P10 - Chương 1: Đám cưới ma

Dân mạng từng một thời truyền nhau bức ảnh đám cưới ma khiến không ít người khiếp sợ.

Bức ảnh khó phân thật giả, nhìn vào chỉ thấy một vẻ u ám và ma quái. Người con trai trong ảnh tay nắm chặt, trông rất căng thẳng, người con gái mặt không chút cảm xúc, hai mắt trắng dã, đôi chân... lơ lửng trên không. Có người cho rằng đó là do họ cố ý chụp, người con gái có thể đã được treo cố định trên một giá gỗ phía sau. Nhưng có người lại tiết lộ rằng, đây thực ra là một bức ảnh cưới giữa người sống và người chết. Người con gái trong bức ảnh đã không còn trên dương thế, người con trai vẫn nhất định cưới cô, để thừa hưởng gia sản kếch xù.

Đám cưới ma còn gọi là vợ chồng âm dương. Cha mẹ vì không muốn người con độc thân của mình khi chết đi phải cô đơn dưới cửu tuyền, nên quyết định tìm cho con một người bạn đồng hành mãi mãi. Họ tìm kiếm những người thích hợp để... chôn cùng. Có hai cách thực hiện "đám cưới ma", đó là người chết cưới người chết, và người sống người chết cưới nhau.

Trên thực tế, người sống cưới người chết rất hiếm gặp, nhưng người chết và người chết cưới nhau ở một số vùng ở Trung Quốc đã không còn là điều lạ lẫm, thậm chí ăn theo đó còn có một công việc được coi là một trong ba trăm sáu mươi nghề, với tên gọi "môi giới cưới ma".

Ở Khai Bình, những tờ quảng cáo của "trung tâm môi giới cưới ma" còn ngang nhiên dán ngay ngoài cổng các khu dân cư.

Ở vùng Dư Lâm, Lữ Lương, Lân Phân, bất cứ cửa hàng bán vòng hoa nào cũng có treo biển quảng cáo môi giới cưới ma.

Người làm nghề này còn được gọi là bà mối âm dương, chuyên phụ trách giới thiệu bạn đời cho người quá cố. Sau khi đã sắp xếp xong, hai bên gia đình sẽ gặp mặt, vừa để bàn hôn sự. Những xác nữ giới mới chết là thứ "hàng hiếm" và rất có giá, về cơ bản cung không đủ cầu, những xác đã hoặc đang phân hủy cũng có không ít người chọn lựa.

Một người quản lí tiệm vòng hoa kiêm môi giới cưới ma nói với khách: "Con trai ông bà bị tai nạn xe, mất hết cả nửa thân dưới rồi, còn chê gì người ta nữa, nhìn dáng xương cốt đẹp thế này còn chê cái gì!"

Người khách sau hồi miễn cưỡng, hỏi: "Thế chúng tôi phải trả cho nhà gái bao nhiêu tiền sính lễ?"

Chủ tiệm vòng hoa trả lời: "Nữ, mới chết là ba mươi nghìn tệ, bây giờ cung chẳng đủ cầu. Có cô sinh viên đại học, xinh xắn, chết vì bệnh, bao nhiêu người đến tranh giành, cuối cùng định giá bốn mươi nghìn tệ đấy. Cái xác này ít cũng phải mười nghìn."

Khách hàng lại hỏi: "Có cần phải mời thầy bói tính ngày sinh tháng đẻ xem hợp khắc thế nào không? Rồi chọn một ngày đẹp làm lễ. Mà lễ cưới thế này phải làm những nghi thức gì?"

Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê khi còn sống đã được coi là vợ chồng. Sau khi chết, cha mẹ hai bên đã chọn một buổi tối để làm đám cưới ma cho hai đứa trẻ.

Phía cảnh sát tìm thấy một tờ giấy ghi những lời được đọc trong lễ cưới, như sau:

"Kính thưa các ông bà cô bác, bạn bè thân hữu, thưa các vị khách quý.

Hôm nay chúng ta tề tựu tại đây để tổ chức lễ cưới cho vong nam Sái Minh Lượng và vong nữ Sái Tiểu Khê, để người chết được an nghỉ, người sống được thừa phúc, để Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đời này kiếp nữa được làm vợ chồng. Tôi xin tuyên bố, lễ cưới bắt đầu.

Phần một: Đốt pháo tấu nhạc, mọi người vào chỗ ngồi.

Phần hai: Nổ một tràng pháo tay lớn chúc mừng đôi uyên ương và hai bên gia đình. Mời mọi người lên trải lụa đỏ và đeo hoa. (Trước tiên là bạn bè, sau đó đến những người họ hàng kết nghĩa, họ hàng nhà trai, họ hàng nhà gái, anh chị em nhà trai, anh chị em nhà gái. Khi trải lụa đỏ thì trải thẳng lên quan tài, nhất định không được quên trải một ít lụa lên quan tài chú rể. Hoa được đeo lên đầu quan tài của nữ, không bỏ vào trong quan tài.)

Phần ba: Tuyên đọc lời chứng nhận hôn nhân, đại diện hai gia đình lên phát biểu. (Hai bên gia đình dặn do con cái mấy lời, ví dụ như trên đường xuống Hoàng Tuyền phải đùm bọc giúp đỡ nhau. Cha mẹ cũng có thể không cần phát biểu thành lời, nhưng nhất định không được bỏ qua nghi lễ này.)

Phần bốn: Người chứng hôn phát biểu, bạn bè người thân phát biểu. (Bạn bè có thể không cần phát biểu, nhưng người làm mối nhất định phải có lời chúc phúc.)

Phần năm: Bái thiên địa. (Tìm hai người ôm ảnh của cô dâu chú rể để khấu đầu làm lễ.)

Phần sáu: Kết thúc nghi lễ. (Khiêng quan tài lên, người thổi kèn đi trước dẫn đường, giơ vòng hoa đỏ và tiền giấy, đưa vào động phòng chính là đưa đi mai táng. Khi chôn phải đốt pháo dây, nhưng không được chôn theo bất cứ hình nhân trẻ em nào.)"

Cha mẹ của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê khai báo với cảnh sát, rằng việc họ tổ chức lễ cưới ma cho các con không phải là do bị ép buộc. Nếu người chết muốn được làm đám cưới, thì người trong nhà sẽ nhận được điềm báo. Có chuyện kể rằng, một bà mẹ sau khi con trai vừa chết đã nằm mơ thấy cậu ôm một hòn đá rất lớn. Những ngày khi cậu vừa mất, mọi thứ trong nhà đều không được yên ổn. Mấy hôm sau, một bạn nữ học cùng của cậu cũng vì ốm đau mà chết, cô gái vừa hay họ Thạch. Khi thu dọn những di vật của con gái, cha mẹ cô tìm thấy một bức thư tình, mới biết rằng họ đã yêu nhau từ lâu, cha mẹ cô gái liền chủ động đến gặp nhà trai đề nghị làm đám cưới cho hai người xấu số.

Mẹ của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê khi đang mang bầu từng gặp một đạo sĩ chân trần.

Đầu làng có một cây hồng ăn quả đã già, những quả hồng chín mọng rụng đầy dưới gốc. Mặt trời đã sắp xuống núi, hai người phụ nữ mang bầu nhìn thấy một đạo sĩ chân trần ngồi dưới gốc hồng nhặt quả ăn, liền tiến lại nhờ đạo sĩ xem cho hai đứa con trong bụng một quẻ.

Đạo sĩ: "Hai đứa trẻ trong bụng một trai một gái."

Mẹ của Sái Minh Lượng: "Giỏi quá, Tôi vừa đi siêu âm, là một bé trai."

Mẹ của Sái Tiểu Khê: "Tôi thì chưa đi kiểm tra, nhưng tôi ăn cay lắm, mọi người bảo lúc bầu mà ăn cay là sinh con gái đấy."

Đạo sĩ: "Hai đứa trẻ này kiếp trước là vợ chồng, kiếp này cũng là vợ chồng, kiếp sau đầu thai cũng vẫn là vợ chồng. Đó gọi là "tam thế phu thê", nhân duyên trời đã định, không ai có thể thay đổi được. Nhưng mà... đứa bé gái có số hai chồng."

Mẹ của Sái Tiểu Khê: "Thế nào là số hai chồng?"

Đạo sĩ đứng dậy bỏ đi, trước khi đi ông chỉ nói một câu: "Sau này cô sẽ biết."

Khi hai đứa trẻ được sinh ra, quả nhiên là một trai một gái. Hai bên gia đình đều tin lời tiên đoán của đạo sĩ nọ, nên đã quyết định đính hôn cho chúng từ khi vừa sinh.

Hai đứa trẻ lớn lên trong chính xóm núi nghèo nàn ấy. Nơi đó có rất nhiều những cây hồng ăn quả. Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê cùng nhau đi cắt rau lợn, cùng nhau trèo cây hái hồng, cùng nhau đi học, cùng nhau tránh mưa trong hốc cây già, cùng nhau lấy ngón tay bóc những vết thương sần sùi trên thân cây.

Gió rừng thổi qua vách núi, một cơn mưa phùn rơi xuống, những đám cỏ quanh hốc cây cuốn lay theo gió. Mấy cô bé cùng làng chơi nhảy dây trên thảm cỏ, Sái Minh Lượng nằm sấp trên một phiến đá nhẵn nhụi làm bài tập. Sái Tiểu Khê vừa nhảy dây vừa ca hát, ấy là một bài đồng dao mà không đứa trẻ nông thôn nào không biết:

"Hoa cúc, hoa sen ơi. Em trang điểm đẹp tươi.

Đậu ván, thạch lựu ơi. Em đi lấy chồng thôi.

Đồng tiền, mã đề ơi! Em lên xe hoa rồi.

Mẫu đơn, thược dược ơi! Em vào nhà chồng thôi!"

Sái Minh Lượng chạy lại vỗ tay rồi nói: "Bà xã, vợ yêu, bà nó, mình ơi..."

Sái Tiểu Khê vênh mặt trừng mắt nhìn Sái Minh Lượng, rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt trên đất, quát: "Mặt dày!"

Những đứa trẻ khác bắt đầu cười phá lên, một đứa nói: "Bao giờ bọn mày lớn sẽ phải cưới nhau."

Sái Minh Lượng lại tiếp tục hét lên: "Cô dâu! Tôi có một cô dâu!"

Sái Tiểu Khê lại tiếp tục tức giận: "Đợi đấy! Đừng có mơ, tao không lấy mày đâu."

Sái Minh Lượng nói: "Kiếp trước mày là vợ tao rồi, kiếp sau vẫn là vợ tao, ông đạo sĩ đã nói rồi."

Ngoài những lúc đi chơi, hai đứa trẻ cũng phải giúp gia đình một số việc nhà nông. Trên núi chẳng có than, bốn mùa lấy củi khô làm chất đốt chính. Mùa mưa sắp đến, nhà nhà bắt đầu tích trữ củi khô. Hai đứa trẻ trên đường đi học về còn phải chặt củi, bó thành từng bó, rồi lấy đòn gánh gánh về. Sái Tiểu Khê vốn yếu ớt, chỉ có thể nhặt những cành khô nhỏ, bó củi cũng rất nhẹ gánh về nhà bó củi như thế chắc chắn sẽ bị mắng.

Sái Minh Lượng mỗi lần đều chặt một bó củi to, nhìn như một ngọn núi nhỏ trên lưng, cõng về làng. Cậu bé hàng ngày thích cười đùa, nhưng trong lúc làm việc bỗng như biến thành một thiếu niên nhà nông giản dị và trầm tư. Một lần, trời mưa tầm tã, Sái Tiểu Khê nhặt được một khúc cây khô, cô bé gắng sức vác trên đôi vai nhỏ bé, cắn răng bước từng bước nặng nhọc.

Sái Minh Lượng nói: "Thôi vứt nó đi, mày không vác nổi đâu."

Sái Tiểu Khê vẫn cứng đầu: "Không!"

Sái Tiểu Khê mệt nhoài, không còn đủ sức bước đi nữa. Sái Minh Lượng lặng lẽ đỡ lấy khúc gỗ, củi của cả hai đứa giờ chỉ có mình Sái Minh Lượng gánh trên vai. Một bên là bó củi khổng lồ, một bên là khúc gỗ nặng trịch, đối với một đứa trẻ mười tuổi mà nói, đó là sức nặng khó có thể nào gánh nổi.

Mỗi bước đi, mồ hôi cậu bé lại vã ra như tắm. Cô bé rất khâm phục sức khỏe của cậu, nhưng thực sự cô bé không hiểu cậu đã mệt như thế nào.

Đường về nhà còn bao xa nữa?

Vợ chồng chẳng phải chính là đây hay sao? Cùng nhau vượt qua hoạn nạn, cùng nhau chia sẻ những gánh nặng cuộc sống.

Trời vẫn đổ mưa, hai đứa trẻ cứ thế đội mưa đi về, cả hai đều im lặng. Cậu bé gánh trên vai chỗ củi nặng, cô bé đi bên cạnh che ô. Những giọt mưa giờ chỉ còn là mưa phùn, nhưng quần áo cậu đã ướt hết, trên tóc và lông mi vương đầy những giọt nước. Không nỡ lòng nhìn cậu bé mệt nhọc, cô bé đi lùi lại phía sau. Chúng còn quá nhỏ để hiểu thế nào là tình yêu, chúng chỉ ngày ngày cùng nhau đến lớp, cùng nhau đi về, cùng nhau nhặt củi, ước hẹn sẽ cùng nhau thi vào trường trung học trên thị trấn, và khi nào trưởng thành chúng sẽ cưới nhau. Cô bé nhìn bóng cậu bé, trong lòng có một nỗi buồn khó tả, rồi bỗng nhiên bật khóc tu tu.

Sái Minh Lượng ngạc nhiên hỏi: "Làm sao thế?"

Sái Tiểu Khê nói cộc lốc: "Tao muốn khóc."

Sái Minh Lượng hạ giọng trầm ấm: "Thế thì cứ khóc đi!"

Cô bé khóc lớn, bao nhiêu điều chất chứa trong lòng cả trăm nghìn năm bỗng một phút giây tuôn ra theo dòng nước mắt...

Khoảng khắc đó, trên cánh loa kèn trôi giữa dòng sông thời gian bỗng có một con bướm nói với một con bướm khác: "Lương huynh, lâu rồi không gặp!"

Nếu thực sự có kiếp trước và kiếp sau, thì khi những cánh mẫu đơn nở rộ nơi thành Lạc Dương, khi những bông sen tàn phai cuối hạ ở phủ Tế Nam, khi những nhành mai tỏa hương khắp trấn Kim Lăng, khi những đóa tầm xuân rực rỡ khắp chốn Kinh Thành, thì kiếp trước và kiếp sau của chúng ta sẽ về đâu?

Từ thời Tây Tấn đến Đông Tấn, từ Trường An đến Tây An, ba đời ba kiếp, nàng vẫn mãi trong lòng ta. Chúng ta chưa bao giờ xa cách, ước hẹn cánh bướm cùng bay. Là ai đang tấu đàn nơi mái đình xa xa? Những cánh hoa hạnh đào bay lả tả, rơi rớt trên mặt đất biến thành cát bụi trần ai!

Từ chữ khải sang chữ hành, từ những bức thư dài đến những đoạn thơ ngắn, trăm núi ngàn đèo, ta vẫn mãi trong giấc mơ của chàng. Chúng ta chưa bao giờ xa cách, những lời hứa trên ngón tay, là ai đứng trên cầu tiễn người đi? Tuyết rơi lả tả, những bông tuyết phủ đầy con đường trở về đầy lạnh lẽo.

Nhất bái thiên địa lúc đầu, cũng chính là lời cảm tạ gửi đến trời xanh.

~~~~~~~~~~~~~~~~~

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện