P9 - Chương 5: Kỳ án trộm xác
Ngoài hành lang, mấy đứa trẻ đang hát một bài hát thiếu nhi đã bị xuyên tạc: "Hai chú hổ con. Hai chú hổ con! Chúng yêu nhau! Chúng yêu nhau! Cả hai đều là hổ bố! Cả hai đều là hổ bố!" Một số học sinh chơi trò chơi trên sân vận động, chúng không ngừng ném một loại thẻ cứng hình tròn xuống đất rồi chửi tục, còn vài đứa chơi trò Yoyo... Tiếng chuông vào lớp vang lên, lũ trẻ lại chạy vào lớp.
Sân trường bỗng trở lên vắng lặng hẳn. Trong phòng một lớp ba, có hai chiêc bàn trống, hai đứa trẻ cũng không bao giờ trở lại lớp học nữa.
Tổ chuyên án kiên nhẫn đợi đến khi tan lớp, sau đó tiến hành điều tra. Trong hôm xảy ra sự việc, trong trường không xuất hiện ai lạ hoặc sự việc gì bất thường. Nghe nói hai đứa trẻ từng ăn trộm trứng đồng tử, và bị một người phụ nữ chủ quán hàng mắng té tát. Có học sinh còn cho biết, Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đã định hôn từ nhỏ, khi chúng vừa sinh ra, hai bên cha mẹ đã đồng ý mối hôn sự này.
Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê ở cùng một làng. Trong ngày xảy ra sự việc, do phải thi lại, nên đến tận khi trời đã tối mới được về.
Ngôi làng nơi chúng sống tên là Sái Trang Lí, một xóm núi trồng rất nhiều hồng ăn quả.
Trường học cách làng rất xa, đường núi gập ghềnh khó đi, hai đứa trẻ phải đi bộ một tiếng đồng hồ mới tới nhà.
Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường được giao nhiệm vụ đi thăm dò đoạn đường về này. Giáo sư Lương vì ngồi xe lăn nên không tiện đi cùng. Giáo sư cùng Tô My ở lại cục công an thành phố, chỉ huy lực lượng cảnh sát địa phương điều tra vụ án trộm xác. Xác của đứa trẻ áo đỏ không cánh mà bay, đằng sau đó chắc chắn ẩn giấu một bí mật không ngờ tới được. Trộm xác để làm gì? Kẻ nào dám làm việc đi ngược đạo trời như thế? Cái xác có thể mang lại cho kẻ trộm điều gì? Tạm thời đó còn là những câu đố chưa lời giải. Kết quả kiểm tra DNA cho thấy, thứ dịch màu xanh trên cánh cửa đồn công an trên núi và bàn tay tìm thấy ở nhà cậu bé áo đỏ đều là của một đứa trẻ – Sái Minh Lượng.
Những đứa trẻ ở thành phố có cha mẹ đưa đi đón về còn những đứa trẻ ở nông thôn đều phải tự mình đến lớp. Con đường đi đến với tri thức của chúng vô cùng gian nan và nguy hiểm.
Bao Triển, Họa Long, Trợ lí Đường đi lại một lượt trên con đường mà Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê vẫn thường đi mỗi khi đến lớp, về nhà.
Một bên đường là thung lũng dốc đứng, một bên là núi cao hiểm trở, thường xuyên gặp những tảng đá lớn chắn đường. Trên dốc thung lũng mọc đầy cỏ dại, những nhành hoa dại đua nở giữa rừng, nước suối róc rách lách qua từng đám hoa đám cỏ chảy xuống. Đây là thứ phong cảnh mà những thanh niên ưa du lịch mạo hiểm thường tấm tắc khen ngợi là thiên nhiên tuyệt đẹp, nhưng cũng là con đường gian nan mà hai đứa trẻ nhỏ phải ngày ngày băng qua để đến trường.
Một bé trai và một bé gái đều mới chỉ mười tuổi, chúng gắn bó như một đôi vợ chồng nhí.
Chúng cùng nhau vượt qua sương gió bão giông, cùng nhau đi qua bốn mùa mưa nắng, nắm tay nhau đi trên con đường núi tối om và không bao giờ trở về nhà.
Hai đứa trẻ chết đuối trong ao nước cạnh đường rừng. Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường quan sát thật kĩ lưỡng, đây là một nơi địa thế hiểm trở, gần đó có một cây cổ thụ đã chết khô, xung quanh cái cây có một trảng cỏ bằng phẳng, lũ trẻ có lúc đến đó chơi đùa, gặp mưa thì chui vào hốc cây rỗng trú tạm. Trước mặt là một con đường mòn nhỏ hẹp, không loại trừ khả năng có người đã đẩy hai đứa trẻ xuống ao.
Vòng qua bên kia ao nước, chính là ngôi làng mang tên Sái Trang Lí.
Trong làng này không có đường dây điện thoại, nên Trợ lí Đường không có cách nào liên lạc được với người quản lí của làng. Anh nói: "Công tác đưa điện thoại về làng thực hiện chẳng triệt để chút nào. Thời đại nào rồi mà có những nơi còn không có cả điện thoại thế này cơ chứ!"
Họa Long nói: "Đừng nói là ở nơi này, ngay ở kinh thành, cũng có những nơi không có đường điện thoại. Khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn."
Trợ lí Đường ngạc nhiên nói: "Không phải thế chứ? Đến kinh thành mà cũng có cảnh này sao?"
Họa Long trả lời: "Thôn An Khẩu, trên núi Mật Vân – Ngôi làng duy nhất ở kinh thành không có điện thoại."
Bao Triển cả chặng đường không lên tiếng, Họa Long liền quay sang hỏi: "Cậu nghĩ gì mà trầm tư thế?"
Bao Triển nói: "Tôi nhớ lại con đường mình hay đi học hồi nhỏ. Thực ra, đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nhưng vẫn không có gì thay đổi."
Ba người vào làng hỏi thăm, tìm được đến nhà lãnh đạo thôn.
Bí thư cho biết, cha mẹ của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đều không ở trong làng mà đi làm xa. Cha mẹ chúng làm xong tang lễ vẫn phải trở lại với công việc hàng ngày để duy trì cuộc sống. Nỗi đau mất con cũng không thể nào khiến họ ngừng việc duy trì sự sống lại được. Trong làng chỉ toàn những ông lão bà cụ và những đứa trẻ bị bỏ lại quê, gần như tất cả những người trẻ tuổi và còn sức lao động đều đã ra phố kiếm kế sinh nhai hết cả.
Trợ lí Đường: "Chủ nhiệm trị an của thôn là ai?"
Bí thư: "Chính là tôi đây! Tôi kiêm luôn cả công tác trị an."
Họa Long: "Thế người tiền nhiệm là ai?"
Bí thư: "Cũng vào thành phố làm thuê rồi, vào đó làm bảo vệ."
Trợ lí Đường: "Lần này chúng tôi đến đây là muốn mở quan tài nghiệm xác."
Bí thư hốt hoảng nói: "Như thế làm sao được! Người chết đã về với lòng đất, các cậu còn định nghiệm xác, cha mẹ hai đứa trẻ đều không ở nhà. Tôi là bí thư thôn, cũng không quyết định được, dân làng cũng sẽ phản đối cho mà xem."
Bao Triển nói: "Ông nhất định phải tìm người thông báo cho cha mẹ đứa trẻ, để họ ngày mai trở về."
Bí thư vừa buồn bực vừa hỏi: "Vụ án này đã điều tra đi điều tra lại lâu như thế rồi, cuối cùng cũng chỉ kết luận là tử vong ngoài ý muốn. Hay là... cảnh sát tìm được đầu mối nào rồi?"
Bao Triển trả lời thẳng thắn: "Không giấu gì, rất có thể bây giờ chỉ còn mộ trống thôi."
Bí thư kinh ngạc hỏi: "Mộ không? Làm sao có thể như thế được? Lúc làm ma, chính tôi nhìn thấy họ chôn hai đứa trẻ cơ mà."
Họa Long nói: "Có thể thi thể của đứa trẻ đã không còn trong đó nữa."
Bí thư quả quyết: "Đây đúng là việc tày trời. Ngày mai tôi dẫn các anh đi kiểm tra. Hai đứa bé đều gọi tôi là ông, tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm!"
Bao Triển nói: "Chúng tôi chỉ mở quan tài kiểm tra, không cần nghiệm xác, vì có lẽ cái xác đã không còn nữa rồi!"
Trợ lí Đường nói với bí thư: "Một bàn tay của đứa trẻ được tìm thấy ở nơi khác."
Mồ mả của những người trong làng đều tập trung ở phía sau núi, những người địa phương gọi nơi này là "rừng già". Sáng sớm ngày hôm sau, Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường lên đường đi kiểm tra mộ hai đứa trẻ Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê. Không nằm ngoài dự kiến, ngôi mộ đã bị quật lên từ lúc nào, bên trong trống rỗng, thi thể của Sái Minh Lượng đã không còn ở đó. Điều kì lạ là, thi thể của Sái Khê cũng đã biến mất, hai đứa trẻ đó được chôn cùng nhau.
Bí thư giải thích: "Hai đứa trẻ đã định hôn nhân từ khi mới sinh, ở chỗ chúng tôi cũng có thế coi là vợ chồng rồi. Vợ chồng thì tất nhiên phải chôn cùng nhau."
Bao Triển lấy mẫu đất nơi ngôi mộ bị quật lên, đưa về làm hóa nghiệm. Trong đất có lẫn tiền giấy, nhưng điều lạ là còn có cả xác pháo. Đây là một điều bất thường. Theo phong tục tang lễ tại địa phương, khi hạ táng hầu như không có chuyện đốt pháo, điều đó không hợp tình hợp lí.
Thi thể của ba đứa trẻ mất tích một cách thần bí, vương Lệnh Quần vô cùng coi trọng vụ án này, cho mở cuộc họp khẩn phân tích tình hình vụ án. Trong buổi họp, toàn bộ cảnh sát thảo luận và suy đoán về vấn đề trộm xác và những phương thức xử lí cái xác có thể xảy ra. Mọi người bàn luận xôn xao, không ai có được kết luận cuối cùng.
Trên toàn Trung Quốc từng xảy ra không ít các vụ án trộm xác, ví dụ như gần vùng Tân Du từng liên tục xảy ra mười mấy vụ trộm xác chết, rồi vụ án Lí Trình Câu ở Thập Lí Điện từng chấn động cả Trung Quốc, còn cả vụ án tại thôn Nhân Tướng thị trấn Long Xuyên, có kẻ quật mộ trộm xác,... Những vụ án mất nhân tính này xảy ra khắp nơi trong mười năm nay.
Vương Lệnh Quần nói: "Sau khi kết hợp phân tích các vụ án trộm xác từng xảy ra, theo mọi người mục đích trộm xác là gì?"
Tô My nói: "Có những nơi, nếu trong nhà có người chết, sau khi chôn xong, phải cắt cử người canh giữ, và dần dần trở thành một phong tục của địa phương."
Trợ lí Đường bổ sung thêm: "Đói là để đề phòng có kẻ đào mộ trộm xác chết, ở vùng này gần như không xuất hiện tình trạng đó."
Họa Long nói: "Ngày nay khắp nơi đều sử dụng dịch vụ hỏa táng, nhưng nhiều nơi không tiếp nhận hình thức này. Có một số gia đình sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua một cái xác không tên, thay thế cho người thân của mình, rồi đưa xác người thân đi thồ tang. Vì thế, những thi thể bị đào trộm rất có thể được dùng vào mục đích này."
Giáo sư Lương nói thêm: "Cũng có trường hợp thi thể bị đào trộm nhằm mục đích tạo tiêu bản bộ xương người, dùng trong y học hoặc có dụng ý khác. Những vụ án đào mộ, trộm xương đại đa số là dùng vào mục đích này."
Tô My nói: "Mấy ngày hôm nay, tôi đã xem qua rất nhiều hồ sơ các vụ án trộm mộ, trong đó có một vụ dùng làm tiêu bản. Bức ánh trong hồ sơ vơ cùng man rợ, một cỗ quan tài bị bật nắp, xương cốt đã không còn, trên đống đất bên cạnh có một chiếc túi ni lông màu vàng."
Một cảnh sát có tuổi cho biết: "Theo quan niệm mê tín thời xưa, những cây linh chi mọc trên quan tài có thể hấp thụ được dinh dưỡng của cái xác, vì thế vô cùng quý giá, công hiệu cũng rất tuyệt vời, nên có thể có những kẻ trộm xác là để trồng nấm linh chi."
Tô My nói tiếp: "Còn một khả năng nữa, đó là để phối duyên âm. Duyên âm là mối đuyên giữa người chết và người chết. Một số nơi ở nông thôn vẫn có tục lệ này. Do nhu cầu ngày càng tăng, thi thể nữ ngày càng có giá."
Bao Triển hoài nghi: "Rất có thể Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đã được phối duyên âm, trên mộ của hai đứa trẻ phát hiện thấy xác pháo, chỉ có khả năng phối duyên âm là hợp lí trong trường hợp này."
Tô My nói: "Hai đứa trẻ đã có hôn ước từ khi vừa lọt lòng, sau khi chết hai bên cha mẹ đã tổ chức lễ cưới cho chúng."
Bao Triển đồng tình: "Đúng thế, tang lễ cua hai đứa trẻ cũng chính là hôn lễ."
Họa Long cho rằng: "Bí thư của thôn có thể vì lo sợ bị cấp trên phê bình do có hành vi mê tín dị đoan, nên mới cố tình giấu việc này, và những người dân trong làng cũng không ai hé răng nửa lời."
Vương Lệnh Quần nói: "Phải nhanh chóng tìm được cha mẹ hai đứa trẻ để xác minh việc này."
Vị cảnh sát trung tuổi bỗng do dự, rồi nói: "Việc trộm xác, nhất là xác trẻ con, còn có một động cơ nữa."
Vương Lệnh Quân hỏi gấp: "Là gì?"
Cảnh sát trung tuổi trả lời: "Nuôi ma!"
--------------------------
Hydro sulfur: Công thức hóa học: H2sS: Hợp chất khí ở nhiệt độ thường có mùi trứng thối độc.
Hemoglobin: Huyết sắc tố, là một Protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu trữ và phóng thích Oxy trong cơ thể động vật có vú và một số động vật khác.