P10 - Chương 3: Nuôi ma

Số lượng những vụ án xảy ra do mê tín nhiều đến mức đếm không xuể. Ngoài cái nghèo khó, thì sự ngu muội và vô tri cũng là căn nguyên của bao tội ác.

Chu Viễn Đức, người vùng Xuyên Nam, một kẻ chuyên lô đề, vì tin vào việc "giết người sẽ trúng giải" mà ra tay chém chết mẹ già, anh trai và chị dâu.

Tống Linh, một người phụ nữ vùng Đông Bắc, cũng vì tin vào việc "uống máu có thể trị bách bệnh, đã nhẫn tâm giết chết đứa con trai chín tuổi để uống máu", rồi bỏ đi biệt xứ, mười bốn năm sau bị bắt về quy án.

Trong nhà đạo sĩ què có một cuốn "Mâu sơn cổ thư" khâu bằng chỉ. Theo những gì đạo sĩ què kể lại, cuốn sách đó do một người đàn ông đeo ba lô, đội mũ tặng cho mình. Trong sách có ghi chép những tà thuật như nuôi ma, bùa ngải, hình nhân. Trong cuốn sách được ghi chép bằng bút lông này có nói, nuôi tiểu quỷ, hay còn gọi là ma trẻ con là một loại trong thuật điều khiển linh hồn, nhưng do việc này rất hại đường âm, và tổn công đức, nên rất ít người dám luyện loại này. Muốn nuôi tiểu quỷ, nhất định phải tìm được một hồn ma trẻ con chết oan mới có thể điều khiển nó được. Hồn ma này sau khi được nuôi, sẽ không bao giờ có thể vãng sanh được nữa. Tiểu quỷ có hai loại, một là những đứa trẻ chết non, hai là những đứa bé bị giết hại. Trong đó, hồn ma của đứa bé trai mà lúc bị giết mặc đồ màu đỏ là mạnh nhất, có thể luyện thành ác quỷ. Mỗi môn phái đều có cách luyện quỷ riêng. Có phái dùng giấy tiền thấm máu ở hiện trường án mạng hoặc nơi xảy ra tai nạn, rồi hành pháp gọi hồn, đợi qua bảy bảy bốn chín ngày linh hồn đó sẽ trở thành ma ác. Có kẻ lại bật quan tài, lấy ra đứa trẻ chết trong bụng người mẹ đẻ khó, hoặc đào mộ lấy cắp thi thể trẻ em, sau đó lấy gỗ khắc một chiếc quan tài nhỏ, rồi dùng nến đốt xác, và dùng chiếc quan tài nhỏ hứng lên thứ dầu chảy xuống từ đó để luyện tiểu quỷ.

Tô My lên mạng tìm kiếm thông tin về việc luyện quỷ nuôi ma, phát hiện có rất nhiều tin đồn về việc những người nổi tiếng nuôi ma, thực sự vô cùng hoang đường nhưng lại rất khó phân biệt thật giả.

Đạo sĩ què thừa nhận việc trộm xác luyện ma, nhưng một mực nói rằng mình không giết người.

Cha đứa trẻ mời đạo sĩ què đến nhà làm pháp sự cho con. Khi biết được ngày sinh tháng đẻ của đứa trẻ và lúc chết đứa bé mặc một chiếc áo màu đỏ, đạo sĩ què đã nảy ra ý định luyện ma. Hắn vẽ một lá bùa chiêu hồn dán trên tường, rồi nửa đêm ra một đào xác đứa bé lên, sau đó làm theo chỉ dẫn trong cuốn sách. Cũng rất tình cờ, kể từ khi nuôi tiểu quỷ, vận cờ bạc của đạo sĩ què đỏ lên hẳn, toàn thắng không thua, nên hắn chẳng cần phải đến hội làng xem bói nữa mà lấy việc cờ bạc làm nghề mưu sinh. Rất nhiều con bạc nghi ngờ rằng hắn đang ăn gian, nhưng lại không tìm được chứng cứ.

Phía cảnh sát phải sử dụng tới một số phương pháp đặc biệt, bao gồm cả thiết bị kiểm tra độ trung thực, nhưng khẩu cung của đạo sĩ què không hề có vấn đề gì. Hắn nói không hề biết gì về vụ án Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê, và cũng không hề trộm xác hai đứa trẻ này. Do không tìm được người làm chứng, cũng không có chứng cứ nào khác, phía cảnh sát chỉ có thể tạm thời giam giữ để điều tra tiếp.

Vụ án rơi vào ngõ cụt, Bao Triển đi tìm đạo sĩ chân trần, mong ông giúp đỡ gợi ý cho mình một hướng điều tra, nhưng bị từ chối.

Đạo sĩ chân trần nói: "Trên thế giới này, không có ai chết, vì mọi người đều phải chết."

Bao Triển hỏi ngược lại: "Thế còn ông thì sao?"

Đạo sĩ chân trần trả lời: "Những người tu luyện như chúng tôi, sớm đã không còn trên thế giới này nữa rồi. Nói một cách khác, tôi đã chết từ lâu rồi."

Tất cả các đầu mối điều tra đều đứt đoạn, vụ án đi vào ngõ cụt. Thi thể của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê mất tích, phía cảnh sát cũng chỉ có thể lập hồ sơ vụ án thành án trộm mộ để điều tra tiếp. Mặc dù với kinh nghiệm phong phú của mình, các thành viên tổ chuyên án đều nhận định rằng đây là một vụ án mạng nhưng không có thi thể, dù là cảnh sát hay tòa cũng đành bó tay.

Đối với vụ án đứa trẻ áo đỏ, một vị bác sĩ pháp y kiên quyết nhận định rằng đó là một vụ tự tử. Trong buổi họp bàn về tình hình vụ án, ông nói:

"Đây đơn giản chỉ là một vụ án tự sát. Hiện trường vụ án này rất giống những vụ chết ngạt do các hành vi biến thái gây ra mà tôi từng gặp. Có những kẻ biến thái tìm thấy khoái cảm khi treo mình và cảm thấy ngạt thở. Đứa trẻ này có lẽ cũng không loại trừ trường hợp đó. Chiếc áo đỏ rất có thể là do đứa trẻ tự lấy được. Những người có vấn đề về giới tính thường có thói quen sưu tập một số đồ của người khác giới để trong nhà. Về sợi dây thừng tôi cho rằng, những đứa trẻ ở nông thôn có mấy đứa không biết thắt thừng trâu cơ chứ? Việc dây buộc rất chuyên nghiệp, và số vòng buộc hoàn toàn không có hàm ý gì ở đây cả. Xà nhà thì vô cùng phổ biến ở những vùng quê như thế này, nên nạn nhân chọn đó là chỗ treo mình cũng là điều dễ hiểu. Còn về quả cân, có thể chỉ được dùng với mục đích tăng cường cảm giác mà thôi. Tôi nghĩ rằng đứa trẻ này đã có những hành vi tương tự này từ lâu rồi chỉ có điều cha mẹ đứa bé quá bận bịu với việc kiếm tiền nên đã không hề chú ý tới."

Tổ chuyên án không thể chỉ mãi chú tâm vào một vụ án này được, vì có vụ án trải qua mấy năm, thậm chí mười mấy năm cũng không thể phá giải nổi. Có cục cảnh sát nào không có những vụ án không thể phá giải nổi? Bốn người của tổ chuyên án bàn bạc, quyết định ba ngày hôm sau sẽ rời khỏi thành phố này, chính thức rút khỏi vụ án.

Điều đó có nghĩa là, kể từ khi thành lập đến giờ, tổ chuyên án lần đầu tiên thất bại trở về.

Thế nhưng, giáo sư Lương cho công bố một thông tin giả rằng: "Tổ chuyên án sẽ ở lại lâu dài trong thành phố này, khi nào chưa phá được án, sẽ không chịu bỏ cuộc."

Tô My thấy lạ, hỏi lại: "Giáo sư, sao chúng ta lại phải nói dối ạ?"

Giáo sư Lương trả lời: "Đây không phải là nói dối, mà là kế sách cuối cùng của chúng ta rồi."

Họa Long hỏi: "Nếu vụ án thực sự không thể phá giải được, thì chúng ta phải ở lại đây mấy tháng, thậm chí mấy năm sao?"

Giáo sư Lương trả lời: "Ba hôm sau chúng ta sẽ rời khỏi đây."

Tô My càng khó hiểu, hỏi: "Cháu vẫn chưa hiểu, chúng ta nói như thế nhằm mục đích gì ạ?"

Bao Triển suy đoán: "Có phải... để ép hung thủ tiếp tục ra tay không ạ?"

Họa Long hỏi: "Nhưng nếu không có tác dụng thì sao?"

Giáo sư Lương nói: "Cho dù không có tác dụng, thì đối với chúng ta cũng có thêm tổn thất gì không?"

Tô My nói: "Danh tiếng của tổ chuyên án."

Giáo sư Lương hỏi: "Danh tiếng của tổ chuyên án quan trọng, hay tính mạng của hai đứa trẻ quan trọng hơn? Đây là hi vọng cuối cùng của chúng ta rồi."

Ngày hôm sau, giáo sư Lương cho tuyên bố rộng rãi việc tổ chuyên án sẽ ở lại thành phố này dài ngày để điều tra vụ án. Tối hôm đó, kí túc xá giáo viên của trường tiểu học Đông Dương xảy ra hỏa hoạn, thầy giáo họ Mâu bị chết cháy, đó cũng chính là giáo viên chủ nhiệm của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê.

Sau khi kiểm tra hiện trường bằng các biện pháp nghiệp vụ, phía cảnh sát phát hiện trong tàn dư vụ cháy có dấu vết của chất dẫn cháy và các chứng cứ cho thấy đây không phải là một vụ cháy ngẫu nhiên. Mặc dù hiện trường đã được xử lí, nhưng căn cứ vào việc phân tích điều tra, có thể xác định đây là một vụ ánh hình sự do người khác cố ý phóng hỏa.

Phía cảnh sát tìm thấy trong tủ quần áo của thầy Mâu một xác trẻ em đã phân hủy, được bọc trong ni lông, đó chính là xác của Sái Minh Lượng. Do vụ cháy được dập tắt kịp thời nên cái xác vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Sau khi mở lớp túi ni lông kiểm tra, phát hiện cái xác thiếu mất một bàn tay.

Sau khi nghe được tin này, mắt giáo sư Lương bỗng sáng rực.

Giáo sư Lương: "Xem ra, thầy Mâu chính là đầu mối để phá vụ án này đây!"

Họa Long: "Khi chúng ta phá án đã từng gặp giáo viên này, nhưng không hề thấy có biểu hiện gì khác lạ."

Tô My: "Hung thủ quả nhiên ngồi không yên nữa rồi."

Bao Triển: "Thầy Mâu hoặc là người biết nội tình, hoặc là kẻ tiếp tay, chứ chắc chắn không phải là hung thủ trực tiếp."

Giáo sư Lương: "Rõ ràng có kẻ đang muốn đổ tội cho cậu ta."

Bao Triển: "Lúc đầu cháu còn hơi nghi ngờ trợ lí Đường, nhưng bây giờ có thể hoàn toàn loại bỏ khả năng đó rồi."

Giáo sư Lương: "Đúng thế! Nếu là trợ lí Đường chắc chắn cậu ta sẽ không sử dụng cách thức lộ liễu như thế này."

Trong đêm tổ chuyên án đến đồn cảnh sát giữa rừng, có người mang bàn tay đã phân hủy đến đặt trước cánh cửa để dọa nạt, chứng tỏ người đó biết rõ hành tung của tổ chuyên án. Các lãnh đạo cục công an thành phố, các cơ quan địa phương, ủy ban giáo dục đều từng gọi điện cho trợ lí Đường hỏi thăm tình hình và biết địa điểm nghỉ chân của tổ chuyên án. Cả bốn người đều nghi ngờ một trong số những vị lãnh đạo đó có liên quan đến vụ việc, nhưng vì họ đều là những người quyền cao chức trọng, khi chưa có chứng cứ xác đáng, không thể triển khai điều tra được, đành để vụ án nằm lại tại đó.

Giáo sư Lương khoa trương thanh thế, chuyển từ thể bị động thành chủ động, buộc hung thủ phải "chó cùng rứt giậu", tiếp tục hành động.

Bao Triển tiến hành dựng lại hiện trường vụ cháy. Kẻ phóng hỏa có thể là hai người hoặc hơn, và có quen biết với thầy Mâu.

Bao Triển phân tích cho rằng: "Thầy Mâu vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chưa kết hôn, sống một mình ở đây. Hung thủ khiêng đến một chiếc hộp giấy gọi cửa rồi đưa vào phòng anh ta, giả vờ mang tặng một chiếc ti vi hoặc lấy một lí do nào đó khác, thầy Mâu không biết trong hộp là xác một đứa trẻ. Hung thủ dùng một cách nào đó để khống chế thầy Mâu, rồi lấy cái xác ra bỏ vào trong tủ quần áo, sau đó đổ xăng lên người thầy Mâu và phóng hỏa, chiếc hộp giấy cũng bị cháy theo luôn, nên cảnh sát chỉ tìm thấy một vài mảnh vụn giấy còn sót lại."

Dư luận bắt đầu đồn thổi câu chuyện về một thầy giáo giết hai học sinh tiểu học, và trong suốt một thời gian dài, đó là chủ đề nóng hổi được nhiều người bàn tán.

Tổ chuyên án giữ bí mật những thông tin của vụ án, không có động tĩnh gì, rồi bí mật điều tra bối cảnh gia đình và các mối quan hệ của thầy Mâu. Thầy Mâu là người bản địa, cha mẹ đều là giáo viên đã về hưu. Các mối quan hệ của anh ta rất đơn giản, cuộc sống hàng ngày cũng chỉ quanh quẩn trong trường và kí túc xá, thời gian rảnh rỗi có sở thích chơi bóng rổ.

Bao Triển và Tô My đến trường tiểu học Đông Dương, nơi thầy Mâu công tác để triển khai điều tra.

Trong phòng làm việc của anh ta có một chiếc ngăn kéo bị khóa, khi mở ra phát hiện trong đó có một sổ tiết kiệm với số tiền một trăm nghìn tệ chẵn. Bên dưới cuốn sổ tiết kiệm còn có một tờ giấy trắng, trên đó có ghi những con số rất kì lạ.

Một trăm nghìn tệ, đối với một giáo viên trẻ mới tốt nghiệp và đi làm chưa lâu thì quả là một món tiền không nhỏ.

Cha mẹ thầy Mâu không biết số tiền này từ đâu mà có.

Tổ chuyên án phân tích cho rằng, thầy Mâu rất có thể là kẻ tiếp tay trong vụ án này, và số tiền kia chính là "thù lao" được trả. Do đoán được mình có thể sẽ bị hại, nhưng cũng không chắc chắn, mà chỉ là một cảm giác bất an, nên anh ta đã để lại những con số này, để báo với cảnh sát trong trường hợp xảy ra bất trắc. Nếu chết, anh ta vẫn có thể thông báo với cảnh sát ai là hung thủ chỉ bằng những con số này.

Dòng chữ số kì lạ của thầy Mâu để lại như sau:

(23/1/14/7) (10/21) (26/8/1/14/7) (19/8/1) (23/15)

~~~~~~~~~~~~~~~~

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện