Chương 34: Kinh Hồng (hạ) [1]

Cơn giận giảm xuống đôi chút, tôi chỉnh trang lại y phục, dung nhan rồi lặng lẽ quay trở lại bàn tiệc, bất giác đưa mắt nhìn sang Hoa Phi, thấy nàng ta vẫn ngồi đó uống rượu một mình. Lăng Dung vội hỏi: "Tỷ tỷ đi đâu vậy? Lâu quá mà không thấy về, My tỷ đã gọi người tìm mấy lần rồi." Tôi bình thản mỉm cười, đáp: "Ta say rượu nên ngủ một giấc ở bên điện phụ, ai ngờ ngủ quên mất thời gian." Lăng Dung khẽ thở phào rồi cười, hỏi: "Tỷ tỷ ngủ nghê thỏa thích, coi như muội muội uổng công lo lắng rồi." Đang nói chuyện, Huyền Lăng đi về phía tôi, hỏi: "Thị nữ của nàng nói nàng đi thay áo, sao lại đi lâu như thế?" "Thần thiếp say rượu nên ngủ quên, giờ mới tỉnh dậy." "Trẫm cũng hơi say rồi, gọi người dâng hoa quả giải rượu lên thôi." Các cung nữ tất bật dâng lên các loại quả tươi ngâm trong nước giếng lạnh, chiếc mâm tròn thủy tinh trong suốt như băng chất đầy dưa thơm trắng muốt, dưa bầu đỏ tươi, ngó sen xanh ngọc, bồ đào tím ngắt... Tào Tiệp dư bước qua, yêu kiều mỉm cười, thưa: "Ca vũ hôm nay tuy long trọng nhưng khó tránh khỏi rập khuôn. Đây vốn là gia yến, dự tiệc toàn là người thân, hay bây giờ nghĩ vài trò vui để cùng chơi, có được không ạ?" Huyền Lăng đồng ý. "Hôm nay nàng là nhân vật chính mà, nàng có ý gì hay thì cứ nói cho mọi người nghe thử xem!" "Thần thiếp nghĩ các tỷ muội trong cung hầu hạ thánh giá, đương nhiên ai cũng có tài riêng, hay bây giờ chúng ta viết những tài riêng ấy ra giấy rồi bốc thăm, ai bắt được tài gì thì biểu diễn trước mặt mọi người, Hoàng thượng thấy thế nào ạ?" Huyền Lăng gật đầu, nói: "Ý này mới mẻ đây, vậy cứ làm như nàng nói đi!" Tào Tiệp dư vội lui xuống chuẩn bị, không bao lâu sau đã bưng ra một chiếc bình vuông bằng sứ Thanh Hoa. "Dung hoa muội muội có thai, không nên vất vả quá, việc bốc thăm hành lệnh cứ để thần thiếp gánh lấy vậy!" Huyền Lăng hỏi: "Sao vậy? Nàng nghĩ ra ý hay như vậy mà không tham gia biểu diễn hay sao?" Tào Tiệp dư thưa: "Thần thiếp chẳng có tài cán gì, chỉ biết thắt dây hạt châu chơi thôi, không xứng để biểu diễn trước mặt mọi người. Thần thiếp đã tính cả rồi, bất kể các tỷ muội biểu diễn tài gì, thần thiếp đều tặng một sợi hạt châu để bày tỏ lòng biết ơn. Hoàng thượng, người nói có được không?" "Miễn cưỡng cũng có thể chấp nhận." My Trang ngồi bên cạnh, lên tiếng hỏi: "Nếu lỡ có tỷ muội nào chọn phải lá thăm không phải là sở trường của mình thì làm thế nào cho phải?" Tào Tiệp dư cười, nói: "Dẫu không phải là sở trường đi chăng nữa thì cũng phải biết chút ít chứ. Huống gì ở đây toàn là các tỷ muội gặp mặt nhau hàng ngày, tùy ý biểu diễn một chút là được." Tiệc diễn ra cả nửa ngày trời, âm nhạc, đàn hát nghe đã phát chán, thấy Tào Tiệp dư nảy ra ý hay, mọi người đều cảm thấy thú vị, háo hức muốn tham gia. Phi tần trong cung trước giờ vì muốn giành được sủng ái, ai cũng cố gắng trổ hết tài năng, so tài đọ sắc. Bây giờ thấy có trò hay, lại có thể nở mày nở mặt trước Hoàng đế, Hoàng hậu và hoàng thất thì ai cũng muốn cố gắng một phen. Tào Tiệp dư rút thăm cho Hoàng hậu, là tay trái tay phải cùng viết chữ "Thọ". Thư pháp của Hoàng hậu vốn tinh diệu đứng đầu hậu cung, nói gì đến trò hai tay cùng viết chữ. Hai chữ "Thọ" vừa viết xong, ai cũng cất tiếng khen ngợi. Đoan Phi yếu ớt, sớm đã quay về nghỉ ngơi. Phùng Thục nghi viết một bài từ. Điềm Quý nhân và Tần Phương nghi hợp tấu một khúc Phượng cầu hoàng. Lưu Lương viện về một bức đan thanh Quan âm tống tử... Ai cũng có nét phong lưu, đặc sắc riêng. Tào Tiệp dư vươn tay ngọc, lấy một lá thăm đặt vào lòng bàn tay, nói: "Đến lượt Chân Uyển nghi rồi!" Nói xong, nàng ta mở thăm ra xem rồi mỉm cười, nói: "Xin mời muội muội múa một khúc Kinh hồng vũ." Quay sang Huyền Lăng, nàng ta lại cười, nói: "Nhan sắc của muội muội vốn "nhẹ như chim hồng, uyển chuyển như rồng", thần thiếp khi không lại rút đúng lá thăm này, cho thấy điệu múa này nhất định là dành riêng cho muội muội. Muội muội ngàn vạn lần đừng từ chối nhé!" Hai tay tôi xiết lại thành nắm đấm. Kinh hồng vũ vốn do phi tử của Đường Huyền Tông là Mai Phi nghĩ ra, đã thất truyền từ lâu. Thuần Nguyên Hoàng hậu mê đắm âm nhạc, vũ đạo, nhiều lần tìm kiếm điệu múa nguyên bản, lại dốc sức tự mình cải tiến, vừa múa đã khiến cả thiên hạ chấn động, từ đó điệu múa này trở nên rất thịnh hành, bất kể trong đình hay ở chốn dân gian, nơi nào có giếng nước thì nơi đó có nữ nhân múa Kinh Hồng vũ. Chỉ có điều, điệu Kinh Hồng vũ này vốn rất khó học, yêu cầu về thân hình và sức khỏe cực kỳ nghiêm khắc, không luyện tập từ ba đến năm năm thì chưa thể múa được, phải mất bảy, tám năm mới có thể thành thục. Múa đẹp thì khiến mọi người ngưỡng mộ, múa không đẹp thì không khác gì Đông Thi nhăn mặt, trở thành trò cười cho thiên hạ. Tính cách của Hân Quý tần thẳng như ruột ngựa, vừa nghe thấy vậy, mặt đã lộ vẻ khinh thường. "Chân Uyển nghi được bao nhiêu tuổi mà có thể múa Kinh Hồng vũ cơ chứ? Hơn nữa, nếu múa không được bằng cố Hoàng hậu thì cũng là chuyện đương nhiên, tỷ muội chúng ta cứ tùy ý múa may một chút, đâu cần phải cố gắng quá làm gì!" Hân Quý tần vốn bất bình thay cho tôi nhưng lại bị Tào Tiệp dư chặn họng, không nói được gì thêm liền bực bội quay mặt đi, không thèm để ý đến nàng ta nữa. Hoa Phi vốn đang ngồi tự rót rượu uống, đột nhiên lên tiếng: "Đã không múa được thì đừng múa, miễn cưỡng làm gì? Cố Hoàng hậu nhờ điệu múa này mà vang danh thiên hạ, giờ e là chẳng ai có thể sánh bằng người." Nói đến đây thì nàng ta dừng lại, ngẩng đầu, uống cạn một chung rượu. Lời này rõ ràng là có ý khiêu khích, lòng tôi như bị dội một gáo nước lạnh, trong chốc lát, tôi đã nghĩ thông. Nếu không múa thì khó tránh khỏi bị mọi người chê cười, rằng Chân thị, tân sủng của Hoàng đế bình thường, vô tài, chỉ có hư danh, làm mất thể diện của hoàng gia. Nếu tôi múa, múa không hay thì đương nhiên trở thành trò cười, nhưng ngộ nhỡ múa hay thì mọi người vỗ tay tán thưởng, chiếm được vị trí nổi bật nhất trong ngày hôm nay. Nhưng nếu có ngày không được lòng Hoàng thượng, chỉ e sẽ lại có người ghen ghét, gièm pha rằng tôi bất kính với tiên Hoàng hậu. Đương kim Hoàng hậu là em gái ruột của cố Hoàng hậu, Hoàng thượng và cố Hoàng hậu kết tóc se duyên từ thuở thiếu niên, ân ái mặn nồng, nếu tôi bị người đời gièm pha như thế, những ngày còn lại ở hậu cung sẽ vô cùng khó khăn. Hoàng hậu nghe thấy cố Hoàng hậu được nhắc đi nhắc lại đến hai, ba lần, mặt hơi biến sắc, lén nhìn sang Huyền Lăng. Hoàng hậu thấy Huyền Lăng đang trầm tư suy nghĩ điều gì đó, bèn nhỏ giọng khuyên: "Kinh Hồng vũ dễ học nhưng khó tinh, đừng múa nữa thì hơn, đổi sang lá thăm khác đi vậy!" My Trang và Lăng Dung cùng cau mày. My Trang biết trước giờ tôi chỉ đắm mình vào thi thư, không mấy quan tâm đến ca vũ, bèn liên tục nháy mắt ra hiệu với tôi, ý bảo tôi xin Hoàng đế không múa điệu này. Nghe Hoàng hậu mở miệng nói vậy, tỷ ấy phụ họa ngay: "Vừa rồi Uyển nghi say rượu, nhảy múa thật không tiện." Huyền Lăng chăm chú nhìn tôi hồi lâu rồi chậm rãi nói: "Trong cung đã lâu rồi không diễn Kinh Hồng vũ, trẫm bỗng lại muốn xem. Uyển nghi, nàng cứ tự nhiên mà múa." Hoàng đế đã nói vậy, tôi muốn từ chối cũng không được. Tôi hít sâu một hơi, chầm chậm bước ra khoảng trống giữa đại điện. Giờ mọi người đều đã chuẩn bị chứng kiến cảnh tôi xấu mặt: Chân thị mồm mép thi thư được Hoàng đế sủng ái, sẽ múa thế nào được phong thái "nhẹ như chim hồng tung cánh" đây, chỉ e sẽ hóa thành "chim sợ cành cong" mất! My Trang đột nhiên đứng dậy, mỉm cười, nói với Hoàng đế: "Âm thanh đàn sáo tầm thường quá, hay thần thiếp đàn cổ cầm, An Tuyển thị cất tiếng hát giúp Uyển nghi thêm phần hào hứng?" Tôi biết My Trang có ý giúp mình, lấy tiếng đàn, tiếng hát phân tán sự chú ý của mọi người. Tôi liếc mắt nhìn sang Lăng Dung, My Trang lúc nào cũng tâm niệm muốn Lăng Dung thu hút sự chú ý của Hoàng đế để giúp chúng tôi một tay. Đây quả là một cơ hội tốt, chỉ là không biết Lăng Dung có đồng ý không? Hoàng đế gật đầu đồng ý. "Đi lấy chiếc đàn Trường tương tư của Thư Thái phi đến đây!" Lập tức có nội giám dâng lên cây cổ cầm tôi từng đàn ở Thủy Lục Nam Huân điện hôm đó. Ngày trước, Thư Quý phi được tiên hoàng sủng ái, bởi thân phận của Thư Quý phi lúc đó gây trở ngại, hai người họ khổ sở yêu đương rất lâu mới có thể được ở gần bên nhau. Ngày Thư Quý phi tiến cung, Hoàng đế đặc biệt ban cho bà một cây cổ cầm mang tên Trường tương tư, một cây sáo mang tên Trường tương thủ làm tín vật định tình. Lúc tiên hoàng băng hà, Thư Quý phi tự thỉnh rời cung tu hành, từ đó, đàn, sáo của bà được lưu lại trong cung. My Trang chỉnh lại dây đàn rồi gật đầu ra hiệu với tôi. Lăng Dung hành lễ với Hoàng đế, Hoàng hậu rồi ngồi xuống cạnh My Trang, đưa ánh mắt lo lắng nhìn tôi. Tôi khẽ gật đầu ra hiệu, Lăng Dung bắt đầu cất giọng ca tha thiết. Nhạc vang lên, điệu múa bắt đầu, cơ thể tôi cũng nhẹ nhàng tung bay. Ngoài tiếng đàn của My Trang và tiếng hát của Lăng Dung, cả Phù Lệ cung im phăng phắc như chẳng có ai ở đó. Tay áo dài, rộng múa như ráng chiều rải rác, lấp lánh ánh mặt trời, châu ngọc trên đầu phát ra những tiếng leng keng gấp gáp, vòng eo nhỏ nhắn, mềm mại như cành liễu, hết ngửa hẳn ra sau lại gập về phía trước, những đóa tử nở rộ bày trong đình bị làn gió phái ra từ tay áo quét qua, cánh hoa tung bay đầy trời, trông giống những bông hoa hạnh phấp phới khi bị chân của tôi đá vào thuở nọ. Giọng ca tha thiết của Lăng Dung hòa vào tiếng đàn réo rắt của My Trang, tôi chỉ cần tập trung vào từng động tác múa. Tôi thầm nghĩ, Tào Tiệp dư đúng là quá coi thường tôi rồi, cứ nghĩ tôi xuất thân từ gia đình lễ giáo nên không tinh thông vũ đạo. Tuy tôi nhờ vào thi thư mà được lòng Hoàng thượng nhưng tôi biết rõ mình không cần phô bày tất cả tài năng cùng lúc, chỉ trong lúc vô ý mới lộ ra một chút để gây bất ngờ, như thế mới thu hút được ánh mắt của người mà tôi muốn mê hoặc. Tôi không hề lo lắng về khả năng nhảy múa của mình, dì tôi lúc nhỏ sống ở Giang Nam thường dạy tôi các điệu múa. Lúc bảy, tám tuổi, tôi nghe nói điệu múa Kinh Hồng vũ của Thuần Nguyên Hoàng hậu mê hoặc chúng sinh, ai nấy xem qua đều thán phục. Tôi tuy nhỏ tuổi nhưng trong lòng có chút háo thắng, đòi cha mời một vũ sư từng đi theo Thuần Nguyên Hoàng hậu trong cung đến truyền dạy điệu múa này. Tôi lại nghiên cứu thêm những sử liệu có liên quan đến Lạc Thần phú và Kinh Hồng vũ của Mai Phi, khổ luyện mười năm liền mới đạt được thành tựu thế này. Chỉ có điều, chuyện duy nhất khiến tôi khó xử là Kinh Hồng vũ vốn do Thuần Nguyên Hoàng hậu sáng tạo ra, động tác, tư thế đều mô phỏng theo Hoàng hậu, tôi phải làm thế nào để vừa mô phỏng vừa có được phong cách của riêng mình, thế mới tránh bị người khác bắt được điểm yếu là bất kính với cố Hoàng hậu. Chỉ trong chốc lát mà phải nhảy múa sao cho ra điểm mới lạ, đúng là khó khăn thật, điều này khiến tôi phải đau đầu suy nghĩ hồi lâu. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng sáo trong trẻo, cao vút, uyển chuyển, lưu loát như sóng biếc dập dờn, mây nhẹ rời núi. Tôi xoay tròn một vòng thì thấy Thanh Hà vương đứng ở giữa điện, cây sáo tía đặt trên môi, y khoan thai cất tiếng thổi, giữa những cánh hoa mỏng manh, tím biếc đầy trời, vạt áo trắng muốt của y khẽ tung bay như bị gió thổi. Vài tiếng sáo vang lên, khúc nhạc đã thoát khỏi giai điệu bình thường của Kinh Hồng vũ, tựa như biển biếc, sóng dâng, hoa ngọc hé nở, giai điệu cao hơn hai nhịp càng thêm phần thong thả, thiết tha. My Trang nhanh trí, giai điệu vừa thay đổi đã lập tức theo được Thanh Hà vương, Lăng Dung cũng đổi sang một khúc hát khác. Trong lòng thả lỏng, tôi cảm thấy vô cùng cao hứng. Khúc sáo của Thanh Hà vương đã giúp tôi thoát khỏi khuôn mẫu từng được học, cuốn tay áo phất ngang giữa không trung, tùy hứng vung vẩy theo ý mình. Những cánh hoa tử la lướt qua mái tóc tôi, rơi trên tay áo rồi theo giai điệu mà biến thành mây thơm ngát. Đang nhảy múa thỏa thích, tôi chợt nghe thấy tiếng đàn của My Trang dần hạ thấp, vài tiếng tạp âm làm loạn, không còn sức để tiếp tục. Tôi vội vã quay đầu nhìn thì thấy My Trang cau mày che miệng, hình như đang muốn nôn ra. Trong lúc gấp rút chẳng kịp nghĩ nhiều, tôi thấy Thanh Hà vương ném cây sáo tía về phía tôi, rồi thuận tay kéo lấy chiếc đàn Trường tương tư, ngồi phịch xuống đất, bắt đầu gảy. My Trang được cung nữ vội vàng đỡ xuống nghỉ ngơi. Tôi vừa đón lấy cây sáo tía, trong lòng lập tức nghĩ ra ngay một kế. Năm xưa, Mai Phi Giang Thái Bình may mắn gặp được Đường Huyền Tông, bởi nàng ta tinh thông thi văn, lại am hiểu âm luật, thêm tài ca vũ hiếm có nên được Huyền Tông vô cùng yêu thương. Mai Phi từng "thổi sáo bạch ngọc, nhảy Kinh Hồng vũ, hào quang chói lọi", được Huyền Tông gọi đùa là "Mai Tinh". Giờ tôi cầm sáo lại cất bước nhảy múa, đương nhiên không thể đánh đồng với tư thái nhẹ bẫng của Thuần Nguyên Hoàng hậu. Thế thì chẳng ai có thể gièm pha là tôi có ý bất kính, vượt quyền được nữa. Huống hồ Kinh Hồng vũ vốn xuất phát từ Mai Phi, không thể tính là lạc đề. Nghĩ đến đó, tôi để sáo ngang miệng, hai chân xoay tròn càng lúc càng nhanh, đến lúc vạt váy tung bay như hoa lựu tỏa sáng chói lọi, tiếng ngọc bội leng keng như nước chảy, những người xung quanh biến thành một vòng trắng toát nhưng hơi thở vẫn không gấp loạn. Khúc nhạc vang lên du dương, dập dìu. Trong lúc xoay tròn, tôi nghe thấy có tiếng tiêu đuổi theo tiếng sáo, nghe rất quen tai, biết ngay là do Huyền Lăng thổi, trong lòng tôi càng thêm hưng phấn. Đưa mắt liếc nhìn, tôi thấy y đang nhìn tôi đầy âu yếm, vẻ mặt hệt như lúc vừa gặp nhau ngày đó. Trong lòng tôi cảm thấy ấm áp, không còn canh cánh chuyện xảy ra ở Thủy Lục Nam Huân điện nữa. Sáo tiêu hòa quyện, tiếng đàn ngân nga, tiếng hát uyển chuyển rồi dần thấp xuống. Cơ thể như liễu mềm trước gió từ từ hạ mình rồi theo dư âm du dương, vấn vít mà xoay lại vị trí cũ. Tấm sa mỏng thướt tha quấn quanh cánh tay và eo lưng từ từ trải ra, tạo thành một đóa hoa đỏ rực, diễm lệ, nở rộ trên sàn điện trắng toát. Tôi lúng liếng đưa mắt nhìn về phía Huyền Lăng đang tiến lại gần, y đưa tay về phía tôi, ôm tôi vào lòng, nói khẽ vào tai tôi: "Nàng còn bao nhiêu bất ngờ mà trẫm chưa được biết nữa đây?" Tôi cúi đầu, mỉm cười duyên dáng. "Chút tài năng thấp kém chỉ đủ để Hoàng thượng nở nụ cười mà thôi!" Quay người lại, tôi thấy Tào Tiệp dư hơi biến sắc mặt, nhưng nàng ta nhanh chóng đứng dậy, mỉm cười, nói với Huyền Lăng: "Hoàng thượng thấy thần thiếp nói có đúng không? Muội muội quả nhiên thông minh, có thể múa điệu múa mà người bình thường không sao múa nổi, đúng là không thua gì cố Hoàng hậu lúc còn sống." Chưa dứt lời, Hoàng hậu đã nửa cười nửa không nhìn sang Tào Tiệp dư, nói: "Tại sao hôm nay Tào Tiệp dư cứ nhắc đi nhắc lại điệu múa Kinh Hồng vũ của cố Hoàng hậu vậy? Bản cung nhớ lúc cố Hoàng hậu múa điệu này, đến Hoa Phi vẫn còn chưa nhập cung, nói gì đến Tiệp dư nhà ngươi? Sao Tiệp dư biết được phong thái của cố Hoàng hậu kia chứ? Sao có thể lấy bài múa của Chân Uyển nghi ra so sánh được?" Tào Tiệp dư thấy giọng nói của Hoàng hậu có vẻ không vui, khác hẳn lúc bình thường, bèn mỉm cười ngượng ngập, thưa: "Thần thiếp lỗ mãng rồi! Thần thiếp chỉ từng nghe nói chứ không thể chứng kiến phong thái khi múa của cố Hoàng hậu, đó là nỗi tiếc nuối lớn nhất của thần thiếp." Huyền Lăng hơi cau mày nhìn về phía Tào Tiệp dư, chẳng thèm để ý đến nàng ta, chỉ dịu giọng hỏi tôi: "Múa lâu như vậy, nàng đã mệt chưa?" Tôi nhìn y, mỉm cười, thưa: "Thần thiếp không mệt. Thần thiếp chưa từng được nhìn thấy phong thái tuyệt diệu của cố Hoàng hậu khi múa Kinh Hồng vũ mà thần thiếp múa hôm nay là mô phỏng theo điệu múa cũ của Mai Phi, ánh đom đóm lập lòe sao có thể sánh được với ánh trăng sáng rỡ của cố Hoàng hậu kia chứ?" Huyền Lăng phá lên cười, buông tay tôi ra rồi quay sang Thanh Hà vương. "Lục đệ, đệ đến trễ, phải phạt ba chung rượu mới được!" Huyền Thanh nhấc chung rượu lên, cười, thưa: "Thần đệ đã thổi sáo giúp các tân tẩu tẩu nhảy múa, hát ca cho thêm phần hứng thú, dù gì hoàng huynh cũng nên nể mặt các tân tẩu tẩu mà tha cho, đừng trách phạt thần đệ mới phải!" Nói xong, y uống cạn một chung rượu. Huyền Lăng nói: "Tiếng sáo Trường tương thủ thù nhất định phải phối với tiếng đàn Trường tương tư thì mới có thể đạt đến mức tinh diệu vô song." Nói xong, y chỉ sang tôi và My Trang, nói: "Đây là Uyển nghi Chân thị, Dung hoa Thẩm thị" rồi lại quay sang Lăng Dung, hỏi: "Người ca hát là..."

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện