Buổi sáng- Hợp Phố
1 Buổi sáng. Chuông đòng hồ reo toáng loạn lên cũng không lôi tôi khỏi cái chăn bông cũ ấm sực được. Buồng trong mẹ húng hắng ho rồi nửa như hỏi, nửa như nói thầm một mình "Sáng nay có đi học không con?" Tôi cuống cuồng chồm dậy, vội vàng "Con đi đây mẹ ạ" rồi nhoáng nhoàng ra sân, nhoáng nhoàng quay trở vào, quơ một đống sách vở bỏ vào balô. "Mẹ, con để ba nghìn trên bàn. Tí nữa mẹ nhớ ăn sáng nhé". Không thấy tiếng mẹ trả lời. Tôi kéo dài cái balô lên vai, chạy bình bịch ra ngõ. Nhanh lên không lỡ xe buýt bây giờ.
2 Có lẽ vẫn còn sớm lắm. Trời lạnh, mặt đường trắng loá vì hanh hao. Có cái gì nao nao như không khí sáng mùng một Tết, đường vắng tanh, chỉ loe hoe vài đứa trẻ con, má hồng rực lên, mắt nheo tít vì gió, đang ti toe áo mới túm tụm chơi, trước thềm. Nhưng bây giờ chưa đến Tết, trên vỉa hè chỉ đứng chơ vơ mỗi một thằng nhóc cỡ chừng lớp một lớp hai, tóc nâu như tơ thòi ra dưới cái mũ dạ, trên vai là cái cặp đỏ to đùng, có lẽ phải gấp đôi người nó. Ông nhóc đứng tần ngần bên đường, vẻ như đợi ai sẽ dắt nó băng ngang cái lòng đường vắng ngắt nhưng rộng thênh thang kia.
- Êu! Nhóc! Sang đường không! - Tôi gọi.
Thằng nhóc ngẩng lên, mắt chớp chớp tin cậy, để tôi bám vào cái cặp đỏ, đẩy nó lon ton qua đường. Sang đến nơi, ông nhóc không mở miệng, chỉ nhìn tôi tha thiết lắm rồi hấp tấp chạy mất. Tôi cũng cuống cuồng chân chạy về phia sngược lại. Nhanh lên không lỡ xe buýt bây giờ.
3 Cứ nhìn tháy đứa sinh viên nào trên tuyến xe buýt lúc bảy giờ là biết ngay: Lại một nhân vật đi học muộn. Tại các trường vừa đồng loạt, đổi giờ vào lớp sớm lên 15 phút đây mà, nên đứa nào chăm chỉ toàn phải đi từ 6h45''''''''''''''''. Đưa tờ một nghìn nhàu nhĩ cho ông lơ xe, tôi lập tôi lập tức lôi trong balô quyển "Chiến tranh và hoà bình" dày cộm, chúi mắt vào đó. Xe chưa đông lắm, toàn công nhân, những người làm ở mạn Cao xà Lá mặt mày hớt hải còn nguyên cái sững sờ của một người vừa bị lôi khỏi hcăn ấm, Còn sớm còn sớm. Hãy cứ bình yên mà xem số phận Andrey và Natasa như thế nào.
4 Ô chợ dừa. Có hai con bé dúi dụi trong đám người chen lên xe. Đã đông nhịt rồi đây. Một đứa tóc dài tết sau lưng, trông rất chỉn chu. Con bé kai tóc lưng lửng, buộc bằng sợi chun màu mè sặc sỡ. Cả hai mặt quần bò vảy xắn lên mấy gấu., giày buộc giây giá 40.000đ một đôi. Áo khoác dạng jacket đại hạ giá màu vỏ đỗ - hơi già nhưng sạch sẽ. Hai đứa nhìn quyển sách trên tay tôi, vẻ e dè nể phục lắm, rồi ríu rít vào câu chuyện xung quanh một bộ phim truyền hình nhiều tập nào đấy. Thì cũng như bao câu chuyện khác. Có hai anh chị yêu nhau, rồi thêm thắt chút sóng gió phong ba bão táp gì đó rồi cuối cùng đến được bên nhau với một cái ending hạnh phúc, vân và vân vân. Xe chạy vất vả trong dòng người đang giờ đi làm. Thỉnh thoảng cái phanh kêu két lên thất thanh. Và cả một khối mấy chục con người chao đảo đổ xô về phía trước. Không sao, đang rét, càng vui, càng ấm. Chỉ có dân đi xe buýt thành thần mới có kiểu đứng dồn toàn bộ trọng lực cơ thể xuống mười đầu ngón chân bám chặt vào sàn, có bị nghiêng ngả, thì cũng chỉ nghiêng ngả theo ý mình. Con bé tóc lưng lửng vừa đưa tay lên vuốt tóc, chắc là làm điệu với thằng con trai nào trong cái đám lố nhố cuối xe. Ở cổ tay nó hơi loé sáng - một cái đồng hồ mặt mạ vàng dây da, còn khá mới. Tôi tính nhanh trong đầu: Mua vào khoảng hai trăm, bán rẻ cũng được đến một trăm.
5 Xe chạy đến gần Tổng hợp, con bé tóc dài quay sang cười cười rồi lách ra phía cửa. Tôi thò tay vào túi áo, mảnh dao bá xíu nằm gọn giữa kẽ ngón tay. Xe dừng lại một thoáng, đủ để dồn một đống người xuống và đón nhận một hai người lên. Chạy tiếp. Một thằng oắt con lạng cái xe Su Sport giữa đường làm phanh xe lại kêu rít lên. Tôi đổ xô về phía con bé tóc ngắn. Cái đồng hồ đứt dây sau một nhát cắt ngọt xớt, rơi vào ống tay áo tôi. Một bác đứng bên cạnh càu nhàu "xe với chả cộ. Chắc cố chạy về cho đúng giờ đây mà". Tôi lưng lửng cười toe một cái vẻ ủng hộ. Mấy cái răng chìa ra. Tôi đưa quyển sách gí sát vào mặt, tay kia với lên thanh vịn trên cao. Cái đồng hồ men theo ống tay áo rơi tọt vào túi áo bên trong, lạnh như có ai nhét cục đá vào người.
6 "Bách hoá Thanh Xuân Bắc ai xuống ra cửa nào!"
Ông lơ xe gào lên một câu dài hơi nhue thế. Con bé tóc lửng giơ tay định xem giờ. Mặt nó tái mét. Nó ngẩng lên nhìn mọi người đầy sợ hãi, rồi lại lập cập vuốt vuốt hai cổ tay một lần nữa, hy vọng cái đồng hồ chỉ quanh quẩn đâu đây. Nó lục túi. Nó nắn kĩ hai túi quần bò. Nó nhìn quanh quất trên sàn. Rồi nó lại ngẩng lên, mồm há hốc định kêu. Kêu ai bây giờ. Không ai hay biết. Một chị phòng thuế nét mặt nhàu nhĩ mệt mỏi. Và tôi - một chị sinh viên quần áo bóng loáng với quyển sách dày cộm trên tay. Con bé há miệng, những cái răng chìa chìa ra. Mắt nó ứ đầy nước. Bây giờ chỉ cần chớp mắt là từ hai cái hốc mắt sẽ chảy ra đầy những nước là nước. Tiếc của, sợ hãi, hay chua chát. Tôi không biết. Tôi chỉ thấy lành lạnh như có ai nhét cục đá trong người.
7 Cũng đã có lúc tôi đã có cảm giác như thế. Cái cảm giác của một đứa trẻ bị đứa lớn hơn bắt nạt, nhưng vẫn cố nhơn nhơn ra vẻ ta đây không sợ. Cái cảm giác của mẹ bị họ hàng và bạn bè bố rẻ rúng, bị bố dứt áo ra đi theo người khác. Bố và mẹ cũng đã yêu nhau, rồi cũng có sóng gió phong ba thêm thắt vào, nhưng rồi chẳng có cái ending hạnh phúc nào hết, chẳng có đứa con nào được sinh ra từ hạnh phúc và tình yêu, mà chỉ có tôi, lớn lên từ trong thù hận và muộn phiền. Cái cảm giác nhục nhã vì bị khinh rẻ, nó còn đáng để ứa nước mắt hơn là nỗi đau mất của. Tôi an ủi mình như thế. Rồi nhìn con bé, nó vẫn đang cố trợn mắt lên để nước mắt khỏi tràn ra. Ngày mới vào nghề, đại ca còn dạy tôi: "Nhân đạo là tự sát. Tàn sát để tự vệ cơ mà". Mình thương bó. Ai sẽ thương mình. Cái đồng hồ này, ít ra cũng sẽ là mấy vỉ thuốc bổ cho mẹ. Cái cục đá trong người tôi đã tan ra mất, nhỏ từng giọt xuống, lạnh buốt.
8 Tôi xuống xe chỗ Ngoại ngữ. Tôi xuống xe mà không nhìn gì cả. Bao giờ cũng thế, tôi chỉ lên xe, xuống xe mà không quan tâm cái xe này bắt đầu ở điểm nào và kết thúc tại đâu.
9 Tối xuống xe, tần ngần một lúc rồi quay lưng sang đường. Tôi không vào trường. Tôi sẽ đi chuyến xe buýt đi ngược lại. Trên những chuyến xe luôn chật chội và luôn có cơ hội cho những lưỡi dao.
10 Bên vệ đường. Đứng chơ vơ một thằng nhóc mũi đỏ, mắt xoe tròn. Nó đứng đó, chờ đợi, một người lớn nào đó sẽ chìa tay ra, dắt nó qua đường.