P9 - Chương 3: Ngõ nhỏ tối tăm

Hai người đăng bài trên mạng xã hội còn lại cũng bị cảnh sát gọi đến thẩm vấn, rất nhiều dường như vô cùng húng thú với vụ án này, thậm chí khi cảnh sát muốn moi lời khai của anh ta thì anh ta còn hỏi vặn lại cảnh sát: "Hung thủ có súng phải không?"

Giáo sư Lương và phân trưởng phân cục Cổ Lâu đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng phân cục trưởng hỏi: "Sao cậu lại hỏi vậy?"

Anh ta trả lời: "Mười hai năm trước khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn hàng loạt dân cư quanh khu vực này, rất nhiều lần họ hỏi có để ý nhà ai cất giữ thuốc nổ hoặc gần đây có ai là thợ săn không. Chi tiết này vô cùng quan trọng, rất có thể trên các phần tử thi của Điêu Ái Thanh hoặc trên vỏ túi, trên mặt ga trải giường còn lưu lại dấu vết thuốc súng. Giả sử Điêu Ái Thanh bị bắn chết thì nhiều khả năng người dân quanh đó sẽ nghe thấy tiếng súng vang lên vào đêm cô bị sát hại. Còn nếu những suy diễn của tôi là sai thì tại sao cảnh sát lại hỏi về thuốc súng và thợ săn?"

Phân cục trưởng ý nhị nói: "Cậu đừng đoán mò! Nhiều chuyện không nên biết sẽ tốt hơn. Đôi khi hôm nay ta biết chuyện hôm sau ta mất mạng."

Giáo sư Lương nói: "Thời điểm đó sắp đến tết nên có thể đó chỉ là thuốc pháo hoặc pháo hoa gì đó. Tốt nhất cậu đừng suy đoán lung tung!"

Sau khi xảy ra vụ án thảm khốc này, cảnh sát xác định lai lịch của nạn nhân chính là trọng điểm cần phá giải. Trong vụ án băm xác 11.9, đường nét trên mặt nạn nhân đều vẹo vọ, không thể nhận diện được nữa. Sáu chuyên gia làm việc quần quật suốt nửa ngày để tìm ra những dấu vết nhỏ nhất, họ lợi dụng kĩ thuật phục chế để phục dựng lại chân dung nạn nhân. Đây là một phương pháp khoa học điều tra rất kì diệu, thậm chí một hộp sọ đào dưới mộ lên cũng có thể phục chế thành khuôn mặt của người còn sống lúc ban đầu. Bức ảnh hiện ra! Người chết là một người đàn ông trung niên, mắt to, lông mày rậm, khuôn mặt khá lớn, mũi diều hâu, đeo kính cận.

Tất cả cảnh sát của thành phố Lam Kinh đều đứng dậy bắt tay ngay vào việc, mỗi người cầm một tấm ảnh, tìm kiếm và điều tra lai lịch của nạn nhân trong phạm vi toàn thành phố.

Tổ chuyên gia lại có thêm một bước tiến triển mới, họ yêu cầu lập tức triệu tập cuộc họp công bố về vụ án. Họ muốn đưa ra cao kiến gì đây? Một chuyên gia giám định dấu vết thay mặt tổ chuyên gia đứng lên phát biểu, ông ta cao giọng khẳng định: "Rất có khả năng hung thủ là một phụ nữ!"

Lời vừa dứt thì cả hội trường vang lên tiếng xôn xao bàn luận, nhiều người ghé tai người bên cạnh thầm thì điều gì đó.

Chỉ cần phạm tội nhất định sẽ để lại dấu vết.

Trong vụ án băm xác 11.9, hung thủ cho thi thể nạn nhân vào túi nilon màu đen, các chuyên gia lấy kính hiển vi tìm kiếm từng vết tích lưu lại trên túi. Họ thấy đó là chiếc túi còn mới tinh, chưa qua sử dụng, điều đáng tiếc là họ không lấy được dấu vân tay của hung thủ, sau đó túi nilon này bị vứt vào thùng rác, các chuyên gia tốn rất nhiều công sức và thời gian để làm các giám định. Đầu tiên họ loại bỏ các dấu vết rác rưởi dính trên túi nilon, sau đó họ liền phát hiện thấy một vết bẩn rất nhỏ lưu trên quai xách của túi.

Dường như vết bẩn đó do hung thủ để lại.

Tổ chuyên gia phóng to các thành phần vết bẩn lên một trăm lần, lần lượt giám định các thành phần vi chất chứa trong đó. Vết đó chỉ là một chấm màu đỏ, nhỏ như lỗ kim châm. Ban đầu các chuyên gia ngỡ đó là vết máu. Nếu đó là máu của hung thủ dính vào thì không còn nghi ngờ gì nữa, đó sẽ chính là điểm đột phá của vụ án. Quá trình giám định vật chứng diễn ra vô cùng nghiêm ngặt, đầu tiên các chuyên gia phải xác định xem chấm màu đỏ đó có phải máu không thông qua phương pháp thực nghiệm hóa học. Kết quả khiến mọi người thất vọng tràn trề.

Chấm đỏ đó không phải máu người!

Quá trình giám định hoàn toàn sáng tỏ, từ thành phần của vết bẩn, các chuyên gia phát hiện đó là vết dầu trộn lẫn sữa bò, còn màu đỏ là màu son môi!

Chuyên gia giám định dấu vết tiếp tục trình bày: "Vết son cho phép chúng ta suy đoán có thể hung thủ là phụ nữ."

Tô My hỏi: "Các anh có chắc chắn thành phần chứa trong vết bẩn là sữa bò không? Hay đó là sữa người? Điều này vô cùng quan trọng."

Chuyên gia giám định dấu vết nói: "Chúng tôi đã thực hiện phép so sánh, thành phần protein trong sữa bò cao gấp ba lần sữa người, mà thành phần chủ yếu trong protein của sữa bò là casein, trong khi thành phần chủ yếu trong protein của sữa người là albumin."

Bao Triển thắc mắc: "Anh vừa nói có dầu trên vết bẩn ư? Đó là loại dầu gì? Dầu diesel, xăng hay dầu ăn?"

Chuyên gia giám định dấu vết trả lời: "Đó là loại dầu ăn thường để rán xào hàng ngày."

Bao Triển nói: "Thế thì chúng ta có thể hình dung quá trình vứt xác diễn ra như thế này. Sớm tinh mơ, khi trời còn chưa sáng hẳn, đường phố nhá nhem tối, có một người phụ nữ bôi son đỏ đi xe đạp điện nhưng không bật đèn xe, trong giỏ xe là mấy chiếc túi nilon màu đen và ba lô chứa thi thể nạn nhân. Khi xe chạy đến gần thùng rác, cô ta không dừng hẳn mà chỉ đi chậm lại, rồi vứt túi vào thùng. Rất có khả năng lúc ấy cô ta vô tình quệt lên môi, nên bị son dính vào ngón tay, khi vứt rác, vết son lưu lại trên quai túi..."

Giáo sư Lương hỏi: "Loại dầu thực vật mà các anh nói là dầu đỗ tương, dầu mè hay dầu hạt cải?"

Chuyên gia giám định dấu vết luống cuống đáp: "Chuyện đó... chúng tôi cần giám định thêm mới kết luận được."

Giáo sư Lương lập tức phê bình tốc độ làm việc và mức độ tỉ mỉ của tổ chuyên gia, ông yêu cầu họ phải nhanh chóng cho biết thành phần của loại dầu dính trên quai túi.

Cuộc họp vừa giải tán, các chuyên gia giám định dấu vết lập tức trở về phòng kiểm định lại, kết quả cho thấy đó là loại dầu hạt bông. Các gia đình rất ít khi sử dụng loại dầu này để nấu ăn, hơn nữa các chuyên gia sử dụng máy chuyên dụng của cục an toàn vệ sinh để đo mức độ ôxi hóa trong dầu, họ nhúng đầu kim loại của máy vào dầu, mười phút sau, thiết bị này hiển thị chỉ số "42", điều đó cho thấy loại dầu này bị tái sử dụng nhiều lần. Các chuyên gia còn phát hiện ra kiềm và phèn chứa trong dầu ăn.

Chuyên gia giám định vội vàng đi tìm giáo sư Lương và báo tin tốt cho ông.

Ông ta hớn hở khoe: "Anh Lương! Tôi xác định chắc chắn rồi! Đó là dầu dùng để chiên quẩy."

Giáo sư Lương vui mừng hỏi lại: "Anh chắc chắn không?"

Chuyên gia giám định gật đầu khẳng định: "Tuyệt đối không thể sai được! Đó chính là loại dầu thường dùng để chiên quẩy, nó bị sử dụng lại nhiều lần, trong dầu còn có thành phần kiềm và phèn, đó là những chất dùng để chế biến quẩy."

Giáo sư Lương bảo Họa Long lập tức xuất phát, triệu tập tất cả chủ hàng bán quẩy ở gần khu vực vứt xác đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Họa Long đến địa điểm cần điều tra mới biết ở đó chỉ có một hàng quẩy duy nhất. Chủ cửa hàng là người đàn ông tầm ngoại ngũ tuần, mặc tạp dề, nom khá quê mùa và chất phác.

Hàng ngày ông thường cùng con dâu dậy bày hàng bán quẩy từ lúc bốn giờ sáng. Quán của ông ta rất đông khách, đa số đều là dân quanh vùng. Ông ta không có ấn tượng đặc biệt với bất kì khách mua hàng nào, cũng không nhớ ra trong số khách hàng của mình có ai là phụ nữ tô son đỏ hay không.

Giáo sư Lương nói: "Ông cố nhớ lại xem sao!"

Bao Triển gợi ý: "Ngày 11 tháng 9, lúc trời còn lờ mờ tối, trong số khách hàng ngồi ăn sáng trong quán ông có khách hàng nào là phụ nữ, tô son đỏ, đi xe đạp, trong giỏ xe có một vài túi nilon màu đen không?"

Ông chủ hàng quẩy nghĩ một hồi rồi lắc đầu, nhưng sau đó ông ta đột nhiên hỏi: "Hai người dò hỏi chuyện này có phải liên quan đến vụ băm xác xảy ra hơn chục năm trước không?"

Giáo sư Lương trả lời nửa vời: "Ông đừng sợ! Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu chút thôi! Nếu ông nhớ ra điều gì thì báo lại cho chúng tôi nhé!"

Sau khi ông chủ hàng quẩy rời đi, giáo sư Lương liền xác định lại phương hướng điều tra, "Rất có thể hung thủ từng mua quẩy, có lẽ y sống ở gần khu vực bán quẩy. Tổ điều tra và thăm dò dư luận lấy hàng quẩy làm trung tâm bắt đầu mở rộng phạm vi điều tra, dẫu lần này không thu hoạch được gì thì chí ít cũng thu hẹp được phạm vi điều tra, đối tượng điều tra trọng điểm là những công dân độc thân hoặc từng có tiền án tiền sự ở quanh khu vực dân cư."

Không biết vì sao Bao Triển lại thấy nghi nghi lão bán quẩy, ánh mắt ông cho thấy dường như ông ta đang giấu giếm cảnh sát điều gì đó, hơn nữa trên người cũng tỏa ra mùi rất lạ. Bao Triển dẫn hai nhân viên điều tra lại đến nhà ông chủ hàng quẩy lần nữa.

Ông chủ hàng quẩy sống trong một ngõ nhỏ.

Đây là con ngõ rách nát với những ngôi nhà kiểu cũ vừa thấp bé vừa tồi tàn, bờ tường bong tróc, trong ngõ có nhiều hàng quán nhỏ được tu sửa từ nhà dân, trông rất bẩn thỉu và mất vệ sinh. Ngõ nhỏ không có đèn đường nên bóng chiều vừa nhập nhoạng đổ xuống, cả con ngõ đã chìm trong âm u, tăm tối. Những căn nhà thấp lè tè ở đây đều được lợp bằng tấm lợp fibro xi măng, trong sân nhà nào cũng trồng một vài cây hòe hoặc cây du, thỉnh thoảng có con mèo đen thoắt ẩn thoắt hiện trên bờ tường. Nếu phải đi một mình trong con ngõ âm u này vào buổi tối khách bộ hành ắt thấy ớn lạnh.

Thật khó tưởng tượng giữa lòng đô thị phồn hoa và hào nhoáng lại tồn tại một ngõ hẻm tồi tàn và cũ kĩ như vậy. Thật trùng hợp, con ngõ lại nằm ngay cạnh đại học Lam Kinh!

Có thể khẳng định chắc chắn rằng mười năm trước nạn nhân Điêu Ái Thanh từng đi lại trong ngõ nhỏ âm u này.

Mười năm trước, trong ngõ còn có cửa hàng cho thuê truyện, thuê đĩa. Điêu Ái Thanh rất thích đọc sách, sau khi xảy ra vụ án thảm khốc, cảnh sát liền điều tra cửa hàng đó, nhưng không phát hiện thấy manh mối khả nghi nào. Bao Triển nói với ông giám đốc sở cảnh sát: "Từ khi Điêu Ái Thanh mất tích cho đến khi tìm thấy thi thể của cô ấy trải qua những chín ngày, khoảng thời gian này thừa sức để hung thủ dọn sạch hiện trường."

Cựu giám đốc sở thừa nhận điều này, ông lấy làm tiếc vì khi đó cảnh sát không bắt tay điều tra ngay từ khi phát hiện Điêu Ái Thanh mất tích, nếu vậy thì có thể đã phá giải được vụ án 19.1, sinh viên mất tích mà nhà trường không hề hay biết, rõ ràng nhà trường không thể chối bỏ phần trách nhiệm của mình.

Bao Triển và hai cảnh sát đứng trong ngõ, gió thổi hiu hiu, chẳng biết vong hồn mười mấy năm trước lượn lờ quanh ngõ nhỏ này bao giờ mới được siêu thoát?

Ông chủ hàng quẩy sống trong ngôi nhà có sân vườn bao quanh ở cuối ngõ, đó là ngôi nhà ba gian lợp fibro xi măng, giữa vườn có một gốc ngô đồng, trên tường gạch cắm mảnh thuỷ tinh vỡ để đề phòng trộm bò vào. Con trai chủ nhà hơn ba mươi tuổi, anh ta mở quán mì thịt dê, quán mì chính là một ngôi nhà khác của gia đình nằm ở phố bên cạnh, cô con dâu rất đảm đang và chịu thương chịu khó, sáng sớm đã cùng cha chồng ra đầu phố bán quẩy, xong việc lại chạy về nhà giúp chồng bán mì.

Trong vườn ứ đầy nước tù đọng vàng khè, rác rưởi vương vãi lung tung khắp nơi, vì con ngõ không có rãnh thoát nước nên đa phần các hộ gia đình sinh sống tại đây đều chọn cách đào một giếng ngầm ngay trong vườn nhà mình. Bao Triển chú ý đến những vết máu loang lổ quanh miệng giếng, hai viên cảnh sát đi theo cũng lập tức cảnh giác. Con trai chủ nhà giải thích rằng nhà anh ta mới giết dê trong vườn, Bao Triển quệt tay vào vết máu, ngửi một lát rồi gật đầu không nói gì.

Bao Triển lấy hai bức ảnh ra cho anh ta nhận diện, đó là di ảnh của Điêu Ái Thanh và ảnh phục dựng của nạn nhân vụ băm xác 11.9. Con trai và con dâu chủ nhà không có ấn tượng gì về nhân vật trong ảnh, nhưng khi ánh mắt ông chủ hàng quẩy liếc thấy ảnh của Điêu Ái Thanh, ông ta thoáng vẻ hoảng hốt, nhưng lại nói tránh rằng hơn chục năm trước cảnh sát cũng cầm bức ảnh y như vậy đưa cho ông ta xem.

Bao Triển hỏi: "Năm 1996 ông làm nghề gì?"

Ông chủ hàng quẩy trả lời: "Bán quẩy chứ làm gì! Tôi bán quẩy đã hơn chục năm rồi!"

Một viên cảnh sát đùa: "Thế thì thành cụ quẩy rồi còn gì!"

Ông chủ hàng quẩy cười đáp: "Cậu nói chí phải! Tôi rất thích biệt danh này!"

Bao Triển lại hỏi về buổi sáng sớm ngày 11 tháng 9, khi mới mở hàng bán quẩy ông ta có để ý thấy người nào khả nghi không. Cô con dâu nghĩ một lát rồi buột miệng nói: "Ồ! Có một người! Tôi phải kể cho các anh nghe một chuyện rất lạ."

Ông chủ hàng quẩy lập tức ngắt lời con dâu: "Hừ! Đừng nhiều lời!"

Bao Triển yêu cầu cô tiếp tục nói, ông chủ hàng quẩy trừng mắt nhìn cô con dâu lắm mồm rồi quay người bỏ đi. Cô gái định nói rồi lại thôi, Bao Triển phải khích lệ mấy lần, cuối cùng cô mới ấp a ấp úng kể lại câu chuyện. Sáng tinh mơ hôm ấy trời còn chưa sáng hẳn, cô con dâu cùng bố chồng đã dậy bày hàng, có một gã gù đi xe ba bánh đến mua quẩy, trên xe ba bánh lùm lùm mấy túi nilon màu đen. Cô con dâu tò mò hỏi gã: "Gì trong túi nilon thế anh?"

Gã gù đáp: "Nhân thịt!"

Gã gù đi rồi, bố chồng liền mắng cô một trận, cô gái cảm thấy rất ấm ức vì trận mắng vô cớ của bố.

Lúc bấy giờ ông bố mới thì thầm nói với con dâu: "Mày biết thằng gù đó là ai không?"

Cô con dâu vẫn giận bố, nên dằn dỗi đáp: "Làm sao con biết anh ta là ai!"

Ông bố chồng cố ghìm nhỏ giọng nói: "Bố biết thằng đó là ai. Nó chính là thằng gù trong nhà hỏa táng, là công nhân hỏa táng của nhà tang lễ đấy!"

Chuyện này quả nhiên kỳ quái thật! Gã gù đi mua quẩy vào buổi sớm tinh mơ, trên xe ba bánh lại có một bọc nhân thịt, trong khi hắn không mở quán cơm cũng không bán bánh bao hoặc nhân bánh, mà hắn chỉ là công nhân chuyên hỏa táng xác chết trong nhà tang lễ. Vì nhát gan và sẵn tính thận trọng nên ông chủ hàng quẩy không dám hở môi tiết lộ chuyện này cho cảnh sát. Bao Triển hoàn toàn có thể lí giải được tâm lí của ông ta.

Một viên cảnh sát chợt hỏi: "Có phải gã gù mà cô nói đến vừa đen lại vừa lùn, đầu hói, mắt tam giác, khóe mắt còn có nốt ruồi lớn đúng không?"

Cô con dâu xác nhận: "Đúng! Đúng!"

Viên cảnh sát hít ngược một hơi, rồi hỏi tiếp: "Hắn khoảng năm mươi tuổi phải không?"

Cô con dâu lại xác nhận: "Đúng thế!"

Bao Triển hỏi: "Chẳng lẽ gã gù ở nhà hỏa táng từng phạm tội gì sao?"

Viên cảnh sát thoáng rùng mình, gật đầu đáp: "Hắn ăn thịt người!"

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện