Khi mệt mỏi hãy trở về nhà
Khi mệt mỏi hãy trở về nhà
Từ trường Tiểu học đi khoảng 300m, quẹo phải, băng qua một cây cầu nhỏ, vòng qua bãi cỏ rộng, tôi nhìn thấy một bé gái đang ngồi khóc trên bậc thềm một căn nhà bỏ hoang. Bé gái mang cặp in hình Pikachu, tóc ngắn sát gáy, trên váy đồng phục còn dính vết bùn do vấp ngã. Con bé khóc rất to, gần như là gào lên. Tôi bước đến gần con bé.
- Đứng lên đi, chị đưa em về nhà.Con bé rụt người lại và lập tức ngùng khóc. Nó không dám nói chuyện với người lạ. Con bé sẽ không đi theo tôi, nhưng tôi có cách - Chị là người quen của mẹ Hương, mẹ Hương với ba Dũng đang lo cho em lắm đấy. Nếu không về thì không kịp ăn bánh flan mẹ Hương làm đâu. Đây là vòng tay của mẹ Hương tặng chị này, em nhận ra không ? Chị không phải người xấu đâu. Dĩ nhiên con bé nhận ra, nó đã nằng nặc đòi cái vòng này lâu rồi và mẹ nó nhất quyết không cho. Nhưng sau này bà sẽ tặng nó làm quà sinh nhật, chuyện này con bé vẫn chưa biết, cô nhóc tạm tin tôi, nhưng nó không đưa tay cho tôi nắm mà đi song song với tôi . - Chị tên Dương. Em tên gì? - Em cũng tên Dương. Tôi chỉ hỏi thế thôi, chứ tôi thừa biết câu trả lời. - Bị lạc em có sợ không? - Có, em sợ lắm. – Con bé thút thít. Tôi len lén thở dài. Nếu con bé biết 8 năm sau nó có ý định tự tử, không biết nó sẽ có vẻ mặt như thế nào.*Từ năm lớp 6 đến năm lớp 11, điểm trung bình môn của tôi lúc nào cũng trên tám phẩy. Huy chương vàng từ các cuộc thi treo đầy nhà, giấy chứng nhận đã tham gia các hoạt động ngoại khóa lấp kín tường. Tôi là lớp trưởng, là đội trưởng ba câu lạc bộ hoạt động đồng thời trong trường. Sau khi tốt nghiệp 12, tôi rớt Đại học. Đối với một đứa trong suốt năm năm ít phải nếm trải cảm giác thất bại như tôi, đó thực sự là một đòn trời giáng. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như mọi người đang bàn tán về thất bại của mình, xì xầm sau lưng tôi rằng tôi là nỗi nhục của gia đình. Những lời an ủi của bạn bè nghe cứ như nhũng tràng chế nhạo inh tai, bất kể biểu hiện nào cũng làm tôi cảm thấy họ đang thương hại tôi. Rồi khi quá sức chịu đựng, tôi nhắm mắt lại, và buông người xuống từ ban công tầng hai của trường học cũ. Khi rơi xuống, tôi lại nhớ đến cái ngày tôi còn nhỏ tôi bị lạc đường và bố mẹ cùng mọi người đã lo lắng cho tôi. Và khi mở mắt ra, tôi đang ở đúng cái ngày tôi đi lạc ấy. Cảnh vật tám năm trước làm tôi nhận ra nơi mình đang đứng, và vì tôi vẫn nhớ rằng cái hôm tôi đi lạc, đã có một người dẫn tôi về nhà, tôi lập tức biết rằng mình nên đi đâu.*Con bé đang đi cạnh tôi đã từng là tôi, là một thời ngây ngô và không hoàn hảo của tôi. Tôi không biết ở hiện tại tôi thế nào, nhưng tôi chắc chắn rằng mình phải đưa cô bé trở về nhà, để mọi thứ khớp với kí ức. Chỉ có điều tôi không nhớ ra người năm xưa đưa tôi về nhà đã nói gì, mọi thứ đều mờ mịt khi tôi gắng nhớ lại. - Chị ơi, chị là nguờỉ quen của bố mẹ em, sao em chưa bao giờ thấy chị? - Chị ở rất xa, vừa về thăm bố mẹ em thôi. - Vậy chị quen bố mẹ em thế nào? - Chị từng là hàng xóm của nhà em, lâu rồi, từ khi em chưa sinh ra cơ. Con bé tôi ngày xưa rất cẩn thận nhỉ, còn biết hỏi dò người khác nữa cơ. Nhưng có hỏi thế nào cũng bằng thùa, có việc gì của nó mà tôi không biết đâu, tôi là nó cơ mà. Thấy con bé mang cặp có vẻ vất vả, tôi bảo nó tháo cặp đưa cho tôi cầm. Con bé lắc đầu, khư khư vác cặp trên vai. - Em sợ chị lấy cặp em rồi bỏ chạy à? Mấy bài kiểm tra với giấy bút đó chẳng bán được nhiều tiền đâu.Con bé im lặng một chút rồi đưa tôi cái cặp. Nó vẫn không chịu nắm tay tôi, nhưng đã đi sát vào người tôi. Hai chúng tôi băng qua bãi cỏ rộng lớn, con bé chịu nắng không quen, mặt đỏ ửng, tôi phải cả cái áo hoodie choàng qua người nó. - Chị Dương, em khát nước. Tôi chợt nhớ ngày còn nhỏ tôi không bao giờ chihết tiền trong cặp. Thế nên tôi mượn tạm con bé ba nghìn đồng, mua hai bịch trà đá và dừng lại vệ đường nghĩ. Trong khi uống nước lấy sức, tôi nói sẽ giúp con bé xem qua bài tập tối nay và lấy tập vở nó ra xem. Không ngờ tôi ngày xưa viết chữ đẹp quá thể. - Em viết chữ đẹp lắm! - Vậy hả chị? Em đang đi thi cuộc thi viết chữ đẹp cấp Quận đấy. Sau này em sẽ làm cô giáo, chữ cô giáo em đẹp lắm. Tôi phì cười, đúng là con nít, thích đi làm cô giáo chỉ vì chữ cô đẹp. Tôi còn chẳng nhớ mình đã từng nghĩ thế nữa. - Thế em không thích làm bác sĩ, làm người mẫu, diễn viên hay nữ doanh nhân sao? - Nữ doanh nhân là làm giám đốc hả chị? Em không thích đâu, em đâu có giỏi Toán, sao làm doanh nhân được. Tôi gật gù, đúng rồi, ngày xưa tôi không giỏi Toán. Tôi rất ghét Toán là đằng khác. Không biết từ bao giờ tôi lại thích Toán nhỉ? Không, tôi đâu có bao giờ thích Toán, tôi chỉ giỏi Toán thôi. Thích nó và chinh phục được nó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đã từ lâu rồi tôi chẳng còn để tâm chuyện mình thích gì ghét gì nữa, tôi chỉ cố hết sức để hoàn thành tốt tất cả mọi việc. Tôi nhìn con bé "tôi" đang uống gần hết bịch trà đá, đôi mắt con bé hấp háy, dường như mọi thứ đang chạy ngoài đường kia đều có sức hấp dẫn với nó. Chẳng cần con bé nói ra, chỉ cần nhìn dáng vẻ của nó cũng biết rằng con bé đang nghĩ đến những điều rất vui vẻ và ngộ nghĩnh. Tôi bỗng nghĩ không biết trong mắt mọi người, tôi là một đứa như thế nào. Giỏi, khỏi phải nói rồi, nhưng trông tôi có tận hưởng niềm vui khi tôi làm tốt mọi thứ không? - Chị, em uống hết nước rồi. Mình đi chứ? Tôi và Dương tiếp tục hành trình. Đáng ra con đường này rất ngắn mới phải, tôi đi xe máy mất có năm phút thôi, không ngờ đi bộ thì nó lại kéo ra dài lê thê thế này. Chúng tôi đã băng qua cầu, đang đi ngược lại hướng trường Tiểu hoc. Trời bắt đầu ngả chiều, chắc bố mẹ đang lo cuống lên rồi. - Dương này, sao em lại bị lạc thế? -Tôi hỏi con bé vì tôi đã quên mất lý do rồi. - Có con chó dễ thương lắm, em muốn nựng nó nhưng nó chạy mất, em đuổi theo rồi không tìm được đường về nữa.Đuổi theo một con chó và bị lạc à, đúng là trẻ con. - Chị có thích chó không chị Dương?-Con bé giương mắt nhìn tôi. Tôi định trả lời thì chợt phân vân, không biết mình thích chó hay mèo nhỉ? Có khi mình không thích chó mèo mà thích chim, chuột, cá hay bò sát thì sao? Làm sao mình lại không biết mình thích con gì được chứ? Bây giờ thì tôi trở nên thật ngu ngốc, một đứa chẳng biết mình thích gì ghét gì, thật vô lý làm sao? - Em á, em thích chó lắm, nhưng mà mẹ không cho nuôi chó. Ba thích chó, nhưng lại sợ mẹ. - Dương này, ngoài bánh flan của mẹ, em thích ăn món gì nữa? - Em thích hủ tiếu, bánh canh, bún bò, bánh bèo, bánh bò, bánh đúc, rau muống... - Thôi thôi được rồi. Tôi từng thích ăn nhiều thứ đến vậy sao? Món gần đây nhất tôi ăn là gì nhỉ? Hình như là một chiếc hamburger Mc Donald, nó có vị thế nào tôi cũng chẳng nhớ nữa, tại sao tôi lại không nhớ nhĩ? Vì lúc đó tôi vừa ăn vừa duyệt kinh phí cho một câu lạc bộ trong trường thì phải. Sao tôi lại không ăn cơm mẹ làm nhỉ? Lâu lắm rồi tôi không ăn bánh flan của mẹ. Chúng tôi đang băng qua sân đá bóng gần trường tôi. Bây giờ sân còn trống rất nhiều và chưa xây rào, bọn trẻ đang đá bóng rất hăng say. Chừng tám năm nữa, phân nửa chỗ này sẽ là bãi đỗ xe cho quán nhậu, những căn nhà gỗ nhỏ và xích đu bằng bánh xe kia sẽ bị lấy đi mất, nhường không gian cho văn phòng thu phí mỗi lần thuê sân. Tất cả mọi thứ tôi đang nhìn đây sẽ biến mất, cũng như mọi sở thích, thói quen và thời thơ ấu của tôi vậy. - Này Dương, em cố gắng học giỏi như vậy để làm gì? Câu này đường như tôi hỏi cho chính tôi, con bé không biết phải trả lời thế nào, nó nghiêng đầu suy nghĩ. Hai tay nó chà chà vào gấu váy, từ bé tôi đã bị bệnh đổ mồ hôi tay mỗi khi cảm thấy căng thẳng. - Chị hỏi vậy thôi. Em không cần trả lời cũng được. Tôi nắm tay con, bé, băng qua đường, tay nó mướt mồ hôi. Tôi chẳng nhớ từ khi nào mình không còn ra mồ hôi tay nữa, vì mẹ đã cho tôi uống thuốc, hay là tôi không còn căng thăng nữa nhỉ? Có khi tôi ra mồ hôi mà không nhớ đó thôi. Từ nãy đến giờ tôi phát hiện, mình chẳng có kí ức rõ ràng về bất cứ thứ gì đã từng trải qua. Tôi sống mà không có mục đích, không có sở thích hay niềm vui. Mọi việc tôi làm đều vô vị, chán chường nối tiếp chán chường, chúng chẳng đem lại cho tôi chút cảm hứng nào. Tôi là một con người nhàm chán, bị kéo lê đi bởi một cỗ xe ngựa những thứ phải làm, mà chính tôi cũng không rõ cỗ xe ấy từ đâu mà ra. Đã thế tôi còn vì mấy việc không tên đó mà chán nản đến muốn tự tử. Bỗng nhiên tôi cảm thấy trống rỗng cùng cực, các tế bào và suy nghĩ, xúc giác của tôi như bị kéo tuột hết ra ngoài, giống như một cái vỏ khô héo của loài ve sau khi thoát xác vậy. Dương thấy tôi đờ ra thì lay lay tay tôi. Tôi dừng lại, kéo con bé vào một chỗ có mái hiên chìa ra, tôi biết trời sắp mưa, mà con bé có vẻ đang mệt lắm rồi. - Sao mình dừng lại vậy chị? - Trời sắp mưa em ạ. Quả nhiên trời mưa lác đác, rồi những hạt mưa thi nhau rơi xuống. Chẳng mấy chốc chỗ chúng tôi đứng đã đầy người trú mưa, nhưng họ cũng vội vã chạy đi nơi khác, vì mái hiên nhỏ bé chỉ đủ chỗ cho hai người. - Dương này, trường học của em có thú vị không? - Lớp em vui lắm, em làm tổ trưởng đó, nhưng mà em không ghi tên ai vào sổ kỉ luật đâu. Tại đôi khi em cũng nói nhiều nữa. Hôm nay trong giờ ra chơi, cô giáo cho em cái bánh bông lan ngon lắm, nên em chia cho cô cây kẹo của em. Con bé cứ nói liến thoắng, còn tôi ngồi xuống bên cạnh, và lắng nghe. Tiếng nói ngày bé của tôi, thời mà tôi còn hăng say và háo hức với tất cả mọi thứ. Tôi làm mọi việc vì tôi thích nó, và tôi yêu cái cảm giác được dốc sức làm một việc nào đó. Thật lạ là khi còn bé thì ta thấy việc gì cũng vui, cũng mới lạ, có lẽ việc biết qua nhiều sự thật làm cho 1 ngưòi ta cảm thấy không còn hứng thú nũa. Dương vẫn đang nói về truờng lớp của nó, thấy tôi chỉ ngây ra nhìn mà không nói, con bé dần im lặng.Mưa đang rơi nặng hạt hơn, con bé bỗng hỏi tôi: - Vậy trường của chị Dương có vui không? - Chị à, chị không đến trường nữa. Điểm của chị thấp, nên người ta không cho chị đến trường nữa. - Sao người ta kì cục vậy? Ở lớp em có một bạn bị điểm thấp nhất lớp luôn, mà cô giáo lúc nào cũng động viên bạn ấy. Bạn ấy đâu có bị đuổi học. - Nếu em bị điểm thấp, em có buồn không? - Mẹ đã nói, chỉ cần em ngoan, biết nghe lời và đừng làm chuyện xấu là mẹ vui rồi, nên nếu có bị điểm thấp, em cũng không buồn lắmđâu. Buồn tí ti thôi. Chị Dương đừng buồn, chị ngoan và làm chuyện tốt là được. Rồi con bé nắm lấy tay tôi, vỗ vỗ lên đó như an ủi. Từ khi trở nên xuất sắc, chưa ai an ủi tôi mỗi khi tôi kiệt súc, mỗi khi mọi việc đè nặng lên vai tôi. Người ta nghĩ chuyện tôi phải hoàn thành mọi việc là chuyện vô cùng bình thường bởi thế tôi nghĩ mình phải đơn độc gánh vác mọi thứ cũng là chuyện bình thường. Thì ra tôi còn có thể được an ủi, được ai đó vỗ lên tay và nói rằng chỉ cần tôi ngoan và làm tốt là được.Tôi không đưa con bé về truờng mà đưa nó về thẳng nhà, vì tôi nhớ mang máng lúc tôi trở về nhà, bố mẹ đang ở dó. Tôi trả cặp lại cho con bé, còn Duơng đưa lại tôi chiếc áo hoodie, con bé đã thân thiện hơn lúc đầu. Trẻ con luôn vô tư như thế, bây giờ nhìn con bé, tôi lại thấy chán ghét mình sau này. - Chị Dương có đến chơi với em nữa không? - Chắc chị không đến nữa đâu, chị lại bận rồi. - Vậy ạ? – Con bé ỉu xìu. - Nhưng mà sau này chắc chắn là em sẽ gặp lại chị đấy. - Chỉ cần em nhớ nhìn vào gương. - Thế ạ? - Dương nhoẻn miệng cười. Đã gần đến đầu đường vào nhà cũ của tôi, lúc này mọi người chắc hẳn đang chạy tứ tán khắp nơi rồi, chỉ cần đưa con bé đi thêm 200m nữa là tôi có thể đi. Thế nhưng tôi lại luyến tiếc, tôi không muốn trở về nữa, tôi muốn sống lại là tôi từ ngày bé. Một tôi thật đơn giản, không suy nghĩ nhiều, không áp đặt bản thân, không tự kéo mình vào đủ thứ việc rắc rối không tên nữa. Tôi sẽ nhớ lại tôi từng thích những gì, từng muốn làm gì nhất, và nhất định sẽ tận hưởng mọi thứ lại từ đầu, từ khi chúng còn là những mẩu vụn vặt nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa như thế. Tôi sẽ đến trường, học những điều cần thiết, vui chơi nhiều hơn, bỏ vài bài tập về nhà, cúp vài buổi học, chọn một việc mình yêu thích và suốt ngày chỉ làm việc đó thôi. Mọi việc sẽ bắt đầu lại từ đầu, thật vui vẻ và có mục đích nhất định để theo đuổi. - Chị Dương, hình như mình sắp về đến nhà rồi- Dương kéo kéo tay tôi.- Nếu có một ngày em thất bại và có cảm giác không thể nào bắt đầu lại được nữa, em không thể tin vào ai nữa, mọi việc thật tồi tệ, em sẽ làm gì?Dương tròn mắt nhìn tôi. Và rồi con bé hỏi : - Đó là những viêc đang xảy ra với chị sao? - Ừ. - Lúc nào em cảm thấy buồn lắm lắm, thì em chỉ việc chạy về nhà với bố mẹ thôi. Em ôm bố mẹ, và em thấy hết buồn. - Nếu bố mẹ không muốn ôm em thì sao? - Không đâu, bố mẹ em nói là lúc nào bố mẹ cũng thương em hết, dù em lùn béo hay ngốc nghếch thì bố vẫn thương em nhiều nhất. Bố mẹ chị Dương chắc chắn cũng thương chị Dương nhiều nhất, hay bây giờ chị Dương chạy về liền với bố mẹ đi, chị Dương đi lâu chắc bố mẹ cũng nhớ chị lắm đó. Trời mưa lất phất, tôi chỉ ước cho trời mưa to hơn, vì như thế sẽ không ai nhận ra là tôi đang khóc. Tôi cứ thế nắm tay một con bé 10 tuổi, khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Tôi đã đi một quãng đường quá xa, quá mệt mỏi, chỉ đến khi tôi sụp đổ mới biết được mình vẫn còn những gì quý giá nhất. Dương bé nhỏ bối rối đưa tay vuốt lưng tôi, còn tôi cứ thế khóc mà chẳng để ý những người chung quanh nghĩ gì. Hẳn đó là trận khóc lớn nhất đời tôi. - Em này, hãy hứa với chị, khi nào em mệt mỏi, hãy về nhà em nhé! - Em hứa. Sau đó tôi bảo con bé tự đi vào nhà, còn tôi đứng tại chỗ quan sát. Tôi thấy bố mẹ chạy từ trong nhà ra, bố chạy ra đầu tiên, vấp váp suýt té, còn mẹ cuống cuồng đến nỗi đầu tóc lộn xộn, mặc ngược cả áo. Còn tôi 10 tuổi hoàn toàn chẳng hề sợ sẹt, và đúng lúc con bé quay lại chỉ cho bố mẹ thấy người đã dắt nó về nhà, tôi thấy mọi vật nhòa đi, tan biến.***Khi lấy lại được ý thức, tôi thấy mình nằm trên giường bệnh, tiếng tít tít kêu lên đều đặn. Cả bố mẹ đều lo đến rạc người. Lúc thấy tôi tỉnh lại, bố lao vào phòng nhanh đến nỗi suýt vấp bục cửa, còn mẹ đầu tóc rối xù, áo lộn trái. Bố mẹ khóc nức nở, còn tôi bị bố mẹ ôm đến nghẹt thở, nhưng không hiểu sao tôi thấy lòng mình thanh thản lạ. Cứ như ngày nhỏ, khi tôi bị lạc, một người lạ mặt dắt tôi về, và bố mẹ cũng ôm tôi thế này. Lúc đó tôi đã tự nhủ, dù sau này có gặp phải bất cứ chuyện gì tuyệt vọng đến đâu, chỉ cần tồi về nhà ôm bố mẹ thế này, tôi sẽ có sức lực để băng qua 100 chuyện tuyệt vọng như thế nữa. Lúc này tôi dã nhớ rất rõ chuyện ngày còn bé rồi, người lạ mặt đó giống hệt tôi bây giờ, và người ấy chắc chắn đã bắt tôi hứa khi nào mệỉ mỏi, phải trở về nhà. Vì thế, bây giờ tôi trở về nhà đây, tôi sẽ không đi lạc nữa đâu, tôi hứa đấy!