Điều tan vỡ đã vỡ tan rồi

Tôi dậy trễ. Mẹ phải chở tôi đến trường cho kịp giờ học. Lúc ngang qua ngã tư, tôi thấy Bảo đang đạp xe chậm rãi dường như chẳng nghĩ gì đến giờ giấc. Mẹ nói khẽ:

"Bảo kìa con."

Nhưng tôi im lặng, ra vẻ đang chăm chú nhìn gì đó mà không nghe thấy lời mẹ. Tôi không muốn cất tiếng gọi Bảo, tôi sợ như nhiều lần trước, Bảo sẽ lại làm ngơ, lạnh nhạt với tôi. Tôi không muốn cái cảm giác đó một lần nào nữa, đặc biệt là ngay trước mặt mẹ. Sẽ có rất nhiều câu hỏi. Và dù là dịu dàng hay an ủi, tôi biết, những câu hỏi đó chỉ càng làm tôi nhìn thẳng vào sự thật: Một điều gì đó vỡ tan rồi.

1.       Tôi với Bảo gặp nhau lần đầu tiên hồi nào tôi cũng không còn nhớ nữa. Hồi nhỏ, mẹ hay chở tôi tới nhà Bảo chơi. Hai đứa tôi hay ngại ngùng nhìn nhau, nhưng chẳng khi nào nói chuyện. Giữa những đứa con nít thích nép sát vào mẹ, dường như có một ngăn cách vô hình làm chúng chỉ thích quan sát nhau. Bảo bằng tuổi tôi, nhưng nó thấp và ốm hơn tôi. Trong lúc hai bà mẹ nói chuyện, tôi lặng lẽ coi Bảo chơi một mình. Nó có một mô hình lắp ghép rất đẹp, một cây súng nước to đùng và những tấm thẻ bài truyện tranh. Tôi thích mê tơi đống đồ chơi của nó. Tôi biết, chỉ cần bước lại gần, thằng nhóc hiền lành đó sẽ cho tôi chơi chung ngay. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại chỉ đứng nhìn trong suốt một thời gian dài đến vậy. Dù rất muốn mở lời, nhưng tôi đã nhút nhát đợi chờ một điều khác lạ.

Điều ấy cuối cùng cũng đến. Mẹ có việc gửi tôi ở nhà Bảo. Tôi nhìn nó chơi suốt cả buổi sáng mà không có mẹ để thỉnh thoảng chạy lại thủ thỉ điều gì, tôi buồn chán ghê gớm. Lúc ấy, Bảo đang đổ đầy nước vào cây súng. Nó bắn thử lơ đãng và trúng vào tôi. Tôi đứng ngẩn nhìn nó. Bảo có vẻ hơi sợ, nó ấp úng đưa cây súng cho tôi, rụt rè.

“Nè, bắn lại cho huề đi."

Tôi bật cười. Bảo hơi ngơ ngác rồi cũng cười. Chúng tôi bắt đầu chơi cùng nhau. Chơi vui đến nỗi tối hôm đó, mẹ đến đón, tôi dùng dằng không muốn về. Bức tường giữa hai đứa đã tan như mây trôi. Nhũng kỉ niệm của tuổi thơ thật đẹp.

2.       Cấp Hai, tôi và Bảo học sát lớp nhau. Bảo không cao lên, vẫn nhỏ thó, hiền lành nhưng lại trở nên lạ lẫm. Khi tôi vui mừng vẫy tay chào nó, hoặc thỉnh thoảng chạy đến nói chuyện khi nó đang ngồi cùng mấy cậu bạn trong giờ chơi, Bảo đều trả lời nhát gừng như lảng tránh. Rồi nó kiếm cớ lỉnh đi.

Lâu lâu, tôi hiểu ra rằng Bảo ngại nói chuyên với tôi ở trường. Có lẽ đám bạn của nó chọc ghẹo gì dó. Nên nó làm lơ tôi. Ban đầu thì tôi không thấy buồn, chỉ thấy hơi ngạc nhiên và tủi thân. Nhưng rõ ràng một lần nữa, giữa chúng tôi, bức tường ngăn cách lại được dựng lên. Thậm chí, còn kinh khủng hơn một tí, bức tường ấy làm bằng băng, đụng vào rất ê buốt, chẳng phải chút sương mù của ngày xưa. Những cái vẫy tay được thay dần bằng quay mặt đi như không thấy, như chưa từng quen biết. Đôi khi hai đứa cũng muốn nói với nhau, vì có câu chuyện cần kể ngay, nhưng vẫn phải chờ đến lúc gặp nhau ở nhà, ở ngoài trường, ngoài tầm mắt của đám bạn học ưa chọc ghẹo.

Không biết Bảo cảm thấy thế nào. Tôi thì đã manh nha mệt mỏi. Có phải tôi đang gây phiền phức cho cuộc sống của Bảo không? Tôi cảm thấy một chút tự ái trong mình. Tôi vẫn đôi lần vẫy tay chào nó ở hành lang, nhưng tuyệt nhiên không bắt chuyện, cũng không chờ đợi nó vẫy tay chào đáp lại. Tôi chỉ chào nó như đó là chuyện nên làm, là thói quen khi gặp một người quen nào đó. Tôi cũng tiết kiệm những nụ cười. Còn gì vui vẻ với nhau đâu mà phải nhoẻn cười gượng gạo.

Cứ như vậy, tôi dần đã xếp Bảo thành quá khứ. Dù nó vẫn ở ngay cạnh lớp tôi. Cuối tuần, thi thoảng tôi cũng cùng mẹ đến chơi nhà nó. Hai đứa vẫn thấy nhau mỗi ngày, nghe bạn bè kể đủ thứ chuyện về nhau, vẫn cùng đi học chung lớp bồi duỡng học sinh giỏi. Mỗi đứa ngồi ở một đầu, Bảo với đám con trai nhặng xị của nó, tôi với đám bạn gái thích ăn hàng của tôi. Tôi đồ rằng, đôi lúc ánh mắt chúng tôi có chạm nhau, chúng lặng lẽ liếc một vòng xung quanh, khi đã chắc chắn không ai đang để ý, chúng cụp xuống như cái ngúc ngawnsc đầu, trìu mến và xa xăm.

3.       Lên cấp Ba. Chúng tôi vẫn học sát lớp nhau. Bảo cao lên nhiều. Như khoảng cách vô hình của những năm tháng không nói với nhau một câu. Giữa chúng tôi không phải một bức tường nữa, mà là một ngọn núi. Có lẽ, chỉ mình tôi hay nhớ. Tôi vốn hay hoài niệm. Hay nghĩ chuyện ngay xưa, chuyện hồi nhỏ xíu, chuyện món đồ chơi. Rồi bật cười một mình, vì nhiều điều ngày xưa không hẳn đẹp, mà giờ thấy thân thương quá! Những cái cười ấy đáng yêu và hơi ngốc nghếch. Khi chúng tan rồi, là một nỗi buồn muôn thuở của những người đi qua một điều gì đó: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Chắc Bảo đã quên cả rồi, quên cái súng nước, quên bộ mô hình, quên những thẻ bài, quên cả cái vườn mát rượi, quên những buổi thi ăn cơm nhanh và quên cả tôi ngày ấy. Cứ nghĩ tới đó, tôi tại chạnh lòng, năm than thở

"Tại,tớ hay tại Bảo?"

“Chẳng tại ai hết."

An vỗ vỗ lưng tôi và nói. An là cô bạn thân của tôi, và nó học cùng lớp với Bảo. Đời có nhiều cơ duyên kì lạ ghê.

4.       Có bữa, tôi mua được thẻ bài như trong truyện Vua trò chơi, hí  hửng chạy qua nhà An khoe khoang. Rồi buột miệng một câu.

"Hồi xưa Bảo cũng có một bộ này nè."

An cười, bảo:

"Sao không đi mà khoe với người ta ấy?”

"Bộ muốn là được đâu."

Tôi cự nự. Bất chợt nghe tiếng gọi từ dưới cửa sổ.

"An ơi, cho tớ mượn tập Toán."

Là tiếng của Bảo.

Tôi thấy tay mình run rẩy.

Những cảm xúc rất kì cục. An ngó qua cửa sổ, nói với Bảo điều gì đó. Rồi quay lại cười khì.

"Lần sạu nhắc tiền nhắc bạc nha, không được nhắc mấy chàng xấu trai nữa. Xuống gặp rồi khoe bộ thẻ bài luôn không nè?"

"Tớ không đi đâu.”

Tôi nói và ôm chặt lấy chân bàn học An. Nó cau mặt, đầu tôi một cái.

“Ra cơ sự này chẳng nên đổ lỗi ai hết. Còn duy trì tình trạng vầy, là tại cả hai. Cậu cứ cư xử như thế thì cậu cũng có lỗi, lỗi lớn lắm, biết chưa?

An dập cửa, ôm quyển tập đi xuống nhà. Tôi cứ ôm cái chân bàn, nghĩ điều gì mông lung lắm.

5.       Nắng buổi chiều xuyên qua kẽ tay mẹ, lung linh và dịu nhẹ. Hôm nay nhân được nghỉ làm, mẹ biểu tôi nhấc ghế ra cửa sổ, mẹ ngồi chải tóc cho. Hai mẹ con cứ để thời gian trôi đi chầm chậm lơ đãng vậy! Bỗng dưng tôi muốn thủ thỉ với mẹ như hồi còn nhỏ. Chuyện gì cũng kể cho mẹ nghe, chẳng thấy ngại ngùng, chẳng thấy phiền hà, lo sợ.

"Mẹ ơi."

“Sao con?“

“Chuyện vậy nè, bạn A của con và bạn B của con cùng nắm một sợi dây. Hai đứa hai đầu. Có phải hai đứa cùng kéo thì sẽ đi dần về phía nhau không mẹ?"

Mẹ dừng nhịp lược một giây. Hơi chau mày. Rồi mỉm cuời.

“Đúng rồi con."

“Vậy giả sử bạn B ngại kéo, không chịu kéo nữa.

Bạn A có nên kéo như bình thường không mẹ?"

"Sao mà kéo như bình thường được? Phải kéo mạnh hơn nữa chứ."

Tôi đợi nghe nhịp lược đều trên tóc. Nàng khẽ phơ phất tóc như làn mây mỏng.”

"Vậy bạn A không kéo thì bạn A có lỗi ạ?"

Mẹ cốc đầu tôi.

"Nếu bạn A buồn vì hai bạn không thể tới gần nhau, thì chắc chắn bạn A cũng có lỗi rồi. Sao có thể để niềm vui của mình cho người khác toàn quyền định đoạt vậy được, phải không cọn?"

Tôi chùng lòng hẳn sau lời mẹ nói. Bất đồ tôi nghĩ tới lời An, tới cái chân bàn mà tôi ôm chặt hôm nọ. Bỗng thấy buồn man mác.

"Nhưng lỡ mà B buông dây luôn. Thì A có kéo, cũng chẳng thấy người, chẳng có gì hết, thất vọng lắm, mẹ."

"Chừng nào con chắc chắn về chuyện B buông tay rồi, về việc con có thể vô vọng, thì hãy cân nhắc sau, nghen."

Tôi lặng nghe. Rồi bỗng giật mình.

"A là bạn con, không phải con đâu. Mẹ kì quá!"

Mẹ cười hiền, trầm ngâm nhìn qua cửa sổ, nháy mắt.

"Mẹ xin lỗi. Mẹ biết con gái mẹ sáng suốt hơn A mà."

Nắng tắt dần. Ánh sáng lẩn lút vào đêm. Có nhiều điều chưa nói, nhưng nay có lẽ không cần phải nói gì nữa.

6.       Tôi kể với An về cuộc trò chuyện của tôi với mẹ. An cười nhăn nhở rồi hí hửng nói.

“Đáng ra tớ phải là con mẹ cậu mới đúng.”

Tôi buông nằm lún sâu dưới lớp nệm dày. Mặc cho An nhảy choi choi bên cạnh. An nhảy chán rồi lay tôi dậy.

"Này, cậu không định biết đầu bên kia Bảo có còn nắm sợi dây không à?"

“Chắc nó quăng lâu rồi.”

An chau mày. Rồi lật lật cuốn lịch.

"Đừng có nói chắc cú những chuyện cậu chỉ đoán!”

Tôi mệt mỏi nhìn An. Nó cố vẻ đang rất hứng chí.

"Này nhé, tới tháng sau, cậu sẽ có câu trả lời. Nếu cậu sai, thì cậu phải chép phạt một ngàn lần "Tôi xin hứa từ nay sẽ chủ động với con cá của mình", chịu không?"

An vừa nói vừa chỉ tay vào cuốn lịch. Tim tôi đập mạnh mấy nhịp. Không hiểu cô bạn thân thương của tôi đang dự tính điều gì nữa.

7.       Bẵng một thời gian, tôi không chắc An còn nhớ chuyện cá cược của hai đứa không. Thì một sự kiện xảy ra. Tôi bất ngờ đến mức bất động trong cả phút: Bảo đứng trước cổng nhà tôi. Cao hơn hẳn năm nào, nhưng đôi mắt nó, lạ lùng sao, lại giống như đôi mắt của ngày thơ ấu.

Hôm đó là sinh nhật Bảọ. Tôi đã nghĩ đến nó từ sáng. Và bây giờ là giữa trưa nẳng gắt gỏng. Lưng áo Bảo ướt đẫm mồ hôi. Có vẻ nó đã đạp xe hộc tốc tới đây. Tôi lấy nước mát cho Bảo, lòng tự hỏi rút cục đáng xảy ra chuyện gì.

Bảo nhấp nhỏm trên ghế. Nó ấp úng, rụt rè nhưng lại có vẻ đang bị kích động. Bảo cứ nói câu gì đó, được mấy tiếng lấp lửng, rồi lại thôi. Tôi không cách nào hiểu được. Có lẽ nó đang không tìm được những từ ngữ cần thiết. Cuối cùng, Bảo bỏ cuộc, nó chẳng cố gắng nói nữa. Bảo mở ba lô, lấy ra rất nhiều gói quà. Không lẽ nó lại tới khoe quà. Tôi thầm nghĩ. Quan sát kĩ, có nhiều món trong đống quà Bảo bày ra, giấy gói rất cũ. Như là đã lâu lắm rồi.

Bảo ngập ngừng chỉ vào từng cái.

“Cái này là súng nước, mừng cậu 13 tuổi. Cái này là truyện tranh, mừng cậu 14 tuổi. Cái này là lego đẹp lắm nhé, mừng cậu 15 tuổi. Còn đây là giày, mừng cậu 16 tuổi, mẹ nói cậu sẽ thích. Và cuối cùng là kẹp tóc, tớ tự lựa đó, mừng cậu 17 tuổi.”

Bảo kết thúc bài thuyết trình bằng nụ cuời hơi dè dặt. Tôi vẫn không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng bỗng thấy mình rơi nước mắt.

"Hôm nay là sinh nhật cậu mà!"

"Ừm, cảm ơn cậu. An nói cậu đã phải tìm kiếm rất nhiều mới mua được nó.”

Bảo vừa nói vừa giơ giơ bộ bài. Chính bộ bài tôi đã đem khoe An hôm nọ. Cô bạn láu cá này. Tôi dần hình dung được chuyện gì đang xảy ra. Bảo hơi cụp mắt xuống.

"Tớ xin lỗi, rút cục vẫn là để cậu phải tìm tớ trước."

"Là An. Không phải tớ."

Tôi nói lí nhí. Bảo ngồi lặng yên. Có một chút căng thẳng. Tiện tay, tôi vớ cây súng nước Bảo tặng, hù bắn nó. Bảo né người, nhưng súng chưa được nạp nước, chẳng có gì phun ra cả. Hai đứa cùng phá lên cười. Tôi nghĩ, khoảnh khắc đó, tôi không còn thấy ngọn núi to lớn chắn giữa hai đứa. An đã đập tan sự ngăn cách đó thật láu lỉnh, xấu hổ thay, cả tôi và Bảo, hai người trong cuộc lại chỉ biết mong chờ điều kì diệu xảy ra, từ ai đó không phải chúng tôi. Tôi bỗng muốn rủ Bảo cùng chép phạt câu đã hứa với An. Như là lời tự nhắc nhỏ. Cũng như là kỉ niệm chuyện vui mừng: Điều tan vỡ đã vỡ tan rồi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện