Chương 29: Tiến lui
Tuy rằng so với trong cung, Viên Minh Viên trong lành hơn nhưng vào mùa đông ở đây cực lạnh, ngày hè cực nóng, sau khi Như Ý ngủ trưa tỉnh dậy thì cùng chơi đùa với Vĩnh Cơ và Cảnh Hủy rồi cùng Dung Bội đến Phương Bích Tùng của Hoàng đế.
Tháng 7 là tháng nóng nhất trong cung, tâm tính Hoàng đế không chịu được nóng, theo quy củ thì hắn sẽ đến nghỉ hè ở sơn trang Thừa Đức hoặc là đi Mộc Lan săn thú nhưng không biết vì sao đã nhiều ngày trôi qua, hắn chỉ ở lại Thư phòng và hàng đêm lại không thị tẩm tần phi. Trong lòng Như Ý xuất hiện nghi hoặc cho nên muốn đến xem thử thế nào. Liễn kiệu Như Ý vừa hạ xuống thì đã thấy Kim Ngọc Nghiên và Tứ a ca Vĩnh Thành đi ra từ chính điện Phương Bích Tùng, khuôn mặt của hai mẹ con Ngọc Nghiên chứa đầy hoan hỉ kiêu ngạo.
Như Ý ngồi trong liễn kiệu, vốn đã thấy oi bức không chịu nổi, giờ đây lại thấy Ngọc Nghiên đắc ý, trong lòng càng thêm không vui. Lý Ngọc thông minh, vội đỡ tay Như Ý thấp giọng nói: "Hoàng hậu nương nương, đã nhiều ngày Hoàng thượng không chiêu hạnh tần phi, Gia quý phi liền lấy cớ nắng nóng khó đi, lại sợ Tứ a ca bị cảm nắng cho nên mỗi khi đến gặp Hoàng thượng thì đều mang theo Tứ a ca"
Như Ý nhẹ nhàng mỉm cười: "Nàng ta thật thông minh! Tìm đủ mọi cách để gặp Hoàng thượng!"
Lý Ngọc cung kính nói: 'Đó là bởi vì Gia quý phi không so được với Hoàng hậu nương nương mà có thể bất cứ lúc nào cũng đều gặp được Hoàng thượng. Thân phận khác biệt thì tất nhiên làm việc cũng khác biệt"
Như Ý cười trừ, đưa mắt nhìn dung nhan Ngọc Nghiên, tuy rằng Ngọc Nghiên đã qua 40 tuổi nhưng lại không mảy may lộ chút nhan sắc vào tuổi xế chiều. Cho dù nàng không thích Ngọc Nghiên nhưng trong lòng cũng không khỏi thán phục, khuôn mặt diễm trang này của Ngọc Nghiên không có chút nào khác biệt so với cái năm tháng mới bước vào Vương phủ, tao nhã như hoa lăng tiêu đang nở rộ, dường như ngay cả năm tháng cũng đối đãi với Ngọc Nghiên có chút phá lệ, chưa từng làm cho nàng ta mất đi cái dung sắc đẹp đẽ nhất.
Như Ý bất giác cảm khái: "Khó trách mấy năm nay Hoàng thượng luôn sủng ái nàng ta, hóa ra cũng có đạo lý"
Dung Bội cười nhẹ nói: "Gia quý phi rất chú tâm vào việc tu dưỡng nhan sắc, nghe nói hằng ngày nàng ta lấy nhân sâm nấu nước để tắm rửa ngâm mình, lại dùng thứ này để tẩy mặt cho nên toàn thân mới trắng nõn, dung nhan mỹ lệ như vậy. Dù sao nhà mẹ đẻ Lý triều của nàng ta đều có nhiều thứ này"
Như Ý cười nói: 'Qủa nhiên có tác dụng, đúng là nàng ta có nhiều kiên nhẫn"
Dung Bội đỡ tay Như Ý chậm rãi bước lên bậc thang. Trước điện đều dùng loại gạch Mặc Ngọc thượng hạng để lót, lúc này đây lại bị ánh mặt trời chiếu rọi xuống nền gạch rồi lại phản chiếu trắng xóa chói mắt, càng thêm cảm giác nóng bức không chịu nổi. Ngọc Nghiên thấy Như Ý đi tới, liền nắm tay Vĩnh Thành thi lễ. Như Ý cũng khách khí: "Thời tiết nóng như vậy mà Vĩnh Thành còn đến trước mặt Hoàng thượng làm bạn, quả nhiên Hoàng thượng coi trọng Vĩnh Thành"
Ngọc Nghiên thấy con trai được yêu thích, cũng lộ vài phần đắc ý ra ngoài: "Hoàng hậu nương nương nói đúng. Hoàng thượng có nói Vĩnh Thành đã trưởng thành, bây giờ Đại a ca và Nhị a ca không còn ở đây, Tam a ca lại tầm thường cho nên có rất nhiều chuyện chỉ muốn cùng Vĩnh Thành thương lượng. Chỉ cần có tài cán mà phân ưu cùng Hoàng thượng thì cho dù ông trời có làm khó mẫu tử chúng thần thiếp thì có xá gì cơ chứ?"
Như Ý nghe được những lời này mà không để vào tai, lập tức cũng không muốn so đo, ở đây có nhiều người, tất nhiên sẽ có người đem những lời này truyền đến mẹ đẻ của Vĩnh Chương là Thuần quý phi Lục Quân nghe thấy. Nàng thấy Vĩnh Thành đã trưởng thành, cái anh khí thiếu niên bừng bừng, đôi mắt lại mang đầy vẻ đắc ý như mẫu thân của hắn cho nên nàng liền cười nói: "Vĩnh Thành, Hoàng a mã coi trọng con như thế thì con cần phải dụng tâm thêm nữa, có cái gì không hiểu thì cứ hỏi sư phó, chắc chắn sư phí cũng sẽ chỉ điểm cho con"
Vĩnh Thành vẫn còn tâm tính trẻ tuổi cho nên cũng không che giấu điều gì, liền nói: "Bẩm Hoàng ngạch nương, Hoàng a mã có hỏi nhi thần nhưng sư phó thư phòng cũng không chỉ điểm được"
Như Ý ngạc nhiên nói: "Vậy sao? Bổn cung nghe nói mấy ngày gần đây Hoàng thượng bận rộn chính sự, cùng với các đại thần thương nghị, hóa ra cũng nói cho con nghe. Qủa nhiên, những người nữ tắc như chúng ta đây đều tai điếc mắt mù, chuyện gì cũng đều không biết"
Trong mắt thiếu niên kia lóng lánh sáng sủa vui mừng: "Dạ. Mấy ngày nay Hoàng a mã đang phiền não chuyện nước ở sông ngòi phía Nam dâng cao"
Như Ý có nghe thấy chuyện này cho nên liền nói: "Trong kinh thì nóng nhưng ở phương Nam lại mưa dầm liên miên. Nghe nói mực nước ở hồ Hồng Trạch ở mức báo động mà đã tràn qua bờ, hai kênh đào Thiệu Bá đã bị vỡ"
Vĩnh Thành liền đáp: "Hoàng a mã đã lệnh cho Hình bộ thượng thư Lưu Thống Huân, Binh bộ thượng thư Thư Hách Đức cùng Thự Hà thần sách đi đến đó đốc công chống lại lũ lụt và điều tra việc này. Còn lại dùng lương thực ở Giang Tây, Hồ Bắc mười vạn tấn đến hỗ trợ thiên tai Giang Nam, về chuyện lương thực này đều giao cho nhi thần đảm nhiệm, lại cho Ngũ đệ đi theo để học hỏi"
Hắn nói đến câu cuối cùng, trên môi đã có cái vênh váo tự sắc, dường như Vĩnh Kỳ cũng chỉ là tùy tùng nhỏ nhoi của hắn. Ngọc Nghiên thấy con mình như vậy cho nên khuôn mặt vui mừng không thôi, còn lấy khăn tay lau mồ hôi cho hắn, trong miệng dường như oán trách nhưng lại mỉm cười sâu xa: "Được rồi. Hoàng a mã con cho con đi làm công đạo, con hãy làm cho tốt, cũng đừng quên dẫn theo Ngũ đệ của con. Nghe nói chuyện trị thủy này là do Cao Bân đang phụ trách, hắn là a mã của Tuệ Hiền Hoàng quý phi và cũng là đại thần lớn tuổi, hóa ra lại còn vô dụng như vậy!"
Cái tươi cười của Như Ý cũng dần nhạt xuống mà nhìn chằm chằm vào Vĩnh Thành nói: "Đều là huynh đệ của nhau thì hãy giúp đỡ lẫn nhau. Huynh hữu đệ cung*, tất nhiên Hoàng thượng sẽ thấy vui lắm"
[* Huynh hữu đệ cung nghĩa là: Anh em hoà mục thân ái tôn kính lẫn nhau]
Vĩnh Thành bị nàng nhìn chằm chằm cho nên có chút không tự nhiên, chỉ phải cúi đầu đáp: "Dạ"
Ngọc Nghiên đang cao hứng thì sao có thể nghe giảng đạo như vậy nhưng nàng lại không dám thể diện ra ngoài mà chỉ phải vỗ về bả vai Vĩnh Thành nói: "Vĩnh Thành, cả đời này của ngạch nương có 3 điều mà ngạch nương cảm thấy đắc ý nhất: Thứ nhất là được lấy thân phận tôn thất vương nữ Lý triều mà gả cho thượng quốc; hai là được Hoàng a mã con sủng hạnh, ân ái nhiều năm; ba là sinh được các huynh đệ con, ai ai cũng là con trai". Sóng mắt quyến rũ của nàng đảo qua đảo lại, tựa như cười mà không cười mà liếc mắt qua Như Ý một cái rồi nhìn Vĩnh Thành nói: "Có đôi khi ngạch nương cũng muốn sinh được một đứa con gái nhưng suy nghĩ lại, con gái thì có ích lợi gì chứ? Cho dù có thông thạo thi văn thì cũng không thể kiến cơ lập nghiệp, thông thạo võ thuật thì cũng không thể bước ra chiến trường, rốt cuộc cũng trở thành người vô dụng, ngay cả Đoan Thục trưởng công chúa cũng bị gả xa như vậy, rồi còn lại pha trộn vào đám mọi rợ, thật sự là..."
Bàn tay trắng mịn của nàng chạm vào cái miệng, thân thể lại nũng nịu nói: "Ai gia! Hoàng hậu nương nương, thần thiếp lỡ lời, thần thiếp không có ý nói Hoàng hậu nương nương sinh hạ được công chúa là điều không tốt đâu. Trai gái đầy đủ, ở cái tuổi tác cao như vậy mà lại có được một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ, quả nhiên là phúc khí khó có được".
Dung Bội nghe nàng nói như vậy, cảm thấy không chịu nổi mà nhíu mày, nàng đang muốn nói lại thì Như Ý đã âm thầm đè tay nàng lại mà chỉ cười nói thản nhiên: "Năm tháng sẽ không buông tha cho bất cứ ai, nghĩ đến Gia quý phi lại hơn bổn cung mấy tuổi cho nên nhất định sẽ có cảm xúc như vậy". Nàng mỉm cười điềm đạm thong dong: "Xuất thân Lý triều như vậy thì cũng thật tốt, nghe nói Lý triều thừa thãi nhân sâm, hằng năm đều đưa đến cho Gia quý phi rất nhiều, nghe nói Gia quý phi thường dùng nhân sâm để tắm rửa rửa mặt cho nên dung nhan mới bóng loáng như vậy, có thể thấy được Lý triều có được vật tốt người đẹp"
Ngọc Nghiên càng lúc càng đắc ý, cười dài nói: "Kỳ thật những thứ này có gì tốt đâu chứ, chỉ cần vài vị A ca của thần thiếp không chịu thua kém ai mà có được ân huệ tương lai thì đó mới là điều tốt"
Như Ý âm thầm bật cười nhưng lại không mảy may để lộ: "Cũng đúng, chỉ là Gia quý phi và nhà mẹ đẻ Lý triều cũng thật là keo kiệt, nhân sâm tốt như vậy mà không cho tỷ muội trong cung cùng dùng thì thôi đi, mà ngay cả Thái hậu cũng không ban tặng. Cái chi đạo làm thiếp thất đó, chẳng lẽ Lý triều không có dạy dỗ Gia quý phi sao?"
Ngọc Nghiên có chút không phục nói: "Không chỉ có thần thiếp mà ngay cả Thái hậu, hằng năm Lý triều cũng đều tiến phụng nhân sâm đầy đủ"
Dung Bội nhẹ nhàng "A" lên một tiếng, cung kính nói: "Gia quý phi nương nương đối với Thái hậu đúng là có tâm, Lý triều cũng có kính cẩn. Chỉ là cái hiếu tâm này đối với Thái hậu vẫn còn chưa đủ, Gia quý phi nương nương nghĩ kỹ xem, nhân sâm tiến phụng cho Thái hậu hằng năm nhưng sao vẫn không đủ cho Thái hậu tắm rữa bảo dưỡng vậy? Chậc chậc... Đúng là..."
Khuôn mặt Ngọc Nghiên vừa trắng bệch vừa ửng đỏ, nàng đang muốn biện bạch thì Như Ý ôn nhiên mỉm cười, nói: "Dung Bội, tất nhiên không phải Gia quý phi và Lý triều keo kiệt đâu mà là do Thái hậu tiết kiệm, không thích xa hoa lãng phí mà thôi. Phật gia có viết đời người ở thế gian này cũng chỉ là một cái túi da mà thôi. Yên ghét sân si hỉ nộ ái ố đều nên tiết chế lại, không nên rơi vào trong cái tham hoan hỉ giận dữ ác nộ mê muội".
Nàng nhìn Vĩnh Thành nói: "Vĩnh Thành, Hoàng a ma thích con, coi trọng con, xem con là trữ vị Hoàng tử là tấm gương mẫu cho nên con càng không được để lộ thần sắc khinh cuồng, hỉ nộ mà khiến bọn nô tài chê cười"
Vĩnh Thành nghe thấy Như Ý trịnh trọng dạy bảo như vậy, liền thu cái đắc ý lại mà cúi đầu đồng ý.
Dung Bội cười nói: "Nếu Tứ a ca có gì không biết thì cứ việc thỉnh giáo Hoàng hậu nương nương, nương nương là mẹ cả của Tứ a ca, lại cùng Hoàng thượng nhất tâm, tất nhiên sẽ hơn những người không biết lý lẽ mà dạy hư Tứ a ca rồi lại khiến Hoàng thượng mất hứng với A ca"
Sắc mặt Ngọc Nghiên xanh mét nhưng lại không biết nên nói cái gì cho nên chỉ nắm tay Vĩnh Thành mà thi lễ cáo lui đi về. Như Ý nhìn thần sắc của Ngọc Nghiên, bất giác thấp giọng cười nói: "Dung Bội, miệng của ngươi hư lắm rồi đó"
Dung Bội có chút ngượng ngùng nhưng lại nói thẳng: "Đối với người có tâm xấu thì miệng nô tỳ mới hư. Nương nương xem, nô tỳ có bao giờ nói chuyện như vậy với Du phi nương nương và Thư phi nương nương chưa?"
Như Ý mỉm cười rồi liền bước vào điện.
Trong thư phòng Phương Bích Thùng cực kỳ im lặng. Để cho Hoàng đế cảm thấy yên tĩnh trong nhiều ngày thì đám cung nhân đã sớm lấy đi mấy cái chuông gió ở ngoài lành lang, bọn họ chỉ sợ gây ra một tiếng nói thầm mà khiến Hoàng đế chú ý thì sẽ rước lấy đại họa Di Thiên, trong điện tuy có quạt gió nhưng vẫn còn hai cung nữ đứng ở bên cạnh Hoàng đế mà cầm quạt hầu hạ, ngay cả một tiếng hít thở nặng nề, bọn họ cũng không dám để lộ ra ngoài.
Như Ý thấy Hoàng đế đang ngồi viết chữ ở bên chiếc bàn, liền bảo Lăng Chi để hộp đồ ăn xuống rồi cho Lăng Chi và Dung Bội cùng nhau lui ra ngoài. Như Ý hành lễ, Hoàng đế lấy tay đỡ nàng đứng dậy rồi nói: "Trời đang nóng như vậy, Hoàng hậu vẫn còn đang ở cữ mà lại đến đây như vậy, cẩn thận kẻo bị cảm nắng"
Như Ý nghe giọng nói rầu rĩ của hắn mà nàng cứ nghĩ là đang ưu phiền chuyện quốc sự cho nên nàng cũng không dám nhiều lời mà đứng ở bên cạnh mài mực cho Hoàng đế. Hoàng đế viết tấu chương xong cũng rất nhanh, xoa xoa huyệt thái dương rồi quay đầu lệnh cho thái giám hầu hạ ở bên cạnh lui xuống: "Nàng tới đúng lúc lắm, trẫm đã bận rộn cả ngày rồi cho nên đang muốn cùng nàng nói chuyện"
Như Ý cười nói: "Thần thiếp còn sợ quấy rầy Hoàng thượng, khiến Hoàng thượng phiền não nữa chứ"
Hoàng đế mỉm cười: "Sao có chuyện đó chứ? Trẫm chỉ cần nghĩ đến Cảnh Hủy của chúng ta thì trong lòng liền thấy hoan hỉ, sao lại thấy phiền não được chứ?"
Như Ý châm nước trà thêm cho Hoàng đế nói: "Hoàng thượng uống trà để nhuận hầu đi ạ"
Hoàng đế uống ngụm trà rồi nói: "Trẫm ngẫu nhiên có nghe thấy vài lời đồn đãi trong cung, nói Thư phi tùy hứng phóng hỏa đốt cung là vì cùng Hoàng hậu thân cận, cho nên mới được Hoàng hậu dung túng như vậy"
Như Ý thấy Hoàng đế chỉ nói vui đùa lơ đãng, thần sắc cũng không nghiêm túc lắm nhưng sau lưng nàng liền chợt lạnh, phảng phất như chiếc quạt gió thổi miếng băng xuyên thấu vào y phục của nàng. Những ngày gần đây Hoàng đế không chiêu hạnh thị tẩm tần phi cũng bởi vì buồn chán chuyện Ý Hoan tự thiêu, với lại hắn cũng bận rộn chính sự cho nên nếu nói lời đồn đãi trong cung truyền ra thì cũng chỉ có Kim Ngọc Nghiên nói với hắn mà thôi. Trong lòng Như Ý thầm oán hận Ngọc Nghiện, bất giác cắn chặt hàm răng, lại không đùa cợt lại với Hoàng đế cho nên nàng liền quỳ xuống nói: "Hoàng thượng nói như vậy, tuy rằng chỉ là đùa vui một câu nhưng thật thần thiếp không dám nghe. Không biết ai ở chốn hậu cung đã nói những điều đó, ai đã không để cái thiên uy Hoàng thượng vào trong mắt mà dám nói bậy tùy ý như vậy, thật sự là do thần thiếp quản giáo hậu cung không nghiêm"
Hoàng đế tươi cười: "À, Lời này sao lại không đem thiên uy của trẫm để vào trong mắt chứ?"
Như Ý cúi đầu cẩn thận nói: "Trong cung Thư phi bị cháy, trên dưới hậu cung đều biết là nàng ấy nghĩ đến Thập a ca mà thương tâm quá mức cho nên mới nhất thời vô ý để cây nến sai chỗ mà gây nên hỏa hoạn, rốt cuộc cũng khiến thân mình bị tổn hại. Vậy ai lại dám nói bậy Thư phi tự thiêu chứ? Phi tần tự sát vốn là tội lớn, huống chi tuy là thiêu cung nhưng rõ ràng là thiêu cháy chính mình. Nếu lời nói huyên thuyên này mà truyền ra ngoài thì người ngoài cứ nghĩ hậu cung của Hoàng thượng lại bức tử người khác"
Như Ý nói đến chỗ này, liền ngẩng đầu lên nhìn vào đôi mắt Hoàng đế, nàng thấy hắn đang trầm mặc, trong mắt lại có vài phần lạnh buốt thấu xương. Nàng cúi mặt xuống, tự trách nói: "Huống chi tuy rằng thần thiếp yêu thích Thư phi nhưng cũng biết cái đúng mực, nói chuyện không đắc tội người khác. Nếu như luận về chuyện thần thiếp cùng Thư phi thân thiết thì sao có thể so được với cái sủng ái quan tâm mà Hoàng thượng dành cho Thư phi nhiều năm chứ? Cho nên những lời mà Hoàng thương nghe được là muốn ám chỉ thần thiếp dung túng Thư phi hay là muốn ám chỉ Hoàng thượng sủng ái Thư phi cho nên mới kiêu căng gây ra họa đốt cung như vậy chứ? Lời nói bất kính mạo phạm Hoàng thượng như vậy thì sao thần thiếp dám để vào tai?"
Hoàng đế im lặng một lát, dường như là đang nhìn kỹ Như Ý nhưng hắn lại thấy thần sắc nàng bình tĩnh, lại không chút có ý nghĩ mượn cớ che đậy cho nên cái hàn băng trong mắt hắn cũng dần trở nên an hòa mà mỉm cười lấy tay đỡ Như Ý đứng dậy nói: "Hoàng hậu nói có tình có lý lắm. Chỉ là trẫm cũng chỉ nghe một câu đồn đãi thôi mà"
Như Ý quỳ gối rất lâu cho nên đầu gối đau như bị kiến cắn, từng đợt đau nhức ngứa ngáy, nàng dựa vào cánh tay Hoàng đế đứng dậy mà vừa mỉm cười vừa nghiêm nghị nói: "Hoàng thượng nói phải. Chỉ là Hoàng thượng có thể đem những lời đó để nói chuyện, thật sự thần thiếp không dám trả lời. Tuy rằng Thư phi đã chết nhưng rốt cuộc cũng là tình cảm tỷ muội hậu cung. Thi cốt nàng ấy chưa lạnh mà Hoàng thượng và thần thiếp vì bình ổn đám nô tài phỏng đoán lung tung, lại còn nói trong cung Thư phi bị cháy là ngoài ý muốn thì vì sao bọn họ lại còn hoa mắt ù tai mà nói ra những điều đó chứ? Thần thiếp nghĩ đến mà cảm thấy sợ hãi, có thể nói ra những lời hồ đồ như vậy, không chỉ làm ô ếu cái tình cảm hầu hạ của Hoàng thượng mà còn xem nhẹ lời dặn dò của Hoàng thượng và thần thiếp".
Nàng nhìn vào thần sắc Hoàng đế, chợt nói như thường: "Thần thiếp nghĩ những lời nói vô tâm như vậy thì chỉ đám nô tài hầu hạ hồ đồ nói ra mà thôi, chắc chắn sẽ không phải do tần phi hậu cung truyền ra. Khi nào thần thiếp trở về thì nhất định sẽ sai người điều tra cho rõ, xem thử đầu lưỡi của ai mà không an phận như vậy, thần thiếp nhất định sẽ trừng trị thích đáng"
Thần sắc Như Ý xưa nay luôn thanh lãnh, cho dù có cười thì cũng có vài phần lạnh lùng. Giờ phút này đây, ngoài cửa sổ có cánh hoa nở rộ mà che mất ánh nắng chiếu vào cho nên bây giờ khuôn mặt nàng hơi tái nhợt, càng làm cho màu da của nàng như sương hoa gợn sóng. Sắc mặt Hoàng đế hơi trầm xuống rồi cũng cười vui lại rất nhanh và vỗ về đôi tay Như Ý, thần sắc hắn hòa nhã: "Có Hoàng hậu ở đây, tất nhiên trẫm yên tâm rồi"
Như Ý mỉm cười, dường như Hoàng đế đang thân mật khăng khít nhưng chỉ có chính nàng biết, nhất định mới vừa rồi Hoàng đế tin vào lời nói của Kim Ngọc Nghiên cho nên mới muốn thử nàng, lại khiến nàng đổ đầy mồ hôi lạnh mà đứng ngồi không yên như vậy. Qủa nhiên bước đi từng bước không dễ dàng gì nhưng mà nàng cũng không được sợ hãi, Vĩnh Thành càng ngày càng được Hoàng đế coi trọng, chung quy hắn là vị Hoàng tử lớn tuổi, Vĩnh Cơ vẫn còn nhỏ mà không biết chuyện gì, xuất thân Vĩnh Kỳ không bằng Vĩnh Thành cho nên tạm thời mới giấu tài như vậy. Mẹ nhờ con quý, từng tiếng nói cử động của Kim Ngọc Nghiên càng ngày càng có phân lượng trong lòng Hoàng đế, Như Ý đã từng bước đi lên ngôi vị Hoàng hậu từ chức quý phi, Hoàng quý phi thì sao nàng có thể không để ý cơ chứ? Nghĩ đến điều này, Như Ý âm thầm siết chặt chiếc khăn tay trong tay, nàng cố gắng dùng lực nắm thật chặt mà không để lộ tâm tư ra ngoài, cố gắng thể hiện cái mỉm cười ôn nhu như thường.
Trong điện bị đóng kín quá lâu cho nên có đôi chút ngột ngạt, Như Ý lấy tay đẩy cánh cửa sổ ra, ngẫu nhiên có cơn gió lạnh từ từ thổi vào. Như Ý lấy vài miếng bạch hà bỏ vào lư hương Thanh Đồng đội đầu Kỳ Lân, mùi hương kia ngọt ngào mà mát mẻ, khiến cho tình thần cũng thanh tỉnh rất nhiều. Rồi nàng lại đến mở chiếc hộp đồ ăn lấy ra một chén canh hạt sen bách hợp đậu đỏ ra rồi cười nói: "Lúc nãy vẫn còn đá lạnh, chỉ sợ uống vào làm dạ dày bị tổn thương. Bây giờ đá lạnh đã tan, rất thích hợp để uống"
Hoàng đế liếc mắt nhìn chén canh rồi nhìn Như Ý cười nói: "Hồng đậu sinh Nam quốc, thử vật tối tương tư*. Hoàng hậu có tâm"
Như Ý nhẹ nhàng cười nói: 'Trăm năm hòa hảo, hạt sen thông tâm, sao Hoàng thượng lại chỉ nhìn thấy đậu đỏ cơ chứ?"
[* Hồng đậu sinh Nam quốc, thử vật tối tương tư là hai câu thơ trong bài Tương Tư của nhà thơ Vương Duy – một nhà thơ thời Đường, ông được mệnh danh là Thi Phật vì các bài thơ của ông thường mang tư tưởng Phật giáo. Bài thơ đó đầy đủ như sau:
Hồng đậu sinh Nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư).
Lược nghĩa:
Đậu đỏ sinh ở phương nam,
Mùa xuân đến, nẩy bao nhiêu cành.
Xin chàng hãy hái cho nhiều,
Vật ấy rất gợi tình tương tư.
Hồng đậu có hột hình tròn, màu sắc tươi hồng, hình dạng đáng yêu, thường làm trang sức trên mái tóc phụ nữ. Người xưa lấy cây này biểu tượng cho tình yêu nên mới có tên là cây "tương tư". Câu chuyện được lấy từ điển tích: ngày xưa, giặc giã triền miên, đi lính rất nhiều, một đi không trở lại. Có người thiếu phụ nhớ thương chồng chinh chiến xa xôi, than khóc khôn nguôi dưới tàng cây, đổ cả huyết lệ. Huyết lệ tưới cho cây đậu sinh ở chỗ đấy, cho nên hạt đậu nảy ra đều có màu đỏ, được gọi là hồng đậu. Vì lẽ đó, loại đậu này gọi là đậu tương tư, ám chỉ cho những lương duyên xa cách]
Hoàng đế uống một ngụm, nhắm mắt thưởng thức nói: "Dùng nước sương buổi sớm trên hoa sen để nấu canh cho nên mùi vị trong veo. Chén canh ngọt ngào như vậy, đúng là Hoàng hậu dụng tâm"
Như Ý cười si ngốc giống như đang nhìn thấy một phu quân đang khen ngợi thê tử, nàng dịu dàng thỏa mãn nói: "Thần thiếp dụng tâm, bất quá cũng chỉ là khéo léo mà thôi, không thể bằng Vĩnh Thành và Vĩnh Kỳ cùng phân ưu cùng với Hoàng thượng"
Hoàng đế nói: "Vừa rồi nàng đã gặp Gia quý phi và Vĩnh Thành sao?"
Như Ý xoa bả vai Hoàng đế, nhẹ nhàng nói: "Gia quý phi có cách dạy con, không chỉ có Vĩnh Thành mà về sau Vĩnh Tuyền và Vĩnh Tinh cũng có thể học được cái bộ dáng của ca ca của mình"
Hoàng đế đối với Vĩnh Thành có chút khen ngợi: 'Tuy rằng Gia quý phi mạnh mẽ, có chút lỗ mãng nhưng Vĩnh Thành lại tài giỏi như vậy. Chuyện lần trước ở bãi săn Mộc Lan, quả thật trẫm nhìn nó bằng đôi mắt không còn như xưa, so với Vĩnh Kỳ thì nó lại thông minh hiếu thắng hơn. Là bậc nam nhi thì hiếu thắng cũng không phải là chuyện xấu"
Như Ý tiếp lời nói: "Được nhất là huynh hữu đệ cung, không kiêu ngạo
không e ngại mà hướng dẫn cho Ngũ a ca. Cũng là do Du phi xuất thân hàn vi mà không bằng được với Gia quý phi. Khó trách Gia quý phi có cái phân tâm này mà coi trọng tự tay dạy dỗ hài tử như vậy"
Sắc mặt Hoàng đế có vài phần không vui: "Bọn họ là huynh đệ, cho dù Du phi có xuất thân kém hơn một chút, lại hầu hạ trẫm không nhiều nhưng Vĩnh Thành và Vĩnh Kỳ cũng đều là thứ tử mà thôi. Huống chi Vĩnh Kỳ cũng đã từng được Hoàng hậu nuôi dưỡng thì nó vẫn có danh phận nửa đích tử"
"Cái gì là đích tử thứ tử cơ chứ?" Như Ý mỉm cười: "Trong lòng thần thiếp, ai mà có tài cán vì Hoàng thượng mà phân ưu thì mới là đứa con ngoan". Nàng vừa than thở vừa tán thưởng: "Rốt cuộc Vĩnh Thành có thể làm được, Vĩnh Thành tuổi còn nhỏ như vậy mà vẫn vì Hoàng thượng lo lắng chuyện kênh đào, cuối cùng lại làm thỏa đáng hết mọi chuyện. Gia quý phi nói đúng một câu, Cao Bân là lão thành đại thần, vậy mà vẫn không làm được việc gì"
Hoàng đế nhíu mày, có vài phần bất mãn: 'Gia quý phi có nói như vậy sao? Nàng ta là tần phi thì sao có thể bàn luận chuyện chính sự chứ? Nhiều ngày qua nàng ta đưa Vĩnh Thành đến gặp trẫm, chỉ có trẫm và Vĩnh Thành nói chuyện về chuyện trị thủy, trẫm đã lệnh cho nàng ta ở bên ngoài điện chờ đợi. Rốt cuộc Vĩnh Thành lại kể cho ngạch nương của nó nghe!"
Như Ý có chút nơm nớp lo sợ, vội nhìn thoáng qua Hoàng đế, hạ thấp người tạ tội nói: "Hoàng thượng thứ tội, Gia quý phi là mẹ đẻ của Vĩnh Thành, Vĩnh Thành có kể chút chuyện cho ngạch nương của nó nghe thì cũng phải là tội lỗi gì". Khuôn mặt nàng cẩn thận: "Huống chi Hoàng thượng cũng có lúc ngẫu nhiên cùng thần thiếp nhắc tới chính sự, thần thiếp vô tri mà cũng trả lời vài câu, xem ra là thần thiếp ngông cuồng vô lý rồi"
Hoàng đế nén giận thở dài nói: "Như Ý, nàng không biết đâu. Trẫm là Hoàng đế, nàng là Hoàng hậu, trẫm có thể nói ít chuyện chính sự với nàng thì nàng cũng có thể nghe được. Nhưng Vĩnh Thành vừa mới tham gia vào chính sự, trẫm nguyện ý nghe nó giải thích và cũng đã dặn dò với nó rằng thân là Hoàng tử thì phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, không được để người khác biết được tâm tư, ngay cả đối với người thân bên cạnh cũng phải như thế". Hắn lắc đầu: "Không ngờ được mới vừa quay người lại thì nó đã quên lời dặn dò của trẫm"
Như Ý cười làm lành nói: "Vĩnh Thành còn trẻ thì cũng có lúc không cẩn thận"
Hoàng đế nói: "Về điểm này thì Vĩnh Kỳ tốt hơn. Nó nói chuyện không nhiều, trẫm hỏi thì nó mới trả lời, cũng không vọng ngôn. Tuy rằng Cao Bân trị thủy không tốt nhưng dù sao hắn cũng lão thần của trẫm, tốt hay không tốt thì cũng không đến lượt Gia quý phi và Vĩnh Thành xen vào. Xem ra là do trẫm quá mức sủng ái Vĩnh Thành mà làm cho nó đắc chí quá mức rồi"
Như Ý thấy Hoàng đế nổi giận, liền vội vuốt ve lồng ngực hắn, nhẹ nhàng nói: "Hoàng thượng nói rất đúng. Vĩnh Thành nhanh mồm nhanh miệng, đem chuyện xử lý chính sự của Hoàng thượng nói cho thần thiếp và Gia quý phi nghe như vậy, chỉ sợ sau này xuất cung ở trong phủ mà làm lộ tâm tư của Hoàng thượng. Thiên uy sâu xa thì sao có thể để thần hạ có thể tùy ý phóng đoán, huống chi là dễ dàng nói cho người khác biết chứ?"
Thần sắc Hoàng đế càng lúc càng nặng nề, Như Ý cũng không nói gì chỉ là lại múc thêm chén canh đưa đến bên cạnh Hoàng đế. Hai người đang im lặng thì thấy Lý Ngọc bước vào nói: "Hoàng thượng, giờ Thìn 2 khắc hôm nay, con gái của Tổng đốc Na Tô Đồ sẽ được vào cung. Nô tài thỉnh chỉ nên an trí chỗ nào ạ"
Hoàng đế từ từ uống xong chén canh rồi nói: "Có Hoàng hậu ở đây, ngươi hỏi Hoàng hậu đi"
Như Ý suy nghĩ nói: "Thần thiếp không biết Hoàng thượng muốn ban cho nàng ta vị phân là gì, thần thiếp cũng sẽ dựa vào cái thân phận đó mà an bài cho nàng ta"
Hoàng đế trầm ngẫm một lát rồi nói: "Là con gái của Tổng đốc, lại có xuất thân Tương Hoàng kỳ nhưng nàng ta còn trẻ tuổi thì hãy ban chức Tần đi". Ngón tay hắn gõ vào chiếc bàn vài cái rồi cân nhắc nói: "Dùng chữ "Hãn [忻]" để ban phong hào, nghĩa là hân hoan vui sướng chi tình, vì lục cung có thêm một chút không khí vui mừng đi"
Như Ý nói: 'Vậy thần thiếp sẽ đem nhạc viện chỉ cho Hãn tần". Nàng hạ thấp thân người xuống mà vẫn duy trì cái khí độ Hoàng hậu, lại có chút đau xót: "Chúc mừng Hoàng thượng có được giai nhân"
Hoàng đế nhợt nhạt mỉm cười: "Hoàng hậu an bài rất tốt. Lý Ngọc, ngươi hãy đi chuẩn bị đi"
Mấy ngày về sau, Kim Ngọc Nghiên và Vĩnh Thành không còn cùng nhau đi đến Phương Bích Tùng yết kiến Hoàng đế nữa, mỗi khi cầu kiến, Lý Ngọc cũng chỉ khách khí đứng che ở ngoài, tìm cớ từ chối. Ngay cả Vĩnh Thành cũng không còn gặp được Hoàng đế nhiều như trước.
Vào một ngày ngủ trưa mới dậy, Như Ý cảm thấy trên người mệt mỏi, lúc đó Cảnh Hủy đang được Vĩnh Kỳ bế bồng đi chơi, lại nhìn thấy Dung Bội mang một châu hoa từ nhà ấm trồng hoa quay về. Đóa hoa kiều diễm, lại phảng phất có hương thơm cũng khiến cho người ta cảm thấy thoải mái.
Như Ý che miệng biếng nhác ngáp một cái rồi tựa vào chiếc gối mềm nói: "Đêm qua Hoàng thượng ngủ ở nơi của Hãn tần sao?"
Dung Bội nói: "Còn không phải nữa sao ạ? Từ lúc Hoàng thượng gặp được Hãn tần thì cực kỳ yêu thích"
Như Ý lấy một chiếc kéo nhỏ, tùy tay cắt bỏ vài chi tiết dư thừa: "Trước khi Hãn tần tiến cung, Hoàng thượng lại không chút để ý, cuối cùng giờ đây đã tiến cung thì lại trúng ý với Hoàng thượng, khiến Hoàng thượng yêu thích như vậy đúng là duyên phận"
Dung Bội nói: "Duyên phận hay không thì nô tỳ không biết. Hãn tần xinh đẹp trẻ tuổi, bây giờ lại được sủng ái như vậy, trong cung không có ai sánh bằng. Hoàng hậu nương nương nương có muốn lưu tâm để ý không ạ?"
Như Ý chỉnh sửa chậu hoa, thản nhiên nói: "Hãn tần xuất thân cao quý, tính tình lại hoạt bát náo nhiệt, Hoàng thượng sủng ái nàng ta cũng là có tình lý bên trong. Huống chi lúc Mai tần tạ thế, Thư phi tự thiêu, Gia quý phi lại bị Hoàng thượng lạnh nhạt, Thuần quý phi Gia phi, Uyển tần đều không được sủng ái, chỉ có Khánh tần và Dĩnh tần có chút khởi sắc, nếu không nữa thì chỉ còn vài vị phân thấp kém như quý nhân, thường tại, bây giờ trước mặt Hoàng thượng cũng lâu rồi không có người mới"
Dung Bội bĩu môi nói: "Trẻ tuổi xinh đẹp cũng tốt nhưng ai có thể có được cái trẻ tuổi xinh đẹp mãi mãi được chứ? Nô tỳ nghe nói mấy đêm nay Hoàng thượng đều nghỉ ở nơi của Hãn tần và nhạc viện, lại ban thưởng vô số châu báu, nhận được sủng ái cực kỳ"
Như Ý quay sang nhìn vào chiếc gương đồng, chăm chú kỹ lưỡng nhìn vào khuôn mặt mình trong gương, mặc dù mái tóc của nàng, phong tư của nàng vẫn còn giống như năm đó nhưng giờ đây khuôn mặt lại có thêm cái mỉm cười của quốc mẫu, khí trấn hậu cung, đuôi lông mày khóe mắt cũng có vài nếp nhăn. Nàng cũng hiểu được, cái tốt đẹp ngày đó cuối cùng cũng có ngày lụn bại. Nàng theo bản năng lấy ra chiếc hộp phấn lục mai mà Hoàng đế ban tặng cho nàng lúc nàng vừa mới bước ra lãnh cung, nàng muốn lấy một ít phấn che đậy lại vài nếp nhăn dưới khóe mắt, nàng bất giác ảm đạm cười nói: "Tối thị nhân gian lưu bất trụ, Chu nhan từ kính hoa từ thụ*. Có đôi khi nhìn thấy cái dung nhan già nua hôm nay mà vẫn còn si tâm vọng tưởng, tưởng có thể còn được cái thanh xuân, hóa ra ngay cả chính mình không thừa nhận chuyện mình đã già, cũng khó trách Hoàng thượng lại thích người mới".
[* Hai câu này lấy từ trong bài thơ Điệp luyến hoa (Bướm yêu hoa) của Vương Quốc Duy.
"Tối thị nhân gian lưu bất trụ" có nghĩa là nhân gian không giữ lại được nhất.
Chu nhan từ kính: "chu nhan" hay khuôn mặt, ám chỉ con người theo quy luật của tự nhiên mà dần dần già đi, gương kia không thể lưu giữ được thanh xuân, cũng giống như đến mùa xuân thì cây cối đâm chồi nẩy lộc, rồi đến mùa đông thì héo tàn.
"Chu nhan từ kính hoa từ thụ" nghĩa là dung nhan trong kính cũng sẽ giống như hoa mà từ từ sẽ héo đi]
Dung Bội cất cao giọng nói: "Trong chốn hậu cung này, chính thất là chính thất, cho dù thiếp thị xinh đẹp như hoa thì cũng không thể sánh vai cùng với nương nương"
Như Ý hơi gật đầu, bình tĩnh nói: "Cũng đúng. Đã là người thì có ai mà không già được chứ? Hồng nhan thanh xuân và trẻ tuổi cũng như sương mai bình thường thoáng qua thì cần gì phải đau khổ cố chấp. Những thứ này chưa bao giờ nằm trọn trong lòng bàn tay"
Mi mục Dung Bội nghiêm nghị, trầm ngâm nói: "Nương nương nói đúng. Chỉ là Hoàng hậu nương nương vừa mới nhắc đến các tần phi nhưng lại quên còn có một vị Lệnh phi"
Như Ý lạnh lùng nói: "Bổn cung không quên. Tuy rằng lần trước ngươi đi tìm Lệnh phi, ngươi có bẩm báo lại với bổn cung rằng nàng ta đang bị Thái hậu trách phạt vì đã dám xướng Côn Khúc ở trước linh cữu Thập a ca cho nên mới bị Thái hậu phạt quỳ trước linh cữu Thập a ca, ngẫu nhiên lại gặp được Thư phi cho nên cái chết của Thư phi không liên quan đến nàng ta. Nhưng không biết sao trong lòng bổn cung vẫn không thấy thoải mái. Mấy ngày qua, nàng ta đều nhốt mình ở trong cung mà yên lặng cực kỳ". Tâm tư của nàng hơi trầm xuống: "Mấy ngày qua nàng ta viết biểu thỉnh tội dâng lên cho bổn cung rồi lại nhắc đến tình cảm ngày xưa, ngôn từ cũng rất đáng thương"
Dung Bội hừ nhẹ một tiếng nói: "Hồ mị chính là hồ mị, cho dù thỉnh tội thì cũng không thoát được cái tội nghiệt kia! Còn chuyện nàng ta im lặng, ai biết được nàng ta đang suy tính điều gì"
Như Ý ngửi thấy mùi hoa trong veo, trong lòng có chút sung sướng: "Được rồi, không cần để ý đến nàng ta làm gì, cứ mặc nàng ta đi. Mấy ngày nữa Hoàng thượng muốn đến bãi săn Mộc Lan săn thú, bổn cung mới sang tháng tử không lâu, tất nhiên không thể đi theo hầu hạ được rồi, ngươi có biết Hoàng thượng sẽ chọn người nào hầu hạ không?"
Dung Bội nói: "Ngoại trừ Hãn tần đang được sủng ái thì cũng có Dĩnh tần và Khác thường tại. Hoàng thượng có mang theo Tứ a ca và Ngũ a ca thì tất nhiên cũng sẽ mang theo Gia quý phi và Du phi nương nương nữa ạ"
Như Ý nghe được hai chữ "Du phi", cảm thấy hơi ấm áp: "Kỳ thật tuy rằng Hải Lan thất sủng nhưng Hoàng thượng vẫn muốn nói chuyện với muội ấy, cùng muội ấy làm bạn, lại còn có Vĩnh Kỳ không chịu thua kém ai cho nên cũng thấy ổn thỏa, có thể thấy được một cái chi đạo cầu sinh"
Dung Bội hơi nhíu mày nói: "Nương nương nói như vậy thì nô tỳ có một câu đi quá giới hạn nhưng nô tỳ không thể không nói, thỉnh nương nương khoan thứ cho nô tỳ nếu lời nói đó sai trái"
Như Ý nói: "Ngươi cứ nói đi"
Dung Bội nói: "Bây giờ trong các vị Hoàng tử trữ vị của Hoàng thượng thì Đại a ca và Nhị a ca không còn nữa, Tam a ca xem như bị thất bại, Thập nhị a ca của chúng ta tất nhiên sẽ là đích tử nhưng tuổi tác lại còn nhỏ, bây giờ Hoàng thượng lại yêu thích nhất là Tứ a ca. Mấy ngày nay tuy Hoàng thượng có chút bất hòa với Gia quý phi và Tứ a ca thế nhưng Tứ a ca lại cố gắng làm việc, vì Giang Nam mà gom góp lương thực tiền bạc, cố gắng hết sức cho nên Hoàng thượng lại yêu thích trở lại. Nô tỳ suy nghĩ...". Nàng muốn nói nhưng lại thôi, rốt cuộc vẫn nhịn không được nói: "Nô tỳ suy nghĩ Gia quý phi nhất tâm không chịu an phận, lại có nhà mẹ đẻ Lý triều ủng hộ, chỉ sợ Tứ a ca sẽ mưu đoạt ngôi vị Thái tử mà thôi"
Như Ý nhẹ nhàng xua tay: "Cái gì mà chỉ sợ chứ, đây cũng là tâm tư bình thường mà thôi. Năm đó Gia quý phi nhìn chằm chằm vào ngôi vị Hoàng hậu mà không buông tha thì tất nhiên bây giờ phải nhìn vào ngôi vị Thái tử rồi"
Dung Bội nghe Như Ý nói vậy, càng lúc càng lớn gan nói: "Nô tỳ nghĩ, ngoại trừ Tứ a ca thì Hoàng thượng vẫn còn yêu thích Ngũ a ca. Nếu như Hoàng thượng vẫn còn tính toán giữa Tứ a ca và Ngũ a ca thì tất nhiên chúng ta sẽ chọn Ngũ a ca. Nhưng mặc dù Ngũ a ca là người được nương nương nuôi dưỡng nhưng mà thứ cho nô tỳ không biết nặng nhẹ mà nói ra lời này, rốt cuộc Ngũ a ca không phải do nương nương sinh ra thì cái hiếu thuận cũng sẽ không nhiều".
Như Ý thở dài một hơi rồi nói: "Dung Bội, ngoại trừ ngươi ra thì sẽ không có người thứ hai dám nói bổn cung như vậy. Ngay cả Hải Lan thân cận với bổn cung như thế nhưng vẫn còn có điều kiêng kị. Lúc bổn cung sinh Vĩnh Cơ ra thì trong lòng bổn cung đã suy nghĩ chuyện này rất nhiều lần, bây giờ ngươi lại nhắc đến thì bổn cung cũng đã quyết định rồi". Nàng im lặng một chút rồi nói: "Chỉ cần bổn cung là Hoàng thái hậu thì ngôi vị Thái tử chưa hẳn là dành cho Vĩnh Cơ"
Cả người Dung Bội chấn động, thần sắc đại biến, quỳ xuống nói: "Ý của nương nương là..."
Như Ý nắm chặt chiếc lược trong tay, thần sắc trầm hoãn như bàn thạch: "Tuy rằng Vĩnh Cơ là đích tử nhưng nó lại còn quá nhỏ, hết thảy mọi chuyện còn chưa biết gì. Nếu như Vĩnh Kỳ hiền năng có thể đảm đương thì việc nó trở thành trữ quân thì cũng là chuyện tốt. Ngày sau Vĩnh Cơ trở thành một vương gia phú quý thì cũng tốt rồi"
Dung Bội cúi đầu suy tư một lát nói: "Nương nương thật nghĩ như vậy sao?"
Như Ý nhìn nàng, đôi mắt phẳng lặng: "Ngươi và bổn cung đều thân thiết với nhau, không chút nói dối"
Dung Bội lấy lại bình tĩnh nói: "Vô luận nương nương quyết định thế nào thì nô tỳ cũng đều tùy tùng theo nương nương"
Đang nói thì Lý Ngọc bước vào nói: "Hoàng hậu nương nương, Hoàng thượng nói muốn nương nương mang theo Ngũ công chúa đến Phương Bích Tùng cùng nhau dùng bữa tối"
Như Ý gật đầu nói: "Bổn cung biết rồi"
Lý Ngọc khom người lui ra, Như Ý lại phân phó nói: "Dung Bội, đi chuẩn bị tắm rửa thay y phục, bổn cung muốn đi gặp Hoàng thượng"