Chương 8: Ngã tư đường bị ma ám (Nửa chương đầu)
Một
Ai cũng bảo Lý Đại Lăng có tướng hổ, đầu to mũi sư tử, đôi mắt trố to như chuông đồng, giống như một con hổ dữ. Đinh Mão có tướng rồng, là một thanh niên nhanh trí lão luyện; Thân thể cứng như roi sắt, đi lại nhanh như gió, có thể chạy một mạch hai mươi dặm mà không thở mạnh mặt không đổi sắc. Một rồng một hổ này phụ tá đắc lực cho Thần sông Quách Đắc Hữu, khiến cho trong lúc đồn đại, người ta không tránh khỏi thêm mắm dặm muối lẫn thổi phồng quá mức. Nhưng qua đó cũng đã nói rõ, lúc nào ba anh em cũng đi cùng một nhóm với nhau, lần đến nghĩa trang nhà họ Ngụy truy bắt yêu sông Liên Hóa Thanh này cũng không thể thiếu bất cứ ai.
Mạch phong thủy Kim Vĩ Ngô Công này ngày trước là hệ thống lạch ngòi, một đầu nằm ở công viên Lý Thiện Nhân, một đầu nằm tại nghĩa trang nhà họ Ngụy. Gần trăm năm nay, hệ thống lạch ngòi này đã không còn tồn tại nữa rồi, chỉ có những thầy xem phong thuỷ cao tay mới có thể nhìn ra địa thế ẩn dấu ở bên dưới. Quách sư phụ dẫn Đinh Mão và Lý Đại Lăng, căn cứ theo chỉ điểm của Trương Bán Tiên, đến khu vực gần tấm bia đá ở nghĩa trang nhà họ Ngụy phía nam thành phố để truy tìm nơi ẩn náu của Liên Hóa Thanh. Ngay từ lúc sáng sớm, thời tiết đã nóng như đổ lửa. Đeo giày đi trên đường mà vẫn cảm thấy bị phỏng chân, mắt chỉ nhìn thấy một màu vàng chói lóa, mặt đất bốc hơi thành những đám mây dày đặc trên trời. Toàn bộ trời đất âm u tối tăm nóng hầm hập, từng đám chuồn chuồn dày đặc nối tiếp nhau bay là là loạn xạ gần mặt đất.
Bọn họ vừa mới đến rìa vùng đất trũng thì gặp dấu hiệu sắp có cơn dông mùa hạ, chỉ còn thấy mấy người lác đác đi trên đường. Vào thời điểm sắp mưa to như thế này, mọi người hiếm khi đi ra ngoài trời, nhất là những người nghèo phải làm công việc nặng nhọc để mưu sinh. Trời oi bức công việc lại tốn sức, người đầm đìa mồ hôi, trong người như bốc hỏa, toàn bộ lỗ chân lông giãn nở tối đa; Nếu gặp phải mưa to, nóng gặp lạnh, sốt cao ít nhất nửa tháng không lui. Một ngày không làm việc, một ngày toàn bộ người lớn trẻ em trong nhà không có thứ gì mà bỏ vào miệng. Mười ngày nửa tháng có lẽ nằm không gượng dậy nổi, huống chi sinh bệnh cũng không có thuốc mà uống, chỉ có thể nằm liệt một chỗ chống chọi, đến khi qua được cơn bạo bệnh thì vẫn còn lưu lại di chứng. Nếu như gặp bệnh quá mức hiểm nghèo, chẳng biết chừng sẽ đi đời nhà ma ngay ngày hôm đó. Một cái chiếu rách quấn quanh xác, chôn cất tạm bợ, cuối cùng biến thành thức ăn của chó hoang. Lao động chính vừa mới chết, toàn bộ thành viên trong nhà lập tức tan đàn xẻ nghé.
Cả ba người Quách sư phụ đều là lưu manh, cũng không phải dân làm công việc nặng nhọc, cho nên chẳng bận tâm gì đến điều đó. Mắt thấy sắc trời không tốt, trong lòng thoáng do dự một chút, nhưng họ vẫn quyết định đi tới nghĩa trang nhà họ Ngụy. Bắt được Liên Hóa Thanh là có thể thẩm tra ra tường tận từng chi tiết vụ án dìm xác ngã ba sông. Bất kể cái xác phụ nữ đó có phải của tiểu thư nhà họ Thạch đã trốn nhà bỏ đi không, vẫn cứ phải đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho người nhà họ. Ba người phải tìm cách nhanh chóng chấm dứt vụ án này. Theo cách nghĩ của Đinh Mão, nếu bắt được Liên Hóa Thanh, không chỉ có tiếng tăm truyền xa lẫn tích đức, mà còn có phần thưởng. Họ suy nghĩ theo chiều hướng đơn giản nhất, đầu tiên ngồi ở biên giới vùng đất trũng ăn bánh rán nhân hoa quả, sau đó đi thẳng tới nghĩa trang nhà họ Ngụy.
Nghĩa trang nhà họ Ngụy còn được gọi là khu cấp bốn nhà họ Ngụy gia, nằm ngay sát rìa vùng đất trũng, thông sang điện đạo. Điện đạo chính là đường cái, trước kia người Bắc Bình vùng đông bắc Thiên Tân thường gọi đường cái theo cách này, nghe có vẻ rất quái lạ. Đường cái dễ nghe thế không gọi, sao lại cứ nhè điện đạo mà gọi? Đường nối với điện, người đi trên đó chẳng phải sẽ bị điện giật hay sao? Vào cái thời đại xa xưa, cách hiểu của dân chúng về điện chỉ có một chữ -- nhanh, điện báo, tàu điện, điện thoại, bất cứ cái gì dính dáng đến điện đều có tốc độ rất nhanh. Điện đạo là con đường trơn tru như lụa, xe đi trên con đường đó nhanh chóng an toàn, cho nên mọi người bèn gọi đường cái là điện đạo. Chếch về hướng nam, ngay gần vùng đất trũng là một ngã tư rộng lớn do hai điện đạo cắt vuông góc với nhau tạo thành. Những người sống ở Thiên Tân vệ ngày trước đều biết ngã tư này bị ma ám, vô cùng quái lạ.
Nếu nhìn từ trên cao, khu nhà ngói trên nghĩa trang nhà họ Ngụy nằm ở phía đông nam của ngã tư đường. Từ khi nghĩa trang nhà họ Ngụy biến thành khu nhà cấp bốn của nhà họ Ngụy đến bấy giờ, tất cả những gia đình sinh sống ở đó đều là dân chúng nghèo đói. Một năm trước, sau khi xảy ra một trận lũ lụt, khu này có không ít phòng ốc bị sập đổ, đè chết bảy tám người. Tất cả những người ở trong khu nhà ngói nhà họ Ngụy đều chạy nạn, sau đó không còn người nào đến đó ở nữa. Khu đó đã bị cắt điện nước, chỉ chờ dỡ bỏ. Cách khu nhà ngói nhà họ Ngụy một con đường lớn, nằm ở phía tây nam của ngã tư đường là một nhà máy thuốc lá, thuộc về nhà máy thuốc lá Cáp Đức Môn nổi tiếng. Những năm đầu thời kỳ Dân quốc, các công ty thuốc lá của Anh Mỹ lừa nông dân trồng cây thuốc lá của Mỹ, cung cấp miễn phí hạt giống và giảng dạy kỹ thuật gieo trồng, tận tình dạy mọi người gieo trồng như thế nào; Đến khi thu hoạch, các công ty thuốc lá sẽ thu mua với giá cao. Còn việc gì tốt hơn thế nữa? Nói cứ hay như là chim hót, đại ý đây là công việc trong mơ, rồi đưa ra khẩu hiệu mê hoặc mọi người: "Hoa mầu chỉ đủ duy trì ấm no, nếu muốn phát tài mọi người phải trồng thuốc lá." Có rất nhiều nông dân ở nông thôn đã mắc lừa, lấy hạt giống về trồng. Chỉ trồng thôi chưa đủ, sau khi thu hoạch lá cây thuốc lá còn phải hong khô. Chi phí cho công việc này thực sự không ít. Những người trồng thuốc lá vay mượn khắp nơi đi mua than về sấy. Sau khi lá thuốc lá đã sấy khô, đến khi vận chuyển đến các công ty thuốc lá của Anh Mỹ, họ mới phát hiện ra giá thu mua không bằng một phần mười chi phí đã bỏ ra, nhưng nếu không bán cho các công ty thuốc là thì chẳng còn bán được cho ai. Nông dân sống dựa vào trồng trọt, toàn bộ gia đình đều trông cậy vào thu nhập này để sống. Nhưng không ngờ, giá lại chỉ bằng một phần mười so với dự tính. Như vậy đúng là bức tử người không đền mạng. Sau thời điểm thu mua thuốc lá khi ấy, người ta thường xuyên nhìn thấy xác người treo cổ đầy rẫy bên ngoài cổng chính của nhà máy thuốc lá. Những người đó thật sự đã không còn đường sống, đành phải lấy dây thừng thắt cổ ngoài đường.
Mấy năm đó, đã có không ít người chết vì nguyên nhân này. Có tin đồn nói, quỷ thắt cổ trốn bên dưới khu nhà ngói nhà họ Ngụy. Quỷ thắt cổ muốn bắt thế thân, cho nên con đường này thường xuyên có người thắt cổ, chẳng biết là có đáng tin hay không. Nói tóm lại, con đường này có rất nhiều cô hồn dã quỷ oan khuất, hơn nữa phong thuỷ cũng không tốt, thỉnh thoảng lại gặp chuyện không may.
Hai
Về sau nhà máy thuốc lá chuyển đến Đại Vương Trang ở Hà Đông, bởi vậy khu nhà xưởng của nhà máy thuốc lá bên cạnh khu nhà ngói nhà họ Ngụy đã bị bỏ hoang. Vài tòa nhà mà người ta còn nhìn thấy ở ven đường, xưa kia từng là văn phòng và khu tập thể của nhà máy thuốc lá. Về sau đã qua mấy lần đổi chủ, nhưng người sống trong đó không bao giờ yên bình, không lâu sau đã bị bỏ hoang cho đến bấy giờ. Qua nghĩa trang nhà họ Ngụy và nhà máy thuốc lá về phía nam là đến vùng đất trũng, cỏ dại lau lách mọc um tùm, xa hơn nữa toàn bộ đều là ruộng.
Con đường theo phương ngang của ngã tư đường chạy theo hướng bắc, tương đối vắng vẻ, ngày trước được đổ bằng xi-măng thải. Nếu đi theo hướng bắc, càng tới gần thành phố, nhà ở và dân cư càng dần đông hơn. Nghe nói, tấm bia đó được dựng chính giữa ngã tư đường nhằm ngăn chặn sát khí ở vùng đất trũng phía nam, đồng thời cắt đứt đường đi của toàn bộ ma quỷ ở nghĩa trang nhà họ Ngụy và nhà máy thuốc lá; Hơn nữa, nó cũng phá hủy toàn bộ phong thủy Kim Vĩ Ngô Công. Ban đầu, tấm bia đá này không thấp lắm, không biết được xây dựng từ triều đại nào, đầu con thú cõng bia đã bị cụt mất một nửa. Chữ khắc trên bia đã bị mòn không thể đọc được nữa, nội dung thì đã bị thất truyền từ lâu. Khi sửa đường, người ta đã định chuyển tấm bia này đi. Nhưng có ai ngờ, vừa mới định hành động thì đất trời đã biến đổi khiến cho không một ai dám thực hiện công việc này nữa. Hoãn đi hoãn lại, đã nhiều năm trôi qua mà nó vẫn đứng trơ trơ, vô cùng chướng mắt lù lù giữa ngã tư đường, người qua lại đều phải đi vòng qua. Người không biết còn cứ tưởng đó là một tấm bia kỷ niệm.
Thường ngày, ba người Quách sư phụ rất ít khi đến nơi này, nhưng vẫn biết rõ đường ngang ngõ dọc ra sao, nên không vội đi vào những con đường nhỏ chằng chịt giống như mạng nhện của nghĩa trang nhà họ Ngụy. Khi họ đến ngã tư này thì đã sắp giữa trưa, bầu trời u ám mù mịt khiến cảnh vật trở nên âm u. Ba người đứng ven đường nhìn ngó xung quanh một lượt. Trên đường cái vẫn thưa thớt có ngươi đi lại, bởi dù sao bây giờ vẫn còn là ban ngày. Họ tập hợp thành tốp năm tốp ba, phần lớn là người bán rau củ. Từ khi trời còn tờ mờ sáng, họ đã vội vàng đánh xe ngựa từ ngoại ô vào thành phố, chạy đến khu chợ sớm gân cổ rao bán từng cân đậu, từng sọt củ cải trắng. Chưa đến buổi trưa thì hầu như đã bán hết, lúc này họ bắt đầu lục tục đi về nhà. Bên kia ngã tư, ngay gần nhà máy thuốc lá có một gánh mì hoành thánh. Người chủ gánh bán mì hoành thánh là một ông lão, dắt theo một cô bé tầm tám chín tuổi, có lẽ là hai ông cháu. Ông lão gánh một cái bếp lò nhỏ, đến vỉa hè bày ra mấy cái ghế đẩu, bán mì hoành thánh và bánh nướng. Nếu như được hôm thu nhập khá khẩm, trên đường đi về nhà sau khi đã bán xong rau quả, mỗi khi đi ngang qua cái quán này những người nông dân thường sẽ gọi một chén mì hoành thánh để ăn lót dạ. Xem ra, nguồn thu nhập của gánh hàng mì hoành thánh của hai ông cháu hoàn toàn trông cậy vào những người này. Ngày nào, hai ông cháu cũng bày bán ở đây. Nhưng giờ trời sắp mưa dông, buôn bán ế ẩm, cả gánh hàng không có một người khách ăn mì hoành thánh. Bình thường, vào ban ngày trên vỉa hè con đường này còn có mấy người bán hàng rong nữa. Cũng may là vùng phía nam tấm bia đá có ít người sinh sống, cho nên cảnh sát tuần tra không thèm ngó ngàng gì đến. Tuy vậy, ngày nào họ cũng thu dọn từ rất sớm, bởi đến khi trời tối chẳng còn ai dám đến đây nữa.
Ba anh em dạo qua một vòng khu vực lân cận của ngã tư. Chẳng biết có phải tâm lý đã bị ảnh hưởng hay không, trong tiết trời oi bức như vậy, trong lúc đi về phía nam của tấm bia đá, họ lại cảm thấy tương đối nặng nề. Phần lớn những căn nhà trong nghĩa trang nhà họ Ngụy đã bị bỏ hoang. Có phòng bị khóa lại, nhưng cũng có phòng cửa nẻo mở toang, bởi vì bên trong chẳng có cái gì ngoài bốn bức vách, cần gì phải đề phòng trộm cắp. Tấm bia đá trước mặt họ đã xem xét qua rồi, nhấc chân đạp thử mấy lần, bên dưới không có khoảng trống. Chỉ còn những tòa nhà thuộc về nhà máy thuốc lá ở phía tây nam của tấm bia đá là chưa xem xét. Nhưng lúc bấy giờ đã đến giờ cơm trưa, bụng cũng đã đói. Nhìn thấy gánh mì hoành thánh bán bên lề đường, họ bèn đi qua ăn vài chén mì và mấy cái bánh nướng thay cho cơm trưa. Ông lão bán mì hoành thánh có thân hình rất cao lớn, chòm râu dưới cằm vàng hoe, lúc ấy đang bộn rộn thu dọn gánh hàng, gương mặt lúc nào cũng trơ ra. Nhìn thấy có khách đến, ông lão cúi người chào đón, nhưng dù vậy gương mặt vẫn không có một nét tươi cười nào. Ông lão sai cô bé xếp ghế đẩu cho ba người ngồi. Cô bé đó vô cùng hiền lành nghe lời, tay chân nhanh nhẹn khiến cho người khác thấy rất đáng yêu. Nhưng lại có một điều rất kỳ quái, đó chính là sắc mặt của hai ông cháu nhà này trắng bệch, lạnh như băng. Trong vẻ tái nhợt lại pha lẫn nét âm u, khiến cho người ta cảm thấy có vài phần đáng sợ.
Ba
Ba anh em ngồi xuống. Quách sư phụ lên tiếng hỏi ông lão bán mì hoành thánh: "Ông cụ, mì hoành thánh bán thế nào?" Ông lão bán mì hoành thánh trả lời: "Mì hoành thánh nặn đến đâu nấu đến đấy, hai viên to một bát." Lý Đại Lăng hỏi: "Nước dùng mì hoành thánh có mất tiền không?" Ông lão đáp: "Nước dùng thì miễn phí, nhưng cậu phải mua mì hoành thánh mới có thể uống nước dùng." Quách sư phụ nói: "Làm phiền, cụ làm cho chúng tôi ba bát mì hoành thánh và mười cái bánh nướng." Ông lão lên tiếng đáp ứng. Nước trong nồi đã được đun sôi, ông lão chuẩn bị nhúng mì hoành thánh vào bên trong. Toàn bộ số mì hoành thánh đó là do cô bé kia nặn. Động tác của cô bé rất thành thạo, mì hoành thánh được nặn ra một cách nhanh chóng. Quách sư phụ hỏi ông lão bán mì hoành thánh: "Đó là cháu gái của cụ hả?" Ông lão vừa luôn tay làm vừa trả lời: "Phải, là cháu gái của lão, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ. Những năm vừa qua, hai ông cháu lão dựa vào gánh mì hoành thánh mà sống." Quách sư phụ gật đầu: "Cô bé đáng thương, hình như có vẻ rất thạo việc, đã giúp cho cụ không ít nhỉ?" Ông lão đáp: "Không hẳn là như vậy, bình thường chỉ có một mình lão quả thật là bận tối mắt tối mũi. . ." Hai người nói chuyện chỉ trong chốc lát, mì hoành thánh đã được nặn xong, nhúng vào trong nồi nước đang sôi đun một lát cho chín. Ông lão vớt mì hoành thánh trong nồi ra, đổ vào từng bát một, nhỏ thêm vài giọt dầu vừng, thả một chút rau thơm và hành thái nhỏ, lần lượt đưa cho ba anh em, sau đó nói: "Nhân lúc còn nóng mau ăn đi, thời tiết đã sắp thay đổi đến nơi rồi. Khi nào ăn xong mì hoành thánh, các cậu hãy mau chóng về nhà đi. Hai ông cháu lão cũng phải thu dọn quanh gánh, nếu dính cảm mạo vì thời tiết thì đúng là không may chút nào."
Mấy người Quách sư phụ đã không quan tâm đến trời có mưa hay không, lại còn không phải làm việc mệt nhọc, cho nên đâu có sợ phải dầm mưa. Nếu chẳng may gặp phải mưa dông hoặc là mưa đá, quanh đây có đầy những căn phòng bỏ hoang xiêu vẹo để mà trú. Bởi vậy bọn họ đã bỏ ngoài tai lời khuyên của ông lão. Lý Đại Lăng ra vẻ hiểu biết, nói: "Theo tôi thấy, trận mưa dông này chắc phải đến khi trời chập choạng tối thì mới diễn ra." Ông lão bán mì hoành thánh lắc đầu bảo: "Trời đã nổi mây dông, khó mà đoán trước được mưa bão xảy ra lúc nào. Hãy nghe lão, ăn mì hoành thánh rồi chạy nhanh về nhà mà trú đi." Đinh Mão nhận ra ý tứ mập mờ bất thường trong lời nói của ông lão bán mì hoành thánh, ngạc nhiên hỏi: "Quái, làm sao cụ lại biết chúng ta không phải người ở đây?" Ông lão bán mì hoành thánh trả lời: "Các cậu mà trú ngụ ở đây thì mới thật là quái dị, đây là nơi dành cho người ở sao?" Đinh Mão thắc mắc: "Nhiều phòng ốc như vậy, người không ở thì quỷ ở chắc?" Ông lão bán mì hoành thánh đáp: "Chàng trai, lão đã bán mì hoành thánh ở cái ngã tư này biết bao nhiêu năm rồi, ai ở đây có lẽ lão rõ ràng hơn so với cậu nhiều. Dù sao đi nữa, ba người các cậu cũng chắc chắn không phải người ở gần đây. Nhân lúc còn nóng, các cậu ăn mì hoành thánh nhanh lên, để nguội lạnh không ăn được đâu."
Ba anh em chợt sinh ra ý nghĩ giống nhau, tranh cãi với ông lão bán mì hoành thánh làm cái gì. Gánh mì hoành thánh của ông lão bày bán ở ngã tư này quanh năm, nên khi nhìn thấy chúng ta lạ mặt, cho nên ông lão đã thừa biết chúng ta không phải là người sống ở gần đây. Nghĩ vậy, ba người cảm thấy không cần gì phải hốt hoảng. Ngửi thấy mùi mì hoành thánh thơm ngào ngạt, họ đã thấy cồn cào cả ruột gan rồi. Ba người bưng bát lên thổi cho nguội bớt, rồi cầm lấy thìa xúc mì trong bát cho vào miệng. Vừa mới chạm đến đầu lưỡi, ba người lập tức ngây dại, đây là loại mì hoành thánh gì vậy?
Bốn
Có lẽ ai cũng đã từng ăn mì hoành thánh, loại rẻ nhất chắc phải là loại được bán rong ngoài đường; Trước kia còn được gọi là bánh canh bán rong, canh lõng bõng nước, nhân thịt nhồi trong mì hoành thánh bé đến mức dù có căng mắt ra cũng không nhìn thấy, hai ba viên to trong một bát. Loại mì tốt hơn một chút được bán tràn lan ở trong các hàng ăn, nội thành ngoại thành đâu đâu cũng dễ dàng nhìn thấy. Còn loại đắt tiền chính là mì hoành thánh bán bên trong các nhà hàng. Những kẻ có tiền, mỗi khi kết thúc tiệc rượu lại dùng thêm một bát nhỏ mì hoành thánh như vậy. Do đó, nó đã trở thành món tráng miệng. Nguyên liệu làm lớp bọc ngoài và nhân bánh của loại mì hoành thánh này được làm tương đối cầu kỳ. Bột mì để làm lớp vỏ ngoài được trộn thêm trứng gà, nguyên liệu làm nhân bánh có đủ các loại tôm tươi bóc vỏ, nấm rơm.
Ba người Quách sư phụ nghèo mạt rệp, dù thiếu tiền nhưng không thiếu ăn, thường xuyên được chiêu đãi mỗi khi giúp việc tang lễ cho mọi người, nhưng cả đời mình chưa từng được ăn loại mì hoành thánh nào ngon như vậy. Vừa ăn một miếng, cả ba đã ngây người ra, không thể tưởng tượng nổi một gánh mì hoành thánh vỉa hè tồi tàn thế này lại có loại mì ngon như vậy. Nhân thịt ở giữa rồi lớp bọc ngoài, thậm chí cả nước dùng, quả thực không còn gì đáng chê. Nhìn cho kỹ thì bản thân mì hoành thánh chẳng có điểm nào thần kỳ cả, có lẽ là do nước dùng. Chỉ cần có một nồi nước dùng gia truyền, hương vị của món canh đã không thể nào tầm thường rồi. Trong lòng ba người thầm nghĩ như vậy, nhưng bên ngoài thì cắm đầu vào ăn, suýt nữa ngay cả đầu lưỡi của mình cũng nuốt luôn xuống bụng. Chỉ trong khoảnh khắc, bát mì hoành thánh đã chui hết xuống bụng không chừa một giọt.
Mắt thấy mây đen vần vũ trên đỉnh đầu, sắc trời đã trở nên tối mù, những người đi trên đường không tự chủ vội rảo bước nhanh hơn. Ông lão bán mì hoành thánh và cô cháu gái cũng đã thu dọn đồ đạc chuẩn bị về nhà. Nhưng ba người bọn họ vẫn chưa đã thèm, chết sống năn nỉ đòi mua thêm mấy bát mì hoành thánh. Ông lão thực sự khó xử, tỏ rõ thái độ sợ gặp phải mưa to, muốn mau chóng đi về nhà, nhưng không biết làm cách nào từ chối yêu cầu đòi ăn thêm của ba người để mà nhấc chân lên đi về, đành phải đứng ở lề đường nấu thêm mì hoành thánh cho cho bọn họ. Quách sư phụ hỏi: "Món canh mì hoành thánh này ngon như vậy, tại sao cụ không vào nội thành mà bán?" Ông lão bán mì hoành thánh đáp: "Trong nội thành đông người, người ta quản lý đất đai rất nghiêm, gánh mì hoành thánh của lão là mua bán nhỏ, chen không lọt, bất đắc dĩ mới phải đến ngã tư ở nghĩa trang nhà họ Ngụy bày quầy bán hàng. Nơi này vắng vẻ, khách hàng vốn không nhiều lắm cho nên càng phải để tâm vào nấu." Quách sư phụ nói: "A, vậy có lẽ cụ đã bày bán gánh mì hoành thánh trên con đường này rất lâu rồi?" Ông lão bán mì hoành thánh đang bận rộn bắc nồi đun nước, không ngẩng đầu lên, chỉ đáp lại một câu: "Tương đối lâu rồi, cậu đấy, đừng có hỏi nhiều nữa, ăn thêm một chén mì hoành thánh nữa rồi mau về nhà đi, lão đây là vì muốn tốt cho cậu."
Quách sư phụ thầm nghĩ không hỏi sao được, hiếm khi mà gặp được một người như ông lão. Ông lão này đã bày bán gánh mì hoành thánh ở vỉa hè chỗ nghĩa trang nhà họ Ngụy đã rất nhiều năm, hết sức quen thuộc vùng này, chúng ta chạy cả một quãng đường dài đến nơi này, đâu có phải là để ăn vài chén mì hoành thánh. Ông ta cảm thấy, tòa nhà của nhà máy thuốc lá nằm ngay gần ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy là nơi lý tưởng nhất để ẩn náu quanh khu vực tấm bia đá, cho nên bám riết lấy ông lão bán mì hoành thánh hỏi thăm một chút, nhưng lại không viện được ra lý do hợp lý để mà mở miệng. Ông ta bèn hỏi cho qua chuyện: "Cụ ở nơi nào?" Ông lão chỉ tay về phía bắc của ngã tư, chỉ nói hai chữ: "Gần đây."
Quách sư phụ thầm nhủ trong lòng: "Nói thế có khác gì chưa nói, gần đây là cách đây bao nhiêu?" Lại hỏi tiếp: "Sao cụ không thuê một căn nhà cấp bốn ở ngay bên kia đường mà ở, như vậy có thể gánh gánh mì hoành thánh ra bày bán tiện hơn nhiều." Ông lão bán mì hoành thánh trả lời: "Không dám ở. Trước kia, khu nhà cấp bốn ở nghĩa trang nhà họ Ngụy có không ít hộ gia đình cư trú. Nhưng nghe nói phong thuỷ của vùng đất trũng không bao giờ tốt, bởi vì ngày xưa nơi này là nghĩa địa, năm ngoái lại xảy ra một trận lũ lụt, từ đó đã không còn người ở."
Lúc này, cô bé gái đã nặn toàn bộ số bột và nhân bánh thành mì hoành thánh, nhưng số nguyên liệu còn lại không nhiều lắm, chỉ đủ cho bốn năm bát. Ông lão bán mì hoành thánh nói: "Còn lại cũng chỉ có bấy nhiêu, vốn định giữ lại cho hai ông cháu chúng tôi ăn, giờ dù đã chế biến ra hết, nhưng chỉ tính tiền các cậu ba chén thôi. Ăn xong rồi nhanh nhanh về nhà đi thôi." Quách sư phụ đáp lại: "Cảm ơn cụ. Giờ xin hỏi thêm cụ một vấn đề nữa, cái nhà máy thuốc lá bên kia đường đối diện với nghĩa trang nhà họ Ngụy, chính là cái tòa nhà bê tông cốt thép ở góc tây nam ngã tư đường kia kìa, hiện giờ bên trong còn có người ở không?" Ông lão bán mì hoành thánh nghe thấy vậy, khẽ biến sắc, đáp ngay: "Không có người nào ở cả, đó là căn nhà bị ma ám."
Cho tới lúc trưa, nhóm ba người Quách sư phụ đã sục sạo quanh tấm bia đá một lượt, chỉ có tòa nhà bê tông cốt thép kia là còn chưa vào lần nào. Phía tây đường cái là nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang, gần đường có vài toà nhà bê tông cốt thép tan hoang, ngày trước là khu tập thể của nhà máy. Tòa nhà gần tấm bia đá nhất là còn nguyên vẹn nhất, được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng lầu kèm một tầng ngầm, đã từng là chi nhánh của công ty thuốc lá của Anh Mỹ, được bao quanh bằng một bức tường rào xây bằng đá tảng nấm mốc, có vẻ ngoài tương đối nặng nề và kiên cố, so với những gian nhà ngói cấp bốn ở nghĩa trang nhà họ Ngụy dành cho dân chúng nghèo ở thì chắc chắn và đồ sộ hơn nhiều. Nhưng cửa sổ khu nhà đó đóng chặt, trên nóc nhà cỏ dại mọc um tùm, hiển nhiên là rất lâu rồi không có người cư ngụ. Nghe ông lão bán mì hoành thánh nói, bên trong tòa nhà này có ma. Trong lúc nói chuyện, thái độ và cách nói cũng không giống như cố ý hù dọa người khác, Quách sư phụ nhân cơ hội đó hỏi ông lão: "Ngôi nhà ma? Bên trong không có người ở?"
Ông lão bán mì hoành thánh đáp: "Nghe nói tòa nhà này không sạch sẽ, bên dưới có mồ mả của người xưa, nhiều lần đổi đi đổi lại chủ nhà, nhưng không một nhà nào sống an ổn, ai cũng bảo có ma. Hai năm trước, tòa nhà này đã được một vị hội chủ một hội nào đó mua lại, cả nhà năm người đều sống dựa vào kinh doanh buôn bán. Vị hội chủ đó lén lút tiến hành một số vụ mua bán không thể lộ ra ngoài ánh sáng, nếu không sẽ không đến ở một nơi vắng vẻ đến như vậy. Sau đó, cả nhà năm người đột nhiên chết không rõ nguyên nhân ngay trong nhà mình, ngôi nhà này không bị ma ám thì là cái gì? Từ lúc ấy, không một ai dám đến ở nữa. Các cậu đấy, đừng có mà không tin là có tà ma."
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó, cô bé gái đã nặn xong toàn bộ chỗ mì hoành thánh còn lại. Bên phía ông lão thì nồi nước dùng đã sôi sùng sục. Mì hoành thánh được nấu không khác gì mấy so với sủi cảo, chỉ khác là phải nấu thật nhanh. Bánh sủi cảo vỏ dầy, phải nấu tới lúc ba chìm ba nổi mới có thể vớt ra khỏi nồi, còn mì hoành thánh chỉ cần nhúng vào nồi nước dùng đang sôi là đã chín. Ông lão lặp lại những công đoạn như vừa rồi, đổ đầy mì vào trong bát, cho thêm gia vị và nước dùng rồi đưa cho ba người. Lúc tiếp nhận bát mì hoành thánh, Quách sư phụ chạm vào tay ông lão. Bàn tay kia đó lạnh như băng, quả thực là giống hệt như tay người chết.