Bình Minh Ấm
1.Ngày nhận lớp năm lớp 10, Lan, Giang, Huy, nó được xếp ngồi chung một tổ, và bọn nó nhanh chóng thân. Bọn nó chơi vô tư. Lan xinh và học giỏi. Huy thì hài kinh. Giang và nó lại là một cặp vừa vặn, tuy chẳng nổi trội về bất cứ khoản nào.
Cuối năm 11, mùa thi đã ở rất gần. Dù chẳng nói ra, nhưng đứa nào cũng lo lắng. Nhóm họp mặt ở nhà Lan, quyết làm một bữa liên hoan ra trò trước khi nhảy vào "chảo lửa". Năm ngoái, thấy mấy anh chị 12 ôn thi mà sợ. Có anh học 12A4 chẳng hiểu lúc gần thi căng thẳng thế nào mà lăn đùng ra ngất xỉu, bỏ cả thi. Chiều muộn, tiệc tàn, cả bốn đứa lặng yên ngồi trên ban công nhìn nhau rồi buột miệng thở dài một cái. Đã thế lại còn sắp ra trường nữa chứ.
Huy, Lan và nó ở gần nhau, xa nhất là Giang. Vì nhà cậu ấy cách khu chung cư của ba tên còn lại những hai cây cầu. Có những đêm cả nhóm đang chong đèn giải đề thi thì đùng một cái tin nhắn của Giang bay tới: "Họp mặt gấp, ở sân bóng gần khu C1, nhà Lan!". Nó, Huy, Lan lật đật ra chỗ hẹn. Tới nơi thì thấy Giang cười như pháo rang: "Ăn bánh mì và uống cà phê sữa nhé mọi người, xong rồi...đi ngủ!". Đoạn, cậu ấy lôi đồ ăn từ trong giỏ xe ra, hăm hở xếp gọn lên bàn đá. Cả bọn chia nhau đánh chén, ai cũng díp mắt lại vì buồn ngủ và mệt, nhwung vui. Nó thích những khoảnh khắc cả bọn được ngồi cùng nhau, giữa những ngày nước sôi lửa bỏng thế này, và chẳng mảy may nghĩ ngợi điều gì cả.
Trong nhóm, nó là đứa ít nói nhất, và cũng sống nội tâm nhất. Giang bảo, con gái sống nội tâm thì rất mau buồn, cả nhạy cảm nữa. Nhưng nó vẫn thích thu mình vào thế giới riêng, để cảm nhận niềm vui và nỗi buồn thật trọn vẹn.
Gần tới ngày thi giữa kì, nhóm bắt đầu ít họp mặt. Cả Giang và nó cũng thế. Hoặc nếu có tụ tập thì cũng chẳng đầy đủ bộ tứ như trước đây. Đôi khi, bốn cặp mắt vô tình giao nhau giữa lớp, hốt hoảng cùng nhận ra bọn nó đang bị cuốn vào vòng quay, và thời gian thì không còn bao lâu nữa. Nó và Huy thi ban B. Giang và Lan chọn thi ban A. Tan học, bọn nó chia làm hai ngả. Nó và Huy rẽ trái. Giang và Lan rẽ phải. Chạm tay nhau trước cổng trường một cái để lấy tinh thần rồi sau đó tất tả "chạy sô".
Một ngày cuối tháng chín, Huy bảo đang stress và muốn rủ nó đi chơi. Cậu ấy kéo nó chạy vèo vèo qua mấy dãy bán đồ tre nứa, mua một cặp lồng đèn bằng tre rồi dúi vào tay nó:
- Đem về treo trong phòng, thích thì thắp nến lên, đẹp lắm!
- Ơ. Hết mùa Trung Thu rồi mà?
- Vớ vẩn. Ai bảo lồng đèn chỉ dành cho mỗi mùa Trung Thu? Thích thì chơi mùa nào chẳng được.
- Ừ nhỉ?
Nó bảo cô bán hàng cho đổi lại màu. Một nâu và một xanh cốm. Nó sẽ tặng Giang một cái. Lâu rồi không hẹn nhau.
Huy lại kéo nó đi ăn uống một chặp nữa rồi mới chịu tha cho nó về. Lúc nó chuẩn bị đóng cổng, Huy ngập ngừng định nói điều gì đó. Nó nheo nheo mắt chờ đợi. Nhưng cậu ấy chỉ đưa tay lên gãi tai rồi bảo:
- Lo học đi. Thi trượt là ở lại năm sau một mình.
- Ừ. Cậu cũng thế.
Huy về. Nó nhướn mắt nhìn theo cái dáng lêu nghêu ấy cho đến khi khuất hẳn. 12, có những điều thật giản đơn bỗng nhiên khó nói lạ kì. Nó định bảo với Huy rằng nó thèm họp nhóm như ngày xưa. Ừ, bận thì bận thật. Nhưng gặp nhau rồi cùng nhau ăn chung một ổ bánh mì, nhâm nhi môtly cà phê, năm mười phút thôi cũng được. Khó khăn đến thế sao?
Tối, xếp bộ đề thi qua một bên. Nó lôi một tờ báo cũ ra đọc, nghe một bản nhạc pháp vui tai, rồi với tay lấy điện thoại, bấm số của Giang. Tiếng gió ù ù. Hình như cậu ấy đang đi ngoài đường thì phải. Nó ngập ngừng rủ Giang đi ăn. Cậu ấy ngẩn ra một chút, rồi bảo đang chở chị họ đi xem đồ nội thất, rối rít xin lỗi rồi hẹn vào một tối khác thảnh thơi hơn. Nó ừ, vội cất chiếc đèn lồng màu nâu vào ngăn tủ quần áo. Trở lại bàn, nó chăm chú đọc tiếp cuốn báo cũ, nghe nốt khúc cuối của bản nhạc Pháp vui tai. Chẳng có chữ nào nhập vào đầu, còn nhạc thì cứ trôi tuột qua tai. Nó thở hắt ra. Chợt thấy hơi buồn và nhớ cậu ấy kinh khủng. Vớ tạm chiếc áo khoác mỏng, thêm ly cà phê sữa mẹ pha cho ban nãy, nó nhẩn nah khép cửa rồi đi thang máy xuống khuôn viên. Lớp cỏ ướt mềm dưới chân khiến nó tỉnh táo hẳn. Phía xa, ngay khung thành của sân bóng cũ, có một cặp đnag hát khe khẽ cho nhau nghe. Nó tủm tỉm cười. Ngày xưa, Giang cũng hay hát cho nó nghe như thế. Cậu ấy hát tiếng Anh hay tuyệt. Bọn nó đã có thời cũng sến sến như thế này.
Nó xốc lại cổ áo, cố tình đi dấn thêm một đoạn nữa để nhìn cho rõ cặp đôi nhí nhảnh. Tới gần cột mốc đánh dấu khu vực khung thành, tim nó bỗng run lên. Hơi lạnh ban đêm thấm dần vào lớp áo khoác mỏng tang khiến nó co mình lại. Kéo mũ sụp xuống để che khuất khuôn mặt còn chưa hết bàng hoàng, nó vội vã quay lưng. Dưới ánh đè cao áp, những hạt mưa bay đang kết lại thành một lớp sương mờ ảo. Nó nắm chặt lấy điện thoại, run run bấm số của Giang, và gửi đi tin nhắn ngắn nhất có thể: "Chuc cau mot buoi toi that vui".
Đó là lần đầu tiên nó cảm thấy tổn thương vì một lời nói dối. Không phải từ một, mà là những hai - hai người bạn-rất-thân của nó. Một buổi tối thật buồn, khi màn bí mật được vén lên, một cách tình cờ.
Sáng chủ nhật, nó quyết định một mình bắt xe đi Nha Trang. Đơn xin phép nghỉ học, nó đã gửi mail cho Huy từ đêm trước. Nó thu xếp hành lý rất nhanh và thậm chí chẳng có thời gian để đánh thức con miu đang ngủ say. Đó là chuyến xe đi Nha Trang sớm nhất trong ngày. Một ngày đầu tuần hanh nắng và gió thì chẳng biết đi lạc nơi đâu. Nó xốc ba-lô nặng trịch, đựng toàn tạp chí với sách lê chỗ nằm. Hơi chật chội một tí, nhưng nó cần đọc, để lấp đầy cái đầu rỗng tuếch trong lúc này và trong tất cả những khoảng thời gian trống còn lại. Khi không thế quên, tốt nhất là tìm cách lấp đầy.
Vừa leo lên chỗ nằm, nó khẽ kéo rèm cửa - chỉ chừa một khoảng vừa đủ để nhìn ra khung cảnh đang lao đi vùn vụt bên ngoài - và khóc. Nước mắt làm mờ ô cửa kính. Cây cối, nhà cửa hai bên đường dần nhòe đi. Cảm giác bị phản bội khiến nó nghẹt thở. Điện thoại đổ chuông. Huy gọi. Nó tắt máy, trùm mền và thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Xe dừng lại ở Nha Trang vào lúc năm giờ chiều. Nó bắt xe ôm chạy một mạch ra biển. Gió lùa mạnh làm mớ tóc rối tung. Cát dưới chân mềm ướt, nắng nhạt dần, và biển vẫn rì rầm phía xa. Một cánh hải âu vụt bay qua ngang đầu. Mùi của biển. Nó nhắm mắt lại và tự thưởng cho mình vài giây trống rỗng ngắn ngủi. Huy bảo, lúc cảm thấy tâm trạng tệ nhất thì hãy cố gắng học cách làm trống bộ nhớ của mình. Có những lúc, không phải mình cứ cho tình cảm và niềm tin đi là người khác sẽ nhận. Dù món quà đó, mình đã nâng niu và trân trọng biết nhường nào.
Sóng vỗ ì oạp từ xa, rồi lại gần, nghe du dương như một bản nhạc chiều êm dịu. Nó lại xốc ba lô lên và đi, càng đi càng thấy bãi cát trải dài ra vô tận. Một chiếc vỏ ốc lẫn trong cát trắng khẽ cứa vào chân đau nhói. Nó nhặt lên, thổi phù phù lớp cát khô dính trên bề mặt rồi nheo nheo mắt nhìn. Một con dã tràng đang loay hoay tìm lối ra trong đó. Mắt nó chợt cay cay. Cảm giác này đâu phải của riêng ai. Rồi ai cũng sẽ phải trải qua, ít nhất một lần trong đời. Ở tuổi 17, hoặc xa hơn thế.
Tối, Huy lại gọi. Nó bắt máy. Thấy buồn cười vì giọng cậu ấy cứ quýnh lên:
- Đang ở đâu? Sao gọi mãi không thấy trả lời? Gì thì gì cũng phải bắt máy hay nhắn tin một phát chứ. Lo phát điên!
- Không thích dùng di động, vì đang du lịch một mình. Sao nào?
- Chả sao cả. Chả việc gì mà phải bỏ đi như thế.
- Không phải bỏ đi. Mà là đi tìm.
- Tìm gì? Tìm niềm tin bị đánh cắp?
- Không. Đi tìm mùa hè thiên đường muộn. Được chưa?
- Nói thế còn nghe được. Ngủ sớm đi. Sáng mai còn tranh thủ ra đảo chơi cho biết.
- Ừ. Bye nhé!
Nó không tắt máy nữa, vì còn phải để chuông báo thức cho buổi sáng ngày mai. Ngoài ban công, biển đêm vẫn rầm rì như đang kể cho nhau nghe một câu chuyện bí mật.
4. Bốn giờ sáng. Nó bị đánh thức bởi một cuộc gọi. Tiếng Huy gấp gáp:
- Ra biển mau, gần khu tượng đài ấy.
- Sao? Có bão à?
- Cứ ra thì biết!
Nó lồm cồm bò dậy, đánh răng rửa mặt, khoác tạm cái áo sơ mi mỏng cho đỡ lạnh. Ngoài kia, bình minh vẫn chưa lên. Chạy thục mạng tới gần khu tượng đài, nó bất giác hét toáng lên khi vừa nhìn thấy cái tướng cao nghều của Huy đang chạy loăng quăng trên cát, như một tên dã tràng phởn chí vào một buổi sớm mai. Huy nhìn nó, ngoác miệng ra cười:
- Độc ác! Đi hưởng thụ một mình à?
- Ừ. Bây giờ thì lại chán rồi. Vì sắp mất tự do! - nó cũng ngoác miệng ra cười.
Bảy giờ sáng. Bọn nó mua vé ra đảo. Ngồi trên mạn thuyền, nghe sóng đánh ầm ầm dưới chân, nắng đang lên trên đầu và gió thì mơn man trên tóc, nó buột miệng hỏi Huy:
- Sao biết tớ đi Nha Trang?
- Nghe qua điện thoại. Có một ai đó hỏi lễ tân vé từ Nha Trang vào Sài Gòn. Hề hề. Thông minh từ nhỏ!
- Gớm. Thế lỡ không phải, hoặc nếu phải nhưng tớ lại tắt máy cho đến khi về thì sao?
- Chả sao. Có duyên thì sẽ gặp.
Nó lặng im. Một chốc, Huy quay sang, nói khẽ:
- Cuộc sống này sẽ còn nhiều điều bất ngờ lắm.
- Ví dụ như?
- Như đang thích một người và thấy vui khi người đó lại đang thất tình một người khác chẳng hạn.
- Sao lại vui?
- Thì mình sắp có cơ hội chứ sao!
Ngẩn mặt ra vài giây, nó chợt quay sang nhìn Huy chăm chú, mắt tròn xoa như hai viên bi ve:
- Vậy ra...
- Ừ.
- Tại sao...?
- Chẳng sao cả!
- Nếu lỡ...
- Cũng chẳng sao. Nếu tình cảm và niềm tin mà mình cho đi bị từ chối, cũng coi như một lần...tập dượt để lấy kinh nghiệm. Dù là tình bạn hay tình yêu, bị thử thách cũng là một điều rất đáng để trải nghiệm.
Một buổi sáng kì lạ. Cảm giác tồi tệ bỗng trở nên trong veo chỉ sau mười mấy tiếng ngắn ngủi. Nó đã tưởng mình thậm chí còn chẳng đủ dũng cảm để quay về, trở lại trường và nhìn thấy hai người bạn thân đã dối nó. Cho đến khi Huy xuất hiện và kéo nó ra khỏi căn hầm tối, cho nó thấy hơi ấm của nắng, vị mặn nồng của gió biển, và một cảm giác không hẳn là mơ màng. Cậu ấy đã kéo nó về nơi bắt đầu, của niềm tin và những cảm xúc trong veo trước khi nó cảm nhận rõ ràng mọi thứ đang sụp đổ.
Huy dắt nó đi về phía cuối con thuyền và chỉ tay về hòn đảo gần nhất đang dần hiện ra rõ nét. Có thể, nơi nó sắp đến sẽ là nơi bắt đầu. Tìm một nơi nào đó để bắt đầu, có lẽ sẽ tốt hơn là ngồi gặm nhấm sự tổn thương.
Nơi mùa thu bắt đầu, nơi tình yêu bắt đầu.
Nắng đã lên, dát vàng lên mặt biển xanh thẳm.
Mayy