Chương 27: Bịt mũi, hút hơi và các cách khác

Dịch giả: Đỗ Mai Dung

Người chết thì gọi là “đoạn khí”, nói văn vẻ một chút thì là “khí tuyệt”, thêm chút hài hước thì là “chỉ có thở ra mà không có hít vào”, nếu thêm chút cảm khái thì là “tam phân khí tại thiên ban dụng, nhất đán vô thường vạn sự hưu[1]”. Từ đó có thể thấy “khí” có quan hệ mật thiết, lớn lao thế nào tới sự sống chết của con người. Một cái chết bình thường là chết trước rồi đoạn khí sau, hay là đoạn khí trước rồi chết sau, những văn nhân chú ý tới vấn đề khoa học thì nhất định phải tìm hiểu tới ngọn tới ngành, còn những người không quan tâm lắm tới khoa học thì chỉ biết trong thủ đoạn mưu sát có “yểm sát”, “bí sát”, đấy chính là kiểu đoạn khí trước rồi mới chết. Nhưng kiểu giết người này thật tốn công tốn sức, không được nhanh nhẹn và sảng khoái như đám đao phủ, vì vậy, những cách đó không hay được dùng, chỉ khi phải suy nghĩ đến việc giữ cho người chết có một thi thể toàn vẹn, đẹp mắt thì mới được mang ra dùng. Nhưng khi dưới âm phủ muốn bắt sinh hồn của người sống thì cách thức chém đầu hay những dạng tương tự như thế không thể dùng được nữa, cách đơn giản nhất là khiến người sống đoạn khí. Bên này khí đoạn, bên kia liệu có thể bức cho linh hồn chạy ra hay không, cũng còn chưa biết, nhưng bình thường, rất ít khi gặp trường hợp linh hồn chịu giam mình trong thi thể cứng ngắc không chịu ra. Thế là những tên quỷ tốt khi đi bắt người thường có vài cách để bức người ta chết trước.

[1]. Có nghĩa là: trên thế gian này tất cả mọi sự vật đều sẽ thay đổi, một khi ngừng thở, thì tất cả cũng sẽ kết thúc.

Cách đầu tiên là dùng bùn bịt mũi người ta lại. Truyện Hồ Lặc trong Quảng dị ký của Đới Phu đời Đường có viết: Hồ Lặc người Triều Thục, chết vào mùa đông năm Long An thứ ba. Ba ngày sau sống lại, kể rằng, bị người ta bắt đi, dùng đất đỏ bịt mũi, ấn chặt, rồi đưa ra ngoài thiên môn.

Đất đỏ chính là đất sét đỏ, rất dính, sau khi khô có độ kết dính rất cao. Hồi nhỏ, mỗi lần học giờ thủ công, tôi đã từng thấy mất mặt quá, nhưng lại không thể đập vỡ nó để giấu đi, như thế có thể tưởng tượng hiệu quả của việc dùng thứ này và bịt mũi người rồi đấy. Hơn nữa, sau khi bịt lại rồi còn dùng thêm quan ấn, rất giống cách đóng gói văn thư thời Hán, đừng nói là bản thân mình, ngay cả người khác, nếu không có quyền lực nhất định cũng không thể mở phong bì. Hồ Lặc sau khi bị bịt mũi bằng đất sét liền đoạn hơi, lên trời có lẽ được bóc đất sét ra, nhưng hồn mà trong thời gian này không thể hít thở được. Thế là dẫn tới một vấn đề hết sức phiền phức, đó chính là vấn đề hít thở của hồn ma. Dẫn chứng trong rất nhiều câu chuyện, ma không những có thể hít thở mà còn có thể thổi ra âm khí để hại người. Nhưng câu chuyện về Hồ Lặc có thể đưa ra làm ví dụ để phản chứng, linh hồn không cần không khí. Điều này cũng có cái lý của nó, đầu tiên là đoạn khí của người sống khiến người ta trở thành người chết, sau đó lại cắm thêm một ống thở vào cho hồn ma đã đoạn khí để nó trở thành ma sống, thế chẳng phải lằng nhằng mất thời gian hay sao! Vậy tại sao sau khi lên trời rồi lại phải gỡ đất sét ra? Tôi nghĩ, dụng ý của thiên đình không phải vì muốn khôi phục lại quyền lợi hít thở của anh ta, chỉ là muốn anh ta mở miệng nói khi ở trước công đường, ngoài ra, có lẽ cũng tránh để thiên gia nhìn thấy cảnh người bị dính đất sét vào mũi khiến thiên gia không vui.

Long An là niên hiệu của Tấn An Đế (hoàng đế thời Đông Tấn), phương thức sử dụng trong câu chuyện này quá lỗi thời, vì vậy sau này không thấy quan lại dưới âm giới sử dụng nữa, nhưng lại bị đám quỷ lưu manh hoang dã dùng để trêu chọc những người đi đường dương khí không vượng nhưng lại phải đi gấp gáp trong đêm, có điều không cần dùng đất đỏ, vơ đại bùn hay cỏ dại cùng rác các loại nhét đại vào miệng, vào mũi, vào tai những kẻ xui xẻo kia là xong.

Còn một cách khác khiến người ta phải đoạn hơi nghe có vẻ hợp lý hơn, chính là lũ quỷ tốt khi đi bắt hồn người sử dụng túi hút khí, hoặc còn gọi là túi lấy khí, một loại chế phẩm bằng da, hình thức của nó được làm mô phỏng ống thổi lửa, một ống gió có thể mang theo bên mình. Thứ này khi đốt lửa rèn sắt thì dùng để thổi hơi, nhưng trước khi thổi phải hít vào.

Trong truyện Dữu Quý Tùy trong Thuật dị ký của Lương Nhân Nhậm Phưởng có ghi chép một chuyện: “Quỷ tốt tay cầm ống da đi bắt người, hút khí của người đó, còn người đó ít ngày sau sẽ chết.” Người bị hút khí không nhìn thấy đám quỷ tốt này, vì vậy việc này rất mơ hồ, kỳ quái, và người bị hút khí cũng lặng lẽ mà chết, do đó khí bị hút chắc chắn là “dương khí” trong người người đó.

Trong Chi nặc cao trung ở quyển hai tập Tây dương tạp trở do Đoạn Thành Thức[2] viết, gọi ống da này là “túi hút khí”: “Giữa năm Nguyên Hòa, một nông dân ở Tràng An, trong nhà có người bệnh, bệnh tình ngày càng nặng, liền mời hòa thượng tới đọc kinh, vợ con, người thân đều vây quanh giường bệnh. Một buổi tối, mọi người dường như nhìn thấy một người nhập vào cơ thể, lại cho rằng kẻ trộm, hòa thượng và mọi người đều đứng dậy đuổi bắt. Người đó trong lúc hốt hoảng, không còn đường nào để thoát, không đợi ai mời liền nhảy xuống một chiếc giếng. Trong đám người đó, không biết kẻ vô đạo đức nào, nhưng nhất định không phải là đám hòa thượng tăng ni đại từ đại bi đã đưa ra một chủ ý hết sức vô nhân đạo, đó là nấu một nồi nước Phật thật lớn rồi đổ xuống giếng cạn. Nhưng từ trong giếng không thấy phát ra tiếng kêu thê thảm như dự định, khi nhìn xuống giếng, không có tên trộm nào cả, trên mặt nước nóng chỉ nhìn thấy một cái túi nổi lềnh phềnh, chính là “túi hút khí” mà đám quỷ sai thường dùng.

[2]. Đoạn Thành Thức: tự là Kha Cổ, tiểu thuyết gia nổi tiếng thời Đường.

Cùng lúc ấy bỗng tiếng kêu thảm thiết vọng tới, cầu xin trả lại cái túi đó: “Ta sẽ đi bắt người của gia đình khác để thay cho người nhà các ngươi, xin hãy trả lại túi cho ta.” Người nhà đó liền trả lại cái túi, bệnh nhân cũng dần khỏi bệnh.” Gia đình nhà này vì muốn cứu người nhà mình mà không tiếc mạng sống của người khác, không nghĩ rằng đó chỉ là kế hoãn binh tạm thời mà thôi, đại hạn dù sao cũng không thể tránh được. Điều này chúng ta không quan tâm nữa, chỉ nói đến việc âm sai không có “túi hút khí” thì không thể đi bắt hồn, lẽ nào không thể mang thêm một, hai cái để dự bị hoặc tìm một tên quỷ khác mượn dùng hay sao?

Song cùng quyền nhưng trong truyện khác lại gọi là “túi tích khí”, từ “tích” này nghi ngờ là viết nhầm của từ “giật”[3], giật khí nghĩa là rút khí, còn tích khí dễ khiến người ta hiểu nhầm là túi hơi dùng khi cứu người. Cũng là chuyện xảy ra giữa những năm Nguyên Hòa, Quân Tướng người Hoài Tây đến Biện Châu công cán, nghỉ đêm ở dịch quán. Nửa đêm vừa chợp mắt, liền cảm thấy có vật gì đó đè nặng lên người. Quân Tướng kinh hãi tỉnh dậy, giằng có với vật đó, cướp được túi da trong tay kẻ đó. Tên quỷ tốt kia gào khóc kể lể, Quân Tướng nói: “Ngươi nói cho ta biết vật này là vật gì, ta sẽ trả lại ngươi.” Quỷ tốt im lặng hồi lâu, rồi nói: “Đây là vật rút khí từ tai”. Người nhà binh không ngại dùng mưu kế, một nhà chính trị xuất thân từ quân đội thì càng không cần giữ chữ tín, cầm một viên gạch lên, ném thẳng về phía tên quỷ tốt, khiến hắn khiếp sợ mà chạy mất. Rồi nhìn lại chiến lợi phẩm mà mình vừa lấy được, vật này có màu hơi đỏ, nhưng trong suốt.

[3] Hai từ đồng âm khác nghĩa. Từ “tích” đầu tiên nghĩ là tích, tích khí, còn từ thứ hai nghĩa là kéo giật.

Ngoài phương pháp rút khí ra, còn có một cách nữa là dùng áo trùm lên đầu người bị bắt, khiến người bị bắt tắc thở mà chết, đây chính là cách mà hoàng đế Tấn Cung Đế[4] cuối thời Đông Tấn sau khi “bị tự nguyện” truyền ngôi lại cho Lưu Dụ, Lưu Dụ đã dùng cách này để ban cho Tấn Cung Đế được chết toàn thây. Truyện Tiêu Thẩm trong Quảng dị ký, Đới Phu đời Đường có viết, quỷ sai khi đến bắt ông ta, chỉ dùng áo trắng trùm đầu. Cái áo trắng này không phải là cái áo thông thường, có lẽ đặc điểm bí và dai của nó còn tốt hơn cả túi nylon thời bây giờ, vì vậy chẳng bao lâu sau, Tiêu Thẩm đã không thở được nữa.

[4]. Tấn Cung Đế (386-421): tên thật là Tư Mã Đức Văn, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Ông trở thành Hoàng đế vào năm 419, sau khi người anh trai là An Đế bị Lưu Dụ giết chết, và trong thời gian ông trị vì, quyền lực trên thực tế nằm trong tay Lưu Dụ.

Còn những gì được nói tới trong Minh báo ký do Đường Lâm người thời Sơ Đường viết, thì lại sử dụng thủ pháp đánh lén, song bắt bằng cách trói giật khuỷu tay, rút khí. Lý Sơn Vưu bị bắt xuống âm phủ, nhưng vì biết đọc kinh phật nên được hoàn dương, trước khi rời đi, còn phải nộp một khoản chi phí, lúc này có ba tên quỷ sai bước tới, chìa tay về phía anh ta. Sứ giả âm phủ liền giải thích với Sơn Vu rằng:

Ba người này là ba người được sai tới bắt ngươi trước đó, một người dùng dây thừng, một người dùng gậy, còn người kia dùng túi hút khí.

Chi phí cho những kẻ dùng gậy, dây thừng, túi hút khí này có thể căn cứ theo quy định là phải đến gặp phán quan Diêm Vương để nhận tiền thù lao, nhưng khi phát hiện bắt nhầm phải trả về dương thế, Diêm Vương lại nói không biết tính số tiền đó vào đâu, âm sai đương nhiên không chịu thiệt, nên đã đòi chi phí từ người bị bắt nhầm. Kể ra thì cũng không phải không có lý, bạn được tuyên bố là vô tội và được phóng thích, cũng nên để đám đại ca âm sai kia vui vẻ cùng bạn một chút, thế chẳng phải rất bình thường hay sao. Đừng nghĩ rằng đấy là đám tiểu quỷ dưới âm gian giở trò, thực ra trên nhân gian cũng có những quy tắc như thế.

Tiện thể ở đây nói luôn tới một loại túi khác, đấy chính là loại túi dùng để đựng những linh hồn bị bắt. Quỷ sứ bắt người sống, nếu như chỉ bắt một hai người, giống như trên dương thế bắt giải đi là xong, nhưng bắt mười mấy cho tới trên trăm người, nếu tưởng tượng theo cách thông thường trên dương gian thì có lẽ phải xâu thành một chuỗi, kéo kéo lôi lôi trên đất, phải có hai ba nha dịch vừa kéo vừa thúc đằng sau, trong đó còn có một vài nô bộc giúp sức, thế thì sẽ xảy ra hỗn loạn. Trong Tuyên thất chí do Trương Đậu người đời Đường viết có một câu chuyện như sau: “Quỷ sai tới bắt linh hồn người sống, có thể tập trung bọn họ lại rồi đút hết vào trong túi áo, nhưng trong túi áo còn có một vật khác: “Hình dạng giống ruột bò, nhưng màu đen và một dây thừng màu đen dài chục thước”. Nhiệm vụ của âm sai này là phải bắt một trăm linh hồn, sau khi bắt xong phải nhốt vào trong cái “ruột bò” này, và dùng dây thừng buộc chặt.” Nếu túi áo bằng vải thì dễ thoát khí, sinh hồn có thể thoát ra được, thời đó không có túi nylon, vì vậy dùng một thứ giống như ruột bò, thứ này thì đến nước cũng chẳng thoát được, khí cũng không vào được, không những linh hồn không thể thoát ra ngoài, mà còn kiêm luôn tác dụng bịt mũi cho tắc thở. Chủ yếu là ruột bò này có tính đàn hồi, nhét một, hai linh hồn vào trong đó, vẫn còn rộng rãi, cho tới khi nhét tới mười mấy linh hồn, một mặt cái ruột bò đó sẽ tự động trương phình ra, mặt khác những linh hồn kia cũng phải tự giác co mình lại, còn về việc hình dạng lúc này của họ như thế nào, trong câu chuyện không nhắc tới, mặc dù linh hồn được ví như khói như khí, chắc là hợp với việc chèn ép, co rút này.

Túi rút khí và túi nhốt linh hồn từ sau đời Đường không thấy ai nhắc đến nữa, có lẽ đã dùng phương pháp đánh lén và trói chặt rồi, nhưng đến đời nhà Thanh, đám văn nhân tác quái lại trỗi dậy, kết hợp hai nhân vật khác nhau làm một. Trong truyện Y Ngũ ở quyển một Dạ đàm tùy lục do Nhàn Trai Thị viết, vật đó từ “như ruột bò” được đổi thành “hình dạng hơi phình ra như bong bóng lợn”, bong bóng bò và bong bóng lợn không có nhiều khác biệt, thời Đường cũng có người nói: “Lấy hơi người sống cần bong bóng lợn”, chỉ là cách nói khác của loại túi nylon thuần tự nhiên mà thôi. Nhưng sau này lại có khá nhiều thay đổi, Y Ngũ cướp được từ trong tay của quỷ sai cái bong bóng lợn trương phềnh, người khác không biết là vật gì, Y Ngũ liền nói: “Cái này là túi rút hơi, trong đó có chứa linh hồn của một đứa trẻ”, thế là mang túi rút khí này đến cửa nhà vừa có đứa trẻ con chết, đặt miệng túi vào đúng lỗ khóa, mở miệng túi ra, một làn khói từ từ thoát ra ngoài bay vào trong phòng, đứa trẻ trong nhà đó lập tức sống lại. Loại túi này không chỉ rút dương khí của người, mà còn rút cả linh hồn của người nữa. Nhưng nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc, thì thấy thật không thỏa đáng, phải biết rằng mấy cái ruột bò, bong bóng lợn đó chỉ có tác dụng chứa khí khi thổi khí vào trong đó, còn muốn dùng nó để rút khí thì phải đợi mãi tới sau này, khi khoa học phát triển để lắp thêm van, thêm cái bơm hơi nữa mới làm được như thế.

Ở đời Đường quỷ sai dưới âm phủ đi bắt người, ngoài túi rút khí ra còn có một cách khác mà đời sau không biết, đó chính là khi đi bắt hồn dùng thuốc độc để giết chết người đó, mời đọc Tuyên thất chí do Trương Đậu viết. Người ở Lưu Vạn Kim ở cùng phòng với Tự Lặc, một hôm Vạn Kim đi ra ngoài, Tự Lặc thấy người mặc áo tím lấy từ trong tay áo ra một vật, nhìn giống hạt thóc và có màu xanh, lấy ra khoảng hơn mười hạt đặt vào trong bát, nói với Tự Lặc rằng: “Ta không phải người trên trần gian, phụng lệnh tới bắt Vạn Kim, Vạn Kim khi ăn vào sẽ chết. Không được để lộ, nếu không tai họa khó lường.” Khi Vạn Kim quay về, quả nhiên cầm cái bát đó lên ăn, ăn xong liền lăn ra chết. Thế nào là “ăn vào sẽ chết”? Lẽ nào nói số của Lưu Vạn Kim là bị trúng độc mà chết, trên nhân gian không có ai ra tay hạ độc, nên âm sai mới phải tự mình ra tay? Hay là vì Lưu Vạn Kim không có tai họa mà cũng chẳng có bệnh tật, âm phủ muốn bắt anh ta nên đành phải hạ độc?

Cùng trong cuốn sách này còn có một chuyện càng kỳ quái hơn: “Bùi Độ có bộ tướng Triệu Mỗ, mắc bệnh nặng nằm trên giường. Con trai ông ta bưng thuốc vào phòng, vừa đi ra thì Triệu Mỗ liền nhìn thấy một người mặc áo vàng đi vào, lấy từ trong túi ra gói thuốc màu trắng, giống như bột mì, đổ vào trong bát thuốc. Triệu Mỗ kể lại những gì mình thấy cho con trai nghe, con trai ông ta nói: “Liệu có phải là ma không? Muốn làm cho bệnh tình của cha nặng hơn sao?” Liền đổ bát thuốc đi. Nhưng khi vừa mang bát thuốc khác vào phòng thì tên quỷ sứ đó lại đến bỏ độc, năm lần bảy lượt, cuối cùng, nhân lúc con trai ngủ say, Triệu Mỗ đã bưng lên uống. Người ta ốm nặng sắp chết rồi, tại sao lại còn phải hạ độc? Không hạ độc thì người đó không thể chết hay số người này phải chết vì thuốc độc, muốn chết bệnh cũng không xong? Nếu căn cứ vào số mệnh, trong thời gian người chết thì dưới âm phủ đã có sắp xếp, muốn sớm muốn muộn cũng không thể tùy ý, vì vậy, cách bắt hồn này quả thật xét thấy rất không hợp lý, có điều trong những câu chuyện sau này không còn gặp những tình tiết như thế này nữa.

Ngoài ra, còn có một vài đạo cụ nhỏ khác liên quan tới việc quỷ sai đi bắt hồn, mặc dù chỉ thỉnh thoảng mới gặp, nhưng cũng vẫn giới thiệu qua một chút.

Một là người trước khi chết, có ma đến mang “diện y”. Diện y chính là miếng vải phủ lên mặt người chết, nhưng bên trên phải cắt một cái lỗ, đúng vào miệng của người chết. Trong Tập dị ký do Tiết Dụng Nhược viết, có kể khi Đường Hiến Tông[5] băng hà, người trong thành nô nức đi xem, trong đó vợ và con gái của Bùi Thông Viễn cùng ngồi xe đi xem, tới gần tối mới quay về. Đi được nửa đường, gặp một bà lão tóc bạc phơ đi bộ theo xe, nhìn bộ dạng thấy có lẽ đã mệt mỏi đến cùng cực rồi. Trên xe có một bà bảo mẫu già và bốn cô con gái, trong số đó có một người thấy bà lão đáng thương liền hỏi bà ta định đi đâu. Bà nói muốn đến Sùng Hiền Lý, mọi người vừa nghe đã biết ngay bà lão đi cùng hướng với mình, liền mời bà ta lên xe, có thể đưa bà ta tới tân Lý Môn. Bà lão cảm kích vô cùng, liên tục cảm ơn. Đến Lý Môn, bà lão xuống xe, nhưng lại làm rơi một cái túi nhỏ. “Mấy cô gái mở ra xem, thấy trong đó có bốn mảnh diện y màu trắng. Mấy cô gái thất kinh, vội vàng thúc ngựa chạy nhanh hơn. Không lâu sau, cả bốn cô gái lần lượt qua đời.”

[5]. Đường Hiến Tông (778-820): tên thật là Lý Thuần, vị vua thứ mười một của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Ông trị vì từ năm 805 đến 820. Ông là con trai trưởng của Đường Thuận Tông. Ông đã được đưa lên ngôi sau khi vua cha bị đột quỵ và bị các quan lại trong triều ép thoái vị.

Bà lão tóc bạc này đến Sùng Hiền Lý là vì muốn chuyển diện y cho bốn cô con gái nhà Bùi gia, nhưng một bà lão tóc bạc hoàn toàn không giống quỷ sai, vậy thì bà ta là người gì? Bốn cô gái trẻ vô duyên vô cớ chết, điều này khiến người ta liên tưởng tới việc bà lão này là một ôn[6] quỷ. Sự suy đoán này có thể tìm thấy chứng cứ xác thực trong Kỷ vấn do Ngưu Túc người đời Đường viết: “Huyện Võ Đức có một nhà nghỉ, trong đó có một vị khác, kéo một chiếc xe chất đầy những túi vải vào trong phòng, khóa cửa rồi bỏ đi. Mỗi lần đi là mười mấy ngày liền, chủ nhà trọ thấy vị khách không quay lại, cảm thấy kỳ lạ, liền mở những cái túi đó ra xem, bên trong toàn là diện y dùng để phủ mặt người chết, khiếp sợ tới mức lập tức khóa cửa chạy ra ngoài. Vào tối ngày hôm đó, cánh cửa căn phòng này tự động mở ra, những túi vải cũng không thấy đâu nữa. Sau đó xảy ra chuyện gì, trong câu chuyện trên không thấy nhắc đến, nhưng quỷ tốt một lần mang theo nhiều diện y như thế, cũng có nghĩa là một lần phải bắt từng đấy linh hồn, ngoài gây ra bệnh dịch và phát động chiến tranh thì còn có thể làm gì được nữa?

[6]. Ôn ở đây nghĩa là bệnh dịch.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện