P3 - Chương 4: Anh hùng lãng mạng

Người bán mía cho biết, sau khi anh dọn xe hàng về nhà, thì phát hiện trong thùng xe có một thẻ ngân hàng. Phía sau thẻ còn viết sáu con số, trông có vẻ giống mật mã thẻ. Vì không chắc chắn, nên anh ta cứ thử tìm một cây rút tiền ATM để thử xem sao. Do tâm lí lo lắng, đến lần thứ hai anh ta mới nhập chính xác mật mã. Số dư tài khoản làm người bán mía thót tim – Ba mươi nghìn Nhân dân tệ. Không biết phải làm thế nào, người bán mía rút thử ra mấy trăm tệ trước, rồi lóng ngóng cầm thẻ và tiền rời khỏi đó.

Giáo sư Lương hỏi: "Tội lừa đảo thẻ ngân hàng, mức khởi phạt là bao nhiêu?"

Bao Triển trả lời: "Năm nghìn tệ!"

Giáo sư Lương hỏi người bán mía: "Cậu rút ra bao nhiêu tiền rồi?"

Người bán mía vội trả lời: "Năm trăm tệ ạ, cháu muốn mua cho vợ cái áo khoác lông vũ."

Giáo sư Lương nói: "Cũng may là cậu không phải kẻ quá tham lam, cho dù là dùng thẻ ngân hàng nhặt được để rút tiền, nếu vượt quá năm nghìn tệ, thì cậu đã phạm vào tội hình sự rồi đấy!"

Đội phó mất hai thẻ ngân hàng. Người bán mía tìm thấy một chiếc, thì chiếc còn lại cũng sẽ nhanh chóng xuất hiện thôi. Ngay khi chị bán hạt dẻ cầm chiếc thẻ còn lại chuẩn bị đi rút tiền, đã bị bảo vệ ngân hàng bắt tại chỗ. Khi thẩm vấn, chị ta cho biết chiếc thẻ ngân hàng này cũng là do mình nhặt được ở dưới đáy thùng giấy đựng hạt dẻ.

Họa Long thẩm vấn Trịnh Tuyết Kiếm cũng đã có kết quả. Trong thời gian xảy ra hai vụ án mạng, anh ta đều có bằng chứng ngoại phạm. Họa Long vui vẻ tự mình đưa Trịnh Tuyết Kiếm quay trở về trường.

Giáo sư Lương yêu cầu thả hai người bán hàng rong ra, nhưng Bí thư Tiêu cho rằng nên tạm giữ họ nửa tháng, tăng cường thẩm vấn và đến nhà hai người này lục soát tìm thêm chứng cứ. Giáo sư Lương giải thích rằng, trong tay họ có thẻ ngân hàng của nạn nhân không có nghĩa họ chính là hung thủ, và không có chứng cứ xác đáng để định tội. Cho dù không phá được vụ án này, cũng không thể tùy tiện bắt giam những người vô tội được. Pudding cũng lên tiếng xin với bố mình. Trong mấy ngày đóng giả người bán rong, cậu cũng phần nào hiểu được sự khó khăn của họ. Người bán mía kia có cả một gia đình cần nuôi sống, còn chị bán hạt dẻ vẫn còn con nhỏ ở nhà phải chăm sóc, bây giờ đứa bé chắc chắn đang vô cùng sợ hãi.

Cuối cùng, Bí thư Tiêu cũng bị thuyết phục, đồng ý thả hai người bán rong về, nhưng vẫn cho người theo dõi.

Giáo sư Lương cho rằng việc đó không cần thiết, và không ngần ngại nói thẳng: "Hung thủ là một người khác!"

Cùng với việc các tình tiết vụ án ngày một đi sâu hơn, Bao Triển và chuyên gia giám định dấu vết đã có những kết quả mới. Trên áo của nạn nhân thứ hai, tức đội trưởng đội quản lí trật tự, phát hiện ra sợi dệt thô, trên chiếc áo dính máu có vết hằn của bao tải. Khi gây án, hung thủ dùng bao tải trùm kín nửa người trên của nạn nhân, dùng hung khí đâm vào ngực nạn nhân, máu chảy ra và để lại vết hằn của mặt bao trên áo.

Tổ chuyên án lật lại từ đầu quá trình gây án:

Hung thủ là một người, nạn nhân là hai người, cả hai nạn nhân đều bị cùng một hung thủ hành thích.

Hung thủ có xe, bất kể đó là xe ba gác, xe máy, hay ô tô, thì hung thủ cũng có một chiếc để làm công cụ vận chuyển xác. Nơi nạn nhân thứ nhất bị giết là ở khu ngoại ô, nơi có những bụi Tường Vi mọc um tùm. Qua việc giám định chữ viết, có thể thấy rằng hung thủ đã ép nạn nhân phải viết ra mật mã của thẻ ngân hàng. Sau khi hoàn thành "công việc", hung thủ không hề giữ lại số tiền ấy cho mình, mà vài ngày sau đó mang hai chiếc thẻ lén ném cho hai người bán rong nghèo khó. Nạn nhân thứ hai bị giết ngay tại đơn vị của đội quản lí trật tự, chứng tỏ hung thủ là kẻ rất to gan. Hắn đi giày đế cao su, dùng bao tải đựng rìu và dao găm làm hung khí gây án. Trước tiên, hắn ném bao tải lên nóc nhà mái bằng trong đơn vị của đội quản lí trật tự, sau đó lấy đà chạy thật nhanh và trèo lên tường bao. Bức tường cao hơn bốn mét, trên tường có năm dấu chân. Kĩ thuật này đến Họa Long cũng rất khó thực hiện được, và tại Trung Quốc, những người làm được như thế cũng không nhiều. Nếu hung thủ là một kẻ bán hàng rong, thì chắc chắn phải là một người có tài năng phi thường nhưng mai danh ẩn tích.

Bao Triển nói: "Tại hiện trường xuất hiện những cánh hoa Tường Vi, có thể là do đổ ra từ trong bao tải."

Tô My nói: "Nếu đó là một người bán hàng rong, thì vì sao hắn phải bỏ hoa Tường Vi vào trong bao tải cơ chứ? Tên sát thủ này cũng lãng mạn quá nhỉ?"

Theo những phân tích của tổ chuyên án, vào lúc nửa đêm, sát thủ hoa Tường Vi vác theo một chiếc bao tải, trong đó có những cánh hoa Tường Vi và vũ khí. Hắn là kẻ căm ghét cái ác, giết người không phải vì tiền, mà chỉ muốn giúp những người không quen biết báo thù, lấy lại công bằng cho kẻ yếu. Hắn thấy rất rõ những đen tối và bất công của xã hội, trong tim luôn có một ngọn lửa tức giận không bao giờ tắt. Hắn có thể leo tường nhẹ nhàng như một cao thủ võ lâm, nấp sau những cành cây chờ mục tiêu đến, sau đó nhảy xuống đất, dùng một cách thức cực đoan nói với kẻ ác rằng, gieo nhân nào gặt quả ấy, sớm muộn một ngày nào đó những kẻ xấu sẽ phải lãnh hậu quả do chính mình gây ra.

Hắn là một hung thủ, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó cũng là một người anh hùng lãng mạn!

Đội trưởng và đội phó đội quản lí trật tự bị giết hại, hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật, người thân của nạn nhân kéo nhau lên Cục công an gây áp lực, yêu cầu phá án. Họ cho rằng lực lượng quản lí trật tự và cảnh sát vốn là "người một nhà", đều là đơn vị chấp pháp. Đúng là như thế, quyền của lực lượng quản lí trật tự thành phố là quyền hạn của những cảnh sát công chức, nhưng tại Trung Quốc lại không hề có đơn vị nào quản lí những cảnh sát này, và cũng không có bộ luật quốc gia nào quy định rõ quyền hạn nghĩa vụ đối với những cán bộ ấy. Nhìn từ thực trạng tại các thành phố Trung Quốc, quy định về chức năng và quyền hạn của đội quản lí trật tự thành phố cũng không có gì thống nhất. Ví dụ, những sạp bán đồ nướng thường thấy trong các khu dân cư gây khói than làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân xung quanh, Cục bảo vệ môi trường, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục công an, Cục công thương đều có quyền quản lí, nhưng chẳng có điều khoản nào quy định rõ ràng, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm. Để giải quyết vấn đề về việc trùng lặp trách nhiệm nhiều bên, dẫn đến giảm sút hiệu quả quản lí, năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra đường lối "quản lí chấp pháp chung", và bắt đầu thực hiện từ đó. Cho đến nay, lực lượng quản lí trật tự vẫn đang trong thời gian thí điểm, chứ chưa hề có một "danh phận" rõ ràng.

Người thân của nạn nhân không đồng ý hỏa táng, rời khỏi Cục công an, đưa xác nạn nhân sang Cục xây dựng, rồi lại sang Phòng quản lí chính trị Thành phố. Các lãnh đạo Ủy ban Thành phố bị gây áp lực, nên yêu cầu cơ quan công an tăng cường công tác điều tra, ra hạn thời gian phá án. Người nhà nạn nhân lại đưa xác nạn nhân quay về Cục công an.

Bí thư Tiêu đích thân đến an ủi gia đình nạn nhân, sau đó mở cuộc họp khẩn cấp, ra hạn định ngày phá án, đồng thời tăng mức treo thưởng lên hai trăm nghìn nhân dân tệ. Thông báo treo thưởng được dán khắp các ngõ ngách, rồi đăng báo, lên truyền hình, với hi vọng có thể nhận được những đầu mối tích cực từ các tầng lớp xã hội. Chỉ cần cung cấp đầu mối phá án, hoặc hỗ trợ phía cảnh sát bắt được hung thủ, số tiền thưởng sẽ được chuyển cho người cung cấp đó một cách tuyệt mật.

Giáo sư Lương hoàn toàn phản đối phương thức phá án bằng việc treo tiền thưởng. Ông cho rằng hung thủ đang tìm kiếm giá trị bản thân mình, khi thấy mức tiền thưởng tăng cao, rất có thể sẽ có thêm những vụ án khác. Nhưng Bí thư Tiêu vẫn giữ nguyên ý kiến của mình. Ông làm như thế chủ yếu vì muốn an ủi những người thân trong gia đình nạn nhân mà thôi.

Vài ngày sau, lại có thêm một vụ án mạng nữa xảy ra. Lần này sự việc xảy ra ngay trong thành phố lúc đông người qua lại. Giữa thanh thiên bạch nhật, sát thủ hoa Tường Vi đã xuất đầu lộ diện.

Sau khi đội trưởng và đội phó gặp nạn, người đảm nhận chức vụ đội trưởng mới nhậm chức xử lí mọi việc văn minh hơn rất nhiều, đôi khi còn cúi chào những người bán hàng rong. Trong ngày xảy ra vụ án, đội trưởng mới dẫn theo đội của mình đi thị sát các con phố. Rất nhiều người đang túm lại xem một thầy tu mãi võ ở đầu đường. Đội quản lí trật tự tiến tới định đuổi thầy tu đi, nhưng ông vẫn tiếp tục mãi võ kiếm tiền mà không để ý tới đội quản lí trật tự. Đội trưởng mới đang định tịch thu đồ đạc của người chống đối thì thầy tu cầm lên một viên gạch, giận dữ nói: "Muốn đánh nhau hả? Tôi không sợ các anh đâu!" Rồi ông hét lên một tiếng, dùng tay đập nát viên gạch. Đội trưởng mới giật mình kinh hãi, vội giải thích: "Chúng tôi chỉ làm đúng luật ông đừng có vội động thủ, người xuất gia không nên gây chuyện ẩu đả chém giết mới phải!" Sau lời khuyên của đội trưởng mới, thầy tu lầm bầm vài tiếng rồi thu dọn đồ đạc, kéo tay áo bỏ đi.

Những người xung quanh bật cười ầm ĩ.

Đội quản lí trật tự tiếp tục làm nhiệm vụ. Khi họ đến tịch thu hộp đèn quảng cáo bên ngoài một cửa tim bán hoa tươi ven đường thì xảy ra xung đột. Chủ hàng là một cô gái, cô ôm lấy hộp đèn không cho đội quản lí mang đi. Bạn trai của cô tiến đến lí luận vài câu với đội trưởng mới. Vốn đã nén sẵn sự tức giận vì vừa bị thầy tu lôi ra làm trò cười, đội trưởng mới không còn nhịn nổi cơn tức giận, một chân đạp lên chiếc hộp đèn.

Cô gái hét lên: "Các người không sợ sát thủ hoa Tường Vi sao?"

Đội trưởng mới nhìn những người xung quanh với một ánh mắt đằng đằng sát khí, nói: "Mẹ kiếp! Sát thủ hoa Tường Vi là thằng nào? Có giỏi thì đứng ra đây ta xem nào? Ông đây mà lại sợ mày à!"

Đội trưởng một tay chống nạnh, một tay chỉ vào mặt những người xung quanh, chửi rủa một cách khó nghe.

Bỗng nhiên, trên thùng xe của đội quản lí trật tự từ lúc nào đã xuất hiện một người đeo mặt nạ màu đen, tay cầm một chiếc rìu cứu hỏa, dáng uy nghiêm. Những người đứng xung quanh giật mình sợ hãi. Không ai biết người đó đã đứng trên thùng xe từ lúc nào, mà chỉ kịp thấy hắn nhảy vút lên cao, động tác nhanh như cắt vung rìu theo một đường vòng cung, nhằm vào đầu đội trưởng mới...

Tại hiện trường vụ án còn để lại một chiếc rìu cứu hỏa, bên cạnh lốp xe có một chiếc bao tải, bên trong có những cánh hoa Tường Vi và một con dao nhỏ...

Khi sát thủ hoa Tường Vi bỏ đi, những tên quản lí trật tự đều xanh mặt, không ai dám tiến lên một bước chặn hung thủ lại. Đám người huyên náo đứng dạt sang hai bên mở lối. Sát thủ hoa Tường Vi rẽ vào một con ngõ nhỏ rồi biến mất.

Sau khi nhận được thông báo, Bí thư Tiêu điều động một lượng lớn cảnh sát nhanh chóng bao vây toàn bộ hiện trường vụ án. Tổ chuyên án tiến hành lấy lời khai của gần một trăm người chứng kiến sự việc, nhưng mỗi người kể một kiểu:

"Anh ta đeo mặt nạ, còn có cả găng tay đen nữa, mặc một bộ đồ thể thao, nhưng tôi không thấy mặt."

"Ôi dồi ôi! Sợ chết khiếp! Tí nữa thì não thằng cha quản lí trật tự bắn cả vào người tôi rồi. Người bịt mặt kia cứ như là "Đội Phi Hổ" trong phim Hồng Kông ấy!"

"Lúc ấy mọi người đều đang tập trung nghe đội trưởng đội quản lí trật tự mắng chửi, nên tôi cũng chẳng biết anh ta đứng trên xe từ lúc nào nữa."

"Giữa ban ngày ban mặt, trước sự chứng kiến của bao nhiêu người, mà dám ra tay giết người như thế, đúng là gan to tày trời. Cảnh sát các anh không biết dùng vào việc gì nữa."

...

Giết người giữa chợ, hung thủ chạy thoát, vụ án làm rúng động cả một thành phố. Bí thư Tiêu và tổ chuyên án lập tức triển khai công tác. Giáo sư Lương lệnh cho Họa Long đến trường võ của Trịnh Tuyết Kiếm điều tra trọng điểm tìm ra những học viên có khuynh hướng tư tưởng chống đối và bất mãn với xã hội. Tô My điều tra tất cả những máy quay theo dõi gần hiện trường vụ án. Bao Triển điều tra phân tích những hung khí mà hung thủ để lại tại hiện trường. Trên chiếc rìu cứu hỏa phát hiện thấy vết máu của cả ba nạn nhân, chiếc bao tải và con dao cũng được xác nhận là có liên quan đến hai vụ án trước. Ba vật chứng này tuy có thể khẳng định sát thủ hoa Tường Vi chính là hung thủ trong cả ba vụ án, nhưng không hề cung cấp được đầu mối gì hữu ích cho việc tìm ra hung thủ cả.

Hung thủ để lại hung khí gây án, nhưng không tìm thấy dấu vân tay hay bất cứ thứ gì thể hiện thân phận của hắn.

Bí thư Tiêu cả đêm không chợp mắt được, thấp thỏm như kiến ngồi chảo nóng, đi đi lại lại mãi trong phòng làm việc. Hôm sau, ông tăng số tiền treo thưởng lên ba trăm nghìn tệ, và yêu câu đài truyền hình phải đưa vụ án vào mục bản tin tiêu điểm buổi trưa, đồng thời không ngừng cho chạy dòng chữ về số tiền thưởng ở phía dưới màn hình. Bất cứ một vụ án hình sự nào, nếu không có sự phối hợp của lực lượng quần chúng, thì phía cảnh sát sẽ rất khó phá án. Khi số tiền thưởng lên tới hai trăm nghìn tệ, đã bắt đầu có những người gọi, điện cung cấp đầu mối. Hiện giờ, số tiền đã lên đến ba trăm nghìn, số người gọi điện đến đường dây nóng lại càng ngày càng nhiều.

Đến đêm thứ ba kể từ ngày xảy ra vụ án, một cô gái gọi điện đến 110 báo án.

Cô gái chính là chủ cửa hàng hoa tươi nơi xảy ra vụ án thứ ba. Tối hôm đó, khi cô và bạn trai kéo cửa cuốn xuống, chuẩn bị đóng cửa, thì bỗng có một người đàn ông mình đầy hơi rượu kéo cửa xông vào. Nhìn kĩ thì đó là một thanh niên trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú, uống say đến mức mặt đỏ như mặt trời, hai mắt mở trừng trừng.

Anh ta nói muốn mua một bó hoa, nhưng sau đó lại bảo quên không mang tiền.

Cô gái nói: "Thế thì để ngày mai quay lại vậy?"

Người thanh niên đó bỗng tỏ ra vô cùng căng thẳng, hỏi cô gái có nhặt được thứ gì không? Cô gái hỏi lại đó là thứ gì? Anh ta trả lời đó là một chiếc máy ghi âm mà mấy hôm trước vô tình để rơi trước cửa tiệm. Khi cô gái lắc đầu nói không thấy, bỗng dưng người thanh niên đùng đùng nổi giận, túm chặt cổ cô gái, rồi rít giọng qua kẽ răng: "Mau trả lại máy thu âm cho tao, nếu không tao giết!"

Bạn trai cua cô gái sau hồi do dự, đưa tay với một chiếc bình hoa bên cạnh, đập lên đầu hung thủ khiến hắn ngất ngay tại chỗ.

Sau đó họ gọi cho 110 báo án.

Cảnh sát 110 bắt kẻ say rượu về đồn, tiến hành thẩm vấn sơ bộ. Những vụ việc thế này xảy ra thường xuyên, nên không ai để ý đến người thanh niên say rượu này cả. Thế nhưng, trong khi làm ghi chép lời khai, câu nói đầu tiên của hắn khiến người cảnh sát lấy lời khai phải giật mình hoảng hốt.

Cảnh sát hỏi: "Tên gì?"

Hắn ngẩng đầu lên, nói: "Sát thủ hoa Tường Vi."

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện