Chương 8: Gặp gỡ mùa xuân
Thời tiết dần ấm lên, trước giờ tôi thấy mọi chuyện vẫn an bình, yên ổn nên đã giảm số lần uống thuốc và số lượng thuốc xuống, cơ thể cũng thoải mái đôi chút. Hoán Bích nói riêng với tôi: "Tiểu thư thường dùng thuốc rồi nằm lì trong phòng, sắc mặt nhợt nhạt lắm, nên chịu khó đi dạo dưới ánh nắng mặt trời để khí sắc được tốt hơn!" Mùa xuân là thời gian đẹp nhất ở Thượng Lâm uyển, hoa lê và hải đường ở Đường Lê cung chỉ mới mọc lá, chưa có nụ nào nhú lên, thế mà hoa ngoài Thượng Lâm uyển đã rộ hương. Các loại hoa quý ngào ngạt tỏa hương trong gió, cây cối tươi tốt, nước xanh như ngọc, sóng gợn lăn tăn, cảnh tượng đặc sắc, u nhã như trong tranh vẽ, đắm say lòng người. Trong cung rất thích trồng các loại cây hoa phú quý như ngọc lan, hải đường, mẫu đơn, hoa quế, trúc xanh, ba tiêu, hoa mai, lan bát phẩm... còn có câu "ngọc đường phú quý, trúc báo bình an", được xưng tụng là "tám loại cây quý của Thượng Lâm", tượng trưng cho điềm lành trong cung đình. Đường Lê cung nằm ở góc tây nam Thượng Lâm uyển, vốn là một nơi ít kẻ qua lại, khu vực phụ cận cũng rất hiếm khi có người ghé qua. Do đó, tôi chỉ đi dạo xung quanh Đường Lê cung, chẳng bị ai đến làm phiền hay hạch hỏi. Ra khỏi Đường Lê cung không xa là hồ Thái Dịch. Dọc theo hồ Thái Dịch trồng đầy thùy dương, cành nhánh nào cũng khoe lá mới, tựa như lông mày vừa kẻ, ngàn sợi, vạn sợi tơ màu xanh ngọc đong đưa trong gió. Đứng ở ven hồ, đến một luồng gió nhẹ thổi qua cũng mang theo hơi nước trong trẻo, ngọt ngào khiến người ngắm cảnh cảm thấy vui tươi, thanh thản. Hồ Thái Dịch rộng hơn trăm mẫu, sóng biếc lăn tăn, từ xa nhìn lại, nước hồ cùng trời cao một sắc, trong hồ có điểm xuyết vài hòn đảo nhỏ, đặc biệt nhất là hai đảo Bồng Lai và Vân Mộng. Trên đảo, đình đài, lầu các san sát, tựa như bè nổi của tiên nhân. Đi vào sâu bên trong một chút là những cây cổ thụ cao chọc trời, thân to đến mấy người ôm không xuể. Số cây cối đó đều được trồng từ khi lập quốc đến giờ, tổng cộng cũng đã mấy trăm năm, chưa từng bị chặt bỏ cành lá nào, rậm rạp xanh um, bóng râm che kín bầu trời. Tôi đứng đó, thích thú vui chơi. Sau khi quay về liền lệnh cho Tiểu Liên Tử, Tiểu Doãn Tử buộc một cái xích đu lên cây. Tiểu Doãn Tử lanh lợi, còn kết thêm dây tử đằng và cỏ lê xung quanh dây đu, chúng trổ hoa nhỏ li ti màu tím thơm ngát, cành lá mềm mại, mùi hương bay xa. Lúc xích đu tung bay, gió thơm phảng phất, lâng lâng như ở trên mây. Trưa hôm đó, thời tiết rất đẹp, sắc trời trong xanh, ánh nắng vàng ruộm, tơ liễu trắng muốt phấp phới bay đầy trời như từng bông tuyết nhỏ, chấp chới, bập bềnh trong gió. Tôi ngồi trên xích đu, dùng chân gẩy những cánh hoa rơi rụng trên mặt cỏ thơm mềm mại. Lưu Châu thỉnh thoảng lại nhẹ nhàng đẩy vào xích đu, từng cánh hoa mỏng tang rơi lả tả xuống người tôi, dịu dàng như ngón tay mẹ vẫn thường âu yếm, vuốt ve khuôn mặt tôi hồi nhỏ. Tôi không dằn lòng được, ngẩng đầu ngắm hoa, những đóa hoa mọc thành chùm, chen nhau nhuộm hồng nửa bầu trời, qua giàn hoa mọc chi chít đó chỉ có thể nhìn thấy nền trời xanh ngắt lấp ló qua kẽ hoa. "Hạnh hoa thưa bóng rọi. Địch thổi tới bình minh", người xưa đã từng mô tả như vậy, tôi đột nhiên nổi hứng, quay đầu ra lệnh cho Lưu Châu: "Đi lấy tiêu của ta lại đây!" Lưu Châu "vâng" một tiếng rồi đi ngay. Tôi ngồi chơi đu một hồi, chợt phát hiện sau lưng chẳng biết từ bao giờ xuất hiện một bóng người, tôi sợ đến giật bắn mình, vội nhảy xuống khỏi chiếc đu, quay người nhìn kĩ. Chỉ thấy một nam nhân trẻ tuổi đứng ở sau lưng, y mặc một bộ thường phục màu xanh nước biển thêu hoa văn hình dơi, đầu đội mũ đính trâm vàng ròng, thân hình cao ráo, phong độ, thần thái sáng láng, diện mạo vô cùng anh tuấn, ánh mắt lấp lánh hữu thần đang chăm chú quan sát tôi, nhưng không đoán ra được tôi là ai. Mặt tôi bất giác ửng hồng, khuỵu gối chào, không biết phải xưng hô thế nào, đành tiếp tục giữ nguyên tư thế hành lễ. Im lặng hồi lâu, mặt tôi nóng bừng như có lửa đốt, hai gối cũng bắt đầu đau nhức, tôi đành cố nén ngượng ngùng, lên tiếng hỏi: ''Không biết tôn giá tên gọi là gì?" Người này không trả lời, tôi không dám ngẩng lên, khẽ hỏi lại một lần nữa, lúc đó y mới tựa hồ bừng tỉnh khỏi giấc mộng, khẽ "à" một tiếng rồi ôn hòa nói: "Xin mời đứng dậy!" Tôi hơi ngước mắt nhìn y phục của y, tựa hồ y cũng để ý thấy, bèn tự giới thiệu: "Ta là... Thanh Hà vương " Tôi biết y là Thanh Hà vương Huyền Lăng thì càng thêm ngượng ngập, tần phi một mình gặp mặt vương gia, thật chẳng hợp lễ chút nào. Tôi bèn lùi xa hai bước nhún mình thưa: "Thiếp thân là Hoàn Quý nhân Chân thị tham kiến vương gia!" Y ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi lại: "Cô nương là vị Quý nhân đang bị bệnh phải không?" Tôi lập tức cảm thấy có gì không đúng, nghi ngờ hỏi: "Chuyện vặt trong cung, làm sao vương gia biết được?” Y hơi ngẩn người rồi lập tức cười, nói: "Ta nghe hoàng... tẩu nói qua, lúc Giao thừa, hoàng huynh có hỏi một câu, ta vừa khéo ở ngay bên cạnh." Tôi nghe vậy mới an lòng. Y ôn hòa hỏi thăm sức khỏe của tôi: "Cô nương đã khoẻ hơn chút nào chưa? Mùa xuân trời vẫn còn se lạnh, tại sao không mặc thêm áo?" "Phiền vương gia phí tâm, thiếp đã khá hơn nhiều rồi!” Đang định cáo từ thì Lưu Châu mang tiêu đến, thấy có nam nhân lạ mặt đứng cạnh thì không khỏi hốt hoảng. Tôi vội quát: "Còn không chịu tham kiến Thanh Hà vương!” Lưu Châu vội vàng quỳ xuống hành lễ. Y đưa mắt liếc qua ống tiêu ngọc lục bảo xanh thẫm, tủm tỉm cười, hỏi: "Cô nương biết thổi tiêu à?" Tôi khẽ gật đầu. "Phòng khuê buồn chán, chỉ dùng để tiêu khiển mà thôi." "Có thể thổi một khúc cho ta nghe không?" Y cũng thấy câu hỏi có phần đường đột, bèn nói thêm: "Bản vương rất thích nghe tiêu." Tôi chần chừ một lát, thưa: "Thiếp vốn không tinh thông thổi tiêu, chỉ sợ làm nhục lỗ tai của ngài!" Y đưa mắt nhìn ra phía đường chân trời, tủm tỉm cười, đáp: "Cảnh xuân mỹ lệ thế này, nếu có thêm tiếng tiêu làm bạn thì mới tính là không phụ lòng cả khu vườn liễu xanh hoa đỏ này. Xin Quý nhân đừng nỡ cự tuyệt!" Tôi không từ chối được, đành lùi ra xa một trượng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi ứng cảnh khẽ thổi khúc Ngàn bóng hạnh hoa, chính là "đâu tiếng ngọc tiêu, trời tựa nước, quỳnh hoa nở rộ, trắng như băng". Lơ thơ tơ liễu, cửa Uyên Ương, nhớ Đào Diệp gọi đò thuở ấy. Mắt sầu ngơ ngẩn đón gió xuân, chờ đợi, tựa lan can chèo thuyền đi. Lối Kim Lăng, oanh ca yến múa. Chỉ thủy triều, hiểu nỗi khổ lòng ta. Cỏ thơm đầy bãi ngày về chưa trọn, chiều xuống, thuyền rời đi, bến ở nơi nào? Khi tôi còn nhỏ, dì tôi từng có thời gian sống ở Giang Nam, bà từng dạy tôi dùng huân[1] thổi khúc nhạc này, âm điệu thanh nhã, cao vút. Giờ dùng tiêu tấu nhạc, làm vơi đi nỗi sầu muộn trong khúc nhạc, lại thêm phần uyển chuyển du dương, trong trẻo. Khúc nhạc đã dứt mà Thanh Hà vương vẫn im lặng thất thần, chẳng thốt nên lời.
[1] Huân: hay còn gọi là huyên, là một công cụ âm nhạc thời cổ.
Tôi tĩnh lặng hồi lâu rồi khẽ gọi: "Vương gia!" Lúc ấy y mới như choàng tỉnh. Tôi hạ giọng thưa: "Thiếp thân bị bêu xấu rồi, xin vương gia đừng trách tội!" Y nhìn sang tôi, cất tiếng khen: "Cô nương thổi hay lắm, chỉ có điều khi nãy thổi đến câu "Cỏ thơm đầy bãi, ngày về chưa trọn", tiếng tiêu có phần nghẹn lại, không được trôi chảy cho lắm, nghe như tiếng nức nở. Hẳn là cô nương đang nhớ nhà, phải không?" Tôi bị y nói đúng tâm sự, có phần ngượng ngập, đỏ mặt thưa: “Từng nghe người ta nói: "Khúc nhạc sai, Chu lang quay đầu", không ngờ vương gia lại thính tai như vậy!" Y hơi ngẩn ra rồi tủm tỉm cười. "Cũng lâu lắm rồi bản vương chưa nghe được tiếng tiêu nào hay như vậy. Kể từ khi... Thuần Nguyên Hoàng hậu qua đời, chẳng còn tiếng tiêu của ai có thể làm bản vương cảm động nữa." Tuy y đứng cách tôi không xa nhưng giọng nói u sầu của y mơ hồ như từ nơi chân trời vẳng lại, tràn đầy cảm xúc. Tôi bước lên hai bước, mỉm cười thưa: "Đa tạ vương gia tán thưởng! Chỉ là thần thiếp sao dám so sánh với Thuần Nguyên Hoàng hậu kia chứ!" Rồi nhún mình hành lễ. "Không còn sớm nữa, thần thiếp xin lui về cung trước, vương gia cứ tự nhiên!" Y gật đầu cười, chào tôi rồi rời đi. Lưu Châu đỡ tôi trở về Đường Lê cung. Vừa vào trong Oánh Tâm đường ngồi xuống, tôi lập tức gọi Tinh Thanh lại. "Ngươi đi nghe ngóng xem hôm nay Thanh Hà vương có vào cung không? Hiện giờ đang ở đâu?" Tinh Thanh nghe lệnh, lập tức ra ngoài hỏi thăm. Lưu Châu lấy làm lạ, hỏi tôi: "Tiểu thư cho rằng người hôm nay nghe tiêu không phải là Thanh Hà vương sao?" Tôi đáp: "Cẩn thận hơn một chút cũng tốt." Tinh Thanh ra ngoài hồi lâu rồi trở về bẩm báo: “Hôm nay Thanh Hà vương có vào cung, hiện đang thưởng họa cùng Hoàng thượng ở Nghi Nguyên điện." Tôi khẽ gật đầu, an tâm đi dùng cơm. Sau hôm đó một ngày, tôi lại ra chỗ xích đu giết thời gian. Sáng sớm ngày xuân, không khí thật trong lành, vấn vít chút hơi ẩm từ khói sóng nước hồ mênh mang. Hai bên bờ hồ, mùi hương thanh tân của hàng dương liễu hòa cùng mùi thơm ngọt của hoa tươi mới nở khiến người ta có cảm giác vô cùng sảng khoái, cỏ lê và tử đằng quấn quanh dây đu vẫn còn đọng vài giọt sương lóng lánh. Xích đu vừa nhẹ nhàng chuyển động, những giọt sương ấy đã rơi lên mặt, lên vai tôi, mát lạnh. Chim oanh đậu trên ngọn cây ríu rít chuyền cành, cất tiếng hót líu lo đầy vui thích. Chợt cảm thấy có người giơ tay đẩy mạnh xích đu của tôi, chiếc đu lập tức bay lên cao rồi nhanh chóng hạ xuống. Tôi kinh hãi, vội giữ chặt dây đu. Chiếc đu bay vút về phía trước, gió vù vù lướt qua má tôi, váy tôi xòe rộng, căng phồng trong gió như một con bướm lớn. Tôi phá lên cười giòn giã. "Lưu Châu, ả a đầu ranh mãnh kia, dám giở trò sau lưng ta hả!" Tôi lại khúc khích cổ vũ: "Đẩy ta cao hơn nữa! Lưu Châu, cao hơn chút nữa!" Lời vừa dứt, chiếc đu đã vùn vụt bay lùi lại, lướt qua một bóng người, càng lùi về sau càng nhìn thấy rõ, tôi kinh ngạc kêu lên một tiếng: "Vương gia!" Không phải Thanh Hà vương thì còn là ai nữa, tôi lại thất lễ thế này, trong lòng cảm thấy vô cùng hoảng hốt. Tay buông lỏng dây đu, tôi định nhảy xuống đất. Thanh Hà vương giơ cao hai tay, tủm tỉm nhìn tôi cười "Nếu cô nương sợ thì cứ nhảy xuống đi!" Tôi chợt cảm thấy có chút thẹn thùng nhưng sự ngang bướng vẫn thắng thế, bèn dùng sức giữ chặt lấy dây thừng, cao giọng đáp trả: "Vương gia cứ thỏa thích mà đẩy, ta không sợ!" Mắt y đậm nét cười, y bước lại gần chiếc đu, ra sức đẩy mạnh về phía trước. Chỉ nghe thấy tiếng gió vù vù bên tai khiến tóc mai hai bên thái dương tôi tung bay, rối bời. Càng sợ hãi, tôi càng cố gắng mở to mắt, khiến đôi mắt tôi vừa to vừa tròn như quả hạnh. Chiếc đu bay thẳng về phía một gốc hạnh già hoa nở sum suê, tính nghịch ngợm của tôi lại nổi lên, thò chân đá vào đám hoa hạnh nở rộ như lụa băng mây ấm, vừa rút chân về, đám hoa lập tức rơi lả tả khiến chim oanh trên cành kinh hãi kêu một tiếng rồi bay vụt lên không trung, làm xao động cả bức màn ánh nắng lấp lánh. Cánh hoa bay lả tả như mưa rơi, có một cánh hoa bay ngang vừa khéo lọt vào mắt tôi. Mắt đau nhói, tôi bất giác đưa tay lên dụi mắt, vừa buông lỏng thì người đã mất thăng bằng, rơi khỏi chiếc đu. Tôi vô cùng hoảng hốt, đến mức nhắm chặt hai mắt, thầm nghĩ: "Xong đời ta rồi!” Rơi xuống đất, tôi chẳng thấy đau, chỉ là không dám mở to mắt ra nhìn, cảm thấy trên trán lúc lạnh lúc nóng, hình như có hơi thở của ai đó lướt nhẹ qua, tựa như gió xuân trong buổi sớm mai. Tĩnh lặng không một tiếng động, tôi dường như nghe thấy tiếng hoa khẽ rơi xuống vạt áo. Lén mở mắt nhìn, tôi thấy ngay đôi tròng mắt đen láy, dịu dàng như ngọc đen, ẩn giấu nụ cười nhẹ nhàng, ấm áp như có như không. Tôi không quay đi, bởi chính trong giây phút tôi nhìn thấy đường nét khuôn mặt mình phản chiếu trong đôi con ngươi ấy. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bản thân mình trong ánh mắt của người khác. Tôi không rời mắt đi được, chỉ chăm chăm nhìn bóng hình mình trong mắt y. Mắt chấp chới, tôi liếc thấy khuôn mặt dịu dàng như gió xuân của Thanh Hà vương, ánh mắt đậm nét cười vẫn chăm chú ngắm nhìn tôi. Lúc này, tôi mới phát hiện, hóa ra mình rơi vào vòng tay của y, trong lòng giật thót, tôi vội vã nhảy xuống đất, ngượng ngùng, hận không thể chui ngay xuống đất cho đỡ xấu hổ, chỉ biết lí nhí: "Xin chào vương gia!" Y cười hì hì. "Bây giờ sao lại xấu hổ rồi? Khi nãy, chẳng phải không biết sợ là gì sao? Hành động chẳng khác nào nữ trung hào kiệt." Tôi cúi đầu, vặn vẹo đôi bàn tay. “Thần thiếp thất lễ, không biết vương gia lại thích lén lút đứng sau lưng người khác như vậy!" Y cao giọng: "'Vậy phải trách bản vương rồi!" Rồi y đưa tay đỡ tôi dậy. "Ta vốn không định ghé qua đây, nhưng đi ngang qua thì lại nhớ đến tiếng tiêu của Quý nhân ngày hôm đó nên cố ý gọi người mang tiêu đến, hy vọng có thể gặp gỡ được Quý nhân, để ta được thưởng thức một lần nữa." Thuận tay, y đưa cho tôi một ống tiêu bằng ngọc lam điền, toàn thân trắng muốt, trên thân tiêu có thể lờ mờ nhìn thấy những đường gân chìm màu tím nhạt. Một đầu ống tiêu đính một sợi dây đỏ óng ánh kim tuyến thắt thành nút như ý, đúng là một ống tiêu ngọc thượng hạng! Tôi đón lấy tiêu ngọc, hỏi: "Không biết vương gia muốn nghe bài gì?" "Quý nhân cứ thổi bài mình thích là được." Tôi bình tĩnh lại, chọn bài Liễu sơ tân để thổi: Thành Đông hừng sáng, sao tinh chếch. Báo kinh thành, xuân đã đến nơi. Mắt liễu mơ huyền, thần hoa hé mặt, thoáng lộ xanh đẹp, đỏ xinh. Trang điểm đình đài lầu các, trời múa bút, nét đan thanh vô giá. Này còn điện thí cung rồng. Tân lang quân, xếp hàng như họa. Vườn hạnh gió thưa, sóng đào hoa ấm, mừng cho cá chép hóa rồng. Chín đường lớn, vui chơi quên lối, thoáng bụi thơm, ngựa quý yên sang[2].
[2] Bài Liễu sơ tân của Liễu Vĩnh (1004-1054). Liễu sơ tân vốn là bài từ ca ngợi cảnh đẹp mùa xuân, thời thịnh thế thái bình, khúc điệu cực kỳ thanh thoát.
Y nghe xong quả nhiên thích mê, khóe miệng thoáng nét cười. "Vườn hạnh gió thưa? Lại là hạnh, cô nương thích hoa hạnh lắm sao?" Tôi ngẩng đầu nhìn gốc hạnh tỏa hương thơm ngát trả lời: "Hoa hạnh lúc nở rộ thì trong sáng, long lanh, lúc còn ngậm nụ thì ửng nét hồng. Không diễm lệ như hoa đào, chẳng lạnh nhạt như hoa mai, chỉ dịu dàng như thiếu nữ e ấp.” Ánh mắt y dừng lại trên người tôi. "Người như hoa, hoa cũng như người. Chỉ những người tính tình dịu dàng thì mới ưa thích loài hoa dịu dàng mà thôi!" Tôi trầm ngâm một thoáng. "Nhưng thần thiếp không dám ưa thích hoa hạnh." "Vậy ư?" Y nhướng mắt, hứng thú nói: "Kể lý do cho ta nghe thử!" "Hoa hạnh tuy đẹp đấy nhưng khi kết thành quả thì lại rất chua, hạt vừa đắng vừa chát. Nếu lấy hoa luận người thì có thể nói bắt đầu tốt nhưng kết cục lại chông chênh, vậy thì có ý nghĩa gì cơ chứ? Chẳng bằng tùng bách, quanh năm xanh tươi, không hoa không quả còn hay hơn nhiều." Y nhướng mày. "Thật tình... chưa từng nghe cách giải thích này bao giờ, đúng là mới lạ đặc biệt!" Tôi tủm tỉm cười. "Thần thiếp chỉ thuận miệng nói bừa, để vương gia cười chê rồi. Chỉ mong vương gia nghe xong khúc nhạc này, về sau đừng hù dọa thần thiếp nữa là được!" Y vỗ tay cười lớn. "Hôm nay là do ta đường đột mạo phạm. Ta có hai bản khúc phổ, sau bữa trưa ngày mai sẽ đem đến để cùng thưởng thức với Quý nhân. Hy vọng Quý nhân sẽ đồng ý." Nụ cười của y tươi tắn đến cực điểm, tựa như ánh nắng lóa mắt vạch qua làn sương mù dày đặc bên trên cảnh xuân trong vườn, khiến tôi không thể nào từ chối được. Tôi ngẩn người một thoáng rồi dịu dàng đáp: "Cung kính không bằng tuân mệnh!" Đi được hai bước, chợt nhớ ra một chuyện, tôi bèn quay lại nói với y: "Thần thiếp có chuyện muốn nhờ, xin vương gia đồng ý!" "Quý nhân cứ nói!" "Thần thiếp gặp vương gia thế này đã không ổn rồi, mong vương gia đừng để người khác biết, để khỏi ảnh hưởng đến danh dự của hai bên." "Chao ôi, đã là danh dự thì có ai làm hỏng được nào?" Tôi lắc đầu, thưa: "Vương gia có điều không rõ rồi. Thần thiếp và vương gia quang minh lỗi lạc, tuy nói chẳng làm chuyện gì đáng xấu hổ nhưng trong hậu cung đông người nhiều miệng, lời nói xói vàng, tốt nhất đừng để xuất hiện chuyện thị phi." Y hơi cau mày nhưng miệng vẫn cười sảng khoái, đồng ý với tôi.