Chương 5: Đường về nhà
Năm bảy tuổi, bắt được chú ve con, cứ ngỡ thâu tóm cả thiên hạ. Năm mười bảy tuổi, hôn lên má nàng, cứ ngỡ mãi mãi chẳng lìa xa.
Giống như lời bài hát của nhóm May Day, mười bảy là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời một con người.
Bất kể là chàng trai hay cô gái bước vào tuổi mười bảy đều rạng ngời như hoa như ngọc, đều sở hữu sức hấp dẫn khiến người khác không thể kháng cự, nó rực rỡ như ánh mặt trời nhưng cũng dễ đa sầu đa cảm một cách khó lí giải và ảm đạm như những cơn mưa liên miên không dứt, đôi khi lại lạnh lẽo như băng tuyết. Dẫu vậy trong lòng những đứa trẻ mười bảy luôn nhen nhóm một ngọn lửa cháy rực suốt ngày dài đêm thâu. Mối tình đầu của mỗi người hồ như đều ở tuổi mười bảy, nó lặng lẽ trải nghiệm bao chuyện rung động tận đáy tâm hồn. Một chàng trai thuộc chòm sao Song Tử trượt patin trên những con phố xao xác cánh hoa bay, gió đêm khẽ mơn man mái tóc ngắn bồng bềnh, chàng trai đi xuyên qua công viên óng ánh trăng khuya chảy dài như suối mật, trượt qua bao cửa hàng cửa hiệu sáng trắng đèn điện, trượt mãi cho đến khu chung cư nhà bạn, chàng trai đứng dưới tầng một rất lâu chỉ để đợi cô bạn gái xuống nói với cậu ta vài câu vu vơ, rồi huýt sáo đi ngang qua bạn.
Chàng trai ấy phải lấy hết can đảm, mạnh mẽ như thiên thạch đâm sầm vào trái đất chỉ để đặt lên môi cô bạn nụ hôn nhẹ nhàng như bướm đậu cánh hoa.
Chòm sao có ý nghĩa gì? Chòm sao khiến hai người tuy sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng lại có hai số phận hoàn toàn khác biệt.
Cơm nắm sinh ra vào đúng ngày lễ Thiếu nhi Quốc tế mùng một tháng sáu năm 1995. Vì bố mẹ ít học nên tùy tiên đặt tên đứa trẻ là Hùng Lục Nhất.
Kết quả xét nghiệm ADN chứng thực cậu bé người thú không phải hung thủ hút máu người, mà là đứa con trai mà hai vợ chồng họ Hùng đánh mất mười mấy năm về trước.
Năm bảy tuổi, cậu bé Hùng Lục Nhất bị lạc trong núi sâu, cậu bé trải qua mười năm đằng đẳng trong rừng rậm nguyên thủy. Khi mười bảy tuổi, cậu được tổ chuyên án bắt nhầm về đồn cảnh sát quy án vì nghi là quái vật hút máu, sau đó, bố mẹ Hùng Lục Nhất đã đón cậu về nhà. Nói một cách chính xác hơn là đã trói cậu lại và khênh về nhà. Cậu bé Cơm nắm năm xưa đã hoàn toàn mất hết lương tri, mất khả năng giao tiếp ngôn ngữ, bao năm sống cuộc sống hoang dã, cậu đã biến thành người thú. Từ hình dạng đến suy nghĩ chẳng khác loài thú hoang là bao.
Câu chuyện quay về mười năm trước, khi cậu bé còn chưa mất tích.
Miền Sơn cước hoang vu ấy tuy đã có điện về đến thôn xóm nhưng vẫn chưa có nước sạch, bởi vậy trong sân nhà nào cũng có một ang nước dự trữ nước, nhà ấy cũng vậy, ven bờ rào nhà ấy trồng toàn hoa hướng dương, hoa khiên ngưu bò cả lên dây phơi quần áo. Một cây bạch dương già nghiêng mình vào góc tường, cây cao đến tận mái nhà, lá sum sê khỏa mình lên ngói, che kín một vùng ngói đỏ.
Ngôi nhà ấy là nhà của cậu bé Hùng Lục Nhất. Những lúc cậu lang thang nơi rừng hoang núi thẳm, liệu có bao giờ cậu nhớ về ngôi nhà thân yêu ấy? Và cậu làm thế nào để quên được mái ấm quen thuộc ấy?
Người ta gọi bố cậu là Hùng hục, nhưng đó không phải tên thật của ông, mà chỉ là biệt danh. Bố cậu bán đậu phụ kiếm tiền, tính tình hiền lành đôn hậu, thậm chí còn hơi ngây ngô nên thường bị người dân trong thôn đùa cợt. Họ vò đầu bứt tai ông Hùng thật mạnh rồi cười lớn bảo: “Trông ông anh như vừa quần thảo với bà xã ấy nhỉ!”
Năm ấy, Cơm nắm mới lên bảy nên chưa hiểu ý nghĩa của câu đùa, cậu bé chỉ biết cười khanh khách như pha lê vỡ.
Ông bố Hùng hục của cậu thường đạp xe đi bán đậu phụ, sau xe buộc hai mảng gỗ, trong mảng gỗ là đậu phụ được che bằng vải trắng. Tất cả thôn xóm quanh đó đều nghe thấy tiếng ông rao đậu phụ vào mỗi buổi sáng sớm tinh mơ. Ông cất cao giọng và kéo thật dài: ”Ai đậu phụ nào! Ai mua đậu phụ điiii!”
Nhà cậu toàn ăn đậu phụ, cải thảo om đậu phụ, cà tím hầm đậu phụ, canh đậu phụ khoai lang… Đôi lúc, Cơm nắm lại bảo mẹ: “Mẹ ơi! Hôm nay nhà mình đừng ăn đậu phụ nữa, được không ạ?”
Sau khi bị lạc trên núi, đúng là cậu chẳng bao giờ còn phải ăn đậu phụ nữa, cậu ăn giun dế, ếch nhái, chim, trứng chim. Cậu vốn sợ rắn thế mà giờ buộc phải ăn thịt rắn. Khi cậu ngồi gặm rễ cây, liệu có khi nào cậu nhớ đến những bữa cơm đầy đậu phụ trên mâm vào mỗi bữa tối ở nhà mình?
Cơm nắm rất sợ bóng tối, khi ấy nhà cậu vay một món tiền, nên thường bị người ta đến đòi nợ. Tối nào chủ nợ cũng đến gõ cửa đòi tiền, mẹ thường bịt miệng cậu lại giá đò không có ai ở nhà. Hai mẹ con ngồi im lặng trong bóng tối, không dám thở mạnh, chỉ sợ chủ nợ phá cửa xông vào. Suốt mười năm sống trong núi rừng hoang lạnh, cậu đã quên ngôi nhà thân yêu, quên những bữa cơm đậu phụ, nhưng không thể nào quên tiếng gõ cửa, dù chỉ là tiếng chim gõ kiến mổ vào thân cây cũng khiến lòng cậu nảy sinh nỗi sợ mơ hồ.
Đó là chút kí ức còn rơi rớt lại trong óc cậu về cuộc sống loài người.
Đêm ấy, một lần nửa tiếng gõ cửa lại vang lên, nhưng lần này không phải chủ nợ mà là cán bộ vận động sinh đẻ kế hoạch của thị trấn. Mẹ của Cơm nắm trót có bầu, mẹ từng hỏi Cơm nắm thế này: “Con thích có em trai hay em gái?” Cơm nắm còn chưa kịp nghĩ thì cán bộ quản lí kế hoạch hóa gia đình đã ập đến, mẹ dẫn Cơm nắm vòng qua nhà bà con trốn ngược trốn xuôi.
Cán bộ quản lí kế hoạch hóa gia đình âm thầm giám sát, cuối cùng cũng chặn được hai mẹ con Cơm nắm tại nhà, họ lịch sự gõ cửa, nhưng không thấy có tiếng đáp lại.
Một bà cán bộ nói: “Đừng giả điếc nữa! Chúng tôi biết rõ cô đang ở nhà!”
Một bà cán bộ khác nói qua vách cửa: "Hải Yến! Cô đã có con trai rồi còn định đẻ nữa làm gì?”
Dường như họ không thể kiên nhẫn thêm nên định phá cửa xông vào. Ông Hùng hục chặn mọi người lại, bà Hải Yến nhân lúc hỗn loạn vội dắt Cơm nắm bỏ trốn lên núi.
Hai mẹ con thấp thỏm lẩn trốn suốt một ngày, đến sáng hôm sau, bà Hải Yến phát hiện Cơm nắm đã biến mất.
Khi ấy, Cơm nắm chẳng may rơi xuống hốc núi, cái hốc rất sâu, địa hình lại phức tạp, cỏ dại và dây leo chằng chịt che kín miệng hốc. Ở Đại Hưng An Lĩnh có rất nhiều hốc núi như thế, mà hốc nào hốc nấy đều sâu hút không nhìn thấy đáy, bởi vậy ngày hôm sau người trong thôn lên núi tìm đứa trẻ nhưng dành ra về tay không.
Cơm nắm may mắn sống sót.
Chúng ta không thể tưởng tượng nổi đứa trẻ mới bảy tuổi ấy đã phải bò bao lâu trong hốc núi, một tuần hay một tháng?
Trên hốc núi là núi rừng Đại Hưng An Lĩnh mênh mông, bạt ngàn, cậu bé đã quên mất đường về nhà.
Nếu chẳng may bị lạc trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn nhường ấy thì ngay cả người trưởng thành cũng khó thoát ra nổi, huống hồ là một đứa trẻ. Cậu muốn về nhà nhưng càng đi lại càng xa, cậu vừa đi vừa khóc trong rừng, chẳng ai đến giúp đỡ cậu, chỉ có nỗi sợ hãi và nỗi bất lực bầu bạn với cậu. Chẳng bao lâu sau, cậu đã cạn nước mắt. Cậu buộc phải chấp nhân sống chung với tất cả những điều mà cậu đã từng sợ hãi.
Mùa xuân, cậu đi bắt rắn. Cậu nhắm thẳng vào đầu rắn và ngoạm một nhát thật dứt khoát, rồi hút máu rắn. Một đứa trẻ sợ rắn là thế mà giờ đành phải ăn rắn sống sót.
Mùa hè, cậu trèo lên cây trốn lợn rừng và sói, cậu chuyền từ cành này sang cành kia, đu dây leo để vượt qua hẻm núi chẳng khác nào chơi trò xích đu. Cậu buộc phải học kĩ năng ấy để tránh bị dã thú ăn thịt.
Mùa thu, cậu học bò bằng bốn tay chân, tốc độ bò của cậu rất nhanh, chỉ như vậy mới tiện lẩn trốn nhũng loài động vật săn mồi ẩn nấp trong các bãi cỏ.
Mùa đông, để tránh rét, cậu ngủ trong hang núi, xét theo góc độ nào đó thì tập tính sinh hoạt của cậu khá tuơng đồng với loài gấu, có lẽ cậu đã sống cùng gấu một thời gian.
Suốt mười năm đằng đẳng đó, trong lòng cậu chỉ có cỏ dại thú hoang.
Chúng ta thử sống trong rừng rậm nguyên sinh mười ngày sẽ thấu hiểu phần nào cuộc sống của cậu trong mười năm qua.
Hoàn cảnh trưởng thành của con người vô cùng quan trọng, một đứa trẻ bảy tuổi phải sống trong môi trường hoang dã thì chỉ có hai kết quả xảy ra, hoặc là nó sẽ chết hoặc là nó sẽ trở thành dã thú.
Cậu dần dần lớn lên, phạm vi hoạt động càng ngày càng rộng ra, mười năm trôi qua, tuy bề ngoài của cậu vẫn hao hao giống người nhưng nội tâm thì chẳng khác gì dã thú.
Một hôm, cậu đến một nơi, mặt đất nơi ấy vô cùng bằng phẳng, không khí cũng khác với khu rừng cậu từng quen thuộc. Ở đó có những tảng đá lớn vuông vắn, cậu lờ mờ cảm thấy rất nhiều động vật chầm chậm đi vào đi ra qua các khe đá, dáng người họ trông đỉnh đạc, khoan thai. Những động vật ấy có phần giống cậu, họ vừa khiến cậu thấy sợ lại vừa đem lại cho cậu cảm giác thân thuộc, tuy cảm giác ấy chỉ thoáng qua. Trên thực tế, cậu chỉ dám tấn công những động vật có thân hình nhỏ hơn mình. Cậu có thể dùng tay không bắt chim bồ câu hoang dã, chim cu gáy hoặc chim ngói, cậu phát hiện chim bồ câu ở đây rất nghe lời, mình cũng to hơn bồ câu nhà.
Rồi những “con vật" đó đã “tóm cổ" cậu.
Khi mất tích, Cơm nắm đã lên bảy, cậu từng biết nói, thiên tính đó vẫn chưa hoàn toàn ngủ quên, cậu từng có thời gian tiếp xúc ngắn ngủi với xã hội loài người nên vẫn giữ được ấn tượng lúc ban đầu của số phận, một trong số những ấn tượng đó chính là tình yêu của bố mẹ dành cho mình. Tiếng gõ cửa của mẹ Hải Yến đã đánh thức chút tàn dư ý thức còn sót lại nơi tận cùng trái tim Hùng Lục Nhất. Mười năm cách biệt, cha mẹ đưa cậu trở về ngôi nhà đã từng thân thuộc. Ban đầu, cậu vẫn giữ thói quen trộm gà hàng xóm, đi bằng bốn chân, phóng vút lên không trung bắt gà vịt như loài chó. Bố Hùng hục đành nhốt cậu trong nhà, để cậu dần dần thích ứng với cuộc sống loài người.
Mẹ Hải Yến phát hiện đứa con trai của mình đặc biệt sợ tiếng gõ cửa.
Mỗi khi nghe thấy tiếng gõ cửa, cậu lại tỏ vẻ sợ sệt, ngồi thu lu yên lặng, những khi ấy người mẹ lại nhẫn nại tắm cho con, đút cho con ăn, dạy con cách đi lại bằng hai chân, dạy con học nói. Người mẹ chăm sóc chàng trai mười bảy tuổi chẳng khác nào đang chăm sóc một đứa trẻ lên ba.
Trường tiểu học của thôn cách nhà không xa, đó là ngôi trường với dãy phòng học lợp ngói đỏ tươi, trước sân trường có cột cờ sừng sững, trên cột cờ là lá quốc kì bay phấp phới trong gió.
Hai cánh cổng sắt được sơn màu xanh luôn mở rộng suốt cả ngày, có lẽ bởi trường tiểu học chẳng có vật gì đáng giá, trước cổng trường có hai cửa hàng tạp hóa, phía trái là cửa hàng tạp hóa của lão gù, còn phía phải là cửa hàng tạp hóa của bà lão tóc trắng như cước. Rất nhiều trường học ở trong nước có cửa hàng tạp hóa bày bán ngoài cổng, cũng chính vì vậy trong hồi ức của rất nhiều đứa trẻ, trường học có mối liên quan mật thiết với các cửa hàng tạp hóa. Một năm sau, cũng chính là khi Cơm nắm bước sang tuổi mười tám, lão gù và bà lão tóc bạc bán hàng tạp hóa đã nhìn thấy một cảnh tượng kì lạ.
Có một cặp vợ chồng dẫn con trai đến trường, cậu con trai còn cao lớn hơn cả bố mẹ, chắc phải tầm mười tám đôi mươi.
Thầy giáo giới thiệu với các bạn trong lớp: “Hôm nay sẽ có bạn mới đến học ở lớp ta! Các em vỗ tay chào đón bạn nào!”