Chương 101: Tết Nguyên tiêu mười lăm tháng giêng

Khuynh Thành chạy đến chỗ Lý thị tìm Cẩm Hân cách cách chơi một lát rồi lại vội vội vàng vàng chạy về tìm ngạch nương mình. Về nhà thấy ngạch nương đang tìm đồ, Khuynh Thành hỏi Bách Hợp ngạch nương tìm gì. Bách Hợp thì thầm nói tìm một bức tranh thêu. Khuynh Thành kinh ngạc nói: “Ngạch nương, người tìm bức tranh thêu hoa sen đấy phải không?”.

Nhan Tử La gật gật đầu: “Con cầm đi rồi à?”.

“Vâng, mang đi chơi trò ném cát với Cẩm Hân tỷ tỷ rồi. Ngạch nương, là đồ rất quan trọng ạ? Hay con sang chỗ Cẩm Hân tỷ tỷ xé bao cát ấy về nhé”. Khuynh Thành cúi đầu khẽ nói.

“Bao cát?” Nhan Tử La há hốc miệng. “Lãng phí, phá gia chi tử, một bức tranh thêu đẹp như thế mà lại đem đi khâu bao cát?”.

“Ngạch nương, chẳng phải chỉ là một mảnh tranh thêu thôi sao? Ngày mai con đền người mười mảnh để người dùng chẳng phải là được à?”, Khuynh Thành chạy tới bên cạnh ngạch nương mình cười hi hi nói.

“Thôi thôi, mang bọc cát rồi thì thôi”, Nhan Tử La nói.

“Con xin lỗi, ngạch nương”, Khuynh Thành rất thành khẩn nói, ra sức nhìn ngạch nương mình chớp chớp mắt vẻ vô tội: “Ngạch nương, lát nữa chúng ta chơi bao cát nhé?”. Hồi nhỏ thỉnh thoảng ngạch nương đưa bọn a hoàn ra ngoài chơi bao cát vui ngất trời.

“Đang tết nhất thế này chơi gì bao cát chứ, chúng ta không ra phố xem đèn nữa à?”, Nhan Tử La cười khẽ nói.

“Ngạch nương, đừng quên nhiệm vụ vinh quang mà khó khăn của người đấy!”, Khuynh Thành cười hi hi nhắc nhở.

“Ta thấy… Nếu chúng ta quay trở về trước khi a ma con về thì chắc không bị coi là trốn nhà đi chơi đâu”, Nhan Tử La nhìn con gái nói.

“Ngạch nương, ngộ nhỡ a ma về trước thì sao?”, Khuynh Thành hỏi.

“Không thể nào? Không thể lần nào ta cũng xui xẻo như thế được?”, Nhan Tử La lẩm bẩm. Có phải bị thần xui xẻo nhập thể đâu, không đến nỗi lần nào cũng bị tóm chứ?

“Rất khó nói, ngạch nương không được may mắn cho lắm”, Khuynh Thành khẳng định, gật gật đầu nói.

Hình như đúng thế thật. Nhan Tử La nhìn nhìn Khuynh Thành, đôi lông mày chau lại, lẽ nào viết một bản báo cáo trình lên đợi phê chuẩn? Dùng tóc nghĩ thôi cũng biết vị đại gia đó chắc chắn sẽ mặt mày nhăn nhó, phê lên hai chữ “Không chuẩn”.

Thôi, tốt nhất vẫn không nên nói thì hơn, lén đi rồi lại lén về, bị bắt được hẵng hay.

Thế là đến ngày Mười lăm, buổi chiều Dận Chân vừa ra khỏi cửa, hai mẹ con nàng cũng bắt đầu chuẩn bị, Nhan Tử La thay bộ đồ của ma ma vào, mặt vẽ thêm một vết chàm. Khuynh Thành thì bị ngạch nương tết cho hai bím tóc thấp cao không đều quê mùa kệch cỡm, mặc một chiếc áo thường bằng vải thô, trên vai còn một miếng vá to màu đỏ. Ngạch nương nó nói đây là bộ quần áo của ăn mày, là đồng phục cái bang.

Đợi trời tối hơn một chút, hai mẹ con nhân lúc trong phủ người qua kẻ lại, len lén trốn ra ở phía cửa ngách, trên phố đã bắt đầu vui vẻ náo nhiệt, quả nhiên là người đông như mắc cửi. Nhan Tử La kéo Khuynh Thành lần đầu tiên được sổ lồng vừa đi vừa thở dốc. Thì ra mang theo một con ngựa hoang nhỏ ra ngoài không phải là việc dễ dàng, nha đầu này thấy gì cũng rất kích động, la hét nhảy nhót nhìn đông ngó tây, quê mùa vô cùng. Cũng may, nó mặc quần áo vải thô, nên nàng cũng không thấy mất mặt lắm.

“Nha đầu, chạy chậm thôi”, Nhan Tử La hét.

“Ngạch nương, người nhanh lên một chút, còn rất nhiều nơi chưa xem mà”, Khuynh Thành kéo tay ngạch nương mình lao về phía trước, “Ngạch nương, bên kia rất vui, chúng ta qua đó đi!”.

Mãi mới len được vào chỗ đấy, thì ra là hội thơ, một đám đàn ông nhìn có vẻ giống văn nhân đang bình luận thơ của nhau, những người xung quanh đứng xem luôn miệng khen hay, những người ghé qua rồi lại bỏ đi cũng không ít. Khuynh Thành chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như thế, cảm giác rất mới mẻ, bèn ghé vào để đọc những bài thơ ấy, đọc xong thì nhún nhún vai, khóe miệng nhếch lên cười rất tươi. Nó kéo tay Nhan Tử La định rời đi, thì một người đàn ông không biết ở đâu ra chặn ngang đường: “Tiểu cô nương cảm thấy thơ của bọn ta không hay sao?”.

“Hay, đương nhiên là hay”, Khuynh Thành rất chân thành cười nói.

“Ồ, hay như thế nào?” Người đàn ông đó rõ ràng có chút đắc ý.

“Ừm… Cái này thì… Ta chưa đọc nhiều sách lắm, không biết nói thế nào.” Khuynh Thành chớp chớp đôi mắt to.

“Tiểu cô nương cảm thấy thế nào thì nói như thế”, người đàn ông kia tiếp tục cổ vũ.

“Ừm, ta nghe nói thơ của Bạch Cư Dị thời Đường viết đến một bà lão mấy chục tuổi cũng có thể hiểu, của ngươi thì càng hay hơn, ta mới chín tuổi, mới đọc Bách gia tính[1] mà cũng có thể đọc hiểu được thơ của ngươi, thế chẳng phải ngươi còn lợi hại hơn Bạch Cư Dị hay sao?”, Khuynh Thành nói với giọng điệu nghiêm túc.

[1] Bách gia tính nghĩa là họ của trăm nhà, là một văn bản ghi lại các họ phổ biến của người Trung Quốc. Văn bản này được soạn vào đầu thời Bắc Tống.

Trong đám người xung quanh phát ra những tiếng cười chế nhạo, người đàn ông đó đỏ bừng mặt, có chút tức tối: “Một kẻ quê mùa không hiểu biết, ăn nói vớ vẩn”.

“Vì vậy nên ta mới không biết phải nói thế nào, ngươi lại cứ bảo ta nói.” Khuynh Thành trề môi, nhìn Nhan Tử La: “Ngạch nương, chúng ta đi thôi, về nhà người hãy dạy lại cho con Thiên tự văn[2] đi, con nhất định sẽ học hành chăm chỉ”.

[2] Thiên tự văn là một tập thơ đời Hán do Chu Hưng Tự sáng tác. Tập thơ cổ này có hai trăm năm mươi câu bốn chữ bao gồm tất cả một nghìn chữ Hán khác nhau không trùng lặp, cái tên Thiên tự văn có nghĩa là như vậy.

“Ừm, đi thôi!” Nhan Tử La gật đầu, tiện thể trừng mắt lườm Khuynh Thành một cái. Nha đầu thối, không thể bớt gây họa đi sao?

“Hừ, hai mẹ con nhà quê vô học”, một giọng nam vang lên từ phía sau hai mẹ con Nhan Tử La.

Nhan Tử La dừng bước, tên bị thịt này đúng là chẳng biết trời cao đất dày là gì, mấy kẻ quần áo bảnh bao ăn chơi trác táng, viết ra cái thứ thơ bốc mùi đó mà cũng dám vênh vang khinh thôn phụ. Không thể nhẫn nhịn hơn được nữa.

Quay người lại, Nhan Tử La nheo mắt đi tới trước mặt người đó, “Vị tiên sinh này, bọn ta đúng là những người quê mùa, không chỉ vô học mà còn vô dụng, sánh sao được với ngươi. Đại tài như người mà viết loại thơ này thực sự uổng phí. Ta thấy với tài năng của ngươi có thể đến Công Bộ làm mấy việc trị thủy thì tốt hơn”, Nhan Tử La nói.

“Tại sao?” Người đàn ông đó liếc xéo Nhan Tử La, xem ra thôn phụ này cũng có con mắt nhìn người đấy.

“Ngươi đi trị thủy, mỗi lần có đoạn đê nào bị vỡ thì không cần đám thôn dân, thôn phụ bọn ta ném bao cỏ xuống để bịt nữa”, Nhan Tử La đáp.

“Tại sao?” Người đàn ông đó rõ ràng vẫn chưa hiểu.

“Bởi vì mình ngươi nhảy xuống đó là được rồi.” Người tiếp lời là Khuynh Thành, vừa nói vừa cười cười.

Người đàn ông đó lúc này mới phản ứng lại được, mặt đỏ dừ, nổi điên lên như muốn lao về phía trước.

“Ngươi… Các ngươi… sỉ nhục văn nhân”, người đàn ông đó lắp bắp.

“Không dám, mặc dù bọn ta vô học, nhưng cũng biết không thể làm nhục những người nho nhã, có điều…”, Nhan Tử La nhướn nhướn mày, “nho nhã như ngươi, đương nhiên phải được đối đãi khác rồi”.

Mọi người đứng quanh bắt đầu phá lên cười, người đàn ông đó tức tối đá bay đồ đạc rồi phẩy tay áo bỏ đi.

Nhan Tử La kéo Khuynh Thành len ra khỏi đám người nhân lúc đang loạn, hai mẹ con lại đi xem hoa đăng, mua hai cái đèn, rồi lại ăn bánh trôi bên lề đường, gặp hàng bán kẹo bông, mua hai mẹ con mỗi người một cái. Một cơn gió thổi tới khiến kẹo bông dính hết vào mặt bọn họ. Hai mẹ con nàng dọc đường đi, láo liên tìm mĩ nữ, mãi mới gặp mấy bóng người khiến họ muốn phạm tội, nhưng đến gần nhìn thì lại thất vọng. Nhan Tử La cảm khái, “Quả nhiên không được đẹp như tưởng tượng”.

Thấy người đi trên đường ít dần, hai mẹ con cũng định quay về phủ, nhưng một vấn đề rất hiện thực lại bày ra trước mắt: Biết hỏi đường ở phương nào? Hai mẹ con quay sang nhìn nhau, mắt chớp chớp.

“Con gái, con có nhớ đường không?”, Nhan Tử La hỏi, không dám ôm ấp hi vọng.

“Ngạch nương, con chỉ nghe nói tới việc ngựa mẹ nhớ đường chứ chưa từng nghe nói ngựa con phải nhớ đường”, Khuynh Thành cười đáp.

“Thế phải làm sao đây? Ngựa mẹ vốn là kẻ mù đường.” Nhan Tử La thở dài.

“Không sao, ngạch nương, nếu không có cách nào nữa, thì chúng ta cứ đi lang thang trên đường, dù gì a ma cũng tìm được chúng ta thôi.” Khuynh Thành chẳng hề lo lắng.

“Nếu hôm nay a ma con không về nhà thì sao?”, Nhan Tử La hỏi. Lẽ nào hai mẹ con nàng phải lang bạt ngoài đường cả đêm, diễn vai cô bé bán diêm? Nhưng, đến một que diêm cũng chẳng có, đạo cụ không đầy đủ, sớm biết thế này, tới chỗ Mẫn Mẫn đón Vân Yến đi cùng cho xong.

“Không thể thế được, ngạch nương, tính cách của người, a ma con rất hiểu mà”, Khuynh Thành cười nói, “giờ chúng ta hãy đi tìm nơi nào đó ấm áp một chút ngồi đợi đi”.

Đi được vài bước, Khuynh Thành ngẩng đầu nhìn ngạch nương: “Nếu thật sự chẳng còn cách nào, chúng ta hãy cướp đồ để Đề đốc nha môn đưa chúng ta về nhà”.

Kết quả, bị ngạch nương lườm cho một cái.

Đi cả nửa ngày, cửa hàng hai bên đường đều đã đóng cửa hết, hai người khó khăn lắm mới tìm được một quầy bán khoai lang nướng nằm ở một góc khuất gió. Họ mua hai củ khoai to, vui vẻ đứng ăn ngay cạnh lò. Ông lão bán khoai nhìn hai mẹ con thấy không phải là người xấu, lại mua hàng cho mình, bèn mang hai chiếc ghế đẩu ra cho họ ngồi nướng cùng.

“Ông ơi, rằm tháng Giêng mà ông không về nhà ăn Tết sao?”, Nhan Tử La vừa ăn vừa hỏi.

“Sống một mình thì tết nhất gì, cũng không có tiền”, ông lão trả lời.

“Cháu xin lỗi ông”, Nhan Tử La vội vàng xin lỗi.

“Không sao, chẳng phải còn có hai mẹ con chị trò chuyện với tôi sao? Thế cũng coi như là ông trời đối với tôi không tệ rồi. Nhưng hai mẹ con chị, đi chơi quên giờ đóng cửa thành à?”, ông lão hỏi.

“Dạ? À, mẹ con cháu tới ở nhờ nhà họ hàng, nhưng vẫn chưa tìm được ạ”. Nhan Tử La đáp.

“Ồ? Họ hàng của chị ở đâu? Không chừng lão lại biết đấy”, ông lão hỏi.

“Một con ngõ nhỏ chếch với Ung vương phủ”, Nhan Tử La đáp.

“Chếch với Ung vương phủ? Hai người có nhớ nhầm không? Phía chếch với Ưng vương phủ không có ngõ nào cả”, ông lão băn khoăn nói.

“Không phải vậy chứ? Thật sự không có ạ?”, Nhan Tử La hỏi. Xong rồi, trước kia cứ ra ra vào vào, sao nàng không chịu để ý xung quanh nhỉ.

“Thật sự không có, ta thấy có lẽ họ hàng của chị gạt chị rồi”, ông lão thật thà nói.

Hai mẹ con nhìn nhau, tiếp tục đợi vậy.

Cảnh tượng mà Dận Chân nhìn thấy là hai mẹ con Nhan Tử La tay đang cầm khoai lang nướng ngồi cạnh bếp lò vừa ăn vừa trò chuyện rất vui vẻ với ông lão bán khoai. Chàng siết chặt nắm tay lại, đi đến phía sau hai người, nhưng họ hoàn toàn không biết gì, vẫn là vẻ mặt kinh hãi của ông lão khiến họ phải quay đầu lại nhìn.

Quay đầu lại nhìn…

Phía sau Dận Chân là mười mấy thị vệ, chẳng trách ông lão lại sợ hãi. Dàn trận thế này tuyệt đối không đơn giản chỉ là đến cướp lò nướng khoai, mà có lẽ đến để cướp của, giết người diệt khẩu, thiêu xác hủy chứng.

“Ăn xong rồi?”, Dận Chân hỏi.

Hai mẹ con cùng gật đầu, Khuynh Thành tự giác nấp phía sau Nhan Tử La, chẳng có cách nào, sắc mặt a ma nhìn đỏ rực rất giống cái lò than.

“Đưa đi”, Dận Chân nói. Lập tức có thị vệ quây lấy hai mẹ con, ông già đã sợ tới mức trợn mắt há miệng.

“Ông ơi, ông đừng sợ, không sao đâu, người này chính là họ hàng nhà chúng tôi, tính tình khó chịu, nhưng tốt bụng lắm”, Nhan Tử La quay lại an ủi ông lão. Ông lão vẫn chưa hoàn hồn, cho đến khi họ bị đưa đi xa rồi mới như bừng tỉnh.

Dận Chân nhìn hai mẹ con đứng im trước mặt, lửa giận bừng bừng. Hai mẹ con nàng đúng là có bản lĩnh chọc cho chàng bốc hỏa, nhìn bộ dạng, trang phục của họ mà xem, lại còn ngồi nói chuyện với ông già bán khoai rất vui vẻ nữa chứ!

“Vui lắm à?”, phải nửa canh giờ sau, Dận Chân mới mở miệng hỏi.

Hai người bất động, chỉ len lén liếc mắt trao đổi.

Ngạch nương, con đã nói cứ đi thế này không được, người quả là rất đen đủi.

Nói cái gì thực tế hơn đi.

Liệu có bị đánh không?

Con sẽ bị đánh.

Vì sao chứ?

Con nhỏ.

“Nói đi!” Giọng Dận Chân bắt đầu cao hơn.

“Vui lắm”, hai người cùng đồng thanh. Không vui họ trốn ra ngoài làm gì?

“Chủ ý của ai?”, Dận Chân lại hỏi. Đến tám chín phần là đồng mưu.

“Hai mẹ con”, hai mẹ con cùng trả lời. “Pháp bất trách chúng”[3], cho dù hai mẹ con nàng mới chỉ có thể tạo nên một chữ “Tòng” mà thôi.

[3] Pháp bất trách chúng: Ý nói một người phạm vào tội nào đó lẽ ra phải nhận sự trừng phạt của pháp luật, nhưng bởi vì có rất nhiều người cũng phạm tội đó nên tránh được, không bị trừng phạt đích đáng. Chữ “Chúng” trong cụm từ “Pháp bất trách chúng” có nghĩa là đông người, được ghép từ ba chữ 人 (Nhân), có nghĩa là người. Trong truyện chỉ có hai người phạm lỗi là mẹ con Nhan Tử La nên chỉ có hai chữ 人, ghép lại chỉ thành chữ 从 (Tòng), có nghĩa là đi theo.

“Hừ!”, Dận Chân hừ một tiếng, cũng rất thành thật.

Hai mẹ con lại liếc mắt trao đổi.

A ma có ý gì, ngạch nương?

Rất không vui.

Ồ!

“Đồng mưu? Được, bắt đầu từ hôm nay cấm túc một tháng”, Dận Chân nói.

Vẫn may, không bị đánh.

Vẫn may, sau hai tháng có thể ra ngoài.

“Sau này tự ý ra ngoài phạt nghiêm không tha”, giọng nói Dận Chân cao vút.

“Vâng!”, hai người cùng đồng thanh trả lời.

Tự ý ra khỏi cửa? Sau này nàng sang rủ Mẫn Mẫn đi cùng là được.

“Còn không đi ngủ”, Dận Chân nói.

Hai mẹ con thở phào nhẹ nhõm, vội vàng quay người định đi.

Dận Chân ho khẽ một tiếng.

“Ngạch nương, con ngủ một mình, con lớn rồi”, Khuynh Thành lập tức nói.

“Chưa xuất giá vẫn là trẻ con.” Nhan Tử La kéo Khuynh Thành lại, nha đầu chết tiệt chẳng có nghĩa khí gì cả.

“Ngạch nương, Hoàng gia gia nói con lớn rồi.” Khuynh Thành chớp chớp mắt. Đắc tội với ngạch nương dễ giải quyết hơn đắc tội với a ma.

Nhan Tử La dùng ánh mắt đe dọa con gái, cười nói: “Con gái, lát nữa sẽ có tuyết rơi đấy”.

“Không sao đâu, ngạch nương, Bách Hợp cô cô sẽ ngủ cùng con.” Nói xong, Khuynh Thành bèn vén rèm chạy tới gian phòng phía Tây.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện