P6 - Chương 2: Địa ngục

Tô My nói: "Không hiểu người bố nào có thể đăng quảng cáo chuyển nhượng con cái mình cho đi làm ăn xin như thế này được không biết?"

Giáo sư Lương giải thích: "Có một điều hiển nhiên dễ nhận thấy, đây là con của người khác."

Bao Triển bức xúc nói: "Mua hai tặng một! Quảng cáo chuyển nhượng trẻ em lại công khai dán ngay giữa đường giữa phố như thế. Xã hội này thật đáng sợ!"

Họa Long nói: "Nếu bây giờ còn giữ hình phạt lăng trì thì những kẻ bắt cóc trẻ em, đập cho tàn phế, rồi bắt chúng đi làm ăn xin ăn mày kia nhất định phải xử bằng cách ấy mới thích đáng."

Bao Triển lột lấy tờ dán quảng cáo trên cột điện, rồi cẩn thận bỏ vào trong túi. Ủy ban thành phố cách đó không xa. Tổ chuyên án quyết định đi bộ tới đó, trên đường nhìn thấy không ít ăn xin. Đi qua cửa một siêu thị ven đường, một thằng bé trông nhem nhuốc bẩn thỉu bỗng nhiên chạy ra bám chặt lấy chân Họa Long.

Họa Long gọi bà cụ lại, bảo: "Cụ ơi, cụ lại đây xem có phải cháu cụ không?"

Cụ bà nhìn một lát, rồi lắc lắc đầu, rồi cụ lấy ra một túi snack khoai tây bỏ vào bàn tay bé nhỏ đang xòe ra của đứa bé.

Tới một ngã tư đường, bốn người tổ chuyên án và bà cụ phát hiện ra: Cứ mỗi khi có đèn đỏ, là một đám ăn xin ùa ra như ong vỡ tổ, chúng chạy lại ngửa tay xin tiền những người lái xe qua lại, thậm chí trong số đó còn có cả một người phụ nữ đang có bầu, trên lưng còn cõng cả một đứa trẻ sơ sinh. Cô ta dùng đôi bàn tay đen nhẻm và nhơ nhuốc gõ gõ vào cửa xe, rồi chỉ chỉ ra đứa trẻ phía sau lưng mình, rồi lại chỉ chỉ vào miệng, a a vài tiếng không rõ muốn nói gì, cuối cùng ngửa tay ra xin tiền rất... "chuyên nghiệp".

Khi nhìn vào đó, chúng ta đều có thể đoán được đó là một bà bầu bị câm làm nghề ăn xin.

Thế nhưng, khi nhìn thấy có một người nước ngoài đang ngồi phía sau xe, cô ta rất nhanh chóng chạy xuống cửa dưới thoăn thoắt như một người bình thường, không có chút dáng vẻ mệt mỏi nào của một người đang mang bầu. Kinh ngạc hơn nữa, người phụ nữ câm chu đầu vào trong cửa xe, rồi mở miệng nói tiếng Anh bồi với khách: "Hello! Money!" (Xin chào! Tiền!). Giọng nói cô ta có phần khàn khàn, nghe như trong họng tắc đầy khói bụi. Cô ta không ngừng lặp đi lặp lại mấy từ tiếng Anh nọ, cho tới khi người đàn ông ngoại quốc nở một nụ cười lịch sự, đưa cho cô ta tờ một trăm tệ.

Những vụ án trước đây đều là do tổ chuyên án nhận được lời "cầu cứu" từ phía cảnh sát địa phương, nhưng lần này thì ngược lại.

Trưởng cục Cảnh sát Thành phố tiếp đãi tổ chuyên án một cách nồng nhiệt. Sau khi nghe rõ mục đích của tổ chuyên án, ông tỏ ra rất nhiệt tình giúp đỡ, rồi bảo người sắp xếp nơi ở và làm việc cho tổ chuyên án. Cả nhóm được sắp xếp vào ở tại năm phòng trong khu tiếp đãi khách của cơ quan.

Theo những gì được giới thiệu tại Dương Thành có một lượng lớn ăn xin chuyên nghiệp. Theo kết quả điều tra, hiện nay những ăn xin đầu đường xó chợ ở đây chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm, trong đó một bộ phận chủ yếu là những người già. Khoảng 10% trong số ăn xin ở đây được cho là những người có bệnh về thần kinh hoặc thiểu năng trí tuệ, chủ yếu tập trung ở khu vực Lan Sa, Tòng Hoa, Tăng Thành, v.v... Những đứa trẻ ăn xin chủ yếu tập trung ở khu Nguyệt Tú, Lệ Loan, Thiên Hòa. Một nửa trong số trẻ em đó còn làm cả nghề nhặt rác, chúng chủ yếu tập trung ở những khu mua sắm, điểm tham quan du lịch và các bến xe bến tàu. Tại khu Việt Tây của Dương Thành còn có một xóm ăn xin, những người ở đây đi ăn xin như đi làm nghề chân chính, sáng đi tối về.

Trưởng cục Cảnh sát thành phố gọi một cảnh sát khu vực đến, rồi trình bày với tổ chuyên án: "Cậu Tiểu Mã này là người phụ trách tình hình trật tự trị an của xóm ăn mày, cũng quen với công tác cứu trợ giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, cậu ấy sẽ nhận công tác giúp đỡ tổ chuyên án trong chuyến công tác lần này."

Họa Long tức giận nói: "Cảnh sát khu vực? Nghĩa là thế nào? Chúng tôi đường xa tới đây, phía cảnh sát thành phố chỉ sắp xếp một cảnh sát khu vực nhỏ thế này thôi sao?"

Vị lãnh đạo nói một cách e ngại: "Hôm nay đã là hai sáu Tết rồi, cảnh sát thì cũng cần phải có Tết chứ, dù sao cũng đã làm việc cả năm trời rồi! Hầu như các cảnh sát đều đã nghĩ tết hết rồi, thực sự không thể tìm đâu thêm người được nữa. Hơn nữa còn phải lo đến vấn đề trật tự trị an ngày tết nữa, nên chúng tôi không kiếm đâu ra người được nữa cả. Các đồng chí nghĩ mà xem, việc chống trộm cướp, chống cháy nổ, an toàn giao thông, an ninh thành phố, có phần nào là không quan trọng bằng việc tìm một đứa trẻ không chứ?"

Giáo sư Lương tỏ ý thông cảm. Trước cổng Cục cảnh sát bỗng nhiên xuất hiện một nhóm người đang hô hào ầm ĩ, căng khẩu hiệu. Đây là một nhóm công nhân đi đòi lương.

Cục trưởng đưa tay vén rèm cửa sổ, rồi nói với tổ chuyên án: "Các vị nhìn thấy rồi đấy! Cuối năm rồi, những việc cần giải quyết cũng nhiều lên rất nhiều. Các vị cứ ở lại đây đã, đến qua tết mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn."

Tiểu Mã là một cảnh sát có phần thô lỗ. Anh ta tỏ rõ thái độ không vui khi lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình. Tiểu Mã lái xe đưa bốn người tổ chuyên án và bà cụ đến khu nhà khách của cơ quan, trên đường cậu ta không ngừng dùng tiếng địa phương mắng chửi. Giáo sư Lương quyết định không ở trong nhà khách của Cục cảnh sát mà vào ở ngay trong xóm ăn xin.

Cảnh sát Tiểu Mã cười khó hiểu rồi nói mỉa một câu: "Các vị đầu óc có vấn đề cả rồi sao?"

Không vào hang cọp sao bắt được cọp con.

Muốn hiểu cuộc sống của những người ăn mày, thì phải bước vào sào huyệt của chúng mới mong hiểu rõ được.

Tại Dương Thành có rất nhiều xóm nhỏ nằm trong thành phố. Trong những xóm kiểu này, những người nghèo khổ làm bạn với nhau. Dân ngoại thành thuộc những tầng lớp khác nhau đều tập trung tại đây, mỗi xóm làng giữa chốn đô thành này đều là một xã hội nhỏ. Đó không phải là những xóm rìa, mà chính là những ung nhọt, những phần thừa của thành phố, thành phần tạp nham, trị an hỗn loạn. Các số liệu tổng hợp cho thấy, có đến 80% những vụ án xảy ra ở Dương Thành là do những người ngoại tỉnh gây ra, và 90% số dân ngoại tỉnh đó lại sống trong chính những xóm làng kiểu này.

Đây là những "hang ổ" của nghèo đói trên đất nước Trung Quốc. Chửi bậy, u ám, tù túng, hỗn loạn, khắp nơi là những "lầu xanh lầu vàng". Ngay giữa trưa nắng cũng không thấy ánh mặt trời, khoảng cách hạn hẹp giữa hai khu nhà nhỏ đến nỗi một chùm sáng mặt trời cũng là thứ gì đó vô cùng xa xỉ.

Đây chính là nơi mà người ta thường gọi là "chốn giang hồ", người nào ở đây chưa từng bị mất đồ thì đúng là một hiện tượng lạ. Ngoài trộm cắp, còn có những kẻ bảo kê chuyên bắt nạt người khác. Chúng đến các sạp bán hàng đòi thu phí bảo hộ giống như nhà nước thu thuế kinh doanh. Ở những nơi này còn có hai nghề rất "phất", một loại là những nơi tổ chức đánh bạc dưới hầm, hai là những cô ả gội đầu kéo khách ở đầu phố. Ở những chỗ tập trung tất cả những thứ rác rưởi của xã hội này, các băng nhóm tràn ngập, trộm cắp, cướp bóc, lừa gạt, mại dâm, bắt cóc trẻ em, cờ bạc, rửa tiền, làm giả v.v... vẫn diễn ra một cách tấp nập hàng ngày.

Tiểu Mã tìm một căn nhà ba phòng ngủ một phòng khách trong làng ăn xin để làm chỗ ở tạm thời cho tổ chuyên án. Trong xóm giữa thành phố này, đây đã được coi là nơi vô cùng hoa lệ rồi. Tiểu Mã trước khi rời đi đã để lại số điện thoại của mình. Đồn cảnh sát nơi anh ta làm việc cách đó không xa, vì vấn đề an toàn, xe sẽ được đặt trong sân của đồn cảnh sát. Tiểu Mã dặn dò tổ chuyên án không nên nói chuyện với người lạ, nếu không có việc gì thì không nên đi ra ngoài.

Tiểu Mã nói với Họa Long: "Anh mang theo súng nhất định phải để thật cẩn thận."

Họa Long trả lời: "Người anh em, cậu cứ yên tâm đi!"

Tiểu Mã nói một cách nghiêm túc: "Tôi từ trước tới giờ đều không dám mang theo súng. Ở đây kẻ trộm còn nhiều hơn người bị trộm."

Trong phòng từ đồ gia dụng đến điện nước đều không thiếu thứ gì. Trên bức tường bê tông bên ngoài cửa sổ có viết mấy hàng "biểu ngữ" ghi: "Cấm đái ỉa bậy? Đứa nào đổ rác ở đây chết mẹ nó đi?" Phía trên hành lang phơi đầy quần áo lót, nước từ đó nhỏ tong tong xuống đầu những ai đi qua, mặt đất hình như đã rất lâu rồi luôn ở trong tình trạng ướt át. Tổ chuyên án dọn dẹp qua một chút, mặc dù tâm lý có phần không được như ý, nhưng căn phòng cũ này lại cho họ cảm giác của một gia đình.

Họa Long nhìn ra ngoài cửa sổ, nghĩ lại rất nhiều điều anh từng trải qua trong quá khứ. Họa Long hiểu rất rõ thành phố này, anh từng đến Dương Thành, trà trộn vào một ổ nhóm buôn bán ma túy, từng "dạy dỗ" một tên oắt láu cá ở quảng trường tại bến tàu hỏa, từng giao đấu với xã hội đen, và đã từng một thời gian ngủ lại trong một ngôi nhà mà người ta gọi là "nhà ma". Anh vẫn còn nhớ như in, những dây thường xuân dài mọc um tùm dưới tầng một của ngôi nhà ấy, chúng từ từ ngoi sang cả cột điện, trông chẳng khác nào một thác nước màu xanh mượt, những ai qua đó đều phải đưa tay vén những ngọn cây xõa xuống sang hai bên mới đi được.

Tô My nói: "Xem ra, chúng ta phải đón Tết ở đây rồi."

Bà cụ cười cảm thán: "Chỗ này còn tốt hơn nhà ở quê nhiều. Tối nay, già làm bánh chẻo nước cho mọi người ăn. Năm hết Tết đến rồi, cũng phải ăn chẻo nước cho đúng phong tục chứ."

Bao Triển thở dài: "Ra tết phía cảnh sát thành phố cũng chưa chắc giúp chúng ta phá án, họ làm thế này là cũng chưa chắc giúp chúng ta phá án, họ làm thế này là để chúng ta rút lui đấy thôi."

Giáo sư Lương vẫn bình tĩnh: "Nếu đến một đứa trẻ cũng không tìm ra được, chúng ta còn gọi gì là tổ chuyên án nữa?"

Tổ chuyên án chỉ có bốn người, cộng thêm một bà cụ già nữa, giữa biển người mênh mông, biết đi đâu để tìm đứa trẻ bây giờ?

Họa Long bỗng nhớ ra điều gì, nói: "Có một người có thể sẽ giúp được chúng ta đấy!"

Giáo sư Lương hỏi: "Ai?"

Họa Long trả lời: "Hắc Bì, một người bạn của cháu trong giới xã hội đen."

Tại Dương Thành có không ít băng đảng giang hồ. Tại địa bàn khu bến tàu hỏa và bến xe khách đều có những thế lực đen cai quản. Sau nhiều lần thanh trừng rồi sát nhập, một kẻ tên Trâu Quang Long trở thành đại ca ở đó. Hắc Bì vốn là thủ hạ của Trâu Quang Long, một tay đấm bốc xã hội đen. Trâu Quang Long bị bắt vào ngục, tên tuổi của Hắc Bì ngày càng vang, rồi lên thay vị trí của ông trùm cũ, khống chế ngành vận tải hành khách ở Dương Thành này.

Họa Long nói: "Nếu Hắc Bì chịu giúp, vận động hệ thống lái taxi trong thành phố giúp đỡ tìm kiếm đứa trẻ, thì hi vọng của chúng ta sẽ rất lớn."

Tô My lên tiếng phản đối: "Thật nực cười! Cảnh sát chúng ta, lại phải nhờ vả đến những tên xã hội đen như thế sao?"

Bao Triển nói: "Những cảnh sát địa phương có chịu nhúng tay vào đâu."

Họa Long đồng tình: "Có những người cảnh sát, thích đánh là đánh, thích chửi là chửi, xòe tay ra là vòi tiền, cũng chẳng khác gì xã hội đen. Mẹ kiếp! Vứt chúng ta lại đây chẳng đạo nghĩa bằng mấy anh em giang hồ!"

Giáo sư Lương quyết định lợi dụng tất cả các lực lượng trợ giúp từ xã hội. Họa Long và Bao Triển đi tìm Hắc Bì mong thận được sự giúp đỡ Tô My đi liên hệ với các tổ chức tình nguyện viên và các nguồn hỗ trợ tìm kiếm. Năm 2007, một đôi vợ chồng thành lập một trang mạng mang tên "Con ơi! Về nhà thôi!", với mục đích trợ giúp những đứa trẻ bị bắt cóc, bị bỏ rơi, đi lạc, những đứa trẻ lang thang ăn xin tìm về với gia đình. Đây là một tổ chức tập thể công ích xã hội không thu bất cứ một loại phí nào, và rất nhanh chóng trên khắp Trung Quốc đã thành lập các tổ chức tình nguyện viên cứu trợ. Hàng ngàn hàng vạn người hảo tâm đã âm thầm cống hiến, giúp đỡ một trăm sáu mươi tám gia đình đoàn tụ.

Người lập ra trang mạng này tên là Trương Bảo Diễm. Năm 2009, trong chương trình "Cảm động Trung Quốc", bà đã vinh dự được nhận giải thưởng nhân vật chính trị pháp luật của thập niên.

Chúng ta cần phải ghi nhớ cái tên đáng kính này!

Tô My thông qua Trương Bảo Diễm liên hệ được với tổ chức tình nguyện viên tại Dương Thành. Hội trưởng là một nữ sinh viên đại học, và điều đặc biệt là cô cũng sống trong xóm ăn xin này. Tổ chuyên án lập tức mời cô sinh viên này tới. Cô gái tên là A Đóa, đeo một cặp kính cận dày cộp, là người mắc bệnh trầm cảm, vô cùng ít nói, nhưng là người rất có sức ảnh hưởng và có khả năng hiệu triệu mọi người. Tổ chức tình nguyện viên nơi cô tham gia đã có đến năm trăm hội viên, là một tổ chức công ích khá lớn.

A Đóa hỏi bà cụ: "Bà cần bao nhiêu người ạ?"

Bà cụ không trả lời, rồi lại quỳ sụp xuống.

A Đóa vẫn giữ nét mặt trầm ngâm, nói: "Được rồi! Năm trăm người! Ngày mai cháu sẽ huy động toàn bộ các tình nguyện viên lên phố tìm kiếm."

Nhà của A Đóa nằm trong xóm này, cô từng chính mắt chứng kiến không ít hình ảnh đau thương. Một năm trước cô tình cờ nhìn thấy một vụ ngược đãi trẻ em vô cùng ác độc. Kể từ đó, cô bắt đầu quan tâm đến những đứa trẻ bị bắt cóc, rồi trở thành một tình nguyện viên. Hôm đó, chú mèo của A Đóa chạy sang ban công nhà hàng xóm. Cô bé trèo sang để bắt mèo, vô tình nhìn thấy một cảnh tượng đáng sợ như chốn địa ngục trần gian.

Nhà hàng xóm có năm người, một ông lão ăn xin, một người phụ nữ trung tuổi, một thanh niên tóc dài và hai đứa trẻ. Họ trông giống như một gia đình đích thực, hai đứa trẻ nhỏ đều đang khóc lóc gọi mẹ ơi.

Bên cạnh đó, một người phụ nữ đang đứng chống nạnh, quát: "Tao chính là mẹ chúng mày hiểu chưa?"

Đứa trẻ nhỏ càng khóc lớn, vừa khóc vừa gào: "Không phải! Không phải! Cháu muốn mẹ cơ! Cháu muốn mẹ cơ!"

Ông già ăn mày rít qua kẽ răng, quát nạt: "Còn khóc nữa tao đập chết ra bây giờ!"

Người thanh niên tóc dài tóm lấy một đứa trẻ, rồi vô cùng thô bạo dúi cổ đứa trẻ xuống đất.

Đứa trẻ còn lại tròn mắt nhìn anh ta sợ hãi.

Người thanh niên tóc dài lấy chân giẫm lên khớp tay của đứa trẻ, rồi tóm lấy bàn tay, giật mạnh một cái. Chỉ nghe một tiếng "rắc", đứa trẻ đau đớn thét gào rồi bất tỉnh nhân sự. Hắn ta đã dễ dàng bẻ gãy tay một đứa bé mà không hề chớp mắt.

Người thanh niên tóc dài hất mái tóc sang một bên như chưa hề có chuyện gì xảy ra, rồi nói: "Đứa tiếp theo!"

~~~~~~~~~~~~~~~

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện