Hồi ba: Viễn thám tầng sâu
Hải ngọng nghe nói dưới lòng đất còn có hàng ngàn chiếc điện thoại thạch từ, lòng cuối cùng cũng yên ổn hơn đôi chút. Anh giơ tay quệt mồ hôi lạnh đang chảy ròng ròng trên trán: “Ối mẹ ơi! May mà không phải nhân tố ngẫu nhiên. Khi nãy tôi cứ nghĩ mình đã phạm sai lầm khủng khiếp không thể cứu vãn nổi. Hối hận quá đi mất! Nếu làm hỏng cái máy điện thoại thạch từ duy nhất, thì Hải ngọng tôi đã trở thành tội nhân của lịch sử rồi còn gì.” Tư Mã Khôi thấy Hải ngọng lúc trước có chút dương dương tự đắc, thì tạt luôn gáo nước lạnh cho cậu ta tỉnh hẳn: “Cậu đừng có tự trát vàng vào mặt nữa, chỉ có vĩ nhân mới phạm phải sai lầm to lớn thôi, còn Hải ngọng nhà cậu là cái thớ gì. Đúng là một trăm cân bột hấp được quả đào tiên, tớ chưa thấy cái món điểm tâm nào rởm đời mà to tổ bố như của cậu, lại còn ngông cuồng tự nhận là tội đồ của lịch sử nữa chứ? Sau này chúng ta phải khiêm tốn hơn một chút biết chưa hả?” – Nói đoạn anh quay sang hỏi Thắng Hương Lân: “Cô có thể khẳng định chắc chắn người Liên Xô đã lắp rất nhiều máy điện thoại thạch từ Aφ53 trong cánh rừng than đá không? Tôi nghe mà sao thấy giống họ vùi địa lôi quá vậy?” Thắng Hương Lân nói: “Chúng ta nên tìm kỹ ở khe nứt giữa các lớp vỏ than đá, rất có thể sẽ tìm thấy chiếc điện thoại thứ hai trong khu vực địa hình trũng lún sâu. Bây giờ tôi chỉ có thể phỏng đoán, đợi khi có kết quả rồi tôi sẽ giải thích cặn kẽ nguyên nhân cho các anh.” Tư Mã Khôi gật đầu đồng ý, dẫn ba người triển khai lục soát khu vực lân cận, quả nhiên cách đó không xa đã phát hiện thấy đường dây nằm trên bộ rễ của một cây đại thụ hóa than. Rồi lần theo đường dây, cả đội nhanh chóng tìm thấy chiếc điện thoại thứ hai nằm trong đống vụn than. Tư Mã Khôi thấy sự việc bắt đầu có manh mối, bèn khích lệ Thắng Hương Lân: “Về sau cứ cố gắng làm việc cho tốt nhé, tôi sẽ đề bạt cô.” Thắng Hương Lân nói: “Anh đừng có mạo nhận cán bộ lão thành cách mạng nữa đi, mau rung điện thoại xem nó có phản ứng gì không.” Lúc này đội trưởng Lưu Giang Hà không còn đợi được nữa, vội vàng chạy tới rung máy, nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ ống nghe, anh chàng sợ mình chân tay lóng ngóng, bèn vội hỏi Tư Mã Khôi: “Hay là cái máy này cũng bị hỏng rồi hả anh?” Tư Mã Khôi lại gần kiểm tra nói: “Không phải đâu! Máy móc thiết bị do Liên Xô sản xuất đều rất bền, hoàn toàn dựa trên nền tảng quan điểm: phải thích hợp sử dụng sau chiến tranh hạt nhân, nên kết cấu đơn giản nhưng rất chắc chắn, phải đảm bảo hoạt động bình thường trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất, nên không thể có chuyện liên tiếp hai cái điện thoại bị hỏng được; có khả năng đầu dây bên kia vẫn chưa thông, cũng có thể do đường dây bị người ta cố tình cắt đứt…” Thắng Hương Lân nói: “Anh đừng phân tích linh tinh nữa, phía đáy điện thoại có một ống thép hàn cắm sâu xuống lớp than, bởi vậy tôi mới cảm thấy chiếc điện thoại thạch từ Aφ53 không phải dùng để liên lạc.” Tư Mã Khôi không hiểu: “Sự tồn tại của điện thoại thạch từ quân sự tiện dụng là để sĩ quan chỉ huy thiết lập liên lạc trực tiếp với tiền tuyến, nếu không thể nối máy thì còn dùng làm gì? Người Liên Xô chắc không đến nỗi ăn no rửng mỡ tiến hành diễn tập kéo dây trong lớp vỏ than dá ở độ sâu hàng vạn mét dưới lòng đất chứ hả?” Thắng Hương Lân nhắc nhở mọi người: “Các anh còn nhớ lúc anh Hải hỏi gã kỹ sư Điền Khắc Cường, từng nhắc đến một vấn đề: phân đội thăm dò vật lý làm công việc gì không? Thực ra thăm dò vật lý chính là phương pháp thăm dò khoáng vật bằng vật lý học. Phân đội khoan thăm dò Karamay vốn định đến để giúp chúng ta hành động, trong đó có một tiểu đội vật lý thăm dò, bao gồm các nhân viên kỹ thuật và kỹ sư. Lúc đó tôi cũng rất thắc mắc, kính viễn vọng Lopnor là công trình khoan thăm dò độ sâu, khoan đào huyệt động nguyên sinh bằng các loại thiết bị khoan hạng nặng. Từ đó thăm dò các vật chất không giống nhau trong kểt cấu địa tầng, trực tiếp lấy mẫu vật lõi đá. Nhiệm vụ này hoàn toàn không cần sự tham gia của các chuyên gia vật lý thăm dò, nhưng khi nhìn thấy đường dây điện thoại nối liền với cây thép dài cắm sâu dưới lớp than, thì tôi mới hiểu rốt cục là chuyện gì. Rất có khả năng vô số máy điện thoại thạch từ Aφ53 mà người Liên Xô lắp dưới lòng đất là một hệ thống thăm dò khoáng quặng vật lý với quy mô khổng lồ, nguyên lý sử dụng theo phương pháp viễn thám điện trường, hay còn gọi tắt là địa mạng, chắc chắn bọn họ muốn thám trắc những khu vực bí ẩn nằm sâu nhất trong cánh rừng rậm than đá.” Cách biệt về trình độ chẳng khác nào cách núi ngăn sông, hội ba người Tư Mã Khôi, Hải ngọng và Lưu Giang Hà rốt cục đều là hạng quê mùa, chưa bao giờ nghe đen cái gọi là: “phương pháp viễn thám điện trường’, cũng không thể lý giải về nó. Chẳng lẽ sử dụng máy điện thoại thach từ cũng có thể tìm thấy mỏ quặng hay sao? Đã đến được đáy kính viễn vọng Lopnor, thì chỉ cần tiếp tục bới lớp vỏ than đá bên trên ra chẳng phải là tới nơi rồi ư? Bọn họ không hiểu vì sao người Liên Xô lại phải tốn công đi vòng vo như vậy? Thắng Hương Lân biết: nếu muốn làm rõ mọi ẩn sổ trong kính viễn vọng Lopnor, thì tất cả bốn thành viên của đội thám hiểm cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Bây giờ cô phải nói cho mọi người để họ hiểu được đích xác họ đang đối mặt với tình huống gì. Thế là cô nhẫn nại giải thích cặn kẽ: “Công tác trắc họa thăm dò mà tôi đang làm, chủ yếu là vẽ lại bản đồ địa hình, đánh dấu các đường biểu thị độ sâu và độ cao khác nhau. Phần lớn các bản đồ đường đẳng sâu đều căn cứ vào số liệu hệ số phân cực mà phân đội thăm dò vật lý cung cấp làm vật tham chiếu, bởi thế tôi cũng hiểu sơ qua một số nguyên lý thăm dò vật lý. Nói một cách đơn giản, phương pháp điện từ trong vật lý thăm dò chính là chôn hộp từ và ống hàn thăm dò xuống lòng đất, sau đó nhân viên chạy phân cực sẽ cõng giá đỡ dây, nối liền ống hàn với dây điện thoại. Dòng điện sản sinh sau khi cán quay của máy điện thoại phát điện, sẽ truyền dẫn xuống lòng đất thông qua ống hàn, đồng thời sản sinh ra luồng sóng điện từ trong địa tầng. Phân đội thăm dò vật lý sẽ sử dụng các thiết bị đo đạc để giải mã các hệ số phân cực được phản xạ ra ngoài, rồi chuyển cho nhân viên trắc họa biến những số liệu ấy thành biểu đồ, từ đó mà suy đoán khung hình kết cấu địa chất và tình trạng phân bố mạch quặng và tầng quặng.” Hải ngọng và Lưu Giang Hà dỏng hai tai lên nghe, một hồi, sau vẫn ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, miệng há ra khô khốc, không hiểu được nửa lời. Tư Mã Khôi thì hiểu được mấy phần, tuy anh không biết gốc rễ nguyên lý, nhưng cũng biết những chiếc máy điện thoại thạch từ Aφ53, tương đương với tầng địa mạng dày đặc được bố trí dưới lóp vỏ than đá, có thể thông qua nó thám trắc từ xa mọi tình hình chi tiết xảy ra trong vực sâu dưới lòng đất. Thắng Hương Lân thấy chỉ có đầu óc Tư Mã Khôi là có vẻ còn khai thông được, bèn nói: “Tôi lấy thêm một ví dụ rất trực quan, nếu nói điện thoại thạch từ Aφ53 và đường dây của nó là vô số sợi thần kinh cảm ứng, thì phần đáy huyệt động của kính viễn vọng Lopnor chính là trung khu đại não. Mạng lưới thần kinh lấy đó làm trung tâm và phân bố xung quanh theo hình phóng xạ, những số liệu lấy được từ hệ thống thăm dò khoáng quặng từ xa đều đưa trở lại kính viễn vọng Lopnor để tăng hiệu ứng tín hiệu; ở đó có khả năng đã được lắp đặt sẵn một số thiết bị, thậm chí có thể còn tồn tại một cỗ máy phát điện công suất lớn cung cấp điện xuống lòng đất.” Hải ngọng bấy giờ mới hiểu ra: “Cô nói thế thì tôi hiểu rồi, chúng ta chỉ cần mò theo đường dây tiếp tục đi về phía trước thì sẽ tìm thấy một huyệt động nằm sâu hơn chục ngàn mét, cũng chính là kính viễn vọng Lopnor, chứ không cần quay máy điện thoại. Thực ra, cho dù chúng ta có nối thông máy thì cũng không có ai nghe, nhưng mấy lời dặn dò lúc trước của ông bác già có ý nghĩa gì nhỉ?” Thắng Hương Lân đáp: “Tôi nghĩ giáo sư không vô duyên vô cớ nói như vậy, có lẽ trong kính viễn vọng Lopnor quả thực tồn tại một chiếc máy có thể bắt được liên lạc.” Tư Mã Khôi nói: “Động đạo người Liên Xô khai quật, sau khi đào sâu đến đây thì ngừng lại, rồi chuyển sang sử dụng phương pháp viễn thám gì gì đó để thám trắc. Điều này chắc chắn vì họ phát hiện thấy khu vực bí ẩn dưới lớp vỏ than vô cùng nguy hiểm, nên không dám trực tiếp thâm nhập nữa. Bởi thế mà tôi đoán: phía dưới chính là cực vực, chúng ta cách chân tướng sự thật không còn bao xa nữa đâu, đừng lo lắng quá, trước tiên phải tìm kính viễn vọng Lopnor, sau đó sẽ bàn tính tiếp”. Mọi người lập tức đeo ba lô và vác súng, mò mẫm theo đường đây điện thoại lắp đặt gần đó tiến về phía trước. Cánh rừng rậm than đá rộng hàng ngàn mét ẩn mình dưới lòng sa mạc, được hình thành từ xác các loài thực vật rậm rạp chìm lún xuống lòng đất từ thời kỳ viễn cổ, do lớp vỏ thực vật sinh trưởng phủ kín cả vùng sơn địa nhấp nhô. Chính vì vậy sau khi chìm lún xuống lòng đất nó cũng phân bố theo hình lượn sóng, về cơ bản vẫn giữ nguyên diện mạo ban đầu, chỉ có điều toàn bộ tàn tích đều hóa thành mạch quặng than đá đen bóng. Các khe nứt và câu cốc trong lòng rừng rậm than đá lại cấu thành mạng lưới huyệt động, có địa hình hiểm trở khó lường. Giữa những khu vực sụt lún cũng không thể tìm thấy đường dây, nhưng chính những chỗ đó lại vùi lấp rất nhiều điện thoại thạch từ. Sau khi liên tiếp tìm thấy mấy cái, cả đội gần như đã nắm bắt được hướng chạy tổng thể và quy luật phân bố của đường dây. Bây giờ có vật tham chiếu cụ thể dẫn đường, cả đội không còn lớ ngớ đi lung tung như lúc đầu nữa.” Đường dây điện thoại nhiều nhất chỉ có thể kéo dài hai mươi ngàn mét tuyến tính (1), giữa lớp than cố thụ với kết cấu phức tạp này, lần mò tìm kiếm cũng không phải chỉ trong chốc lát là xong. Họ đang tiến hành được nửa chừng, bỗng nhiên mặt đất bắt đầu rung chuyển, chấn đông, khiến lớp vụn than đổ xuống rào rào, kèm theo đó là luồng gió lạnh âm u, chỉ nghe bên tai vọng lại chuỗi âm thanh ù ù phát ra từ nơi sâu dưới lớp vỏ than đá, dường như một loài sinh vật nào đó đang nằm rình mồi dưới vực sâu trong bóng tối đang di chuyển. (1) Mét tuyến tính: là một đơn vị thống kê biểu thị công trình lượng, thường dùng cho các công trình bất quy tắc công trình đường ống, đường bờ biển hay đào cống. Mọi người nghe mà căng cả da đầu, lập tức dừng bước quỳ hẳn xuống. Hải ngọng kêu khổ: “Hình như động đất thì phải! Con bà nó, sao vận rủi nào lúc nào cũng bám theo tụi mình thế nhỉ, nhân tố ngẫu nhiên gần đây xảy ra nhiều quá rồi đấy!” Tư Mã Khôi đưa tay sờ chiếc đồng hồ vàng mà Triệu Lão Biệt để lại, lúc trước anh đã điều chỉnh thời gian trùng với thời gian trên chiếc đồng hồ của giáo sư Nông địa cầu. Lúc này nhìn giờ, anh không ngờ nó lại hoàn toàn giống với thời gian lúc mọi người gặp vật chất hắc ám trong hang động đá vôi. Bây giờ, anh cũng không hiểu lớp tro bụi mà đại kiếp giữa thiên địa tàn lưu lại rốt cục là thứ gì, trong lòng chợt dấy lên cảm giác sợ hãi lạ lùng. Thắng Hương Lân nói với Tư Mã Khôi: “Đám bụi dày đặc giống như màn sương đen, có khả năng là hiện tượng đặc thù nảy sinh do tác dụng của địa áp. Nó có tính chu kỳ nhất định, thời gian ngắt quãng khoảng 48 giờ. Nếu giáo sư vẫn còn sống, bác ấy chắc chắn sẽ giải thích được nguyên nhân ẩn chứa bên trong. Có điều, dòng đối lưu nhiệt gia tăng hoạt động liên tục, tồn tại xung quanh rừng rậm than đá, chắc không thể ảnh hưởng đến đây được đâu. Anh cũng không cần quá lo lắng về điều này.” Tư Mã Khôi hỏi: “Cô có nhớ tai nạn hàng không xảy ra năm 1963 với chiếc Ilyushin-12 không? Khi đó, kim đồng hồ của toàn bộ hành khách ngồi trên máy bay đều vĩnh viễn dừng lại ở một điểm, bây giờ cô thử nhìn xem đồng hồ của cô chỉ mấy giờ?” Thắng Hương Lân nhìn kim đồng hồ, cô cảm thấy tim đập thình thịch: “12 giờ 30 phút!” Tư Mã Khôi nói tiếp: “Sự cố hàng không năm 1963, mà khoa học không thể giải thích, và đám bụi màu đen xuất hiện trong hang động đá vôi, rất có khả năng đều liên quan đến thứ tồn tại trong cực vực dưới lòng đất. Điều tương đối may mắn bây giờ là thời gian vẫn chưa ngừng lại, điều đó chứng tỏ khu vực chúng ta đang đứng tạm thời vẫn coi là an toàn.” Đội trưởng liên lạc Lưu Giang Hà tò mò hỏi: “Ngộ nhỡ thời gian ngừng lại không chuyển động nữa, chuyện gì sẽ xảy đến với cơ thể chúng ta?” Tư Mã Khôi lắc đầu: “Điều đó thì tôi không biết. Tôi cũng hy vọng chúng ta vĩnh viễn không cấn biết đến nó, bởi vì lúc đầu tôi cũng từng hỏi giáo sư Nông về việc này. Câu trả lời của ông cũng là vậy. Ông còn nói chiếc máy bay xảy ra sự cố ở Kumtag vào năm 1963, may mà nhờ có dòng nhiễu loạn trời trong đẩy nó ra khỏi đường bay, và viên phi công Đinh Đắc Căn bình tĩnh cho máy bay đáp xuống thành công, nếu không thì chiếc Ilyushin-12 đã vĩnh viễn biến mất”.