Chương 7

Tôi và Lý Thừa Ngân băng qua cầu, rảo bước về phía lầu trước, chưa tới nơi đã nghe văng vẳng lời qua tiếng lại om sòm. Vương đại nương đang quát tháo:

– Muốn bắt người phường này đi á, đừng hòng!

– Có nợ thì phải trả, lẽ đó là bất di bất dịch rồi!

Cầm đầu bọn du côn là một gã phốp pháp, béo trắng, để bộ ria mép cá trê, vẻ gian xảo, trông tướng tá đã biết ngay là loại chẳng ra gì. Nhác thấy hắn, tôi nổi giận, quát:

– Tôn Nhị, sao lại là ngươi?

Nhắc đến gã Tôn Nhị này, tôi và gã nếu không đánh nhau thì không quen biết. Cả chuyện cho vay nặng lãi ở quán rượu và sòng bạc. Có lần tình cờ bắt gặp gã đang đòi nợ một đôi cô nhi, quả phụ, tôi thấy chướng mắt liền nện cho hắn một trận. Từ đó trở đi, Tôn Nhị nể tôi ra mặt, không dám nhâng nháo trước mặt tôi nữa. Tôn Nhị hấp háy mắt nhìn tôi, hồi lâu mới nhận ra:

– Lương công Tử… Cậu đang mặc… Ha ha ha…

Quên mất là mình đang vận đồ nữ, tôi gác một chân lên ghế đẩu chẳng kiêng nể gì, gài mép váy vào thắt lưng, nói:

– Sao nào, thích đánh nhau hả? Tuy đang mặc váy nhưng ta vẫn thừa sức cho ngươi một trận tơi bời!

Tôn Nhị sợ sệt, bèn gượng cười, nói:

– Không dám, không dám ạ! Thực ra tại hạ chỉ đến đòi nợ thôi. Lương công tử à, có nợ tất phải trả đấy là lẽ thường ở đời mà. Con bé Du Nương này không phải cô nhi, cũng không phải quả phụ, lại chẳng bệnh tật gì, công tử nói thử xem, nó nợ tiền tại hạ, lẽ nào định quỵt?

Tôi hỏi Du Nương:

– Nàng nợ tiền hắn à?

Du Nương vốn là người thật thà, bèn thưa:

– Em nợ gì hắn đâu cơ chứ? Chẳng qua, có đôi vợ chồng là chỗ đồng hương với em, họ lên kinh thành làm ăn, không ngờ người vợ ngã bệnh không qua khỏi, nào tiền mời đại phu, tiền thuốc thang, sau cùng thêm tang sự nên mới đến tìm Tôn Nhị vay hắn mấy chục xâu tiền. Tôn Nhị bảo đồng hương của em không có tài sản gì, không muốn cho vay, trừ phi có người bảo lãnh, mà họ vốn không có ai thân thích ở chốn kinh thành, không còn cách nào khác, em đành giúp lão. Bây giờ người chồng làm ăn thua lỗ nên cuốn gói về quê, gã Tôn Nhị này mới tới tìm em đòi tiền.

Tôi nghe mà phát bực:

– Cái loại đồng hương gì thế? Quỵt nợ còn để nàng mang vạ…

Tôn Nhị giơ tay móc biên lai vay nợ ra:

– Đấy nhé Lương công tử, giả sử đây là cô nhi, quả phụ thì tại hạ cũng sẽ làm ơn làm phước một phen. Nợ nhà người ta kiểu gì chẳng phải trả. Giết người, phóng hỏa thì vinh hoa phú quý, xây cầu, sửa đường hóa ra chết không toàn thây…

Hắn vừa ngâm nga, tôi đã choáng váng mặt mày. Lý Thừa Ngân đứng đằng sau phì cười khiến Tôn Nhị nhảy dựng lên:

– Thằng ôn nào hỗn láo đấy?

– Ngươi nói gì hả?

Lý Thừa Ngân sa sầm mặt mày, tôi muốn can cũng khó.

Điện hạ ơi là Điện hạ, chớ có kích động, chớ có kích động!

Tôn Nhị nhìn lướt qua Lý Thừa Ngân rồi chắp tay nói với tôi:

– Bẩm Lương công tử, nếu hôm nay không đòi được tiền, bọn tại hạ đành đắc tội vậy.

– Cô nương này chỉ là người bảo lãnh, ngươi muốn đòi nợ thì đi mà tìm lão đồng hương kia. – Lý Thừa Ngân cười khẩy, rồi nói tiếp. – Trong “Đại luật” có quy định về việc vay nợ, văn tự đã ghi rõ, nếu con nợ qua đời, hoặc bỏ chạy, hoặc không có khả năng chi trả thì bên chủ nợ mới có quyền thu hồi khoản vay từ người bảo lãnh.

Tôn Nhị không ngờ Lý Thừa Ngân lại lôi “Đại luật” ra nói chuyện phải trái với gã, gã chớp mắt, nói:

– Bây giờ lão đồng hương kia trốn rồi, lẽ nào không gọi là bỏ chạy à?

– Bỏ trốn bao giờ? Người ta về quê kia mà. Ngươi thừa biết con nợ đang ở đâu, sao không về đó mà đòi, lại gây khó dễ với người bảo lãnh là sao hả?

– Lão đồng hương kia chạy đằng nào, làm sao ta biết được…

Lý Thừa Ngân đẩy nhẹ Du Nương một cái:

– Đồng hương của cô, nhà ở đâu hả?

Du Nương đờ người, lắp bắp:

– Thôn Tiểu Vương, huyện Thanh, phủ Vĩnh Hà, Định Châu…

Lý Thừa Ngân nói:

– Được rồi, giờ con nợ ở đâu đã rõ, ngươi muốn đòi nợ thì đi mà tìm lão, đừng ở đây phá rối nữa.

Vương đại nương nhân cơ hội nói chen vào:

– Cô nương này nói chí phải, ngươi muốn đòi nợ thì đi mà tìm con nợ ấy, sao lại đến gây chuyện với con gái phường này? Mau biến đi! Mau lên!

Bà ấy vừa nói vừa xô đẩy, chẳng mấy chốc, Tôn Nhị cùng mấy kẻ vô lại đã bị đuổi ra khỏi cửa. Tôn Nhị đứng ngoài giậm chân chửi bới om sòm, Vương đại nương vỗ lưng Lý Thừa Ngân, phấn khởi nói:

– Con gái ngoan giúp mẹ giành lại lẽ phải, con là ca nhi dưới trướng Du Nương hả? Tiền khách tháng này của con, mẹ cho con gấp đôi!

Tôi đứng ở bên mà cười như nắc nẻ. Gã Tôn Nhị kia vẫn lồng lộn văng tục ngoài cửa, song chẳng ăn thua gì. Đột nhiên tôi thấy gã vẫy tay với đám thuộc hạ, mấy kẻ đó tụ lại, thì thầm một hồi rồi chia nhau ra, tản mất hút. Tôi thốt lên:

– Ôi trời ơi, không xong rồi, chỉ e gã Tôn Nhị này sắp giở trò.

Vương đại nương vội sai thằng bé con đi đóng cửa:

– Đóng cửa mau! Đóng cửa mau! Không được để bọn chúng xông vào làm loạn. Còn hai cái đèn lưu ly Ba Tư của ta nữa chứ, mau gỡ xuống rồi đóng cửa, mai là tết Nguyên tiêu rồi, đèn này quý lắm, nhỡ hỏng thì…

Gian bên này còn đang tất tả hạ đèn, đóng cửa. Gian bên kia, Tôn Nhị đã dẫn người phăm phăm quay lại, kẻ nào kẻ nấy tay lăm lăm ống trúc, chẳng rõ bên trong đựng gì. Vương đại nương thoạt đông đã hốt hoảng, liền giục đám tiểu nhị mau đóng cửa. Đám du côn kia nhanh tay vẩy ống trúc trước khi cánh cửa kịp khép kín, từ ống trúc văng ra thứ gì đó đen sì. Chỗ nước ấy hắt lên cửa, đám tiểu nhị phụ trách đóng cửa không kịp né, vài tên dính nước đen ngòm từ đầu tới chân, thậm chí váy của Vương đại nương cũng dính. Bà ấy giận bầm gan tím ruột, chửi toáng lên;

– Chiếc váy hoa bằng lụa này bà mới may, mặc chưa được hai ngày, lũ khốn nạt mạt hạng kia… bà sẽ lột da chúng mày…

Vương đại nương một mực sai đám thuộc hạ mở cửa, nhưng bọn Tôn Nhị đã nhanh chóng bỏ chạy đến tận góc đường, lúc chạy còn quay đầu lè lưỡi trêu ngươi Vương đại nương. Điên tiết sôi gan, Vương đại nương vừa gào thét vừa giậm chân, không ngớt lời chửi rủa chúng.

Du Nương ra nhấc váy của bà ấy lên, cẩn thận xem xét rồi nói:

– Khoan đã mẹ ơi, đây hình như là mực tàu, lấy giấm chà qua, rồi giặt bằng nước lã là sạch. Mẹ thay váy đi, con giặt cho…

Vương đại nương khoác tay Du Nương, miệng vẫn lẩm bẩm chửi bới:

– Cái bọn khốn nạn kia, lần sau gặp phải bà, đừng trách bà băm vằm chúng mày…

Chửi rủa một hồi, Vương đại nương liền sai người đi lau sạch cửa. Chẳng hiểu tại sao, chà mãi cánh cửa gỗ sồi mới toanh tróc cả sơn mà vẫn không tài nào sạch được. Vương đại nương trông bọn người hầu lau mãi không sạch, lại càng bực bội. Tôi thấy vết mực đã thấm vào tận lõi gỗ trong, đột nhiên nảy ra một ý, liền sai đứa hầu gái đang đứng cạnh mình:

– Lấy phấn hồng và than kẻ mày lại đây.

Du Nương ngắm nghĩa khuôn mặt tôi, cười, nói:

– Lương công tử sắm vai nữ nhi, nom thanh tú mười phân vẹn mười, dù không trang điểm nhưng cũng hơn khối đứa trong phường chúng em rồi.

Tôi cười toét miệng, đưa tay kéo Lý Thừa Ngân:

– Tên này còn đẹp hơn ta. Mau đi lấy đi, ta bảo hắn vẽ!

Lý Thừa Ngân tức giận, gạt phăng tay tôi ra. Đứa hầu gái mang phấn hồng và than kẻ mày ra, tôi dúi cả khay vào tay hắn, nói:

– Vẽ đi!

Lý Thừa Ngân trượn mắt với tôi:

– Vẽ cái gì?

Tôi hằm hè nói:

– Lần trước Sắt Sắt của chàng dùng quạt trắng đập chết một con muỗi, chàng chẳng vẽ cánh bướm từ vết máu trên quạt cho ả còn gì? Chàng có đủ tài vẽ lên quạt thì bữa nay chắc chắn có bản lĩnh vẽ lên tấm cửa này.

Lý Thừa Ngân buông một tiếng “hừ”, tôi trông hắn có vẻ không đồng tình, liền nhón chân nắm chặt cổ áo hắn, nói:

– Không vẽ chứ gì, để thiếp réo tên vị khách đang ngồi ở lầu sau nhé!

Lý Thừa Ngân trợn trừng mắt:

– Nàng dám!

Tôi ngoác miệng hô:

– Mọi người mau qua lầu sau xem Hoàng…

Lý Thừa Ngân

Nhanh tay bịt miệng tôi, không để tiếng cuối kịp thốt ra ngoài. Hắn không dùng bút mà vốc một nắm phấn hồng, khoanh một vòng tròn rất lớn trên cánh cửa, rồi trát đầy phấn vào giữa, tiếp đó lại dùng than chì, chấm chấm vẽ vẽ lên vết mực. Hiếm khi tôi lấy Lý Thừa Ngân vẽ tranh, chứ đừng nói tới việc vẽ bằng đầu ngón tay, đám người xung quanh bắt đầu xì xào bàn tán, tôi cũng thấy tò mò. Đầu ngón tay hắn mải miết tô tô vẽ vẽ, không dùng bút, cứ bôi trát cho đến khi vừa ý, dần dà cũng hiện rõ hình dáng tổng thể. Sau cùng, hắn cẩn thận thêm thắt chi tiết, đám người xung quanh không khỏi nín thở, lặng người ngắm nhìn dáng vẻ thong dong vẽ vời của hắn.

Đợi bức tranh hoàn tất, mọi người cùng xem. Ôi! Vết mực bị hắt vào giờ đã biến thành cảnh núi non trùng điệp, thoắt ẩn thoắt hiện giữa khói trời mênh mông, chóp núi mờ xa, dặm biếc trầm mình trong sương mù, mặt trời đỏ ối mới ló rạng… quả là một bức tranh sơn thủy đẹp vô cùng.

Vương đại nương vỗ tay cười, nói:

– Vẽ đẹp quá! Mẹ toan bỏ tiền mời thợ cả An của Tây phường qua Tết này đến vẽ cửa, thoạt đầu định vẽ một bức ca vũ, nhưng công nhận tranh do An sư phụ vẽ thua xa bức này!

Thì lẽ đương nhiên, Thái tử đương triều cơ mà, từ nhỏ đã theo học toàn thầy nổi tiếng, thơ từ ca phú, cầm kỳ thi họa cái gì chẳng biết, cái gì chẳng hay, đương nhiên phải hơn hẳn đám thợ kia rồi.

Lý Thừa Ngân cũng lấy làm hài lòng, hắn phủi tay ngắm nghía một hồi, rồi lại nhấc than chì đề ba chữ “Cửa vẩy mực” rất lớn bên cạnh bức họa. Mặc dù tôi không am hiểu thư pháp, song cũng cảm nhận được đôi phần khí thế siêu phàm thoát tục toát ra từ nét bút như rồng bay phượng múa mà Lý Thừa Ngân đề trên cửa. Sự hả hê của hắn nào đã chịu nguôi, hắn lại viết thêm một dòng lạc khoản nho nhỏ bên dưới “Lý Ngũ Lang, Thượng Kinh”, xong xuôi mới hài lòng quẳng miếng than đi, ra lệnh:

– Múc nước rửa tay!

Vương đại nương hăm hở tự mình bưng nước cho hắn rửa tay. Tôi cũng lấy làm tự hào. Tuy năm xưa cha không đành lòng gả tôi đến Trung Nguyên để tôi lấy một gã như hắn làm chồng, nhưng xem ra tài cưỡi ngựa và võ nghệ yếu kém một chút thôi, chứ hắn cũng tài hoa ra trò!

Hắn rửa tay sạch sẽ, Vương đại nương sai người nấu ít đồ ăn thết đãi chúng tôi. Đột nhiên bà ấy trở nên ngờ vực, mắt láo liên săm soi Lý Thừa Ngân. Tôi sợ bà ấy sinh nghi, định mở miệng lấp liếm hộ hắn, bỗng nghe một tiếng “vèo” vọng ra từ hậu viên. Một dải pháo bông bắn vào không trung, nom cụm pháo ấy khác hẳn với những loại pháo hoa thông thường khác, không những vươn cao hơn, mà còn vọt lên thẳng tắp, kéo theo một vệt khói ánh bạc sáng lóa giữa màn trời đen kịt, cộng thêm tiếng huýt sáo chói tai khiến ai ai cũng phải chú ý. Pháo vươn cao tít, rồi nổ “bang” một tiếng đanh gọn, vệt pháo ấy nở rộ thành chùm khói màu vàng, sợi khói vương vãi khắp nơi, như xẻ vụn sắc đêm đen tuyền tựa như nhung tơ, những vết khói đan vào nhau, vẽ lên bầu trời rất bắt mắt. Bụi vàng li ti lất phất sau tiếng nổ ấy bảng lảng trên cao mãi không tan, phía bên kia chân trời lờ mờ phản chiếu ánh xanh.

Lý Thừa Ngân hốt hoảng, quay ngoắt chạy thục mạng về phía lầu sau. Tôi không kịp hỏi han gì, chỉ lo rảo bước đuổi theo hắn. Hắn sải những bước chân rất dài, tôi không tài nào bắt kịp. Đặt chân lên cầu, tôi mới sực nhận ra sự bất thường. Sân vườn im lìm đến đáng sợ. Dưới chân cầu có một bóng đen nằm sõng soài, dưới thân có dòng máu chậm rãi chảy quanh, uốn lượn như một con rắn nhỏ kỳ dị. Sao lại có người chết ở đây? Không kịp nghĩ ngợi, tôi sốt ruột gọi ầm lên:

– A Độ!

Không có tiếng A Độ đáp lại, tôi liến thoắng gọi liền mấy câu, bình thường chỉ cần hô một câu là A Độ sẽ nhảy ra ngay tức khắc, lẽ nào đã xảy ra chuyện gì với A Độ rồi? Tim tôi đập như trống dồn. Lý Thừa Ngân vung chân đạp bung cánh cửa. Chúng tôi rời căn phòng này chỉ khoảng chừng hai tuần trà, lẽ ra trong phòng phải ngát hương trầm thơm, vậy mà giờ đây xộc vào mũi chỉ có mùi máu tanh, xác người mặc đồ đen nằm la liệt dưới sàn nhà. Lý Thừa Ngân vội vã vòng qua tấm bình phong, rèm mành tơi tả, chứng tỏ nơi đây vừa xảy ra một trận giằng co ác liệt. Bàn trên sập bị hất văng xuống đất, vết kiếm vằn vện trên cột trụ, khắp nơi loang lổ máu, xác người như ngả rạ. Có gã vận đồ đen dựa người bên cột trụ thoi thóp thở. Lý Thừa Ngân lao đến đỡ gã dậy, khuôn mặt gã nhuốm máu, mắt trợn trừng, bả vai lộ ra xương quai xanh trắng ởn, thậm chí cánh tay và bả vai cũng bị chặt đứt lìa, còn hấp hối đã là kỳ tích, Lý Thừa Ngân gằn giọng hỏi:

– Bệ hạ đâu?

Gã nọ cụt nguyên bả vai phải, túm thật chặt ngực áo Lý Thừa Ngân bằng bàn tay trái, thở hổn hển, giọng thều thào, khản đặc:

– Bệ hạ… Bệ hạ…

– Là kẻ nào? Bệ hạ đang ở đâu?

– Hắn bịt mặt… Thích khách bịt mặt… Võ công quỷ dị… Thần bất tài…

Dường như gã đã vận đến chút sức lực cuối cùng để trỏ ra phía cửa sổ đang mở toang, ánh mắt dần đục mờ:

– Cứu Bệ hạ… Bệ hạ…

Lý Thừa Ngân định hỏi thêm nhưng ngón tay gã đã dần buông lơi, sau cùng rơi thõng trên vũng máu, bất động.

Lý Thừa Ngân ngước mắt nhìn tôi. Tôi thấy trong đôi mắt ấy vằn lên tia máu, người đã nhuốm đỏ, nơi nào nơi nấy la liệt người chết, tôi cảm thấy sợ. Chúng tôi chỉ bỏ đi một chốc lát mà thích khách đã giết từng này con người. Hơn nữa, những người ngã xuống đều là cao thủ của Cấm vệ quân, Bệ hạ cải trang vi hành tất phải dắt theo những hộ vệ võ công cao cường, thế mà họ vẫn bị giết. Võ nghệ của gã thích khách này thực sự khó lường khiến tôi không dám tưởng tượng nữa. Lý Thừa Ngân nhặt một thanh kiếm rồi đứng bật dậy, lao phắt qua cửa sổ.

Tôi gào lên thất thanh:

– A Độ !

Chẳng rõ A Độ đã chạy đi đằng nào, sực nhớ chuyện lần trước, tôi lo ngay ngáy, không biết A Độ an nguy thế nào. Lại thêm nỗi hoang mang vì Lý Thừa Ngân, với võ công cái thế của gã thích khách kia, muốn giết tôi và Lý Thừa Ngân quả thực dễ như trở bàn tay. Tôi cũng lượm một thanh kiếm giữa vũng máu, lao ra khỏi cửa sổ theo hắn, tự nhủ muốn giết thì cứ giết, cùng lắm là chết.

Phía sau là một khoảng sân nhỏ, chính giữa có đắp núi đá được chuyển về từ phương Nam xa xôi, xếp giữa vườn để đỡ mấy cây hoa, thời tiết vẫn lạnh, cây cối chưa đâm chồi lộc mới. Đi qua núi đá, Lý Thừa Ngân chợt đứng sững lại, vòng tay ra sau đẩy tôi lùi lại, nấp sau người hắn. Sỏi đá dưới chân tôi gồ ghề, tôi ngây người dán mắt lên gáy hắn, bỗng nhớ lại lần gặp thích khách trước đây, hắn cũng đẩy tôi ra như thế này. Cảm xúc chua chát quyện lẫn ngọt bùi không thể gọi tên đang dấy lên trong tôi. Tôi kiếng chân phóng tầm mắt nhìn quanh, qua bờ vai hắn, tôi thấy đằng xa có vài gã mặc đồ đen đang giằng co vây hãm một kẻ bịt mặt. Võ công của người đứng đầu phe vận đồ đen có vẻ cao cường, thế nhưng rõ ràng hắn không phải là đối thủ xứng tầm với thích khách. Phe mặc đồ đen đều là những cao thủ đứng đầu Cấm vệ quân, tuy đang bị trọng thương, song họ vẫn chiến đấu ngoan cường. Gã thích khách kia một tay lăm lăm thanh kiếm, tay kia khống chế một người khác, chính là Bệ hạ. Mặc dù tên thích khách một tay kẹp chặt cổ tay Bệ hạ, tay còn lại cầm kiếm, nhưng kiếm pháp hắn tung ra vẫn nhanh như chớp, mỗi đường kiếm đều vạch lên thân thể những người phe mặc đồ đen một vết thương chí mạng. Nhờ có ánh trăng tôi mới nhận ra trên núi đá loang lổ những vệt máu. Bấy giờ, ở nơi xa văng vẳng vọng lại tiếng rền vang như sấm. Gã thích khách bỗng đưa kiếm kề ngang cổ Bệ hạ, tất thảy những kẻ đứng đó không một ai dám nhúc nhích, đành bất lực mở trừng mắt nhìn hắn.

Lý Thừa Ngân hét:

– Bỏ người đó ra!

Giọng nói ấy vang lên rõ ràng như tiếng sấm.

Tôi không rõ có phải bầu trời đang dậy sấm không. Tiếng động trầm vang phía xa kia vừa rền rĩ vừa vang dội, rất giống tiếng sấm đầu xuân. Chưa bao giờ tôi thấy sợ như hôm nay, không phải nỗi sợ khi chứng kiến căn phòng đầy những xác người, cũng không hề thấy kinh hãi trước một gã thích khách xuất quỷ nhập thần, mà chỉ là canh cánh không yên về một điều gì đó không rõ ràng.

Tiếng sấm mỗi lúc một rõ, một gần. Qua một lúc, tôi mới nhận ra đó không phải tiếng sấm, mà là tiếng vó ngựa. Tiếng vó ngựa văng vẳng từ bốn phương, tám hướng, đang tiến đến phường Minh Ngọc bé nhỏ này. Trước kia, chưa bao giờ tôi được nghe tiếng ngựa nện móng dồn dập đến thế. Cho dù trên thảo nguyên tôi từng chứng kiến cha mình dàn binh tập trận, điều quân xung phong… nhưng âm thanh ấy không vang dội như thế này. Thoạt đầu tôi còn nghe loáng thoáng tiếng người kêu gào hoảng sợ trong phường Minh Ngọc, rồi tiếng ồn ào từ lầu trước, cuối cùng, tôi chỉ còn cảm nhận được rằng, nhà cửa bốn phía cũng như đang lắc lư, bụi trên đầu cũng rơi lả tả. Gian nhà phía trước giờ đây tịnh không một tiếng người, chỉ nghe tiếng vó ngựa cuồn cuộn như cơn thủy triều đáng sợ đang lao đến, giáng xuống như những trận cuồng phong, bão cát kinh hoàng nhất trên sa mạc, cuốn theo cát bụi bay mù mịt. Vạn vật giữa đất trời chìm nghỉm trong âm thanh đáng sợ kia.

Gã thích khách im lặng, tay lăm lăm thanh kiếm khống chế Bệ hạ, lùi từng bước.

Không một ai dám manh động, bỗng Bệ hạ quát:

– Tằng Hiến! Giết thích khách đi!

Thì ra thủ lĩnh phe áo đen tên là Tằng Hiến. Tôi đã từng nghe thấy cái tên này, biết ông ấy là tướng chỉ huy có tiếng trong Thần vũ quân[1], võ công cái thế, nghe đồn một trăm người không địch nổi một mình ông ấy. Bả vai Tằng Hiến đang rỉ máu, ông ấy bước từng bước một. Mũi kiếm của gã thích khách kia sắc lạnh, ngời ánh thép, kề ngay cổ Bệ hạ. Giằng co mãi cũng không phân thắng bại, tôi bức bách đến nỗi mồ hôi nơi sống lưng rịn ra buốt lạnh. Lý Thừa Ngân bỗng phá lên cười, nói với thích khách:

[1] Thần vũ quân: Tên gọi của Cấm vệ quân đời nhà Đường.

– Ngươi biết ta là ai chứ?

Gã thích khách bịt kín mít, chỉ lộ ra đôi mắt, ánh mắt ráo hoảnh, vô tình không có bất cứ biểu cảm nào, ánh nhìn lạnh lẽo quét trên người Lý Thừa Ngân.

– Bây giờ cánh quân tiếp viện của Thần vũ quân hẳn đã bao vây kín chỗ này, ngươi mà phản kháng, ắt sẽ trở thành tấm bia cho ngàn vạn mũi tên. Chỉ cần ngươi buông kiếm hàng, ta đảm bảo sẽ giữ lại mạng sống cho ngươi.

Ánh mắt tên thích khách sáng quắc, thoáng tia do dự. Lý Thừa Ngân tiếp lời.

– Nếu ngươi không yên tâm, ngươi cứ bắt ta làm con tin, đợi ngươi bình an rút lui rồi phóng thích ta sau.

Lòng bàn tay tôi túa mồ hôi, thậm chí chuôi kiếm đang cầm trơn tuột. Lòng hạ quyết tâm, từ phía sau Lý Thừa Ngân tôi nhảy vọt ra:

– Hãy bắt ta làm con tin, dẫu sao ta cũng chỉ là phận nữ nhi yếu đuối, ngươi sẽ không phải lo ta giở trò. Đợi ngươi rút lui an toàn rồi thả ta về sau.

Lý Thừa Ngân quắc mắt nhìn tôi, tôi chẳng buồn quẳng cho hắn một cái lườm. Tôi thừa hiểu ý hắn, mà cũng biết đây không phải là trò đùa, nhưng với tình thế trước mắt, bảo tôi trơ mắt nhìn thích khách bắt hắn làm con tin, tôi không đành lòng.

Tên thích khách vẫn lặng thinh, chỉ có thanh kiếm lạnh lùng chĩa ra. Tằng Hiến đang đợi tiếp viện nên cũng không dám làm căng, đôi bên cố cầm cự.

Lý Thừa Ngân đứng chôn chân. Những tiếng rầm rầm bên ngoài đột nhiên im bặt, một hồi lâu hành lang mới văng vẳng tiếng bước chân, có người đang tiến đến gần. Sống lưng tôi lạnh toát, mồ hôi túa ra đầm đìa, thầm nghĩ hay thích khách có đồng bọn? Tiếng bước chân mỗi lúc một gần, mỗi lúc một sát, Lý Thừa Ngân chợt đưa tay nắm chặt tay tôi, lòng bàn tay ấy nóng ran, nhưng kỳ lạ làm sao tôi lại thấy bình tĩnh hơn hẳn. Chắc bởi tôi biết, hắn đang ở ngay bên cạnh, dù có nguy hiểm thì đã sao? Cùng lắm là chết chứ gì! Hào khí ngay tức khắc sống dậy trong tôi. Thế rồi rất nhiều người xộc vào, dẫn đầu là một người vận giáp bạc, thấy tình hình hai bên đang giằng co quyết liệt, không tránh khỏi thảng thốt, song hắn lập tức lấy lại bình tĩnh, quỳ lạy. Lớp giáp mai cọ vào nhau sột soạt, hắn thưa:

– Thần Doãn Ngụy cứu giá chậm trễ, xin Bệ hạ thứ tội!

– Đứng lên đi!

Tuy lưỡi kiếm của thích khách đang kề sát cổ Bệ hạ, vậy mà giọng người vẫn thản nhiên như không.

– Truyền lệnh giới nghiêm toàn thành, đóng cửa chín cổng thành.

– Tuân lệnh!

– Thần vũ quân và Vũ lâm quân của Đông cung lập tức tiến hành lục soát trong thành, truy tìm đồng đảng của thích khách!

– Rõ!

– Không được để lọt tin tức, kẻo làm rối loạn lòng dân.

– Tuân lệnh!

– Mau đi đi!

– Vâng!

Doãn Ngụy lập tức rảo bước thoái lui, không kịp hành lễ. Tôi nghe tiếng hắn dặn dò ai đó ở hành lang, rồi tiếng bước chân gấp rút cứ thế xa dần, thêm vài kẻ lục tục chạy ra ngoài. Qua một lúc hắn mới tiến vào, bẩm:

– Xin Điện hạ trở về Đông cung trấn an hoàng thất, chỗ này đã có thần xử trí.

Lý Thừa Ngân lắc đầu, ánh mắt sáng quắc nhìn chằm chằm tên thích khách:

– Ngươi thả Bệ hạ ra, ta sẽ làm con tin của ngươi.

Hắn vẫn nắm chặt tay tôi, tôi hét lên:

– Không! Để thiếp làm con tin!

Lý Thừa Ngân quay ngoắt sang, hằn học trừng mắt với tôi:

– Im đi!

Trước kia chúng tôi thường xuyên cãi vã, nhưng chưa khi nào hắn tỏ thái độ gắt gỏng, cộc cằn như thế này. Tuy đang sợ, nhưng tôi vẫn lấy hết can đảm, lên giọng nói với thích khách:

– Luận đến cao quý, ta cao quý hơn hai người bọn họ nhiều, đừng tưởng một người là Thiên tử, một người là Thái tử mà lầm. Luận đến sự quan trọng, không ai đọ nổi ta đâu. Ngươi là thích khách, ắt biết ta không chỉ là Thái tử phi đương triều, mà còn là Công chúa của Tây Lương, ta lấy Lý Thừa Ngân vì mong muốn mối bang giao giữa hai nước đời đời vững bền. Tuy ngươi đang khống chế Bệ hạ, nhưng Bệ hạ vốn cương nghị, người quyết không ngã lòng trước sự uy hiếp của ngươi đâu, Bệ hạ sẽ cưỡng chế sai Thái tử Điện hạ cùng Thần vũ quân lập tức bắn tên, khiến ngươi thịt nát xương tan, chết không toàn thây. Dù ngươi đại nghịch bất đạo, cố công giết Bệ hạ, nhưng tiếc thay cho ngươi, sau này Thái tử Điện hạ đăng cơ, ngươi chỉ còn con đường chết. Giả sử ngươi bắt Điện hạ làm con tin, Bệ hạ còn những mười mấy hoàng tử khác cơ mà, nếu Điện hạ không chịu được sự uy hiếp của ngươi, chắc chắn lúc đó Bệ hạ sẽ ra lệnh cho Thần vũ quân hạ thủ ngươi ngay lập tức, cùng lắm thì Bệ hạ sẽ lập người khác làm thái tử. Thế nên, chọn cách nào thì ngươi cũng chỉ có con đường chết không toàn thây. Song ta thì khác, ta không chỉ là Thái tử phi, ta còn là Công chúa của Tây Lương, giả dụ ta chết, Tây Lương tất sẽ dấy binh, dẫn đến hai nước giao tranh, trăm họ lầm than, vì lẽ đó nên Bệ hạ và Điện hạ tuyệt đối sẽ không để ta chết, nếu ngươi bắt ta làm con tin, đảm bảo ngươi sẽ bình an thoát thân.

Lý Thừa Ngân nổi giận đùng đùng:

– Nói xằng! Kẻ địch đang ở trước mặt, nàng nhúng tay vào làm gì? Người đâu! Đưa Thái tử phi về Đông cung!

Tôi chỉ còn nước ngọt nhạt, đăm đăm nhìn gã thích khách:

– Những gì ta nói, ngươi cứ nghĩ kỹ đi, xem có đúng không?

Không biết câu nào của tôi đã lay động được gã, một lúc lâu sau, gã thoáng băn khoăn rồi gật gù.

Tôi cả mừng, thật là điều ngoài mong đợi, vội nói:

-Hãy thả Bệ hạ ra, ta sẽ đi theo ngươi!

Gã lạnh lùng nhìn tôi, cuối cùng nói:

– Ngươi qua đây!

Giọng gã nghe rất lạ, gần giống giọng tôi hồi mới học tiếng Trung Nguyên, phát âm không chuẩn. Nhưng giữa lúc nước sôi lửa bỏng, tâm trí nào mà nghĩ ngợi được nhiều thế, tôi cố mặc cả với gã:

– Ngươi thả Bệ hạ trước đi!

Gã không nói lời nào, thanh kiếm trên tay kề sát vào cổ Bệ hạ, như thế sắp xé toạc lớp da mỏng manh ngay yết hầu người. Tôi hét lên:

– Đừng động thủ, ta qua là được chứ gì!

Lý Thừa Ngân tiến lên định ngăn tôi lại. Tôi vung kiếm chĩa về phía hắn. Bất đắc dĩ hắn phải lách người tránh đường kiếm, tôi liền rảo chân lao về phía tên thích khách. Gã vươn một tay chụp gọn tôi, tay kia tự nhiên cũng nới lỏng. Chính lúc ấy, hàng trăm mũi tên đồng loạt lao tới. Thân thủ của tên thích khách quả nhiên đáng kinh ngạc, gã nghiêng người xoay mình theo những góc độ mà tôi chưa từng được thấy, thanh kiếm trong tay vung lên loang loáng, chặt đứt làn mưa tên. Bệ hạ thừa cơ vùng thoát khỏi sự khống chế của gã, tôi chĩa kiếm lao về phía thích khách, nhưng gã ra tay xuất quỷ nhập thần, nhanh như cát hạ gục thanh kiếm trên tay tôi. Chỉ chờ có vậy, tôi liền sải rộng cánh tay nhào đến, trong chớp mắt, tôi húc vào người Bệ hạ, đẩy mạnh người văng sang một bên.

Bệ hạ bật lùi về phía sau mấy bước, Tằng Hiến kịp thời chụp lấy cánh tay Bệ hạ, kéo người thoát khỏi mũi kiếm của thích khách. Giờ đây, những ngón tay lạnh băng của gã đang bóp chặt cuống họng tôi, nhưng sự lạnh lẽo ấy không thể bằng lưỡi kiếm đang kề ngay trên cổ.

– Tiểu Phong!

Nghe Lý Thừa Ngân gọi tên mình, tôi liền ngoảnh lại, chỉ thoáng thấy gương mặt và ánh mắt đầy day dứt của hắn.

Tôi thầm nhủ, nếu mai này mình ra đi vĩnh viễn, mình sẽ khắc ghi nét mặt này. Tôi biết, không đời nào Bệ hạ và hắn sẽ thả thích khách, tôi nào quan trọng đến vậy, Tây Lương cũng chẳng là gì. Những câu nói suông vừa rồi, trong lòng tôi hiểu rõ hơn ai hết, tất thảy đều là dối trá.

Thần vũ quân lập tức vây quanh bảo vệ Bệ hạ và Lý Thừa Ngân. Tôi nhoẻn miệng cười với Lý Thừa Ngân, dù biết hẳn nụ cười ấy méo xệch, tôi vẫn cố cười thật tươi. Giả sử đây là lần cuối, vậy thì tôi không thể khóc, tôi mong hắn sẽ mãi ghi nhớ gương mặt với nụ cười tươi của mình.

Tôi hé miệng, mấp máy môi nói không rõ tiếng:

– Bắn tên đi!

Tôi biết chắc chắn Thần vũ quân đã bố trí cung thủ mai phục khắp nơi, lúc này đây, chỉ cần một hiệu lệnh được phát là đủ để hô biến gã thích khách thành con nhím. Võ công của gã cao cường, hạ sát vô số người, mới rồi còn uy hiếp Hoàng đế, nếu không trừ khử ngay, ắt sẽ để lại hậu họa khôn lường.

Vậy mà dường như Lý Thừa Ngân không hề để ý môi tôi đang mấp máy, Bệ hạ thấp giọng ra lệnh:

– Chớ làm bừa!

Thật không ngờ Bệ hạ sẽ hạ lệnh như vậy. Lưỡi kiếm lạnh toát vẫn kề sát cổ họng tôi, Lý Thừa Ngân giật phắt mũi tên trên tay Tằng Hiến, cất giọng đanh thép:

– Nếu ngươi dám động đến thê tử của ta, dù chỉ là một chút, Lý Thừa Ngân này thề sẽ băm vằm ngươi thành trăm mảnh, khiến ngươi chết không toàn thây! Ngươi hãy thả nàng ra, ta hứa sẽ để ngươi rút lui an toàn. Ta nói được tất làm được, giống như mũi tên này!

Nói đoạn, Lý Thừa Ngân liền bẻ đôi mũi tên, ném hai khúc tên gẫy xuống chân thích khách, xẵng giọng quát:

– Mau thả người!

Gã thích khách dường như vừa buông tiếng cười khẩy, ngay sau đó, gã quay ngoắt chuôi kiếm, gõ mạnh vào đầu tôi. Mọi thứ trước mắt tôi bỗng tối sầm, tôi lả đi ngay tức khắc.

Lúc tỉnh dậy tôi vừa lạnh vừa đói, chưa kể tay chân bị trói chặt, không thể nào cử động được. Bần thần mãi, tôi mới nhớ ra mình bị gã thích khách bắt làm con tin, Lý Thừa Ngân bẻ mũi tên thề, đòi hắn thả người. Giờ tôi đang ở đâu đây? Lúc này đã là ban ngày, tôi hé mắt nhìn cành thông che rợp một góc trời xanh, chẳng biết mình đã hôn mê bao lâu, cũng không rõ tên thích khách đã đi đằng nào, mà điều khó hiểu nhất vẫn là tôi đang ở đâu.

Có tiếng nước róc rách chảy bên tai, gió thổi thêm lạnh khiến tôi run rẩy. Tuy không thể cử động, song mắt tôi vẫn láo liên nhìn, bên trái tôi có khóm cỏ khô, bên phải là đống đất đá, chỗ xa hơn thì nhìn không rõ lắm… Bụng tôi lép kẹp, sao mà tránh được hoa mắt, chóng mặt. Tôi thầm nghĩ, Thượng Kinh lớn thế này, cho dù Thần vũ quân có giới nghiêm, lục soát khắp thành, nhưng đợi bọn họ xới tung từng tấc đất lên, chỉ e mình không cầm cự nổi mấy ngày. Nếu Thần vũ quân không đến kịp, mình chết vì đói mới thật đáng thương!

Tôi đang mải nghĩ ngợi vu vơ, bỗng một góc áo ló ra phía bên tay trái. Tôi liếc mắt soi xét một hồi, nhận ra đó là chiếc áo mà gã thích khách đã vận tối qua, chẳng ngờ hắn không để tôi lại một mình rồi cao chạy xa bay. Chắc bởi chín cổng thành đã giới nghiêm, Thần vũ quân và Vũ lâm quân đang ráo riết truy nã, hắn đành lấy tôi ra làm bùa hộ mệnh. Gã này võ công cao siêu, coi mạng người như cỏ rác, thậm chí còn có cả gan uy hiếp đức vua, gã rõ ràng là một kẻ gian tặc, phản nghịch. Giờ tôi rơi vào tay gã, không rõ gã định làm gì tôi đây, mới nghĩ đến đó thôi tôi đã thấy ớn lạnh. Thế nhưng sợ thì cứ sợ, tôi thừa hiểu có sợ cũng chẳng ích gì, đành nhắm mắt vào đã, thầm nghĩ muốn chém muốn giết gì thì mặc bay.

Hồi lâu không thấy động tĩnh gì, bỗng tôi ngửi thấy mùi thơm phức. Tôi định tiếp tục nhắm nghiền mắt, ngặt nỗi, lòng tôi không sao cưỡng lại được sức hút của mùi hương chỉ ngửi thôi đã thấy hấp dẫn vô cùng ấy, đành hé mắt nhìn. Thì ra ngay trước mặt tôi là một bọc thịt dê hoàng kỳ[2], loại thịt này, đừng nói ở Đông cung, ngay cả trên phố cũng chỉ được xếp vào thức ăn bình thường mà thôi. Có điều tối qua tôi ngủ lay lắt, cơm tối cũng chưa ăn, hôm nay chẳng rõ đã hôn mê bao lâu, bụng dạ đã sôi réo từ bao giờ… Bọc thịt dê này đặt ngay bên cạnh, dậy mùi thơm nức mũi, trách chăng khó cầm lòng.

[2] Hoàng kỳ: Tên một vị thuốc đông y.

Nhất là khi cái bụng đấu tranh mãi không thôi, nó kêu gào nãy giờ.

Nhưng tôi đang bị trói, bảo tôi van nài gã thích khách ấy à… Hừm! Con gái Tây Lương chúng tôi xưa nay không bao giờ hạ mình trước mặt địch dễ dàng như vậy.

Chẳng ngờ không đợi tôi phải năn nỉ, cầu xin, gã bất ngờ chém đứt dây trói trên cổ tay tôi. Tôi vùng vẫy bật dậy, lúc này mới quan sát gã thật kĩ. Gã thích khách vẫn bịt kín mặt, ngồi vắt vẻo trên cành cây, ôm kiếm lạnh lùng nhìn tôi.

Nơi đây hình như là ven sông, tôi nghe có tiếng nước chảy. Bốn bề san sát những lau già sậy úa, vẳng nghe đâu đó có tiếng vịt kêu khắc khoải, gió thốc qua rừng cây mang theo cơn lạnh cắt da cắt thịt. Tôi dán mắt vào bọc thịt dê ấy, thầm nuốt nước bọt, song vẫn chậm rãi xoay cổ tay, thầm cân nhắc xem nên bỏ trốn thế nào. Gã cho mình đồ ăn, vậy thì chưa chắc sẽ giết mình ngay. Nhưng làm sao mới thoát khỏi tay gã đây, võ công gã cao siêu là thế, chỉ e ngay cả A Độ cũng không phải đối thủ của gã…

Hình như tay thích khách đọc được ý nghĩ của tôi, gã nói:

– Trốn? Rút gân chân.

Gã chỉ nói một câu ngắn gọn, vẫn giọng điệu đều đều ấy, nghe sao mà kỳ quái, song tôi vẫn hiểu được. Gã vừa nói, tôi cứ thử chạy xem, gã sẽ cắt đứt gân chân tôi. Tôi không sợ nhé, liền liếc xéo gã, còn thè lưỡi trêu ngươi gã. Có một câu thế này, sống chết có số, phú quý do trời, tôi nghĩ đã lâm vào bước đường này rồi, chi bằng cứ chén thịt dê cái đã, kẻo trước khi có người đến cứu thì tôi đã sớm tạ thế vì đói.

Nghĩ vậy, tôi liền cầm thịt dê lên, ngoạm một miếng thật to rồi nhai ngấu nghiến. Chẳng rõ có phải do đói quá hay không mà tôi cảm thấy mùi vị món thịt dê này sao giống món thịt dê mà đầu bếp nội cung thường làm, ăn rất ngon. Con người ta một khi đã đói, ăn cái gì cũng cảm thấy ngon, huống chi là thịt dê hoàng kỳ. Tôi ăn thỏa thuê một cách ngon lành, khiến gã thích khách không kìm được tiếng cười khẩy.

Tôi vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói:

– Ta biết ngươi đang cười gì rồi… Chắc ngươi đang cười ta đường đường là Thái tử phi mà tướng ăn lại bỗ bã thế này chứ gì? Ôi dào, ta ăn uống đẹp mắt hay không, liên quan gì đến loại thảo khấu[3] như ngươi? Vả lại, con gái Tây Lương xưa nay không câu nệ tiểu tiết. Ngươi bắt cóc ta đến đây, đừng tưởng có miếng thịt dê là ta sẽ tha cho ngươi. Nói để ngươi hay, lần này ngươi gây họa lớn rồi. Ngươi biết cha ta là ai không? Đàn ông Tây Lương mà biết ngươi dám trói ta thế này, thế nào cũng cho ngựa giày xéo ngươi thành trăm mảnh. Nếu ngươi muốn giữ cái mạng của mình thì cứ trốn cả đời trong Ngọc Môn Quan đi, kẻo một khi đã lạc bước đến địa giới Tây Lương, ắt sẽ bị ngựa quần chết. Mà kể cả ngươi có ở lỳ trong Ngọc Môn Quan đi nữa, e cũng khó bảo toàn tính mạng. Còn phụ hoàng của ta nữa chứ, ngươi cũng biết người là Thiên tử, Thiên tử nổi giận, máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Chọc ai không chọc, lại dây với vua. Chưa kể Lý Thừa Ngân, phu quân ta tức đương kim Thái tử ấy, ngươi biết Thái tử là ai không hả? Là hoàng đế tương lai đấy! Tuy không thể sánh bằng Bệ hạ, nhưng ngươi cứ thử chọc đến hắn xem, đảm bảo ngươi sẽ thành nước xốt thịt, chẳng khó gì…

[3] Thảo khấu: Chỉ những tên cướp ở những nơi rừng núi hẻo lánh thời xưa.

Tôi hí hửng ăn thịt dê, nửa huênh hoang dọa dẫm, nửa ba hoa khoác lác, thao thao bất tuyệt một hồi nhưng gã không thèm đáp lại. Tôi chén xong bữa thịt dê, hắn vẫn im lặng, thật chán. Quan sát bộ trang phục hắn đang mặc và thanh bảo kiếm hắn đang ôm khư khư trong lòng, tôi hoàn toàn không tìm ra manh mối nào, xem ra khó mà đoán được lai lịch và thân phận của gã. Không hiểu gã uy hiếp Bệ hạ vì cớ gì? Mới ngẫm đến đó, tôi sực nhớ đến một chuyện.

Thoạt đầu, Tôn Nhị tới gây sự, kế đó thích khách khống chế Bệ hạ, nếu nói hai việc này không có bất kỳ mối liên quan nào, đánh chết tôi cũng không tin. Ngặt nỗi, loại người vô lại như Tôn Nhị làm sao có thể quen biết tên thích khách võ công cao cường này? Mắt đảo liên hồi, tôi vắt óc tìm kiếm mối liên quan giữa hai sự việc. Tên thích khách nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng, có nhìn tôi cũng chẳng sợ. Chỗ Bệ hạ thiếu gì nhân tài, hơn nữa, Lý Thừa Ngân có phải loại ngốc đâu, chắc chắn sẽ nghĩ tới việc Tôn Nhị vấy mực gây sự, rồi từ vụ Tôn Nhị bắt đầu truy tìm tên thích khách.

Gã này võ công cao cường, hành tung lại bí ẩn, chắc sẽ khó điều tra đây. Tôn Nhị thuộc loại côn đồ khét tiếng nhưng gốc gác của hắn ở ngoại ô, họ hàng thân thích mấy đời đều ở Thượng Kinh, có chạy đằng trời cũng không thoát. Chỉ cần nắm chắc trong tay tên Tôn Nhị kia, lo gì không lần ra đầu mối, một khi đã có manh mối, trước sau gì cũng sẽ cứu được tôi.

Một thân một mình gã thích khách mà có thể đấu lại với những cao thủ của Thần vũ quân, thiết nghĩ đằng sau tài hô phong hoán vũ gần như bất khả chiến bại của hắn, lai lịch ắt hẳn không phải loại vừa. Trước khi ra tay, hòng tránh tai mắt của đàm người trong phường, hắn sai Tôn Nhị đến gây sự nhằm đánh lạc hướng nhưng cũng không cần làm căng, cốt để kéo tôi và Lý Thừa Ngân ra lầu trước. Giả sử lúc đó chúng tôi không bị lừa, chưa biết chừng cũng bị gã giết rồi cũng nên… Nghĩ lại vẫn thấy ớn lạnh cả người, tôi nghĩ, bao năm qua, mình sống bình an đến ngày hôm nay quả thực không dễ dàng gì, nếu không có A Độ bảo vệ… Mà A Độ … Tôi nhảy dựng lên, trợn trừng mắt nhìn gã thích khách:

– Ngươi giết A Độ rồi à?

Gã không đáp, chỉ lừ lừ nhìn tôi.

Ngẫm ra, trước mặt gã, tôi chỉ là một kẻ trói gà không chặt nhưng nếu gã giết A Độ, tôi quyết liều mạng với gã. Tôi gườm gườm nhìn gã, tự nhủ, võ nghệ của A Độ cũng thuộc hàng cao siêu, tên thích khách này tuy có phần hơn, song nếu hắn muốn giết A Độ, làm gì có chuyện không trầy vi tróc vẩy thế này. A Độ giống tôi, dù chết cũng quyết sống mái một phen với địch, gì thì gì cũng phải để lại trên người gã mấy vết thương mới được. Bây giờ nom hắn còn lành lặn thế này, nhất định A Độ vẫn còn sống. Tôi nghĩ mãi, cảm thấy cớ ấy võ đoán quá, bèn quay sang đánh giá con người tên thích khách, ngặt vì gã chỉ nhả mấy câu gọn lỏn nên tôi đoán không ra. Lòng tôi nóng như lửa đốt, chỉ lo cho A Độ .

Đúng lúc ấy, gã tuốt kiếm chỉ vào tôi, lạnh lùng bảo:

– Ăn xong thì lên đường!

Thì ra bữa thịt dê ấy là bữa cuối cùng, giống tử tù trước khi hành hình bao giờ cũng được thết một bữa no nê. Tôi chẳng thấy sợ hãi, vì biết rõ bây giờ có van xin cũng vô ích. Tôi ưỡn ngực, nói:

– Muốn giết thì cứ giết đi, thế nào cha ta cũng tìm ngươi báo thù. Còn phụ hoàng, còn cả Lý Thừa Ngân… và A Độ nữa. A Độ mà còn sống, nhất định sẽ chặt đứt đầu ngươi, xương sọ của ngươi sẽ được phụ vương ta dùng làm bát uống rượu.

Gã lạnh lùng nhìn tôi, đột nhiên tôi nhớ tới một người, vênh vang bảo gã.

– Chưa hết! Tình cũ của ta là cao thủ võ lâm, ngươi mà giết ta, chắc chắn kiếp này hắn sẽ không tha cho ngươi. Kiếm pháp của ngươi kém hắn nhiều lắm, hắn ra tay nhanh như cắt, còn lâu ngươi mới bằng hắn. Hắn có thể lấy đầu ngươi bất cứ lúc nào, ngươi cứ đợi đấy!

Tôi nói vậy mà gã vẫn không hề nao núng, thanh trường kiếm trên tay khẽ nhích hai phân. Tôi thở dài thườn thượt, ăn no rồi chết, tôi chết cũng chẳng đáng tiếc, chỉ thương trước khi chết tôi vẫn không biết A Độ sống chết thế nào thôi.

Nghe tôi thở dài, gã thích khách lạnh lùng bảo:

– Ngươi còn muốn trăng trối gì nữa không?

– Trăng trối thì không có. – Tôi cố nén tiếng thở dài. – Ngươi giết sao cho dứt khoát, gọn gàng là được.

Đôi mắt lạnh lùng của gã dường như không chút mảy may thương tiếc, gã nói:

– Ngươi tình nguyện chết thay phu quân à, cũng tình nghĩa quá nhỉ? Ngươi yên tâm, ta sẽ làm một nhát gọn ghẽ.

Tôi buột miệng kêu lên:

– Ai bảo ta chết thay phu quân! Ngươi đừng có hiểu lầm! Ngươi uy hiếp là Bệ hạ cơ mà, Bệ hạ có phải phu quân ta đâu! Còn phu quân ta… Ta nợ chàng một kiếm thì giờ trả lại cũng đúng thôi.

Gã khẽ cử động cổ tay, định vung kiếm, tôi bỗng gào lên:

– Khoan đã!

Thấy gã vẫn lạnh lùng nhìn mình, tôi nói:

– Đằng nào ta cũng chết, ngươi tháo khăn bịt mặt xuống, để ta nhìn mặt mũi ngươi ngang dọc thế nào đã, kẻo sau khi chết, ta biến thành oan hồn vất vưởng, muốn hóa thành ma ám người cũng không có cớ.

Câu này thật vớ vẩn, đời nào gã chịu nhân nhượng, thanh kiếm cứ thế nhích gần thêm mấy phân. Tôi lại thét:

– Khoan, khoan! Trước khi chết, để ta thổi một điệu kèn cái đã. Người Tây Lương chúng ta có tục, trước khi chết phải thổi một điệu kèn, không thì sau này không được đầu thai.

Tôi vốn chẳng hi vọng gã sẽ tin mấy lời nói hươu nói vượn của mình, ngờ đâu gã lại gật đầu.

Đầu tôi rối bời, nhưng không nghĩ ra cách tháo chạy, cứ lần lữa một lúc thật lâu. Tôi mò mẫm trong tay áo, giả vờ tìm kèn nhưng lại tìm thấy một thứ khác, liền rút ra, vung tay về phía gã.

Tôi vừa mò thấy phấn má hồng, loại bột vừa nhẹ lại mảnh ấy theo chiều gió thốc, bám vào mặt gã. Loại phấn này rất thơm khiến gã lầm tưởng là thuốc mê hay phấn độc gì đó. Nhưng kẻ này cũng chẳng phải vừa, chỉ bằng một cái phất tay, đám bột bị thổi dạt quá một trượng, dù là có độc thật cũng không làm gì được gã. Song tôi chỉ cần vậy, lựa lúc hắn phất tay, tôi tranh thủ bắn ra một thứ khác, mũi tên reo bay thẳng lên trời, kèm theo tiếng rít đinh tai nhức óc.

Tôi chẳng thèm lừa gã. Tôi có tình cũ thật mà, tuy tôi không nhớ rõ tình cảm trước kia giữa chúng tôi thế nào, song hiện nay tay tình cũ ấy đích thực là cao thủ võ lâm. Chính gã đưa tôi tên reo, tôi chỉ dùng một lần để cứu A Độ, giờ tôi đang gặp nguy hiểm, đương nhiên phải bắn tín hiệu gọi gã tới cứu mình chứ!

Lâu lắm rồi không thấy mặt Cố Kiếm, chẳng biết gã có đến kịp không. Tôi sốt ruột đến nỗi mồ hôi túa ra ướt đẫm cả lưng, thế mà gã thích khách kia hoàn toàn thờ ơ với mũi tên tôi vừa bắn ra, vươn tay cắp eo, nhấc tôi chổng ngược lên. Tuy tôi không béo song cũng là người lớn, vậy mà gã nhấc tôi như nhấc một đứa bé sơ sinh. Tay trái gã dùng lực ném tôi bay vút ra xa.

Tôi như con diều đứt dây vẽ một đường vòng cung vào không trung, rồi cả người tôi lao xuống không sao dừng lại được, tay tôi khua khua giữa hư không toan chụp nắm thứ gì đó, song chỉ toàn là gió. Chưa kịp định thần thì một tiếng “tõm” vang lên, làn nước giá lạnh bủa vây lấy tôi. Thì ra gã vừa ném tôi xuống sông.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện