Bắt Giữ
Thật rắc rối cho tôi, Poirot lại không có ở nhà. Ông lão người Bỉ cho tôi biết Poirot đã đi London.
Tôi rất thắc mắc. Poirot làm gì ở London thế? Đó có phải là một quyết định bất ngờ của ông ta không, hay là ông ta đã có ý định đó từ khi chia tay với tôi, vài giờ trước đó? Tôi không làm sao giải đáp được. Nhưng trong khi chờ đợi, tôi làm gì đây? Tôi có nên quay về Styles thông báo việc Bauerstein bị bắt không? Xét về tình thì ý nghĩ về Mary Cavendish đè nặng lên tôi. Đó có phải là điều gì thật khủng khiếp đối với bà ta không? Trong lúc này, tôi loại bỏ mọi nghi vấn về bà ta ra. Bà không thể nào nhúng tay vào vụ án, nếu không thì chúng tôi đã biết rồi.
Tất nhiên là không có cách nào giấu chuyện Bauerstein bị bắt giữ lâu được, báo chí ngày mai có lẽ sẽ đăng tin đó. Tuy vậy, tôi thấy ngần ngại khi phải báo cho các bạn tôi biết. Phải chi có thể gặp được Poirot thì tôi có thể hỏi ý kiến ông ta. Điều gì lại có thể buộc ông ta đi London tức tốc vậy?
Ý nghĩ của tôi về sự sáng suốt của ông ta lại gia tăng lên nhiều. Tôi sẽ không bao giờ nghi ngờ ông bác sĩ, nếu như Poirot không gợi ý cho tôi. Phải, quả là người đàn ông bé nhỏ ấy rất giỏi.
Sau một lúc suy nghĩ, tôi quyết định nói cho John biết và để tùy anh lựa chọn xem có nên tiết lộ tin ấy ra hay không.
Anh huýt gió thật dài khi nghe tin.
- Thế ra anh đã có lý. Ngay lúc đó tôi không thể nào tin được.
- Quả thật là thoạt tiên chuyện có hơi bất ngờ, thế rồi người ta bắt đầu quen với ý nghĩ đó và người ta nhận thấy tất cả đều ăn khớp với nhau. Nhưng chúng ta phải làm gì đây? Ngày mai mọi người sẽ biết hết.
John suy nghĩ.
- Mặc kệ - cuối cùng anh nói - Ngay lúc này chúng ta sẽ im lặng. Như cậu đã nói, sớm muộn gì thì người ta cũng sẽ biết thôi.
Nhưng sáng hôm sau, trước sự ngạc nhiên cùng cực của tôi, khi lật báo ra tôi không tìm thấy một chữ nào về việc bắt giữ Bauerstein cả. Có một cột báo về vụ án đầu độc ở Styles, nhưng chỉ có thế thôi. Thật không sao hiểu nổi, nhưng tôi lại đoán là Japp muốn tránh tiết lộ chuyện ấy ra vì một lý do nào đó. Tôi lấy làm lo lắng, vì điều đó gợi ra khả năng sắp đến sẽ còn có người bị bắt giữ nữa.
Sau bữa trưa, tôi quyết định vào làng để tin chắc rằng Poirot chưa quay về. Nhưng vào lúc sắp sửa đi, tôi nhìn thấy gương mặt ông xuất hiện trước một cánh cửa sổ và tôi nghe tiếng ông nói.
- Xin chào anh bạn của tôi.
- Poirot!
Tôi kêu lên với sự nhẹ nhõm tột cùng. Rồi nắm lấy tay ông ta, tôi kéo ông vào phòng.
- Tôi chưa bao giờ sung sướng vì được gặp ông như lúc này đây. Hãy nghe đây! Tôi chưa nói gì với ai cả, ngoại trừ John ra. Tôi làm như vậy có đúng không?
- Anh bạn của tôi ạ - Poirot đáp - Tôi hoàn toàn không hiểu anh đang nói về chuyện gì cả.
- Thì về chuyện bác sĩ Bauerstein bị bắt chứ còn gì nữa - tôi nóng nảy nói.
- Bauerstein bị bắt ư?
- Ông không biết sao?
- Không hề.
Sau một lúc im lặng, ông tiếp:
- Tôi không lấy làm ngạc nhiên về chuyện đó. Bởi vì, dù sao đi nữa thì chúng ta chỉ cách bờ biển có sáu cây số mà thôi,
- Bờ biển ư? - Tôi tò mò nhắc lại - Bờ biển chẳng có dính líu gì vào chuyện này cả.
Poirot nhún vai.
- Nhưng này, dù sao thì cũng khá rõ ràng đấy chứ.
- Đối với tôi thì không. Có lẽ vì tôi hoàn toàn đần độn, nhưng tôi làm sao thấy được mối liên quan giữa việc ở gần bờ biển với vụ giết bà Inglethorp?
- Tất nhiên là không có liên quan gì cả - Poirot mỉm cười đáp - Nhưng chúng ta đang nói về chuyện bác sĩ Bauerstein bị bắt kia mà.
- Này, chẳng phải hắn bị bắt vì đã giết bà Inglethorp sao?
- Sao? - Poirot kêu lên sững sờ - Bác sĩ Bauerstein mà bị bắt vì giết bà Inglethorp ư?
- Phải.
- Không thể như thế được! Đó sẽ là một trò đùa quá hay. Anh đã nói với anh như thế, anh bạn của tôi ơi?
- Thật ra thì chả có ai nói cả - tôi thú nhận - Nhưng rõ ràng là hắn đã bị bắt.
- Ồ! Phải rồi, điều đó thì có thể xảy ra. Nhưng về tội làm gián điệp đấy, anh bạn ạ.
- Vì làm gián điệp ư?
- Đúng vậy.
- Chứ không phải vì đã đầu độc bà Inglethorp sao?
- Không, trừ khi anh bạn Japp của chúng ta đã mất trí - Poirot thản nhiên đáp.
- Nhưng... nhưng... tôi tưởng rằng ông cũng có cùng suy nghĩ đó.
Poirot ném cho tôi một cái nhìn, qua đó tôi đoán được lòng thương hại trước sự phi lý của một ý nghĩ tương tự.
- Ông muốn nói bác sĩ Bauerstein là một tên gián điệp sao? - Tôi hỏi, làm quen dần với ý nghĩ mới mẻ ấy.
Poirot gật đầu.
- Anh không bao giờ nghi ngờ hắn ta sao?
- Về việc đó thì không bao giờ.
- Anh không thấy kỳ lạ khi một bác sĩ lừng danh ở London lại đến chôn mình trong ngôi làng nhỏ như ở đây, và lại có thói quen thức dậy vào bất cứ giờ nào ban đêm sao?
- Không - tôi thú nhận - tôi không hề nghĩ như thế.
- Tất nhiên rồi, hắn gốc người Đức - Poirot tiếp - và hắn đã lập nghiệp từ lâu ở đây đến độ cuối cùng người ta đã xem hắn như người Anh vậy. Hắn đã nhập quốc tịch Anh từ mười lăm năm nay rồi. Đó là một người đàn ông thông minh.
- Đồ khốn khiếp! - Tôi kêu lên hung hãn.
- Không đâu. Ngược lại, đó là một người yêu nước. Hãy nghĩ đến những gì hắn sẽ mất. Riêng tôi, tôi rất khâm phục hắn ta.
Nhưng tôi lại không thể nhìn sự việc với cùng một quan điểm như Poirot được.
- Và đó lại là người đàn ông mà bà Cavendish đã cùng đi dạo khắp xứ - tôi bất mãn kêu lên.
- Phải! Tôi cho rằng hắn đã lợi dụng chuyện đó - Poirot nhận xét - Khi mà dư luận còn quan tâm đến những cuộc đi dạo đó thì những việc lập dị khác của ông bác sĩ sẽ bị bỏ quên.
- Như vậy, ông cho rằng hắn không bao giờ thật sự yêu bà ấy sao? - Tôi hỏi, có lẽ hơi vội vã, trong tình thế như vậy.
- Điều này thì tôi không thể khẳng định được. Nhưng Hastings này, anh có muốn tôi nói lên ý nghĩ chủ quan của mình không? Thế này đây, bà Cavendish chưa bao giờ có chút tình cảm gì với bác sĩ Bauerstein cả.
- Ông tin như thế thật sao?
Quả thật là tôi khó che giấu được sự hài lòng của mình.
- Tôi hoàn toàn tin chắc như vậy. Anh có muốn tôi nói tại sao không?
- Muốn.
- Bởi vì bà ấy yêu người khác, anh bạn ạ.
- Ồ!
Ông ta muốn nói gì? Tôi bất đắc dĩ ngẩn người một cách nhẹ nhàng. Tôi không mấy tự hào về những vấn đề liên quan tới phụ nữ, nhưng tôi nhớ lại một vài sự kiện, lúc đó không được chú ý mấy, nhưng dường như lại ám chỉ một cách chắc chắn...
Những suy nghĩ dễ chịu của tôi bỗng bị ngắt ngang bởi sự hiện diện của cô Howard. Cô liếc nhanh khắp phòng để yên chí không có ai khác nữa, và trao cho Poirot một mảnh giấy cũ, vừa khẽ thốt lên những lời bí ẩn:
- Trên nóc tủ gương đấy!
Rồi cô vội vã bước ra.
Poirot vội mở giấy ra xem và kêu lên hài lòng. Ông đặt tờ giấy lên bàn
- Hãy đến đây, Hastings ạ. Này, chữ này là chữ J hay chữ L đây?
Sự chú ý của Poirot dồn cả vào cái địa chỉ. Phía trên tấm nhãn là tên hãng Parkson và Công ty, những người buôn bán quần áo nổi tiếng, và sau đó là J. (?) Cavendish Esq. Styles Court, Styles Saint Mary, Essex.
- Có thể là chữ T hoặc chữ L - tôi nói, sau khi xem xét kỹ địa chỉ - nhưng chắc chắn không phải là chữ J.
- Thôi được! - Poirot vừa nói vừa gấp mảnh giấy lại - Tôi đồng ý với anh. Đó là chữ L. Hãy tin chắc đi.
- Nó có quan trọng lắm không?
- Tôi đoán chừng là có mảnh giấy đại loại như thế và đã nhờ cô Howard tìm hộ. Anh thấy đấy, cô ta đã tìm thấy.
- Cô ấy muốn nói gì qua mấy chữ "trên tủ gương" vậy?
- Chỉ đơn giản nó được tìm thấy trên một chiếc tủ gương.
- Quả là một chỗ lạ lùng để đặt một tờ giấy màu nâu - tôi nói.
- Không đâu. Nóc tủ là một chỗ rất tiện lợi để cất giấy tờ vá các hộp cac-tông. Nếu được sắp xếp ngăn nắp thì chúng sẽ không đập vào mắt người ta.
- Poirot này - tôi nghiêm túc hỏi - Ông đã đạt đến một kết luận nào đó về vụ án này chưa?
- Rồi, nghĩa là bây giờ tôi cho rằng đã biết được nó được thực hiện như thế nào.
- À!
- Tiếc thay, tôi lại không có bằng cớ, tôi chỉ có những giả thiết thôi, trừ khi...
Với sức mạnh bất ngờ, ông nắm tay tôi kéo ra hành lang, vừa gọi to bằng tiếng Pháp vì bị kích thích tột độ.
- Bà Dorcas! Bà Dorcas! Một lát thôi. Xin bà!
Bị khuấy động bởi bấy nhiêu tiếng ồn đó, bà Dorcas vội vã bước ra khỏi nhà bếp.
- Bà Dorcas tốt bụng ạ, tôi có một ý nghĩ - một ý nghĩ nhỏ thôi - nhưng nếu như nó đúng thì... À! Một dịp may tuyệt vời biết mấy! Hãy cho tôi biết, hôm thứ hai, hãy nhớ kỹ rằng tôi nói hôm thứ hai đấy, bà Dorcas ạ, trước hôm xảy ra bi kịch, cái chuông của bà Inglethorp có bị hỏng không?
Dorcas lộ vẻ ngạc nhiên.
- Có, thưa ông, bây giờ nghe ông nhắc thì quả đúng như vậy. Có lẽ, một con chuột nào đó đã cắn đứt dây. Thợ đã đến sửa vào hôm thứ ba.
Thốt lên một tiếng kêu dài khoan khái, Poirot quay trở lại phòng khách.
- Anh thấy đấy, lẽ ra người ta không nên đòi hỏi những bằng chứng đến từ bên ngoài, việc suy luận không thôi cũng đủ rồi. Nhưng quả là một sự an ủi khi biết mình đang đi đúng hướng. Ồ! Anh bạn ạ! Tôi đã lấy lại được sức lực, cứ như một người khổng lồ vậy. Tôi chạy đây! Tôi nhảy đây!
Và thật vậy, ông chạy nhảy như điên cuồng trên thảm có trước cửa sổ để mở...
* * *- Ông bạn phi thường của ông đang làm gì thế? - Một giọng nói thốt lên sau lưng tôi.
Tôi quay lại và thấy Mary Cavendish đúng sát bên tôi. Bà mỉm cười và tôi cũng đáp lại.
- Tôi không biết phải nói sao nữa. Ông ta đã hỏi Dorcas về vấn đề cái chuông và tỏ ra rất hài lòng về câu trả lời, đến độ ông ta đã chạy nhảy như một con dê nhỏ, như bà thấy đấy.
Mary phá ra cười.
- Thật là lố bịch! Hãy xem kìa, ông ta vượt qua cả cửa rào nữa đấy. Hôm nay ông ta không quay lại đây nữa hay sao?
- Tôi không biết nữa. Tôi chịu thôi, chả muốn thử đoán xem ông ta sẽ làm gì tiếp theo.
- Liệu ông ta có hoàn toàn điên rồ không, ông Hastings?
- Thú thật tôi cũng chả biết nữa. Đôi khi tôi thấy ông ta thật điên khùng, và rồi, ngay vào lúc chứng điên của ông ta dường như lên đến cao độ thì tôi lại phát hiện nó đang che giấu một phương pháp.
- Tôi hiểu.
Mặc dù trông bà sáng nay tươi cười, nhưng Mary Cavendish vẫn có vẻ lo lắng, trầm tư, gần như là buồn rầu.
Tôi tự nhủ lúc này rất thuận tiện để hỏi bà về tương lai của Cynthia. Tôi đặt vấn đề một cách tế nhị, nhưng tôi chưa nói được bao nhiêu thì bà đã ngăn tôi lại với giọng độc đoán.
- Tôi tin chắc ông sẽ là một luật sư giỏi, ông Hastings ạ, nhưng, trong trường hợp này, chẳng cần đến tài nghệ của ông đâu. Cynthia không việc gì phải lo lắng bị tôi ngược đãi cả.
Tôi lắp bắp, nhưng bà ngăn tôi lại và lần này thì những lời nói của bà thật bất ngờ đến độ chúng xua khỏi đầu óc tôi cả Cynthia lẫn những lo lắng của cô ta.
- Ông Hastings, ông có cho rằng chồng tôi và tôi, có hạnh phúc khi sống chung với nhau không?
Tôi cảm thấy sững sờ và khẽ bảo tôi không có tư cách để có ý kiến gì về vấn đề đó.
- Thế đấy - bà thản nhiên nói - tôi có thể thú nhận với ông chúng tôi chả có hạnh phúc gì cả.
Tôi không nói gì bởi vì tôi đoán ra bà chưa nói dứt câu.
Bà nói chậm rãi, vừa đi lại trong phòng, tấm thân thon thả và mềm mại của bà nhẹ nhàng đong đưa theo nhịp chân. Bà dừng lại, và bỗng ngẩng lên nhìn tôi.
- Ông chẳng biết gì về tôi cả, phải không? - Bà hỏi - Không biết tôi từ đâu đến, cũng chẳng biết tôi là ai trước khi lấy John, phải không?... Chẳng biết gì cả, suy cho cùng. Này, hãy nghe đây. Tôi sẽ xưng tội với ông. Bởi vì ông là người tốt, vâng, tôi tin chắc ông rất tốt.
Một sự kiện lạ lùng, và tôi không được vui thích như lẽ ra tôi phải được. Tôi nhớ ra Cynthia cũng bắt đầu những lời tâm sự của mình như thế. Hơn nữa, vai trò của người rửa tội thích hợp với một người đàn ông luống tuổi hơn là với một người đàn ông trẻ ở vào tuổi tôi.
- Bố tôi là người Anh - bà Cavendish bảo - nhưng mẹ tôi lại là người Nga.
- À! - Tôi kêu lên - Bây giờ thì tôi hiểu rồi.
- Ông hiểu gì?
- Cảm giác về một nét duyên dáng lạ lùng, mà tôi luôn luôn có khi đối diện với bà.
- Mẹ tôi rất đẹp, tôi nghe nói như thế. Tôi không được biết bà. Bà đã mất khi tôi còn bé xíu. Tôi cho rắng cái chết của bà là do một thảm kịch gây nên, vì bà đã uống lầm một liều thuốc ngủ quá lớn. Bố tôi không làm sao nguôi ngoai được. Ít lâu sau, ông bước vào lĩnh vực ngoại giao, và tôi theo ông trong mỗi chuyến công tác. Đến năm hai mươi ba tuổi, tôi đã đi gần như khắp thế giới. Đó là một cuộc sống tuyệt diệu.
Một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt hơi ngửa ra sau của bà. Bà như sống lại với ký ức về thời gian hạnh phúc đã qua.
- Thế rồi bố tôi mất. Ông bỏ tôi lại gần như không có thu nhập gì cả. Tôi buộc phải đến sống với những bà cô già, trong vùng Yorkshire.
Bà rùng mình.
- Ông sẽ hiểu, khi tôi nói đó là một cuộc sống thật chán chết đi được đối với một thiếu nữ đã lớn lên như tôi. Sự tù túng và đơn điệu của cuộc sống đó khiến tôi gần như phát điên lên. Thế rồi tôi gặp ông John Cavendish. Ông có thể tin rằng dưới mắt các bà cô già của tôi thì đấy là một đám tốt nhất. Nhưng tôi có thể khẳng định một cách trung thực không phải vì gia sản của anh ta mà tôi chịu đâu. Cuộc hôn nhân đó đem lại cho tôi lối thoát đối với cuộc sống buồn tẻ ấy.
Tôi giữ im lặng. Một lúc sau, bà tiếp:
- Tôi xin ông đừng hiểu lầm những lời nói của tôi. Tôi rất thẳng thắn đối với anh ấy. Tôi đã nói với anh ta, và điều đó là sự thật, rằng tôi rất thích anh ấy, nhưng lúc ấy thì tôi hoàn toàn chưa yêu anh ta. Anh ấy tuyên bố hài lòng với bấy nhiêu đó, và chúng tôi lấy nhau...
Bà lại ngưng một lát, hơi nhíu mày, mắt dõi về dĩ vãng.
- Tôi cho rằng, tôi còn tin chắc, anh ấy đã yêu tôi lúc chúng tôi mới lấy nhau. Nhưng có lẽ chúng tôi không phải là một cặp vợ chồng xứng hợp. Chúng tôi rời xa nhau gần như là ngay tức khắc. Bởi vì, và tự ái tôi bị tổn thương khi phải thú nhận điều này, anh ấy nhanh chóng chán tôi.
Có lẽ tôi khẽ nói một lời phản đối mơ hồ náo đấy, bà vội tiếp:
- Ồ! Có chứ! Rất nhanh! Điều đó dù sao bây giờ cũng không quan trọng nữa, khi mà chúng tôi đã đến khúc quanh nơi hai con đường của chúng tôi chia xa.
- Bà muốn nói gì?
Bà thản nhiên đáp:
- Tôi muốn nói là tôi sẽ không ở lại Styles nữa.
- Bà và John không sống ở đây nữa sao?
- John thì có lẽ có, nhưng tôi thì không.
- Bà sẽ rời bỏ anh ấy ư?
- Vâng.
- Nhưng tại sao?
Bà do dự một hồi lâu trước khi trả lời, và cuối cùng bảo:
- Có thể... vì tôi muốn được tự do.
Trong khi bà nói, tôi bỗng hình dung ra những khoảng không gian rộng lớn, những khu rừng rậm bát ngát, những xứ sở xa lạ, tất cả những gì đồng nghĩa với sự tự do đối với một người như Mary Cavendish. Trong giây lát, tôi nhìn thấy bà đúng như con người của bà, kiêu hãnh và hung hăng, cũng hoang dã như một con chim lạ của núi đồi.
Một tiếng kêu nhỏ bỗng được thốt ra.
- Ông không biết được đâu, ông không thể nào biết được cái chốn đáng ghét này tù túng đối với tôi như thế nào đâu.
- Tôi hiểu - tôi nói - Tuy vậy, đừng nên hành động vội vã quá.
- Ồ!
Giọng bà như chế giễu sự thận trọng của tôi.
Và bất thình lình tôi buột miệng nói một câu mà sau đó tôi vô cùng hối tiếc:
- Bà có biết rằng bác sĩ Bauerstein đã bị bắt rồi không?
Ngay tức khắc, một chiếc mặt nạ lạnh lùng phủ kín khuôn mặt của Mary.
- John đã có nhã ý báo tin đó cho tôi hay sáng nay.
- Thế bà nghĩ gì về sự bắt bớ đó.?
- Tôi có thể nghĩ gì cơ chứ? Ông ta hiển nhiên là một tên gián điệp Đức rồi. Ít ra thì đó cũng là những gì người làm vườn đã nói với John.
Giọng nói và vẻ mặt của bà hoàn toàn giá lạnh và không chút xúc cảm. Bà ta có cảm giác ra sao?
Bà bước đi một vài bước, khẽ sờ vào chiếc bình.
- Những bông hoa này héo hết rồi. Tôi phải đi thay chúng đây. Xin ông vui lòng tránh sang một bên cho tôi qua, ông Hastings ạ. Cám ơn.
Bà thản nhiên bước ra ngoài bằng lối chiếc cửa sổ lớn, vừa từ biệt tôi bằng một cái chào khô khan.
Không, bà ấy không thể nào yêu Bauerstein được. Không một phụ nữ nào lại có thể đóng kịch với vẻ thản nhiên hoàn toàn đến như vậy.
* * *
Sáng hôm sau, không thấy Poirot xuất hiện. Và cũng không có cuộc viếng thăm nào của các thám tử ở Scotland Yard.
Nhưng vào giờ ăn trưa, lại có thêm một bằng chứng mới nữa, đúng hơn là một bằng chứng phủ định. Chúng tôi đã cố công tìm kiếm dấu vết của bức thư thứ tư, bức thư mà bà Inglethorp đã viết vào buổi chiều trước lúc bà mất. Cố gắng của chúng tôi thật vô ích, vì vậy chúng tôi đã bỏ qua dấu vết đó, hu vọng là một ngày nào đó câu trả lời tự nó sẽ đến với chúng tôi. Và chính điều đó đã xảy ra. Bức thư thứ hai đã đem đến thông báo của một hãng phát hành nhạc Pháp cho biết đã nhận được tấm séc của bà Inglethorp nhưng lấy làm tiếc vì đã không thể tìm được cho bà một đĩa hát dân tộc Nga nào đó. Như thế chúng tôi đành phải từ bỏ hy vọng cuối cùng để làm sáng tỏ vụ bí mật nhờ vào bức thư bà Inglethorp viết trong buổi chiều hôm xảy ra thảm kịch.
Ít lâu trước bữa trà, tôi xuống đến tận làng để báo cho Poirot biết sự thất vọng mới thì tôi lấy làm tiếc đã không gặp được ông ta ở nhà.
- Ông ấy đã quay trở lại London ư?
- Ồ! Không, thưa ông, ông ấy chỉ đáp xe lửa đến Tadminster thôi. Ở đó ông ấy muốn đi thăm một bệnh xá do một thiếu nữ trông coi.
- Đồ ngu! - Tôi kêu lên - Mình đã nói với ông ta là thứ tư cô ấy không có ở đó kia mà. Thế này nhé, ông có thể nhắn ông ấy đến gặp chúng tôi vào sáng mai không?
- Được lắm. Thưa ông.
Nhưng hôm sau, vẫn không thấy bóng dáng của Poirot đâu cả. Tôi bắt đầu phát cáu. Ông ta đối xử với chúng tôi một cách quả là quá lổ mãng.
Sau bữa trưa, Laurence kéo tôi ra riêng và hỏi xem tôi có đi gặp Poirot không.
- Không, tôi cho rằng không. Ông ta cứ việc lên đến đây nếu như ông ta muốn nói gì với chúng ta.
- Ồ!
Laurence có vẻ bối rối. Điều gì đặc biệt kích động trong thái độ của anh đạp vào mắt tôi.
- Có gì thế? - Tôi hỏi - Tôi sẽ đi tìm ông ta nếu như có chuyện gì đặc biệt.
- Ồ! Chả có gì quan trọng lắm đâu, nhưng mà, nếu anh muốn thì hãy nói với ông ta (và giọng anh chỉ còn là một tiếng thì thầm) tôi cho rằng mình đã tìm được chiếc tách cà-phê bị mất rồi.
Tôi gần như quên mất bức thông điệp đầy ẩn ý của Poirot, nhưng bây giờ thì sự tò mò của tôi lại trỗi dậy. Thấy Laurence không nói gì thêm, tôi quyết định đèn nén tự ái của mình xuống và lại đi xuống làng.
Lần này thì tôi được đón tiếp bằng một nụ cười. Ông Poirot có ở nhà. Nếu như tôi vui lòng lên lầu? Tôi lên ngay, không cần đợi được mời.
Poirot đang ngồi trước bàn, đầu vùi trong hai tay. Thấy tôi bước vào ông nhổm dậy.
- Có chuyện gì thế? - Tôi ân cần hỏi - Tôi hy vọng ông không ốm đấy chứ?
- Không, tôi không ốm đâu. Nhưng tôi đang phải giải quyết một vấn đề quan trọng bậc nhất.
- Có nên bắt tên tội phạm không chứ gì? - Tôi vụng về hỏi.
Trước sự ngạc nhiên sâu sắc của tôi, Poirot lắc đầu:
- Nói hay không nói. Đó là vấn đề. Như Shakkespeare vĩ đại của anh đã nói.
Tôi không buồn sửa sai câu dẫn chứng đó.
- Ông không nghiêm túc đấy chứ?
- Tôi nghiêm túc hơn bao giờ hết. Bởi vì điều nghiêm túc nhất đang được đặt lên bàn cân.
- Điều gì thế?
- Hạnh phúc của một người phụ nữ, anh bạn của tôi ạ - Ông nghiêm nghị nói.
Tôi chẳng biết nói gì hơn.
- Đã đến lúc phải quyết định - Poirot tiếp - nhưng tôi lại do dự. Bởi vì anh thấy đấy, tôi đang đặt lớn. Không ai, ngoại trừ tôi ra, Hercule Poirot, lại dám liều lĩnh làm như vậy.
Rồi ông kiêu hãnh vỗ ngực.
Sau khi kính cẩn chờ đợi vài phút, để khỏi làm hỏng tác dụng của mình, tôi chuyển lời của Laurence cho ông.
- À! À! - Ông kêu lớn - thế ra anh ta đã tìm ra chiếc tách cà-phê bị mất rồi. Tốt lắm. Anh ta thông minh hơn vẻ bề ngoài, cái anh chàng Laurence mặt dài của anh đấy.
Tôi không đánh giá cao sự thông minh của Laurence lắm, nhưng tôi tránh không cãi với Poirot mà chỉ nhẹ nhàng trách ông đã quên mất những gì tôi nói với ông về những ngày nghỉ của Cynthia.
- Đúng vậy! Tôi có cái sàng thay vào chỗ bộ óc. Nhưng cô gái kia đã tỏ ra tử tế. Cô đã tỏ ra tội nghiệp cho sự thất vọng của tôi và đã chỉ cho tôi xem tất cả với một cử chỉ duyên dáng nhất.
- Ồ! Thế thì tốt lắm. Ông sẽ phải đến vào ngày khác để dùng trà với Cynthia đấy.
Sau đó tôi nói với ông về bức thư.
- Tôi lấy làm tiếc - ông nói - Bởi vì tôi hy vọng ít nhiều vào vấn đề bức thư đó. Nhưng không nên như thế. Cần phải giải vấn đề từ bên trong kia (ông đập vào trán mình). Chính những tế bào chất xám nhỏ này có nhiệm vụ phải làm sáng tỏ bí mật này.
Rồi ông bỗng nói:
- Anh là chuyên viên về dấu tay, phải không anh bạn?
- Không - tôi đáp, khá ngạc nhiên - Tôi biết không có hai dấu tay nào giống hệt nhau cả, nhưng hiểu biết của tôi chỉ dùng lại ở bấy nhiêu đó thôi.
- Đúng vậy.
Ông mở một ngăn kéo nhỏ và rút ra vài tấm hình, ông đặt lên bàn.
- Tôi đã đánh số một, hai và ba. Anh có thể tả lại cho tôi nghe không?
Tôi chăm chú xem xét các tấm hình.
Tất cả chúng đều được phóng to ra. Tấm thứ nhất là dấu ngón cái và ngón trỏ của một người đàn ông. Tấm thứ hai là dấu tay của một người đàn bà, chúng nhỏ hơn nhiều và rất khác xa, dưới mọi góc độ. Còn tấm thứ ba (tôi do dự một lúc lâu), rất hỗn độn, nhiều dấu tay dường như chồng lên nhau, nhưng ở đây tôi nhận ra rất rõ những dấu tay của tấm thứ nhất.
- Nổi bật lên trên những cái khác ư?
- Phải.
- Anh chắc chắn đã nhận ra chúng chứ?
- Ồ! Có chứ, chúng giống hệt nhau.
Poirot gật đầu và, cẩn thận lấy lại những tấm ảnh, ông cất chúng trở vào ngăn kéo và khóa lại. Tôi nói:
- Tôi đoán rằng, theo những thói quen của ông, ông sẽ không dành cho tôi một lời giải thích nào cả.
- Trái lại. Tấm hình thứ nhất là dấu tay của Laurence. Tấm thứ hai là của cô Cynthia. Chúng không mấy quan trọng. Tấm thứ ba thì lại hơi rắc rối.
- Sao?
- Như anh đã nhận thấy, nó đã được phóng to ra rất nhiều. Có lẽ anh cũng thấy một thứ vết bẩn trải dài khắp tấm hình chứ? Tôi sẽ không nói cho anh biết máy ảnh nào cũng như chất bột nào đã được dùng đâu. Đó là một phương pháp thông dụng của cảnh sát, nhờ đó người ta có thể có được, trong một thời gian rất ngắn, một tấm hình chụp dấu tay trên bất cứ vật gì. Thế là anh đã thấy những dấu tay rồi, anh bạn ạ. Tôi chỉ còn phải nói cho anh biết tôi đã lấy được chúng ở đâu thôi.
- Hãy cứ tiếp tục đi, quả là tôi đang rất tò mò.
- Thế này nhé, tấm thứ ba là một phông ảnh rất lớn của bề mặt một lọ nhỏ xíu đựng độc dược, trong bệnh xá của Hội Chữ Thập Đỏ ở Tadminster.
- Chúa ơi! - Tôi kêu lên - Nhưng làm thế nào mà những dấu tay của Laurence Cavendish lại có trên chiếc lọ ấy chứ? Anh ta có đến gần tủ đựng độc dược, vào hôm chúng tôi đến thăm Cynthia, đâu?
- Ồ, có chứ.
- Không thể nào như thế được. Chúng tôi không rời nhau lấy nửa bước.
Poirot lắc đầu.
- Có chứ, anh bạn ạ. Đã có một lúc các anh đã rời xa nhau. Nếu không thì anh đã chẳng phải lên tiếng gọi ông Laurence đến nhập bọn lúc ở trên bao lơn.
- Tôi đã quên mất chi tiết đó. Nhưng chỉ một lát thôi mà.
- Thế cũng đủ lắm rồi.
- Đủ để làm gì cơ chứ?
Nụ cười Poirot trở nên bí hiểm.
- Đủ để cho một người đã theo ngành y có thể thỏa mãn sự tò mò và hứng thú thật tự nhiên của mình.
* * *
Ánh mắt của chúng tôi gặp nhau. Cái nhìn của Poirot thì mơ hồ. Ông đứng lên và khe khẽ hát một điệu nhạc. Tôi nhìn ông bằng cặp mắt ngờ vực.
- Poirot, chiếc lọ nhỏ xíu ấy đựng gì thế? - Tôi hỏi.
- Chất Hydro-clorat Strychnin - ông nói vọng qua vai, vừa tiếp tục hát nho nhỏ.
- Chúa ơi! - Tôi nói.
Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì tôi đã trông đợi câu trả lời đó.
- Người ta ít dùng Hydro-clorat ở dạng nguyên chất lắm, chỉ thỉnh thoảng dùng cho thuốc viên thôi. Đó là dung dịch chính thức: Liq. Strychnin-Hydro-Clorat, ít được dùng trong các phương thuốc. Bởi vậy từ hôm đó đến nay, các dấu tay vẫn chưa bị xóa mất.
- Ông làm thế nào mà chụp được hình chúng chứ?
- Tôi đánh rơi chiếc nón của mình từ trên bao lơn - Poirot nói một cách đơn giản - Vào giờ đó thì khách không được phép vào sân. Do đó, bất chấp những lời xin lỗi của tôi, cô đồng nghiệp của Cynthia vẫn phải xuống nhặt hộ tôi.
- Như vậy, ông đã biết trước sẽ tìm thấy gì sao?
- Không. Không đâu. Qua lời kể của anh, tôi đã ý thức được ông Laurence có khả năng dùng đến tủ đựng độc dược. Do đó cần phải khẳng định hoặc loại trừ khả năng đó đi.
- Poirot - tôi nói - nỗi vui của ông không qua mặt được tôi đâu. Đó là một khám phá nghiêm trọng.
- Tôi cũng không biết nữa - ông đáp - Nhưng, có lẽ anh cũng đã nhận thấy, có một sự kiện gây sự chú ý ở tôi.
- Cái gì vậy?
- Đó là trong vụ này, quả là có nhiều Strychnin. Đây là lần thứ ba mà chúng ta tìm thấy nó. Trong thuốc bổ của bà Inglethorp cũng có Strychnin. Có Strychnin do Mace bán trong hiệu thuốc ở Styles Saint Mary và bây giờ, chúng ta lại đứng trước Strychnin do một người trong gia đình đã sờ đến. Tất cả những thứ này thật là lộn xộn và, như anh biết đó, tôi không thích sự hỗn độn.
Trước khi tôi kịp trả lời, một trong những người Bỉ khác cùng ở chung nhà mở cửa và ló đầu vào.
- Ở dưới nhà có một bà muốn gặp ông Hastings.
- Một bà ư?
Tôi nhỏm dậy ngay. Poirot theo tôi xuống tận chân cầu thang hẹp và chúng tôi trông thấy bà Mary Cavendish trên bậc thềm.
- Tôi đến thăm một bà cụ trong làng - bà nói - và vì Launrence có nói là ông đến chỗ ông Poirot nên tôi ghé đón ông.
- Tiếc thay, thưa bà - Poirot nói - Thế mà tôi cứ ngỡ bà cho tôi vinh dự được bà đến thăm chứ.
- Một ngày nào đó tôi sẽ rất vui lòng đến chơi, nếu như được ông mời - Bà mỉm cười hứa hẹn.
- Thế thì tốt lắm. Và nếu như có khi nào bà cần xưng tội, thưa bà (nghe đến đây bà hơi giật mình), thì xin bà hãy nhớ rằng ông Poirot luôn luôn sẵn sàng để phục vụ bà.
Bà nhìn ông ta chăm chăm một lúc, như để tìm xem có một ý nghĩa nào sâu sắc hơn trong lời nói của ông không. Rồi bà bỗng quay đi.
- Ta đi thôi! Ông có muốn đi cùng chúng tôi không?
- Rất hân hạnh, thưa bà.
Suốt dọc đường đến Styles, Mary sôi nổi nói chuyện, nhưng tôi có cảm giác bà tránh cái nhìn của Poirot.
Trời đã trở lạnh và gió sắc, gần như gió mùa thu. Mary rùng mình và cài nút áo lên đen lại. Qua các rặng cây, gió tạo nên một âm thanh u buồn.
Chúng tôi tiến đến trước cổng chính của Styles và ngay lập tức, chúng tôi hiểu ra rằng đã có chuyện gì bất thường xảy ra.
Dorcas chạy ra đón chúng tôi. Bà vừa khóc vừa xoắn tay và tôi nhận thấy tất cả gia nhân đang túm tụm lại ở phía sau, vẻ mặt ngơ ngác.
- Ồ! Thưa bà! Ồ! Thưa bà! Tôi không biết phải nói sao với bà...
- Có chuyện gì thế, bà Dorcas? - Tôi sốt ruột kêu lên - Hãy nói đi... nói ngay đi...
- Đó là âm mưu của các ông thám tử đáng nguyền rủa ấy. Họ đã bắt giữ ông ấy! Họ đã bắt giữ ông Cavendish!
- Bắt giữ Laurence ư? - Tôi kêu lên.
Tôi thấy một ánh kỳ lạ thoáng lên trong mắt Dorcas.
- Không, thưa ông. Không phải ông Laurence đâu, ông John cơ.
Mary Cavendish nặng nề tựa vào người tôi, vừa thét lên một tiếng và, khi tôi quay lại để đỡ bà thì tôi bắt gặp cái nhìn đắc thắng của Poirot.