P3 - Chương 5: Hẹn thề sinh tử

Hai chiếc giường đơn ghép lại thành một, dưới gầm giường đặt hai đôi dép lê ngay ngắn, trên nóc tủ có hai chiếc cốc, trong cốc là hai chiếc bàn chải đánh răng, hai chiếc bàn làm việc cũ nát y như nhau kê sát gần nhau, ở góc tường căng sợi dây thép, trên dây treo hai chiếc khăn mặt, cạnh đó là hai chiếc tủ cá nhân... Tất cả đều thành đôi thành cặp, tất cả đều giống nhau, cũ kĩ và rách nát.

Trên vách tường treo bức ảnh đen trắng thời hai người nhập ngũ, nước ảnh đã ố vàng, trong ảnh là thầy Tần và thầy Đào.

Trực giác của phái nữ khiến Tô My linh cảm thấy hơi thở của tình yêu trong căn phòng này. Cô ý thức hai người đàn ông ấy đã ở trong căn phòng rách nát này hơn hai mươi năm.

Vừa lúc ấy thầy Tần bước vào.

Giáo sư Lương liền hỏi: "Thầy Đào hiện giờ ở đâu? Cậu ta vẫn chưa về quê phải không?"

Bao Triển khuyên giải: "Anh không giết người, anh không cần bao biện hộ anh ta."

Họa Long cũng thêm vào: "Hãy nói cho chúng tôi biết! Giờ không phải đang thẩm vấn anh, mà chỉ muốn nói chuyện riêng với anh thôi!"

Tô My ngập ngừng hỏi: "Hai anh... yêu nhau ư?..."

Thầy Tần cúi thấp đầu, im lặng cũng là một cách trả lời.

Thầy gắng nuốt giọt nước mắt mang nặng bao niềm tâm sự chồng chéo, bờ mi khẽ khép lại hồ như đang quay lại những ngày thuộc về quá vãng.

Thầy Tần thấy một miền quê chợt hiện ra trước mắt, dưới gốc liễu ở cổng làng có mấy đứa trẻ tinh nghịch gõ keng keng vào thùng tôn, một đứa hỏi: "Anh Tần Thiên ơi! Anh đi đâu đấy?"

Tên đầy đủ của thầy Tần là Tần Thiên. Trước ngực người thanh niên trẻ ấy cài một bông hoa màu đỏ, anh hớn hở đáp: "Anh đi lính! Đi đánh nhau đấy!"

Năm ấy, anh mười tám tuổi, bắt đầu gia nhập quân ngũ. Từ bộ đội lục quân anh được điều chuyển thành lính dù thuộc sư đoàn không quân. Trong thời gian đó, Tần Thiên đã trải qua hàng trăm ngàn đau khổ. Mảnh đất ấy chắc giờ đã nở rộ muôn ngàn hoa dại.

Năm l986, anh ăn chiếc bánh bao trong cơn mưa trút như thác đổ.

Năm l987, anh gặm màn thầu trong gió lạnh thét gào.

Năm l988, có người đã nhường anh chiếc bánh bao và màn thầu duy nhất của người ấy.

Người lính dù nào cũng đều biết một câu thế này: Lính dù sinh ra là để bị bao vây!

Anh luôn mơ ước mình được nhảy vào một cánh đồng bạt ngàn sắc vàng của hoa cải, nhưng lần đầu tiên nhảy dù, thì đêm đông đã ập đến, anh nhảy từ độ cao hai ngàn mét, gió phương Bắc như từng lưỡi dao liếm vào da thịt.

Khi ấy, tuyết đang vần vũ giữa không trung, ngay bên cạnh người Tần Thiên.

Đây là lần đầu tiên Tần Thiên nhảy dù vào ban đêm. Lúc xuyên qua màn đêm và nhảy xuống, đám lính dù lúng túng các anh có thói quen hét lớn tên mình, anh nghe thấy một cái tên: Đào Nguyên Lượng. Đến khi đèn báo bật dù sáng lên, anh quăng người xuống, nghe tiếng gió vù vù thổi bên tai, anh rơi vào bóng tối vô cùng vô tận. Có lẽ do ý trời nên anh và anh lính dù có tên là Đào Nguyên Lượng kia bị vướng dây dù vào nhau.

Vướng dây dù là tình cảnh rất nguy hiểm của lính dù khi đang ở trên không, nếu không kịp thời nghĩ cách giải quyết thì hậu quả thực khôn lường.

Cậu Đào Nguyên Lượng kia hét lớn: "Cậu cắm vào dù của tớ rồi bay trước đi! Mặc tớ!"

Tần Thiên mở cán dù, chiếc dù chính lập tức thoát ra ngoài, ngay sau đó anh giật mạnh chiếc dù dự phòng ở trước ngực.

Lúc ấy độ cao cách mặt đất chưa đến năm trăm mét, Tần Thiên rất lo không biết Đào Nguyên Lượng có kịp hành động gì để tiếp đất an toàn không. May mắn thay, trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, Đào Nguyên Lượng đã kịp thời để dù chính bay đi và bật dù dự phòng.

Ngặt nỗi vừa chạm chân xuống mặt đất thì cả hai bị một nhóm người lạ mặt bao vây. Tần Thiên bị thương, cả hai bị dồn đến một sơn trang bỏ hoang, quẫn quá không biết làm sao anh và Đào Nguyên Lượng chui vào thùng phuy gần đó trốn ba ngày ba đêm.

Ăn hết đồ ăn ít ỏi còn sót lại, hai nguời đành ôm bụng đói.

Trong ba ngày khổ nạn bên nhau, vì không gian chật hẹp nên hai người không thể không ép sát người trong tư thế ôm nhau để vượt thời khắc gian khổ.

Giữa lúc đầu óc u mê, họ đã nảy sinh mối tình cấm kị.

Chúng ta không thể biết trong ba ngày duyên nợ đó hai người họ đã làm gì, đã nói gì, nếu không thể gọi đó là tình yêu tội lỗi thì có lẽ nên nói rằng họ đã yêu nhau trong khi chính bản thân không hề nhận ra.

Ba ngày sau, Đào Nguyên Lượng quên mình phá vòng vây cõng Tần Thiên bị thương thoi thóp thở về bệnh viện.

Ba năm sau, hai người đều giải ngũ, Tần Thiên trở về quê hương làm thầy giáo tình nguyện, còn Đào Nguyên Lượng mở xưởng sửa xe máy. Mỗi người họ ở một phương, nhưng họ đã viết cho nhau rất nhiều, rất nhiều thư.

Rốt cuộc phải cần bao nhiêu năm mới mở được cánh cửa trái tim giữa hai người đàn ông?

Trong những lá thư ấy đã gửi gắm bao nhiêu lời yêu thương ẩn ý, bao nhiêu nội dung khiến người ta rung động trái tim?

Rốt cuộc phải cần bao nhiêu dũng cảm, phải xuyên qua bao nhiêu tầng mây đen mới đủ khiến một bàn tay dám nắm chặt một bàn tay khác?

Quê hương người này vang khúc tiêu buồn, còn quê hương người kia nhuộm vàng hoa cúc.

Hai người họ đều không lấy vợ. Một ngày, học sinh trường tiểu học thôn Đào Hoa bỗng phát hiện thầy Tần đột nhiên vô duyên vô cớ mặc áo đay đội khăn tang, chẳng ai rõ nguyên cớ.

Trong khi đó, ở một nơi xa, cha mẹ của Đào Nguyên Lượng gặp tai nạn giao thông và qua đời.

Mấy ngày sau, học sinh trường tiểu học thôn Đào Hoa đón thêm một thầy giáo mới – Thầy Đào.

Hai người đàn ông ở cùng nhau trong gian phòng thường xuyên bị mưa tạt gió lùa. Họ vá khe hở, đắp lỗ hổng... Cứ thế hai mươi năm đã trôi qua.

Thầy Đào và thầy Tần cùng trồng đào, cùng nhổ cỏ, cùng ăn cơm, cùng tản bộ trên những triền núi từ khi còn là hai cậu thanh niên cho đến khi trở thành hai người đàn ông trung niên. Trong suốt chặng đường ấy, họ đã chứng kiến biết bao vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng này.

Đây là sơn thôn hoa đào hồng rực một miền.

Đây là sơn thôn mưa bụi nhẹ bay lây phây.

Đây là sơn thôn hoa cúc vàng cả góc trời.

Đây là sơn thôn tuyết trắng khẽ rơi la đà.

Đây là chốn thần tiên giữa phàm trần, hồ như chỉ trong một đêm, gió xuân đã thắp sáng cả núi rừng bằng mầm non chồi biếc. Hai người cố giữ sự tĩnh lặng trong cõi lòng, hạnh phúc của họ yếu ớt giống như ánh đom đóm lập lòe giữa bãi hoang, lay lắt theo mưa gió và bí mật đến chẳng một ai hay biết. Cuộc đời con người ta tựa dòng nước chảy, hết mùa hoa vàng nở rực rỡ khắp cánh đồng lại đến mùa hoa tím dịu dàng khoe sắc trên triền núi, mùa hoa đỏ bung cánh men theo những thung lũng nhấp nhô... Họ lặng lẽ ngắm nhìn hoa nở rồi hoa tàn...

Mùa xuân, hoa đào đua nhau hé nụ, trên con thuyền nhỏ đỗ cạnh bờ cũng đầy ắp cánh hoa, họ chở một thuyền hoa ra giữa hồ câu cá.

Mùa hạ, hồ nước như một khối ngọc thạch xanh thăm thẳm khiến lòng người phải lắng lại, từng đóa sen ngậm sương đung đưa theo gió nom chẳng khác nào đang nhẹ lướt trên mặt hồ, mỗi bước sen đi đều đượm hương thanh mát.

Mùa thu, đàn chim hoang bay liệng quanh những khóm cúc, rồi chợt vút lên tận trời xanh, hướng về phía cầu vồng, họ cùng nhau xuống chợ bán đào.

Mùa đông, họ cùng đám học trò đắp người tuyết, cùng dắt chó vào rừng Bạch Hoa ở trên núi để săn thỏ rừng.

Bao năm qua đi, năm nào hoa đào cũng nở rực cả góc trời, kế hoạch phá dỡ khiến họ buộc phải đưa ra lựa chọn giữa nhẫn và tàn nhẫn. Không có gió, không có bi thương, hoa im lìm trên đồng cỏ tĩnh lặng. Càng chiến đấu những người lính dạn dày càng có tinh thần kháng cự hơn người dân, thầy Đào không thể nhẫn nhịn để họ phá hủy gia viên của mình. Trong khi đó thầy Tần lại nghĩ đến việc tự sát, thậm chí thầy còn chuẩn bị bữa ăn cuối cùng. Ý của thầy Tần thế này: Hai người ăn xong thì cùng chết.

Thầy Đào lựa chọn phương thức liều mạng đi con đường mạo hiểm.

Đó là lần đầu tiên trong đời hai người tranh cãi nhau, cuối cùng Thầy Tần đành thỏa hiệp. Thầy Đào vạch kế hoạch giết người, anh ta tạo hiện trường giả như thể mình đã về quê, sau đó nghĩ ra cách liên lạc và báo tin cho nhau bằng tiếng tiêu và tiếng sáo. Những ai từng đi lính đều biết dùng những phương thức đơn giản để truyền đạt tín hiệu an toàn hoặc nguy hiểm.

Bằng cách ấy, họ nói chuyện với nhau như sau:

Thầy Tần: Ngày nào tôi cũng thổi tiêu cho cậu nghe, nếu một ngày không thấy tiếng tiêu nghĩa là tôi đã bị bắt.

Thầy Đào: Tôi sẽ giết trưởng ban Dương trước tiên.

Thầy Tần: Sao phải giết anh ta?

Thầy Đào: Ai bảo anh ta giống cậu như đúc.

Thầy Tần: Sau đó thì sao?

Thầy Đào: Sau đó sẽ đến lượt tên chủ đầu tư người Hồng Kông, thằng chủ tịch xã Ngô... cho đến khi bọn chúng dừng tay mới thôi.

Trưởng ban Dương đam mê cờ tướng, đình Lan Khả được xây dựng theo ý tưởng của anh ta. Tối đó, anh ta cùng chủ đầu tư người Hồng Kông và đám chủ tịch xã Ngô ngồi uống rượu ở sơn trang Đào Hoa. Ăn xong, anh ta đi đạo một mình đến đình Lan Khả ở cách đó không xa để nghiên cứu các thế cờ tàn cuộc. Bỗng nhiên có một người bước đến gần nói muốn đánh cờ với anh ta. Trưởng ban Dương nhận ra đó là thầy Đào.

Anh ta không muốn chơi chút nào. Nhưng anh ta đã nhìn thấy con dao trong tay thầy Đào lóe lên tia hàn quang lạnh lẽo.

Trưởng ban Dương định co cẳng bỏ chạy, có điều anh ta biết rõ thầy Đào là lính xuất ngũ nên đành liều mạng tiến về phía trước. Ban đầu anh ta cứ nghĩ thầy Đào cũng là người say mê cờ tướng nên mới dùng phương pháp cực đoan này để ép mình phải cọ sát tài nghệ cao thấp, nhưng có chết anh ta cũng không thể ngờ rằng chỉ với ba nước cờ, thầy Đào đã dồn anh ta vào đường chết, sau đó kết liễu luôn mạng anh ta chỉ bằng một nhát dao.

Cái chết của trưởng ban Dương chưa thể ngăn cản được tiến trình phá dỡ nên thầy Đào tiếp tục sát hại chủ đầu tư người Hồng Kông. Anh ta mang theo một bao to đột nhập vào phòng của chủ đầu tư nọ qua cửa sổ, rồi thanh minh rằng mình có một chiếc đĩa vừa mới khai quật được, chủ đầu tư nọ có sở thích sưu tầm đồ cổ, ông ta đã quá quen với hành vi lén lén lút lút của những kẻ đem bán văn vật, bởi vậy ông ta không hề lấy làm lạ trước sự xuất hiện của thầy Đào.

Nào ngờ sau khi mở ra thì thấy trong bao chỉ có đống rơm, trong đống rơm là một con dao.

Đúng lúc ấy thầy Đào nhào đến, một tay bịt miệng chủ đầu tư, một tay kề lưỡi dao vào cổ ông ta, bắt ông ta mở két bảo hiểm. Chủ đầu tư nọ cứ nghĩ kẻ lạ mặt muốn cướp của, nào ngờ thầy Đào lại ép ông ta đập vỡ những văn vật giá trị liên thành của mình.

Phương thức mà thầy Đào áp dụng để xử lí tử thi không mấy cao minh, anh ta để xác của chủ đầu tư ngay tại phòng, còn thi thể của trưởng ban Dương thì đặt vào gian phòng nhỏ của người gác rừng. Người gác rừng treo thi thể lên cây liễu trước cổng thôn chỉ đơn thuần là hành vi xả giận. Người gác rừng, thầy Đào và những người dân nơi sơn thôn này có cùng một điểm chung: họ vô cùng căm hận việc cưỡng chế phá dỡ một cách bạo lực của chính quyền địa phương. Bởi thế họ dùng các cách thức khác nhau để chống đối lại phương pháp bạo lực đó.

Thầy Tần bị bắt, cảnh sát phát hiện thấy con dao trong phòng của thầy, qua các giám định kĩ thuật, người ta kết luận con dao ấy hoàn toàn trùng khớp với hung khí giết người. Thông qua camera ở bến tàu, phía cảnh sát cũng chứng thực được thầy Tần đã nói dối, hôm đó thầy Tần không hề đưa thầy Đào ra nhà ga, chỉ có một mình thầy Tần ra nhà ga mà thôi. Thầy Tần làm vậy nhằm ngụy tạo hiện trường giả thầy Đào đã về quê, đồng thời cũng tạo ra chứng cứ ngoại phạm cho bản thân. Sau khi Họa Long còng tay thầy Tần lại, anh vỗ nhẹ lên vai thầy, có lẽ hành vi đó xuất phát từ lòng kính trọng đối với một người lính.

Thầy Tần chỉ dùng thái độ im lặng để đối mặt với tất cả các câu thẩm vấn, thậm chí thầy còn định tự cắn đứt lưỡi của mình để từ chối trả lời.

Cảnh sát huyện Vũ Lăng triển khai công tác bao vây và chặn đường để đề phòng nghi phạm Đào Nguyên Lượng tìm đường chạy. Họ lấy trường tiểu học Đào Hoa làm trung tâm, rồi triển khai hành động truy bắt, nhưng những dãy núi nhấp nhô trải dài miên man bốn xung quanh chính là nơi ẩn nấp của thầy Đào, muốn lần theo dấu vết và truy bắt cũng đâu phải chuyện dễ. Hai ngày sau cảnh sát vẫn không phát hiện thấy tung tích của thầy Đào.

Ngày thứ ba, một người lặng lẽ bước vào văn phòng của đội cảnh sát xã Đào Nguyên.

Một cảnh sát dân sự hỏi anh ta đến đây có việc gì.

Người đó đáp: "Tự thú!"

Cuối cùng vụ án đã khép lại nhờ hung thủ tự ra đầu thú, thầy Đào thừa nhận một mình gây ra mọi tội lỗi, còn thầy Tần không hề hay biết gì về tất cả. Trong khi đó từ đầu chí cuối thầy Tần chẳng hề nói một lời nên phía cảnh sát không thể định tội, đành phải thả thầy Tần ra. Ngày hôm sau tổ chuyên án rời khỏi huyện Vũ Lăng, trên đường đến sân bay ở tỉnh thành, gã cán sự tuyên truyền gọi điện đến thông báo hai việc:

Việc thứ nhất là thầy Tần đã tự sát, treo cổ trên cây đào già ở trường tiểu học thôn Đào Hoa. Thầy để lại di thư nói rằng hi vọng được chôn cùng một ngôi mộ với thầy Đào.

Việc thứ hai là tất cả thanh niên trai tráng của thôn Đào Hoa đã ra sức chặt tất cả cây đào xung quanh núi trong mấy ngày liên tiếp, giờ dự án biến thôn Đào Hoa thành khu cảnh quan Đào Hoa Nguyên không thể tiếp tục triển khai vì Đào Hoa Nguyên không còn một cây đào.

Giáo sư Lương cảm khái: "Hay cho một chốn đào nguyên giữa cõi trần!"

Họa Long lấy tay gõ đầu ra chiều suy nghĩ: "Sao tôi thấy tên thầy Đào nghe cứ quen tai thế nào ấy nhỉ?"

Bao Triển nói: "Đào Nguyên Lượng ư?"

Tô My giải đáp: "Đào Nguyên Minh có tên chữ là Nguyên Lượng, hiệu là Ngũ Liễu tiên sinh..."

Một chốn đào nguyên không có bóng đào nghe châm biếm biết bao! Cả quả núi trọc lóc, chỉ còn sót lại duy nhất cây đào già ở giữa sân trường tiểu học. Không rõ người dân để lại cây đào ấy vì hàm ý gì? Chẳng lẽ bởi muốn nó chứng kiến mọi niềm đau của chốn nhân gian? Hay bởi muốn nó lặng lẽ cảm nhận nỗi khổ đời đời kiếp kiếp của người nông dân?

Cũng có thể bởi họ muốn để đôi bướm quấn quýt nhau kia có thể đậu trên cánh hoa hồng thắm mỗi độ xuân về.

Jack the Ripper: Jack – kẻ phanh thây.

Phim "Từ địa ngục": Có tên tiếng Anh là "From Hell" do Albert Hughes và Allen Hughes đạo diễn.

Phim "Tử thần vùng Texas": Có tên tiếng Anh là "The Texas Chainsaw Massacre" do Marcus Nispel đạo diễn.

Jean – Baptiste Grenouille là tên nhân vật sát nhân trong tiểu thuyết "Mùi hương" của nhà văn Đức Patrick Sukind.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện