Mùa hè năm ấy quay trở lại

  Trời trưa nắng gắt đổ lửa lên đầu. Tan học, tôi guồng chân đạp thật nhanh về nhà, cảm thấy bức bối vì tiết trời, mồ hôi nhễ nhại. Chẳng hiểu sao hôm nay lại nắng thế, nắng đến chói cả mắt dù mùa hè vẫn chưa bắt đầu. Uống cạn một hơi chai nước mát trong tủ lạnh, tôi cầm thêm một chai nữa lên phòng. Vừa đẩy cửa, tôi sửng sốt đến nỗi đánh rơi chai nước, nhưng không có thứ gì sóng sánh ra ngoài. Hạ đang ngồi trên sàn phòng tôi, duỗi thẳng chân ra. Cậu ấy mặc chiếc áo thun Panda, quần sooc và mang cả giày ba-ta. Tôi đứng nhìn cậu ấy chằm chằm. Hạ giơ tay chào theo kiểu quân đội, nói một tiếng ngắn ngủn:

- Chào.

Thế mà chẳng hiểu sao tôi chỉ muốn vỡ oà. Tôi không thể chịu được ý nghĩ rằng bây giờ đến cả giọng nói của Hạ tôi cũng không còn nhớ nữa.Được một lúc, ngắn thôi, tôi ngưng khóc, nhưng vẫn ngồi quay lưng lại với cô bạn. Hạ vẫn ngồi tư thế cũ, nhìn dáo dác. Cái quạt máy kêu vù vù, nhưng không khí vẫn oi nồng.

- Đừng có khóc nữa.

- Hết rồi.

- Con trai ai lại khóc thế. Mất mặt nam nhi quá.

- Đã nói là hết khóc rồi.

- Cậu vẫn hay khóc nhỉ, lại còn lúc nào cũng thích to tiếng với tớ nữa.

  Hạ cười khúc khích.Tôi quay lưng lại đối mặt, nhìn kĩ cô bạn thêm chút nữa. Đúng là Hạ rồi.- Cậu làm gì ở đây? Mà không, phải hỏi là sao cậu lại ở đây? Làm cách nào cậu lại ở đây? - Không biết nữa. Tự dưng tớ nghĩ mình muốn ở đây, rồi thì tớ thấy mình ở đây.- Cậu...?Tôi muốn hỏi tiếp, nhưng nghĩ lại câu ấy có vẻ khiếm nhã quá nên thôi. Dường như đoán được điều tôi đang thắc mắc, Hạ bảo:- Chỉ có cậu nhìn thấy tớ thôi đấy. Khi nãy, tớ đi từ cửa chính, leo lên cầu thang mà bác gái không nhìn thấy tớ. Tớ nói thế cậu biết tớ là gì rồi, nhỉ?

Hạ đã mất từ bốn năm trước, vào mùa hè, khi học kì hai lớp Tám vừa kết thúc. Lớp chúng tôi rủ nhau đi picnic. Nghe nói các bạn ấy đã đạp xe đi gần hai tiếng đồng hồ từ thị xã đến Suối Đá, một con suối chảy ở trên núi, và đã dừng chân lại đó, ăn món bánh mì kẹp chả rắc muối tiêu đã chuẩn bị, trái cây và hát hò. Ai đó đã dặn đừng xuống chỗ xa bờ, vì có vài chỗ trũng nước sẽ sâu và xoáy mạnh. Nhưng có một số bạn vẫn xuống bơi, mải mê thế nào xa bờ không rõ. Rồi hụt chân.  Nghe kể lại tình hình lúc đó hỗn loạn lắm, tiếng người kêu cứu, tiếng người cứu loạn xa hết lên. Người kể cô bạn bị nước cuốn, người kể bị đuối sức, bị ma bắt... Chẳng biết ai đúng. Lớp tôi năm đó mất hai người. Hôm picnic, tôi bị sốt từ trước nên ở nhà. Bố mẹ giấu tôi chuyện của Hạ. Đến khi tôi biết thì sự việc đã xảy ra được 5 ngày. Tôi chẳng nhớ cảm giác của mình khi ấy là như thế nào nữa. Khi nghe mẹ nói bằng giọng ngập ngừng, tôi đã hết thắc mắc là tại sao Hạ không qua nhà để kể về chuyến đi như cậu ấy đã hứa. Vì cậu ấy đã không quay trở về.

Tôi trở thành hàng xóm của Hạ vào mùa hè năm lớp 7. Công việc làm ăn của bố tôi trên thành phố gặp nhiều khó khăn, rồi phá sản, cuối cùng khăn gói đồ đạc về quê nội làm lại từ đầu. Nhà tôi chuyển đi ngay từ mùa hè nên không kịp nói lời tạm biết với đám bạn học. Ngồi cạnh mấy túi xách của mẹ, nhìn những cảnh vật quen thuộc xa dần, tôi nghĩ đến mấy thằng bạn. Có lẽ chúng nó sẽ ngỡ ngàng lắm khi nhập học rồi biết tôi đã xa tụi nó. Rời xa những con người và khung cảnh quen thuộc khiến tôi trở nên cáu kỉnh, khó chịu.Bố tìm được một công việc kinh doanh nhỏ. Mẹ tôi vay mượn tiền thuê mặt bằng và mở một quầy hàng bán trái cây nhỏ trên chợ. Bố mẹ phải đi suốt nên tôi thường ở nhà một mình. Chỉ có vào buổi tối là cả nhà ba người đông đủ. Tôi quanh quẩn lại chỉ biết chơi trò chơi điện tử cầm tay, tivi, và mỗi chiều lấy đá ném con chó nhà hàng xóm bên trái cho nó sủa inh ỏi. Tên nó là Mi-lu. Có tức giận cỡ nào thì Mi-lu cũng chẳng làm gì được tôi hết. Sợi xích cột chặt vào hàng rào đã khiến nó chỉ có thể chạy được một quãng rồi bị giật lại. Nhà bên phải có cô bạn trạc tuổi tôi. Tôi thấy cô bạn hàng xóm đó hoài. Vì lúc thì nhỏ chạy ra cổng xách phụ mẹ giỏ đi chợ, lúc ra hàng tạp hoá mua đồ lặt vặt cho bố, lúc cầm chổi quét cái sân trước, thi thoảng lại ngồi trước thềm nhà chơi banh đũa. Tôi nghe bác gái bên nhà kêu nhỏ là Hạ.Lần đầu tiên Hạ nói chuyện với tôi là khi đang quét sân, thấy tôi ném đá vào con Mi-lu. Cô bạn dừng tay, chống nạnh.- Cậu ác quá. Sao lại ném nó?- Nhiều chuyện. Ta có ném mày đâu. Khi nào nhà mày nuôi chó, ta sẽ nghĩ tới việc không ném nó nữa mà ném chó nhà mày.Hạ nhíu mày rồi quay ngoắt mặt đi, chẳng thèm đôi co với một kẻ như tôi. Mà tôi thì cũng chẳng thiết tha chuyện đó.Nhưng có một hôm con chó sổng xích. Thế là sau khi tôi ném đá, nó sủa một tràng giận dữ, ào tới. Cũng may mà có cái hàng rào cản lại. Tôi hoảng hồn chạy tọt vào nhà, Hạ trông sang cười khúc khích. Tôi thôi trò ném đá từ đó. Không hẳn là vì sợ và xấu hổ, mà ngay từ đầu, tôi đã biết nó là một trò chơi vô bổ, thậm chí là tàn ác. Nhưng một điều gì tồn tệ khiến tôi không thể dừng lại. Chỉ đến lúc đó tôi mới có một lý do có thể vịn vào đó mà chấm dứt. Lý do về sự nguy hiểm và sự chế nhạo của một đứa con gái.

Mùa hè cũng kết thúc. Tôi bắt đầu phải đi học. Nhỏ hàng xóm nhà bên cũng học chung lớp. Bố mẹ tôi còn nhờ nó giúp đỡ tôi trong việc học tập vì sợ tôi lạ trường lạ lớp. Con nhỏ dạ ngon ơ, ngoan hiền, chẳng để ý đến thù hằn trước đó. Vì là học sinh mới trong khi những đứa khác đã thân nhau 3 năm rồi nên tôi tự dưng trở thành tâm điểm chú ý. Bọn nó dè chừng hoặc ngưỡng mộ tôi. Nhưng rồi chúng nó cũng nhanh chóng lơ tôi khi thằng nhóc mang tiếng dân thành phố mà học hành đứng chót lớp.Tôi thông minh nhưng đâu có thèm học, nên điểm số mấy môn cứ thấp dần đều. Vào bữa ăn tối, bố kiểm tra bài vở tức giận đập bàn làm rung cả chén cơm. Tôi sợ bố kinh khủng nhưng nhất định không thèm học chữ nào. Bố dành hơn hai tiếng để giảng cho tôi về việc bố đã khó khăn vất vả thế nào để cho tôi đi học. "Vậy mà con đền đáp chuyện đó như thế này đây hả?". Tiếng của bố rất to, tôi nghĩ Hạ cũng nghe thấy. Sáng hôm sau đi học, vừa bước ra cửa đã thấy cô bạn dắt xe ra:

- Làm hết bài tập chưa?

- Không làm.

- Ừ, làm gì cho mất công. Với đầu óc như cậu có làm cũng chẳng được điểm cao đâu.

Cô bạn nói tỉnh bơ thế rồi đạp xe đi. Tôi đứng quê một cục, chôn chân trước cửa. Tức khí, tôi dồn hết sức học cho bài kiểm tra môn Toán sau đó, và được điểm 9. Tôi cầm bài kiểm tra giơ trước mặt Hạ cho coi thì cô bạn chỉ cười "Thì sao, ăn may thôi. Lần sau hãy được điểm như thế đi. Lúc đó tớ sẽ thừa nhận, là đầu óc cậu cũng không đến nỗi nào". Từ lần đó, bố tôi hiếm khi nào đập bàn cơm nữa.Chẳng hiểu sao chính thái độ bình tĩnh, lành lạnh của Hạ khiến cái tính nóng nảy của tôi ít khi bộc phát, rồi dần dần lành tính hơn một chút. Cứ như một cơn mưa rào rơi xuống làm cái nắng gắt gao dịu dàng trở lại. Và từ từ, chúng tôi trở thành bạn nhau, theo kiểu oan gia. Tôi rất hiếm khi kể chuyện của mình cho Hạ, trừ cái hôm sinh nhật đầu tiên của tôi ở nhà mới. Bố mẹ mua cho cái bánh kem để trong tủ lạnh. Tôi rủ Hạ sang nhà ăn.

- Tớ nhớ căn nhà ở thành phố.

- Ở Nha Trang ấy hả?

- Ờ.

- Nó có to không?

- Không to lắm. Nhưng có nhiều kỉ niệm ở đó. Tớ thích ở đó.

Và tôi kể cho cô bạn hàng xóm nghe những trận banh với lũ bạn, chơi đến mướt mồ hôi rồi chạy xuống biển tắm rồi lại chạy lên mua kem ăn. Tôi nhớ bọn bạn của mình. Và nhớ ở trước nhà, ông nội có trồng một cây lựu. Tôi thương ông nội lắm. Trước khi ông mất, chiều chiều ông dẫn tôi ra biển để thả diều, tập xe đạp cho tôi. Nhắc tới ông nội làm tôi hơi sụt sịt chút.- Bọn mình đi thăm nhà cậu đi.- Hả?!?- Đi.Hạ nói chỉ một từ mà sức nặng và quyết tâm của nó rất rõ ràng khiến tôi cũng bị thuyết phục. Tôi vét hết số tiền tiết kiệm từ tiền lì xì còn lại, chỉ được gần hai trăm nghìn đồng vì tôi xài lặt vặt nhiều. Hạ lôi con heo đất ra, những hơn năm trăm ngàn đồng. Nhưng rốt cục chuyến đi không mất nhiều tiền đến thế.

Chúng tôi bắt chuyến xe buýt đường dài tìm đường lên thành phố, mất hơn hai tiếng đồng hồ, rồi lại di chuyển tiếp bằng xe buýt trong thành phố. Tôi tìm về nhà cũ của mình, bây giờ đã được bán lại cho người khác. Tôi nhìn căn nhà từ xa, một tí thôi. Hạ chạy lại gần hái một quả lựu cho vào túi. Rồi tôi đi tìm đám bạn cũ nhưng không gặp ai cả, chắc chúng nó đi đâu đó chơi rồi. Chúng tôi đi lang thang và mua cho Hạ một cây kem ở quán mà tôi ăn trước đây. Chúng tôi bắt chuyến muộn nhất về nhà. Lúc ngồi trên xe, tôi nhận ra mình không nhớ chốn cũ nhiều như mình đã tưởng.

- Tớ rất thích căn nhà cũ.

 - Ừ, tớ biết.

- Nhưng bây giờ tớ cũng thích căn nhà mới nữa.

 Tôi nói thêm.Ở trên xe, hai đứa mệt quá nên lăn ra ngủ. Hạ gục đầu vào vai tôi, còn tôi dựa đầu vào đầu cậu ấy. Cho đến khi bác tài đánh thức ở trạm cuối. Bố mẹ hai nhà được một dịp nháo nhào đi tìm. Hai đứa ăn đòn nát mông.Nhưng một mối liên kết thân thiết gắn bó nào đó đã hình thành khi chúng tôi xuống tram dừng, Hạ nhẹ nhàng đặt vào tay tôi quả lựu chín đỏ. Lựu nhà trồng trái nhỏ, hạt cũng nhỏ và chua. Chẳng khi nào tôi hái để ăn cả. Nhưng đó là cây lựu mà ông nội tôi đã trồng.

Khi mở cửa và nhìn thấy Hạ ở đó, tôi có hơi chút hoảng sợ. Nhưng bây giờ thì tôi thấy bình thường, cảm giác như những lần khác cô bạn sang nhà chơi vậy thôi. Hạ đá nhẹ vào chân tôi.

- Định cho tớ ngồi đây mãi thôi à?

- Thế muốn đi đâu?

- Cũng không biết nữa. Mà bên ngoài nắng nhỉ?

- Ừ. Khĩ nãy về nắng chói đến nỗi cứ thấy phía trước cái gì cũng bừng sáng lên. Tớ phải nheo nheo mắt.

- Vậy thôi ở nhà đi.

Hạ nói vậy rồi nằm dài ra sàn phòng tôi. Tôi cũng nằm song song bên cạnh. Chúng tôi nhìn chăm chăm lên trần nhà.

- Mấy ngôi sao dạ quang tớ dán ở đây đâu rồi?

- Lâu quá nên bị bóc ra, rớt xuống nên mẹ tớ dọn phòng vứt rồi.

- Tiếc quá. Tớ đã phải leo lên cái thang cao mới dán được. Cậu còn thích đọc Conan không?

- Vẫn đọc nhưng không thích như hồi đó nữa.

- Cậu hết bị sốt phát ban rồi nhỉ?

- Làm gì có cái sốt phát ban nào tận những 4 năm hả?

Hạ nhìn xuống phía dưới chân. Đầu hai đứa ngang nhau, nhưng chân tôi chạm hẳn vào tường.- Cậu cao quá, và khác nữa. Suýt chút nữa tớ chẳng nhận ra. Ai ngờ cậu lớn lên cũng đẹp trai phết.Tôi định nói Hạ mà lớn bằng tuổi tôi bây giờ thì cũng xinh như cô bạn hoa khôi của khối. Nhưng lại thôi.

- Học hành thế nào?

- Bình thường. Tớ thông minh mà. Bây giờ tớ không lười nữa đâu.

- Ừ, cái đấy tớ thừa nhận. Có bạn gái nào thích cậu không?

- Tớ không biết. Tớ cũng không để ý lắm.

- Nếu cậu gặp ai đó đặc biệt thì cứ thích người ta đi nhé.

- Hạ nè.

- Gì?

- Tớ xin lỗi đã quên mất cậu từng rất thích chiếc áo Panda này.

- Không sao.

- Tớ xin lỗi vì không kịp tạm biệt cậu.

- Không sao.

- Tớ xin lỗi vì có lẽ sau này tớ sẽ quên mất giọng nói của cậu hay những gì tương tự như thế.

- Không sao. Cậu vẫn nhớ tớ đã từng tồn tại trong cuộc đời cậu. Thế là đủ rồi mà.

- Tớ xin lỗi, tớ đã khác đi, tớ đã thay đổi rất nhiều...

- Không sao. Mà cậu phải thế mới đúng. Cậu đang lớn lên, trưởng thành. Không phải vậy ư?!

 Hạ im lặng một chút rồi chậm rãi.

- Thật ra tớ quay trở lại đây để nói lời tạm biệt với cậu, và được nghe lời tạm biệt của cậu. Tớ rất vui vì cậu đã vững vàng hơn tớ mong đợi. Đừng quên tớ hoàn toàn, nhưng mà cũng đừng giữ tớ nhiều đến nỗi cậu không thể bước tiếp, nhé?

- Cậu mãi là người bạn tốt nhất. Tớ ước gì cậu đừng đi mất.

Người bạn thưở ấu thơ của tôi chạm nhẹ vào bàn tay tôi, những ngón tay mát lạnh, nhưng đầy tin cậy. Hạ thì thầm "Tạm biệt". Không hề nghoảnh đầu sang nhìn, nhưng tôi biết cô bạn nhỏ lại một lần nữa biến mất. Thế mà trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi cứ ngỡ những thứ đã trôi qua chỉ là một giấc mơ, và đây mới là hiện tại. Tôi lại thấy mình khóc. Một cơn gió ùa qua, như bàn tay ai an ủi, rồi ào qua cửa sổ làm chiếc rèm cửa lay động. Chỉ còn lại bầu trời ngoài kia chói nắng.Một mùa Hè như mùa Hè này sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa.Tôi biết thế, và mỉm cười, dù lòng buồn mênh mang.  

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện