Chương 26: Bắt hồn trên âm sơn đạo
Dịch giả: Đỗ Mai Dung
1
Ham sống sợ chết là bản năng của mỗi người, nhưng con người không giống động vật, vì vậy dù là nói về đề tài này cũng phải thêm chút màu sắc văn chương khiến nỗi sợ hãi cái chết thêm kịch tính.
Một trong số đó là, con người trước khi chết, nằm thoi thóp trên giường, người như cây gỗ nhưng chỉ cần vừa tắt thở, linh hồn liền ngồi dậy, đối mặt với âm sai đến để “dẫn hồn” đang đợi ở đầu giường, chuẩn bị “dẫn giải” lên đường. Mặc dù Phật giáo nói chúng sinh bình đẳng, nhưng đã ai nghe nói đến việc đại ca hoạt vô thường đến để bắt hồn con la, con bê, côn trùng bao giờ chưa?
Dẫn hồn cũng là bắt hồn, bắt chính là bắt bớ, hay còn gọi là “giữ” hoặc “thu”, đều là ý thu bắt. Người chết rồi, trên nhân thế không còn vị trí cho họ nữa, trong vũ trụ, ngoài hai thế giới âm, dương ra không còn thế giới thứ ba nào nữa, vì vậy cũng không có con đường thoát nào khác, lúc này ngoài xuống âm gian ra không biết đi đâu, tại sao dưới âm phủ còn phải cử quỷ sai tới bắt họ đi một cách cưỡng chế như thế? Một cách giải thích mặc dù không được công bố rộng rãi, nhưng lại được rất nhiều người công nhận là, nếu quỷ sứ không đến thăm thì người này nhất định sẽ không chịu tự giác ngộ quay về. Tiền đề của cách diễn giải này chính là, thế giới dưới kia cần phải có một đại nha môn, âm phủ và địa ngục. Nếu quỷ sứ không đến bắt, người chết rồi, mặc dù đã xuống âm giới nhưng không đến quan phủ tự giác “đầu thú”. Cách nói khác gay gắt hơn thì là, nếu như sứ giả âm giới không đến bắt hoặc đứng đó đợi, người này có lẽ không chịu chết luôn.
Những chuyện như thế này trong thời đại nghĩ rằng linh hồn như khí như khói không xảy ra, người nhẹ nhàng từ từ bốc lên, bay lên trên, hoặc theo gió tùy ý đi du lịch khắp đông, tây, nam, bắc, mặc dù không đến nỗi như Nho gia nói rằng tan vào hư không, vậy thì bay lượn mãi như thế cũng chẳng thú vị gì. “Hồn sẽ quay về, về nơi mình đã sinh ra”, cũng chính là quay về trong phần mộ của tổ tông an nghỉ. Lão tổ tông của chúng ta vẫn sống như thế, sau này lại xuất hiện một cái gọi là âm phủ, kết quả tự mình đưa mình vào tròng. Đương nhiên, vào thời đại đã có khái niệm âm phủ, một vài nhân vật chính trong các câu chuyện của thời đó vẫn không ngần ngại mà coi thường sự tồn tại của nó, và vong hồn vẫn như khói như khí hoặc như người đi du lịch, đơn độc hoặc kết bè kết nhóm ngao du trên con đường đến âm gian, có những người chết bao nhiêu ngày rồi mà vẫn còn lang thang trên đường phố, lưu luyến nơi viện đình, có người thì lại vì nghĩ cho gia đình, nhân cơ hội tin mình chết chưa bị lan truyền ra ngoài, đến cơ quan đơn vị tạm ứng chút tiền lương, còn cả những người khi chết rồi nhã hứng vẫn chưa hết, nhàn tản đi trong dòng người, quan sát lễ tang mà bạn bè tổ chức cho mình. Bất đắc dĩ có người sinh ra đã đê tiện, sau khi xác định là chết rồi, không có nha môn quản thúc thì không tự tin, mà khi người thân đốt vàng mã đưa tiền, cũng phải dành riêng một phần cho đại ca áp giải, tự mình phải thừa nhận với bố mẹ là phạm nhân bị áp giải. Vì vậy, ở vấn đề này, tôi theo chủ nghĩ duy tâm “tin thì có mà không tin thì không có”, âm phủ địa ngục chỉ dành cho những người tin vào sự tồn tại của nó mà thôi.
Nếu đã tin, âm phủ cũng sẽ rất ghi nhớ những người tin vào sự tồn tại của nó, thời cơ đến, âm sai sớm đã mang theo lệnh bài đợi ở đầu giường rồi.
Nhưng ở đây lại có một điểm khiến người ta không hiểu. Theo cách nói của một vài hòa thượng thì con người sau khi chết phải được thần thiện dẫn đường, vậy thần thiện đó hẳn phải là Phật A Di Đà rồi, nghe nói phải dẫn đến thế giới cực lạc. Nhưng trong chùa chỉ có những người vừa phải hành đạo vừa phải tin vào đạo Phật mới có tư cách hưởng thụ, người bình thường thì sao? Phật tổ luôn luôn từ bi hỷ xả, con người khi còn sống luôn được khuyên răn đủ điều, đến khi du hồn rời xá, như lúc cần than trong tuyết lạnh, chắc chắn ngài sẽ không buông tay bỏ mặc Faust[1] trước khi chết như Chúa, Chúa chẳng phải còn sai thiên sứ xuống hạ giới, cùng với đám ma quỷ tranh giành linh hồn của anh ta hay sao? Nhưng trong những câu chuyện mà các hòa thượng kể thì Phật tổ Như Lai hình như lúc này trốn đi như không phải việc của mình vậy. Cho đến khi linh hồn đáng thương mặt nhăn mày nhó chuẩn bị xuống địa ngục chịu hình rồi, bỗng xuất hiện một Địa Táng Bồ Đà, lại cũng chỉ là một người trợ giúp hằng ngày cùng đốt hương niệm Phật, những cái khác không nói, gì mà những lời to tát như: “Địa ngục không trống, thề không thành Phật”, gào bao nhiêu năm thực ra cũng chỉ là bảo vệ chính mình mà thôi. Nếu lấy những câu chuyện này ra để giải thích, các hòa thượng hằng ngày khuyên chúng ta nên đốt nhang niệm Phật, rõ ràng cũng chỉ là một loại phí bảo hộ mà thôi. Hình tượng vĩ đại huy hoàng của Phật trong lòng tôi đã bị bóp méo trong lời kể của các hòa thượng rồi.
[1]. Faust: là một trong những nhân vật có thực được truyền thuyết hóa nhiều nhất, rồi đi vào đủ loại hình cũng như thể loại văn học nghệ thuật và hiển nhiên sống mãi trong xã hội loài người. Trong nhiều thế kỷ, sự tồn tại của tiến sĩ Faust đã không bị nghi hoặc gì nữa, sự tồn tại vừa trong thực tế vừa qua vô vàn giai thoại. Tương truyền ông sinh khoảng năm 1480 ở Knittlingen, xứ Wurtemberg, thuộc CHLB Đức hiện nay.
Chuyện này quả thật có chỗ khiến người ta nghĩ không thông, cuối cùng đành phải suy đoán như sau, Chúa Trời ở phương Tây và Hàn Đán đối lập với nhau mà Phật giáo và âm phủ của Trung Quốc lại chung một nhà. m phủ chỉ là công ty con của Phật giáo, giữa hai bên không những không có sự cạnh tranh mà còn hỗ trợ cho nhau rất nhiệt tình. Điều này liên quan đến nguồn gốc về âm phủ của Trung Quốc và quan hệ của Phật giáo, tôi chuẩn bị thảo luận sang một đề tài khác, ở đây chỉ nói đến chuyện Diêm Vương dưới cửa Phật môn sai quỷ sứ lên dương gian dẫn hồn thôi.
2
Người ta thường nói: “Không làm việc gì xấu thì không sợ quỷ tới nhà gõ cửa.” Việc bắt hồn của quỷ sứ, dù bạn có làm việc gì xấu hay không, đúng giờ là đến, giống như câu nói: “Diêm Vương đã định canh ba phải chết, sao dám giữ người đến canh năm.” (Có thể giữ người đến canh năm không là một câu chuyện khác, nhưng canh ba nhất định quỷ sứ sẽ đến.) Hơn nữa, quỷ sứ bắt hồn cũng là đại diện cho quan phủ đi bắt giải nghi phạm nên không có gì phải khách khí. Mặc dù tội của người bị bắt phải tới khi gặp Diêm Vương phán quan mới có thể định được, người đó có thể là người tốt, có thể là do bị người khác ám hại, nhưng trong thông lệ dân gian Trung Quốc từ xưa tới nay luôn là “nghi phạm có tội” (đối với một vài nhân vật đặc biệt thì cũng có trường hợp “nghi phạm vô tội”), còn sau khi đến âm gian rồi thì “không có tội cũng thành có tội”, dùng một câu nói thường được nghe thấy khi thực hiện phong trào “bốn sạch”[2] thì là “có tội hay không có tội cứ đánh ba gậy trước đã”, cứ bắt đến, đánh cho một trận rồi nói sau, vậy là gậy gộc, xích sắt chính là những công cụ cần có mỗi khi quỷ sứ lên đài, còn vong hồn ngay từ đầu đã là tội phạm.
[2]. Bốn sạch là sạch trong chính trị, sạch trong kinh tế, sạch trong tư tưởng, sạch trong tổ chức. Đây là hoạt động được tổ chức từ năm 1963-1966 ở nông thôn và các thành phố nhỏ của Trung Quốc.
Chúng ta bắt đầu từ phương pháp đơn giản thường thấy và cũng là phương pháp khách khí nhất, đó là truy đuổi. Trong quyển một cuốn Khuê Đông Chí của Quách Tượng đời Nam Tống có kể về một vị đại phu chuyên chữa bệnh cho trẻ em người Tín Châu tên là Sái Mỗ, lâm bệnh mà chết. Ông ta có một người đồng hương lúc này đang làm việc ở Lâm An, trên đường lớn gặp Sái Mỗ, để đầu trần không mũ nón gì cả, “có hai vị mặc áo vàng đuổi theo sau.” Khi người đồng hương này về quê, mới biết Sái Mỗ đã chết, và chết đúng vào ngày mà ông ta gặp Sái Mỗ trên đường, nên biết rằng lúc ấy mình đã gặp linh hồn Sái Mỗ, còn hai vị mặc áo vàng kia chính là quỷ sứ.
Nếu đã là “truy đuổi” thì việc động chân động tay là khó tránh, còn có cầm gậy vụt hay không, hoặc vong hồn trên người có công cụ thụ hình nào không, trong này không thấy nói đến, chỉ có thể tả sơ qua về quang cảnh bắt phạm nhân thời Nam Tống để chúng ta cùng so sánh.
Việc Đổng Siêu, Tiết Bá áp giải Lâm giáo đầu thì có chút cực đoan, không lấy làm điển hình thì cũng thôi, nhưng gậy thủy hỏa của quỷ sứ áp giải có lẽ là công cụ không thể thiếu, không thể chỉ mang hai tay không đi như những tên trộm gà để “đuổi gà” được.
Tôi cũng đã từng được trải nghiệm cảm giác bị “đuổi” này rồi, đương nhiên không phải quỷ sứ của âm phủ đuổi. Năm đó, ga tàu hỏa phải xây lại nên những khách đợi đi tàu đành phải xếp hàng hỗn loạn và ồn ào, nhân viên nhà ga cầm một chiếc cờ đỏ đứng phía trước, làm người dẫn đường đi vào ga, nhưng khách đi tàu không hiểu ý đồ của anh ta, lá cờ đỏ đó chỉ cần cuộn vào, trở thành một cái roi có tính chất tượng trưng, nhằm vào cánh tay, mông của những hành khách không đứng đúng hàng mà đánh, vì ngày đó mọi người đều mặc áo bông nên không ai bị đau. Hơn nữa, nếu nghĩ đến cái gậy thủy hỏa mà Đổng Siêu, Tiết Bá dùng để đánh vào khớp xương của Lâm giáo đầu (vừa tiết kiệm sức vừa hiệu quả) thì sẽ cảm thấy dịu dàng, quan tâm hơn, vì vậy có người còn toét miệng cười với người đánh mình, tỏ vẻ hiểu ý của vạn tuế.
Khiến người ta càng khó chịu hơn cả là một quỷ sứ túm tóc đi trước, một quỷ sứ cầm gậy đánh đằng sau.
Trong quyển một Triều dã thiêm tái của Trương Trạc người đời Đường có viết:
Thời Võ Tắc Thiên, Phượng các đãi lang chu Duẫn Nguyên vào buổi chầu sớm. Thái Bình công chúa gọi thầy thuốc đi vào chính cửa, thấy một tên quỷ sứ bắt giải Chu Duẫn Nguyên, tên thứ hai cầm gậy theo sau, đi thẳng vào Cảnh Vân Môn…
Vị thầy thuốc này có bản lĩnh nhìn thấy ma, vì vậy mới có thể nhìn thấy cảnh đại thần bị quỷ sứ bắt đi. Bình thường, khi những lão đại thần trong triều đình ra khỏi cửa, trong nghi thức không thể thiếu những cây gậy hoặc màu đỏ hoặc màu trắng hoặc ngũ sắc dùng để đuổi đám dân đen, nhưng lúc này, cây gậy lại rời vị trí ra sau mông mình, đổi thành đánh chính mình. Cách túm tóc kéo về phía trước đấy thực sự khiến những nhân vật lớn có chút mất mặt, vì sợ đau nên hai tay phải ôm đầu, điều đó cũng có nghĩa là phải cúi đầu xuống, tư thế không được đẹp mắt cho lắm.
Đến thời nhà Thanh, đàn ông thường để tóc đuôi sam, như vậy khi bị bắt sẽ càng dễ dàng hơn, tức là vừa không bỏ khóa sắt, vừa coi túm tóc là một thủ đoạn đơn giản, hiệu quả. Khi Mậu Tuất lục quân tử[3] bị bắt, bị binh dịch túm tóc lôi đi, Đàm Tự Đồng đã nói: “Cả đời ta là văn nhân, lại có chức quan, hà tất phải làm thế này!” Binh dịch đáp: “Bọn ta vâng lệnh nha môn bắt người, từ trước tới nay vẫn thế.” Trong giới quan phủ Trung Quốc, thấp thì Địa bảo[4] mà cao thì Hoàng thượng, cách cư xử với “nghi phạm” từ trước tới nay vẫn dùng những thủ đoạn hạ lưu bỉ ổi và man rợ như thế, cậy quyền thế nhất thời, không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để làm nhục nhân cách người khác. Túm tóc, trói bằng dây sắt, thậm chí là đội mũ cao đi diễu khắp đường khắp chợ, không phải sợ nghi phạm không nghe lời hoặc chạy mất, thực ra là thích thú trong trong việc hủy hoại nhân cách của người ta, từ đó thể hiện uy phong lưu manh, độc ác của mình. Từ điểm này có thể thấy, cách cư xử của người đứng trên vị trí cao nhất với đám quan binh, tướng tốt cũng chẳng khác nhau là mấy.
[3]. Mậu Tuất lục quân tử: chỉ sáu chí sĩ Duy Tân bao gồm Đàm Tự Đồng, Khang Quảng Nhân, Lâm Húc, Dương Thâm Tú, Dương Duyệt và Lưu Quang Đệ, cả sáu người đều bị sát hại trong phong trào cải lương chính trị của giai cấp tư sản năm 1898 (tức năm Mậu Tuất), còn gọi là biến pháp Mậu Tuất hay Mậu Tuất Duy Tân.
[4]. Địa bảo: chức quan địa phương ở thời nhà Thanh và những năm đầu dân quốc.
Sự thực chứng minh không chỉ có chó cậy chủ nhà, mà người cũng cậy thế chó, không có mấy tên chó săn giơ nanh múa vuốt kia làm thay thì đám Thái thượng hoàng, Lão Phật Gia cũng xông ra làm chó không chừng.
3
Vậy khi bắt hồn, “chúng sinh có bình đẳng” không?
Những chương trước chúng ta nói đến những quỷ hồn bị bắt, có bách tính bình dân, có gia đình giàu có, quyền thế, dường như tất cả đều bình đẳng trước cái chết, ngay cả đến Phượng các đãi lang chẳng phải cũng bị túm tóc kéo đi đó sao? Vị Chu Duẫn Nguyên trong lịch sử hoàn toàn không làm việc gì ác, còn được nhận lời khen của người khác, vì vậy khi ông ta bị bắt đi, bị ngược đãi như thế hoàn toàn không phải vì ông ta mắc tội ác gì đặc biệt, chỉ là vì Diêm Vương khi đó còn chưa có sự phân biệt, giống như trong Sưu Thần ký mà Cam Bảo đã nói: “Khi chết không được đối đãi tử tế như khi sống”, “khi sống vì khanh tướng tử tôn, chết xuống dưới đất thì thái sơn ngũ bá, tiều tụy, khốn khổ, không thể kêu ca” mà thôi. Nhưng trong những câu chuyện về sau, quan tướng có thân phận rõ ràng khi bị bắt đi, có chút khác biệt so với bách dân trăm họ.
Tôi đã từng giới thiệu qua, khi bắt hồn của bách tính thì đúng sách bắt hồn, nhưng đối với những nhân vật chức sắc quan tước thì phải bao phòng như đi xem kịch vậy, cũng phải viết một lệnh bắt riêng, mặc dù cùng là cái chết, nhưng quy cách viết lại như viết “giấy mời”.
Từ xưa tới nay vẫn luôn có quan niệm, đương nhiên quan niệm đó không phải xuất phát từ bách tính bình dân mà là từ trên truyền xuống, tức là những người làm đế vương, tướng quân đó đều có lai lịch. Quan niệm này tới thời Đường càng phát triển mạnh hơn, có lẽ cũng có sự giúp đỡ của Phật giáo và Đạo giáo, giống như những gian thần Lý Lâm Phủ, Lô Kỷ, đều là sinh có tiên cốt, nếu không làm thừa tướng thì có thể làm thần tiên. Đặc biệt là đến thời Bắc Tống, những danh công cự khanh, nếu không phải là tinh tố hạ phàm thì là thần tiên chuyển thế, thấp nhất thì cũng là tinh quái đầu thai. Trong Tiền thị tư chí do Tiền Thế Chiêu thời Bắc Tống viết: “Từ Thần ông đi từ Hải Lăng (nay là Thái Châu Giang Tô) đến kinh sư, Sái Kinh nói với Từ Thần Ông rằng: “Mong cho thiên hạ thái bình.” Thần Ông đáp: “Thái bình cái gì? Các loại ma quỷ trên trời xuống hạ giới, đầu thai sống trong nhân gian, làm hỏng thế giới.” Sái đáp: “Làm thế nào để nhận ra người này?” Thần Ông cười: “Thái sư chính là một trong số họ.” Vì vậy, cái chết của họ chẳng qua là “trở về nơi cũ” mà thôi.
Đại quan đã như thế, nếu là hoàng đế thì khí phái càng lớn, cho dù vị hoàng đế này có chết bất đắc kỳ tử. Trong quyển một Tục huyền quái lục của Lý Phục Ngôn người đời Đường có truyện Tân Công Bình thượng tiên, ghi rằng: “Hồng Châu Cao An huyện úy Tân Công Bình, Cát Châu Lỗ Lăng huyện úy Thành Sĩ Liêm, cả hai người ngày cùng vào kinh cuối năm Trinh Nguyên[5], trên đường làm quen với một người, tự xưng là Vương Trăn, là minh sử, đang đi về Trường An để nghênh đón “Thiên tử thượng tiên”. m binh nghênh tiếp đó là “giáo mã ngũ bách, tướng quân nhất nhân”, người thường không nhìn thấy được, mà Vương Trăn lại là minh quản quản lý sổ sách dưới âm phủ, có lẽ chính là “phán quan” mà hậu thế hay nhắc đến. Tân Công Bình cùng với đội âm binh đó đi từ Thông Hoa Môn vào thành Trường An, đến đường Thiên Môn, có thần tiên địa phương cung kính tiếp đón, sau đó binh chia làm năm đội, tướng quân, phán quan và thân binh ở miếu Nhan Lỗ Công. Vài ngày sau, tướng quân nói: “Thời gian đã đến, nhưng trong cung có chúng thần tương hộ, không cách nào tiếp cận được Hoàng thượng thượng tiên, làm thế nào bây giờ?” Vương phán quan nói: “Ta có thể trình xin với minh phủ, bố trí sắp xếp yến tiệc trong cung, trong yến tiệc sẽ có bố trí, khi ấy chúng thần tự nhiên sẽ từ chối, đó là lúc ta hành động.” Không lâu sau, dưới âm phủ báo lên, trong cung đang chuẩn bị yến tiệc. Thế là năm trăm âm binh, ba trăm người cưỡi ngựa, còn lại đi bộ, khi vào cung thì phân nhau đi vào từ rất nhiều cửa khác nhau, sau đó tướng quân ra lệnh bố trí quân dưới đại điện. Lúc này chỉ thấy trong đại điện đèn đóm sáng rực, véo von tiếng hát, réo rắt tiếng đàn. Đến canh ba, đột nhiên có một vị thần tướng mạo hung hăng xuất hiện, tay cầm thanh mâu dài hơn trượng cúi người trước mặt tướng quân, chậm rãi nói: “Thời khắc đã đến rồi!” Tướng quân khẽ chau mày, gật gật đầu, hung thần đó vâng mệnh, đi nhanh lên điện, thẳng tới ghế ngồi của hoàng đế, quỳ xuống. Đương nhiên đây là ám thị cho việc thích sát. Lúc này chỉ thấy đám quần thần bên cạnh hoàng đế hỗn loạn. Hoàng đế nói đau đầu, tiếng hát tiếng nhạc lập tức dừng lại, tả hữu hai bên vội dìu hoàng đế về căn phòng ở phía tây. Một lúc lâu sau, không thấy hoàng đế ra, lúc này tướng quân nói: “Thời khắc thăng thiên giới hạn, không thể để lỡ, xe ngựa đã chuẩn bị xong, sao vẫn chưa manh động?” Có người đáp lại: “Hoàng thượng đang rửa ráy.” Tướng quân nói: “Được, tắm rửa xong khởi giá.” Ngay sau đó, từ trong căn phòng phía tây vọng lại tiếng nước chảy. Đến canh năm, hoàng thượng lên kiệu, phía sau có sáu người mặc áo xanh đi theo, trên mình đều thêu long phượng, khênh kiệu xuống dưới điện. Tướng quân hành lễ, hỏi: “Việc ở nhân gian phức tạp, vất vả cực khổ, lại thêm điều tiếng nóng cả tai, yêu sắc cám dỗ, làm hỏng sự thanh tịnh đã tu dưỡng bấy lâu, còn có thể phục hồi được không?” Hoàng đế đáp: “Trái tim chứ có phải sắt đá đâu, nhìn thấy có thể không rung động sao? Nay phải rời đi, thế cũng đã là xấu rồi.” Tướng quân cười, liền đi lên, cúi người hành lễ rồi dẫn hoàng đế ra khỏi cung, từ nội cung cho đến quan sử không người nào là không nghẹn ngào đưa tiễn, lưu luyến không rời. Qua chính điện, hai trăm kỵ sỹ dẫn đường, ba trăm kỵ sỹ hộ tống, như phong như lôi, nhẹ nhàng lướt đi, rời khỏi Vọng Tiên Môn.
[5]. Năm Trinh Nguyên ở thời nhà Đường.