Chương 31 Sống và chết

“Dẫu biết thành công nằm trong tầm tay,

Cũng nên suy tính cẩn trọng;

Chỉ có kẻ ngu xuẩn mới tình cách cứu vãn,

Khi việc đã rồi.”

(Cách ngôn Sakya)

31.1

Phủ Bạch Lan Vương bao trùm bởi màu khăn tang, người hầu tấp nập ra vào phòng khách để sắp đặt linh cữu. Trong phòng của Mukaton, các thầy cúng và Kháp Na đang làm lễ nhập niệm cho cô. Người anh thứ hai của Kháp Na, đại sư Rinchen cùng các Lạt Ma đứng một bên, tụng kinh siêu độ cho người xấu số.

Vương phi Mông Cổ Mukaton với phục trang lộng lẫy lúc trước đã được thay y phục mới, thầy cúng đặt một chiếc bát bạc úp ngược lên bụng cô ấy, sau đó quấn chặt thân thể của cô ấy trong những vuông vải trắng tinh rồi đặt vào quan tài trong tư thế nằm nghiêng, tay trái đỡ cằm. Đó là tục lệ của người Mông Cổ, đàn ông sẽ được đặt trong tư thế ngược lại.

Khi nắp quan tài đóng lại, Rinchen thắp sáng ngọn đèn đối bằng dầu bơ, tượng trưng cho linh hồn của Mukaton, ngọn đèn sẽ cháy trong suốt chín chín tám mốt ngày. Kháp Na thận trọng đón lấy cây đèn, nước mắt ướt đầm ngực áo.

Tin tức được truyền đi, họ hàng thân thích của Mukaton trong thành Yên Kinh đều khóc thương cô ấy. Ngay cả Đại hãn Hốt Tất Liệt cũng không khỏi mủi lòng, ngài đã phong hiệu cho Mukaton và ban lệnh chôn cất Vương phi chu đáo. Tháng Chín năm đó, bất chấp sự phản đối của Bát Tư Ba, tuy vẫn chưa khỏi bệnh, Kháp Na vẫn cương quyết đưa linh cữu của Mukaton về Lương Châu an táng.

Trên đường đi, Kháp Na tuân thủ nghiêm khắc quy định về thủ tục ma chay, đặt cơm cúng và trà cúng trước linh cữu của Mukaton trước mỗi bữa ăn, cẩn trọng hết mức để ngọn đèn tượng trưng cho linh hồn của Mukaton không bị tắt. Nơi mà xe tang đi qua, quan lại các địa phương đều lập đàn tế lễ dọc đường. Vì quá đau buồn nên Kháp Na chẳng còn tâm trí đâu mà tiếp đón họ, việc đó được giao cả cho Kunga Zangpo. Kunga Zangpo là người ân cần, chu đáo, giao thiệp khéo léo nên rất được Kháp Na tín nhiệm, tin dùng.

Xe tang đi được nửa đường thì đoàn rước của Thiếp Mộc Nhi tới nơi. Không kịp giũ cho sạch lớp bụi đường vương đầy trên áo, Thiếp Mộc Nhi ôm chầm lấy linh cữu của Mukaton, gào khóc thảm thiết. Mukaton và cậu ta là anh em cùng một mẹ sinh ra nên thân thiết từ bé. Nay cha mẹ không còn, Mukaton trở thành người thân thiết nhất của Thiếp Mộc Nhi.

Ngày thứ tám mươi mốt sau khi Mukaton qua đời, linh cữu của cô ta đã về đến thảo nguyên ở ngoại thành Lương Châu. Thiếp Mộc Nhi chọn cho em gái nơi yên nghỉ nằm trên một quả đồi nhỏ. Kháp Na đã xỏ đôi giày mà Mukaton tự tay khâu cho cậu ấy kể từ lúc tang lễ bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Thiếp Mộc Nhi ra lệnh đào một huyệt mộ lớn, bên trong dựng một chiếc lều Mông Cổ màu trắng tinh khiết, người ta đặt linh cữu vào trong chiếc lều đó, phía trước lều là bàn thờ xếp đầy thịt và sữa ngựa. Người hầu của Thiếp Mộc Nhi dắt đến một con ngựa cái, một con ngựa con và một con ngựa đực đeo hàm thiếc và yên ngựa. Người ta sẽ giết những con ngựa này và xếp xác của chúng bên cạnh linh cữu.

Đám gia đinh còn khiêng tới hai cô hầu gái đã bị trói chặt chân tay và nhét giẻ vào miệng, cả hai đều run lên bần bật. Kháp Na nhận ra họ chính là những thị nữ thân cận của Mukaton, còn chưa kịp hỏi han đã thấy đám gia đinh kè dao vào cổ họ. Hai thị nữ nhanh chóng tắt thở, xác họ được đặt bên cạnh linh cữu, những vệt máu tươi loang lổ trên cỏ.

Lần đầu tiên chứng kiến tục lệ chôn người sống theo người chết dã man ấy, Kháp Na sợ xanh mặt, không thốt nên lời.

Sau khi người ta đã lấp đất đầy miệng huyệt, đám gia đinh cưỡi ngựa giẫm cho huyệt mộ được bằng phẳng. Năm tới, khi cỏ dại mọc lên xanh tốt, sẽ khó mà tìm được mộ của người chết. Cái mất đi là thân xác, cái còn lại vĩnh cửu là linh hồn, tiếng tụng niệm thành kính rì rầm vang lên, gió lạnh mùa đông ào ạt thổi đến, sau chín chín tám mốt ngày gìn giữ, ngọn đèn tượng trưng cho linh hồn của Mukaton cuối cùng đã tắt, vậy là cô ấy đã kết thúc vòng luân hồi của kiếp này.

Tối hôm đó, sau khi về phủ Phò mã, Kháp Na cắn răng chịu đau khi cởi bỏ chiếc giày quá chật. Ngón chân phải sưng tấy, biến dạng, chỉ khẽ chạm cũng khiến cậu ấy đau phát khóc.

Nhìn cậu ấy ôm chân, mồ hôi lấm tấm trên trán, tôi trách:

- Sao cậu có thể chịu đựng cả ngày trời được nhỉ?

- Ta cứ nghĩ gắng gượng một chút cũng không sao. – Cậu ấy nhấc chiếc giày lên, cười buồn. – Em có thấy nó giống hệt cuộc hôn nhân của ta và Mukaton không? Chiếc giày không thể nào vừa chân được, dù ta có cố chịu đau đến đâu, gắng nhẫn nhịn đến đâu chăng nữa.

Từ đó về sau, Kháp Na không xỏ đôi giày ấy nữa, cậu ấy lưu giữ nó như một món đồ quý giá, mãi đến khi qua đời.

Sau đám tang, Kháp Na không trở về Yên Kinh ngay mà ở lại phủ Phò mã, trong căn phòng của Mukaton. Không ai biết vì sao cậu ấy đột nhiên lại muốn như vậy, chỉ cố hết sức tránh làm phiền cậu ấy.

Trong suốt tám mươi mốt ngày vừa qua, Kháp Na đã tuân thủ tục lệ của người Mông Cổ, không cắt tóc, không cạo râu, cũng không cắt móng chân, móng tay. Râu quai nón xồm xoàm, gương mặt trải qua nhiều ngày đau thương đã khiến cậu ấy trở nên rất đỗi tàn tạ. Hết tám mươi mốt ngày, cậu ấy cũng không thèm vệ sinh cơ thể, suốt ngày giam mình trong phòng của Mukaton, bầu bạn với rượu và những cơn ho ngày một dữ hơn.

Cậu ấy vốn ưa sạch sẽ, gọn gàng nên giờ đây, tôi không sao chịu nổi khi nhìn bộ dạng lôi thôi, chán chường của cậu ấy. Và thế là, vào một buổi chiều có nắng của mùa đông năm đó, tôi đã hóa thành người và đề nghị Kháp Na để tôi vệ sinh cho cậu ấy.

Kháp Na ngồi bên cửa sổ, đầu tựa vào lưng ghế, ánh mắt chăm chú dõi theo từng cử động của bàn tay tôi. Bếp than hồng rực sưởi ấm cả căn phòng. Tôi nhúng khăn vào nước nóng, ấp lên cằm cậu ấy, sau khi các sợi râu đã mềm ra, tôi căn dặn cậu ấy ngửa đầu lên, không được động đậy rồi nhẹ nhàng đưa lưỡi dao cạo trên cằm cậu ấy.

Bóng tôi in trong đôi mắt đen sẫm, sâu hun hút của cậu ấy. Tôi thận trọng khi cầm dao cạo vì sợ chỉ một chút sơ ý sẽ khiến cậu ấy bị thương. Làn da cậu ấy rất trơn và mượt, đôi má đã hóp lại, càng làm lộ rõ gò má cao, khóe mặt đã xuất hiện thêm vài nếp nhăn, tuy không làm mất đi vẻ điển trai của cậu ấy nhưng cũng đủ khiến tôi đau lòng.

Râu đã được cạo sạch, giờ đến tóc. Nước nóng bốc hơi nghi ngút, tôi đan tay vào mái tóc của cậu ấy bóp nhẹ, bọt xà bông xào xạo. Tôi lấy gáo múc nước ấm, giội từ đỉnh đầu xuống, chầm chậm, nhẹ nhàng, làn nước tuôn dài như những chuỗi trân châu lấp lánh, trôi trên mái tóc đen mượt, óng ả của cậu ấy. Đôi mắt đen huyền hoặc của cậu ấy được phủ làn sương mờ ảo, khóe môi lấp ló nụ cười dìu dịu, má lúm đồng tiền nhấp nhô, tinh nghịch. Đã lâu rồi tôi không được thấy cậu ấy cười.

Đầu gội sạch sẽ, móng tay cắt gọn, thay bộ đồ mới, cậu ấy lại trở về với dung mạo tuấn tú lúc trước, có điều gương mặt vẫn hom hem, hốc hác, nỗi bị thương vẫn vương giữa vùng nhãn thần tuyệt đẹp của cậu ấy.

Cậu ấy đưa mắt nhìn xung quanh, đồ đạc vẫn nguyên nếp cũ. Sự phối kết giữa những gam màu đỏ đỏ xanh xanh vốn là sở thích ăn vận rất đỗi khoa trương của Mukaton từ xưa đến nay. Giá sách trống rỗng, trên hai chiếc khay đặt hai bên giá sách là ngồn ngộn các loại vật dụng cưỡi ngựa mà cô ấy yêu thích, từ yên ngựa làm bằng loại da quý hiếm đến bàn đạp được chế tác thủ công tinh xảo, hàm thiếc nạm trân châu quý giá, muốn thứ gì là có thứ đó.

- Trước đây, ta rất sợ phải vào căn phòng này, nhất là hồi nhỏ.

Cậu ấy lại gần khay đựng vật dụng cưỡi ngựa, nhấc một chiếc roi tinh xảo lên, đặt vào lòng bàn tay, mân mê ngắm nghía.

- Ta còn nhớ rõ, có lần ta cưỡi con Đại Uyển mà cô ấy thích nhất, cô ấy gọi ta vào phòng, dùng sợi roi này quất tới tấp vào người ta.

31.2

Tất nhiên là tôi cũng nhớ. Khi ấy Kháp Na mới mười tuổi, nhỏ bé, yếu ớt, không đủ sức phản kháng, chỉ có thể gào khóc và tìm nơi ẩn nấp. Thiếp Mộc Nhi đã tức tốc chạy đến khi nghe tin báo và cứu Kháp Na. Những vết roi lằn trên lưng Kháp Na báo hại cậu ấy phải nằm sấp khi ngủ một thời gian dài. Khoát Đoan nghiêm khắc giáo huấn Mukaton và đích thân đến xin lỗi Ban Trí Đạt. Nhưng kể từ đó, Kháp Na ngày càng khiếp sợ Mukaton, đến nỗi cậu ấy run bắn mỗi khi nghe thấy tiếng cô ấy.

- Nhiều năm sau, ta không bao giờ muốn bước chân vào căn phòng này. Vì với ta, nó đáng sợ chẳng khác nào chốn âm tào địa phủ.

Cậu ấy khẽ run lên mỗi khi nhớ lại chuyện cũ. Khắp nơi trong căn phòng này đều mang đậm dấu ấn của Mukaton, giọng nói sang sảng, thân hình cao lớn, gương mặt dữ dằn, nhìn vào đâu cũng thấy, rõ mồm một.

Tôi thắc mắc:

- Vậy vì sao bây giờ cậu lại vào đây?

Kháp Na rầu rĩ, thở dài, đặt roi ngựa về vị trí cũ, che miệng ho khan:

- Ta dần trưởng thành, cô ấy tìm đủ mọi cách để dụ ta vào căn phòng này nhưng ta kiên quyết không chịu. Nhưng giờ đây, người không còn nữa, chuyện xưa cũng tan theo khói mây, trong lòng ta không còn căm ghét cô ấy mà chỉ có nỗi ân hận, day dứt. Những thứ cô ấy muốn có lúc còn sống, ta chỉ có thể bù đắp khi cô ấy đã chết.

Cậu ấy cười buồn, lắc đầu, nỗi xót xa, thương cảm dâng đầy trong mắt:

- Không biết làm vậy là để an ủi cô ấy hay để an ủi chính ta nữa.

Tôi lại gần cậu ấy, hỏi khẽ:

- Cậu định khi nào trở lại Yên Kinh?

Cậu ấy ngó tôi một cái rồi lập tức quay đi, ánh mắt chăm chú dồn về phía bức rèm châu rủ là:

- Bây giờ đã là cuối tháng Mười hai, hãy chờ đến khi ăn Tết xong. Em nói giùm với đại ca rằng, khi nào cảm thấy nhẹ nhõm hơn, ta sẽ quay về.

- Nhưng Lâu Cát căn dặn tôi ở bên cậu, cậu ấy lo cho cậu nhiều lắm.

Tôi kéo tay áo Kháp Na, ấp úng:

- Tôi cũng lo cho cậu.

Cậu ấy cúi nhìn bàn tay tôi đang kéo tay áo cậu ấy, ánh mắt như luyến tiếc, rồi cậu ấy lùi lại phía sau một bước, kéo tay tôi ra:

- Em về bên huynh ấy đi, ta không sao!

Tôi đang định nói tiếp thì đột nhiên có tiếng gõ cửa, Kunga Zangpo đứng bên ngoài khẽ bẩm báo:

- Thưa Vương gia, đã có thông tin về bà hai.

Chúng tôi nhìn nhau rồi tôi lập tức trở lại nguyên hình, làm phép giấu xiêm y. Kunga Zangpo bước vào phòng, báo cáo tin tức thu lượng được với Kháp Na.

Thì ra Dankhag không vào Vân Nam qua đường Tứ Xuyên (vốn là vùng đấ thuộc phạm vi kiểm soát của người Mông Cổ) mà lén lút đi đường vòng qua biên giới Nam Tống. Chẳng trách Kháp Na phái ngần ấy người đi truy đuổi mà không hề có tin tức gì. Vừa vác bụng bầu nặng nề vừa phải vượt qua chặng đường dài suốt hơn ba tháng trời, cuối cùng Dankhag cũng đến được Côn Minh. Khi người của Kháp Na biết tin và đuổi theo đến nơi thì Yeshe đã đi trước một bước, đón cô ả về phủ Vân Nam Vương. Người của Kháp Na không dám mạo phạm Vương phủ nên chỉ có thể truyền tin về và chờ cậu ấy định liệu.

Nhác thấy Kháp Na mặt mày sa sầm, không nói lời nào, Kunga Zangpo bèn ghé sát tai cậu ấy, thì thào:

- Nhưng tôi nghe nói, suốt dọc đường đi vì quá lo sợ nên bà hai không ăn, không ngủ được nên thai nhi bị ảnh hưởng, e là sẽ sinh non.

Kháp Na nhướng mày nhìn lên, vẻ mặt càng tệ hại.

Tối hôm đó, Kháp Na dặn dò tôi:

- Tiểu Lam, em hãy đến phủ Vân Nam Vương một chuyến, thăm dò xem cô ta đã sinh đứa bé đó chưa.

Những ngày cuối tháng Mười hai năm 1262, tôi lẻn vào Vương phủ của Hốt Ca Xích ở Côn Minh, Vân Nam. Đó là năm duy nhất tôi không ăn Tết cùng anh em Bát Tư Ba.

Tiếng pháo râm ran chào đón năm mới không át nổi tiếng sản phụ và trẻ sơ sinh kêu khóc vẳng ra từ một chái nhà nằm khuất sâu trong vườn sau của phủ Vương gia. Dankhag đẻ non khi đứa bé mới tròn tám tháng. Sau ba ngày trở dạ, đau đớn dữ dội, Dankhag đã sinh được một bé trai vào thời khắc cuối cùng của năm cũ.

Sau khi đứa bé chào đời, Dankhag nằm vật ra trên giường, sức cùng lực kiệt, mồ hôi đầm đìa trên trán, gương mặt trắng bệch. Yeshe khoát tay ra hiệu cho đám người hầu lui cả ra. Sau tiếng kẹt cửa, bầu không khí im ắng đến rợn ngợp bao phủ căn phòng.

Yeshe đứng ở đầu giường, vẻ mặt lạnh lùng kỳ quái. Vẫn đang trong cơn mê man, nhưng chừng như nhận ra có người đứng bên cạnh, Dankhag gắng gượng hé mắt nhìn, sau đó thì thở phào, cất giọng yếu ớt:

- Yeshe, cho thiếp nhìn mặt con.

Chắp hai tay ra sau lưng, Yeshe hất hàm, lạnh lùng hỏi ngược lại Dankhag:

- Con ư? Con nào?

Dankhag bực bội, chìa cánh tay run run về phía hắn:

- Chàng... chàng nói bậy gì thế, là con của chúng ta.

Yeshe cau mày nhìn người phụ nữ đã gần cạn kiệt sức lực đang nằm trên giường:

- Cô mới là người nói bậy đó. Cô là em dâu ta, làm sao ta có thể bất chấp luân thường đạo lý, dan díu với em dâu để có con được chứ?

Dankhag sửng sốt, mắt trợn ngược nhìn người đàn ông lạnh lùng đứng bên cạnh:

- Yeshe, chàng... chàng nói gì vậy?

Yeshe vờ như không để ý đến biểu cảm của Dankhag, ngón tay vân vê chiếc nhẫn ngọc to tướng ở ngón cái, đắc ý cười khoái trá:

- Ta có tin vui muốn thông báo với cô. Hôm nay là ngày vợ ta chuyển dạ, cô ấy đã sinh cho ta một thằng cu.

31.3

Dankhag nổi giận đùng đùng, gạn hết sức lực ngồi dậy, túm lấy tay áo của Yeshe:

- Chàng từng nói, vợ chàng hồi trẻ bị ốm, khí lạnh xâm nhập vào cơ thể khiến cho cô ta cả đời không thể có thai kia mà? Chàng còn bảo, nếu không vì mắc bệnh nan y đó, đời nào cô ta chịu lấy một kẻ có thân phận thấp hơn cô ta như chàng kia mà? Bố vợ chàng đã giấu giếm chuyện đó cho đến sau đám cưới, và chuyện đó đã khiến chàng vô cùng tức giận kia mà? Chàng còn bảo, nếu thiếp sinh con cho chàng, chàng sẽ lập tức bỏ cô ta để cưới thiếp.

Yeshe hất bàn tay Dankhag đang nắm tay áo hắn, nheo mắt lại, lạnh lùng, nham hiểm, hắn lùi lại phía sau, cười mỉa mai:

- Dankhag, cô là kẻ tâm địa độc ác, thủ đoạn tàn bạo, nhưng tuổi còn quá trẻ, cô đã dễ dàng tin vào những lời nói ngon ngọt người khác bịa ra. Làm sao ta có thể bỏ người vợ đường đường chính chính để cưới em dâu được? Ta làm sao có thể đắc tội cùng lúc với cả gia đình nhà vợ, ông anh cả và thằng em út của ta được? Việc vợ ta không thể có thai, trên đời này chỉ có ta, bố vợ ta, vợ ta và cô biết thôi. Ba người bọn ta sẽ tuyệt đối giữ kín bí mật này. Với người ngoài, đứa bé chính là con đẻ của vợ ta và suốt đời này, cô ấy sẽ phải ghi nhớ và làm quen với điều đó.

Dankhag giận đến mức toàn thân co giật:

- Ngươi... ngươi... ngươi quá tàn độc! Ta sẽ nói với Kháp Na...

- Cô ư? – Yeshe cười khểnh, giọng hắn lạnh băng. – Tốt nhất cô nen cầu xin Phật Tổ cứu cô thoát khỏi đêm nay đi đã.

Bất chấp sức khỏe vô cùng yếu ớt, Dankhag bò ra tận mép giường, gào lên thảm thiết:

- Ngươi... ngươi cướp con của ta, hãy trả lại con cho ta!

Yeshe mỉm cười thâm độc, nhìn người đàn bà đầu tóc rũ rượi đang vật vã ở mép giường:

- Hồi con ở Sakya, ta đã phải vất vả, khổ sở bao nhiêu để theo đuổi cô. Lúc ấy, thái độ của cô đối với ta thế nào, cô còn nhớ không? Cô cho mình là con nhà danh giá nên luôn tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn, vui thì cô gọi đến, chán thì cô đuổi về. Lúc cô bực mình, ta phải hạ mình làm đủ mọi trò hèn hạ để mua vui hầu cô.

Hắn nổi điên, đạp đổ chậu than đặt ở giữa phòng. Than hồng bắn tung tóe trên mặt đất, tia lửa lấp lánh. Hắn chỉ tay vào mặt Dankhag, gương mặt cau có, dữ tợn:

- Thế nhưng, vừa mới gặp em trai của ta, thấy nó khôi ngô, sáng sủa hơn, quyền thế hơn, cô lập tức đá ta như đá một thứ rác rưởi!

Những tàn lửa cuối cùng dần tắc lịm, nhiệt độ trong phòng nhanh chóng xuống thấp. Tuy là mùa xuân nhưng nơi đây vẫn vô cùng giá buốt. Dankhag run lên bần bật, khóc khản cả giọng:

- Nhưng ngươi từng nói ngươi chỉ yêu mình ta, ngươi đã yêu ta suốt chừng ấy năm và ngươi không để bụng chuyện ta đã từng kết hôn kia mà!

- Không để bụng? Cô có biết ta tới tham dự hôn lễ của cô với tâm trạng thế nào không? Ta những mong có thể dùng dạo rạch ngực cô ra để xem con tim cô nó màu đen hay màu đỏ! – Hắn ngừng lại một lát, ánh mắt thoáng vẻ ghê tởm. – Vả lại, cô hãy tự hỏi mình xem, nếu không phải vì Kháp Na không thèm động vào cô, liệu cô có đến tìm ta không?

Dường như không còn gì để nói, Dankhag đặt tay lên ngực, thở dốc, tiếng khóc cũng yếu hơn lúc trước.

- Rơi vào tình cảnh này, tất cả đều do cô tự chuốc lấy! – Yeshe chưa chịu buông tha cho cô ta, hắn cười hả hê. – Kháp Na đang cho người lùng cô khắp nơi để trả thù cho vợ nó. Giờ đây, bất kể đi đâu cô cũng bị người ta nguyền rủa là con đàn bà lăng loàn, độc ác.

- Chính ngươi bảo ta làm chuyện đó! – Cô ta ngước đôi mắt sưng húng lên, mái tóc dài lòa xòa che khuất nửa khuôn mặt trắng bệch như xác chết, khóe môi run lên từng chặp. – Ngươi nói rằng, nếu Kháp Na chết, ngươi sẽ kế thừa toàn bộ tài sản của giáo phái và con trai chúng ta sẽ trở thành pháp vương của Sakya!

Yeshe áp sát vào cô ta, khẽ nhếch môi, cười mỉa mai:

- Ai có thể chứng minh lời cô nói? Đó chỉ là những lời hoang đường của người đàn bà bị chồng ruồng bỏ mà thôi!

Dankhag nhìn hắn chằm chằm rồi gào lên như xé họng. Vừa trải qua cơn chuyển dạ, cơ thể yếu ớt của cô ta không thể chịu nổi cú đả kích này nên cô ta nằm vật ra, bất động, những sợi tóc lòa xòa trên mặt, cánh tay buông thõng xuống mép giường, chẳng khác gì một xác chết.

Yeshe nheo mắt dò xét. Một lúc lâu sau, mắt hắn mới lóe sáng rồi hắn quay đầu bước thẳng. Cánh cửa khẽ khép lại, căn phòng tràn ngập tử khí. Không còn than nóng, hơi lạnh tràn vào phòng qua khe cửa sổ, buốt giá đến tận buồng tim lá phổi.

Tôi hóa thành người, lại gần Dankhag. Cô ta chỉ mặc một chiếc áo mỏng, toàn thân lạnh toát như một khối băng. Tôi đặt tay dưới mũi cô ta kiểm tra hơi thở, rất yếu, hệt như thứ ánh sáng lập lòe cuối cùng của con đom đóm.

Cô ta khẽ mở mắt, giọng nói nhẹ như bấc:

- Ta... ta chết rồi ư? Người là... tiên nữ... đến đón ta ư?

Tôi nhe nanh, làm ra vẻ hung tợn:

- Ta không phải tiên nữ mà là quỷ sứ đến bắt ngươi, tống xuống địa ngục Vô gián.

- Địa ngục Vô gián... không bao giờ chết... không được đầu thai... bị lửa thiêu cháy... khổ ải vô biên. – Phải mất rất nhiều thời gian cô ta mới nói hết một câu. Rồi cô ta ngừng lại, thở gấp, tiếng thở dài thoát ra sau cùng chất chứa nỗi ân hận. – Ta... tội lỗi chất chồng, bị đày xuống địa ngục... Vô gián là đáng lắm. Ta chỉ... ta chỉ hận một điều... ta đã yêu lầm người. Cả Kháp Na và hắn... ta đã lầm...

Cô ta đột ngột giơ tay lên cao, dồn sức để bật lên tiếng kêu sau cùng:

- Con ơi...

Cánh tay cô ta thình lình đổ xuống, tôi khẽ gọi nhưng không có tiếng trả lời. Tôi vuốt mắt cho cô ta, thở dài:

- Đến lúc chết cô cũng không biết tên con mình là gì.

Mùa xuân năm đó, sự kiện đáng vui mừng nhất của phủ Vân Nam Vương là vợ của Thượng sư Yeshe sinh hạ một cậu con trai. Mồng một Tết năm đó, Yeshe phát lộc cho người nghèo trên phố để chúc phúc cho cậu con mới chào đời. Đứa bé được đặt tên là Danichen Bosambobe, tên thường gọi là Dani.

~.~.~.~.~.~

Thấy chàng trai trẻ ngó đồng hồ, tôi hỏi:

- Muộn rồi phải không?

Chàng trai lắc đầu:

- Không, không, mới mười giờ. Ở chỗ chúng tôi thì lúc này mới bắt đầu cuộc sống về đêm. Cô kể tiếp đi. Cuộc chiến giữa hai anh em Hốt Tất Liệt sau đó ra sao?

Tôi mỉm cười, đổi tư thế ngồi, tiếp tục câu chuyện:

- Nhân lúc Hốt Tất Liệt đang bận rộn tiêu diệt bè đảng của quân phản loạn, A Lý Bất Ca đã “đội mồ sống dậy” ở miền Bắc. Ông ta tấn công và chiếm giữ khá nhiều thành trì từng quy hàng Tiểu Lam. Nhưng tiếc thay, ông ta không biết tận dụng triệt để cơ hội trời cho ấy. Sự hà khắc của ông ta làm nảy sinh mối mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ các tướng lĩnh, viên tướng A Lỗ Hốt đòi tách khỏi quân đội của A Lý Bất Ca.

Chàng trai trẻ mỉm cười, nhận xét:

- Trong thời gian tranh giành ngôi vị Đại hãn thì nội bộ quân đội của cả Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca đều xuất hiện âm mưu làm phản của các tướng lĩnh. Nhưng Hốt Tất Liệt đã xử lý việc đó tốt hơn A Lý Bất Ca rất nhiều. Bởi vậy sau này, A Lý Bất Ca thua Hốt Tất Liệt cũng là do ông ta tự chuốc lấy.

- Mùa đông năm đó, sau khi đánh bại A Lỗ Hốt, A Lý Bất Ca hạ lệnh đóng quân tại lưu vực sông Ili. Ông ta không những không hề rút ra bài học từ vụ phản loạn trước đó, mà còn ra tay giết chóc tàn bạo hơn trước, khiến cho toàn bộ cùng đất ở lưu vực sông Ili trở nên tan hoang, đổ nát.

Nhớ tới những người dân vô tội chết thảm trong tay A Lý Bất Ca, tôi lắc đầu, xót xa:

- Đó chính là mầm học mà ông ta đã tự gieo cho mình, chính nó đã góp phần gây ra thất bại thảm hại của ông ta không lâu sau đó.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện