2. Ban chiếu nhường ngôi cho chồng

Sau khi ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái, thế lực họ Trần trong triều đình nhà Lý, đứng đầu là Trần Thủ Độ tiến thêm một bước trong mưu đồ đoạt vương quyền về tay dòng họ mình bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Tiếp đó Trần Thủ Độ đem gia thuộc, thân thích vào trong cung cấm, sai đóng chặt cửa thành và cửa cung, cử người canh giữ rồi loan báo rằng nữ hoàng đã lấy chồng rồi, người đó chính là Trần Cảnh.

Đến ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (1225) với bàn tay "đạo diễn" của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng, bài chiếu viết rằng:

"Từ xưa nước Nam đã có đế vương trị thiên hạ. Nghĩ triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, làm chủ bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước gian nguy; đành sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi. Thật là từ xưa đến nay chưa có việc như thế bao giờ!

Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không có người giúp đỡ, phò tá, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào được ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử cùng giúp chính sự. Việc đó đêm ngày canh cánh bên lòng, đến nay đã gấp quá rồi.

Kinh Thi có câu: "Quân tử hảo cầu, ngụ my tử phục, du tai du tai"

(Quân tử tìm bạn tất,

Tìm mãi không được,

Thức ngủ khôn nguôi,

Lâu thay, lâu thay).

Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy chỉ có Trần Cảnh là người văn chất vẹn toàn, thực đúng tư cách hiền nhân quân tử, uy nghi đường hoàng, có phong tư của bậc thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được, trẫm từng sớm hôm nghĩ kỹ, xét nghiệm từ lâu, nên nhường ngôi báu để thuận lòng trời, cho xứng lòng trẫm. Mong các khanh đồng lòng hết sức cùng giúp đỡ việc nước, để hưởng phúc thái bình.

Vậy bố cáo cho thiên hạ để mọi người cùng biết".

Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên ngai báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Sau đó Lý Chiêu Hoàng trút bỏ áo hoàng bào, chính thức mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế.

Đánh giá về sự kiện này, một số quan điểm trước đây cho rằng Lý Chiêu Hoàng là người có tội với vương triều Lý vì đã để mất ngai vàng về tay họ khác. Dân gian còn có câu: "Tộ truyền bát diệp, diệp lạc âm sinh" nghĩa là truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm khí sinh ra, ý nói nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, mất ngôi vì có vua đàn bà. Trên quan điểm Nho giáo, các sử sách phong kiến có những nhận xét khắt khe đối với Lý Chiêu Hoàng nhưng người đời lại có cái nhìn nhân ái, khoáng đạt hơn về sự kiện này với những vần thơ như sau:

Nhất sắc khuynh thành khởi chiến tranh

Kỵ long đăng vị tự nhiên thành

Giai do thiên mệnh nhân tâm thuận

Bách quỹ đồng quy hướng đức danh.

Nghĩa là:

Nữ chúa nhường ngôi chẳng chiến tranh

Rồng cưỡi nên ngôi việc tự thành

Tất cả do trời lòng người thuận

Trăm cõi theo về dậy đức danh.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện