Story 35: Không lạc mất nhau

Mỗi tuần ba ngày, tôi đóng vai linh vật cho một nhãn hàng nước uống mới ra mắt. Nhiệm vụ của tôi là đứng làm hoạt náo viên và chụp hình với những người yêu thích chú khủng long màu vàng to đùng. Buổi sáng, tôi tranh thủ làm hết bài tập trên trường. Buổi chiều, tôi chạy đến trung tâm thương mại cách đó 5 cây số để làm thêm. Người ta đồng ý nhận tôi ngay vì chỉ có một đứa con trai cao 1m78 và khỏe mạnh mới đủ sức vác bộ đồ nóng phát ngốt và nặng trịch đó.

Công việc được trả lương khá hậu hĩnh, có lẽ cũng vì tôi siêng chạy đi chạy lại và lúc nào cũng nhiệt tình với khách hàng. Tôi không ngại nóng vì tôi cảm thấy an toàn khi che đi khuôn mặt có một vết sẹo kéo dài bên má trái do một tai nạn hồi nhỏ. Tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc có nên tiếp cận với một ai đó ngoài giờ làm bằng khuôn mặt thật của mình, nếu như tôi không gặp An.

An đến vào một buổi chiều thứ Hai oi bức. Cô ấy là ca sĩ được công ty mời đến quay clip ca nhạc quảng cáo cho nhãn hàng. Cái tên Doanh An đang rất nổi tiếng. Fan của An đông, antifan cũng đông không kém. Người ta có thế ghét một ca sỹ vì rất nhiều lý do, nhưng lý đo được sử dụng nhiều nhất cho An là "chảnh”. Cô ấy hiếm khi cười, và rất lạnh lùng với fan cũng như các đồng nghiệp. Bạn có thể miêu tả An bằng đủ loại tính từ, trừ từ "thân thiện”. Các anh chị quản lý đã dặn tôi rất kỹ: Không được bén mảng đến khu vực ghi hình của ca sỹ, không được động vào đồ đạc của họ, kẻo xảy ra chuyện gì thì phiền phức lắm.

Tôi ghi nhớ rõ, và từ khi mặc bộ đồ khủng long vào, tôi không hề đến gần chỗ An.

Nhưng rõ ràng là cứ phải có chuyện xảy ra thì ông trời mới hài lòng. Tổ đạo cụ bên An đã lấy nhầm cái găng tay bằng bông của con khủng long linh vật do kiểu dáng khá giống nhau. Nhưng cái tay con khủng long màu vàng và cái đạo cụ kia màu xanh, tôi mà mang một tay vàng một tay xanh thì lại bị trừ lương do làm hỏng "hình tượng". Không dám nói với ai vì mọi người đều đang bận rộn, tôi lặng lẽ đi vào phòng của ê- kíp để lấy lại bàn tay của con khủng long. Đúng lúc ấy, túi đồ ăn vặt tôi mang theo va vào cốc nước trên bàn và cốc nước đổ ngay xuống bộ váy đầm màu trắng. Tôi còn đang đơ ra thì An đẩy cửa bước vào. An không cần nói lời nào tôi cũng hiểu ra bộ váy này là của An. Tôi, trong bộ đồ linh vật, bất động nhìn An. Cô ấy cũng nhìn tôi chằm chằm với bàn tay vẫn còn đang đặt trên nắm cửa. Hàng loạt giả thiết chạy xẹt qua đầu tôi: Một là tôi sẽ xin lỗi rất chân thành và chấp nhận mọi lời trách móc, rồi nghỉ việc; hai là tôi... bỏ chạy. Thế rồi, An bỗng nói:

- Cái túi đó, là đồ ăn hả?

Mất một lúc tôi mới hiểu là An đang nói cái túi đồ ăn vặt tôi đeo bên hông. Tôi lúng túng đáp:

- Ừ.

- Của cậu à?

- Ừ.

- Cho tôi ăn với được không?

Lại mất thêm một lúc nữa, tôi mới hiểu ra là An muốn ăn ké đồ ăn của tôi, chứ không hề quan tâm gì đến cái váy. Tôi lập tức tháo cái túi ra rồi đưa cả cho An. Cô ấy cũng không khách sáo, vạch túi ra và bắt đầu lấy mấy bịch bánh tráng và cơm nắm của tôi ra ăn. An tháo giày, dùng một sợi thun lượm được dưới sàn, cột tóc lên và ngồi thu chân trên ghế, ăn hết sức ngon lành. Tôi chẳng biết phải làm gì, đành đứng đực ra đó nhìn An ăn. Ăn xong, An gói túi đồ lại, dùng khăn giấy lau miệng, rồi cô ấy ngồi duỗi chân ra như thể đang chờ cho thức ăn tiêu hóa hết.

- Cảm ơn cậu!

An nói xong thì vụt đứng lên rồi đi ra khỏi phòng. Tôi chẳng kịp nói gì về cái váy.

Nhưng An vừa đi xong đã quay lại, ló đầu ra bên ngoài cánh cửa và nói:

- Nước là tôi làm đổ, không phải cậu. Thế nhé!

Tôi nhìn cái váy trắng loang lổ nước, quyết định nhanh chân chuồn ra khỏi phòng. Thế là tôi đã đánh đổi một bữa cơm trưa để không bị mất việc. Khi trở về chỗ, tôi nghe tiếng tổ đạo cụ cằn nhằn về việc An đã làm đổ nước ngọt lên chiếc váy trắng quan trọng trong cảnh diễn. Cô ấy chỉ đơn giản nói "Xin lỗi" và không nói gì thêm. Khi mọi người bắt đầu đi tìm chiếc váy khác, thì tôi đến cạnh An và nói:

- Cảm ơn cậu!

- Chắc là ngày mai sẽ phải quay tiếp, chiều nay tôi có lịch rồi. Ngày mai cậu mua đồ ăn hộ tôi nhé. Tôi sẽ trả tiền cho cậu.

- Không phải trả tiền đâu. An thích ăn gì?

- Cậu ăn gì thì mua cho tôi cái đó.

Ngày hôm sau, tôi không có lịch làm nhưng tôi đã xin chị quản lý đổi lịch dùm tôi. Buổi trưa An lại đến trung tâm thương mại, lần này cô ấy mặc bộ váy màu xanh nhạt. Diễn xong vừa đến giờ nghỉ trưa, An kéo tay tôi lên khu ẩm thực, đến một góc khuất có bàn dư và cùng ngồi xuống. Tôi đem bữa trưa gồm cơm nắm, gà kho gừng và một ít rau xào. Trong khi An ăn thì tôi ngồi nhìn. An hỏi:

- Cậu ăn không?

- Tôi ăn rồi.

- Cậu không cởi bộ đồ ra?

- Tôi thấy ổn.

- Cơm ngon quá!

Câu cuối An vừa nói vừa cười. Cô ấy cười rất xinh. An nói cô ấy chẳng bao giờ ăn uống đầy đủ, lịch chạy show quá nhiều, quản lý thì nhớ mỗi lịch diễn cũng đã đủ mệt đứt hơi. An ghét thức ăn nhanh, bữa cơm hôm qua và hôm nay đã cứu cô ấy. An bảo tôi cùng đi với cô ấy một vòng trung tâm cho tiêu cơm. Chúng tôi thả bộ từ từ cạnh nhau, không nói gì nhiều. An cũng không bắt tôi phải cởi đồ linh vật ra. Thỉnh thoảng An ghé vào những quầy bán thú bông, ngắm nghía một tí rồi lại trở ra. Dọc đường đi, rất nhiều người nhận ra An, nhưng không ai đến gần xin chữ ký hay chụp ảnh cùng. Sự lãnh cảm và thiếu thân thiện của An đã trở thành một bức tường vững chắc, đủ sức ngăn cản bất kỳ ai muốn lại gần cô ấy. Do dự một lát, tôi quay sang hỏi An:

- Cậu ghét fan lắm à?

- Tôi không ghét fan, tôi chỉ thấy mình không đủ sức đáp ứng hết mong muốn hay kỳ vọng của fan. Những buổi nói chuyện với fan thực sự rất vui, ai cũng bảo tôi nên xây dựng hình tượng một cô ca sĩ thân thiện và hòa đồng, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy đuối sức.

An nói xong vừa đúng lúc chúng tôi quay lại chỗ quầy hàng tôi làm việc. Chị quản lý hối An chạy đến nơi biểu diễn khác. An mở rộng hai tay, nói với tôi:

- Cho tôi ôm cậu một cái được không?

Rồi không đợi tôi trả lời, An ôm chầm lấy tôi. Cách một lớp vải dày, tôi vẫn cảm thấy cái ôm hết sức dịu dàng và thân thiết của cô ấy. An vừa ôm tôi vừa lắc lư người, cô ấy nói:

- Hồi nhỏ tôi cũng thích mấy con khủng long bằng bông lắm. Lớn lên, tôi đã bỏ quên nhiều thứ quá.

Rồi An ra về. Tôi đứng ngẩn ngơ ở cổng trung tâm thương mại. Tôi không ngửi thấy mùi tóc An, tôi chỉ ngửi thấy mùi mồ hôi trong bộ đồ ngột ngạt. Tay tôi cũng không chạm được đến tóc cô ấy, nhưng tôi có thể tưởng tượng chúng mát và mềm mại thế nào.

Hôm sau, tôi không có lịch làm, nhưng vẫn đến trung tâm thương mại, không biết để làm gì. Bỗng tôi thấy An loanh quanh ở khu bán nước. Cô ấy nói gì đó với con linh vật khủng long. An không biết hôm nay không phải ca của tôi. Con khủng long lắc đầu, xua tay, nói gì đó. Chắc An hiểu ra, nên cô ấy gật đầu chào và quay đi. Cô ấy đi ra khỏi trung tâm thuơng mại, đi lướt qua tôi. Cô ấy không biết tôi là con khủng long đã mang cơm cho cô ấy.

Tôi đạp xe về trong vô thức, đầu cứ nghĩ đến việc An quay lại là để tìm tôi. Trong lòng tôi hy vọng An đến tìm tôi chỉ để gặp tôi mà thôi, nhưng tôi cứ tự nhủ rằng, chắc An cần nhờ gì tôi, hoặc An để quên gì đó, cốt để bản thân đỡ hy vọng.

Ngày hôm sau, tôi mặc bộ đồ khủng long mà cứ ngóng ra cửa mãi. Mấy anh chị nói hôm qua An đến tìm tôi, nhưng không biết vì chuyện gì. Tôi chờ suốt cả ngày hôm đó, nhưng An không đến. Phải đến ca làm tiếp theo nữa, tôi mới thấy An xuất hiện. An mặc áo sơmi trắng, váy jeans, đứng đối diện nhìn tôi chằm chằm như thể muốn nhìn xuyên qua lớp vải bông. Tôi nói hôm nay tôi không mang đồ ăn trưa, tụi mình đi ăn đi. An cười:

-  Đúng là cậu rồi, tôi cứ linh cảm là cậu, nhưng không dám nói.

-  Sao cậu nghĩ là tôi?

- Không biết sao, chỉ có cậu mặc bộ đồ khủng long này thì trông con khủng long mới vui vẻ.

Tôi không ăn, như mọi khi. An gọi một suất cơm lớn, khi chuẩn bị ăn thì phát hiện quên mang sợi thun cột tóc. Tôi vòng tay túm mớ tóc dài sau gáy lên trong khi An ăn. Cô ấy ăn rất nhanh, tôi nhắc An ăn chậm thôi, kẻo đau bao tử, cô ấy liền ăn chậm lại. Tôi phát hiện thực ra An rất ngoan, rất biết nghe lời, hễ tôi nói đúng thì An sẽ nghe lời tôi.

Ăn xong, bọn tôi lại dạo một vòng trung tâm. An kể cho tôi nghe chuyện hôm nay cô ấy nghe mấy đồng nghiệp nói cô ấy là con nhỏ mặt đơ, MC cố tình lờ cô ấy đi, chỉ là kể chứ không bình phẩm gì hơn. Rồi cô ấy hỏi trường tôi thế nào, có gì vui không? Tôi nói học bài không thấy gì vui, nhưng ngủ trong giờ học thì vui. An chỉ thích Văn, Sinh, Sử. Tôi chỉ ghét Văn, Sinh, Sử. An nói đã lâu không đi học, giờ kiếm được tiền rồi thì ít đi học hẳn. An ít bạn, từ khi đi hát lại càng ít hơn. Hôm vừa rồi, chị quản lý hỏi An buổi trưa hay đi đâu, An nói đi tìm khủng long, ăn cơm trưa. Chị quản lý không hiểu gì cả, An vừa nói vừa cười. Tôi phát hiện cô ấy có một cái răng khểnh.

An hỏi lịch làm việc của tôi, rồi cứ đúng giờ lại đến rủ tôi đi ăn cơm trưa. An cũng chẳng bao giờ hỏi tôi tại sao chỉ nhìn cô ấy ăn chứ không ăn. Cô ấy chỉ đơn giản là khi ăn muốn có tôi ở đó, rồi nói những câu chuyện chẳng đâu vào đâu. Thỉnh thoảng An hát cho tôi nghe mấy bài trong album của cô ấy, nhưng không có đoạn auto-tune và beat, nghe mộc mạc hơn rất nhiều. Trước khi ra về, lúc nào An cũng ôm tôi một cái rồi mới chịu đi. Cũng có khi tôi vòng tay ôm lại An, những lúc ấy, An có vẻ vui hơn nhiều.

Cô ấy nói lúc nào cũng thích được một chú khủng long ôm.

Tôi nghĩ tôi thích An.

Tôi thích những lúc đi cạnh cô ấy, nghe cô ấy nói những chuyện vụn vặt thường ngày. Lúc cô ấy ôm con khủng long, tôi lại muốn cô ấy ôm tôi. Tôi không thích ca sĩ Doanh An, tôi chỉ thích An hay đi ăn cơm trưa cùng tôi. An không muốn làm ca sĩ nổi tiếng nhưng lại thích hát vô cùng. An không biết chiều fan nhưng chưa bao giờ làm fan thất vọng. Nhưng tôi không hài lòng với bản thân. Vết sẹo trên má trái tôi bỏng rát mỗi khi An cười với tôi. Hay tưởng tượng An bị phát hiện đi cạnh tôi xem, ngày hôm sau báo chí sẽ đem cô ấy ra mà dè bỉu. An sẽ trở thành đề tài cho dư luận soi mói.

Tôi xin nghỉ việc và đổi luôn số điện thoại phòng khi An xin chị quản lý số điện thoại của tôi. Dạ dày tôi cồn cào mỗi khi đi ngang trung tâm thương mại, tôi cố ngăn mình liếc nhìn vào bên trong, và mỗi lần làm thế, tôi lại ghét vết sẹo trên mặt mình kinh khủng.

Một tuần trôi qua, rồi một tháng trôi qua. Tôi vẫn theo dõi tin tức của An, cô ấy xuất hiện ở gần công viên nhà tôi, cô ấy ra singer mới, cô ấy đã chịu chụp hình với fan. Tôi đi học, đi làm thêm, đi luyện thi, mỗi ngày một nhiều việc. Tôi không còn lượn qua trung tâm thương mại mỗi ngày, tôi cố quên cái ôm của An.

*

Fanpage của An đăng một tấm ảnh chú khủng long nhồi bông có khuôn mặt cúi đầu buồn bã, kèm caption "Tôi muốn đứng ở trạm xe buýt, chờ một người có lẽ sẽ không bao giờ đến". Trước cửa trung tâm thương mại có một trạm xe buýt. Tôi không bao giờ đi xe buýt, nhưng tôi đã giả vờ rằng chiếc xe máy của mình cần một thời gian nghỉ để đến đứng ở trạm xe buýt. Bây giờ thì tôi lại đi xe buýt, chỉ để có thể nhìn An qua cửa kính xe. Hôm nay, An mặc cái váy trắng mà tôi đã từng làm đổ nước ngọt lên. Đốm đỏ loang trên váy như một Mặt Trời nho nhỏ trên nền mây trắng tinh. Tôi ngồi ở trạm chờ xe buýt một thời gian khá dài, chỉ để theo dõi An từ xa. Bầu trời tối dần, thành phố lên đèn rực rỡ. Đã 7 giờ, chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày sắp rời bánh. Tôi nghĩ, sau ngày hôm nay, tôi sẽ không bao giờ quay lại trạm xe buýt này nữa. Đang suy nghĩ miên man thì tiếng nói quen thuộc vang lên phía sau làm tôi giật bắn:

- Bạn có lên không?

An đứng ngay phía sau tôi. Hóa ra cô ấy cũng đi xe buýt. Tôi bối rối tới mức quên cả trả lời câu hỏi của An. Tôi hấp tấp bước lên xe, chọn đại một ghế trống gần nhất đế ngồi. An chẳng nói gì thêm. Cô ấy chọn chỗ ngồi ngay bên cạnh tôi. Chuyến xe cuối ngày chỉ có hai chúng tôi là hành khách.

Ngồi cạnh An, mặt tôi đỏ lựng lên, vết sẹo trên má cũng nóng bừng lên, bỏng rát. Thế rồi, An bất ngờ quay sang phía tôi, xòe váy ra, ngay chỗ bị nước ngọt đổ loang lổ và nói:

- Khủng long, tớ không có số điện thoại của cậu, nhưng tớ có ảnh của cậu. Cậu không biết chị quản lý đã chụp lén cậu, đúng không?

Tôi lặng thinh. Từ chỗ An ngồi, có thể thấy rất rõ vết sẹo của tôi, nó chạy dài từ thái dương xuống gần mé ngoài lỗ tai. An sờ lên vết sẹo của tôi, hỏi:

- Vì cái này à?

Tôi gật. An nói:

- Thế thì tốt rồi, có cái này để nhận diện, tớ sẽ không bao giờ lạc mất cậu nữa.

- Không tốt cho cậu đâu.

- Tớ thấy ổn. - An lặp lại câu nói của tôi hôm nào.

Tôi im lặng vì không biết mình phải nói tiếp những gì. An bất ngờ nắm tay tôi, tay cô ấy mềm nhưng cái nắm tay rất chắc. Tôi cứ đế yên tay mình trong tay An. Đây là lần đầu tiên tôi không thấy mặc cảm vì vết sẹo trên mặt mình. Đây cũng là cái nắm tay đầu tiên của tôi, An cũng là người con gái đầu tiên và có lẽ là duy nhất tôi thích, tôi nhớ, tôi mong được gặp mỗi ngày.

Chúng tôi lặng lẽ ngồi cạnh nhau, có lẽ không đứa nào biết chuyến xe buýt này sẽ dừng ở điểm nào, nhưng có hề gì, chúng tôi đang ở bên cạnh nhau, thế là đủ.

Bảo Châu

Chia sẻ từ tác giả:

Tớ đã từng thích một người, cũng chính là phiên - bản - con - trai  -của - tớ. Cậu ấy cao chừng 1m80, hơi gầy, rất thích uống cacao nóng và mê đọc sách. Tớ thường gặp Q. (tên cậu ấy) trong thư viện trường và quán cafe gần trường học. Cậu ấy khá nổi tiếng trong trường nên việc tìm kiếm thông tin về cậu ấy không khó. Tớ có thể tìm cách ngồi cùng bạn và bắt chuyện làm quen với Q. nhưng tớ không làm được.  Tớ sợ cậu ấy có cảm giác bị làm phiền, tớ cũng sợ mình sẽ nói một điều gì đó thật sự ngu ngốc. Tớ đã tự gạt qua mọi cơ hội để làm quen với Q. Chỉ đến khi Q. chuyển trường và hoàn toàn biến mất, tớ mới thấy hối hận. Qua câu chuyện này, tớ chỉ muốn nói rằng. Bạn có thể đánh mất cơ hội bày tỏ tình cảm của mình vì một lý do chính đáng nào đó mà không hề biết rằng, với ai-đó, lý do đó thực sự không quan trọng. bằng chính bản thân bạn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện