4. Mẹ con ta đều vì nghĩa lớn
Sau khi Trần Thái Tông rời khỏi cung điện nơi Chiêu Thánh ở thì có một người khách lại tìm đến, đó chính là mẹ của bà, người từng là Thuận Trinh hoàng hậu, vợ vua Lý Huệ Tông.
Sau khi triều Lý chấm dứt nhà Trần thành lập, bà Thuận Trinh Trần Thị Dung trở thành vợ Thái sư Trần Thủ Độ, người có vai trò chính trong việc chuyển giao vương vị từ họ Lý sang tay họ Trần và bà được phong là Linh Từ quốc mẫu.
Lần này vào cung, mục đích của bà Linh Từ cũng là nhằm thuyết phục con gái về cuộc hôn nhân mới mà triều Trần sắp đặt:
- Hoàng thượng đã nói với con rồi, ta thấy con vẫn còn xuân sắc, cần có chỗ nương tựa khi xế bóng mãn chiều. Đừng vì việc cũ mà u uất, khổ đau trong cung cấm nữa.
Chiêu Thánh nói:
- Bây giờ con đã ở tuổi 40, mẹ còn nói đến chuyện đó làm gì. Còn việc Hoàng thượng đối với con thế nào, tình nghĩa ra sao, mẹ có nhớ chăng?
- Mẹ hiểu lòng con, nhưng mẹ muốn con nghĩ đến sơn hà xã tắc, đến cơ nghiệp họ Trần mà chính con đã góp công gây dựng. Hoàng thượng có cái khó của Người, con đừng nên oán trách. Bản thân mẹ cũng mang những đau khổ, nhọc nhằn chứ có thoải mái gì hơn, con nên hiểu lòng mẹ. Mẹ con ta đều vì nghĩa lớn cả thôi.
Thấy Chiêu Thánh trầm ngâm suy nghĩ, bà Linh Nhân nói tiếp:
- Mẹ thấy Hoàng thượng cũng có lòng thành thực, qua tác thành duyên mới cho con để chuộc phần nào lỗi của mình. Con kết duyên với Lê Tần cũng là tiếp tục một nghĩa vụ lớn lao, người này rất xứng đáng, con đừng nên nghi ngại.
Đó là tâm sự giữa hai người phụ nữ tại nội cung nhà Trần, những ngậm ngùi, thương cảm, trách móc, xót xa... được chôn vùi trong tim được họ phân trần, chia sẻ, gợi lại cùng nỗi niềm ngang trái.
Nghe lời mẹ chân tình khuyên nhủ, Chiêu Thánh đã bằng lòng chấp thuận lấy tướng Lê Tần.