P3 - Chương 4: Đào xanh rợp bóng

Hầu như thành phố nào cũng từng xảy ra vụ án đáng sợ kiểu băm xác phanh thây, chỉ có điều người ta không biết mà thôi. Một trong những vụ án lột da người nổi tiếng nhất trên thế giới phải kể đến vụ bá tước phu nhân người Pháp chế tạo cuốn nhật kí làm bằng da người. Bà ta dùng nhật kí đó để ghi chép lại niềm thương nhớ của mình dành cho người chồng quá cố; ngoài ra còn có sát thủ người Tây Ban Nha Jean – Baptiste Grenouille đã giết hại bao nhiêu thiếu nữ để lấy mùi hương tối thượng trên da của họ với tham vọng chế tạo ra loại nước hoa gợi tình vô song cho riêng y.

Tổ chuyên án đặt văn phòng tại trường tiểu học thôn Đào Hoa.

Lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện và phòng cảnh sát đích thân đến trường tiểu học xin lỗi tổ chuyên án, thành thật thừa nhận bản thân còn nhiều thiếu sót trong xử lý công việc, tư tưởng còn bảo thủ, lạc hậu... Tổ chuyên án đề nghị chính quyền địa phương nên thả những người dân bị tạm giam do tổ chức biểu tình và hòa hoãn mối quan hệ với quần chúng. Như thế sẽ có lợi cho công tác điều tra phá án hơn. Chính quyền địa phương chấp nhận yêu cầu của tổ chuyên án, đồng thời cử đội quân tinh nhuệ nhất từ phòng cảnh sát sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho tổ chuyên án.

Giáo sư Lương lập tức phân công công việc. Tô My dẫn bác sĩ pháp y tiến hành khám nghiệm tử thi. Bao Triển và nhân viên kĩ thuật đi kiểm tra hiện trường gây án. Họa Long đến đài truyền hình huyện lấy cuộn băng quay cảnh trước hôm xảy ra án mạng một ngày. Sau khi tổng hợp tin tức, tổ chuyên án tổ chức cuộc họp công bố một phần kết quả vụ án ngay tại trường tiểu học thôn Đào Hoa.

Tô My chĩa máy chiếu về phía bảng đen, còn cô ngồi phía sau chầm chậm quay tay quay của máy chiếu, từng bức ảnh được phóng ra từ cuộn băng nhỏ xíu.

Trên bảng đen lóe lên những cảnh tượng khiếp đảm...

Giáo sư Lương kêu "Dừng!" rồi ông chỉ vào bức ảnh bù nhìn da người và nói: "Đây là thủ pháp dọa kẻ địch thường thấy trong chiến tranh."

Cán sự tuyên truyền lạc giọng hỏi: "Thường thấy ư? Lột da là chuyện bình thường sao?"

Giáo sư Lương đáp: "Tất nhiên rồi! Bây giờ không thể gọi những kẻ lột da người là hung thủ hay tội phạm, bởi đối với y đây là một trận chiến!"

Cán sự tuyên truyền gật gù tỏ ý hiểu: "Ồ! Ý của giáo sư là hung thủ có khả năng từng tham gia quân đội sao?"

Giáo sư Lương phóng to hình ảnh vết thương chí mạng ở yết hầu, ông giải thích: "Theo bước đầu suy đoán thì hung khí có thể gây nên vết thương kiểu này là loại dao găm quân dụng, vì hung khí gây án hội tụ tất cả các đặc điểm của dao găm quân dụng, chỉ cần một nhát cắt vào khí quản, kẻ sát nhân hạ thủ rất tàn nhẫn và máu lạnh, khi lột da y vô cùng bình tĩnh và ung dung, y nhồi rơm vào trong bộ da người. Tố chất tâm lí của tên tội phạm này thật đáng kinh ngạc, rất có khả năng y từng tham gia chiến tranh!"

Bao Triển báo cáo với giáo sư Lương kết quả kiểm tra hiện trường. Hai nạn nhân bị sát hại là trưởng ban Dương và chủ đầu tư dự án người Hồng Kông, cả hai đều bị giết bởi cùng một hung thủ. Ông chủ người Hồng Kông chết trong căn chung cư cao cấp ở sơn trang Hoa Đào, đó cũng chính là nơi hung thủ tiến hành làm bù nhìn da người. Thi thể không đầu của nạn nhân vẫn nằm trong phòng. Bởi sơn trang vừa mới xây dựng nên vẫn chưa có hệ thống camera, các biện pháp an toàn cũng chưa được lắp đặt đầy đủ, thậm chí cửa sổ còn chưa có lưới chắn bảo vệ. Bao Triển không thu được nhiều manh mối từ hiện trường, trong phòng rơi vãi rất nhiều mảnh vụn của loại sứ Thanh Hoa. Được biết ông chủ người Hồng Kông này có sở thích sưu tầm đồ cổ, có điều không phát hiện thấy dấu vân tay của hung thủ trên các mảnh sứ vỡ, rất có khả năng tên sát nhân đeo găng tay...

Giáo sư Lương bổ sung: "Còn một khả năng nữa, đó là tên tội phạm ép ông chủ người Hồng Kông kia tự đập vỡ những món đồ cổ mà mình yêu quý, sau đó y mới ra tay sát hại."

Bao Triển tiếp tục trình bày: "Căn cứ theo kết quả điều tra của đội cảnh sát xã thì trước khi trưởng ban Dương bị sát hại, ông ta đã ngồi đánh cờ với hung thủ, bức ảnh hiện trường cho thấy khả năng chơi cờ của hung thủ rất bình thường, không hề có đấu pháp nào khả dĩ, nhưng y vẫn thắng được trưởng ban Dương. Điều đó chứng tỏ hung thủ muốn công kích và giày vò tinh thần của nạn nhân."

Giáo sư Lương tiếp lời: "Y muốn nạn nhân phải cảm nhận được nỗi đau khi mất đi những gì mình yêu quý nhất. Và đây cũng là nỗi đau của tên tội phạm!"

Bao Triển tán thành quan điểm của giáo sư Lương: "Đúng vậy! Tội phạm giết trưởng ban Dương ở đình Lan Khả, sau đó kéo về trường tiểu học thôn Đào Hoa treo lên cây, chế thành bù nhìn, rồi trong vườn đào ở ven đường. Y làm như vậy nhằm mục đích dọa đội phá dỡ. Có thể khẳng định vụ án này liên quan đến việc phá dỡ nhà dân của chính quyền địa phương."

Gã cán sự tuyên truyền hỏi: "Sau đó sao y lại treo xác của trưởng ban Dương lên cây liễu ở đầu thôn?"

Giáo sư Lương đáp: "Tôi tin chẳng bao lâu nữa sẽ có câu trả lời cho câu hỏi của cậu."

Họa Long cùng giáo sư Lương đi điều tra thực tế trong thôn. Họ nhận được sự tiếp đón rất nồng hậu của người dân, dân chúng mổ gà nấu rượu tranh nhau mời cơm, trong mắt họ Họa Long chẳng khác nào vị anh hùng khi tả xung hữu đột giúp họ cản trở đội phá dỡ. Giáo sư Lương bất giác nhớ đến người Vũ Lăng nọ vô tình lạc bước tới Đào Hoa Nguyên trong tác phẩm "Đào Hoa Nguyên Ký" của Đào Uyên Minh. Khi ấy người dân cũng nhiệt tình khoản đãi anh ta giống hệt như đang khoản đãi Họa Long bây giờ "Người người nhiệt tình mời cơm, nhà nhà đều đem rượu ra tiếp đãi".

Trong quá trình đi phỏng vấn thực tế, người dân cho hay họ không hề biết về xác chết treo trên cây, đồng thời còn thanh minh không nhìn thấy nhân vật nào khả nghi ra vào thôn cả.

Bà lão có mái tóc phơi sương là người thân của nhiều liệt sĩ trong kháng chiến chống Nhật, không những vậy bà còn là người đức cao vọng trọng trong thôn. Bà lão lấy nhựa thông cạo sạch lông trên cái thủ lợn, rồi bỏ thủ lợn vào nồi hầm nhỏ lửa, sau đó mang trà Phổ Nhĩ đã cất giữ hơn hai mươi năm ra mời Họa Long và giáo sư Lương. Trà Phổ Nhĩ được mệnh danh là "đồ cổ có thể uống được", nó có giá trị sưu tầm rất lớn, càng để lâu thì chất lượng càng được nâng cao, trà Phổ Nhĩ cất giữ năm mươi năm có giá trị bằng một chiếc xe hơi hiệu Honda.

Bà lão càm ràm kể: "Lão chủ người Hồng Kông kia cứ đòi mua gói trà này của tôi với giá cao, nhưng tôi không bán, vốn là định để dành đến ngày cháu trai lấy vợ mới mang ra dùng, nhưng nay nhà có khách quý đến chơi nên nhất định phải mang ra tiếp đãi."

Họa Long uống một ngụm to, nhưng anh chẳng cảm thấy nó có mùi vị gì đặc biệt.

Giáo sư Lương thưởng thức một ngụm nhỏ, hương trà nồng đượm ngấm vào tận tim phổi.

Giáo sư Lương hình như rất hứng thú với quá trình chưng cất tinh dầu nhựa thông nên ông không ngừng hỏi thăm bà lão. Bà lão nói loại tinh dầu này do cậu bảo vệ rừng tặng bà, cậu ta thường đi loanh quanh trong thôn mua thuốc nam, thịt thú rừng và rau rừng.

Giáo sư liền hỏi: "Cậu bảo vệ rừng đó chắc cao to lắm bà nhỉ? Cậu ta có phải là người ngoại tỉnh không ạ?"

Bà lão đáp: "Đúng vậy! Cậu ta khá đô con, lại từng làm lính nữa, lính cứu hỏa. Cậu ta rất thích uống rượu, mà hễ say là lại chửi bới lung tung."

Sau khi trở về văn phòng, giáo sư Lương xem lại cảnh quay mà đài truyền hình thực hiện trước hôm xảy ra án mạng, trên màn hình hiện ra hình ảnh người chưng cất tinh dầu nhựa thông mà thầy Tần từng nhắc đến. Anh ta đội mũ, đeo khẩu trang, mặt hướng vào máy quay và nói dõng dạc: "Ai dỡ nhà tôi, tôi lột da kẻ đó!" Tô My liền đến ban vũ trang huyện lấy hồ sơ của tất cả nhân viên bảo vệ rừng đã xuất ngũ và chuyên ngành, sau đó nhờ lãnh đạo phòng lâm nghiệp nhận dạng, cuối cùng cô xác định người đàn ông đeo khẩu trang, đội mũ lọt vào ống kính máy quay của phóng viên kia chính là nhân viên bảo vệ rừng hiện tại của địa phương.

Người đàn ông này có rất nhiều điểm khả nghi, đồng thời cũng phù hợp với miêu tả về đặc điểm nhận dạng tội phạm của tổ chuyên án.

Có thể nói nhân viên bảo vệ rừng chính là thần gác rừng, công việc chủ yếu của họ là phòng tránh cháy rừng, đi tuần quanh rừng, ngoài ra còn đảm nhiệm một số công việc đo đạc, thám trắc, rất nhiều người gác rừng không thể chịu cảm giác cô đơn và buồn chán khi một mình đối diện với rừng sâu nên hàng năm phòng lâm nghiệp đều phải thay người gác rừng, nhân viên vừa mới đến nhận việc là một lính cứu hỏa đã xuất ngũ.

Tuy trời đã nhá nhem tối nhưng tính chất vụ án quá nghiêm trọng nên không ai dám chậm trễ. Họa Long và người dẫn đường của phòng lâm nghiệp mang theo một đội quan quân vội vàng lên núi bắt nghi phạm về thẩm vấn. Trong rừng có rất nhiều điếm canh, thường ngày người gác rừng sẽ sống trong những điếm canh đó. Trên sườn núi phía sau trường tiểu học thôn Đào Hoa không xa có một điếm canh cũ kĩ được đắp bằng đá và bùn đất. Chẳng mấy chốc cảnh sát đã bao vây ngôi nhà, qua cửa sổ có thể nhìn thấy một đống khoai tây chất ở góc tường, một chai dầu đặt trên bệ cửa sổ, trong nhà không mắc điện, chỉ có ngọn đèn dầu loe lét cháy sáng, bên cạnh còn có một vò rượu trống không, người gác rừng đang nằm ngáy khò khò trên chiếc phản được đắp bằng đất.

Họa Long đạp cửa xông vào, lúc cảnh sát bắt người gác rừng, thì người đàn ông ngủ sưng mọng mắt nhìn cảnh sát, ngoạc mồm ra chửi: "Chính ông mày làm đấy! Ông mày ở đây đợi chúng bay lâu lắm rồi! Lũ súc sinh chúng bay!"

Câu chửi không khiến đội cảnh sát có mặt ở đó tức giận, mà ngược lại còn làm họ vô cùng phấn khích, vì nghi phạm không khảo mà tự xưng, xem ra cảnh sát đã bắt đúng hung thủ. Song kết quả thẩm vấn lại khiến mọi người vô cùng thất vọng, người gác rừng không hề phủ nhận về hành động treo xác người lên cây liễu ở đầu thôn, nhưng anh ta thanh minh mình không hề giết người, có điều anh ta cũng không hề giấu giếm ý định mình muốn giết người, không những vậy anh ta còn bày tỏ thái độ kính trọng với kẻ sát nhân.

Nói theo cách của anh ta thì: "Lấy da người nhồi rơm thành bù nhìn? Quá sáng tạo! Ông đây mà biết ai làm thì sẽ kính người đó một chum rượu mới được!"

Tổ chuyên án và phòng cảnh sát huyện lần lượt tiến hành thẩm vấn anh ta hai lần, nhưng khẩu cung của người gác rừng trước sau như một xem ra anh ta không hề nói dối.

Căn cứ theo cách nói của người gác rừng thì anh ta vô cùng chán ghét công việc hiện tại, ba ngày đánh cá thì hai ngày phơi lưới, hôm ấy anh ta lên nhà người thân ở huyện thành chơi vài bữa, buổi sáng lúc trở về điếm canh trên núi, vừa bước vào cửa liền phát hiện trên mặt đất có một tử thi mất đầu, nhờ vào quần áo của nạn nhân anh ta biết đó chính là trưởng ban Dương ở phòng du lịch, xuất phát từ tâm lí muốn xả hận, nhân lúc trời còn tờ mờ sáng, sương vẫn chưa tan hẳn, anh ta treo tử thi lên cây liễu trước cổng thôn Đào Hoa, sau đó trở về điếm canh uống rượu rồi đánh một giấc.

Giáo sư Lương nói: "Vì sao cậu lại trả lời phóng viên rằng ai đốt nhà cậu, cậu sẽ lột da kẻ đó?"

Họa Long tiếp lời: "Đúng thế! Anh là người ngoại tỉnh việc phá dỡ đâu liên quan gì đến anh, vì sao anh lại thù ghét họ đến vậy?"

Tay bị còng của người gác rừng đặt trên đùi, còn tay kia anh ta đập thình thịch vào ngực mình hào sảng đáp: "Ngứa mắt chứ sao! Thấy bất bình không thể khoanh tay đứng nhìn!"

Sau đó anh ta quay sang Họa Long chất vấn: "Nếu có người muốn dỡ nhà anh, anh không đồng ý nhưng họ vẫn cố tình dỡ thử hỏi anh sẽ làm gì?"

Họa Long ngớ người không trả lời được.

Cuộc thẩm vấn kết thúc lúc tám giờ tối, chủ tịch xã bảo thầy Tần mua rất nhiều đồ nhậu về để khoản đãi tổ chuyên án và các cảnh sát, ông ta còn mặt dày chúc rượu Họa Long, thầy Tần cũng ở đó làm bạn rượu, có điều người nào cũng rầu rĩ, các manh mối của vụ án vốn đã mờ mịt nay lại càng rơi vào ngõ cụt.

Bao Triển luôn nghi ngờ thầy Tần nhưng đêm hôm trưởng ban Dương bị sát hại, thầy Tần lại ở bến tàu trên thành phố, còn hôm chủ đầu tư người Hồng Kông bị hại thì thầy Tần lại ở cùng tổ chuyên án trong trường tiểu học thôn Đào Hoa. Trong cả hai vụ án mạng, thầy Tần đều có chứng cứ ngoại phạm chứng tỏ thầy không có mặt tại hiện trường gây án. Bao Triển đành loại thầy Tần ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi. Nhưng không hiểu sao anh luôn cảm thấy có điểm gì đó không ổn mà mãi không lần ra được rốt cuộc không ổn ở điểm nào.

Bao Triển xin Họa Long một điếu thuốc, anh ra ngoài vườn vừa hút thuốc vừa suy nghĩ.

Ánh trăng bàng bạc trải khắp không gian mênh mông, mùi hoa mộc thoang thoảng đưa hương, tiếng tiêu đâu đó ở nơi xa văng vẳng vọng đến mang nỗi buồn cô tịch, Tô My đẩy xe lăn cho giáo sư Lương ra vườn.

Bao Triển nghe thấy tiếng tiêu, đột nhiên nói: "Đây là khúc gì mà sao nghe quen tai thế nhỉ?"

Tô My đáp: "Đó là khúc Lương Sớn Bá – Chúc Anh Đài!"

Giáo sư Lương gật đầu nói: "Đúng vậy! Tối qua thầy Tần cũng thổi khúc tiêu này, nghe rất bi thương."

Ba người đưa mắt hội ý một lát, Tô My lập tức ra xe cầm hai chiếc gối đầu – tối qua giáo sư Lương và Tô My ngủ trong xe, Thầy Tần đã vào phòng mình mang ra hai chiếc gối cho họ. Tô My lấy cớ mang trả gối xâm nhập phòng kí túc của thầy Tần để âm thầm kiểm tra.

Cửa phòng thầy Tần không khóa, cánh cửa gỗ vá chằng vá đụp, mưa dập gió vùi đã bao năm.

Tô My bật đèn, cô lặng lẽ nhìn quanh căn phòng, một lát sau sống mũi cô chợt cay cay, nước mắt ứa ra hàng mi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện