Chương 13

Sáng hôm sau, ngày cuối cùng của chúng tôi ở Amsterdam, Mẹ cùng Augustus và tôi đi bộ đến Công viên Vondelpark chơi. Ở đó, chúng tôi tìm thấy một quán cà phê nhỏ ẩn mình dưới bảo tàng điện ảnh quốc gia Hà Lan. Nhâm nhi tách latte - mà theo lời người phục vụ giải thích thì người Hà Lan gọi là “cà phê không đúng điệu” bởi vì nó có nhiều sữa hơn cà phê - chúng tôi ngồi dưới tán cây dẻ cổ thụ và thuật lại cho Mẹ nghe cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với Peter Van Houten vĩ đại. Chúng tôi kể như một câu chuyện hài. Trên đời này tôi tin là chúng ta có quyền lựa chọn xem nên kể chuyện buồn như thế nào, và chúng tôi quyết định hài hước hóa câu chuyện: Augustus, ngồi thụp xuống trên ghế, giả bộ làm ngài Van Houten kín miệng, chuyên nói kháy người khác và không mấy khi nhấc mình ra khỏi ghế; còn tôi vẫn đứng và đóng vai chính mình, cứ hết thẹn đỏ mặt lại sừng sộ hét lên, “Này ông già xấu xí, béo ị!”

“Em nói ông ấy xấu xí à?” Augustus chợt hỏi.

“Cứ đóng tiếp đi,” tôi nói với anh.

“Tôi không xấu xí. Cô mới là đồ xấu xí, cô gái thở bình dưỡng khí à.”

“Ông là một kẻ hèn nhát!” Tôi quát ầm ĩ, và anh Augustus cười phá lên, quên mất nhân vật mình đang đóng. Tôi ngồi xuống. Chúng tôi kể Mẹ nghe về Nhà lưu niệm Anne Frank, cắt ra đoạn hôn nhau.

“Thế các con có trở lại nhà Van Houten sau đó không?” Mẹ hỏi.

Augustus thậm chí còn không cho tôi thời gian kịp đỏ mặt, đã đáp luôn: “Không ạ, chúng cháu ghé vào một quán cà phê. Ở đó, Hazel ‘giảng’ cho cháu nghe về biểu đồ Venn rất mắc cười.” Anh đá mắt sang tôi. Chúa ơi, anh thật quyến rũ.

“Nghe hay nhỉ,” bà nói. “À, giờ Mẹ sẽ đi dạo để hai đứa tự nhiên nói chuyện,” bà nói với Gus, giọng hơi sắc cạnh. “Sau đó chúng ta có thể làm một tour tham quan bằng thuyền trên kênh.”

“Dạ, cũng được,” tôi đáp. Mẹ để lại một tờ năm euro dưới chiếc đĩa lót ly rồi hôn lên tóc tôi, thì thầm, “Mẹ yêu con, yêu ơi là yêu,” bà nói dư hai chữ yêu so với thường ngày.

Anh Gus chỉ bóng các nhánh cây giao nhau và tẽ ra trên lớp bê-tông. “Đẹp quá ha em?”

“Dạ,” tôi đáp.

“Thật là một phép ẩn dụ hay,” anh lẩm bẩm.

“Thật không?” Tôi tò mò hỏi lại.

“Hình ảnh tiêu cực của những thứ quấn quít nhau và sau đó chia lìa nhau,” anh giải thích. Trước mặt chúng tôi, hàng trăm người lướt qua, kẻ chạy bộ, người đạp xe hoặc có tốp còn trượt patin. Amsterdam là một thành phố dành cho các hoạt động và vận động, một thành phố không nên di chuyển bằng xe ô-tô, và có một cảm giác rõ ràng là tôi không thuộc về nơi này. Nhưng Chúa ơi, nó đẹp nên thơ, nhánh sông uốn lượn quanh một cây cổ thụ, một con cò đứng im lìm bên mép nước, dõi mắt tìm bữa sáng giữa hàng triệu cánh hoa du trôi bồng bềnh trên dòng nước.

Nhưng anh Augustus chẳng để ý đến cảnh đẹp. Anh quá bận tâm quan sát sự dịch chuyển của bóng cây. Cuối cùng anh cũng cất tiếng, “Anh có thể nhìn như thế này cả ngày, nhưng chúng ta nên về khách sạn.”

“Chúng ta có thời gian không?” Tôi băn khoăn.

Anh cười buồn, đáp, “Phải chi là có.”

“Anh muốn nói gì?” Tôi thắc mắc.

Anh chỉ hất đầu về hướng khách sạn.

Chúng tôi đi trong im lặng, anh Augustus đi trước, cách tôi nửa bước. Tôi sợ hãi đến độ không thể hỏi xem liệu mình có lý do gì để sợ hãi hay không.

Là vầy, có một hệ thống được gọi là Tháp nhu cầu của Maslow. Về cơ bản, cái ông Abraham Maslow này trở nên nổi tiếng là nhờ vào lý thuyết về nhu cầu của mình, rằng một số nhu cầu nhất định phải được đáp ứng trước khi ta có thể phát sinh các loại nhu cầu khác. Tháp nhu cầu đó trông như thế này:

Một khi nhu cầu về thực phẩm và nước uống được thỏa mãn, ta sẽ tiến lên tầng tiếp theo của tháp nhu cầu, mong muốn được an toàn cơ thể, và sau đó sẽ lên các tầng tiếp theo và tiếp theo nữa. Nhưng điều quan trọng là, theo ông Maslow, trừ phi nhu cầu sinh lý của ta được thỏa mãn, chứ không thì ta cũng chẳng buồn quan tâm đến nhu cầu an toàn hay quan hệ xã hội chi tiết, chứ đừng nói đến nhu cầu được “tự thể hiện,” cấp độ mà ta bắt đầu hướng đến sáng tạo nghệ thuật, tư duy về đạo đức và vật lý lượng tử cùng những vấn đề cao siêu cỡ đó.

Nếu theo Maslow, tôi đang bị kẹt trên tầng thứ hai của tháp nhu cầu, khi sức khỏe chưa được đảm bảo an toàn và do đó không thể với đến tình yêu, sự tôn trọng, cảm hứng nghệ thuật hay bất cứ điều gì khác cao xa hơn. Mà điều đó thì rõ ràng thật vớ vẩn: nhu cầu thôi thúc sáng tạo nghệ thuật hay suy ngẫm triết lý nhân sinh không hề nguôi ngoai khi bạn đau ốm. Niềm thôi thúc ấy càng cháy bỏng hơn trước bệnh tật.

Tháp nhu cầu của Maslow dường như ngụ ý rằng thân phận tôi kém cỏi hơn so với những người khác, và hầu hết mọi người dường nhu đồng ý với quan điểm này của ông. Nhưng anh Augustus thì không. Tôi luôn luôn nghĩ rằng anh có thể đã yêu tôi bởi vì anh cũng từng bị bệnh. Và giờ đây tôi thấy có lẽ anh vẫn thế.

Chúng tôi đến phòng của tôi, Kierkegaard. Tôi ngồi xuống bên mép giường và mong anh sẽ đến ngồi bên cạnh, nhưng anh đã yên vị trên chiếc ghế hoa hòe hoa sói đầy bụi. Cái ghế ấy. Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Năm mươi tuổi chăng?

Tôi thấy bồn chồn trong dạ khi anh chậm rãi kéo một điếu thuốc ra đặt lên môi. Anh ngả người ra sau và thở dài. “Ngay trước khi em vào Phòng chăm sóc đặc biệt ICU, anh đã bắt đầu thấy đau ở hông.”

“Không đâu,” tôi cắt ngang. Sự căng thẳng dâng lên và nhấn chìm tôi trong đó.

Anh gật đầu như xác nhận. “Thế nên anh đã đi chụp cắt lớp.” Anh dừng lại, giật phắt điếu thuốc ra và nghiến chặt răng.

Phần lớn cuộc đời của tôi được dành cho nỗ lực không khóc trước mặt những người yêu quý tôi, vì vậy tôi biết những gì anh Augustus đang cố làm. Bạn nghiến chặt răng, nhìn lên trần. Bạn tự nhủ rằng nếu họ thấy bạn khóc, nước mắt sẽ làm tổn thương họ. Và bạn sẽ chẳng là gì ngoài Một Nỗi Buồn Thương trong cuộc sống của họ. Mà bạn không được trở thành một nỗi buồn thương vô hạn như vậy, nên bạn sẽ không khóc. Bạn tự nhủ những điều này với chính mình trong khi mắt vẫn nhìn lên trần nhà, rồi sau đó nuốt nước mắt vào trong mặc dù cổ họng bạn khô khốc. Để rồi cuối cùng bạn nhìn vào mắt người yêu quý bạn và mỉm cười rạng rỡ.

Anh nở nụ cười nửa miệng quen thuộc và nói, “Anh cháy sáng như một cây thông Noel, Hazel Grace. Từ lồng ngực đến hông trái rồi xuống gan, khắp toàn thân.”

Khắp toàn thân. Từ đó treo lơ lửng trong không gian đặc quánh. Cả hai chúng tôi đều biết ý nghĩa của nó. Tôi đứng dậy, kéo lê người cùng giá ô-xy trên tấm thảm mà có lẽ tuổi đời còn dài hơn quãng thời gian anh Augustus có thể sống được, đến bên anh. Tôi quỳ dưới chân ghế, ngả đầu vào lòng anh và vòng tay ôm anh.

Anh vuốt tóc tôi. “Em rất tiếc,” tôi nói.

“Anh xin lỗi đã không nói chuyện này với em,” anh nói, giọng rất bình tĩnh. “Mẹ em chắc biết. Cách bà nhìn anh. Chắc mẹ anh đã nói với bà hay sao đó. Lẽ ra anh nên nói sớm với em. Anh thật ngu ngốc và ích kỷ.”

Tôi biết tại sao anh đã chẳng nói gì, dĩ nhiên, cũng cùng lý do như tôi khi tôi không muốn anh nhìn thấy mình trong Phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi không thể giận anh dù chỉ một giây. Và đến bây giờ, khi đã và đang yêu một ‘trái bom nổ chậm’, tôi hiểu ra mình thật ngốc khi cố gắng cứu mọi người khỏi mối nguy lãnh những mảnh đạn tan tác của chính mình: Tôi không thể thôi yêu anh Augustus Waters được. Và tôi cũng chẳng muốn thế.

“Thật không công bằng,” tôi nói. “Thật chẳng công bằng tí nào.”

“Thế giới này,” anh nói, “không phải là một công xưởng sản xuất điều ước.” Và sau đó lớp vỏ cứng cỏi của anh bị phá vỡ, chỉ trong một chốc, tiếng nức nở của anh vỡ ra đầy bất lực như một tiếng sấm rền trong không trung mà không có tia sét nào lóe lên, một âm thanh tàn bạo khủng khiếp mà với những người không chuyên trong lĩnh vực đau khổ này có thể nhầm lẫn là vì yếu đuối. Sau đó anh kéo tôi lên, mặt anh rất gần với mặt tôi, giọng rất cương quyết, “Anh sẽ chiến đấu với căn bệnh. Anh sẽ chiến đấu vì em. Đừng lo cho anh, Grace Hazel. Anh vẫn ổn. Anh sẽ tìm ra cách để kéo dài sự sống và quấy nhiễu em thêm một thời gian lâu thật lâu.”

Nước mắt tôi trào ra. Anh mạnh mẽ trở lại, ôm chặt tôi đến nỗi tôi có thể thấy cánh tay cuồn cuộn cơ của anh vòng quanh mình khi anh nói, “Anh xin lỗi. Em sẽ ổn thôi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Anh hứa!” và lại nhếch miệng cười.

Anh hôn lên trán tôi. Và tôi chợt thấy lồng ngực vạm vỡ của anh không căng tràn như trước. “Anh nghĩ cuối cùng mình cũng sở hữu một cố tật.”

Một lúc sau, tôi kéo anh vào giường, nằm cạnh anh trong khi anh kể tôi nghe là họ đã bắt đầu chạy hóa trị giảm đau, nhưng anh đã bỏ ngang để lên đường đi Amsterdam, mặc cho ba mẹ anh nổi trận lôi đình. Họ đã cố gắng ngăn anh đừng đi cho tới tận sáng hôm đó, khi tôi nghe anh hét rằng cơ thể của anh thuộc về bản thân anh. “Thật ra chúng ta có thể dời ngày bay mà anh!” Tôi nói.

“Không, không được đâu em,” anh phản đối. “Dù sao thì chữa trị cũng vô ích thôi, anh biết là nó không hữu hiệu mà, em hiểu không.”

Tôi gật đầu đồng tình, “Chỉ vớ vẩn cả thôi, toàn bộ liệu trình.”

“Họ sẽ thử nghiệm gì đó khác khi anh về đến nhà. Họ luôn nảy ra ý tưởng mới.”

“Ừ,” tôi đồng cảm vì bản thân đã từng là vật thử nghiệm của đủ loại liệu trình chữa trị.

“Phần nào anh đã lừa dối em để em tin là mình đang yêu một người khỏe mạnh,” anh nói.

Tôi nhún vai. “Em cũng làm như vậy với anh mà!”

“Không, em chẳng phải như vậy, chẳng ai tuyệt vời như em hết.” Anh âu yếm hôn tôi và chợt nhăn mặt.

“Đau lắm hả anh?” Tôi hỏi.

“Không. Chỉ hơi đau thôi.” Anh nhìn chằm chằm lên trần nhà một lúc lâu rồi nói. “Anh thích thế giới này. Anh thích uống sâm-banh. Anh không thích hút thuốc. Anh thích nghe giọng người Hà Lan nói tiếng Hà Lan. Và bây giờ… anh thậm chí còn không có được một trận chiến. Anh không thể chiến đấu.”

“Anh sẽ phải chiến đấu chống ung thư,” tôi nói. “Đó là cuộc chiến của anh. Và anh sẽ tiếp tục chiến đấu quật cường,” tôi động viên anh. Tôi ghét khi ai khác cố gắng động viên tinh thần tôi để sẵn sàng cho cuộc chiến, nhưng giờ đây tôi lại đang làm điều đó với anh. “Anh sẽ… anh sẽ… sống thật tốt cho ngày hôm nay. Giờ, đây là cuộc chiến của riêng anh.” Tôi thấy coi thường mình vì kiểu tình cảm ủy mị ướt át này, nhưng tôi còn có gì khác để trao anh?

“Một cuộc chiến ư?” anh hỏi ngược lại vẻ khinh miệt. “Anh chiến đấu với cái gì? Căn bệnh ung thư của anh. Và bệnh ung thư của anh là gì? Là chính bản thân anh. Các khối u tạo ra anh. Chúng tạo ra anh cũng giống như não anh, tim anh hình thành nên vậy. Đây là một cuộc nội chiến, Hazel Grace à, và phe chiến thắng đã được xác định trước.”

“Anh Gus,” tôi thốt lên. Tôi không thể nói bất cứ điều gì khác. Anh thừa thông minh để hiểu những lời an ủi vớt vát mà tôi có thể nghĩ ra.

“Được rồi em,” anh nói. Nhưng tôi vẫn chưa nói hết. Sau một lúc, anh nói, “Nếu em đi đến Bảo tàng Rijksmuseum, điểm mà anh thực sự muốn tham quan - nhưng chúng ta đang đùa chắc, cả hai đứa đều không thể đi bộ quanh một viện bảo tàng nổi. Nhưng dù sao anh cũng đã xem bộ sưu tập trưng bày của nó trên mạng trước khi chúng ta bay đến đây. Nếu em có thể đi, và hy vọng một ngày nào đó em sẽ đi được, em sẽ nhìn thấy rất nhiều bức tranh vẽ người đã chết. Em sẽ thấy Chúa Giêsu trên thập giá, em sẽ thấy một anh chàng bị đâm vào cổ, em sẽ thấy người ta chết đuối trên biển, hy vọng trong chiến tranh và một cuộc diễu hành của những người tử vì đạo. Nhưng Không. Có. Một. Bệnh. Nhi. Ung. Thư. Nào cả. Cũng chẳng có ai chết vì mắc bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa hay sốt vàng da hoặc bất cứ chứng bệnh gì, vì bệnh tật chẳng có gì vinh quang cả. Chết vì bệnh không có ý nghĩa mà cũng chẳng có vinh dự gì hết.”

Abraham Maslow, con xin trình Ngài chàng thanh niên Augustus Waters, người mà có óc tò mò về sự sinh tồn đã làm lu mờ đi những anh em đồng đạo được “ăn sung mặc sướng,” hết mực yêu chiều và khỏe mạnh cường tráng. Trong khi đa phần con trai tiếp tục cuộc sống hưởng thụ mù quáng mà không mảy may suy tư thì anh Augustus Waters đã bỏ thời gian nghiên cứu bộ sưu tập của bảo tàng Rijksmuseum từ xa.

“Sao vậy?” Anh Augustus hỏi sau một hồi quan sát.

“Không có gì,” tôi đáp. “Chỉ là em…” tôi bỏ lửng và không biết làm thế nào để kết thúc câu. “Chỉ là em rất, rất thích anh.”

Anh cười nửa miệng, mũi anh rất gần với mặt tôi. “Cảm xúc tương đồng. Anh không nghĩ là em có thể quên chuyện đó và cư xử như anh không phải là một người sắp chết.”

“Em không nghĩ là anh sắp chết,” tôi nói. “Em nghĩ anh chỉ bị ung thư sơ sơ thôi.”

Anh mỉm cười. Đùa cợt trước giá treo cổ. “Anh đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc mà chỉ thẳng hướng đi lên,” anh nói.

“Và trách nhiệm cũng như đặc quyền của em là cùng anh lái nó đi lên.” Tôi hùa thêm.

“Có lố lăng không khi anh muốn thử hôn em vậy?”

“Không có thử gì hết,” tôi thì thầm, “Chỉ có làm thật thôi.”

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện