Chương 20: Những ví dụ về buông bỏ
Cuộc sống hàng ngày sẽ như thế nào nếu ta có thể buông bỏ? hãy xem một số ví dụ về các cách giải quyết trong các tình huống hàng ngày.
- Đồng nghiệp cư xử thô lỗ với ta. Phản ứng thông thường là bực bội hay khó chịu, vì ta đang giữ viễn cảnh rằng mọi người đều cư xử một cách lí tưởng. Nóng nảy lúc này chỉ làm tình hình tệ hơn thôi, và ta lại được tặng kèm sự bực bội và khó chịu. Nếu có thể buông bỏ lí tưởng và sự nóng giận, thay vào đó nhìn nhận rằng đồng nghiệp của ta có thể đang gặp chuyện. Có thể là anh ta hôm nay đang có vấn đề và đổ hết cơn giận lên đầu ta (vậy là anh ta không giải quyết vấn đề tốt lắm); có thể là anh ta có thói quen làm vậy hàng ngày, có nghĩa là anh ta đang gặp vấn đề trong cuộc sống. Ta có thể cảm thông với nỗi khổ của họ như chính mình. Bản thân ta trước đây cũng hay cáu gắt với người khác, nên hơn ai hết, ta phải hiểu rằng đó là một sai lầm rất con người. Khi đã thấy được nỗi khổ và cảm thông, ta có thể phản ứng phù hợp hơn, thậm chí có thể tìm cách giúp họ nguôi bớt. Sau này, khi anh đồng nghiệp đã bình tĩnh hơn, ta có thể nói lại một cách nhẹ nhàng rằng ta không thấy vui khi bị đối xử thô lỗ như thế, và nên đề xuất một số cách thể hiện sự bực bội một cách dễ chịu hơn.
- Thằng con của ta không chịu dọn phòng. Dĩ nhiên ta sẽ nổi quạu vì con không nghe lời. Ta đã nhắc hàng ngàn lần rồi mà nó cứ cãi. Cơn giận này không bắt nguồn từ nó, mà bắt nguồn từ viễn cảnh về lối cư xử lí tưởng của con cái. Hành động của nó không phù hợp với viễn cảnh của ta, thế là ta quạu. Cơn giận này làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái xuống dốc. ta đã nổi nóng và cho nó thấy ta đang bực mình ra sao. Nó bắt đầu phòng thủ, mệt mỏi với mấy lời cằn nhằn (cũng dễ hiểu). Còn ta thì không vui nổi. Thay vì vậy, ta có thể buông bỏ viễn cảnh lí tưởng, bình tĩnh lại, nhìn nhận thực tế về con trai mình: một đứa trẻ tốt, muốn vui vẻ, không có thói quen tốt (mà bản thân ta cũng vậy thôi), hoặc có thể đơn giản là có những mối quan tâm và mức độ ưu tiên khác với ta. Quan điểm về sự vui vẻ của nó khác cha mẹ nó. Ta có thể trân trọng con người nó, tìm hiểu xem điều gì làm nó hạnh phúc và chấp nhận thực tại ấy. Nếu nó gặp vấn đề về việc dọn dẹp, ta vẫn có thể nói chuyện nhẹ nhàng và cùng tìm hướng giải quyết tốt cho cả đôi bên. Ta có thể nhận ra rằng chẳng qua nó vẫn còn có thói quen bày bừa, và chỉ cần một chút hỗ trợ từ cha mẹ là thói quen mới hình thành ngay.
-Con gái ta nổi cộc. Nó không hành động như hình ảnh về một đứa con lí tưởng trong đầu ta, thế nên ta bắt đầu ức chế. Ta nổi nóng, la mắng con, và khiến cả hai không vui vẻ gì. Thay vào đó, ta có thể để lí tưởng về một đứa con hoàn hảo qua một bên, và chấp nhận hành vi "xấu" của nó. Nhìn nhận thực tế rằng, chính con gái mình cũng đang buồn bực, và đây là cách duy nhất để thể hiện sự bực bội mà nó biết. Chính con gái ta cũng đang phải đối mặt với sự bực bội như ta trong lúc này. Và nó xử lí không được khéo. Khi đó, ta có thể 1) thấy rằng con mình cũng đang gặp khó khăn, 2) giúp nó giải quyết hoặc nguôi ngoai cơn giận, và 3) bắt đầu giáo dục cách đối mặt với cơn giận tốt hơn khi con bé đã bình tĩnh lại. Ta cứ làm gương cho con bé, để sự nóng giận qua một bên, và nó sẽ tự học hỏi.
-Cha của một người nọ đang sắp mất vì bệnh ung thư. Rõ ràng đây là điều cực kì buồn, và anh ấy chắc chắn cảm thấy mất mát và đau thương. Nỗi đau này sẽ kéo dài trong suốt quãng thời gian người cha đang héo mòn dần. Anh ước rằng cha sẽ khỏe mạnh hơn. Anh ước rằng cha mình không phải chết. Đó là những viễn cảnh lí tưởng (một người cha khỏe mạnh, không sắp ra đi) không hề đúng với thực tại. Vậy anh ấy nên làm gì? Anh có thể luyện tập buông bỏ các lí tưởng, và chấp nhận người cha hiện tại (đang dần héo mòn), và cũng chấp nhận nỗi đau của bản thân và của cha mình. Hãy chấp nhận và sống bên cha, trân trọng người cha đau yếu hiện tại. Trân trọng quãng thời gian hiện tại, trân trọng những gì cha đã cho anh. Anh có thể cảm thông và cố gắng giúp cha vượt qua nghịch cảnh. Anh có thể nhìn lại đời mình, và thấy rằng chính mình cũng chẳng còn sống bao lâu nữa, từ đó tìm cách sống từng giây theo cách tốt hơn. Trong những giây phút ấy, anh hoàn toàn có thể chọn, hoặc là ngồi ước ao những lí tưởng phi thực tế để rồi đau khổ, hoặc là tận dụng tối đa thời gian xây dựng các mối quan hệ với người xung quanh, mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và mọi người.
- Vợ của bạn có vẻ xa cách và không nồng ấm lắm với chồng. Bạn sẽ thấy buồn bã và đau khổ vì vợ không như tưởng tượng (luôn yêu thương, quan tâm một cách nồng nhiệt mọi lúc). Thế là bạn bắt đầu hành động tiêu cực, làm mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi, và cũng khiến bản thân không hạnh phúc. Thay vào đó, thử buông bỏ lí tưởng này, và nhìn nhận vào thực tế: chính vợ mình cũng đang gặp vấn đề. Có thể cô ấy đang phải đối mặt với khó khăn nào đó, và bạn có thể cảm thông với vợ. Có thể cô ấy muốn kể với bạn, có thể cô ấy cần ở một mình. Cứ tưởng tượng lại một khoảng thời gian nào đó bạn muốn ở một mình thử xem, bạn sẽ nhận ra rằng không phải vợ bạn muốn xa cách bạn, vấn đề không phải do bạn, mà là do vợ bạn đang gặp chút vấn đề. Khi mọi thứ dịu lại, bạn có thể hỏi chuyện và tìm cách cùng giải quyết.
- Hôm nay bạn có quá nhiều thứ phải làm. Thế là bạn bị stress, vì viễn cảnh lí tưởng là bạn luôn có vừa đủ việc để làm, và bạn luôn hoàn thành công việc một cách vui vẻ. Do bị stress nên cả ngày bạn bực bội, không làm tốt công việc vì không tập trung được. Thay vì vậy, hãy thử bỏ qua mấy lí tưởng này. Chấp nhận rằng bản thân đang gặp vấn đề và "giải cứu" chính mình, cho mình nguôi ngoai. Chấp nhận thực tế: bạn có hàng tấn việc, thời gian thì gấp rút. Vậy thì bạn nên tối ưu hóa khoảng thời gian có hạn này để thực hiện từng việc một một cách hợp lí và hết sức mình. Thử thỏa thuận lại các deadline nếu thấy rõ mình không thể làm hết nổi. Bạn không thể nào làm nhiều thứ cùng lúc, thế nên hãy tập trung làm xong việc và chấp nhận giới hạn của bản thân. Nếu luyện được khả năng tập trung làm mỗi lúc một việc, bạn có thể học cách làm việc một cách tập trung vào bình tĩnh. Và dĩ nhiên là một cách vui vẻ nữa.
- Bạn muốn tập thể dục nhưng cứ tự tìm cách tránh né. Bạn không sống như kì vọng của bản thân. Bạn không kỉ luật như mình muốn, và rất chán chính mình. Thế là vì đang chán, bạn tìm cách giải quyết sự chán bằng ăn uống và xem ti vi. Về dài hạn, những hành vi này sẽ khiến bạn chán hơn. Thay vào đó, hãy thử buông bỏ kì vọng về một thằng tôi kỉ luật đi. Chấp nhận rằng bản thân đang gặp khó khăn, rằng mình có nhiều việc phải làm, rằng mình mệt mỏi, thế nên mình luôn chần chừ thiếu quyết đoán khi bắt đầu tập thể dục. Hãy cảm thông với chính mình. Nhìn nhận rằng tập thể dục cũng là một cách giúp chính mình giải quyết khó khăn, bởi nó giúp ta giải stress và thấy hài lòng hơn. Bỏ lại phía sau nhưng cảm xúc tiêu cực về những thất bại đã qua, lên kế hoạch luyện tập tốt hơn, giúp bạn tránh được những trở ngại đã đánh bại bạn trong quá khứ (ví dụ như đi ngủ sớm hơn nếu sáng dậy bạn thường mệt mỏi, tập thể dục buổi trưa nếu không có thời gian tập cuối ngày...). Cứ tập trung vào thực tại ở những phút giây tập thể dục, thay vì cứ mong rằng bài tập dễ dàng và dễ chịu hơn.
- Bạn đang chờ visa, và theo lịch thì hôm nay sẽ xong để có thể đi du lịch, nhưng tin báo về là đến tuần sau mới rồi. thế là kế hoạch đi tong! Rõ ràng rất đáng bực, bởi vì bạn đã tưởng tượng về cả chuyến đi trong mơ 2 tháng nay rồi. Bạn đã lên kế hoạch đi chơi, gặp gỡ bạn bè, để rồi giờ làm mọi người hụt hẫng. Cuộc đời không như mơ. Bạn không thể có một chuyến đi hoàn hảo và làm mọi người vui vẻ. Thế là bạn cực kì quạu, nổi điên với mấy người cấp visa, hoặc thầm ước rằng mọi chuyện khác đi. Cơn giận này chẳng làm visa xong sớm hơn, nó chỉ làm bạn buồn bã hơn mà thôi. Thay vì vậy, hãy buông bỏ lí tưởng phi thực tế ấy đi. Kì vọng ấy chỉ làm bạn chán hơn thôi. Hãy nhìn nhận khó khăn và chấp nhận nó. Chấp nhận rằng chuyến đi sẽ không như kế hoạch. Nói với mọi người rằng có chút thay đổi. Lên kế hoạch mới dựa theo tình hình mới. Nhìn nhận thực tại mới cũng không đến nỗi tệ lắm – nó chỉ tệ khi so sánh với lí tưởng mà thôi. Cuộc đời không phải là mơ, thế nên hãy bỏ những giấc mơ phi thực tế và trân trọng hiện tại đi, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn nhiều.
- Bạn không hài lòng về dáng vóc của mình. Cơ thể bạn không như kì vọng (cân đối, ngực bự, hay bụng sáu múi...).
Thế là bạn thất vọng về bản thân, và giải tỏa sự thất vọng bằng cách tiêu cực (đi ăn cho bớt buồn chẳng hạn), mà mọi thứ càng bế tắc hơn. Lí tưởng phi thực tế kéo theo sự buồn bã. Thay vào đó, hãy buông bỏ lí tưởng ấy đi. Toàn là ảo tưởng mà thôi. Chấp nhận thực tại về cơ thể chính mình. Cơ thể mỗi người luôn rất tuyệt vời nếu bất kì ai chịu nhìn thấy vẻ đẹp của chính mình. Hãy nghĩ lại xem, chính cơ thể này làm được bao nhiêu chuyện. Nó đã giúp chính ta hàng ngày thế nào. Wow! Bạn đang có một cơ thể tuyệt vời đấy thôi.
OK, dĩ nhiên bạn không như siêu mẫu, nhưng mấy siêu mẫu trên bìa tạp chí cũng đều đã qua tay thợ sửa ảnh, và mục đích của họ chỉ là khiến bạn mua tờ tạp chí hay quần áo của họ mà thôi. Thay vì vậy, hãy cảm thông với chính mình. Chấp nhận thực tế là có thể bạn hơi thừa cân để tìm cách nâng cao sức khỏe với thái độ tích cực hơn. Bạn sẽ chẳng thể có cơ thể hoàn mỹ (ảo tưởng, toàn là ảo tưởng) nhưng có thể 1) học cách trân trọng cơ thể mình, và 2) tập trung vào sức khỏe. Hãy là những thứ tốt cho sức khỏe, ví dụ như ăn nhiều rau, giảm đồ ăn nhanh vớ vẩn, tập thể dục và tập thiền. Những việc ấy so với việc cứ ngồi mơ tưởng về siêu mẫu rõ ràng vẫn còn có ích hơn nhiều.
Dĩ nhiên còn rất nhiều ví dụ khác, nhưng nếu bạn đã đọc các ví dụ trên kĩ càng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra motif sau:
1.Nhìn nhận rằng viễn cảnh lí tưởng làm bản thân đau buồn.
2.Nhìn nhận rằng viễn cảnh lí tưởng làm tình hình xấu hơn (bạn nổi giận sẽ chỉ làm mối quan hệ xấu đi, bạn buồn bã và ăn nhiều cũng không khá gì hơn...).
3.Bỏ kì vọng phi thực tế và sự nóng giận qua một bên.
4.Nhìn nhận, chấp nhận và xoa dịu nỗi đau của bản thân mình.
5.Nhìn thẳng vào bản chất của những người xung quanh, cũng như bản chất của thực tại. Phát hiện ra rằng những người khác cũng đang gặp khó khăn. Chấp nhận họ, chấp nhận tình hình thực tại.
6.Cảm thông với người xung quanh.
7. Giải quyết tình huống một cách bình tĩnh và phù hợp. Tìm giải pháp và chấp nhận khó khăn, thay vì cãi vã nhau.
Dĩ nhiên không phải lúc nào ta cũng giải quyết được theo cách lí tưởng như trên. Có lúc ta sẽ giải quyết hơi không được tốt. Bình thường thôi. Hãy nghĩ lại từng tình huống và tìm cách giải quyết tốt hơn, có thể tham khảo 7 bước ở trên. Sau đó nhớ và vận dụng ở lần sau.