đầu, tuốt trâm cài tóc quẳng xuống chân gã, nhìn gã bằng ánh mắt lạnh lùng, cất giọng:

– Huynh đừng đụng vào tôi, cũng đừng có theo tôi, bằng không tôi chết cho huynh xem. Đành rằng huynh có võ công tuyệt thế, nhưng ngăn thế nào được một khi tôi đã muốn chết. Huynh cản được một lần, cản sao được cả đời! Huynh cứ thử theo tôi xem, tôi sẽ tự sát bây giờ đấy!

Có lẽ tôi đã nói với giọng cương quyết khiến gã chững lại, không dám tiến tới gần.

Tôi thất thiểu bước đi, chẳng biết đã đi được bao xa, chỉ thấy bốn bề là người, bốn bề là đèn, ánh đèn chói chang đến nhức nhối. Tôi nắm chặt cổ áo khoác, cảm nhận từng cơn run rẩy, lạnh đến nỗi răng và lợi va vào nhau lập cập. Tôi biết mình đang sốt, chân bước ngỡ đạp lên cát, chẳng còn mấy sức lực. Bải hoải đứng dưới giàn đèn, giữa những tiếng cười nói hân hoan, giữa dòng người nhộn nhịp, giữa bầu trời tưng bừng pháo hoa, chắc là tháp Thất Tinh đang thi bắn pháo hoa. Một cái tết Nguyên tiêu rực rỡ sắc màu, một cái tết Nguyên tiêu nơi phồn hoa đô hội, nhưng tôi phải đi đâu, về đâu?

Gầm trời bao la, hỏi có chốn nào cho mình dung thân?

A Độ ơi, muội đang ở đâu? Chúng ta về Tây Lương thôi, ta nhớ Tây Lương lắm rồi!

Trước mắt tôi là một chiếc lồng đèn kéo quân, chao đèn dán giấy thiếp vàng in hình một người con gái, hơi nóng từ ngọn nến uốn lượn tỏa ra, chao đèn quay mòng mòng. Người con gái đó thoắt đứng, thoắt ngồi, thoắt yêu kiều, thoắt giận dữ, lại thoắt hoan hỷ… trước mắt tôi tối dần, người con gái in bóng trên chao đèn sao có nét hao hao Triệu Lương đệ thế nhỉ? Ả ta bưng miệng cười, ngạo mạng hỏi tôi: “ Tỷ tưởng mọi thứ đã đổi khác ư? Tỷ nghĩ mình đã chiếm được chỗ đứng trong lòng chàng rồi ư? Tỷ tưởng mình làm con tin thay Bệ hạ thì chàng sẽ rủ lòng thương ư…”

Tôi phải dựa vào thân cây mới có thể đứng vững, lớp vỏ sần sùi, thô ráp cào vào áo lông đau buốt, nhưng lại khiến tôi thấy dễ chịu hơn… chỉ cần cơn đau nhức ấy làm vơi đi sự âm ỉ trong lồng ngực. A Độ thì chẳng thấy đâu, ở Thượng kinh này, tôi trở thành bơ vơ. Tôi có nơi nào để đi? Một thân một mình về Tây Lương, dẫu phải đi một tháng, một tháng không đến thì ba tháng, ba tháng không đến thì nửa năm, nửa năm không đến thì một năm, thế nào chẳng về được Tây Lương.

Tôi ngước mắt trông trăng, vầng trăng tròn đầy, sáng trong, dịu dàng soi tỏ từng mặt người. Dưới ánh trăng kia, Thượng Kinh yên bình làm sao, phồn thịnh làm sao… Trước đây tôi và A Độ từng dạo khắp phố lớn, ngõ nhỏ của Thượng Kinh, nhưng nơi này mãi mãi không phải nhà tôi, tôi muốn về nhà.

Tôi lê bước về phía tây, muốn về Tây Lương ắt phải đi qua Quang Hoa Môn, rồi cứ thẳng tiến về phía tây qua được Ngọc Môn Quan là đến Tây Lương.

Tôi phải về nhà thôi.

Chưa đến được Quang Hoa Môn, bỗng nghe người xung quanh đó xôn xao, có người gào lên:

– Thừa Thiên Môn bốc cháy rồi!

Tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm, lúc đó mọi ánh nhìn đều đổ dồn về phía nam, thoáng thấy ngọn lửa bập bùng trên Thừa Thiên Môn và những cột khói đen dày đặc bốc lên cuồn cuộn từ mái vòm, ai nấy đều kinh hãi, giương mắt nhìn tòa thành dần chìm trong biển lửa. Những chuỗi đèn như châu như ngọc, những mảnh rèm thắm đỏ, những mái hiên sừng sững, đồ sộ… giờ đây đã bị nuốt chửng trong ngọn lửa ngùn ngụt. Đám cháy mỗi lúc một lớn, lửa bùng lên dữ dội, gió được đà bốc ngọn lửa lên cao. Thừa Thiên Môn bừng bừng bốc cháy.

Từ đầu đường đến cuối phố bỗng trở nên hỗn loạn, dân chúng nhốn nháo lo chạy thoát thân, thì còn biết làm gì vào lúc này nữa. Chếnh chếch bên kia đường đã xuất hiện người của Thần vũ quân, tôi nghe họ quát tháo ầm ĩ, hò dân chúng tự giác nhường đường, tiếng vó ngựa ào ào như cơn lốc quét qua, đám người đến cứu hỏa cũng rầm rập xuất hiện ngay sau đó. Họ vác ống gỗ, kéo theo những thùng xe lớn chở đầy nước, lộc cà lộc cộc tiến về phía xảy ra hỏa hoạn. Rằm tháng Giêng năm nào cũng đốt pháo bông và chăng đèn lồng, nếu để xảy ra cháy nổ thì đúng là đại họa, vì lẽ đó mà quan Kinh triệu doãn hằng năm đều chuẩn bị sẵn ống cứu hỏa và xe nước, nhưng trước kia chỉ thấy nhà dân bốc cháy, không ngờ năm nay lại phải dùng vào việc lớn thế này.

Tôi đánh mắt trông về phía Thừa Thiên Môn trong vòng vây kín mít của Thần vũ quân. Lát sau đã thấy một toán cung nữ mang nghi trượng, cờ lọng nối đuôi Thần vũ quân đi về phí Hoàng cung, tôi nghĩ ắt cũng chẳng có gì to tát.

Mà thực ra, tôi còn lo lắng làm gì nữa, người trên Thừa Thiên Môn ai chết ai sống, nói cho cùng, giờ đâu còn liên quan gì đến tôi…

Giờ tôi chỉ lo về Tây Lương, chỉ muốn nói với cha rằng: “Con đã về”, rồi lấy ngựa, chạy băng băng trên thảo nguyên như những ngày tháng vô tư lự thuở trước.

Tôi giữ sức để tiếp tục cuộc hành trình về phía tây thành, ngựa của Thần vũ quân vụt lướt qua, chỉ kịp nghe tiếng voi quất vun vút lẫn trong tiếng hét:

– Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành!

Tiếng họ ngân vang, đi một đoạn rất xa rồi mà vẫn còn vọng lại:

– Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành! Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành!…

Tết Nguyên tiêu ngắm hội hoa đăng có lịch sử hàng trăm năm nay, chưa bao giờ để xảy ra chuyện này, song dân chúng cũng không lấy làm lạ, sở dĩ họ vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy xảy ra quá đột ngột, đến tận lúc này họ vẫn còn đang bàn tán xôn xao. Không biết bao nhiêu thùng nước đã đổ vào đám cháy, cuối cùng đã khống chế được ngọn lửa, khói dịu bớt, thay vào đó, hơi nước bốc lên nghi ngút, mùi than cốc nồng nặc tỏa vào bầu không khí.

– Cổng thành đóng rồi, về thế nào đây?

– Ôi trời, cháy lớn, sợ loạn nên đóng cổng thành thế thôi, đợi lúc nữa, Thừa Thiên Môn tắt lửa rồi, thế nào cổng thành chẳng mở…

Người trên phố xôn xao bàn tán khiến tôi sốt ruột. Chưa nhúc nhích thêm được bước nào, đến thở tôi cũng thấy nóng như thể cổ họng đang ngậm hòn than, ráo và rát cháy. Tôi thở hổn hển rồi ngồi phịch xuống lề đường, ngả đầu vào thân cây.

Tôi tự nhủ, mình chỉ nghỉ một lúc thôi, không ngờ tựa vào đó rồi mê man lịm dần.

Hình như khi còn bé, có lần theo cha đi săn, tôi ngủ quên trên lưng ngựa, cha cõng tôi về đến tận nhà. Tôi nhoài người trên tấm lưng rộng của cha, đánh một giấc ngon lành, lúc ngủ còn quyệt nước miếng làm lưng áo cha ẩm ẩm. Tôi uể oải nhấc mi mắt, vẫn thấy phố xá ngập trong ánh đèn lung linh, huyền ảo, tựa như sao băng thỉnh thoảng bay qua bầu trời đêm mùa hạ trên thảo nguyên. Nghe nói nếu may mắn được gặp sao băng, trước tiên phải thắt đai áo, vừa thắt vừa ước cái gì đó thì điều ước ắt sẽ linh nghiệm. Nhưng tay chân tôi lóng ngóng, lần nào gặp sao băng cũng vậy, mải cầu nguyện mà quên thắt đai áo, mải thắt đai áo thì quên phải cầu nguyện.

Đêm nay sao lại nhiều sao băng đến vậy? Nếu bây giờ mình ước liệu có điều gì để mình mong muốn nữa nhỉ?

Tôi gắng nhấc tay định thắt đai áo, vậy mà ngón tay mềm vặt, không chút sức lực, tôi buông thõng tay, đành thôi vậy…

Tôi nhắm mắt, chìm sâu vào giấc ngủ.

Giấc ngủ kéo dài bao lâu tôi không rõ, nó đằng đẵng như trọn vẹn một kiếp người, song cũng có thể chỉ là một thoáng ngắn ngủi. Giấc ngủ có vẻ sâu nhưng thật ra rất mơ hồ, lúc nào cũng có cảm giác trước mắt mình có chiếc đèn kéo quân xoay tít, giấy thếp vàng tỏa thứ ánh sáng nhức nhối, bên tai lúc nào cũng có tiếng người rì rầm, không chịu để cho tôi chút yên tĩnh dù chỉ một khắc. Tôi thấy tức tối, bọn họ có để yên cho tôi ngủ không chứ? Tôi biết mình ốm rồi, cơ thể lúc nóng lúc lạnh… lúc lạnh, răng nghiến kèn kẹt, lúc nóng, răng nọ đập răng kia, mũi thở ra bỏng rát…

Trong cơn mê tôi cũng lẩm nhẩm nói mấy câu, nào thì tôi muốn về Tây Lương, tôi muốn gặp cha, tôi muốn gặp A Độ, tôi muốn con ngựa nhỏ của mình…

Tôi muốn có cuộc sống như trước kia, song chỉ mình tôi biết, thứ tôi muốn, thật ra không thể tìm lại được.

Mới trước đó, lúc ho ra máu, tôi đã hiểu ra tất thảy.

Lồng ngực tôi đau đớn, quặn thắt, ý thức mờ dần rồi tôi lả đi.

Trong giấc mơ, tôi thúc ngựa lao vun vút giữa thảo nguyên hoang vu bất tận, ráo riết kiếm tìm khắp bốn phương, quẩn quanh, lạc lõng giữa mọi bề, lúc ấy, có lẽ nước mắt đã rơi, tôi nghe thấy tiếng mình khóc nghẹn.

Khóc cái gì chứ? Con gái Tây Lương đâu có dễ sụt sùi vì mấy chuyện vặt vãnh thế này?

Đến khi tôi lờ mờ tỉnh dậy trong trạng thái toàn thân ê ẩm, mí mắt nặng trĩu, cố mở mắt cũng không được. Tôi hé mắt, đập vào mắt là cái nhìn hoen ướt, đỏ au của A Độ đang bám lấy mình. Bốn bề tối như hũ nút, đỉnh đầu lưa thưa mấy lỗ thủng hứng ánh sáng mờ mờ. Tôi láng máng nhận ra, hình như mình đang ở trong một ngôi miếu hoang. Sao tôi lại ở đây? A Độ đỡ tôi dậy, bón cho tôi ít nước. Lồng ngực bỏng rát cũng phần nào nguôi ngoai, tôi nhắm chặt tay A Độ thì thào:

– A Độ, chúng ta về Tây Lương thôi!

Giọng tôi khàn đặc, tôi nói không ra hơi, chính tôi cũng chẳng nghe rõ, thế mà A Độ vẫn gật đầu, ngón tay mát rượi của muội ấy vuốt trên trán tôi, mang lại một cảm giác khoan khoái lạ thường. May sao, A Độ đã trở về rồi, may mà A Độ đã tìm thấy tôi. Tôi chẳng còn sức để hỏi xem hai ngày nay muội ấy chạy đi đằng nào, tôi bị thích khách bắt cóc, hẳn muội ấy cũng nóng ruột lắm. Có A Độ ở bên, lòng tôi nhẹ nhỏm hẳn. A Độ đã trở lại và chúng tôi sẽ về Tây Lương. Tôi mê man như lại chìm và trong giấc ngủ. Bỗng A Độ đứng phắt dậy, tôi cố gắng mở mắt nhìn muội ấy. A Độ đứng ngay bên cạnh tôi, hình như muội ấy đang cố gắng lắng nghe điều gì đó, chính tôi cũng nghe thấy tiếng sấm rền vang, một đội kỵ binh đang tiến về phía này.

A Độ cúi xuống, dìu tôi dậy, người tôi mềm oặt, chẳng còn chút sức lực.

Nếu những người sắp đến là Thần vũ quân hoặc Vũ lâm lang tôi cũng chẳng thiết gặp, bởi lẽ tôi không muốn gặp lại Lý Thừa Ngân, chỉ e A Độ không thể dẫn tôi trốn khỏi bọn chúng.

Có kẻ đạp tung cửa miếu. Chính lúc nước sôi lửa bỏng ấy, từ trên sàn nhà, một bóng trắng bỗng lao xuống. Lưỡi kiếm soáng loáng đâm thẳng hướng cửa, những tiếng rú thảm thiết vang lên tức thì. Thì ra Cố Kiếm phi thân từ trên nhà xuống, mà những kẻ ngã xuống ngoài cửa đều vận quan phục của Thần vũ quân. Lúc ấy tôi có cảm giác máu nóng trong người đang sôi lên, đã không muốn gặp lại Lý Thừa Ngân, đằng này Cố Kiếm còn đang ra tay giết người.

A Độ cầm đao, cảnh giác đôi mắt nhìn theo Cố Kiếm và Thần vũ quân đang đánh nhau, tôi giành lấy thanh đao trên tay A Độ khiến muội ấy nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ.

Tôi dấn bước tới gần đám người đang ẩu đả ấy, những người của Thần vũ quân tưởng tôi với Cố Kiếm cùng một giuộc, chúng bèn hướng vũ khí lao về phía tôi. Võ công của Cố Kiếm rất cao cường, tuy bị kìm kẹp song mỗi lần có kẻ muốn tấn công tôi, gã đều thừa sức chống đỡ. Gã xuống tay nhanh gọn, không để phí một đường kiếm nào. Mỗi nhát kiếm vung ra, tức thì có kẻ gục ngã trước mặt tôi.

Máu nóng, bắn lên mặt, những kẻ gục xuống xung quanh tôi mỗi lúc một nhiều. Vậy mà đám Thần vũ quân như không biết sợ, người trước ngã xuống, kẻ sau liền tiến lên, song vẫn đổ gục dưới nhát kiếm của Cố Kiếm, rồi bọn họ trút hơi thở cuối cùng trước mặt tôi, gần trong gang tất. Tôi kinh hãi trước cảnh thảm sát không đáng có này, chỉ muốn gào lên: “Dừng lại đi”, nhưng giọng khàn đặc, không cách nào thốt nên lời, Cố Kiếm thì ngoảnh mặt làm ngơ.

Tôi nghiến răng, vung đao về phía gã. Gã đẩy nhẹ thanh đao trên tay tôi, khiến tôi run tay đánh rơi đao. Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy có thứ gì đó nặng nề đang xé gió lao tới, dường như có hòn đá to nhằm đúng đầu tôi mà nện. Tôi ngẩng đầu nhìn theo bản năng, thấy A Độ hớt hải lao về phía mình, khói bụi xốc lên, âm thanh chát chúa như rung chuyển đất trời, muốn nghiền nát ngôi miếu nhỏ này.

Có luồng khí vô hình bao lấy tôi, tay A Độ vừa rờ tới gấu váy. Tôi thấy Cố Kiếm toan giữ tôi lại, nhưng đám người hung hãn kia nhanh tay cuốn gã vào cuộc ẩu đả. Mái ngói như chực đổ sụp, đầu vừa đụng vào thứ gì đó, đau buốt khiến tôi mất đi cảm giác trong nháy mắt, rồi cứ thế sa vào màn đêm vô tận.

“Tách!”

Thân thể nặng trĩu lẳng mình xuống nước, nước xanh biếc vây hãm bốn bề, đau như bị ngàn nhát dao sắc lạnh xẻ dọc da thịt. Đành rằng vậy, tôi vẫn yên tâm buông xuôi mọi thứ, thả lỏng cơ thể cho chìm xuống đáy sâu, như đứa con trở về với mẹ, như cánh hoa nhỏ xinh hạ mình về với đất. Đó là một cõi đi về rất đỗi bình yên trong tôi, tôi hiểu hơn ai hết…

– Nước sông Quên, đặng quên tình…

“Có con cáo nhỏ cô đơn,

Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,

Cơ mà đâu phải ngắm trăng,

Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.

Có con cáo nhỏ bơ vơ,

Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,

Nào đâu cáo muốn sưởi mình,

Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.”

– Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!

– Nhưng tôi chỉ biết mỗi bài này thôi…

– Muôn đời muôn kiếp, mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện