Q2 - Chương 11: Bắc cầu giải oan

Bọn hắn quay về nhà nghỉ, mỗi người chiếm một chỗ ngủ lăn ra. Sáng hôm sau, tám giờ mới bò dậy mà ai nấy đều ngáp ngắn ngáp dài. Kéo nhau đi ăn miến lươn, món ngon nổi tiếng ở Ninh Bình. Hương vị thơm ngon, đậm đà của bát miến làm bọn hắn tỉnh cả người.

Chín giờ sáng, đã thấy anh Ninh đợi bốn người bọn hắn ở bến đò. Trông mặt anh méo xẹo. Hắn hỏi

- Tối qua về vẫn chưa lại người hay sao mà trông anh ủ rũ vậy?

- Anh sợ lắm, chả muốn vào cái chỗ đấy đâu, nhưng mà ông ấy cứ bắt anh ở đây đưa các cậu vào. Anh Ninh than thở

-  Anh không phải lo đâu. Hôm nay đã có thầy ở đó, chúng nó không dám làm gì đâu. Cùng lắm bọn em lại trói anh lại kéo về. Tùng kều nhe răng cười trên anh Ninh

-  Mà sao hôm qua chúng mày trói anh chặt thế, tối về đau hết cả tay chân. Anh Ninh than thở

-  Lúc đấy mà không trói anh lại như thế á, anh dìm chết hết lũ bọn em. Ngọc Tiên nói

-  Thôi..., lúc đó có phải anh ấy đâu, là kẻ nào ấy chứ. Hương nói chen vào

Mỗi người một câu nói ra nói vào, vừa nghe thấy thế mặt anh Ninh lại tái tái đi. Chần chừ mãi cuối cùng anh Ninh cũng xuống thuyền đưa bọn hắn vào hang Luồn. Trên thuyền anh Ninh ra sức dạy hắn và Tùng kều trèo thuyền, lại còn chỉ dẫn kỹ càng đường đi lối lại cho bọn hắn. Trong lòng anh đang âm thầm tính toán, nếu chẳng may gặp chuyện như hôm qua, còn có đứa chở mình về.

Vào đến cửa hang Luồn, trên bờ dưới thuyền đồ lễ bày la liệt. Một cái long đình uy nghi kê trên bờ bên trong có hai mũ quan màu trắng, vàng, đồ lễ trang nghiêm, bên cạnh có bàn lễ nhỏ hơn có một cái đĩa và hai đồng xu. Trên hai tay đòn của Long đình có kê một tấm ván nhỏ bên trên đặt một chiếc gương tròn

-  Cái gương này để làm gì? Tùng kều thì thầm hỏi

-  Để khai quang đấy. Hương đáp

Bên cạnh Long Đình dựng một cây tích trượng và một cây thần phan bên trên viết toàn chữ Tàu

-  Chữ đó nghĩa gì vậy? Hương quay sang hỏi Ngọc Tiên

-  Là Bành Cư, Bành Kiêu, Bành Chất, còn có Ba hồn cùng tới, Bảy vía cùng lại, Chín vía cùng đến. Ngọc Tiên chỉ từng chữ giải thích

Bành Cư, Bành Kiêu, Bành Chất, đây không phải là ba ông Đại tướng âm binh, Tam Bành - Sừng, Sỏ, Sắt mà phái Phù thủy miền Bắc hay nhắc đến sao? Vậy là pháp lễ này theo nghi lễ của phái Phù thủy mà tiến hành – hắn thầm nghĩ.

Sát dưới mép nước hàng loạt các câu cầu bằng vải trắng được bắc lên sáu chân cọc tre trải dài đến tấm ván kê trên tay đòn Long Đình. Mặt vải không hề chấm xuống nước mà nối với cây cầu bằng dọc chuối. Họ dùng dao khía vào thân chuối rồi bẻ ngang cái miếng đã khía ấy ra tạo thành các bậc thang, để linh hồn bước lên cầu đợi các quan tiếp dẫn nhập vào thần phan. Dọc cây cầu vải cắm các lá cờ giấy có ghi thần chú.

Trên mặt sông có vài con thuyền đang neo đậu. Trong lòng thuyền chất đầy hình nhân bằng giấy, các cái nồi đất đậy kín vung, bên trên dùng gạch chèn chặt. Còn có một con gà trống nhốt trong lồng

-  Con gà đó làm gì nhỉ. Trừ tà phải dùng gà đen chứ. Ngọc Tiên thắc mắc

-  Con gà này chỉ để tế lễ thôi, không phải để cắt tiết lấy máu trừ tà đâu. Hắn đáp

-  Thế mấy cái nồi đất kia chắc để cúng cơm cho họ nhỉ? Tùng kều hỏi

-  Không phải đâu, là nồi bùa đấy, bên trong tôi thấy ông thầy đặt lá bùa vào đó. Một người bên cạnh chen miệng vào nói

Cả một đám người trên bờ lao xao, hóng hớt nhìn xuống dưới sông.

Ông thầy trên dưới bảy mươi tuổi cùng mấy người phụ tá ăn mặc trang nghiêm. Họ lục tục ngồi vào cái chiếu trải trên bờ sông bắt đầu tiến hành khóa lễ. Đám người bên ngoài im thin thít không dám làm ồn nữa.

Tiếng chuông ngân lên một hồi, ông thầy chắp tay khấn vái rồi bắt đầu e a đọc kinh. Các bài kinh như Kinh Địa tạng vương Bồ Tát, Kinh Đại Bi, kinh khuyên chúng sinh quy y cửa phật... Mọi người bắt đầu gà gật buồn ngủ theo điệu ê a của ông thầy thì thấy ông đọc một tràng các câu Hán Việt cái gì mà:

...

Phách lạc tuyền đài,

Hồn quy Bắc phủ,

Tiền căn vị thoát oan khiên

Đại kiếp chung lâm khổ cảnh

...

Kiền kỳ siêu độ

Vài người tỉnh cả ngủ ngồi thẳng lưng ngển cổ nhìn những cây cầu vải trắng dưới lòng sông

-  Sao vẫn không thấy gì nhỉ? Vài người thắc mắc

Bọn hắn băn khoăn "Thấy gì là thấy cái gì?". Tùng kều quay sang hỏi

-  Thế mày có thấy gì không?

-  Chả thấy gì cả. Hắn đáp

Ông thầy cùng mấy người phụ tá vẫn ngồi khoanh chân, tay kiết ấn miệng lầm rầm đọc. Mọi người chợt im phăng phắc chăm chú nhìn. Phía dưới lòng sông những luồng nước trồi lên, rẽ ra như có cá đang bơi đến. Những con thuyền bắt đầu lắc lư chòng chành. Vài người bắt đầu lo sợ, lau mồ hôi trên trán. Rõ ràng dưới nước chả nhìn thấy con cá nào mà sao nước cứ rẽ ra rồi tụ lại chỗ mấy cây cầu vải và các con thuyền gỗ. Tiếng cạo rồn rột vào mạn thuyền gỗ vang lên khiến tim mọi người như nảy lên.

-  Không phải... không phải... chỉ là cá thôi... là cá... là cá...

Anh Ninh ở bên cạnh, mắt nhằm nghiền, miệng liên hồi lẩm bẩm tự trấn an. Các cọc tre bắc làm chân cầu vải bắt đầu lung lay như cây sậy gặp thủy triều. Những con thuyền chòng chành dữ dội. Mọi người đều nín hơi không dám thở, mắt nhìn không chớp xuống lòng sông. Những tiếng cành cạch, cành cạch vang lên không ngớt. Một người hét lên

-  Trông cái nồi đất kìa!

Mọi người đổ dồn mắt nhìn về mấy cái thuyền gỗ. Những chiếc nồi đất trên thuyền nắp vung đang bật lên rồi đập xuống miệng nồi phát ra các tiếng cành cạch liên hồi. Trông cái nồi hệt như có vật gì đó từ bên trong đẩy nắp vung lật bật lên. Chừng như đã gom đủ sức mạnh, những cái nắp vung bằng đất hất tung viên gạch chặn bên trên rồi bật bắn lên trên trời rơi xuống vỡ loảng xoảng.

Nỗi sợ hãi dồn nén lúc này mới vỡ òa ra, nhiều người rú lên hoảng hốt. Có người toan đứng dậy bỏ chạy

-  Chạy đi đâu, chúng nó không lên bờ đâu mà sợ. Người đàn ông trung niên quát lên

Mọi người len lén ngồi lại chỗ cũ, đầu chúi xuống, hai tay chắp lại lạy lấy, lạy để. Có bao nhiêu đời tổ tông thì lôi ra khấn vái kêu cầu. Anh Ninh ngồi run run mắt nhắm tịt, miệng khấn vái ầm ầm.

Dưới mặt nước, các bóng đen như từng đám rong rêu bu lại quanh mấy chiếc thuyền. Ban ngày nhưng bóng của ngọn ngúi ngay cửa hang Luồn đổ xuống trông âm u. Những cánh tay đen xì, trơ xương trắng ởn ra sức cào vào mạn thuyền. Con thuyền rung lên bần bật như chiếc lá giữa dòng nước xoáy

Ở trên bờ ông thầy cúng và mấy người phụ tá vẫn chú tâm niệm lầm rầm. Mặt nước nổi bong bóng như đang sôi ùng ục. Khuôn mặt mọi người đều tái mét, nỗi hoảng sợ sâu trong đáy mắt. Gió nổi lên ào ào, cuốn theo lá cây xoáy thành một vòi rồng thẳng hướng những chiếc thuyền lao tới. Hình nhân và các lá bùa bị cuốn lên hất tung xuống dòng nước. Cái đám rong rêu vô hình kia bị cuốn vào cơn lốc gào rú thảm thiết. Mỗi chiếc lá như một ám khí vàng chói găm vào bọn chúng như cơn mưa tên bay. Từ chỗ chiếc Long Đình từng đợt khí vàng bùng bùng tỏa ra tiếp sức cho cơn lốc giữa dòng.

Trong mắt những người đang sợ hãi ở trên bờ, chỉ thấy đột nhiên ở đâu xuất hiện một cơn lốc. Giữa nơi núi non trùng điệp thế này, lấy đâu ra không gian bát ngát để gió thỏa sức tung hoành mà lại có lốc xoáy. Giữa tiếng gió vù vù hình như còn mang theo những âm thanh như gào rít lên rất ghê rợn. Ai nấy đều kinh sợ, há miệng lắp bắp không nói nên lời, chỉ cảm thấy quanh đây hình như có sự hiện diện của các cõi vô hình.

Cơn lốc đột ngột biến mất hệt như lúc nó xuất hiện. Dưới lòng sông hình nhân, vàng mã rơi lả tả khắp nơi. Trên thuyền những chiếc nồi đất nằm im lìm bên cạnh con gà đang kêu lên quang quác. Các con thuyền vẫn còn lắc lư, chòng chành.

Đám Nam nam tản ra lặn sâu xuống dưới nước. Trông bọn chúng vô cùng thê thảm. Tay chân, đầu tóc, mỗi thứ một nơi. Các đoạn xương trắng rơi rụng trong nước. Những cái đầu trương phềnh, từng đám thịt đã bị cá rỉa rơi rụng đang ngọ nguậy, nhúc nhích vận động di chuyển tìm về dính lại với thân. Trong những cái hốc mắt trống không từng luồng khí đen tỏa ra ngùn ngụt.

May mà đám người này chả ai nhìn thấy gì, nếu không chắc ối bà, ối cô ở đây lăn ra ngất xỉu. Cảnh tượng trông không khác gì các trường đoạn trong phim kinh dị. Ngay đến như hắn nhìn thấy cảnh này mà cũng ghê hết cả người, trưa nay không biết có ăn nổi cơm hay không nữa.

Sau khi đã gom góp đủ xương xẩu, tay chân. Đám Ma Nam lóp ngóp bò lên thang chuối, ngoan ngoãn lên cầu vải. Đợi sẵn ở đó các thần quan nhanh chóng dùng pháp thu hồn bọn chúng vào các Thần Phan. Lúc này đám người trên bờ sau cơn hết hồn mất vía lại bắt đầu lao xao.

-  Trời ơi, kinh quá... kìa ... kìa

-  Vải võng xuống kìa...

-          ...

Trên chiếc cầu vải, không hề thấy một hình bóng gì nhưng dường như có người đang bước đi. Mỗi bước chân lại làm đoạn vải võng xuống như có một lực đè lên. Nước từ trên cây cầu vải tong tỏng nhỏ xuống mặt sông. Các cây Phan cứ liên tục rung lên bần bật.

-  Nước ở đâu ra ấy nhỉ? Rõ ràng vải có chạm xuống mặt nước đâu. Một người hỏi

-  Suỵt... đừng nói nhiều... họ đang lên bờ đấy. Một người khác gắt nhẹ

Cả đám im thin thít căng mắt nhìn về phía các cây cầu vải đang chũng xuống rồi lại căng ra liên tục. Họ cứ lặng lẽ thành hàng nối đuôi nhau lên bờ.

Chừng như tất cả đã yên vị ở trên bờ đợi nhập vào cành Phan. Ông thầy cùng mấy người phụ tá đứng dậy bước xuống thuyền. Họ trèo thuyền quanh khúc sông ngay trước miệng hang Luồn. Tiếng ông thầy đọc thần chú vang vang, vài người bắt đầu vứt các chiếc nồi đất xuống lòng sông. Một người thì liên tục đánh trống. Cuối cùng ông thầy đọc vang một tràng thần chú rồi cầm lồng gà ném thẳng xuống nước chìm nghỉm. Lễ cúng kết thúc, cả đám lục tục lên bờ thu dọn.

Người đàn ông trung niên vui vẻ nắm tay ông thầy cảm ơn rối rít rồi lớn tiếng trấn an và khẳng định với mọi người. Việc hôm nay đã hoàn thành vô cùng mỹ mãn, từ giờ trở đi không cần phải sợ hãi nữa. Anh Ninh thở phù phù như thoát nạn.

Nhớ tới việc quan trọng. Hắn quay sang nói với anh

-  Chở bọn em vào hang Luồn nhé

-  Vẫn còn muốn vào à? Anh Ninh trợn mắt hỏi

-  Làm gì còn cái gì đâu mà anh sợ. Tùng kều nói

Luồng khí xanh từ miệng rồng phun ra thế thì chắc hẳn là phải vào miệng rồng mà tìm rồi – hắn thầm nghĩ.

Chần chừ một lúc rồi anh Ninh cũng xuống thuyền đưa bọn hắn vào hang Luồn. Cửa hang khá thấp nhưg rộng rãi, hai ba thuyền tránh nhau vẫn đủ chỗ. Bơi thuyền giữa dòng sông vào đến hang Luồn, hắn kêu anh Ninh dừng lại một chút cho bọn hắn xem xét.

Bốn người bọn hắn dùng đèn pin soi khắp vách hang, quan sát từng chỗ một nhưng không thấy có gì khả nghi

-  Các cậu rốt cuộc là tìm thứ gì vậy? Anh Ninh hỏi

-  Có gì đâu, bọn em xem xét địa thế xung quanh một chút thôi. Hắn đáp

-  Ở đây cũng chẳng có gì đâu... à mà có

Anh Ninh chỉ tay lên vách đá phía mái hang

-  Ở đó người ta phát hiện ra rất nhiều hình khắc

Bọn hắn vội nhìn theo hướng tay anh chỉ. Ngay trên mái hang, hàng loạt các hình khắc nhỏ chi chít. Cả đám ồ lên rồi thi nhau chiếu đèn vào để chụp ảnh. Tuy năm tháng đã mài mòn những hình khắc này đi rất nhiều, nhưng bọn hắn vẫn nhìn rõ các chi tiết. Cả bốn năm người châu đầu vào màn hình điện thoại xem hình mới chụp được.

-   Hình như là bùa chú. Hương nói

-   Ở đây còn có cái tháp này. Ngọc Tiên chen vào

Trên vách đá có rất nhiều hình, trong đó nổi bật là Tháp kính thiên, cá phóng sinh, đài sen, ngọn lửa, các đạo linh phù. Lẫn trong các hình đó bọn hắn giật mình khi nhìn thấy hình một bông hoa sen chín cánh trong vòng tròn. Hai bên vòng tròn khắc hình một con hổ to lớn đang ngoạm ngang thân một người. Phía bên này là một con trông giống con ba ba hay con rùa đang nuốt một người, chân người đó còn thò ra ngoài.

-  Con rùa này sao  lại ăn thịt người nhỉ. Hương nhăn trán, nhíu mày hỏi

-  Có khi nó là con Giải. Người xưa thường gọi con Giải là con Thuồng luồng. Nó ăn thịt người và trâu bò như mình ăn cơm vậy. Ngọc Tiên giải thích

-   Là con ba ba lớn à. Tùng kều hỏi

-   Phải rồi đấy. Hắn đáp

-   Liệu cái giống đấy bây giờ tuyệt chủng chưa?

Hương cất giọng hơi hoang mang, len lén nhìn xuống nước

-  Hình con hổ với con ba ba này là thế nào nhỉ? Hắn lẩm bẩm

-   A... ngày trước tôi nghe các cụ nói. Ở Động Am Tiên khi xưa là nơi vua nuôi hổ và ba ba để ăn thịt những kẻ có tội. Về sau bà Thái Hậu Dương Vân Nga cuối đời cũng về đó ẩn cư tu hành. Bây giờ ở đó cũng sang sửa lại thành điểm du lịch. Chắc hình này là miêu tả việc trừng phạt kẻ có tội thôi

Anh Ninh đang chăm chú nhìn thì chen vào nói một câu. Bốn người bọn hắn lặng lẽ âm thầm nhìn nhau.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện