Một chuyến xe lửa

 "Phần lớn những sầu khổ đều có nguyên nhân từ chính chúng ta."

  - Sophocles

Tôi vừa vội vàng chạy vừa đưa tay lên nhìn đồng hồ. Đã 9 giờ 30. Tôi sắp bị nhỡ chuyến xe lửa cuối cùng trong ngày. Ấy vậy mà tôi còn phải len qua dòng người dường như là bất tận đang ùa ra từ các cửa ga. Thật đúng là một cực hình. Tôi đưa mắt khó chịu nhìn một vài người cứ bước đi lững thững, khoan thai trên sân ga cứ như thể trên đời này chẳng có gì phải vội vàng. Thoát khỏi dòng người để bước tới bậc tam cấp chuẩn bị vào cửa, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nào đã hết những phiền phức. Chắn ngay trước cửa là một người đàn ông khuyết tật đang loay hoay với đống hành lý khổng lồ. Tay trái của ông ta bị liệt còn chân trái phải mang chân giả. Ông phải bê từng túi xách của mình đặt vào xe đẩy, một công việc mà với tốc độ của ông thì phải mất đến nửa giờ đồng hồ. "Chắc hẳn sẽ có ai đó giúp ông ta thôi", tôi nhủ thầm rồi vội bước qua ông. Thật tình, giờ phút này, tôi chỉ nghĩ đến việc được về nhà, nằm ủ mình trong tấm chăn ấm sau một tuần làm việc mệt nhoài. Không suy nghĩ nhiều nữa, tôi nhanh chóng chen lên trên và nhảy lên tàu.

Vừa ngồi xuống, duỗi thẳng đôi chân cho thật thoải mái, tôi đã thở dài khi thấy những người đồng hành đang ngồi ở hàng ghế đối diện với mình. Đó là hai cô bé rất sôi nổi, hiếu động đang chụm đầu vào nhau cười khúc khích bên cạnh người cha đang ngủ gà ngủ gật vì mệt mỏi. Tôi ngao ngán nghĩ đến việc sẽ phải chịu đựng suốt hai tiếng đồng hồ những câu chuyện líu lo không bao giờ dứt của hai cô gái nhỏ. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến trước khi người ngồi ngay cạnh tôi xuất hiện. Đó không ai khác mà chính là người đàn ông tật nguyền mà tôi đã gặp với đống hành lý khổng lồ ngay cửa vào ga lúc nãy. Ông ta cáu kỉnh bảo tôi dịch chân ra rồi thả phịch người xuống, khuôn mặt tỏ vẻ căng thẳng, khó chịu.

Sự kiên nhẫn của ông đối với những câu chuyện ồn ào của hai bé gái ngồi ở ghế đối diện có vẻ không được lâu như tôi. Sau hai phút, ông ta gầm gừ: "Im nào! Im nào!", khiến hai cô bé nín thinh không còn dám nói một lời.

Quay sang tôi, ông ta bắt đầu ca cẩm như thể đã tìm thấy một người để trút ra những nỗi giận dữ của mình. Đầu tiên là chuyện người bán vé không viết đúng tên ông, rồi đến chuyện đèn đóm ở nhà ga có một màu trắng sáng "trông muốn bệnh". Có lẽ không có điều gì trên đời này có thể làm ông hài lòng, cả chuyện thời tiết, chuyện lũ mèo của bà hàng xóm hay chuyện lũ gián xuất hiện trong nhà ông. Ông ta cứ thao thao suốt 15 phút đồng hồ mà không cần tôi phải tỏ thái độ đồng tình, cũng chẳng màng để ý đến khuôn mặt đang khổ sở chịu đựng của tôi.  

Tôi cảm thấy bực mình, nhưng rồi một cảm giác thương cảm chợt dâng lên trong tôi. Tại sao ông ta lại quá cay đắng với cuộc đời như thế? Có lẽ trái tim trong ông cũng méo mó như chính khuôn mặt ông vậy. Nhưng tôi biết làm gì hơn ngoài việc cứ ngồi yên mà chịu đựng?

Và rồi, trong tôi bỗng xuất hiện một ý nghĩ, rằng mình nên làm gì đó cho ông ta, dù chỉ là một cử chỉ quan tâm, một lời nói dịu dàng để xoa dịu những tâm sự trong lòng ông. Nhưng tôi đang mệt, thực sự là rất mệt; cơ thể tôi như đang kêu lên để chống lại ý định ấy. Tôi không muốn "vác tù và hàng tổng". Tôi chỉ muốn được yên thân trong hai tiếng đồng hồ trên đường về nhà. Càng cố xua đi, ý nghĩ đó càng trở nên mạnh mẽ. Và trong khi tôi đang mải vật lộn với những ý nghĩ ấy thì có một người đã lên tiếng trước.

Đó là một giọng nói ngọt ngào và rất thơ ngây: "Ông ơi, ông có chuyện gì vậy?". Một trong hai cô bé nói chuyện ồn ào ban nãy đã làm giùm tôi cái việc mà tôi không thể, đó là bắt chuyện với người đàn ông cau có ngồi cạnh mình.

Câu hỏi của cô bé hẳn là không có gì mới đối với ông, vì có thể trong cuộc đời, ông đã nghe hàng trăm lần câu hỏi đó. Ông nhấm nhẳng trả lời rằng mình bị liệt cơ và vì thế mà cơ thể không tuân theo ý muốn của ông được.

Nhưng cô bé lắc đầu: "Đó không phải là những gì cháu muốn hỏi. Tại sao ông luôn khó chịu với tất cả mọi thứ vậy ông?".

Người đàn ông khựng lại trong giây lát, rồi trả lời bằng một giọng run run: "Ta nghĩ rằng đó là vì ta chán ghét cuộc sống này. Nó đã không chút công bằng với ta!".

Cô bé nhìn ông, mắt long lanh: "Mẹ cháu từng nói rằng cuộc sống sẽ mỉm cười với chúng ta, nếu ta chịu mỉm cười với nó. Cháu biết ông không được khỏe, nhưng cháu chắc rằng trên đời còn có rất nhiều thứ có thể làm ông vui mà, phải không ông?".

Ông ta quay sang nhìn cô bé, và mặc dù không thấy được khuôn mặt của ông lúc này, nhưng tôi chắc rằng đó không phải là một cái nhìn giận dữ. Giọng ông chùng xuống: "Cháu còn quá nhỏ, chưa thể hiểu được hết cuộc sống này đâu".

"Cháu nghĩ cháu hiểu. Cháu đã học được rất nhiều điều từ khi mẹ rời xa chúng cháu để lên thiên đường, ông ạ". Đoạn, cô bé im lặng và quay đi chỗ khác. Tôi nghĩ, cô bé không cần phải nói gì thêm; bấy nhiêu đó cũng đủ tác động đến người đàn ông tật nguyền, và cả tôi.

Chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình trong yên lặng. Hai bé gái đã thiếp đi, những gương mặt trẻ thơ với vầng tóc mây ngời sáng tựa vào lòng người cha. Còn người đàn ông bên cạnh tôi thì dường như đã cảm thấy dễ chịu hơn với mọi thứ. Ông thôi không phàn nàn bất cứ điều gì nữa, những nếp nhăn trên trán cũng dãn ra. Bất chợt, tôi thấy những vấn đề của mình, những nỗi lo lắng trong công việc, những rắc rối trong cuộc sống trở nên thật nhỏ bé. Chẳng có gì đáng phải bận tâm suy nghĩ nữa cả. Và cũng tự nhiên, tôi muốn mỉm cười với tất cả mọi người. Và bạn biết không, cuộc sống dường như ngày càng đẹp dần lên đối với tôi kể từ ngày đó.  

- Kim Nga

Theo The Train Ride

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện