Quyển 1 - Chương 14
Ai quên cô gái nhà họ Vân
Cuối cùng đã lên được bờ, sương mù giữa hồ cũng tan dần.
Ngôn Hi nói: "Anh tặng em bức tranh đó thì em làm người mẫu nền cho anh nhé?"
A Hoành gật đầu, nói: "Vâng." Mặt cô đỏ bừng, thầm nghĩ, ui chao, hoá ra mình cũng xinh đến mức có thể làm người mẫu cho Ngôn Hi cơ đấy.
Kết quả, Ngôn Hi nói: "Lát nữa làm nền cho cảnh vật, em không phải căng thẳng đâu, cứ coi mình như người qua đường là được."
A Hoành tức đến tím mặt.
Cô làm theo hướng dẫn của Ngôn Hi, đến gốc cây mai, thực ra bản thân cô cảm thấy rất ngượng ngùng nhưng miếng xin là miếng nợ, dĩ nhiên là phải ngoan ngoãn chấp hành thôi.
"Bước lên trước hai bước nữa, cách cái cây xa ra một chút." Ngôn Hi cầm chiếc máy ảnh màu đen, nheo mắt nhìn ống kính.
"Ờ." A Hoành khịt mũi rồi dịch sang bên hai bước.
"Bước lên hai bước nữa."
Thân cây xù xì, cánh hoa mơn mớn, nhìn hoa mai vừa hé nụ, A Hoành bước lên hai bước.
Cô đang làm nền cho một cái cây.
"Bước lên hai bước lớn nữa."Ngôn Hi cầm máy, tiếp tục chỉ đạo.
Một bước lớn, hai bước lớn, A Hoành vừa đếm vừa bước lên, hơi giống với trò nhảy lò cò của trẻ con.
"Bước tiếp đi." Tiếng Ngôn Hi đã ở khá xa.
Cô lại cúi đầu bước tiếp.
"Được rồi, dừng lại." Ngôn Hi nhắc.
"Anh nói gì cơ?" Cô ngoái đầu, chăm chú dõi theo dõi môi đang mấp máy từ xa của Ngôn Hi.
Chàng trai ấy đang đứng trong gió, môi đỏ tóc đen, nụ cười rạng rỡ.
"Tách!"
Hôm đó là ngày 13 tháng 1 năm 1999.
Nhiều năm sau, bức ảnh này được trưng bày ở một góc nhỏ ít người chú ý nhất trong phòng triển lãm.
Một cô gái bình dị với chiếc áo khoác màu xám, đôi mắt đen láy, ánh mắt dịu dàng, chăm chú. Cô đã làm nền cho cả gian phòng với gam màu hoa lệ, quý phái.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia trẻ nghe danh tìm đến, nhìn thấy bức tranh này liền than quá thất bại. Một người tài hoa như Ngôn Hi lại để lại một bức ảnh hoàn toàn không có mĩ cảm này.
Khi ấy Ngôn Hi đã già, mỉm cười lắng nghe lời kiến nghị thành khẩn của con cháu. Bọn họ muốn bỏ bức ảnh thiếu mĩ cảm này đi, nhưng Ngôn Hi chỉ lắc đầu.
"Tại sao ạ?" Bọn họ còn rất trẻ nên còn rất nhiều thời gian để hỏi tại sao.
"Người cô ấy nhìn là tôi." Ngôn Hi cười, ánh mắt già nua, thâm trầm và tối hơn xưa. "Tôi có thể phủ định cả thế giới này nhưng không thể phủ định mình trong mắt cô ấy."
“Em có thích đến Ô Thủy không?” Khi Ngôn Hi thờ ơ hỏi A Hoành thì cô đang cầm chai nước khoáng đổ vào miệng.
Làm người mẫu rất mệt, đặc biệt là một người mẫu bất đắc dĩ như cô. Làm nền cho hoa mai, làm nền cho ô giấy, làm nền cho bầu trời, làm nền cho thuyền bè...
A Hoành không để ý lắm, khi hiểu ra thì phì hết nước ra ngoài.
Ngôn Hi nheo đôi mắt đen láy, cười. “Em không muốn đi hả?”
A Hoành nuốt nước miếng rồi rụt rè hỏi: “Được đi ư?”
Ngôn Hi bình thản đáp: “Ôn Hoành, chữ “Ôn” trong tên em đúng là của nhà họ “Ôn”, còn chữ “Hoành” phài là “Hoành” của nhà họ Vân.”
Chưa có ai nói với cô những điều như thế. Họ chỉ bảo cô mặc quần áo như thế nào, đóng vai nào, nhưng chưa có ai quan tâm đến việc cô có quá khứ như thế nào và tương lai ra sao.
Khóe mắt A Hoành ngân ngấn nước, ánh mắt dõi về phía xa xăm.
Một vật màu hồng chặn trước tầm nhìn của cô, Ngôn Hi uể oải hỏi: “Em nhìn thấy gì?”
Cô không đáp lời.
Ngôn Hi liền cười. “Không bước đi thì làm sao biết được!” Anh không ngoái lại nữa mà miệt mài đi trước, lưng đeo ba lô, người ưỡn thẳng, tựa như một vị khách lữ hành thực sự bước vào cuộc đời cô.
Cô và Ngôn Hi lại lên tàu, dường như chuyến du lịch này của họ có hai phần ba thời gian là dành cho việc ngồi tàu. Truyền thống du lịch tốt đepj của người Trung Quốc - lên tàu thì ngủ, xuống tàu đi tiểu, A Hoành đã làm được phần đầu, phần sau thì để Ngôn Hi.
A Hoành ngủ suốt, Ngôn Hi xuống tàu, kéo A Hoành đi tìm WC. Nào là tường đỏ ngói xanh, suối chảy róc rách bên cầu, dương mềm liễu rủ, toàn là những ý thơ lãng nhách của các văn nhân lúc rảnh rỗi! Đối với Ngôn Hi, lúc này, hai mươi tư cây cầu và ánh trăng vằng vặc của Tây Hồ cộng lại cũn không có sức cuốn hút bằng nhà vệ sinh.
"Ngôn Hi, ở Ô Thuỷ, không có, nhà vệ sinh công cộng đâu." Cô nói rất chân thành, nét mặt lộ rõ vẻ thông cảm.
"Vậy phải làm thế nào?" Ngôn Hi nhe nanh trợn mắt như con thú nhỏ gớm ghiếc.
"Đến nhà em vậy, nhà em có." A Hoành trả lời rất nghiêm túc, tựa như đang thảo luận vấn đề mang tính học thuật.
"Nhà em ở đâu?" Ngôn Hi trợn mắt ai oán.
A Hoành khịt mũi, túm tay Ngôn Hi rồi chạy thục mạng.
Ngôn Hi chạy mà mặt mày xanh rớt, hic, hình như sắp... ra rồi...
Ngôi làng rất nhỏ, khi A Hoành và Ngôn Hi chạy về đến nhà họ Vân trong trạng thái thở hổn hển thì bà Vân và bà Hoàng hàng xóm đang nói chuyện.
"Mẹ ơi, mau lấy giấy vệ sinh!" A Hoành đẩy Ngôn Hi vào nhà cầu nhà mình như một cơn lốc xoáy.
Bà Vân ngẩn người hỏi: "Bà Hoàng, vừa nãy có phải con gái cháu không?"
"Cha mẹ ơi, tôi còn tưởng mình đang bị ảo giác cơ!" Bà Hoành lấy khăn mùi soa ra chấm mắt dù chưa khóc.
"Mẹ ơi, giấy vệ sinh!" A Hoành gào lên.
Ngôn Hi nhìn mâm cơm toàn những món ngon và cười rất hả hê: "Cô Vân khéo tay quá!"
"Toàn những món bình dân, có gì là cao sang đâu." Bà Vân nhẹ nhàng hỏi: "Cháu là... Ngôn Hi nhỉ? Cháu ăn nhiều vào, đừng khách sáo nhé!"
A Hoành cầm đũa lên định gắp thức ăn thì bị bà Vân mắng: "Con gái con đứa chẳng có ý tứ gì cả! Khách còn chưa ăn, con đã thò đũa vào?"
A Hoành khịt khịt mũi, vẻ rất ấm ức rồi buông tay xuống.
Cứ như thế, sự xuất hiện của Ngôn Hi đã khiến sự trở về của cô không hề cảm động, không khiến ai phải rơi giọt nước mắt nào, mà có cảm giác như đi chơi đâu đó ở nhà hàng xóm rồi về.
“Cô Vân cứ gọi cháu là A Hi hoặc Tiểu Hi là được rồi.” Ngôn Hi rất lịch sự, nụ cười cũng rất dễ thương, từ nhỏ anh được gọi là “sát thủ của mẹ” cũng không có gì là quá lời.
“Anh nghe hiểu hết à?” A Hoành tò mò lắm, tại sao Ngôn Hi lại nghe hiểu tiếng địa phương ởđây nhỉ?
“Ông nội từng dạy anh.” Ngôn Hi đáp rất ngắn gọn.
A Hoành thực sự bất ngờ, trước đó cô còn cầm đèn chạy trước ô tô dịch cho Ngôn Hi, chẳng biết anh chàng có cười thầm không, chắc chắn là sẽ thấy rất hoang đường.
Chỉ có điều không hiểu tại sao ông nội Ngôn Hi lại có mối liện hệ với làng Ô Thủy nhỉ?
Bà Vân nhìn Ngôn Hi hồi lâu rồi như nhớ ra điều gì đó, ánh mắt lộ rõ vẻ khó hiểu. Rồi bà nhìn sang A Hoành và bình thản nhắc: “A Hoành, ra gọi a ba về ăn cơm.”
Ngôn Hi mỉm cười không nói. Trước đó anh đã đoán được rằng cha mẹ nuôi của Ôn Hoành biết lời giao kèo năm xưa.
A Hoành không hiểu gì, chỉ gật đầu rồi đứng dậy, thoăn thoắt đi ra lò thuốc trong làng. “A ba!” A Hoành nhìn người đàn ông với mái tóc hoa râm đang cân thuốc cho bệnh nhân và cười rất vui vẻ.
Ông Vân sững lại, ngoảnh đầu nhìn A Hoành, ánh mắt lộ rõ vẻ kinh ngạc.
A Hoành chạy đến trước mặt người đàn ông, ngửa đầu lên nhìn cha.”A ba.” Tiếng cô rất giống với thời còn nhỏ.
“A Hoành, con về từ bao giờ vậy?” Ông Vân đặt túi thuốc trong tay xuống, khẽ hỏi cô con gái. “Ông nội con cũng về ư?”
A Hoành không dám nhìn thẳng vào mặt cha mà đưa mắt nhìn xuống và lắc đầu.
“Con bỏ về đây ư?” Ông Vân cau mày, cao giọng hỏi.
A Hoành không nói gì mà đứng chôn chân trước lò thuốc. Người qua lại thì thầm với nhau, tay cô ngượng nghịu không biết phải để ở đâu.
Lúc đầu vì buồn nên cô mới bất chấp tất cả và theo Ngôn Hi về Ô Thủy. Giờ nghĩ đến nhà họ Ôn ở thành phố B, cô mới cảm thấy chuyện mình làm không được chín chắn, có khi bây giờ mọi người cũng đã báo công an như hôm Tư Hoán mất tích rồi cũng nên.
“Cái con bé này!” Ông Vân giận đến tím mặt, vớ lấy cái chày giã thuốc định đánh A Hoành.
A Hoành sững sờ, nghĩ tại sao a ba vẫn dùng chiêu này, cô đã trờ thành người kinh thành rồi, giờ về nhà mà ông vẫn không nể mặt cô tí nào? Nhưng cái chày vẫn chĩa vào, A Hoành nuốt nước miếng, sợ quá co giò chạy mất.
“Mày đứng lại ngay, cái con mất nết kia!” Ông Vân đuổi theo.
“A ba, đừng giận con nữa, mẹ bảo con gọi a ba về ăn cơm!” A Hoành sợ suýt khóc, vừa chạy vừa gọi.
“Hơ, tôi đã nói từ đầu mà, người ta sống trong nhà cao cửa rộng, làm sao có chuyện yêu quý con nhỏ ngớ ngẩn này. Coi đó, bây giờ bị người ta trả về rồi!” Con dâu ông trưởng thôn mở quán nước chè mùa đông, vừa cắn hạt dưa vừa xem hai cha con nhà A Hoành đuổi nhau, vừa nói mát.
Có bà mới bị trả về ấy! A Hoành khịt mũi mà lòng ấm ức vô cùng, thấy chiếc chày giã thuốc sắp phang xuống người mình lại co giò chạy nhanh hơn.
Một người đuổi, một người chạy, lâu lắm rồi làng Ô Thủy không náo nhiệt như thế này.
Người lớn, trẻ con đều cười thoải mái.
Coi kìa, con gái nhà họ Vân lại bị đánh rồi.
Từ khi A Hoành còn nhỏ đã như thế, cho cô chẳng bao giờ nể mặt khi đánh cô, đuổi cô chạy khắp nơi, mọi người thì chạy theo xem. Cuối cùng A Hoành cũng chạy về đến nhà, lao vào, vừa khóc vừa mếu: “Mẹ, a ba lại đánh con rồi!”
“Tao cho mày chạy hả!” Đằng sau có tiếng thờ hồng hộc.
Bà Vân nhìn con cười rồi vỗ vỗ lên tay cô, nói với ông Vân: “Con nó hiếu thảo, vừa về đến nhà đã bị ông đánh là sao?”
Ông Vân “hừ” một tiếng rồi quay sang thì nhìn thấy Ngôn Hi.
Thằng bé này đang chống tay lên cằm, hào hứng xem màn biểu diễn, miệng còn cười cười.
“Đây là...” Ông Vân đặt chiếc chày giã thuốc xuống, nhìn Ngôn Hi chăm chú.
Bà Vân liền đáp với giọng đầy ẩn ý: “Ngôn Hi - cháu nội của Tướng quân Ngôn.”
Trong tích tắc, không khí như ngưng tụ lại, nét mặt ông Vân càng nghiêm nghị hơn, ông nhìn Ngôn Hi rồi hỏi: “Là cậu ư?”
Ngôn Hi cười đáp: “Chắc là cháu ạ. Em trai cháu đang ở Mỹ, nhỏ hơn Ôn Hoành nhiều.”
A Hoành không hiểu họ đang nói gì?
Ông Vân trầm ngâm hồi lâu rồi vẫy tay gọi bà Vân: “Bà và nhà với tôi một lúc.” Sau đó quay sang nói với A Hoành: “Tập trung tiếp khách đi nhé, đồ ăn nguội thì mang vào bếp hâm lại.”
Ngôn Hi cầm đũa gắp một miếng thịt bò vào miệng, nhai rồi nhướng mày, cười với ông Vân: “Không cần đâu chú, còn nóng nguyên ạ.”
Nét mặt ông Vân có phần lưỡng lự, nhưng ông cũng không nói gì nửa mà bước thẳng vào nhà. Bà Vân đưa mắt nhìn Ngôn Hi rồi cũng vào theo.
A Hoành tần ngần lấy tay che miệng, hỏi thầm Ngôn Hi: “Có chuyện gì vậy?”
Ngôn Hi đang gặm miếng xương sườn, phồng mang trợn má, bình thản đáp: “Chắc là cha em không ưa anh.”
A Hoành liếc Ngôn Hi một cái rồi nói nhỏ: “A ba em nhìn em cũng không ưa. Anh đừng giận. A ba em là thầy thuốc, chỉ nhìn bệnh nhân là ưa thôi.”
Ngôn Hi nhả miệng xương ra, bình thản đáp: “Ngốc cũng là một cái phúc.”
“Ờ...” A Hoành tuy không hiểu gì nhưng vẫn gật đầu tán thành.
Tối đến, A Hoành bám riết lấy bà Vân đòi ngủ cùng, bà Vân không chối được, đành phải đồng ý.
Ngôn Hi ngủ ở phòng A Hoành trước đây. Ông Vân thì ngủ ở phòng Vân Tại, Vân Tại đang đi điều trị ở bệnh viện quân khu miền Nam.
"Mẹ có nhớ con không?" Trong bóng tối, A Hoành rúc vào chăn, ánh mắt vẫn toát lên vẻ chờ đợi.
"Không nhớ." Bà Vân khẽ xoa đầu con gái và dịu dàng đáp.
A Hoành buồn lắm, nhìn mẹ với vẻ đầy thất vọng. "Nhưng con nhớ mẹ lắm." Cô rúc vào lòng bà Vân, bàn tay ấy thật ấm âp, yên bình biết bao.
"Ở nhà họ Ôn lại chui vào chăn khóc hả?" Bà Vân thở dài, hỏi.
"Không." A Hoành nằm trong lòng mẹ đáp nhỏ.
Cô không nói dối, ở nhà họ Ôn, ngoài ngày đầu tiên cô khóc một lúc ra thì cô không khóc lần nào nữa.
Bà Vân nhẹ nhàng đấm lưng cho cô, giọng vừa ấm áp vừa buồn buồn: "A Hoành, mẹ có lỗi vói con."
Sống lưng A Hoành hơi cứng lại, rồi cô ôm chặt mẹ, nói: "Mẹ à, đó có phải là lỗi của mẹ đâu."
Bà Vân xót xa nói: Vì Tại Tại mà mẹ phải trả con về cho nhà họ Ôn, con không trách mẹ ư?"
A Hoành lắc đầu quầy quậy, cô không thể ích kỉ ngồi nhìn tử thần cướp Tại Tại đi.
Nhà họ Vân là mối duyên ấm áp nhất, tuyệt vời nhất trong cuộc đời cô. Hồi nhỏ, cha dạy cô học chữ. Các cô gái khác đã đi làm thuê từ lâu, cô cũng muốn đi làm, kiếm ít tiền cho Tại Tại chữa bệnh, thế nhưng khi nói với cha, cha liền đánh cho cô một trận nhớ đời, bảo cô rằng kể cả ông có vất vả và lao lực cho đến chết cũng không thể để con gái mình đi làm người làm cho nhà người khác.
Mẹ thì dịu dàng nhất, lần nào cũng tết tóc, may váy đẹp cho cô, kể chuyện hay cho cô nghe. Lần nào bị cha đuổi đánh, cô cũng được mẹ bênh. Khi cha đánh cô đau quá, mẹ còn khóc nhiều hơn cả cô.
Tại Tại cũng rất quý mến cô, có gì ngon cũng đợi cô tan học về rồi cùng ăn. Thỉnh thoảng cô phải lên núi với cha để hái thuốc, phải ngủ đêm trên đó. Tại Tại lúc nào cũng thức chong chong cả đêm đợi cô về.
Tết là lần duy nhất trong năm Tại Tại được phép đi chơi cùng cô. Tại Tại đi chợ cùng cô, thích cái gì cũng tiếc tiền không dám mua nhưng lại bỏ ra số tiền mừng tuổi đã tiết kiệm rất lâu để mua đèn lồng hình con thỏ cho cô, chỉ vì cô thích thỏ.
Cô muốn nhà họ Vân được bình an, cô muốn Tại Tại được khoẻ mạnh trở lại, mang họ Vân hay họ Ôn thì có gì khác nhau đâu?
"Mẹ à, người nhà họ Ôn rất quý con, mẹ cứ yên tâm." A Hoành ngước mắt lên nhìn mẹ rồi cười khúc khích. "Ông nội con ở đó vì con mà đã mắng anh con mấy lần, mẹ con ở đó chơi piano rất giỏi, anh con ở đó rất thương con."
Bà Vân cũng cười, chỉ có điều mắt vẫn ngân ngấn nước. "Tốt rồi, tốt rồi! Con gái mẹ ngoan như vậy thì có ai mà không quý chứ!"
"Mẹ ơi, khi nào con lớn, con về thăm mẹ thì mẹ đừng đuổi con đi nhé?" A Hoành rụt rè hỏi.
"Ừ. Mẹ phải đợi con gái mình kiếm được tiền rồi phụng dưỡng được mẹ chứ, mẹ sẽ đợi."
"Mẹ ơi, mình ngoắc tay đi, con mà không nhớ mẹ, mẹ cũng đừng nhớ con nhé!" A Hoành sụt sịt, mắt bắt đầu đỏ hoe.
Bà Vân nghẹn ngào nói: "Mẹ không nhớ con, nhất định sẽ không nhớ con."
Đêm nay, Ngôn Hi cũng ngủ khôngngon.
Người Ô Thuỷ có thói quen ngủ giường tre, trong khi Ngôn Hi lại sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, không thể quen được với tập tục này, cảm thấy cứ lắc lư, cọt kẹt kiểu gì, trằn trọc hồi lâu mà không tài nào ngủ được.
Trong bóng đêm, đôi mắt anh đã dần thích nghi với căn phòng nhỏ này, ngoài chiếc bàn học sạch sẽ và mấy cuốn sách ra thì không còn gì khác.
Anh không thể tưởng tượng được rằng, bao nhiêu năm qua, Ôn Hoành lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ như thế này. Tính ra số phận Ôn Tư Nhĩ vẫn may mắn hơn một chút.
Ngôn Hi khẽ nhếch mép rồi cười khẩy, ý cười lộ rõ vẻ mỉa mai.
Bất ngờ, có ánh đèn yếu ớt lọt vào phòng, có tiếng người đi đi lại lại đầy vẻ bất an ở bên ngoài.
Ngôn Hi không ngủ được, bèn xuống giường và đi ra ngoài.
Không nằm ngoài dự đoán của anh, người đang đi đi lại lại chính là ông Vân.
"Bác Vân, sao bác chưa ngủ ạ?" Ngôn Hi tựa người vào khung cửa, bắt chéo chân, mái tóc đen rủ xuống trán, dưới ánh trăng, chỉ nhìn thấy chiếc cằm trắng trẻo của anh.
Cũng như bao người đàn ông khác ờ vùng Giang Nam, ông Vân hút thuốc lào phát ra những tiếng rít lọc xọc giữa căn phòng vô cùng yên tĩnh.
“Ngôn Hi, chuyện của A Hoành nhà cô chú, cháu định thế nào?” Người đàn ông cau mảy nhìn Ngôn Hi bằng ánh mắt chăm chú.
“Dĩ nhiên là phải làm gì thì làm như thế thôi ạ.” Ngôn Hi mỉm cười, mặc dù Ôn Hoành sống cuộc sống nghèo khổ, nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn anh vì được cha mẹ nuôi yêu thương.
“Cháu sẽ...” Người đàn ông nần ngừ, nghiến răng rồi hỏi: “Cháu có quý mến A Hoành không?”
Ngôn Hi ngẩn người, một lúc sau mới cười cười, nói: “Bác cả nghĩ quá!”
Ông Vân có vẻ bực, sẵng giọng nói: “Năm xưa, ông nội cháu đã nói với chú, nhà họ Ngôn có nợ với A Hoành, sau này sẽ để cháu nội ông mang kiệu đến rước A Hoành về làm vợ.”
Ngôn Hi nói bằng giọng khá lạnh lùng nhưng cũng toát lên vẻ chân thành: “Chú Vân ạ, chuyện sau này chẳng ai nói trước được, nhưng ít nhất cháu sẽ không để ai bắt nạt Ôn Hoành. Trước khi cô ấy xác định tình cảm của mình, cháu sẽ coi cô ấy như em gái ruột, chú cứ yên tâm.”
“Thế nếu A Hoành nhà chú quý mến cháu thật thì sao?” Nét mặt ông Vân hết sức nghiêm túc.
Ngôn Hi suy tư một lát rồi lặng lẽ cười.
“Thì cháu sẽ lấy em ấy làm vợ ạ.”