Chương 11
Buổi tối mùa thu, gió lướt qua phả hơi mát lạnh, tôi quấn chặt chiếc áo choàng da, thẫn thờ ngoài bờ sông, nghe dòng nước đổ tiếng róc rách, từ xa xa vọng lại tiếng chim nhạn gọi bầy. Tôi ngẩng đầu ngó quanh, đằng tây đã nhô cao một chòm sao sáng, sắc trời tím sẫm như một tảng thạch nho.
Có tiếng gió lùa xào xạc trong đám cỏ tranh, Cố Tiểu Ngũ đạp lên bụi cỏ, tiến về phía tôi.
Tôi bỗng thấy hốt hoảng. Cố Tiểu Ngũ mặc áo của dân tộc Đột Quyết, thắt lưng dắt một con dao nom như người Đột Quyết thực thụ. Cố Tiểu Ngũ không những thạo cung nỏ mà còn thuần thục tiếng Đột Quyết, mấy hôm nay, hắn chiếm được cảm tình của Đại Thiền vu. Tuy Cố Tiểu Ngũ là người Trung Nguyên nhưng Đại Thiền vu ngày càng tín nhiệm hắn, thậm chí còn ban cung sắt của người cho hắn. Bên cạnh đó, kể từ buổi so tài nọ, dường như Hách Thất và Cố Tiểu Ngũ đã kết tình huynh đệ. Cố Tiểu Ngũ dạy Hách Thất bắn tên liên hoàn, còn Hách Thất chỉ bảo cho hắn vài kinh nghiệm sống trên thảo nguyên. Mỗi lần gặp bọn họ sánh vai bên nhau, Đại Thiền vu lại gật đầu hài lòng. Đổi dao chính là nghi thức kết nghĩa của người Đột Quyết nên Hách Thất đã đổi dao với Cố Tiểu Ngũ. Trên chiến trường, anh em kết nghĩa còn thân thiết hơn cả anh em ruột thịt, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì nhau. Chẳng trách dao dắt bên thắt lưng Cố Tiểu Ngũ chính là dao của Hách Thất, thoạt nhìn tôi liền nhớ tới lần Hách Thất dúi nó vào tay tôi, giục tôi chạy trước.
Nhác trông thấy tôi từ xa, Cố Tiểu Ngũ liền nhoẻn miệng cười, tôi cũng mỉm cười đáp lại. Trông vẻ mặt hắn tươi rói, tôi cũng thấy bình tĩnh hơn. Tuy tôi không nói gì, hắn cũng không lên tiếng, song ắt hắn hiểu vì sao tôi hẹn hắn ra đây. Quả nhiên hắn nói:
– Ta mang cho muội cái này.
Tim tôi đập như trống dồn, không phải thắt lưng đấy chứ? Giả sử bây giờ hắn tặng thắt lưng của hắn cho tôi, tôi nên trả lời thế nào nhỉ? Theo phong tục Đột Quyết và Tây Lương, người con trai hát xong mới trao thắt lưng… Hắn còn chưa hát cơ mà! Tôi thẹn thùng, trái tim đập rộn ràng, thế mà hắn lại nói:
– Buổi tối chắc muội chưa ăn no đúng không? Ta đem cho muội một miếng sườn dê nướng thật to đây!
Tôi há miệng, trợn mắt, bỗng cảm thấy tức nghẹn họng, mãi sau mới nói được một câu:
– Có huynh chưa ăn no ấy!
Cố Tiểu Ngũ ngơ ngác nói:
– Dĩ nhiên ta ăn no rồi… Ta thấy tối nay muội chưa ăn gì nên mới mang sườn dê cho muội chứ!
Tôi hậm hực không lên tiếng, trong không gian chỉ lảnh lót tiếng của loài chim nào đó vọng lại từ đằng xa. Dòng nước vẫn róc rách chảy, cá dưới sông quẫy tưng bừng, làm bọt nước bắn lên. Miếng sườn dê thơm phức của Cố Tiểu Ngũ đặt ngay trước mặt tôi, quả thực buổi tối tôi chưa ăn gì, vì bụng dạ chỉ nghĩ tới chuyện chốc nữa hẹn hắn nên không thiết ăn. Giờ trông miếng sườn dê thơm phức này, bụng tôi sôi ùng ục. Hắn bật cười, đưa con dao cho tôi, nói:
– Ăn đi nào!
Sườn dê ngon quá đi mất! Miệng tôi bóng mỡ, tôi hớn hở hỏi hắn:
– Sao huynh biết ta thích ăn sườn dê?
Cố Tiểu Ngũ nói một câu bằng tiếng Trung Nguyên, tôi nghe chẳng hiểu, hắn nói lại với tôi bằng tiếng Đột Quyết, thì ra là:
– Không có việc gì khó, chỉ sợ người không có lòng.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy câu ấy, chẳng hiểu sao lại khẽ chột dạ. Người như thế nào thì được gọi là có lòng nhỉ? Tuy tôi và Cố Tiểu Ngũ quen nhau chưa lâu, nhưng tôi luôn có cảm giác mình đã biết hắn từ lâu lắm rồi. Chắc bởi giữa chúng tôi từng xảy ra rất nhiều chuyện, lần nào hắn cũng ra tay giúp đỡ, bảo vệ tôi. Mặc dù hắn toàn nói những lời khiến tôi bực bội, nhưng nghe câu vừa rồi, tôi lại không hề tức giận. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên bờ sông, vẳng nghe đằng xa có tiếng hát của người Đột Quyết, đó là bài tình ca trầm thấp mà êm dịu, có chàng dũng sĩ Đột Quyết đứng ngoài cửa lều của người con gái mình yêu, nhờ lời ca tiếng hát để bày tỏ tình cảm thầm kín tận đáy lòng với người ấy.
Trước đây, tôi không nhận ra giọng hát ấy lại đi vào lòng người đến thế, nó thoắt ẩn, thoắt hiện như tiên khúc. Bầy đom đóm rập rờn quanh những bụi cỏ mọc ven sông, từng đốm chợt sáng rồi chợt tắt, thật giống những ngôi sao băng, hoặc tựa như nắm bụi vàng ai đó vung tay vẩy xuống. Thậm chí tôi còn nghĩ, bầy đom đóm lập loè ấy chính là sứ giả nhà trời, họ cầm những chiếc đèn lồng nhỏ xíu, nhóm lên những đốm lửa lung linh giữa trời đêm lộng gió. Vùng đất ven sông thoáng đó đã rải rác những ánh lửa li ti, tiếng cười vui như xa cách cả một tầng mây. Tôi chợt nghĩ, nếu thần tiên nhìn xuống trần gian từ trên trời cao, chắc cũng có chung cảm giác này? Cũng phiêu diêu, cũng hư ảo, cũng mơ hồ và xa xăm…
Cuối cùng, tôi hỏi Cố Tiểu Ngũ:
– Tóm lại huynh có thực lòng muốn lấy ta không?
Cố Tiểu Ngũ có vẻ hơi bất ngờ, liếc nhìn tôi rồi nói:
– Đương nhiên ta muốn!
– Nhưng tính cách của ta không tốt đẹp gì, vả lại huynh là người Trung Nguyên, ta là người Tây Lương, ta thích ăn cơm kê, thích ăn thịt dê… Huynh nói tiếng Trung Nguyên ta nghe không hiểu, chuyện Trung Nguyên nhà huynh ta cũng không rõ. Nếu bảo huynh ở lại Tây Lương, nơi cách Trung Nguyên đến hàng nghìn dặm, chắc chắn huynh sẽ rất nhớ nhà. Còn giả sử huynh không muốn ở Tây Lương mà về Trung Nguyên thì ta sẽ rất nhớ nhà. Đành rằng huynh giết được vua sói mắt trắng, song chưa chắc đã là vì ta. Huynh cũng nói rồi đấy thôi, chẳng qua là tình cờ trên đường đi buôn chè… Tuy ta còn nhỏ nhưng cũng hiểu những chuyện này đâu thể ép buộc…
Tôi tuôn một lèo không ngừng nghỉ, từ lúc quen nhau tới giờ, những gì phiền phức tôi đều nói hết, nói đến rạc cả cổ họng. Cố Tiểu Ngũ không hề ngắt lời tôi, mãi khi thấy tôi đặt miếng sườn dê xuống, uống ngụm nước, hắn mới nói:
– Nói nãy giờ mà toàn những chuyện chẳng liên quan gì! Ta chỉ hỏi muội, rốt cuộc muội có bằng lòng lấy ta không?
Nước trong miệng suýt nữa thì phun ra ngoài, tôi trừng mắt nhìn hắn hồi lâu, mặt bỗng nóng bừng:
– Bằng lòng hay không… ơ…
– Nói đi! – Cố Tiểu Ngũ giục – Tóm lại muội có bằng lòng không?
Lòng tôi rối bời. Mấy hôm nay, mọi thứ như hư ảo, như mộng mị, nhiều việc xảy ra chớp nhoáng. Tôi thực sự chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng sớm thế này. Hơn nữa, thoạt đầu tôi thấy gã Cố Tiểu Ngũ này thật đáng ghét, còn bây giờ lại không thể nào ghét được. Tôi chẳng biết nên trả lời thế nào, nhìn những con đom đóm lập loè giữa khoảng không, tôi hạ quyết tâm, nói:
– Vậy huynh bắt cho ta một trăm con đom đóm, ta sẽ bằng lòng lấy huynh.
Dứt lời, Cố Tiểu Ngũ liền đứng phắt dậy. Tôi ngơ ngác nhìn hắn chẳng khác nào một chú nhóc nghịch ngợm, vươn tay tung một cú lộn nhào. Hắn nhảy vọt lên, như một ngôi sao… không, không giống sao băng, trông hắn như sắp lao thẳng xuống bãi sông. Sau một cái khua tay bất ngờ, hắn đã chụp được mấy con đom đóm, chúng toả sáng lập loè giữa những kẽ tay. Tôi đùm vạt áo, cuống quýt nói:
– Mau lên! Mau lên!
Hắn thả đom đóm vào cái bọc mà tôi đùm bằng vạt áo rồi lại nhảy lên lần nữa. Võ công của người Trung Nguyên giống như một bức tranh, hoặc một bài thơ phóng khoáng. Nhất cử nhất động của Cố Tiểu Ngũ như đang nhảy múa, trên đời này chẳng có điệu múa nào khí khái, hào hùng đến thế. Hắn tung người giữa không trung, xoay những góc tuyệt diệu, đuổi theo lũ đom đóm thoắt ẩn thoắt hiện. Ống tay áo khẽ gợn theo làn gió, tôi chỉ hướng cho hắn:
– Bên trái kìa! Bên phải có nhiều lắm!
– Ối!
– Nó chạy mất rồi! Bên kia! Trời ơi, đằng kia kìa!
…
Tiếng cười của chúng tôi dạt đến tận bờ sông bên kia. Bầy đom đóm gom trong vạt áo mỗi lúc một nhiều. Chúng chụm lại, cùng toả ánh hào quang như thể trong lòng tôi đang có cả vầng trăng rằm. Bầy đom đóm bên bờ sông đã dạt đi mất, có những con bị Cố Tiểu Ngũ vơ gọn, đặt vào lòng tôi.
– Đủ một trăm con chưa?
Hắn tiến lại gần, đầu kề sát đầu tôi, những ngón tay thon dài khẽ kéo vạt áo.
– Có cần đếm không?
Đếm được khoảng mười mấy con, tôi nhận ra trên người Cố Tiểu Ngũ bỗng thoang thoảng làn hương mát lành, dịu nhẹ, mùi hương ấy người Đột Quyết và cả người Tây Lương đều không có, nó chờn vờn khiến tôi mất tự nhiên, mặt nóng bừng, hắn đứng quá gần. Bỗng đâu có trận gió thổi đến, đưa sợi tóc của hắn phe phẩy trên mặt tôi, nhẹ, mềm mà rộn rạo… Tay nâng vạt áo bỗng buông lỏng khiến bầy đom đóm chen nhau bay vụt đi, tản vào không gian như những ngôi sao băng nhỏ xíu rồi vây quanh chúng tôi. Ánh sáng rạng rỡ chiếu lên khuôn mặt chúng tôi, tôi thấy đôi mắt đen láy của chàng đang nhìn mình say đắm. Chợt nhớ mấy gã hay đứng hát ngoài lều của A Độ, bọn họ nhìn A Độ bằng ánh mắt nóng bỏng, khiến người ta phải mủi lòng. Nhưng ánh mắt của Cố Tiểu Ngũ điềm đạm hơn hẳn, ánh mắt đong đầy bóng hình tôi, lòng tôi khẽ xốn xang. Ánh mắt chúng tôi giao nhau, Cố Tiểu Ngũ chợt thẹn thùng, ngoảnh mặt nhìn những con đom đóm đang bay trong không trung, nói:
– Bay mất rồi!
Tôi bất giác nói:
– Giống sao băng nhỉ?
Hắn cười rộ lên:
– Sao băng kìa!
Đom đóm thi nhau bay vút lên cao, tưởng như có vô vàn vệt sao băng vừa vuột khỏi đầu ngón tay chúng tôi. Lúc thần tiên rải sao băng xuống, hẳn cũng thế này chăng? Tình này, cảnh này tựa như mơ. Tôi nghĩ mình vĩnh viễn không thể nào quên được buổi tối bên bờ sông hôm ấy, hàng nghìn, hàng vạn con đom đóm quây quần quanh tôi và Cố Tiểu Ngũ, chúng khẽ bay lướt qua, rồi lần lượt toả đi khắp nơi, tựa những ánh sao băng vạch sắc vàng vào màn đêm. Tôi nhớ trong lời bài hát có cảnh, thần tiên và người chàng yêu đứng giữa dòng sông, cảnh ấy cũng rực rỡ, hoa lệ như thế này chăng?
Đại Thiền vu sai sứ giả về bẩm báo với cha tôi, ông đã chọn được một đứa cháu rể, chính là Cố Tiểu Ngũ. Cha tôi đang tiến thoái lưỡng nan giữa Nguyệt Thị và Trung Nguyên, nghe vậy, người liền viết thư hồi âm, kính mong ông ngoại đứng ra làm chủ hôn cho tôi. Thư trả lời của cha đến nơi cũng là lúc hôn lễ đang cử hành.
Tục cưới hỏi của người Đột Quyết đơn giản những cũng không kém phần long trọng, doanh trại quây quần giết mổ bao nhiêu là cừu, gió đưa hương rượu nồng thoảng hương tới muôn nơi. Mấy ngày qua, Cố Tiểu Ngũ đã kết thân với những quý tộc của Đột Quyết. Người Đột Quyết vốn tôn sùng những bậc anh hùng, Cố Tiểu Ngũ giết được vua sói mắt trắng, sau đó lại thắng được Hách Thất, giờ đây trong suy nghĩ của người Đột Quyết, chàng là vị anh hùng trẻ tuổi. Thầy tế hát bài ca mừng vui, chúng tôi sánh bước bên nhau, tiến về phía thầy tế trên đài cao. Đúng lúc đó, bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập, tên lính tất tả chạy đến nơi Đại Thiền vu đang ngồi.
Qua đám đông hyên náo, tôi thấy Đại Thiền vu cau mày, bất chấp thầy tế đang cao giọng nói lời ca tụng, tôi chạy như bay đến chỗ ông ngoại:
– Ông ơi!
Đại Thiền vu xoa đầu tôi, mỉm cười nói:
– Không có gì đâu, Vua Nguyệt Thị cử người đến mắng vốn thôi, ông sẽ sai lính đi đuổi cổ chúng.
Không biết từ lúc nào, Cố Tiểu Ngũ đã xuất hiện ngay sau lưng tôi. Chàng khom người hành lễ theo kiểu của người Đột Quyết:
– Bẩm Đại Thiền vu, xin cho cháu được ra trận.
– Cháu? – Đại Thiền vu ngước nhìn chàng. – Vua Nguyệt Thị có năm vạn quân đấy.
Hơn nữa, Vua Nguyệt Thị là lão tướng từng trải chốn sa trường. Cố Tiểu Ngũ tuy thạo cung nỏ nhưng phải đối mặt với hàng vạn quân địch, chỉ e tài bắn tên có tinh thông đến mấy cũng chẳng ích gì.
Cố Tiểu Ngũ nói:
– Đại Thiền vu có thể dụng kế “dĩ dật đãi lao”[1] nghênh địch chỉ bằng ba vạn kỵ binh. Nếu Đại Thiền vu vẫn không yên tâm, xin ngài cử một viên tướng đi cùng, cháu sẽ áp sát thế trận, nếu có thể bắn lén từ phía sau, khiến trận tuyến của Nguyệt Thị trở nên hỗn loạn, âu cũng góp được chút công mọn.
[1] Dĩ dật đãi lao: tức lấy an nhàn để đối phó với mệt mỏi. Một kế trong ba mươi sáu kế.
Đại Thiền vu vẫn đang do dự, Hách Thất liền bẩm:
– Binh pháp Trung Nguyên rất khá, trên đường đi, chính bọn họ đã cầm quân đánh bại quân Nguyệt Thị.
Sau đó Đại Thiền vu bèn gật đầu, nói với Cố Tiểu Ngũ:
– Đi đi, rồi đem đầu của thủ lĩnh Nguyệt Thị về đây, làm tế phẩm dâng lên thánh thần trong hôn lễ của các cháu.
Cố Tiểu Ngũ quỳ lạy theo lễ nghi của người Trung Nguyên rồi thưa:
– Mong trời đất phù hộ Đại Thiền vu!
Chàng đứng dậy, nhìn tôi rồi nói:
– Ta đi rồi sẽ về.
Lòng tôi bộn bề lo lắng, đưa mắt dõi nhìn chàng quay người bước đi. Tôi vội vã đuổi theo, tháo dây lưng của mình thắt lên eo chàng.
Theo nghi thức thành hôn, tân lang, tân nương trao nhau dải thắt lưng và hai người chính thức trở thành vợ chồng dưới sự chứng kiến của thần linh. Tôi toan bảo chàng gỡ dây lưng của chàng trao tôi, nhưng đám nô tài đã dẫn ngựa đến, không để tôi kịp nói với chàng vài câu. Vừa leo lên ngựa chàng vừa nói với tôi:
– Ta đi rồi sẽ về.
Tôi níu tay áo chàng, bịn rịn không nỡ rời xa. Trong lòng tôi bỗng vấn vương nhiều chuyện cũ, tôi nhớ ba ngày ba đêm tôi ngồi đợi trên cồn cát vì chàng trai này; tôi nhớ lúc tôi ngã ngựa, chàng đã cứu tôi; tôi nhớ đêm nọ, chàng kể chuyện cho tôi nghe; tôi nhớ chàng đã giết vua sói mắt trắng và thắng cả Hách Thất; tôi nhớ bầy đom đóm ven sông… Từ dạo ấy, tôi đã dặn lòng, tôi và chàng sẽ mãi mãi bên nhau… Vậy mà giờ đây, chàng sắp ra trận, tôi không kìm được nỗi niềm vấn vương.
Hình như chàng thấy ánh nhìn của tôi, liền nở nụ cười, cúi người vuốt ve má tôi. Những ngón tay ấm áp, không phải tay cha, cũng không giống tay ông ngoại, mà giống tay mẹ. Tôi chợt nghĩ chàng tinh thông cung nỏ là thế, sao bàn tay chàng lại chẳng có lấy một vết chai?
Tôi đang nghĩ lại vài chuyện vụn vặt thì chàng đã rụt tay về, cả đội ba vạn quân đã chuẩn bị xong xuôi. Vị tướng quân mà Đại Thiền vu phái đi là ca ca bên họ ngoại của tôi, cũng chính là cháu trai Y Mạc Diên của Đại Thiền vu. Y Mạc Diên cười, bảo tôi:
– Tiểu muội yên tâm, ta sẽ chăm sóc đệ ấy chu đáo.
Người Đột Quyết xưa nay quen chinh chiến, chuyện xông pha nơi chiến trường với họ chẳng khác nào cơm bữa. Tôi quý ca ca Y Mạc Diên lắm, cũng bởi lúc nhỏ huynh ấy thường dẫn tôi đi săn, huynh ấy hết mực thương yêu tôi, chúng tôi như huynh muội ruột thịt. Tôi dõng dạc nói:
– Ai cần huynh chăm sóc chàng chứ? Huynh cứ lo thân mình đi đã, muội đợi huynh về uống rượu mừng đấy!
Ai nấy đều cười, tíu tít nói:
– Tiểu Công chúa cứ yên tâm, đến lúc thịt dê nướng xong, chúng tôi sẽ mang thủ cấp của tướng Nguyệt Thị về.
Cố Tiểu Ngũ cưỡi ngựa theo sau cờ của Y Mạc Diên, chàng cũng vận chiến bào da bò của người Đột Quyết, khuôn mặt khuất dưới mũ sắt. Thấy tôi dáo dác tìm chàng trong đám đông, chàng liền nhoẻn cười, giơ tay lên vẫy. Tôi trông dây lưng thắt trên eo chàng, đai lưng của tôi quấn quanh đai lưng chàng, vừa rồi tôi thắt vội, băn khoăn không biết lát nữa nó có tuột ra không, dây lưng mà bị tuột thì xui xẻo lắm… Nhưng không đợi tôi nghĩ ngợi nhiều, tiếng vó ngựa rầm rập cuốn theo bụi mù, tràn xuống thảo nguyên như cơn triều cường, chẳng mấy chốc đã cách xa tận chân trời.
Thấy tôi tiu nghỉu đứng mãi ở đó, A Độ bèn dùng tay ra hiệu với tôi. Tôi hiểu, tôi biết muội ấy đang an ủi tôi, rằng chỉ lát nữa thôi chàng sẽ trở về. Tôi gật đầu, tuy Nguyệt Thị có đến năm vạn quân, song đám lính tráng ấy lội đường xa đến đây hẳn đã mệt mỏi rã rời, đạo quân tinh nhuệ của Đột Quyết một chọi mười, ba vạn là đủ để nghênh chiến, huống hồ lều chúa còn đây, mười vạn quân luôn sẵn sàng tiếp ứng bất cứ lúc nào.
Dê nướng vàng ruộm trên lửa, đám nô tì dâng sữa ngựa và rượu ngon, khắp nơi rộn rã tiếng nói cười. Hẳn người ta đều cho rằng, chỉ một lát nữa thôi, thế nào cũng có tin thắng trận báo về và lúc ấy, những binh sĩ của Đột Quyết đang hát khúc ca khải hoàn trên đường trở về. Lòng tôi canh cánh lúc biệt ly, mặt mày nóng bừng như phát sốt. Y Mạc Diên về mà thấy, không biết sẽ trêu chọc gì tôi nữa đây? Hẳn huynh ấy sẽ nói tôi không nỡ rời xa Cố Tiểu Ngũ. Đám thanh niên quý tộc của Đột Quyết thầm coi Y Mạc Diên như người đứng dầu, hội thi hát tối nay, đám người ấy thế nào cũng ngâm nga trêu đùa. Lòng tôi nao nao muộn phiền, tự nhủ Cố Tiểu Ngũ không biết hát, chàng về, tôi nhất định phải nói với chàng, kẻo khi đó lại không biết giấu mặt vào đâu.
Nhưng tôi không hề hay biết, chuyến đi này, họ ra đi và vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Nhiều năm sau, tôi xem sách sử của Trung Nguyên ghi chép lại chuyện này, chỉ sơ sài dăm ba câu: “Tháng Bảy, Thái tử Thừa Ngân đích thân tiến vào Tây Vực, liên minh cùng chư hầu Nguyệt Thị, bốn mươi vạn đại quân tập kích Đột Quyết, Thiền vu Thiết Nhĩ Cách Đạt của Đột Quyết hung hãn không chịu hàng, bỏ mạng trong cảnh loạn lạc. Đột Quyết bị giết cả thảy hơn hai mươi vạn người, cả tộc bị diệt vong.”
Tôi chỉ nhớ Hách Thất trước lúc tắt thở vẫn siết chặt cây cung, vết đao kiếm chằng chịt trên người, máu tuôn xối xả. Huynh ấy gắng sức đưa tôi và A Độ lên một con ngựa, trăng trối câu cuối cùng:
– A Độ, nhớ chăm sóc Công chúa!
Tôi trông trận mưa tên ào ào bắn tới, chẳng khác nào hằng hà sa số đốm sao băng, giả sử thần thánh có buông tay, hẳn sao trời từ tay người rớt xuống cũng thế này chăng…? A Độ gồng mình quất ngựa đưa tôi chạy trốn, chúng tôi mải miết chạy. Bốn bề biển lửa, bốn bề biển máu, bốn bề là âm thanh giết chóc. Mấy chục vạn quân của Trung Nguyên và Nguyệt Thị như vừa chui lên từ lòng đất, dân tộc Đột Quyết dẫu quật cường phản kháng, song không thể địch nổi sức tiến công của chúng… Biết bao người ngã xuống sau lưng chúng tôi, máu bắn lên khắp mình mẩy. Nếu không có Hách Thất, chúng tôi không thể thoát được vòng vây của mấy chục vạn quân kia, có lẽ sau đó Hách Thất cũng bỏ mạng. Tôi và A Độ rong ruổi trên thảo nguyên tròn sáu ngày sáu đêm rồi bị toán lính bắt kịp.
Chân tôi bị thương, người A Độ cũng nhiều vết xước, thế mà muội ấy vẫn tuốt đao, che chắn cho tôi ở phía sau. Lòng căm thù như ngọn lửa hừng hực cháy, nung nấu người tôi đến khô rát. Tôi không ngừng tự nhủ: chính bọn chúng đã giết ông ngoại, chính bọn chúng đã giết Cố Tiểu Ngũ, bọn chúng đã dồn người dân Đột Quyết vào con đường diệt vong. Tuy không phải người Đột Quyết, nhưng một nửa dòng máu Đột Quyết đang chảy trong huyết quản tôi. Giờ đây chỉ còn lại mình tôi với A Độ, dẫu phải vắt cạn giọt máu cuối cùng, tôi cũng không thể để ông ngoại chết không nhắm được mắt, không thể để người dân Đột Quyết mất thể diện.
Lúc đó, một gã người Trung Nguyên rong ngựa đến. A Độ khua đao xông lên, gã nọ chỉ khẽ vươn tay ra, thanh đao trên tay A Độ đã rơi phịch xuống đất. Tôi điếng người nhìn gã, kẻ này hẳn biết yêu thuật chăng? Không sử dụng tà phép thì sao có thể cướp được thanh đao từ tay A Độ, chẳng những thế mà còn khiến muội ấy chết trân?
A Độ trừng mắt nhìn gã. A Độ rất ít khi nổi giận, nhưng tôi biết lúc này muội ấy đang hận lắm. Tôi nhặt thanh đao lên, vung về phía gã. Tôi hận đến mức dù kẻ đó là ai, tôi cũng phải giết bằng được!
Kẻ nọ cũng khẽ giơ tay, điểm nhẹ lên người tôi một cái, rồi trước mắt tôi tối sầm, chẳng còn hay biết gì nữa.
Khi tôi choàng tỉnh dậy, đã thấy đầu mình cắm xuống, cả người vắt ngang trên yên ngựa như một bao kê, móng ngựa xối bùn lên mặt mũi, nhưng tôi không sao nhúc nhích nổi. Xung quanh tôi toàn là vó ngựa, hàng nghìn chân ngựa nhấp nhô như lau cỏ dậy sóng trước cơn gió, tôi chếnh choáng một hồi, mắt mũi nhắm tịt. Chẳng biết bao lâu sau mới thấy đàn ngựa dừng bước, tôi bị xách khỏi lưng ngựa, nhưng đùi bị điểm huyệt quá lâu, đứng không vững, liền ngã nhào ra đất.
Dưới sàn nhà phủ lớp nỉ dày, đây hẳn là lều trại của tướng lĩnh Trung Nguyên, có thể là của gã quan đô hộ nọ. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, lúc ấy đập vào mắt lại là Cố Tiểu Ngũ. Biết bao dũng sĩ Đột Quyết đã tử trận, nhất là ba vạn quân Đột Quyết tiên phong kia, nào có ai sống sót trở về, nhưng Cố Tiểu Ngũ vẫn còn sống.
Chàng vẫn tồn tại trên đời này, nhưng thay vì bộ giáp trụ, chàng khoác lên mình trang phục của người Trung Nguyên, trông chàng nho nhã như thư sinh, nhưng tôi biết, lều trại này chắc chắn không phải chỗ dành cho thư sinh ở. Quanh chàng là những vệ binh, gã tướng quân bắt tôi về vừa tiến vào đã quỳ xuống lạy chàng, mũ giáp trên người hắn sột soạt. Hắn hành lễ theo nghi thức tối cao của người Trung Nguyên, nghe nói chỉ khi bái kiến bậc tôn quý nhất, người Trung Nguyên mới thực hiện nghi thức này. Tôi chợt hiểu, chính là Cố Tiểu Ngũ… thì ra Cố Tiểu Ngũ là nội ứng của Trung Nguyên! Chính chàng… chính chàng dẫn địch tập kích bất ngờ. Chẳng hiểu sức lực ở đâu ra, tôi gồng mình, nói:
– Đồ gian tế!
Đám vệ binh vùng lên quát tháo, có kẻ đá vào chân tôi, chân tôi mềm oặt rồi ngã nhào ra đất. Tôi thấy gã quan đô hộ đang khom mình lạy Cố Tiểu Ngũ, bọn chúng nói chuyện bằng tiếng Trung Nguyên, tôi nghe không hiểu lấy một câu. Cố Tiểu Ngũ không hề liếc nhìn tôi, gã quan đô hộ nói rất nhiều, tôi thấy sắc mặt Cố Tiểu Ngũ sa sầm. Khi đám người đó rút khỏi lều, Cố Tiểu Ngũ mới cầm dao, tiến về phía tôi.
Tôi tưởng hắn sẽ giết mình, không ngờ hắn lại cắt đứt dây trói trên tay tôi, rồi nói:
– Oan cho nàng rồi!
Tôi nghiêng đầu nhìn hắn, cố nói bằng giọng bình tĩnh:
– Cố Tiểu Ngũ, rồi sẽ có một ngày ta giết ngươi, báo thù cho ông ngoại! Đồ phản bội! Đồ gian tế!
Tôi không thốt nổi lời lăng mạ nào thậm tệ hơn, mấy câu mắng chửi cứ nói đi nói lại, vậy mà hắn vẫn không hề nổi cáu, trái lại còn cười:
– Nếu thấy giận, nàng cứ chửi vài câu cho bõ tức.
Tôi nhìn hắn như nhìn một người dưng. Kẻ đã dắt theo ba vạn binh sĩ Đột Quyết rời khỏi hôn lễ của chúng tôi đi nghênh chiến. Ngờ đâu, chính kẻ đó thông đồng với Nguyệt Thị, không chỉ ba vạn quân tinh nhuệ của Đột Quyết bị tiêu diệt, mà bọn chúng còn kéo vào lều chúa. Ông ngoại trở tay không kịp, bị chúng giết chết. Đột Quyết diệt vong thật rồi! Tôi và A Độ đã tháo chạy khỏi chốn địa ngục Tu La ấy. Hai mươi vạn dân… Một cuộc tàn sát… Máu của hai mươi vạn dân tưới ngập thảo nguyên, mà kẻ đầu sỏ còn nhởn nhơ đứng đây.
Tôi mắng chửi đến kiệt sức, ngồi co quắp một chỗ, song vẫn tự hỏi rốt cuộc lòng dạ hắn được đúc từ thứ sắt đá gì. Tôi mệt mỏi nhìn hắn, hỏi:
– Bấy lâu nay ngươi vẫn lừa ta, sao bây giờ không giết quách ta đi?
Hắn nhìn tôi, rất lâu sau không hề lên tiếng, rồi hắn bỗng quay ra nhìn vệt nắng xuyên qua bức mành rèm chiếu xuống nền đất. Bụi ám tấm rèm ngả xám, chẳng còn vẹn nguyên màu trắng tinh như thuở ban đầu, nắng chớm thu in trên nền nhà sáng ngời, đổ xuống cái bóng của đôi tôi. Bất thình lình hắn vươn tay chụp lấy cổ tay tôi, tôi yếu ớt buông rơi con dao nhỏ vừa mới rút ra. Con dao ấy vốn thuộc về hắn, chính là con dao kết nghĩa với Hách Thất, là con dao Hách Thất đã dúi vào tay tôi. Tôi và A Độ khốn cùng suốt dọc đường, tôi vẫn thủ con dao này trong người, định bụng đến lúc bức bách nhất sẽ dùng nó để tự sát, tránh bị giặc làm nhục. Nhưng khi bước vào trướng, tôi liền đổi ý, tôi muốn dùng nó đâm chết người đàn ông đang đứng trước mặt mình, nhưng không may bị hắn phát hiện ra. Phải làm sao mới báo thù được cho ông đây? Tôi nằm vật ra đất, thở hổn hển.
Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt thâm trầm, rồi nói:
– Nàng đừng làm những chuyện dại đột như thế!
Dại dột ư? Tôi muốn phá lên cười, trên đời còn ai dại dột hơn tôi? Tôi nhẹ dạ cả tin, suýt nữa đã lấy gã gian tế của Trung Nguyên làm chồng, tôi cứ đinh ninh hắn đã bỏ mạng trong cuộc chiến với Nguyệt Thị, tôi còn nuôi hận báo thù cho hắn…
Đúng lúc ấy, bỗng có người bước vào bẩm báo với Cố Tiểu Ngũ mấy câu bằng tiếng Trung Nguyên. Trông mặt hắn sa sầm, hắn nhấc con dao nhỏ lên, quẳng lại cho tôi rồi rảo bước ra ngoài. Tôi rệu rã phủ phục xuống sàn. Cũng chẳng biết bao lâu sau, có người kéo áo, gọi tên tôi:
– Tiểu Phong!
Ngoảnh lại mới nhận ra đó là sư phụ, không kiềm được nỗi mừng vui khôn xiết, tôi túm chặt tay sư phụ, hỏi:
– Sao sư phụ lại ở đây?
Sư phụ nói:
– Nơi này không phải chỗ để nói chuyện, ta đưa muội trốn trước đã.
Sư phụ vung kiếm rạch lên tấm vải bạt, chúng tôi trốn ra từ lối sau lều. Đằng kia đã buộc sẵn vài con ngựa, chúng tôi lên ngựa. Lúc sắp ra khỏi doanh trại, tôi sực nhớ:
– A Độ! Còn A Độ nữa!
– A Độ nào?
Tôi nói:
– A Độ là tiểu muội của Hách Thất, muội ấy luôn bảo vệ ta, ta không thể bỏ mặc muội ấy được.
Sư phụ đành chịu thua, dẫn tôi quay lại tìm A Độ. Chúng tôi tìm A Độ trong trại nhốt tù binh, nhưng lại đánh động đám lính canh. Tuy kiếm pháp của sư phụ rất giỏi, song đã sa chân vào chốn doanh trại này thì chém giết là điều đương nhiên, khó mà thoát thân được. Đồn trú đã đầy tiếng xôn xao, người từ bốn phía đổ đến mỗi lúc một đông. Thấy thế bất lợi, sư phụ bèn vừa đánh vừa lui, rút về phía chuồng ngựa, quệt một mồi lửa quẳng vào đống rơm.
Tàu ngựa của doanh trại chất rất nhiều rơm khô làm thức ăn nuôi ngựa, đám rơm khô này mà bùng lên thì chỉ trong nháy mắt, lửa sẽ lan khắp nơi, khó mà dập ngay được. Cả doanh trại lập tức nhốn nháo, quân binh hấp tấp đi dập lửa, sư phụ chớp thời cơ dẫn tôi và A Độ tháo chạy. Kỷ luật nhà binh của Trung Nguyên rất nghiêm, chỉ trong chốc lát, tiếng huyên náo trong doanh trại đã dần lắng xuống, vẫn có kẻ cấp tốc cứu hoả, một đám khác lại phi ngựa đuổi theo chúng tôi.
Vừa đánh vừa lui, lùi dần đến tận chân núi Thiên Hằng, đám quân truy đuổi mỗi lúc một đông. Tôi nhìn đám người ấy kéo cờ hiệu màu mơ, bên trên có viết chữ Trung Nguyên mà tôi không hiểu, liền hỏi sư phụ:
– Bọn này thuộc phủ đô hộ An Tây à?
Quân đóng ở phủ đô hộ An Tây có lực lượng hùng hậu, nhưng không ngờ bọn chúng giao chiến cũng lợi hại đến vậy.
Trên gò má sư phụ có vết máu, tính sư phụ ưa sạch sẽ, vội giơ tay quệt ngang vệt máu, rồi cười khẩy:
– Phủ đô hộ An Tây làm gì có nhiều kỵ binh đến thế… Bọn này là Vũ lâm quân của Đông cung, người Trung Nguyên quen gọi là Vũ lâm lang, bọn này toàn con nhà quan, đợt này ra biên thuỳ định kiếm chút công danh, bổng lộc. Muội xem, đứa nào đứa nấy hùng hổ xung phong, muốn lập chiến công đây mà.
Tôi hỏi:
– Chiến công gì?
Sư phụ nói:
– Bắt sống muội chính là một chiến công.
Xưa nay tôi chưa từng nghĩ mình lại quan trọng đến thế. Bọn Vũ lâm quân quyết truy đuổi chúng tôi đến cùng, chúng không ngừng buông lời xỉ vả, có tên trọ trẹ nói tiếng Tây Lương, chửi chúng tôi chỉ biết cúp đuôi bỏ chạy. Nếu là bình thường, thế nào tôi cũng sửng cồ, quay ngoắt lại, có điều, sau một loạt những sóng gió, cuối cùng tôi đã nghiệm ra một điều, một kẻ đứng giữa vạn quân chỉ như hạt muối bỏ bể, hoặc như cây cỏ trước cơn bão, không ai có thể ngăn được thế tấn công của thiên binh vạn mã. Ông ngoại không thể, Hách Thất không thể và sư phụ cũng thế mà thôi…
Lúc chúng tôi rút lên núi Thiên Hằng thì trời ập tối, đạo quân kia không tiện lên núi, đành dừng lại dưới chân núi. Từ trên núi đá nhìn xuống, chân núi bập bùng lửa trại, gần đó, những đạo quân tiếp viện từ doanh trại liên tục kéo đến, chúng đốt đuốc nối đuôi nhau tạo thành thân rồng lửa ngoằn ngoèo. Tôi hỏi sư phụ:
– Cố Tiểu Ngũ là ai?
Giọng sư phụ vẫn bình tĩnh như thường ngày:
– Hắn vốn không mang họ Cố. Hắn là Lý Thừa Ngân, con thứ năm của Hoàng đế Trung Nguyên, cũng chính là Đông cung thái tử đương triều.
Tôi từng nghi ngờ Cố Tiểu Ngũ không phải loại tiểu thương buôn chè bình thường. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi vẫn lờ mờ đoán, có lẽ hắn là tướng quân của triều đình Trung Nguyên. Nhưng vì hắn còn trẻ, mà trong số ít ỏi những tướng quân nổi danh của Trung Nguyên, tôi chưa từng nghe nói có vị tướng quân nào mang họ Cố. Thì ra hắn không mang họ Cố, chẳng những thế, thân phận hắn còn đặc biệt như vậy.
Tôi chẳng biết mình muốn cười hay muốn khóc nữa.
Tôi nhớ đến chuyện Trung Nguyên phái sứ thần tới, lúc đó sứ thần thay mặt Thái tử Trung Nguyên đến cầu thân. Vì đâu đến nông nỗi này? Trước kia, tôi không có mấy thiện cảm với Trung Nguyên, song giờ đây tôi càng căm thù Trung Nguyên đến tận xương tuỷ.
– Sao hắn lại xưng là họ Cố?
Sư phụ im lặng một lát, thật không ngờ người cũng biết im lặng cơ đấy, sau đó, người nói cho tôi nghe sự thật:
– Bởi vì mẹ hắn mang họ Cố.
Tôi nhìn sư phụ, thực ra trong bóng tối, tôi chẳng thấy được gì, chỉ nghe thấy giọng người trầm đều:
– Đúng vậy, như muội đã biết, ta cũng mang họ Cố. Mẫu thân của hắn là Thục phi, cô ruột của ta. Cho nên ta cũng chẳng phải người tốt. Bệ hạ phái hắn đến biên cương Tây Vực, hắn lại sai ta âm thầm trà trộn vào Tây Lương giúp hắn làm nội ứng…
Đầu óc tôi rối bời, ngẫm nghĩ hồi lâu mới nhớ ra cái tên đầy đủ của sư phụ. Tôi bình tĩnh thốt lên cái tên ấy:
– Cố Kiếm!
Tôi hỏi:
– Vậy… bao giờ sư phụ mới giết ta, hoặc bao giờ mới giao ta cho Thái tử Điện hạ?
Cố Kiếm im lặng. Trời tối như bưng nhưng tôi vẫn thoáng thấy khoé môi sư phụ đọng nụ cười buồn rười rượi. Rất lâu sau, sư phụ mới nói:
– Muội biết ta sẽ không làm vậy.
Sự thù hận trong tôi bùng cháy như ngọn lửa, ngọn lửa ấy nuốt chửng trái tim tôi. Tôi siết chặt nắm đá dăm, cạnh sắc nhọn găm vào lòng bàn tay sâu hoắm. Tôi nghe giọng mình ai oán:
– Lũ Trung Nguyên các người có gì mà không dám làm? Các người lừa gạt ta bấy lâu! Cố Tiểu Ngũ lừa ta, ngươi cũng lừa ta hết lần này đến lần khác! Hẳn các ngươi tính kế này từ lâu lắm rồi chứ gì? Lũ các ngươi còn gì không dám làm? Ngươi lừa ta từ đầu đến cuối, uổng công cha ta tin tưởng ngươi! Uổng công ta tôn ngươi làm sư phụ…
Tôi không biết mình đang nói gì nữa, tôi mắng ra rả, tôi mắng cả Trung Nguyên là một lũ bịp bợm… Nhưng thực ra, trong lòng tôi hiểu rằng, tôi chỉ hận một mình Cố Tiểu Ngũ. Sao hắn lại đối xử với tôi như vậy? Tôi chưa từng căm ghét ai đến vậy. Thà Cố Tiểu Ngũ cứ giết tôi đi, thà sư phụ đừng cứu tôi… biết đâu tôi đã sớm chết… Tôi chửi mắng đến mệt lử. Tôi nhìn Cố Kiếm, giọng mỉa mai:
– Lần này ngươi cứu ta, ngươi định làm gì ta nữa… để sau này gặp Hoàng đế Trung Nguyên lĩnh thưởng?
Sư phụ nhìn tôi, một lúc lâu sau mới lên tiếng:
– Tiểu Phong, đúng là ta cố tình quen biết muội, trước kia ta luôn lừa muội, thế nhưng… thế nhưng lần nào ta cũng buồn bã khôn cùng. Muội vẫn chỉ là một đứa trẻ, dù ta nói thế nào, muội cũng tin. Càng lừa muội, ta càng thêm áy náy. Lúc gửi bồ câu đưa thư cho Lý Thừa Ngân, ta mong hắn đừng bao giờ đến… Muội ngồi đợi trên cồn cát, còn ta đứng cách đó không xa đợi cùng muội, đợi ba ngày ba đêm… Trăng đêm ấy đổ tràn xuống khuôn mặt muội, khuôn mặt muội lúc đó giống hệt con cáo nhỏ trong bài hát…
Giọng sư phụ thấp dần:
– Ta biết mình mê muội… Rõ ràng muội chỉ là một đứa trẻ… nhưng khi đó, thật tình ta chỉ mong Lý Thừa Ngân vĩnh viễn đừng xuất hiện, rồi ta còn muốn đưa muội bỏ trốn… dẫn muội đến một nơi nào đó thật xa Tây Lương… Nhưng sau đó, hắn vẫn xuất hiện và mọi việc diễn ra theo kế hoạch, buộc lòng ta phải lánh mặt muội… Ta không biết nữa… Ta vẫn ôm một tia hy vọng nhỏ nhoi, chỉ cầu mong muội đừng thích hắn… Thế nhưng… lúc Lý Thừa Ngân đòi đi giết vua sói, ta đã hiểu, sự tình không còn đường lui nữa rồi. Chính ta đã giúp hắn giết con sói dữ kia, sói cắn vào chân hắn, ta đã hỏi: “Sao Điện hạ phải làm vậy?” Thực ra trong lòng ta đã khinh bỉ chính mình hơn bao giờ hết, sao ta phải làm tất cả những chuyện này… Ta biết hắn giết vua sói để đi gặp muội. Ta đã giúp hắn, chính ta đã đẩy muội vào lòng hắn…
Tôi không hiểu sư phụ đang nói gì, sắc mặt sư phụ buồn bã, sau cùng chỉ nói:
– Tiểu Phong, ta có lỗi với muội.
Tôi lặng thinh không đáp, trên đời này không ai có lỗi với tôi cả, mà là tôi có lỗi với tất cả.
Tôi có lỗi với ông ngoại, tôi cõng rắn cắn gà nhà, vì tôi nên ông ngoại mới tin tưởng Cố Tiểu Ngũ, khiến Đột Quyết diệt vong…
Tôi có lỗi với Hách Thất, nếu không vì tôi, chắc huynh ấy đã không phải bỏ mạng…
Tôi có lỗi với A Độ, nếu không vì tôi, muội ấy đã chẳng bị tổn thương…
Tôi có lỗi với toàn thể nhân dân Đột Quyết, những người họ hàng của tôi, chính tôi vô tình khiến họ bị thảm sát…
Trên đời này, chẳng ai có lỗi với tôi cả, trừ Cố Tiểu Ngũ…
Nhưng không sao, rồi tôi sẽ giết hắn, tôi sẽ tìm cơ hội giết hắn.
Tôi ngước nhìn những vì sao trên bầu trời đêm, xin thề với thánh thần rằng, sẽ có ngày tôi giết hắn.
Tảng sáng, tôi vừa chợp mắt được một chút, tiếng trống hạt[2] dưới chân núi gọi tôi bừng tỉnh. Tôi mở mắt, thấy A Độ đang bật dậy. Cố Kiếm mang bộ mặt nặng trĩu, nói với A Độ:
– Dẫn Công chúa đi!
[2] Một loại trống cổ của Trung Quốc.
Tôi bướng bỉnh nói:
– Ta không đi. Nếu chết thì cả ba cùng chết.
Cố Kiếm tuốt kiếm, giọng bình tĩnh:
– Ta phải đánh lạc hướng địch, A Độ sẽ đưa muội đi. Con người Lý Thừa Ngân vốn máu lạnh, lẽ nào muội vẫn mong hắn sẽ thực lòng với muội? Một khi muội rơi vào tay hắn, sẽ càng tạo điều kiện cho hắn tiến đánh Tây Lương mà thôi.
Tây Lương!
Tôi suýt nhảy dựng lên. Cố Kiếm nhìn tôi, tôi líu lưỡi, nói:
– Hắn định tấn công Tây Lương?
Cố Kiếm bật cười:
– Đối với bậc đế vương, thiên hạ này biết thuở nào mới có tận cùng?
Tôi nghẹn họng, không thốt nên lời, tiếng trống hạt gióng quá ba hồi, quân Trung Nguyên dưới núi đã bắt đầu xung phong.
Cố Kiếm nói:
– Đi mau!
Tuy người ngợm đang xây xát, song thân thủ của A Độ vẫn khá linh hoạt, muội ấy kéo tôi leo lên vách núi, tôi vội ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ kịp thấy Cố Kiếm đứng trên mỏm đá, ánh nắng sớm mai phủ lên người, máu loang đẫm bộ bào trắng, sau một đêm, máu chuyển màu đen. Gió thốc tay áo, sư phụ đứng trong nắng sớm như một pho tượng, tay lăm lăm trường kiếm. Tôi nghĩ đến những gì sư phụ nói đêm qua, tưởng như một cơn mộng mị. Rồi chợt nhớ dạo dầu khi chúng tôi vừa quen biết, lúc ấy, sư phụ cứu một đứa bé trước vó ngựa, người ngã lăn trên đất, áo trắng nhuộm bụi vàng, vậy mà lúc ấy, sư phụ vẫn oai phong, lẫm liệt vô cùng. Chuyện lúc đó cũng hệt như một giấc mơ. Và mọi việc xảy ra trong mấy ngày nay, đối với tôi, tất cả như cơn ác mộng.
Tôi và A Độ ẩn náu trong núi, ban ngày thì trốn, ban đêm tiếp tục chạy. Quân lính Trung Nguyên sục sạo khắp nơi, nhưng chúng tôi lanh lẹ lẩn tránh, tạm thời chúng không thể tìm ra được. Tôi và A Độ trốn trên núi nhiều ngày, khát thì lấy tuyết làm nước uống, đói thì đào hang chuột, trong đó lúc nào cũng có sẵn quả khô và hạt, ăn cho đỡ xót ruột. Chẳng hay Cố Kiếm còn sống hay đã chết, mà chính tôi cũng không biết mình trốn trên núi được bao lâu rồi.
Có lẽ đã bước sang tháng Tám, vì tuyết đã rả rích rơi. Dường như chỉ trong một đêm mà tuyết đã bao trùm cả núi Thiên Hằng, tuyết có ở khắp nơi, cỏ cây rũ tàn, héo úa. Tuyết rơi, ngọn núi này không còn là nơi thích hợp để trú ẩn, thậm chí loài linh dương cũng không còn ra ngoài kiếm ăn nữa. Gió đêm trên núi lạnh đến mức có thể khiến con người hoá băng. Trước đợt tuyết rơi, đoán chừng toán quân Trung Nguyên đã rút hẳn, vì quân đồn trú dưới tuyết lâu, cạn kiệt lương thực là điều vô cùng đáng sợ, kẻ cầm đầu buộc phải cân nhắc. Tôi và A Độ cố thủ trên núi thêm hai ngày, không thấy có dấu vết bọn chúng lùng sục nữa, mới đánh liều xuống núi xem sao.
Chúng tôi đã gặp may, xuống núi rồi đi cả một ngày đường về phía nam, lại gặp được dân du mục. Ông ta đun chảy tuyết cho chúng tôi rửa mặt mũi, chân tay, còn luộc thịt dê mời chúng tôi ăn. Tôi và A Độ nhếch nhác như người rừng, ẩn mình lâu ngày trên núi, không được ăn một bữa no nê, sau đợt tuyết rơi, trên núi càng khó sống. Ngồi trong căn lều ấm cúng và uống sữa dê, tôi và A Độ như hai kẻ vừa trở về từ địa ngục. Tuy người đàn ông du mục này là dân Nguyệt Thị, song cũng rất đồng cảm với tình cảnh của Đột Quyết, ông ta tưởng chúng tôi là nữ tù nhân vừa trốn khỏi Đột Quyết nên đối đãi với chúng tôi rất ân cần. Ông ta bảo đại quân Trung Nguyên đã rút về phía nam, mấy nghìn người Đột Quyết cũng bỏ trốn, chạy cả về cực tây.
Tôi không nghĩ được gì nhiều, sữa nóng đun chảy mọi ý định trả thù. Tôi biết, nếu chỉ dựa vào tôi và A Độ, e rằng chẳng cách nào chống lại được bọn người Trung Nguyên, chứ đừng nói đến chuyện báo thù cho ông ngoại. Tôi quyết định dẫn A Độ về Tây Lương, tôi rất nhớ cha mẹ tôi. Tôi nghĩ bằng mọi giá phải về được Vương thành, rồi kể cho cha nghe toàn bộ những chuyện xảy ra ở Đột Quyết, nói người nhất định phải đề phòng bè lũ Trung Nguyên. Ông ngoại mất rồi, hẳn mẹ sẽ rất đau lòng, tôi nóng lòng muốn gặp và an ủi bà. Mặc dù ông ngoại không còn trên đời này nữa, song mẹ vẫn còn có tôi ở bên cơ mà.