Chương 4: Đứa con của dã thú
Bốn người dân áp tải quái vật đi thông đêm đến đồn cảnh sát. Học khênh con quái vật bằng cây gậy trúc dài, đoạn giữa gậy trúc treo vật đen thùi lùi bị trói chặt bằng dây thừng, nó không động đậy như thể đã chết.
Phân cục trưởng Tào lấy tay chọc một cái, con quái vật vùng dậy phản ứng dữ dội.
Con quái vật được đặt trên mặt nền láng xi măng ở giữa phòng thẩm vấn, dưới ánh đèn sáng trắng, trông con quái vật vô cùng hoảng sợ, răng nó rất sắc, mới cắn hai, ba nhát đã cắn đứt sợi dây thừng, nó giằng co muốn thoát thân. Mọi người lập tức đóng sập cửa lại, vây quanh cửa sổ quan sát.
Phân cục trưởng Tào nói: “Con quái vật này là người chứ không phải thú.”
Bao Triển nói: “Đợi nó yên lặng, chúng ta sẽ làm xét nghiệm ADN là biết ngay.”
Tô My nói: “Nhìn nó như thể vẫn còn nhỏ tuổi."
Hoạ Long trêu: “Tiểu My tránh ra chỗ khác, người ta còn chưa kịp mặc quần áo!”
Giáo sư Lương đâm chiêu hồi lâu rồi bảo: “Đó là đứa trẻ của thú hoang!”
Trên thế giới có rất nhiều em bé được thú hoang nuôi lớn, chúng dần dần trở thành đứa trẻ của chính thú hoang ấy, ví dụ như em bé người sói, em bé người khỉ, em bé người gấu, em bé người linh dương, em bé người chó, em bé người báo, em bé người chim, em bé người lợn... Những trường hợp ấy không còn hiếm hay kì lạ nữa, đâu đâu cũng có thể phát hiện ra dã nhân hoặc những em bé người thú có tập tính sinh hoạt kì quái giống như động vật, có thể nói em bé người thú là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử loài người.
Tháng 5 năm 1972, người ta phát hiện một bé trai tầm bốn tuổi đang chơi đùa với sói. Đó chính là một em bé người sói, răng cậu bé rất sắc nhọn, uống máu, ăn đất, ăn thịt gà sống, thích bóng tối, rất thân thiết với chó nhà hoặc chó sói.
Vụ người thú nổi tiếng nhất được ghi nhận là hai bé gái người sói được phát hiện ở miền Tây Kolkata, Ấn Độ vào tháng mười năm 1920. Khi mọi người đến giải cứu thì thấy hai bé gái đang ở giữa vòng vây của đàn sói, người dân bắn hạ con sói mẹ thành công, họ đưa hai bé gái trở về thế giới con người và đặt tên là Kamala và Arnala, khi ấy cô bé lớn hơn mới tám tuổi, còn cô bé nhỏ hơn chỉ chừng hai tuổi.
Đầu những năm sáu mươi, nhà thám hiểm Roald Amundsen đi ngang qua sa mạc Sahara đã phát hiện ra em bé người linh dương trong bụi rậm. Amundsen nhìn thấy một cậu bé tầm mười hai tuổi đứng giữa bầy linh dương, cậu bé có mái tóc đen ánh xanh, được chải một cách gọn gàng. Cậu bé bật nhảy xa đến kinh người, hơn nữa lại rất nhanh, leo vách dựng đứng nhanh thoăn thoắt. Vì sống chung với bầy linh dương nên đương nhiên phương thức giao tiếp “ngôn ngữ" phải tuân theo quy tắc bầy đàn của linh dương, đó là liếm lưỡi, đá chân, lắc đầu, vẫy tai. Khứu giác của cậu bé vô cùng bén nhạy, em thường vươn dài cổ, chun mũi lại, quan sát động tỉnh bốn phía xung quanh. Dường như thị giác của cậu bé phát triển đặc biệt, có khả năng nhìn tới khoảng cách khá xa. Cậu bé ít ngủ và thường ngủ trong trạng thái lơ mơ, dễ tỉnh giấc. Cậu bé linh dương thích thè lưỡi liếm vết thương trên cơ thể mình hoặc thè lưỡi liếm đồ ăn và uống nước ở những vũng nước nông, đôi khi lại hít mũi ngửi những con linh dương khác trong bầy của mình. Chúng ta không thể biết chính xác đó là sự thể hiện tình cảm hay là truyền đạt thông tin. Cậu bé linh dương thường ăn lá cây, hồ như không mấy phản ứng với cảm giác đau đớn hay nóng lạnh. Giống như những con linh dương khác, cậu thích nằm lăn lộn trong vũng bùn, dùng nước tiểu và phân của mình để đánh dấu lãnh thổ.
Người thú mà người dân thôn Hướng Dương bắt được có vẻ ngoài rất giống con người, nhưng cử chỉ, hành động lại chẳng khác nào dã thú, nhìn bộ răng trắng ớn và sắc nhọn của cậu ta không khỏi khiến người ta liên tưởng đến cảnh tượng thê thảm và máu me của hai mẹ con nạn nhân bị hút máu, người vây quanh phòng thẩm vấn bỗng cảm thấy ớn lạnh.
Tiếng cậu ta gầm gào rất giống tiếng gấu, động tác cũng mô phòng tập tính của gấu, có lẽ cậu ta đã sống cùng gấu trong suốt thời gian dài.
Nhìn bề ngoài thì có thể phán đoán cậu ta chừng mười bảy tuổi, nước da nâu sẫm, giống như màu bùn ở đáy sông bị hong khô, móng tay vừa dài lại vừa cong, mái tóc bẩn thỉu, bết lại thành bánh, bàn tay, khuỷu tay, đầu gối và gót chân đều chai sần rất dày, ngón chân biến dạng nghiêm trọng.
Phân cục trưởng Tào nói với Hoạ Long đang đứng ngay cạnh: “Dù cậu ta giết người thì tôi cũng không muốn lao vào tẩn cậu ta một trận, cậu thì sao?”
Hoạ Long cười: "Phân cục trưởng, tôi nghĩ rằng dù muốn tẩn thì ông cũng không phải đối thủ của cậu ta."
Giáo sư Lương giao nhiệm vụ: “Giờ thì chúng ta phải xác định xem liệu cậu ta có phải hung thủ hay không."
Bao Triển nói: “Việc này quá đơn giản, chỉ cần so sánh vết cắn là biết ngay.”
Tô My nói: “Nhưng làm sao để lấy được vết cắn của cậu ta?”
Người thú này rất hung hăng, lại khoẻ phi thường, cuộc sống hoang dã suốt thời gian dài khiến cậu ta mất hết nhân tính và lương tri. Móng vuốt cậu ta cứng cáp và sắc nhọn, móng tay và ngón tay đều dài như vuốt dã thú. Cậu ta thích hút máu và có đủ sức để ra tay giết chết hai mẹ con nạn nhân, hầu như mọi người có mặt tại hiện trường lúc này đều tin rằng cậu ta chính là hung thủ.
Tô My dùng máy tính để phân tích vết răng dựa vào dấu vết răng để lại trên cơ thể hai nạn nhân, chỉ cần đối chiếu với vết răng của người thú, nếu vết răng trùng khớp thì về cơ bản có thể xác định cậu ta chính là hung thủ.
Phương pháp phân tích đầu răng cũng giống như phương pháp phân tích dấu vân tay, mỗi người có một dấu vân tay riêng biệt cũng giống như mỗi người có một dấu răng độc nhất vô nhị, bởi vậy giá trị nhận diện từ dấu răng rất cao. Trong một số vụ án cưỡng dâm giết người, những hung phạm bệnh hoạn và táng tận lương tâm đều thích cắn người bị hại mà y không ngờ rằng vết cắn chính là manh mối then chốt giúp các cảnh sát hình sự phá án thành công. Ví dụ như ba vụ án lần lượt xảy ra vào ngày 30 tháng 11, ngày 25 tháng 2 và ngày mùng 8 tháng 7 ở thành phố Vũ Hàng, hung thủ đẩy ngã một cô gái đang đi xe đạp vào lúc đêm khuya, y kéo cô gái vào nơi kín đáo bên vệ đường rồi giở trò đồi bại, sau khi hành sự xong y giết chết cô gái, buộc thi thể cô gái và xe đạp lại với nhau và quẳng xuống sông. Đặc điểm của hung thủ này là thích cắn, căn cứ vào vết răng để lại trên thi thể nạn nhân của ba vụ án, cuối cùng cảnh sát cũng khép chặt mục tiêu.
Tuy nói vậy nhưng người thú lại không hề có ý hợp tác với cảnh sát, nên việc lấy đầu răng của cậu ta thật lắm gian nan và éo le!
Bao Triển buộc sợi dây vào quả táo rồi ném vào trong phòng, định bụng để nó cắn một miếng, nào ngờ người thú tóm lấy quả táo rồi ném vọt ra ngoài. Người thú bị nhốt trong phòng thẩm vấn, tính khí càng trở nên hung bạo, nóng nảy, tổ chuyên án nghĩ đủ cách mà vẫn không thể lấy được dấu răng của cậu ta. Chỉ cần có người tiếp cận là cậu ta lại ngoác miệng nhe răng, cổ họng phát ra tiếng. gầm gừ đầy đe doạ khiến người ta muốn lại gần cũng phải e ngại. Tổ chuyên án quyết định sử dụng thuốc mê để gây mê nhưng ở vùng thôn quê hẻo lánh này lấy đâu ra thuốc gây mê, phân cục trưởng Tào chợt nghĩ ra một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Phần cục trưởng gọi lớn: “Đèn cầy! Cơ hội lập công của cậu đến rồi đó!”
Đèn cầy linh cảm có chuyện chẳng lành sắp xảy đến với mình, cậu ta e dè hỏi: “Phân cục trưởng muốn tôi thực hiện nhiệm vụ gì ạ?”
Phân cục trưởng nói thẳng: “Chúng ta cần đối chiếu vết răng của người thú, cậu vào trong kia cho cậu ta cắn một cái rồi ra! Đó là mệnh lệnh!"
Đèn cầy vội xua tay rối rít: "Ối! Không! Không! Tôi chưa muốn chết! Cậu ta là con quái vật hút máu chứ có phải đùa đâu!"
Phân cục trưởng bĩu môi: “Trên người không có lấy một vết thương mà dám đòi làm anh hùng, lại còn đòi phá các vụ án lớn nữa ư?”
Đèn cầy cố gắng thương lượng: “Hay chúng ta đánh ngất con quái vật hoặc là để nó đói thêm một tuần nữa, chờ khi nó mềm nhũn ra thì tôi sẽ..."
Phân cục trưởng bực mình quát: “Muốn tôi đạp cậu vào đó hả? Đồ nhát gan!”
Phân cục trường nói là làm, anh ta giơ chân đạp thẳng vào mông Đèn cầy, giục cậu ta mau vào trong phòng. Không biết Đèn cầy tìm đâu ra chiếc mũ bảo hộ lao động, cậu ta liền đội lên đầu, cổ quàng khăn len trắng rất dày, lại còn khoác áo jacket lông dê, toàn thân từ đầu đến chân đều được bao bọc kín mít, chỉ chừa lại mỗi cánh tay thò ra ngoài.
Đèn cầy nói với Đèn cù: “Cháu để nó cắn vào tay, cắn một phát thôi đấy! Bác chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu cháu ra nhé!”
Đèn cầy giơ tay lên chắn ngang mặt, run lấy bẩy bước vào phòng thẩm vấn, Đèn cù cầm gậy sắt đứng sau yểm trợ giúp cậu ta thêm can đảm. Mấy viên cảnh sát đứng ngoài cửa canh phòng cẩn mật đề phòng người thú thừa cơ trốn thoát. Đèn cầy vừa vào phòng thì người thú lao ập đến, Đèn cù quẳng cả gậy sắt bỏ chạy, trong phòng thẩm vấn vọng ra tiếng kêu thảm thiết của Đèn cầy.
Phân cục trưởng Tào giơ bàn tay che trước trán, ghé mắt vào cửa sổ nhìn cho rõ, anh ta hét lớn: “Cậu ta đã cắn cậu chưa?”
Trong phòng lại vọng ra tiếng thét rất to của Đèn cầy...
Tô My chụp ảnh vết răng trên cánh tay của Đèn cầy, nạp dữ liệu vào máy tính rồi đối chiếu với vết răng trên cổ của hai mẹ con nạn nhân, kết quả khiến mọi người thất vọng nặng nề, vết răng của người thú và vết răng trên cơ thể người chết hoàn toàn khác nhau, bất kể xét về đặc trưng sắp xếp giữa các răng hay hình thái răng hàm trên và hàm dưới, thậm chí cả khoảng cách trọng tâm giữa các vết lồi lõm đều không có điểm nào giống nhau.
Người thú không phải hung thủ hút máu người!
Tình hình vụ án rơi vào thế bế tắc, cảnh sát nghĩ trăm phương ngàn kế mới bắt được người thú, vậy mà người thú lại vô tội. Cậu ta không hề liên quan gì đến vụ án giết người hút máu xảy ra ở thôn Hướng Dương.
Hung thủ bệnh hoạn giết người hút máu với sức khoẻ kinh hồn bạt vía kia vẫn tiêu dao ngoài vòng pháp luật. Vụ án lần nữa trở về xuất phát điểm.
Phân cục trưởng Tào hơi lưỡng lự, anh ta không biết xử lý người thú ra sao, rốt cuộc nên thả cậu ta về với rừng già hay đưa đến các viện nghiên cứu khoa học hoặc đưa cậu ta trở lại xã hội loài người. Tổ chuyên án kiểm tra lại danh sách trẻ em địa phương mất tích mấy năm gần đây, họ phát hiện ra manh mối quan trọng. Ở thị trấn Bạch Hoa thuộc huyện Tháp Lâm có thôn gọi là thôn Thập Lý Đồn, khoảng mười năm trước có cậu bé của một gia đình sống trong thôn bị mất tích. Khi đó vì trốn tránh cán bộ đến phạt tội sinh đẻ vượt kế hoạch nên người mẹ đã dẫn đứa con trai bảy tuổi trốn vào núi sâu, đứa bé chẳng may mất tích trên núi. Sau này, rất nhiều người dân trong thôn đã vào rừng giúp người mẹ tìm con, nhưng bóng dáng cậu bé vẫn biệt vô âm tín, họ tìm mãi tìm mãi mà chưa thấy…
Liệu người thú này có phải cậu bé mất tích năm nào?
Người dân tìm ra đôi vợ chồng mất con, khi nhắc đến đứa trẻ, họ chỉ biết chảy nước mắt, chẳng nói được gì. Họ càng không thể tin rằng con mình đã trở thành người thú.
Người chồng tên là Hùng hục, còn người vợ tên là Hải Yến, đứa con trai họ đánh mất năm đó tên là Hùng Lục Nhất, tên hay gọi ở nhà là Cơm nắm.
Cảnh sát cho rằng nếu phán đoán theo độ tuổi thì rất có thể người thú chính là cậu bé mất tích khi xưa.
Vợ chồng Hùng hục lập tức đến phòng thẩm vấn nhận diện con, vừa nhìn người ngồi trong góc nhà, họ như bị búa tạ đập trúng đầu. Trong kí ức của họ, hình ảnh đứa con mãi mãi dừng lại ở tuổi lên bảy, ngây thơ và đáng yêu, họ không thể liên tưởng con trai mình với người thú đen sì kia.
Người mẹ gõ cửa sổ, gọi tên thân mật của con: “Cơm nắm! Cơm nắm ơi!"
Cậu ta yên lặng!