Chương 6.1
Hạ Hầu Thần đứng ở đầu giường giờ lâu, cuối cùng khẽ thở dài một tiếng, rời khỏi phòng. Ta nghe tiếng bước chân hắn càng lúc càng xa, chầm chậm gạt nước mắt, cả người rã rời, chẳng muốn nhấc tay nhấc chân, gắng gượng lắm mới kéo được tấm chăn nơi cuối giường, trùm lên kín đầu. Ta chẳng muốn nghĩ ngợi chi nữa, cứ thế này ngủ đến chết luôn cũng được.
Mặc kệ cho ai đó biết chuyện bê bối ban nãy, mặc kệ Hoàng hậu nghĩ sao, ta chỉ muốn ngủ luôn một giấc không tỉnh dậy nữa.
Thế rồi ta ngủ thật. Đến khi những tia nắng chói chang của ngày mới chen qua song cửa sổ làm sáng rực cả căn phòng, ta mới tỉnh dậy. Mơ màng hồi tưởng lại câu chuyện đêm trước, lòng càng thêm chán nản, Ninh Vũ Nhu trước đây không bao giờ biết khóc, vậy mà lại òa lên tức tưởi trước mặt Hoàng đế. Chắc hẳn hắn cảm thấy chán ghét ta lắm, trước khi rời đi dường như tâm trạng đầy phức tạp, có lẽ sẽ không đến nữa chăng? Vậy cũng được, ta sẽ toàn tâm toàn ý làm hài lòng Hoàng hậu, khiến Hoàng hậu tín nhiệm mình. Nghĩ đi phải nghĩ lại, chuyện được Hoàng thượng ân sủng hôm qua lỡ truyền đến tai Hoàng hậu, ta nên giải thích thế nào đây?
Ta ngẫm một hồi, nếu giải thích quá lộ liễu lại hóa dở, dù sao vài ba tháng ta mới được hoàng ân hai ba lần, chẳng thể coi là được sủng ái, thà cứ để cho chuyện này dần dần qua đi, rồi sẽ có phi tần khác được sủng hạnh khiến Hoàng hậu chuyển dời sự chú ý. Nhiệm vụ của ta là thăm dò tin tức bên phía Thái hậu, hãy tập trung vào cái đó đã.
Lại suy tính thêm một lúc lâu, ta mới ngồi dậy khỏi giường, nhận ra trên người mình không mảnh vải che thân, vội gọi to: “Tố Khiết…”
Ngoài cửa tức thì có tiếng đáp: “Dạ?”
Chuyện đêm qua chắc Tố Hoàn Tố Khiết biết cả, ta chẳng thèm giữ ý nữa, nói ngay: “Ngươi mang một bộ y phục vào đây cho bản cung.”
Tố Khiết đẩy cửa bước vào, cất giọng kinh ngạc: “Nương nương, sao mặt sàn ướt sũng thế này?”
Ta nghe vậy cũng ngạc nhiên, thò đầu ra nhìn, thấy mặt sàn lênh láng, vẻ như chưa hề được dọn dẹp, không kìm được, ngẩn cả người: “Tố Khiết, đêm qua hai ngươi chưa vào đây lần nào ư?”
Tố Khiết đỏ bừng mặt đáp: “Nương nương, Hoàng thượng sợ chúng nô tỳ làm phiền nương nương nghỉ ngơi nên không cho vào.”
Hạ Hầu Thần, ngài muốn giúp ta giữ chút thể diện hay còn ý gì khác?
Ta đảo mắt nhìn quanh thấy Tố Khiết bắt đầu lau dọn vũng nước trên sàn, trong ánh mắt không có nửa tia khinh nhờn. Đầu óc ta chìm trong nghi hoặc, hắn đã đối xử với ta như thế, vậy cần gì giúp ta giữ thể diện với đám người dưới?
Hạ Hầu Thần, ta càng lúc càng không hiểu nổi ngài.
Đã không hiểu, thì tốt nhất nên quên đi. Ta sai Tố Khiết mang xiêm áo vào, sau khi chỉnh trang gọn gàng mới bước ra, gặp ngay Tố Hoàn tay bưng một bình sứ màu sắc tinh tế đứng trước cửa, vẻ mặt quái lạ, bèn hỏi: “Ngươi làm cái gì thế kia?”
Tố Hoàn đỏ mặt đáp: “Hoàng thượng nói môi nương nương bị thương sai người đem thuốc đến.”
Ta ngẩn ra, sờ thử lên môi, chỗ bị thương đêm trước giờ đã kết vẩy, chợt thấy buồn bực trong lòng. Tối nay ta được Thái hậu truyền gọi đến cung Trường Tín. Vết tích rõ ràng thế này, biết dùng cách nào để che giấu đây?
Tố Hoàn cầm bình thuốc lại gần nói: “Nương nương, để nô tỳ giúp người xức thuốc nhé?”
Gương mặt Tố Hoàn đầy vẻ ngưỡng mộ, ta đành cười khổ trong lòng. Tố Hoàn chỉ thấy vẻ quan tâm thân mật bên ngoài của Hoàng thượng, làm sao hiểu được những tủi nhục bên trong của ta? Như phụ thân, người ngoài nhìn vào đều thấy ông hết mực quan tâm săn sóc thê thiếp, gia đình có vẻ trong ấm ngoài êm, nhưng những đau khổ bên trong, chỉ có mẫu thân ta thấm thía.
Ta mặc cho Tố Hoàn thoa thuốc lên miệng mình, loại cao thuốc này rõ ràng có pha thêm mật ong, lại thoang thoảng có vị ích mẫu, chẳng may nuốt vào miệng, cảm thấy thanh mát the ngọt chắc thái y đã tốn không ít công sức.
Tố Hoàn nói: “Nương nương, chắc hôm nay người chỉ ở Lan Nhược hiên thôi nhỉ?”
Ta hiểu ý Tô Hoàn, với dáng vẻ bây giờ, lộ ra ngoài bị người ta nhìn thấy, sẽ gây chuyện thị phi, chỉ khiến người ta thêm ghen ghét, nghĩ ta đi khắp nơi khoe khoang ân điển của Hoàng Thượng với mình.
Một cơn gió lạnh ùa đến, ta thấy mũi mình ngưa ngứa, không nhịn được phải hắt hơi. Tố Hoàn lanh lẹ nói: “Hay để nô tỳ đến bảo với thái giám quản sự rằng nương nương trùng gió, không dậy nổi?”
Ta ngẫm nghĩ rồi đáp: “Thôi, nhỡ lại phiền ngự y thêm lần nữa, chẳng biết người ta sẽ đồn thành cái gì.”
Hoa đẹp trong vườn nở rộ, hạt phấn vàng rực lấm tấm rụng đầy đất, hôm nay trời quang đãng, ánh nắng như những sợi chỉ vàng rủ xuống từ cành lá cổ thụ, quấn quýt trên vai áo. Làn hương thanh thoát truyền vào mũi, khiến ta chẳng muốn cựa mình. Trận khóc đêm hôm trước dường như đã rút cạn tất cả sức lực của ta. Nghĩ đến việc bị Hạ Hầu Thần bắt gặp vào lúc yếu đuối bất lực nhất, lòng ta bỗng dâng lên cảm giác chán ghét khôn cùng, ta biết như vậy là không nên, nhưng không làm sao khiến cảm giác đó biến mất. Sau thoáng bực dọc, sự chán chường lại xâm chiếm, ta chẳng thiết tha điều gì, đến đầu ngón tay cũng không muốn động đậy.
Tố Hoàn Tố Khiết thấy chủ nhân uể oải, chẳng dám lui tới quấy nhiễu, đi qua đi lại cũng hết sức khẽ khàng.
Dùng xong bữa trưa, ta định quay về phòng riêng nghỉ ngơi, bỗng có hai cung nữ mang đến một chiếc khay phủ khăn đào. Hai cung nữ này nom rất quen mặt, ta sực nhớ ra là hai đại cung nữ rất được sủng ái trong cung Hoàng hậu, lòng không kìm được thấp thỏm, có lẽ Hoàng hậu có chỉ thị gì cho ta chăng?
Từ sắc mặt hai cung nữ kia, ta không thể nhìn ra điều gì. Một trong hai người thưa: “Ninh Tuyển thị nương nương đêm qua nhận hoàng ân, Hoàng hậu có chút lễ vật tặng thưởng, xin hãy nhận cho.”
Tiễn hai cung nữ kia đi khỏi, ta chợt hiểu ra, trước đây khi được sủng hạnh, Hoàng hậu nương nương chưa từng tặng thưởng, lần này làm vậy xem ra là có ý khác.
Mở tấm khăn đào ra, trên khay đặt một cây trâm khổng tước vàng, một con khổng tước bên trên xòe cánh như sắp bay, miệng ngậm viên ngọc quý mô phỏng hạt ngũ cốc, trên nữa là những hạt châu điểm chút sắc xanh đung đưa rủ xuống, diễm lệ phi phàm.
Tố Hoàn đứng một bên vừa nhìn vừa khẽ nói: “Hoàng hậu thật có lòng.”
Ta liếc nó một cái, gật đầu: “Giúp ta cài lên.”
Tố Khiết thấy khó hiểu, bèn cất tiếng hỏi: “Nương nương, người có vô số trâm vòng tương tự, thậm chí còn lớn hơn, đẹp hơn, cây trâm này có gì là lạ đâu?”
Ta chỉ nhìn Tố Khiết không nói gì, biết nó vốn bồng bột nông nổi, cũng chẳng buồn trách phạt. Ta sai Tố Hoàn vấn cho mình một kiểu tóc thông thường, rồi cài trâm khổng tước lên. Thử soi vào trong gương, thấy cây trâm tỏa sáng lấp lánh giữa làn tóc đen, mắt hạnh má đào càng thêm phần kiều diễm. Tố Khiết Tố Hoàn từng bàn riêng với nhau rằng, thường ngày chủ nhân lúc nào cũng lạnh nhạt dửng dưng, nhưng khi đi đứng, lại toát lên vẻ phong tình kì lạ, các nương nương khác chẳng ai sánh bằng. Chủ nhân hiếm khi cười, nhưng cười lên thời rạng rỡ như trăm hoa đua nở, đến lan Nhụy Điệp trân quý cũng phải ghen tỵ.
Những lời ấy ta tình cờ nghe được, nhưng nghe xong thì biết thế. Trong cung mỹ nhân vô số, người cũ hẳn còn son sắc, người sau đã như măng non mơn mởn mọc lên, cho dù ta có xinh đẹp hơn nữa rồi cũng sẽ bị thay thế. Con đường sinh tồn duy nhất ở nơi này, là phải thể hiện rõ giá trị của bản thân.
Cây trâm khổng tước này chuyển tới ta một thông điệp rõ ràng: Hoàng hậu khuyên ta nên làm tốt bổn phận, khổng tước đứng trước phượng hoàng phải cúi mình phục tùng, được như thế sau này muốn gì được đó. Đối với ta, đây quả là một tin tốt lành, đêm qua sau cuộc gió trăng, Hoàng hậu cho đem một cành ô liu đến, xem ra xung đột ngầm giữa Hoàng hậu và Thái hậu càng lúc càng kịch liệt.
Hoàng hậu hễ phát ra mệnh lệnh, chúng phi tần dĩ nhiên nhất nhất phục tùng, nhưng có một số người khi nhận việc lại tìm đường lươn lẹo, bớt xén. Ví như để tưởng thưởng cho quân sĩ trấn lĩnh biên cương, Hoàng thượng hằng năm đều căn dặn phủ Nội Vụ chuẩn bị vải bông cho cung nữ trong cung khâu thành y phục, tặng cho các tướng lĩnh cao cấp. Chuyện này theo lẽ do Hoàng hậu giám sát, nhưng thường làm không được chu đáo, y phục may xong cái dày cái mỏng, đường kim mũi chỉ mau thưa không đều, còn kém cả y phục do thợ may dân gian làm ra. Đến khi cho người điều tra cụ thể, thì đám người dưới chỉ biết đổ lỗi cho nhau, cuối cùng chẳng biết do ai.
Chuyện điều tra gặp khó khăn, kỳ thực cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Đám cung nữ vốn dĩ rất cô đơn, nếu cho mỗi người tự may một bộ y phục, thế nào họ cũng sinh tơ tưởng, lén giấu thơ thẩn, thư từ vào trong. Do đó phải phân chia việc để làm: Người chỉ chuyên khâu tay áo, người chỉ làm cúc áo, cuối cùng mới ráp nối tất cả bộ phận thành một chỉnh thể, giờ đây muốn tra ra người ăn bớt, thật khó như mò kim đáy bể.
Lan Nhược hiên vốn neo người, Tố Hoàn Tố Khiết chỉ lĩnh trăm cái ống tay áo về làm, đã xong từ lâu, thấy mấy ngày nay chủ nhân mệt mỏi ủ rũ, bèn mang chuyện đó ra pha trò cho vui.
Hôm nay nhận được trâm khổng tước, ta lập tức liên hệ với chuyện khâu áo vừa qua, cảm thấy mọi chuyện mau chóng sáng tỏ. Hoàng hậu đã ban ra chiếu chỉ, vậy mà đám người dưới lại dám lá mặt lá trái, chuyện xấu này do ai mưu toan, dĩ nhiên đã rõ như ban ngày. Hoàng hậu tha thiết muốn ta, kẻ thấu hiểu Thái hậu đến tận gốc rễ, giúp mình thiết lập uy tín trong hậu cung.
Nhưng Hoàng hậu đâu biết, Thái hậu có tin tưởng ai bao giờ? Ta hầu hạ Thái hậu bao năm, chưa một phút lơ là, nhưng trong mắt bà, ta chẳng qua chỉ là con cờ hữu dụng.
Trộm nghĩ, Thái hậu không tín nhiệm ta, có lẽ do ta quá ư cẩn trọng, chưa từng để lộ bất kì sơ hở nào để bà nắm lấy. Nếu đêm nay gặp mặt, ta cố tình tỏ ra khinh suất, hoặc cầu xin bà giúp đỡ, lấy đó làm trao đổi, thế nào cũng thắt chặt thêm mối ràng buộc giữa hai người.
Ta đưa tay lên miệng, loại thuốc này quả thật công hiệu, mới đó mà chỗ đóng vẩy đã tróc ra, đêm nay ta có thể yên tâm mà đến gặp Thái hậu.
Đêm, ánh trăng đột nhiên ảm đạm, chợt sáng chợt lịm. Mỗi khi vầng trăng bị mây đen che khuất, trên trời dưới đất tối sầm một màu, trăng hé lộ ra, mặt đất bỗng chốc dát đầy ánh bạc, lớp ngói lưu ly vàng ở cung Chiêu Thuần đắm mình trong bể bạc, đẹp đẽ lạ thường.
Lần này ta mặc bộ y phục cung nữ bình thường, đầu chải búi tóc Song Loa, là kiểu vấn tóc các cung nữ thường để, hai bên cài hai con bướm ngọc đang xòe cánh, dĩ nhiên ta không dám đụng đến trâm quý có tua rua như hôm trước, phục sức từ đầu đến chân tuân thủ phép tắc, không chút sơ hở.
Thềm đá cẩm thạch trắng chạm trổ tinh xảo phản chiếu ánh sáng dịu mát của trăng, loáng cái bị một đám mây đen bao trùm, trở nên mù mịt. Có hai cung nữ từ phía đối diện đi tới, ta bèn cúi mình hành lễ, hoàn toàn không khiến họ lưu tâm nghi ngờ. Lúc đến gần Phật đường, ta cảm giác thời gian bỗng nhiên ngưng đọng, tiếng gõ mõ thảng hoặc vọng ra chẳng khác gì những tiếng thở dài. Ngoại trừ bộ y phục trên người, dáng vẻ Thái hậu vẫn y hệt mấy ngày trước.
Ta cúi đầu hành lễ, rồi dìu bà đến cái bàn dài, im lặng múc một bát canh thuốc dâng lên. Thái hậu chậm rãi uống một chút, lại liếc nhìn ta, nói vẻ hài lòng: “Hôm nay coi ra chỉn chu hơn hẳn.”
Thấy ta nín thinh, Thái hậu bèn hỏi tiếp: “Đã mấy ngày ngươi không đến, trông bộ dạng dường như có tâm sự?”
Ta ấp úng nói: “Nô tỳ không có gì bận lòng, chỉ hơi nhớ nhung người mẹ ở am Triều Nguyệt, đã lâu rồi không nhận được tin tức gì.”
Thái hậu thủng thẳng uống thêm một ngụm canh, bảo: “Trong cung với bên ngoài muốn liên lạc vốn đã khó. Ngươi vào đây rồi thì đừng mãi nhớ người bên ngoài. Nếu Hoàng thượng sủng ái ngươi, thế nào chẳng cho xuất cung thăm viếng, lúc ấy càng nở mày nở mặt không đúng sao?”
Ta cười khổ sở, lặng lẽ giúp bà thêm canh vào bát.
Thái hậu lại uống thêm một ngụm: “Ngươi theo ai gia bao năm, lúc nào cũng hết lòng hết dạ, ai gia chưa bao giờ ban thưởng cho ngươi cái gì. Giờ đây ai gia đã yếu thế, nhưng ngoài kia vẫn còn cơ trở mình, nếu ngươi nghĩ được biện pháp mang tin tức truyền ra ngoài, ai gia sẽ cho người chăm sóc mẹ ngươi tử tế, để mẹ ngươi áo cơm không lo.”
Ta vội vã quỳ sụp xuống, rơm rớm nước mắt mà nói: “Nô tỳ cảm tạ Thái hậu nương nương, ân đức này thật bằng trời bằng bể. Am Triều Nguyệt vốn ở nơi hoang vu hẻo lánh, mùa đông sắp tới mẹ chưa có áo ấm, trên mình lại mang danh tội đồ, e rằng bị các ni cô ức hiếp, mấy đêm rồi nô tỳ không tài nào ngủ được.”
Nói đến đây, ta thổn thức, nghẹn ngào không thốt nên lời.
Thái hậu khẽ thở dài một tiếng nói: “Ngươi quả là có hiếu, thân mình đã đến nông nỗi này vẫn còn lo lắng cho mẫu thân. Dù sao thân mẫu vẫn hơn.”
Bà lại thở dài thườn thượt, cầm bát canh thuốc lên uống tiếp.
Ta cười nhạt trong lòng, bà đối với con nuôi cũng đâu có tốt bằng con đẻ, đến cuối cùng chẳng trở mặt với tân đế đó thôi?
Ta đem sống chết mẫu thân giao vào tay bà ta, không, là đại nương mới phải? Khi biết mẹ ở am Triều Nguyệt, ta sớm đã thương lượng với đám ni cô, đưa mẹ ra một nhà dân dưỡng bệnh. Đại nương sau khi dẫn theo con gái trốn thoát, rốt cuộc vẫn bị quan phủ bắt được, đày vào Vương phủ làm nô tỳ. Cô em gái cùng cha khác mẹ của ta quen được nuông chiều, mới chịu chút khổ cực đã than trời trách đất. Để tránh bị người ta dòm ngó, khi còn là Thượng Cung ta đã nhờ người chuộc họ ra, sắp xếp cho đến ở tại am Triều Nguyệt, thi thoảng gửi chút bạc, dưới danh nghĩa vẫn là chăm nom cho mẫu thân. Thỏ khôn phải đào ba hang, sao ta lại đưa mẹ mình ra hứng mũi chịu sào cho được?
Về phía Thái hậu, thấy ta đem mẫu thân ra đặt cược, bà ta chẳng lẽ còn không yên tâm?
Thái hậu muốn thử xem, liệu ta có bản lĩnh truyền tin tức ra ngoài hay không. Việc truyền tin trở nên cấp thiết như vậy, chẳng lẽ tới đây sắp xảy ra chuyện lớn?
Thấy ta nước mắt đong đầy, gương mặt đầy cảm kích, Thái hậu càng thêm hòa nhã, bèn hỏi han đôi câu chuyện nhà, có vẻ thân thiết quan tâm lắm. Ta ngoài mặt u sầu, kỳ thực trong bụng cười thầm, cố tình thêm vào trong lời nói cử chỉ chút ngưỡng mộ lẫn mong đợi, quả nhiên, cuộc hàn huyên càng rôm rả. Đang vui vẻ, bỗng nghe từ ngoài điện vọng vào tiếng ồn ã, một tên thái giám đứng ngoài cửa hô: “Hoàng thượng giá đáo.”
Ta kinh ngạc tái mét cả mặt, đưa mắt nhìn Thái hậu, Thái hậu ngỡ ngàng thốt lên: “Sao nó lại đến đây?”
Thái hậu thần sắc phức tạp, lập tức đứng bật dậy, có lẽ đã quên bẵng ta ở bên cạnh. Ta bèn quỳ xuống trước Thái hậu mà nói: “Thái hậu nương nương, không thể để Hoàng thượng biết nô tỳ đang ở đây, nếu người nổi giận trách phạt, nô tỳ chẳng cách nào đến hầu hạ nương nương được nữa!”
Thái hậu nghe thế mới sực nhớ ra, gật gật đầu: “Ngươi tạm lánh vào sau bình phong đi!”
Ta nhỏm dậy, hấp tấp trốn ra đằng sau bức bình phong trong lúc tâm thần hoảng loạn, đầu va phải cột gỗ, đau đến nảy đom đóm mắt mà không dám kêu, nghe tiếng bước chân sầm sập càng lúc càng gần, vội lánh mình đi.
Vừa kịp thở ra một hơi, đã nghe tiếng Hạ Hầu Thần vang lên trong Phật đường: “Gần đây mẫu hậu có đượckhỏe không?”
Thái hậu đã ngồi xuống trước mõ, trong tiếng gõ đều đều, bà cất giọng lãnh đạm: “Có gì mà không khỏe, ai gia giờ chỉ biết ăn chay niệm Phật, cầu Phật tổ phù hộ cho quốc thái dân an. Thật hiếm khi Hoàng thượng rảnh rỗi đến mà thăm ai gia thế này…”
“Đây chắc là canh do Ty Thiện Phòng mang đến? Mỗi năm cứ đến dịp trời chuyển đông, bệnh tim đập nhanh của mẫu hậu lại tái phát. Trẫm nghe nói Thượng Cung mới đã nghiên cứu ra thang thuốc trị bệnh dâng đến, uống thứ canh này, bệnh của mẫu hậu có chuyển biến gì chưa?”
Nghe giọng điệu ân cần của Hạ Hầu Thần, ta như trút được hòn đá trong lòng, xem ra hắn không vì phát hiện ra điều gì mà tới. Ngẫm lại thấy hơi buồn cười, thật đúng là thần hồn nát thần tính. Mỗi khi thấy Hạ Hầu Thần, ta lập tức nghĩ đến tình huồng tồi tệ nhất, trong khi bản thân chẳng qua là một phi tần cấp thấp, hà cớ gì hắn phải nhọc lòng tra xét đề phòng?
Sau khi thở phào nhẹ nhõm, ta đưa mắt nhìn xung quanh, phía sau bình phong có kê một chiếc giường rất đẹp làm bằng gỗ đàn hương, bên trên phủ tấm chăn lụa tơ tằm dệt hoa văn chìm rất mềm mại, có lẽ mỗi khi tụng kinh mệt, Thái hậu sẽ nghỉ ngơi trên giường này.