Chương 32 Đợi chờ lặng lẽ
“Thật giả, đúng sai vốn rõ ràng,
Học giả xét suy chẳng ngỡ ngàng;
Nước hòa trong sữa, người đành chịu,
Chim chàng nghịch uống chẳng hoang mang.”
(Cách ngôn Sakya)
32.1
Năm 1263 – tức năm Quý Hợi, Âm Thủy theo lịch Tạng – tức niên hiệu Cảnh Định thứ tư, nhà Tống – tức niên hiệu Trung Thống thứ tư, Mông Cổ, Hốt Tất Liệt.
Bát Tư Ba hai mươi chín tuổi, Kháp Na hai mươi lăm tuổi, Chân Kim hai mươi tuổi.
- Nghỉ tay uống chút trà rồi nghỉ ngơi đi thôi. – Tôi đặt chèn trà trước mặt Bát Tư Ba khi chàng vẫn đang miệt mài ghi chép, dịu dàng bảo. – Khuya rồi đó, chàng hãy nghỉ đi.
- Ban ngày có nhiều việc phải xử lý nên ta chỉ có thể dành thời gian buổi tối để nghiên cứu loại chữ Mông Cổ mới này.
Chàng gác bút, ngẩng lên và bắt gặp tôi trong dung mạo thiếu nữ, gương mặt lại ửng đỏ. Chàng cúi xuống, nhấp một ngụm trà:
- Đế quốc Mông Cổ rộng lớn của Đại hãn có rất nhiều tộc người quần cư: người Mông Cổ, người Kim, người Hán, người Khiết Đan, người Tây Hạ, người Uyghur và cả người Tufan… Ngôn ngữ, chữ viết của chừng ấy dân tộc đan xen vào nhau trong quá trính giao lưu trao đổi, quả thực rất hỗn độn, phức tạp.
Lúc này đang là đầu tháng Sáu, thời tiết có chút oi bức, tôi phe phẩy quạt cho chàng, gật đầu tán đồng:
- Đúng thế. Mỗi lần ban chiếu thư, Hốt Tất Liệt lại phải dùng đến bảy, tám loại chữ viết. Chỉ trong một khu vực nhỏ mà có biết bao ngôn ngữ khác nhau, người dân khó lòng giao lưu, trao đổi.
- Sau khi đến đất Hán, nhận thấy kinh tế, lịch sử, văn hóc của người Hán đều phát triển, tiến bộ hơn những dân tộc khác, Đại hãn hạ lệnh phiên dịch các thư tịch của người Hán, nhưng một vấn đề hết sức nan giả đã xuất hiện. – Giọng chàng thâm trầm, khoan thai, êm dịu. – Chữ Mông Cổ - Uyghur – mà người Mông Cổ hiện đang sử dụng là kiểu chữ viết Uyghur dùng để ghi lại tiếng nói của người Mông Cổ nên độ chính xác không cao và ký tự thì quá ít. Nếu dùng loại chữ này để phiên dịch thư tịch chứ Hán thì không những nguyên văn không được bảo toàn mà âm đọc cũng trúc trắc, khó nghe, khó nói, thậm chí có thể gây ra hiện tượng sai lệch, không đúng nghĩa. Bởi vậy, Đại hãn trông đợi thứ ngôn ngữ mà người Mông Cổ và các dân tộc khác đều có thể sử dụng.
- Vậy thì khó quá.
Tôi vừa quạt cho chàng vừa than thở. Ba trăm nam tiếp xúc với loài người, tôi đã học được không ít ngôn ngữ và hiểu rằng, để có thể tìm ra một thứ ngôn ngữ chung, thông dụng trong hệ thống ngôn ngữ vô cùng phong phú, khác biệt và phức tạp đó là điều không hề dễ dàng.
Chàng ngước nhìn những ngăn sách đầy chặt thư tịch Hán và Mông Cổ trên giá, gương mặt an nhiên, tĩnh tại tựa làn sương sớm trên đỉnh núi phía xa:
- Bởi vậy, chữ Mông Cổ mới mà ta sáng tạo ra là kiểu chữ viết dựa trên nền tảng của chữ Hán, kết hợp với thói quen viết lách và đặc điểm phát âm của chữ Hán, chữ Mông Cổ và chữ Uyghur.
Chàng đã nỗ lực học tiếng Hán ngay từ khi còn ở Lương Châu. Đến nay, chàng đã có thể truyền giải kinh Bát Nhã và Nhân Minh học bằng tiếng Hán một cách lưu loát.
Tôi đăm chiêu suy nghĩ, ngón tay đưa lên mân mê lọn tóc màu lam một cách vô thức:
- Nhưng tiếng Tạng là cái chữ cái phiên âm, trong khi tiếng Hán lại là các nét chữ hợp lại thành hình vuông, hai ngôn ngữ này hoàn toàn khác nhau. Để tìm ra một thứ văn tự có thể chuyển dịch hai loại ngôn ngữ này cho nhau thì còn khó hơn cả lên trời.
- Nên phải có cách hữu hiệu nào đó để ghi lại tiếng Hán bằng chữ cái tiếng Tạng. Đến nay, ta đã tìm ra một số quy luật. – Chàng đặt ngón tay vào huyệt thái dương, ấn khẽ, đầu ngã lên gối tựa, mắt khép hờ, chừng như đã thấm mệt. – ta hy vọng hệ thống chữ viết mới này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho công việc dịch thuật thư tịch bằng chữ Hán.
Tôi bước lại gần, định bóp vai cho chàng nhưng chợt nhớ ra, tôi vẫn phải đứng cách xa chàng chừng một cánh tay nữa, đành ngập ngừng lùi lại một bước, dặn lòng kiềm chế ước muốn, khao khát được chăm sóc chàng. Tôi xót xa khi thấy vẻ mặt mệt mỏi của chàng:
- Nhưng cũng không nên vì thế mà lao lực, quá sức như vậy. Mỗi ngày chàng chỉ ngủ hai, ba canh giờ, tình trạng này mà cứ tiếp tục kéo dài, chàng sẽ ốm mất. Chàng cũng đâu có khỏe mạnh gì cho cam.
Chàng mỉm cười hồn hậu, quay lại nhìn tôi, gương mặt đỏ như gấc chín:
- Ta không sao. À phải rồi, em vừa ở chỗ Kháp Na về, sức khỏe của đệ ấy dạo này thế nào? Hơn nửa năm vẫn chưa chịu về Yên Kinh là cớ làm sao?
- Cậu ấy khá hơn nhiều rồi nhưng chứng ho khan đã thành bệnh mãn tính, nhất là vào những ngày thởi tiết hanh khô, cậu ấy càng ho dữ. Còn về tinh thần thì cũng khá hơn so với thời gian đầu khi Mukaton mới mất, cậu ấy đã chịu cười và ít uống rượ hơn.
Tôi khẽ ngừng lại, đắn đo:
- Nhưng cậu ấy chưa muốn về Yên Kinh, bảo rằng một thời gian nữa hãy hay.
Thực ra, câu nói nguyên văn của Kháp Na là:
- Khi nào em và đại ca có tin vui, ta sẽ về kinh.
Khi nói câu đó, nụ cười nhẹ thoáng trên môi Kháp Na, lúm đồng tiền ẩn hiện nhưng trong đáy mắt cậu ấy, có chút gì long lanh như ngấn nước. Lẽ ra tôi nên vui mới phải, nhưng câu nói của cậu ấy khiến tôi không sao vui nổi. Nụ cười gắng gượng che lấp nỗi buồn của Kháp Na như tàn lửa âm ỉ thiêu đốt tim gan tôi, để lại vết sẹo mãi chẳng chịu lành.
Bát Tư Ba khẽ chau mày, bực mình đặt cuốn sách xuống bàn:
- Đệ ấy không chịu về là muốn tránh mặt ta.
Tôi ngạc nhiên:
- Vì sao?
Chàng khẽ hậm hực, bàn tay cầm bút lông siết chặt, giọng nói có chút gay gắt:
- Đệ ấy sợ ta bắt đệ ấy cưới vợ.
Giờ đây, khi cả hai người vợ đều qua đời, vấn đề con cái lại trở nên bức thiết và Kháp Na thì đang cố gắng để tránh né nó. Tôi thở dài, Bát Tư Ba quả là rất hiểu em trai mình.
Thực ra, Kháp Na đã tâm sự với tôi về chuyện này.
Tối hôm đó, khi tôi truyền đạt lại lời của Bát Tư Ba, bảo rằng muốn Kháp Na về kinh, Kháp Na lắc đầu:
- Nếu ta về đó, đại ca nhất định sẽ lại ép ta cưới vợ. – Cậu ấy thở dài, nỗi phiền muộn ngập trong mắt. – Tuy đại ca vì ta mới làm vậy nhưng ta biết, trong long fhuynh ấy, giáo phái quan trọng hơn nhiều.
Tôi đáp:
- Bây giờ cậu đã trở thành người độc thân, cậu lấy vợ cũng đâu có sao.
Kháp Na bực bội ngắt lời tôi:
- Ta sẽ không cưới.
Ngừng lại một lát, cậu ấy đẩy cặp mắt long lanh đến chói mắt về phía tôi:
- Tiểu Lam, ta đã hứa sẽ giúp em, và đây là cách của ta.
Chợt nhớ đến cuộc trò chuyện giữa hai anh em họ, tôi lắc đầu, buồn muốn khóc:
- Kháp Na ơi, nếu vì tác hợp cho chúng tôi ở bên nhau mà cậu phải đánh đổi bằng việc tuyệt tự tuyệt tôn, tôi không hề muốn. Cậu đừng vì tôi mà hy sinh cuộc đời như vậy.
Kháp Na đưa tay lên lau nước mắt cho tôi, dịu dàng an ủi:
- Hãy tin ta, đại ca sẽ yêu em, nhưng hiện giờ huynh ấy vẫn chưa tháo gỡ hết những chướng ngại mà thân phận đặc biệt của huynh ấy tạo nên trong lòng huynh ấy. ta chẳng qua chỉ thúc đẩy cho quá trình ấy diễn ra nhanh hơn, cổ vũ để huynh ấy có thêm dũng khí mà thôi.
Rồi cậu ấy ngước nhìn bầu trời đêm thanh tịnh ngoài cửa sổ, giọng nói bảng lảng như thể từ nơi xa xăm nào vọng lại:
- Tiểu Lam à, em hãy giúp ta, sinh hạ người kế thừa giáo phái Sakya, được không?
32.2
Sinh hạ người kế thừa giáo phái Sakya ư?
Lời Kháp Na vẫn còn văng vẳng bên tai, tôi nghe mà ngỡ là tiếng sấm dội. Tim tôi đập thình thịch, bất giác tôi đưa mắt về phía Bát Tư Ba vẫn đang miệt mài bên ngọn đèn dầu. Trùng hợp thay, chàng cũng đang ngẩng lên nhìn tôi. Khi ánh mắt chúng tôi giao nhau, gương mặt chàng lại đỏ lên dữ dội, chàng cúi gầm mặt, một lúc lâu sau mới hắng giọng, chuyển đề tài:
- Chỉ còn vài hôm nữa là đến rằm tháng Sáu, ta phải lập đàn tế lễ trong vòng bảy để cầu an cho Đại hãn. Suốt thời gian đó, ta sẽ ở lại trong Thái miếu cùng các đệ tử, em cứ yên tâm ở lại phủ Quốc sư chờ ta về.
Thời kỳ đầu khi người Mông Cổ bắt đầu theo tín ngưỡng Saman giáo, vào mỗi dịp cúng bái tổ tiên, họ đều cắt tiết súc vật, dâng thầy cúng làm lễ tế. Đến thời Hốt Tất Liệt thì tập tục này được gọi là “lễ thổi cơm”. Tháng Chín hằng năm đều tổ chức nghi lễ này trong phủ đệ. Người ta cắt tiết một con ngựa, ba con cừu rồi đào một cái hố, đặt một chiếc nồi lớn để nấu tại chỗ. Người ta nhóm lửa để ninh súc vật, vừa đỏ rượu sữa ngựa vào nồi vừa mời thầy cúng đọc to tên của các vị tổ tiên. Quan viên Mông Cổ đứng một bên, trên tay là tiền vàng và ba vuông lụa, họ cung kính dâng lên tổ tiên của mình.
Sau khi Hốt Tất Liệt kế vị, quan lại người Hán trong triều phê phán nghi thức cúng bái đó của người Mông Cổ quá nguyên thủy và đề nghị Đại hãn học theo cách thức cúng báu của người Hán, xây Thái miếu và lập bài vị của tổ tiên ở đó. Tháng Sáu năm nay, Thái miếu sẽ được xây xong, tháng Tám sẽ tổ chức lễ rưới bài vị về Thái miếu. Nhưng nếu giao toàn bộ việc tế lễ trọng đại này cho người Hán đảm trách thì Hốt Tất Liệt không yên lòng. Bởi vậy, ngài đã lệnh cho Bát Tư Ba tổ chức một pháp hội theo nghi thức của Phật giáo Tây Tạng diễn ra trong suốt bảy ngày bảy đêm tại tòa Thái miếu.
Tôi ậm ừ, thấy chàng vẫn đang cúi đầu chừng như nghĩ ngợi gì lưng lắm, bèn không quạt nữa, ngượng ngùng bảo:
- Chàng… nghỉ ngơi đi. Em đi ngủ đây.
Giờ đây tôi thường hóa thành người mỗi lúc chỉ có hai người, vì tôi muốn chàng làm quen với tôi trong hình hài mới. Nhưng kể từ bấy đến nay, dù tôi hóa phép trở lại làm hồ ly, chàng cũng không chịu ngủ cùng tôi. Chái nhà bên trái phòng chàng trở thành buồng riêng của tôi.
Khi tôi chuẩn bị về phòng, chàng bỗng gọi tôi lại, chần chừ hồi lâu mới hỏi:
- Về đứa bé đó…- Chàng ngập ngừng, gương mặt thoáng nét lo âu. – Kháp Na nói sao?
Tôi lắc đầu thở dài:
- Cậu ấy bỏa đó là mối duyên oan nghiệt.
Dankhag vác bụng bầu chạy trốn trên đường dài vạn dặm, trong nỗi lo sợ nơm nớp, chưa đầy tám tháng đứa bé đã ra đời. Tôi cứ nghĩ bị đẻ non như thế, đứa bé sẽ khó lòng sống sót, thế nhưng mùa thu năm đó, khi tôi lẳng lặng đến Vân Nam một chuyến thì phát hiện, mặc dù chịu bao lời nguyền rủa, đứa bé ấy vẫn sống khỏe mạnh một cách ngỡ ngàng.
Kháp Na cũng đành chịu với sự sắp bày của ông trời. Tôi lắc đầu:
- Kháp Na muốn bắt Dankhag về đền mạng cho Mukaton nhưng cô ta đã chết, cậu ấy không muốn trút hận lên đứa trẻ sơ sinh vô tội đó.
Chuyện của Dankhag chỉ có Bát Tư Ba và Kháp Na biết rõ. Họ nói với người ngoài rằng, Mukaton mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, còn Dankhag, vì không quen với cuộc sống của người Hán nên đã trở về quê nhà. Nhưng họ không thể giấu Tsirenja về cái chết của cô con gái nên Bát Tư Ba đã gửi thư cho ông ta, tuy nhiên, trong thư không hề nhắc dù chỉ một câu về sự phản bội của Dankhag, chỉ bảo rằng, Dankhag bị ngã ngựa, vỡ đầu mà chết. Theo tục lệ của người Tạng, những người chết không tự nhiên đều phải “thiên táng” nên thi thể của Dankhag đã được hỏa thiêu ở ngoại thành Yên Kinh.
Mất nửa năm lá thư báo tin Dankhag qua đời mới đến tay Tsirenja. Bấy lâu nay, ông ta luôn trông đợi một ngày kia được bồng cháu ngoại, vậy mà giờ đây lại nhận được hung tin này. Không chịu nổi sự đả kích lớn lao đó, ông ta đã đổ bệnh, không lâu sau thì qua đời. Theo hôn ước, toàn bộ đất đai của vùng Lhatse đã được sáp nhập vào Sakya.
Bát Tư Ba trân trối nhìn ngọn lửa đèn dầu dập dờn, đung đưa:
- Tuy không ai trong chúng ta mong chờ đứa bé đó ra đời nhưng nó đã xuất hiện giữa cõi nhân gian, ta sẽ không làm gì gây hại cho nó. Nhưng còn sống ngày nào thì ta sẽ không để Yeshe thực hiện được âm mưu của hắn.
Vấn đề đã quay trở lại điểm mấu chốt.
- Nhưng Kháp Na kiên quyết không chịu cưới vợ.
- Ta biết đệ ấy nghĩ gì.
Chàng ngẩng đầu lên nhìn tôi, ánh sáng mờ ảo của bóng đèn dầu chiếu vào gương mặt gầy guộc của chàng, hắt vào không gian một vòng tròn nhạt nhòa, hàng mi dài rung động.
- Lam Kha, hãy cho ta thêm chút thời gian. Em cũng cần thêm thời gian, phải không?
Thời gian ư? Tôi ngạc nhiên nhìn chàng. Làn gió nhẹ đầu thu làm tấm mành cửa sổ đung đưa, thổi không khí oi nồng vào căn phòng.
Gương mặt chàng đỏ rần rần, ánh mắt trôi ra ngoài khung cửa, giọng nói dịu ngọt vang lên khẽ khàng:
- Ta sẽ suy nghĩ về lời đề nghị của Kháp Na.
Hình như tôi nghe thấy tim mình đập cuồng loạn. Chàng… chàng nói… Tôi lao đến trước mặt chàng, vừa thở hổn hển vừa nhìn chàng tha thiết:
- Chàng… chàng vừa nói gì… Em nghe không rõ.
Vì tôi không tin nổi điều mình vừa nghe thấy nên muốn chàng xác nhận lại. Nhưng chàng tránh né ánh mắt khẩn thiết của tôi, quay đi, vờ ngáp dài:
- Muộn rồi, đi ngủ thôi.
Đêm đó, tôi không sao ngủ được vì quá đỗi vui sướng, nụ cười cứ nở mãi trên môi. Tâm nguyện bao năm của tôi cuối cùng cũng được đáp lại, dù chỉ là một tín hiệu rất đỗi mong manh. Tôi như người lữ hành trong đêm đen bất chợt bắt gặp chút ánh sáng quý giá phía xa. Tuy ánh sáng rất đỗi yếu ớt nhưng giữa bóng tối mịt mù, nó mang lại cho tôi phương hướng và niềm hy vọng.
Người đầu tiên tôi muốn chia sẻ niềm vui lớn lao này chính là Kháp Na, chắc chắn cậu ấy sẽ rất mừng cho tôi. Nhưng tôi chợt nhớ ra, cậu ấy vẫn đang ở Lương Châu, thế là niềm vui của tôi bỗng vơi đi một nửa. Thế rồi, tôi lại nghĩ đến một vấn đề khác. Không biết từ khi nào, tôi lại tin cậy và gắn bó với Kháp Na đến thế? Tôi có thể kể với cậu ấy mọi tâm tư, tình cảm của mình, không hề giấu giếm.
Vào lúc cậu ấy đau khổ nhất, cậu ấy đã năn nỉ tôi dừng rời xa cậu ấy. Nhưng kỳ thực là, tôi cũng đâu muốn xa cậu ấy. Từ lâu, chúng tôi đã quen với việc sưởi ấm lòng nhau, giải bày với nhau. Còn Bát Tư Ba thì sao? Chủ đề mà chàng thường đem ra trao đổi với tôi, nếu không phải là những vấn đề về lợi ích của giáo phái thì sẽ là việc chính trị, triều đình. Chàng đã quen với lối sống kín đáo, thu mình, rất ít khi tâm sự với tôi những điều thầm kín. Thế nên, nếu xét về mức độ thân mật thì Kháp Na và tôi gắn bó với nhau hơn.
Nhưng có lẽ vì Kháp Na không phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề như Bát Tư Ba chăng?
Những suy nghĩ mông lung, nhỏ nhặt ấy cứ thế theo tôi suốt bảy ngày, cho đến khi chàng từ Thái miếu trở về. Chàng bảo với tôi rằng hoàng hậu Khabi sẽ quyên góp tiền bạc để xây chùa để chúc mừng sự ra đời của cậu con trai đầu tiên của Chân Kim.
32.3
Đầu năm đó, vợ cả Khoát Khoát Chân của Chân Kim đã sinh hạ cậu con trai đầu tiên. Từ lâu, Hốt Tất Liệt đã chọn Chân Kim làm người kế vị nên sự ra đời của đứa bé này ngày càng củng cố vững chắc tương lai xán lạn của Chân Kim. Hốt Tất Liệt vui mừng đặt tên cho chú bé là Cam Ma Thích. Các thầy bói Saman phán rằng, Khoát Khoát Chân với gương mặt tròn trịa, đầy đặn, có tướng vượng phu ích tử (mang lại thịnh vượng cho chồng và may mắn cho con cái), tương lai sẽ còn sinh cho nhà Chân Kim nhiều con trai nữa. Hốt Tất Liệt vốn rất ưng ý nàng dâu ngoan hiền này, sau khi nghe lời phán của thầy bói lại càng biệt đãi Khoát Khoát Chân.
Người vui sướng nhất có lẽ là Khabi. Con trai và con dâu hạnh phúc viên mãn, lại vừa sinh được một bé trai kháu khỉnh, tương lai xán lạn. Thế nên cô ấy mới nảy ra ý định xây một ngôi chùa để chúc phúc cho con cháu và lễ tạ thần Phật. Hốt Tất Liệt vốn không ưa hoang phí, quốc khố lại đang eo hẹp, thế nên Khabi đã quyên góp của hồi môn năm xưa cha mẹ cho khi cô ấy đi lấy chồng để làm kinh phí xây chùa.
Ngoại hình và cách ăn mặc của Khabi cũng thay đổi rất nhiều từ sau khi cô ấy lên chức bà nội, không rực rỡ, đài các như xưa nữa. Cô ấy hóa phép để tóc mai xuất hiện thêm đôi ba sợ tóc bạc, gương mặt cũng già nua hơn, trông cô ấy đoan trang, đôn hậu hơn trước, tuy vậy, vẫn trẻ trung hơn những người đồng trang lứa rất nhiều.
Sau cuộc khảo sát kỹ càng của Bát Tư Ba và những người khác, địa điểm xây chùa được chọn tại bờ bắc sông Cao Lương phía ngoài cổng thành Hòa Nghị của thành Yên Kinh. Tuy không huy động quốc khố nhưng của hồi môn của Khabi cũng rất dồi dào nên cô ấy rất rộng rãi vì muốn ngôi chùa phải thật khang trang. Cô ấy hạ lệnh cho Bát Tư Ba chủ trì công việc thiết kế và xây dựng. Thế là Bát Tư Ba phải cùng lúc đảm đương rất nhiều trọng trách, chàng bận tối mắt, thời gian nghỉ ngơi ngày càng ít đi.
- Khabi thật là, sao cứ nhất định bắt chàng phải coi sóc việc xây dựng chùa kia chứ? Chàng còn chưa đủ bận rộn hay sao? – Tôi ngồi trên chiếc giường lò ấm rực, vừa gấp y phục cho chàng vừa dẩu môi oán thán. – Ban ngày phải quan sát việc xây chùa, ban đêm lại phải trăn trở việc sáng tạo chữ viết mới, thời gian nghỉ ngơi của chàng chỉ bằng một nửa người khác, cứ kéo dài tình trạng này, chàng sẽ ốm mất.
Chàng rời mắt khỏi những chồng sách chất ngất trên bàn, hà hơi ấm vào lòng tay, mỉm cười dịu dàng với tôi:
- Ta còn trẻ mà, thiếu ngủ một chút có sao đâu.
Tôi xếp gọn từng chiếc áo vào tủ, cời than hồng trong lò sưởi:
- Chính vì lúc nào chàng cũng cần mẫn, miệt mài, không một lời than thở nên Hốt Tất Liệt mới ra sức sai bảo chàng như vậy.
Chàng không đáp, bờ vai rung rung, cúi đầu cười thầm. Tôi ngạc nhiên:
- Chàng cười gì vậy?
Chàng ngước mắt tôi, gương mặt vẫn đỏ như mọi khi, nụ cười ấm áp nở trên môi:
- Sao ta có cảm giác hai chúng ta như hai vợ chồng đang tán chuyện tào lao vậy nhỉ?
Tôi há hốc miệng, không biết phải nói gì, niềm vui len lỏi trong tim. Một năm qua, tối nào tôi cũng hóa thành người, bưng trà rót nước cho chàng, trò chuyện với chàng. Chúng tôi gắn bó với nhau bao năm qua, đã rất hiểu nhau, nhưng thân phận con người rất khác thân phận của hồ ly. Cùng là trò chuyện tào lao, nghĩ gì nói nấy, nhưng tôi cảm thấy câu chuyện mang một dư vị khác, những cặp vợ chồng bình thường khác cũng như vậy phải không nhỉ?
Chàng đứng lên, đến bên tôi, nhìn tôi chăm chú, tôi đọc thấy trong ánh mắt chàng vẻ do dự, ngượng ngùng:
- Lam Kha, ta từng nghĩ về điều này, nếu ta là một người bình thường, không mang trên vai trách nhiệm của gia tộc, không có thân phận đặc biệt, liệu ta có đắn đo suy nghĩ về chuyện của hai ta như bây giờ không?
Tôi ngước nhìn gương mặt mơ màng của chàng, lòng hồi hộp vô chừng:
- Em không có ý định tranh giành chàng với Phật Tổ, chỉ cầu mong trong lòng chàng có một góc nhỏ dành cho em.
- Có mà. – Chàng ngước đôi mắt trong veo lên nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng quá đỗi khiến người ta muốn say nghiêng ngả. – Luôn luôn có.
Tôi nghe tim mình đập loạn nhịp, nhìn chàng đắm đuối.
- Lam Kha, Kháp Na nói đúng, em là cô gái tuyệt vời nhất trên thế gian. – Chàng khẽ khép mắt, bàn tay đặt lên ngực trái, như thể đang cảm nhận nhịp đập của con tim mình. – Làm sao trái tim ra có thể không loạn nhịp trước một cô gái tuyệt vời như em kia chứ!
Bao năm qua, đây là những lời nói riêng tư nhất mà tôi từng được nghe từ chàng.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng chàng lại có thể thẳng thắn nói ra những lời như vậy, tôi chỉ biết nghẹn ngào gọi khẽ:
- Lâu Cát…
Đôi mắt trong veo của chàng nhìn tôi đắm đuối rồi chàng chậm rãi bước về phía tôi, cánh tay run run chìa ra. Chàng gần đến mức tôi có thể ngửi thấy mùi gỗ đàn hương trên cơ thể chàng, nghe thấy tiếng trái tim chàng đập rộn ràng và thấy gương mặt đang ngây ngất của tôi in trong đôi đồng tử tinh khiết của chàng. Cánh tay thuôn dài, gầy guộc của chàng đã sắp chạm tới gương mặt tôi, tôi có thể cảm nhận được cả hơi ấm và sự ẩm ướt tỏa ra từ lòng bàn tay chàng, cả những rung cảm diệu kỳ đang lan trong không gian.
Trái tim tôi đập nhanh dữ dội, máu như dồn cả lên đầu khiến gương mặt tôi nóng bừng. Tôi không dám tiếp tục nhìn nữa, bèn nhắm mắt lại, đầu hơi ngẩng lên.
Đang hồi hộp chờ đợi thì đột nhiên cơ thể tôi biến đổi, trước mắt là không gian tối như mực. Phải mất một lúc lâu, tôi mới thoát ra khỏi đám xiêm y, tôi bực bội cáu:
- Chết tiệt! Sao mình lại bị đẩy trở lại nguyên hình thế này?
Như thể chạm phải than hồng, chàng lập tức rụt tay về, ngượng ngùng, gương mặt càng đỏ bừng. Chàng không dám nhìn thẳng vào tôi nhưng khi nghe tôi cáu giận, chàng phì cười.
Chàng quay đầu đi hướng khác, hít thở sâu vài lần mới đủ can đảm để nhìn thẳng vào tôi, ngón tay chạm khẽ vào đầu chiếc mũi nhọn hoắt của tôi, nụ cười bẽn lẽn trên khóe môi:
- Đã tiến bộ rất nhiều rồi, em đừng quá sốt ruột.
Tôi nhận thấy rằng, trong khoảnh khắc chàng mỉm cười với tôi, những đắn đo, do dự lúc trước đã tiêu tan hoàn toàn trên gương mặt rạng ngời của chàng.
Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi, lại một đêm không ngủ, tôi nằm nghe tiếng gió tuyết ào ạt ngoài cửa sổ. Tôi không kìm nổi nụ cười hạnh phúc cử nở mãi trên môi khi nhớ đến khoảnh khắc bàn tay chàng sắp chạm vào gương mặt mình, vì điều đó có nghĩa là nỗ lực bao năm qua của tôi cuối cùng cũng có chút hy vọng. Tôi lặng lẽ đặt tay lên má mình, tưởng tượng bàn tay chàng đang ở đó. Lòng bàn tay ấm áp, ươn ướt.
Tôi cứ để tâm trí mình trôi theo những suy nghĩ, tưởng tượng vơ vẩn ấy, không hiểu sao, xúc cảm rất đỗi ngọt ngào và dịu dàng cứ trào dâng trong lòng tôi. Cảm giác kỳ lạ đó thôi thúc bàn tay tôi lướt nhẹ từ hai má đến bờ môi, tôi thở dài với bóng đêm tịch mịch. Đã lâu rồi không gặp chàng trai đáng thương ấy, không biết hiện giờ cậu ấy có ổn không?
Năm 1263, tôi hầu như dành trọn thời gian ở Yên Kinh, chăm sóc Bát Tư Ba, chỉ có đôi ba lần đến Lương Châu để truyền tin của Bát Tư Ba cho Kháp Na. Năm đó, Kháp Na cũng rất ít khi ra khỏi cửa, cậu ấy sống khép mình hơn, giống như một bậc tu hành ẩn cư trong rừng sâu, núi cao vậy, tâm tĩnh như nước, tịnh không gợn sân si.
Tết truyền thống của người Hán năm đó, hai anh em họ đã không ăn Tết cùng nhau.
~.~.~.~.~.~
- Ngôi chùa của hoàng gia này phải mất mười năm mới xây dựng xong. Sau khi công trình được hoàn tất, Hốt Tất Liệt đã ban một chiếu thư, phong tước vị cao hơn cho Bát Tư Ba, chàng trở thành bậc đế sư “dưới một người, trên muôn người”. Ngôi chùa được xây dựng nhờ công lao của Bát Tư Ba nên Hốt Tất Liệt đã đích thân ngự ban tên gọi là chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương.
Chàng trai trẻ hào hứng:
- Tôi hiểu rồi, “Đại Hộ Quốc”[1] và “Nhân Vương”[2] đều là những từ mà Hốt Tất Liệt dành để ca ngợi công lao của Bát Tư Ba.
Tôi gật đầu, chợt nhớ lại khung cảnh huy hoàng của ngôi chùa hoàng gia triều Nguyên này mà lòng không khỏi xúc động:
- Ngôi chùa là sự kết hợp của hai phong cách kiến trúc: Tạng và Mông Cổ. Cột trụ hành lang được trang trí hình vẽ của đủ mọi loài hoa cỏ với những gam màu rực rỡ. Sử sách đã mô tả ngôi chùa này như sau: “Ngôi chùa giống như vườn hoa trên thiên đình được đặt xuống hạ giới vậy!”, thư tịch của người Tạng thì ca ngợi ngôi chùa giống như “mai đóa nhiệt oa”, có nghĩa là “vườn hoa”. Ngôi chùa này về sau đã trở thành nơi cư trú của nhiều đời đế sư triều Nguyên. Trong khoảng thời gian cai trị của Hoàng đế Nguyên Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ, cháu trai của Hốt Tất Liệt, tức đời vua thứ hai triều Nguyên, tượng thờ của Hốt Tất Liệt và Khabi đã được thờ cúng trong ngôi chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương này.
Tôi ngừng lại, bồi hồi. Chàng trai trẻ nhìn tôi, hỏi:
- Cô sao vậy?
Sống mũi cay sè, mắt tôi nhòe ướt:
- Tháp Xá lị của Bát Tư Ba cũng được xây dựng ở đó.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[1] Đại Hộ Quốc: chỉ người có công lớn với quốc gia. (DG)
[2] Nhân Vương: chỉ người nhân từ, đức độ nhất trong số những người nhân từ, đức độ. (DG)