P6 - Chương 1: Giữa cầu kêu oan
Ngày 20 tháng 01 năm 2009, giữa ngày đại hàn giá lạnh, gió bắc rít lên từng hồi, vài giọt mưa lất phất chưa kịp rơi xuống đã vội đóng thành băng. Trước cửa Cục công an treo những chiếc đèn lồng đỏ rực, ánh đèn điện lấp lóa trên những cành cây xanh.
Suốt một đoạn đường dài hàng chục cây số đã tràn ngập không khí ngày tết.
Một chiếc xe đắt tiền đang tiến ra khỏi cổng. Một bà lão nhìn thấy vội vàng chạy tới chặn trước đầu xe. Bà cụ chống một cây gậy dài bước ra giữa đường, quỳ sụp xuống.
Người lái xe giật mình đạp phanh, chiếc xe đột ngột dừng lại.
Bà lão đầu tóc tả tơi, áo quần rách rưới, mái tóc hoa râm bị những trận gió lạnh cuối năm thổi bay, che đi một phần khuôn mặt đầy nếp nhăn và tiều tụy của cụ. Bà cụ vẫn quỳ ở đó, chiếc gậy và cuộn chăn lấm lem đầy bụi đất đặt trước mặt. Bà cúi đầu sát đất, đôi tay giơ cao một tờ giấy trắng, như muốn "kêu" lên với những người trước mặt.
Giấy trắng mực đen, trên đó chỉ viết duy nhất hai chữ: "Cứu mạng!"
Lái xe bước xuống, bực dọc tỏ thái độ với bà cụ: "Bà chán sống rồi hả? Bà có biết đây là xe của ai không?"
Bà cụ lê gối vài bước trên nền đường, định bò đến ôm ấy chân người lái xe để cầu xin: "Cứu già với! Làm ơn cứu già với! Đứa cháu nội của già mất tích rồi!"
Người lái xe theo phản ứng lùi lại phía sau vài bước, rồi chỉ vào bà cụ, quát: "Dừng lại! Trên xe là phó bộ trưởng bộ công an và bốn vị của tổ chuyên án, bà dám chặn xe giữa đường thế này thật là to gan lớn mật."
Bà cụ vẫn quỳ sụp dưới đất, hướng thẳng về phía xe vừa dập đầu vừa kêu oan: "Thanh thiên đại lão gia! Cứu mạng! Xin cứu mạng!"
Người lái xe không thèm để ý đến bà cụ, quay mông bước trở về, ngồi trước vô lăng. Anh lùi xe lại một đoạn, định lái vòng qua bà cụ để đi tiếp.
Bà cụ vẫn cúi gập người, quỳ mãi không chịu đứng dậy, cả thân nhìn như một tảng đá gầy gò nhưng ngoan cường đứng giữa gió đông lạnh lẽo.
Bạch Cảnh Ngọc cùng bốn người của tổ chuyên án đang trên đường đến dự liên hoan văn nghệ cuối năm của ngành Công an. Vừa ra khỏi đơn vị đã gặp phải bà lão chặn xe kêu oan. Bốn người tổ chuyên án đều nhận ra đầu gối quần bà cụ đã rách bươn, lộ cả lớp quần bông lâu năm mặc bên trong ra ngoài. Điều đó chứng tỏ, bà cụ đã quỳ ở đây nhiều lần, nhưng không có kết quả. Cuộn chăn của cụ bụi đất tầng tầng, được bọc bằng một một lớp giấy bóng màu xám xịt, chứng tỏ bà cụ hàng đêm vẫn phải ngủ nơi đầu đường xó chợ giữa mùa đông lạnh căm này.
Ngoài Đạo Đức và Pháp Luật, vẫn còn một thứ nguyên tắc phán quyết quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời, ấy là lương tâm con người.
Chiếc xe vừa lái đi được một đoạn lại dừng lại. Họa Long và Bao Triển mở cửa bước ra, quay lại đỡ bà cụ dậy.
Bà cụ đến từ vùng núi Nghi Mông, nói một chất giọng vùng Tây Nam Sơn Đông đặc sệt. Phải mất một hồi lâu bà cụ mới kể rõ được tình hình mà mình đang gặp phải. Đứa cháu nội tên Đản Đản của cụ bị người ta bắt cóc đã một năm nay mà không có tin tức gì. Quá đau buồn và hối hận, ông nội của Đản Đản đổ bệnh rồi qua đời, mẹ cậu bé cũng liệt giường chẳng dậy nổi, bố cậu đành nén đau thương, nai lưng gắng sức chống đỡ cho gia đình li tán sắp sụp đổ này. Cụ bà đã ngoài bảy mươi, quyết định chống gậy ra đi tìm đứa cháu nội mất tích. Hơn một năm ròng, trải qua không biết bao nhiêu khổ nạn, đến không biết bao nhiêu nơi, nhưng hy vọng tìm được đứa cháu trai duy nhất chưa bao giờ vụt tắt. Nếu ngày nào còn chưa tìm được đứa trẻ, cụ sẽ không quay trở về.
Tổ chuyên án mời bà cụ vào trong phòng làm việc.
Bà cụ vừa buồn rầu vừa tự than thở cho số phận khổ đau của mình, nhưng nay đã may mắn có nhà nước giúp đỡ.
Giáo sư Lương nhẹ nhàng hỏi: "Một năm nay cụ ăn uống bằng gì?"
Cụ bà trả lời: "Giờ xin ăn chứ biết làm sao được! Cũng may đời còn nhiều người tốt. Khối người còn cho già tiền. Già còn để dành đây này!"
Tô My lấy chỗ đồ ăn vặt của mình, có một hộp sôcôla, mấy gói hạt và thịt bò khô ra đặt trước mặt bà cụ.
Cụ bà nói: "Con gái con tốt bụng quá! Nhưng già nào còn răng đâu mà nhai được. Con có nước hay canh nóng gì cho già một bát là được rồi."
Tô My thấy chua xót trong lòng, nhưng trong văn phòng không còn gì khác pha một cốc cà phê tan đưa cho bà cụ.
Bà cụ lôi từ trong bọc chăn ra một chiếc cốc uống trà đã sứt mẻ, đổ cà phê vào đó, rồi đưa lên vừa xuýt xoa bàn tay lạnh cóng vừa uống, rồi cười nói: "Vừa đắng đắng vừa ngọt ngọt!"
Họa Long nhìn bà cụ, nói: "Cụ ơi! Bây giờ cũng gần tết rồi! Hay để chúng con đưa cụ về nhà. Chỉ cần cảnh sát địa phương lập án, họ sẽ giúp cụ tìm cháu nội về thôi!
Cụ bà buồn rầu đáp: "Họ có tìm thấy đâu, nên già mới phải lên Trung ương nhờ. Già là người vùng núi Nghi Mông, từng chữa trị cho Giải phóng quân, từng đưa bánh, khâu giày cho bộ đội. Năm đó, một vị thủ trưởng cưỡi ngựa nói với già, sau này nếu có khó khăn gì thì cứ tìm đến Trung ương nhờ giúp đỡ. Bao nhiêu năm nay già dù nghèo khổ cũng vẫn cắn răng cắn lợi mà sống qua ngày. Nhưng giờ cháu nội già bị người ta bê đi mất rồi, cả nhà người sống người chết, già phải tìm lên Trung ương thôi?"
Những cống hiến của người dân vùng núi Nghi Mông trong cuộc kháng chiến chống Nhật và giải phóng dân tộc của Trung Quốc được cả nước ca ngợi. Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, điều kện vô cùng khắc nghiệt, vật chất vô cùng thiếu thốn đó, hàng nghìn hàng vạn người phụ nữ Nghi Mông đã có những sự hi sinh lớn lao cho đất nước. Sự thành lập của nhà nước Trung Quốc mới là công lao vun đắp của nhân dân.
Những người phụ nữ, người chị, người mẹ vùng núi Nghi Mông từng dùng cả dòng sữa của mình để nuôi nấng con cái của các chiến sĩ, để họ yên tâm chiến đấu.
Giáo sư Lương nói với Bạch Cảnh Ngọc: "Đây là một bà cụ đến từ vùng núi cách mạng. Những gì hứa hẹn năm xưa đã đến lúc phải thực hiện rồi."
Bạch Cảnh Ngọc phản đối, nói: "Nhưng điều này không đúng với nguyên tắc và trình tự. Trong xã hội bây giờ mà vẫn còn chuyện chặn đường dâng sớ kêu oan, việc lộ ra ngoài thì trước cửa cơ quan chúng ta phải quỳ biết bao nhiêu đây? Tổ chuyên án không phải đội trinh thám tư nhân, mà chỉ đảm nhiệm những vụ án mạng nghiêm trọng trong nước thôi. Việc tìm trẻ lạc hãy cứ để cho cảnh sát địa phương tìm thì hơn."
Bà cụ quay sang hỏi: "Đội trinh thám tư nhân là gì?"
Bao Triển trả lời: "À nhận tiền và giúp người ta phá án, điều tra cụ ạ!"
Cụ bà cởi nút áo bông, lộ ra từ chiếc túi trong một chiếc túi đựng xà phòng đã hết bên trong có một chút tiền. Cụ nói: "Vì việc tìm Đản Đản, trâu cày nhà già cũng bán rồi, nhà cũng bán rồi. Chạy chữa bệnh cho mẹ nó cũng hết không ít. Có cả chút tiền những người tốt bụng cho già đều còn để dành lại. Đây, giờ già đưa hết cho Trung ương, Trung ương thương lấy thân già này với!"
Cụ bà lại định quỳ xuống lần nữa. Họa Long vội vàng đỡ cụ dậy, rồi bảo cụ cất tiền vào túi.
Bao Triển giải thích với cụ: "Cụ ơi! Chúng con không lấy tiền của cụ đâu. Nếu có làm, thì chúng con cũng sẽ làm đội trinh thám tư nhân và miễn phí cho cụ."
Giáo sư Lương hỏi ba người còn lại trong tổ: "Tổ chuyên án hủy lịch nghỉ tết, mọi người có ai có ý kiến gì không?"
Tô My nói: "Cháu từ nhỏ được bà nội nuôi lớn. Nếu cháu mà mất tích thế này, chắc chắn bà nội cũng sẽ đi tìm cháu."
Họa Long quả quyết: "Liên hoan văn nghệ không xem cũng chẳng chết ai!"
Bao Triển cũng đồng ý bỏ qua kì nghỉ lễ giúp bà cụ tìm đứa cháu nội mất tích.
Bạch Cảnh Ngọc thở dài, nói: "Thôi được rồi! Cả bốn người đồng tình kháng lệnh của tôi như thế này, tôi phải tức giận hay vui mừng đây không biết!"
Tô My liên hệ với cơ quan công an địa phương nơi bà cụ sinh sống. Theo những gì chủ nhiệm văn phòng chống bắt cóc cho biết, mấy năm gần đây có một số bé trai đột nhiên mất tích, trong đó có Đản Đản là cháu nội, của bà cụ. Phía cảnh sát đã cố gắng rất nhiều, và vẫn liên tục tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Họ chỉ điều tra được rằng cậu bé bị một người phụ nữ trung niên đưa đi. Có một người qua đường đã thấy người phụ nữ đó nói với Đản Đản rằng: "Bác đưa con đi mua đồ ăn ngon nhé! Lát nữa lại đưa về với mẹ!"
Chủ nhiệm văn phòng còn cho biết: "Người phụ nữ đó nói giọng vùng Dương Thành – Quảng Đông, nhưng cả vùng Dương Thành rộng lớn như thế, họ biết đi đâu tìm một đứa trẻ bây giờ? Đứa trẻ còn có khả năng bị bán đến những vùng núi nghèo, vùng sâu vùng xa, chỉ có cách tìm được kẻ bắt cóc mới có thể biết được tung tích của đứa trẻ. Trong trường hợp bị bán qua bán lại nhiều lần, hy vọng lại càng mong manh hơn."
Tô My yêu cầu phía cảnh sát địa phương gửi bản fax ảnh và các tư liệu vụ án đến cho tổ chuyên án. Sau khi xem xong một lượt, mọi người mới thấy đầu mối vô cùng ít, độ khó của vụ án vì thế tăng lên gấp nhiều lần, nhân chứng duy nhất cũng chỉ nhìn thấy sau lưng của kẻ bắt cóc, và chỉ nghe thấy đúng một câu như trên.
Bạch Cảnh Ngọc nói: "Những kẻ bắt cóc phụ nữ trẻ em thường có tính tập đoàn rất rõ rệt. Nếu chỉ có một người thực hiện việc bắt cóc thực sự rất khó. Thông thường quá trình này sẽ có người phụ trách việc bắt cóc, có người phụ trách trung chuyển và có người phụ trách bán trẻ em. Tất cả hình thành một mạng lưới mua bán chuyên nghiệp. Phương thức phá án cũng không nhiều. Phải bắt được kẻ bắt cóc trực tiếp, rồi từ từ lần theo đó để tìm ra người đã mua đứa trẻ. Nếu mạch điều tra bị đứt quãng, sẽ không có cách nào có thể điều tra tiếp được nữa, mà chỉ còn cách đi mò thông tin những đứa trẻ có lai lịch không rõ ràng, rồi sử dụng việc xét nghiệm máu để xác định, tìm ra bố mẹ đẻ. Còn có một cách đó là công bố rộng rãi ảnh của đứa trẻ bị bắt cóc, nhờ đến sự giúp đỡ của quần chúng để xác định. Để phá một vụ án bắt cóc trẻ em có thể sẽ cần đến vài năm, di chuyển tới nhiều thành phố khác nhau, hao tiền tốn của. Tội phạm bắt cóc thông thường đều gây án tại từ vùng này sang vùng khác, số lượng đồng bọn đông đảo, kinh phí và nguồn nhân lực cảnh sát để phá án đều là những vấn đề quan trọng. Các tạp chí trực thuộc bộ công an đều có chuyên mục tìm người lạc mỗi năm đều nhận được một lượng lớn người gửi thư tới, hầu như đều là các bậc cha mẹ có con bị mất tích gửi thư đến nhờ giúp đỡ tìm kiếm."
Bạch Cảnh Ngọc gọi một cú điện thoại, kêu cấp dưới đưa đến một thùng thư. Tổ chuyên án đọc xong mấy bức thì không thể đọc tiếp nổi nữa. Những bức thư đó khiến bất cứ ai đọc được cũng phải đứt từng khúc ruột. Sau đây là một vài đoạn trích:
"Lạc Lạc à! Hôm nay là ngày thứ mười kể từ khi con rời xa bố mẹ. Ngày nào mẹ cũng chỉ biết khóc, không dám nhắm mắt lại. Kể từ khi con rời xa bố mẹ, trong đầu mẹ lúc nào cũng là hình ảnh khi con trở về nhìn bố mẹ mà cười vui sướng! Mẹ mong biết bao giây phút xúc động lòng người ấy sẽ đến. Không biết con còn muốn trừng phạt bố mẹ đến khi nào? Ngày nào mẹ cũng chỉ biết ôm ảnh con vào lòng mà khóc, mà hối hận. Tất cả là tại mẹ không tốt, không làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu được chọn lựa, mẹ chỉ muốn tim mình ngừng đập. Mẹ không chịu được những ngày tháng đau khổ vì mất con như thế này. Mẹ sắp không cầm cự được nữa rồi, con ở đâu?
...
Con yêu! Cha đã già rồi! Không biết con ở đâu? Bao nhiêu năm nay con sống ra sao? Cha sẽ tiếp tục tìm con như đã tìm bao năm nay vậy!
Con sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1989, cha đặt tên con là Giang Huy.
Khóe mắt phải của con có một nốt ruồi màu đen, trên bụng có một vết bớt đỏ hình tam gác, trên trán có một vết sẹo bằng móng tay vì hồi nhỏ con nghịch cạnh bếp lửa chẳg may vập đầu vào. Con nhóm máu B.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, mặc dù không có cha mẹ cạnh bên, nhưng con chắc đã lớn thành người rồi, và có thể con đã không còn nhớ cha mẹ là ai nữa. Nhưng những gì về con, cha đều nhớ như in, cứ như mọi việc mới chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua đây thôi vậy. Cha luôn nhớ và đi tìm con.
Không bao giờ cha quên được cái ngày 15 tháng 8 năm 1995 định mệnh ấy. Cha đã không trông con cẩn thận, để con bị bọn bắt cóc bê đi mất. Cha thật hối hận, cha hối hận vô cùng. Lẽ ra cha phải chơi cùng con, phải trông con như mọi ngày, có lẽ vận mệnh của gia đình mình đã khác.
Lúc con bị bắt đi, cha vẫn còn loáng thoáng nghe được con gọi một tiếng "cha ơi", bao nhiêu năm nay tiếng gọi ấy cha chưa bao giờ quên được.
Lúc rời xa cha mẹ, con mới có năm tuổi giờ này con đã gần hai mươi. Con biết không, bà nội vì mất cháu mà phát bệnh tim qua đời. Mẹ con cũng tái giá rồi. Chúng ta không thể trách mẹ con được, tất cả là lỗi của cha, và cha không thể nào bù đắp được cho mẹ. Hai tháng liền sau đó, cha ngoài việc nằm trên giường suy nghĩ ra, không còn biết làm gì khác, không biết phải đi đâu về đâu.
Sau đó, cha hạ quyết tâm, nhất định phải tìm đưa con trở về, bất kể phải đợi đến khi nào, bất kể con bị bán tới nơi đâu.
Bao năm nay, cha đã đặt chân tới những nơi nào chính cha cũng không nhớ rõ. Cha chỉ biết tìm từ thành phố này sang thành phố khác, dán thông báo tìm trẻ lạc khắp nơi. Đến đâu cha cũng hỏi thăm mọi người rồi tìm cả mối để mua thông tin nữa. Mặc dù con không ở bên cạnh, nhưng cha vẫn cảm nhận được con đang ngày một lớn lên. Đi đến nơi nào cha cũng tìm đến các trường học để tìm kiếm, chỉ tiếc là, cha vẫn chưa tìm thấy con.
Thực lòng mà nói, đã có lúc cha muốn buông xuôi. Con biết không, đôi khi, đối mặt với biển người rộng lớn, không biết phải đi tìm nơi đâu, cha chỉ còn biết tìm đến với rượu để mình say mà quên đi. Bởi cha thực sự sợ hãi, sợ hãi rằng không biết cha còn có thể tìm thấy con nữa hay không? Và phải tìm bao nhiêu năm nữa?
Cha đã già rồi! Những đồng xu cuối cùng trên người cũng đã sớm chẳng còn là bao. Mặc dù người thân và bạn bè đều khuyên cha đừng tìm nữa, và cũng có những người cho rằng cha là kẻ điên, nhưng việc tìm con là cái đích duy nhất mà trước đây, hiện tại và cho đến trước khi tìm thấy con mà cha hướng đến."
Những bức thư này càng làm tổ chuyên án kiên định hơn nữa việc phải giúp bà cụ tìm thấy đứa cháu của mình. Mọi người phân tích rằng việc những kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh chủ yếu để bán, nhưng những đứa trẻ lớn tuổi hơn một chút thì chủ yếu để tổ chức thành những nhóm ăn xin. Đản Đản khi bị bắt cóc đã bốn tuổi, kẻ bắt cóc nói giọng Dương Thành, do đó khả năng cậu bé là ăn xin ở Dương Thành là rất lớn. Tổ chuyên án quyết định phái người đưa cụ bà về nhà, nhưng cụ nhất định không chịu, mà đòi đến Dương Thành tìm cháu cùng tổ chuyên án. Cụ nói rằng, cho dù mình phải đi làm ăn xin, dù phải chết đầu đường xó chợ, khi chưa tìm thấy cháu sẽ không chịu về nhà.
Không thể khuyên nổi, tổ chuyên án đành đưa cụ đến Dương Thành cùng cả nhóm, có bà cụ, việc nhận diện cũng dễ dàng hơn.
Khi trên máy bay, nhìn thấy bà cụ rách rưới, nữ tiếp viên hàng không có phần kinh ngạc, có lẽ đó là lần đầu tiên họ thấy một bà cụ nhà quê ngồi máy bay. Nữ tiếp viên hỏi bà cụ uống gì, cụ ôm chặt chiếc bao tải đựng lỉnh kỉnh những thứ đồ của mình, xua xua tay từ chối. Một lát sau, đến giờ phát đồ ăn, bà cụ nói mình không đói, nữ tiếp viên rót đưa cho bà một cốc nước nóng. Bà cụ đã có hành động khiến mọi người đều kinh ngạc. Cụ lấy từ trong túi ra một nắm tiền lẻ, toàn là năm xu một đồng. Khi nữ tiếp viên nói các đồ ăn trên máy bay đều miễn phí, bà cụ mới cầm lấy, nhưng vẫn không nỡ ăn mà bỏ vào bao tải. Trong bao tải của cụ còn có đến mấy chục túi Snack Khoai tây loại rẻ tiền.
Bà cụ mua rất nhiều Snack Khoai tây vì đó là loại đồ ăn vặt mà cháu nội cụ rất thích.
Tổ chuyên án và bà cụ đã đến Dương Thành. Họ ngồi xe khách vào trung tâm thành phố. Sau khi xuống xe, Bao Triển chú ý tới một đoạn quảng cáo kỳ dị dán trên cột điện, nội dung quảng cáo như sau:
CHUYỂN NHƯỢNG TRẺ TÀN TẬT
Hiện tôi có ba trẻ tàn tật:
1. Mất hai chân, giá chuyển nhượng 8000 tệ.
2. Hai tay dị tật giá chuyển nhượng 6000 tệ.
3. Câm điếc thiểu năng, giá chuyển nhượng 5000 tệ.
Tất cả đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực ăn xin, nghe lời, thật thà, chắc chắn không bỏ trốn. Nay tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng, có thể chuyển nhượng tất cả hoặc chuyển nhượng lẻ từng người. Nếu chuyển nhượng cả một và hai, sẽ được tặng cả ba. Do có việc gấp cần về quê nên tôi mới chuyển nhượng ạ. Ai có nhu cầu xin liên hệ.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~