10. THỰC HÀNH TƯ DUY PHÓNG KHOÁNG
"Chúng ta không thể cầm một ngọn đèn và soi sáng con đường của người khác trước khi soi sáng con đường của chính mình. " - Ben Sweetland
Từ trang đầu cuốn sách, chúng ta đã bàn luận về nhiều kiểu tư duy khác nhau để giúp bạn đạt được nhiều thành tựu hơn. Mỗi kiểu tư duy trong số đó đều cung cấp cho bạn những tri thức quý báu giúp bạn trở nên thành đạt. Bây giờ, tôi muốn giới thiệu với bạn một kiểu tư duy mới có khả năng làm thay đổi cuộc đời bạn theo một cách khác. Thậm chí nó có thể thay đổi cách nhìn của bạn về sự thành công.
Tư duy phóng khoáng có thể đem đến cho bạn kết quả cao hơn bất kì kiểu tư duy nào khác. Hãy xem xét một số lợi ích sau:
1. Tư duy phóng khoáng mang lại sự hoàn thiện cho bạn
Trong cuộc sống việc giúp đỡ người khác có thể giúp bạn mang lại phần thưởng cho mình. Charles H. Burrtin rằng: "Người hưởng thụ thường không nhận được hạnh phúc: chính những người cho đi mới nhận được nó". Giúp đỡ người khác mang đến cho bạn sự hài lòng. Khi bạn dành trọn cả ngày để phục vụ người khác thì đêm đến bạn sẽ có thể ngả lưng một cách thư thái và ngủ ngon lành. Trong cuốn Bringing Out the Best in People (Chắt lọc những gì tinh túy nhất), Alan Loy McGinnis nhận xét: "Không có một thứ nghề nghiệp nào trên thế giới này cao quý hơn nghề giúp đỡ người khác và giúp người khác tiến tới thành công."
Kể cả khi bạn đã dành phần nhiều thời gian cuộc đời để theo đuổi những lợi ích cá nhân thì cũng vẫn chưa muộn để thay đổi trái tim mình. Kể cả những người bất hạnh nhất, như nhân vật Scrooge7 của Charles Dicken, cũng có thể xoay chuyển cuộc đời mình và tạo nên sự khác biệt cho người khác. Đó cũng là những gì Alfred Nobel đã làm. Khi ông nhìn thấy bản tin về mình và gia đình mình trên báo (anh trai ông mất và người biên tập đã viết những lời lẽ sai trái về Nobel, cho rằng chất nổ mà công ty ông tạo ra đã giết chết rất nhiều người), Nobel vẫn nguyện thúc đẩy hòa bình và ghi nhận những đóng góp cho nhân loại. Đó là lý do vì sao Giải Thưởng Nobel được lập ra.
2. Tư duy phóng khoáng đem đến giá trị cho người khác
Vào năm 1904, Anderson Stanley đã định nghĩa về khái niệm người thành đạt trong tạp chí Brown Book như sau:
Người đạt được thành công là người có cuộc sống tốt, lạc quan và dồi dào tình cảm; là người đã nhận được sự tin tưởng của những người phụ nữ trong sáng, sự tôn trọng của những người thông minh và sự mến thương từ trẻ nhỏ, người đã làm tròn bổn phận của mình và hoàn thành các trọng trách. Đó là người đã để lại cho trái đất một điều gì giúp trái đất tốt đẹp hơn, dù đó chỉ là một cây anh túc được vun trồng, một bài thơ hoàn hảo, hay một linh hồn được giải thoát; người luôn đánh giá cao vẻ đẹp của trái đất mà không thể diễn tả hết vẻ đẹp của nó; người luôn luôn tìm kiếm những gì tốt nhất ở người khác và cho người đó những gì tốt nhất mà mình có; người mà cuộc đời là một nguồn cảm hứng và trí nhớ chính là phước lành.
Khi bạn thoát ra khỏi vỏ bọc của mình và đóng góp cho người khác, bạn thật sự mới bắt đầu sống.
3. Tư duy phóng khoáng khuyến khích những đức tính khác
Bạn sẽ chấp nhận sự ích kỷ của đứa trẻ 4 tuổi nhưng khó có thể chấp nhận điều đó ở một người 40 tuổi phải không?
Trong tất cả những phẩm chất một người có thể có, tư duy phóng khoáng dường như tạo ra khác biệt lớn nhất đối với việc thu nhận những đức tính khác. Tôi nghĩ đến việc này là vì khả năng cho đi một cách phóng khoáng, không ích kỷ là rất khó khăn đối với bất kì ai. Nó đi ngược lại nếp cũ của bản năng con người. Nhưng bạn có thể học cách suy nghĩ một cách phóng khoáng và trở thành một người biết cho đi, điều đó dễ dàng hơn để phát triển những đức tính tốt khác: lòng biết ơn, tình yêu, sự tôn kính, tính kiên nhẫn, tính kỷ luật...
4. Tư duy phóng khoáng gia tăng chất lượng cuộc sống
Sự hào phóng được tạo ra bởi tư duy phóng khoáng giúp mọi người đánh giá cao cuộc sống và hiểu được những giá trị lớn hơn của nó. Những người cần được giúp đỡ và người giúp đỡ phụ thuộc nhiều vào bối cảnh khác nhau. Nó làm gia tăng giá trị cuộc sống của cả người cho và người nhận. Đó là lý do vì sao tôi tin rằng:
• Không có cuộc sống nào trống rỗng như cuộc sống mà mình tự cho mình là trung tâm.
• Không có cuộc sống nào trung tâm như cuộc sống tự coi mình là trống rỗng.
Nếu bạn muốn cải thiện thế giới của mình, hãy nhiệt tình giúp đỡ người khác.
5. Tư duy phóng khoáng giúp bạn trở thành một phần trong điều gì đó lớn hơn bản thân mình
Merck và tập đoàn dược phẩm toàn cầu của ông không chỉ làm ra sản phẩm và sinh lợi nhuận. Tập đoàn này có nguyện vọng phục vụ nhân loại. Vào giữa những năm 80 của thế kỷ 20, các công ty của tập đoàn đã sản xuất ra một loại thuốc có thể chữa bệnh mù sông, một căn bệnh đã lây lan và làm hàng triệu người bị mù, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Dù đó là một sản phẩm tốt, nhưng khách hàng cần đến nó lại không đủ khả năng tài chính để mua. Vậy trước tình hình đó Merck đã làm gì? Ông vẫn sản xuất loại thuốc đó và vào năm 1987, ông thông báo rằng thuốc này có thể phân phát miễn phí cho bất kì ai có nhu cầu. Đến năm 1998, công ty đã phát hơn 250 triệu viên thuốc.
George W. Merck nói: "Chúng tôi không bao giờ quên rằng thuốc làm ra là để cho người dân. Không phải để mang lại lợi nhuận. Lợi nhuận đến sau và sẽ đến một cách tự nhiên". Bài học rút ra ở đây là gì? Thật đơn giản. Thay vì cố gắng trở nên tuyệt vời, hãy trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn chính bản thân bạn.
6. Tư duy phóng khoáng tạo nên một di sản thừa kế
Jack Balousek, CEO của True North Communications, nói: "Học hỏi, kiếm tiền, trả lại - đó là ba giai đoạn của cuộc đời. Giai đoạn đầu tiên phải dành cho việc học. Giai đoạn thứ hai nên dành cho việc phát triển nghề nghiệp, trang trải cuộc sống và giai đoạn cuối cùng là việc trả lại cho người khác - trả lại với sự biết ơn, tôn trọng. Mỗi giai đoạn dường như là một sự chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo".
Nếu thành đạt, bạn sẽ có thể lưu lại một món tài sản thừa kế nào đó cho người khác. Nhưng muốn đạt được nhiều hơn nữa, để tạo nên một di sản thừa kế, bạn phải đặt nó trong lòng người khác. Khi bạn suy nghĩ một cách phóng khoáng và đầu tư vào người khác, bạn có được cơ hội tạo dựng một di sản thừa kế làm bạn sống mãi với thời gian.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẢI NGHIỆM SỰ HÀI LÒNG CỦA TƯ DUY PHÓNG KHOÁNG?
Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều nhận ra được giá trị của tư duy phóng khoáng, thậm chí một số người còn nghĩ rằng nó là một khả năng mà bạn muốn phát triển. Mặc dù vậy, nhiều người lại đang mất phương hướng trong việc quyết định thay đổi tư duy của mình. Để bắt đầu thu nhận khả năng tư duy phóng khoáng, hãy tuân theo những chỉ dẫn sau:
1. Đặt người khác lên trước
Quá trình này bắt đầu với việc nhận thức rằng mọi việc thuộc về nhiều người. Việc này đòi hỏi sự khiêm tốn và sự thay đổi trọng tâm. Trong cuốn The Povưer of Ethical Management (Sức mạnh của đạo đức quản lý), Ken Blanchard và Norman Vincent Peale viết: "Những người có sự khiêm tốn không nghĩ kém hơn về mình, họ chỉ nghĩ về mình ít hơn". Nếu bạn muốn trở nên phóng khoáng hơn trong tư duy, bạn phải dừng suy nghĩ về nhu cầu của mình và tập trung vào nhu cầu của người khác. Thánh tông đồ Paul nói: "Đừng làm gì với những khát vọng hão huyền hay tính kiêu ngạo vô ích mà hãy làm với sự khiêm tốn và coi người khác cao hơn bản thân bạn. Mỗi người không nên chỉ nhìn vào những mối quan tâm của mình mà còn phải nhìn vào mối quan tâm của những người khác". Hãy chuẩn bị cho mình về mặt cảm xúc và tinh thần để tìm kiếm những mối quan tâm cho người khác.
2. Bộc lộ bản thân mình với những tình huống mà người khác cần sự giúp đỡ
Việc bạn tin rằng mình sẵn sàng cho đi một cách phóng khoáng là một chuyện, nhưng làm được điều đó lại là chuyện khác. Để thực hiện được sự chuyển giao này, bạn phải đặt mình trong tình huống mà bạn có thể nhận ra nhu cầu của người khác và thực hiện chúng.
Những công việc để giúp đỡ người khác lúc đầu không quan trọng. Bạn có thể phục vụ ở nhà thờ, tình nguyện làm những dịch vụ chuyên nghiệp hay đóng góp vào tổ chức từ thiện. Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải học cách cho đi và hình thành thói quen suy nghĩ như một người cho.
3. Cho đi một cách thầm lặng và vô danh
Một khi bạn đã học cách cho đi, bước tiếp theo là học cách cho đi khi bạn không thể nhận lại. Luôn luôn dễ dàng hơn để cho đi khi bạn nhận được sự thừa nhận hơn là khi không một ai có khả năng nhận ra nó. Những người cho đi có thể nhận lòng biết ơn từ những người khác, bạn hãy nhớ đến những lợi ích thầm lặng mà việc cho đi mang lại về mặt tinh thần, tâm hồn và cảm xúc. Nếu bạn chưa bao giờ làm việc này, hãy thử nó.
4. Đầu tư một cách có chủ ý
Mức độ cao nhất của tư duy phóng khoáng là khi bạn sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho một người vì sự phát triển cá nhân hay hạnh phúc của người đó. Nếu bạn đã kết hôn hoặc có con, bạn sẽ hiểu được điều này từ trải nghiệm cá nhân của mình. Vợ bạn sẽ đánh giá cao điều gì nhất: tiền trong ngân hàng hay thời gian ở bên bạn? Một đứa trẻ nhỏ sẽ thích gì hơn: một món đồ chơi hay sự chú ý của bạn vào nó? Những người yêu thương bạn sẽ chọn bạn trong tất cả các thứ bạn có thể cho họ.
Nếu bạn muốn trở thành kiểu người muốn đầu tư vào người khác, hãy nhớ đến người khác và hành trình của họ để bạn có thể kết hợp với họ. Mối quan hệ nào cũng giống như mối quan hệ giữa các đối tác với các lợi ích qua lại lẫn nhau. Khi bạn tham gia vào quan hệ nào, hãy nghĩ về cách bạn có thể đầu tư vào người khác để điều đó trở thành những tình huống đôi bên cùng có lợi. Dưới đây là các cách mà một mối quan hệ có thể diễn ra:
Tôi thắng, bạn thua - Tôi chỉ thắng một lần.
Bạn thắng, tôi thua - Bạn chỉ thắng một lần.
Chúng ta đều thắng - Chúng ta thắng rất nhiều lần.
Chúng ta đều thua - Tạm biệt, đối tác!
Mối quan hệ tốt nhất là đôi bên cùng có lợi. Tại sao nhiều người không tham gia vào các mối quan hệ với thái độ như vậy? Tôi sẽ nói bạn biết tại sao? Vì hầu hết mọi người muốn chắc rằng mình thắng trước. Những người có tư duy phóng khoáng, ngược lại, tham gia vào một mối quan hệ và chắc rằng người kia thắng trước. Và việc này tạo nên tất cả sự khác biệt.
5. Liên tục kiểm tra động lực của bạn
François de la Rochefoucauld nói:"Những gì dường như là sự nhân từ thường thực ra chỉ là những ham muốn trá hình, cần xem xét một mối quan tâm nhỏ để đảm bảo mối quan tâm lớn". Việc khó nhất mà hầu hết mọi người phải đối mặt là chiến thắng lại bản năng của mình, là đặt mình lên trước. Đó là lý do vì sao bạn phải liên tục xem xét những động lực của mình để chắc rằng mình không bị cuốn vào vòng xoáy của sự ích kỉ.
Bạn có muốn kiểm tra những động lực của mình không? Vậy hãy làm theo tấm gương của Benjamin Franklin. Mỗi ngày, ông tự đặt ra hai câu hỏi cho chính mình. Khi dậy vào buổi sáng, ông sẽ hỏi: "Tôi sẽ làm điều gì tốt trong ngày hôm nay?" Và trước khi đi ngủ, ông lại hỏi: "Tôi đã làm gì trong ngày hôm nay?" Nếu bạn có thể trả lời hai câu hỏi này bằng lòng vị tha và sự trong sạch, bạn đang đi đúng hướng.
HÃY CHO ĐI KHI BẠN VẪN CÒN TRÊN CÕI ĐỜI NÀY
Vào mùa thu năm 2001, nhân sự kiện 11 tháng 9, tất cả chúng ta đều chứng kiến một ví dụ về tư duy phóng khoáng, không giống như tất cả những gì chúng ta đã từng nghĩ trước đây về người Mỹ. Khi tôi vừa mới giảng xong một bài học về lãnh đạo thì trợ lý của tôi, Linda Eggers, đến phòng thu và báo cho tôi biết thảm họa này. Như hầu hết người Mỹ, tôi dán mắt vào màn hình ti vi cả ngày và nghe báo cáo của lính cứu hỏa, cảnh sát trong tòa nhà Thương mại Thế giới về việc giúp đỡ mọi người, không hề nghĩ đến sự an nguy của bản thân mình.
Trong những ngày sau vụ thảm họa, hàng triệu người Mỹ bày tỏ tâm nguyện lớn được làm một việc gì đó giúp đỡ việc khắc phục thảm họa này. Tôi cũng có mong muốn đó. Công ty tôi lên lịch tổ chức một buổi tập huấn phát sóng trên truyền hình vào ngày 15 tháng 11, ngày thứ Bảy sau vụ thảm họa. Nhóm lãnh đạo chúng tôi quyết định thêm vào cuối chương trình dài một tiếng rưỡi có tên "Lời cầu nguyện của người Mỹ". Trong đó, bạn tôi Max Lucado viết và đọc một đoạn kinh cầu nguyện, diễn tả nỗi đau từ con tim của hàng triệu người. Franklin Graham cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo đất nước chúng tôi. Jim và Shirley Doson đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ về việc làm thế nào để giúp con cái mình đối mặt với thảm họa. Bruce Wilkinson và tôi kêu gọi khán giả ủng hộ tài chính cho các nạn nhân của vụ 11/9. Thật kì diệu, họ đã quyên được 5,96 triệu đô la, một khoản tiền mà tổ chức Tầm nhìn Thế giới trân trọng và đồng ý phân phát cho những người có nhu cầu. Thế đấy, tư duy phóng khoáng và việc dâng hiến đã biến những thời khắc u tối thành thời khắc của ánh sáng và hy vọng.
Gần hai tuần sau thảm họa này, tôi đã có thể đến thăm Ground Zero ở thành phố New York. Tôi đến thăm địa điểm bị tàn phá, để cảm ơn những người đàn ông và phụ nữ đã giúp dọn dẹp những đống đổ nát và cũng để cầu nguyện cho họ. Tôi thực sự không thể tin được những gì mình nhìn thấy. Tôi đã đến New York hàng chục lần. Đó là một trong những địa điểm ưa thích của tôi trên thế giới. Vợ chồng tôi đã lên trên tòa tháp đôi rất nhiều lần trước đây và có những kỷ niệm tuyệt vời về khu vực này. Chúng tôi đã nhìn vào nơi mà trước đây là tòa tháp đôi từng đứng sừng sững và giờ thì không nhìn thấy gì ngoại trừ bụi, gạch vụn và bê tông xoắn lại - thật là không thể tả nổi.
Điều mà nhiều người Mỹ không nhận ra là trong vòng nhiều tháng mọi người đã làm việc một cách chăm chỉ để dọn dẹp hiện trường. Nhiều người trong đó là lính cứu hỏa và công nhân ở New York. Những người khác là tình nguyện viên. Và khi họ nhìn thấy những gì còn sót lại của một người nào đó trong đống đổ nát, họ gọi nhau trong im lặng và đưa chúng ra ngoài một cách cung kính.
Vì là một linh mục, tôi được đề nghị mặc áo mục sư khi vào khu vực. Khi tôi đang đi xung quanh, nhiều công nhân nhìn thấy và nhờ tôi cầu nguyện cho họ. Tôi coi đó như một vinh dự lớn.
Nhà giáo dục người Mỹ Horace Mann nói: "Hãy biết xấu hổ nếu cả ngay đến khi chết mà bạn vẫn chưa đạt được vinh quang gì đó cho nhân loại". Theo tiêu chuẩn này, những người lính cứu hỏa ở New York thực sự đã sẵn sàng để chấp nhận cái chết. Nhiệm vụ mà họ phải gánh vác thật sự anh hùng. Bạn và tôi có thể không bao giờ được yêu cầu phải hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác như họ. Nhưng chúng ta phải đóng góp giúp đỡ người khác theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể trở thành những người có tư duy phóng khoáng luôn luôn đặt người khác lên trước và tăng thêm giá trị cuộc sống cho họ. Chúng ta có thể làm nhiều việc tốt hơn giúp đỡ họ để họ có thể tiến xa hơn là mình nghĩ.
CÂU HỎI SUY LUẬN
Tôi có liên tục xem xét người khác và quá trình làm việc của họ để tìm cách kết hợp cao nhất với họ không?